Tạp chí Sông Hương - Số 235 (tháng 9)
Một sự thể nghiệm phân tâm học Freud trong văn học Việt Nam (*)
17:14 | 30/09/2008
TRẦN THỊ THANH NHỊ “Tôi bị thôi thúc bởi một thứ khao khát hiểu biết có liên quan đến những quan hệ giữa người với người hơn là với các đối tượng tự nhiên.”(Sigmun Freud)


Học thuyết S.Freud ra đời ở châu Âu cuối thế kỉ 19 được xem là bước ngoặt của thế kỉ trong việc khám phá con người. S.Freud đã cung cấp cho nhân loại một công trình tuyệt vời để hiểu đến chỗ thẳm sâu nhất của tâm hồn nhân loại. Lý thuyết của ông đã đề cập đến vấn đề nhạy cảm nhất của tâm hồn nhân loại và bị lẩn tránh nhắc đến nhất lúc bấy giờ là vấn đề tình dục. Có thể xem Freud là một trong những người tiên phong căng buồm đến khám phá đại dương mờ tối, bí ẩn của vô thức. Với vai trò như sợi dây Adrian , Freud đã dò tìm ra con đường khám phá thế giới bên trong chưa từng biết tới của con người. Công lao của ông không chỉ dừng lại ở việc khám phá chinh phục mà ông đã soi sáng thế giới ấy để cả nhân loại được biết. Ánh sáng diệu kì ấy phát ra từ trí tuệ tuyệt vời và đã để lại các công trình danh tiếng như: Những nghiên cứu về Hysteri (1885), Nghiên cứu về chứng loạn thần kinh (1885), Ba tiểu luận về tình dục (1905), Dẫn luận phân tâm học (1910), Vật tổ và cấm kỵ (1913), Nguyên tắc thực tiễn và nguyên tắc khoái lạc (1920), Những bài giảng mới về phân tâm học (1932)...

Trong các công trình của mình, Freud đã đề cập đến những vấn đề quan trọng làm thế giới kinh ngạc: Sự hiện hữu của một tâm linh vô thức, sự can thiệp của vô thức vào đời sống ý thức. Tâm linh ý thức của chúng ta có thể tạo nên nhiều lý lẽ rất hợp lý nhưng giả tạo và bịa đặt. Ông chia kết cấu con người ra làm ba hệ thống: hệ thống ý thức, hệ thống tiền ý thức, hệ thống vô thức. Ông đi sâu vào tìm hiểu về vô thức con người từ đó lý giải căn nguyên bệnh tâm thần. Ông cũng tìm hiểu và lí giải nhiều về giấc mơ. Giấc mơ là sự trung gian giữa cuộc sống của những tình cảm được che giấu và cuộc sống được đem đặt dưới sự chi phối của lý trí chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể học được nhiều điều mà khi thức chúng ta từ chối không muốn biết. Không một giấc mơ nào hoàn toàn phi lý, mỗi giấc mơ với tính cách là một hành vi tâm linh trọn vẹn, có ý nghĩa chính xác. Mọi giấc mơ tiết lộ ý muốn thân tình nhất vì vậy giấc mơ là các van tình cảm giúp giải phóng tình cảm của chúng ta khỏi những ám ảnh, phiền muộn bị nhốt cả ngày. Theo Freud, Tính dục (Libido) điều khiển vô thức theo một cơ chế nhất định. Thứ nhất là nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại. Nguyên tắc khoái lạc là chỉ những hành động nhằm giảm bớt những căng thẳng đau đớn của cơ thể và đem đến những khoái lạc nhưng quy phạm xã hội buộc con người từ bỏ và thay vào đó là những quy phạm tập thể (Nguyên tắc thực tại). Thứ hai là: Bản năng sống và bản năng chết. Nguyên nhân xuất hiện của những bản năng này là do con người phải duy trì giữa ham muốn cá nhân và thực tế cuộc sống. Một trong những điểm chính của lý thuyết Freud nêu ra là sự lý giải về sự xung đột của Cái Ấy (Id), Cái Tôi (Eg) và Siêu tôi (Superego), giữa các xung năng và các lực dồn nén. Sự hình thành, phát triển tạo ra sự cân bằng giữa ba yếu tố cũng là giai đoạn phát triển nhân cách (Theo Freud là bốn giai đoạn: Giai đoạn miệng, giai đoạn hậu môn, giai đoạn âm và giai đoạn dương vật, giai đoạn dậy thì). Đóng góp của Freud thể hiện trên nhiều phương diện: y học, tâm lý học, triết học, xã hội học, văn học nghệ thuật.

Ở Việt , có nhiều tác giả giới thiệu chủ nghĩa Freud cũng như vận dụng vào phê bình sáng tác. Các tác giả và các công trình tiêu biểu như Nguyễn Hảo Hải (Người đàn ông có nhiều ảnh hưởng đến văn chương: Sigmun Freud), Phạm Minh Lăng (Sigmun và Phân tâm học),Nguyễn Ngọc Bích (Tâm lí học nhân cách), đặc biệt là Đỗ Lai Thúy với các công trình biên soạn: Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Phân tâm học và văn hóa  nghệ thuật, Phân tâm học và tình yêu. Góp phần và khẳng định vị thế của mình vào dòng chảy này là nhà nữ nghiên cứu trẻ TRẦN THANH HÀ với công trình Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt .

Phân tâm học là lý thuyết khổng lồ của một người khổng lồ thế kỉ 19, dung lượng 139/348 trang của cuốn sách này quả là nhỏ bé. Tuy vậy, Trần Thanh Hà đã tỏ ra là một người biết thẩm định và chọn tinh những vấn đề cốt lõi nhất để giới thiệu cùng bạn đọc. Chẳng hạn: Sự ra đời và phát triển của phân tâm học, vô thức, giấc mơ, nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại, bản năng sống và bản năng chết, tính dục, những vấn đề đời sống văn học liên quan đến tính dục bộc lộ qua tôn giáo, đạo đức, văn minh, văn học nghệ thuật. Vì thế nó đáp ứng nhu cầu cho những người bước đầu tìm hiểu phân tâm học cũng như có cái nhìn tổng quát về nó.

Phần thứ hai, tác giả chứng minh sự thể hiện của học thuyết này trong văn học Việt . Có thể nói, ở Việt chưa có công trình nào lớn, đáp ứng một lúc hai yêu cầu là tầm rộng và độ sâu để thể hiện ảnh hưởng của chủ nghĩa Freud vào văn học Việt . Sự căng thẳng và áp lực chắc hẳn đã đè nặng lên đôi vai nhà nữ nghiên cứu trẻ. Nhưng, như Stephan Zweig đã viết về Nietzsche: “Cái búa càng nện mạnh xuống ông thì cái khối đồng thau của ý chí ông càng vang vọng trong suốt hơn”, sự căng thẳng, áp lực, khó khăn không hề làm người viết lùi bước mà càng tăng thêm một ý chí, lòng nhiệt tâm cho sự ra đời của một công trình đáp ứng tính thời sự này. Thành công của quyển sách không thể không công nhận, Trần Thanh Hà đã dày công cố gắng chứng minh sự thể hiện của học thuyết Freud vào văn học Việt ở nhiều khía cạnh. Bên trong mỗi luận điểm lớn ấy là một hệ thống mạng lưới các luận điểm nhỏ hơn giăng mắc tạo thành một kết cấu mạng lưới chặt chẽ, khoa học. Mỗi luận điểm riêng nhưng hòa bện, đan kết vào nhau, nâng đỡ làm khai sáng lẫn nhau. Trần Thanh Hà tỏ ra là một nhà khai quặng triệt để, chịu khó, không chỉ thỏa mãn với những kết quả ban đầu tìm kiếm được. Sức dẻo dai, tinh tế của một người phụ nữ; ý chí của một người đàn ông; sự sắc sảo, tài hoa của một nhà nghiên cứu đã đẩy những phát hiện của chị đến tầm sâu cốt lõi của vấn đề. Nếu Freud dò đến đáy sâu tâm hồn nhân loại thì Trần Thanh Hà cũng dò tìm đến những điểm sâu nhất biểu hiện của nó trong văn học Việt . Vì thế, giấc mơ không chỉ dừng lại ở “chức năng điềm báo, màu sắc tôn giáo, bộc lộ niềm tin tín ngưỡng, gửi gắm khát vọng công bằng hạnh phúc của người lao động” (tr248) mà là những giấc mơ tình dục, giấc mơ ám ảnh, giấc mơ khát vọng. Qua cái nhìn sắc nhọn của Trần Thanh Hà cách xử lí tính dục của các nhà văn hiện lên chính xác: “Với Phạm Thị Hoài khi phản ánh con người bản năng xuất hiện trong xã hội đương thời thì bản năng mà chị muốn nói đến bao gồm “mọi lạc thú ăn ngủ đụ ị ở đời” (Mari sến - Phạm Thị Hoài)... Tạ Duy Anh xoay quanh một vấn đề tình dục, bóc trần sức mạnh cũng như sự hủy diệt của nó mà lý thuyết Freud đã đề cập đến. Nhà văn đã diễn tả nhiều nhân vật với đời sống tình dục khác nhau: bình thường như sự kích động và thỏa mãn tình dục... Riêng Hồ Anh Thái viết về lối sống bản năng với mục đích săn tìm cực khoái ở những nhân vật đầy thú tính” (tr 244). Freud đề cập đến việc khi có sự mâu thuẫn giữa nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tiễn là: Khi có ẩn ức dồn nén, con người sẽ tìm cách thỏa mãn, hoặc những ẩn ức đó không được thỏa mãn sẽ làm người bị mắc tâm thần, và một hình thức giải tỏa khác là sáng tạo nghệ thuật. Lý thuyết này được Trần Thanh Hà thể hiện sáng rõ qua ba tác phẩm: Người đàn bà trên đảo, Tấm ván phóng dao, Thân phận tình yêu.

Với người làm khoa học, nhất là lý luận phê bình nói chung và lý luận phê bình văn học nói riêng thì một trong những điều kiện cần thiết là phải tìm cho mình một giọng văn, lối văn phong khoa học chuẩn xác, rành mạch. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đạt đến đỉnh cao. Văn phê bình, lý luận cũng phải đạt đến tính nghệ thuật, giàu chất thơ. Vừa khoa học rành mạch, vừa nghệ thuật, vừa triết lý, vừa ý vị thấm đẫm chất thơ như là hai luồng sợi dọc và ngang dệt nên tấm thảm Học thuyết Freud và sự thể hiện của nó trong Việt . Có thể thấy những điều trên qua các dẫn chứng sau: “Tình yêu mạo hiểm biến thành một trò chơi thích thú, biến thành đam mê không gì cưỡng lại được. Đó giống như sự lựa chọn hưng phấn trong một trò chơi thích thú khi cuộc sống không mang đến cho họ những điều gì có ý nghĩa.” (tr 186); “Những con người cô đơn trên mỏm núi cao của dục vọng đã tự thả trôi mình cho xúc cảm khoái lạc bởi “Tình dục vô thức quyết định mọi tình yêu”. Bởi vậy, ở thời đại ngày nay mà yêu một cái lý tưởng, hà tiện, cứ trung thành thì cũng coi như “Trồng cây si một chỗ” (tr 176); “Nỗi đau làm người không phải từ lúc được sinh ra mà từ lúc con người biết ý thức và có ý chí. Biết phân biệt thiện ác nỗi đau mới nảy sinh. Nỗi đau trở thành cần thiết không? Nếu trong một xã hội xuất hiện nhiều cái ác thì nỗi đau thật đáng quý. Nỗi đau không phải ta sinh ra ngoài ý muốn mà là nỗi đau đã sống không được như ý muốn. Tất nhiên có những ý muốn cao đẹp, những ý muốn xấu xa và từ đó cũng nảy sinh những nỗi đau đáng trân trọng và những nỗi đau thường tình” (tr 224) v.v.

Công trình của Trần Thanh Hà ra đời đáp ứng yêu cầu thời sự. Tuy nhiên,
đây chưa phải là công trình hoàn toàn làm thỏa mãn nhu cầu của độc giả. Trong dòng chảy thơ văn từ dân gian đến nay, Trần Thanh Hà chỉ lướt qua các giai đoạn và thể loại để rồi lẩy ra văn xuôi hiện đại. Làm như vậy, vừa là chỗ thành công, sự khôn ngoan của người viết sách (biết chọn điểm sáng, tập trung), nhưng phần nào làm công trình này hạn chế. Khuyết thiếu ở đây là tầm rộng. Ở phần này, tác giả chủ yếu thể hiện học thuyết Freud vào văn học Việt qua các luận điểm về tính dục, vô thức, giấc mơ, nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tế. Với sự nhạy cảm, tri thức sâu rộng, tài năng văn học đã giúp tác giả có nhiều kiến giải hấp dẫn, lý thú. Tuy nhiên, ở một số phần, tác giả hơi tham đi quá nhiều vào Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, gây ra cảm giác hơi hụt cho những phần khác.

Phần nghệ thuật có thể được xem là phần thành công của tác giả. Tuy dung lượng ít nhưng thể hiện bản lĩnh khái quát vấn đề của tác giả. Trần Thanh Hà đã giúp chúng ta thấy được sự cách tân nghệ thuật qua: quan niệm nghệ thuật về con người, không thời gian, kết cấu...
Một cuốn sách mang biết bao tâm huyết của một con người, song không thể tránh khỏi khuyết thiếu. Mặc dù vậy, phải khẳng định là sức mạnh tác phẩm sẽ tự bộc lộ khi chúng ta khám phá. Công trình cho thấy sự nhiệt thành, tâm huyết của tác giả, là một tài liệu có giá trị thời sự và văn học, một cuốn sách nên đọc và nên có.  
T.T.T.N

(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

 


..................
(*) Trần Thanh Hà, Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt , Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thu (30/09/2008)
Vùng sâu (30/09/2008)