Tạp chí Sông Hương - Số 224 (tháng 10)
Tzvetan Todorov và nền văn chương đang lâm nguy
15:38 | 02/10/2008
TZVETAN TODOROV Lời dẫnNền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril)(1), đó là tựa đề cho cuốn sách mới nhất, vừa được xuất bản ở Pháp của nhà lý luận văn học nổi tiếng: Tzvetan Todorov - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả của nhiều công trình khoa học tầm cỡ.

1. Todorov có một vị trí đặc biệt đối với văn học Pháp và Thế giới. Ông là một sử gia, triết gia, và trên hết, là một lý luận gia theo khuynh hướng nhân văn chủ nghĩa. Là học trò của Roland Barthes, bạn thân của Gérard Genette(2), và là thành viên kì cựu của chủ nghĩa cấu trúc vào thập niên 60, 70 ở Pháp, nhưng Todorov có một quan điểm mỹ học và một hệ thống lý luận độc lập. Không xem lý thuyết là một ngọn “lửa rơm” như Barthes, và cũng không chỉ say mê trong “cách hình thể” như Genette, với Todorov, lý luận là Một khu vườn không bao giờ hoàn hảo (Le jardin imparfait), và mọi lý thuyết vẫn là lý thuyết hữu dụng, khi nó có khả năng giúp chúng ta khám phá chiều sâu nhân văn trong tác phẩm.

Todorov là người trong số ít ở phương Tây, luôn luôn ý thức chống lại thái độ tuyệt đối hoá trong nghiên cứu khoa học (Đối diện với cực đoan-1991). Không sùng bái các trường phái cổ điển, cũng không chạy theo các trường phái cách tân; song hành với những khám phá có tính đột biến, Todorov luôn làm mới lại các lý thuyết truyền thống (Thi pháp văn xuôi, 1971, Phê bình của sự phê bình, 1984). Đặc biệt, lý thuyết của ông luôn gắn với những suy tư về thân phận con người trước những biến động và hỗn loạn của xã hội châu Âu. Hơn 30 công trình nghiên cứu của ông trên các lĩnh vực khác nhau về văn học, lịch sử, xã hội ... đều hướng đến tinh thần ấy: Nhập môn văn học kỳ ảo (1970), Cuộc chinh phục Châu Mỹ (1982), Khu vườn chưa hoàn hảo (1998), Sự mong manh của đạo đức (1999), Hoài niệm cái ác và sự quyến rũ của cái thiện (2000), Bổn phận và khoái lạc (2002), Hỗn loạn trên hoàn cầu (2003), Những kẻ của Tuyệt Đối (2006)...

Giới lý luận Pháp tôn sùng Todorov bởi nhiều lý do, nhưng trên hết, ông là người có công đưa ánh sáng của lý thuyết Trường phái hình thức Nga vào Pháp và cùng với chủ nghĩa cấu trúc, góp phần làm thay đổi căn bản hướng nghiên cứu lịch sử ở thập niên 60, sang khuynh hướng nghiên cứu hình thức văn bản (Lý luận văn học, Những văn bản của các nhà chủ nghĩa hình thức Nga, 1966). Ông chính là người giúp độc giả Pháp thấu triệt lý thuyết đối thoại của M.Bakhtin, qua công trình nổi tiếng: M.Bakhtin-Nguyên tắc đối thoại, 1981. Hiện nay, các công trình lý luận của Todorov vẫn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu ở các trường Đại học Paris .

2. Nền văn chương đang lâm nguy không phải là một công trình chuyên biệt về lý luận, cũng không phải là nó đã đặt ra một luận thuyết mới về khoa học văn chương, mà sự thu hút của tác phẩm chính là ở chỗ: thái độ hoài nghi và phê phán của Todorov trước tình hình tiếp cận và nghiên cứu văn chương hiện nay, nhất là trong lĩnh vực nhà trường. Hơn thế, sự ngạc nhiên mà cuốn sách dành cho độc giả, đó còn là tính chất tự phản biện và đối thoại của tác giả về hệ thống lý thuyết mà chính ông là người lập nên:
“Tại sao việc giảng dạy văn chương lại thành ra như thế nhỉ?... Sự thay đổi này đã xảy ra hồi các thập niên 60, 70 của thế kỷ vừa qua và nó được hướng dẫn theo ngọn cờ của phương pháp cấu trúc. Tôi đã tham gia vào phong trào này và giờ đây, tôi phải gánh lấy trách nhiệm của tình trạng bộ môn văn học này ư?” (tr.27).

Nền văn chương đang lâm nguy
- vì thế, đã đặt chúng ta vào một tình huống không thể thoái thác, phải đối diện với một thực trạng là văn học đang bị lôi kéo vào sự phi lý: thay vì đi tìm kiếm ý nghĩa đích thực của tác phẩm, chúng ta đã áp dụng một cách thô thiển các phương pháp cấu trúc học, kí hiệu học, thi pháp học, những kỹ thuật phê bình và xem đó như một mục đích cứu cánh trong việc tiếp cận văn chương.
Nền văn chương đang lâm nguy còn đặt ra những vấn đề mang tầm vóc nhân loại: Cá nhân và xã hội, luân lý và đạo đức, văn học và mỹ học. Ngoài ra, tác phẩm còn tái hiện lại cuộc tranh luận nghệ thuật rất thú vị của hai nhà văn lớn ở Pháp thế kỷ XIX: George Sand và Gustave Flaubert... Chúng tôi đã chuyển dịch bản Pháp văn ra tiếng Việt và sẽ giới thiệu với độc giả trong một tương lai gần nhất.
Phần Văn học bị lôi vào sự phi lý (La littérature réduite à l’absurde) nằm ở chương đầu của tác phẩm. Do khuôn khổ của tạp chí, chúng tôi đã lược bỏ một vài đọan, nhưng không ảnh hưởng đến tinh thần của tác phẩm.

VĂN HỌC BỊ LÔI VÀO SỰ PHI

Càng trải nghiệm, tôi càng thấy bất ngờ: cái vai trò nổi trội mà tôi gán cho văn học không phải ai cũng thừa nhận. Sự chênh lệch này làm tôi ngạc nhiên trong việc giảng dạy văn học.

* Đọc tác phẩm, không phải để suy tư về thân phận con người... mà chỉ để biết nhà phê bình nói như thế nào...
Ở Pháp, tôi không dạy Trung học, mà chỉ dạy chút ít ở  Đại học. Nhưng khi tôi trở thành bố, tôi không thể làm ngơ đối với những lời kêu cứu của con tôi về bài vở ở trường. Dù tôi không hoàn toàn dụng công để giúp chúng, thế nhưng, tôi cũng bắt đầu thấy hơi tức, vì những lời khuyên và sự giúp đỡ của tôi, chỉ đem lại những số điểm quá tầm thường!
Về sau, tôi mới có được một cái nhìn toàn diện về phương pháp giảng dạy văn học ở trường, lúc tôi được mời tham gia vào Hội đồng thiết lập chương trình - một Hội đồng tư vấn nhiều ngành thuộc Bộ Giáo Dục Quốc Gia (1994-2004). Vì thế, tôi mới hiểu ra rằng: không những có một tư tưởng khác nằm ngầm trong cách giảng dạy của một vài vị Giáo sư, mà còn là một hệ thống lý thuyết áp đặt lên chương trình giảng dạy chính thống.
Tôi mở tờ báo Bulletin officiel của Bộ giáo dục - một tờ báo nói về chương trình giảng dạy ở trung học, đặc biệt là chương trình giảng dạy văn học Pháp. Ngay trang đầu, với tựa đề “Những quan điềm về nghiên cứu”, chương trình đã yêu cầu: những thể loại phải được phân tích một cách có phương pháp. Đại loại như: bi kịch hay hài kịch, phải đào sâu trước hết về mặt thể loại. Và, những yếu tố lập luận giờ đây phải được nghiên cứu một cách kỹ càng hơn”.

Hầu như, toàn bộ những hướng dẫn này, chỉ dựa trên một sự chọn lựa: văn học đầu tiên có mục đích cho ta nhận biết những thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng. Đọc thơ văn không phải để suy tư về thân phận con người, về cá nhân và xã hội, về tình yêu thương và lòng hận thù, về niềm hân hoan và sự tuyệt vọng,... mà chỉ để cho ta tiếp nhận những lối phê bình theo cổ điển hay hiện đại. Ở trung học, ta học không phải để biết tác phẩm nói gì mà để biết nhà phê bình nói thế nào?
Đối với môn văn học ở trường, giáo viên phải đối diện với một phương pháp đã định sẵn, đến nỗi, nhiều khi mất đi sự nhạy cảm. Ta có thể nói đơn giản như thế này để tiện trao đổi: ta dạy để biết phương pháp nghiên cứu hay để biết về ý nghĩa của bộ môn ấy? Và như thế, trong trường hợp chúng ta đang bàn ở đây: ta học, trước tiên là về những phương pháp phân tích, bằng cách dựa theo các tác phẩm khác nhau; hay, ta nghiên cứu ý nghĩa các tác phẩm được xem là căn bản, bằng cách dùng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau? Cái gì là mục đích, cái gì là phương tiện? Cái gì là bắt buộc, cái gì là tự do chọn lựa?

... Sự áp đặt này là bằng cứ rõ ràng: hầu hết học sinh phải thấu triệt, trước tiên, những khái niệm cơ bản về thể loại và phân loại. Chẳng hạn như là những “tình huống phát ngôn” (situations d’énonciation), có nghĩa là học sinh bắt đầu nghiên cứu về kí hiệu học (sémiotique), ngữ dụng học (pragmatique), tu từ học (rhétorique), thi pháp học (poétique).
... Tôi không muốn hạ bệ các phân môn này chút nào, nhưng có thể đặt ra câu hỏi: Có nên xem những phân môn này trở thành thiết yếu ở trung học không? Bởi vì, đấy chỉ là những khái niệm trừu tượng, nhằm để vận dụng nghiên cứu khi tiếp cận tác phẩm văn học. Không một khái niệm nào trong số kể trên, bàn đến nội dung, ý nghĩa của chính tác phẩm, đến thế giới mà tác phẩm gợi ra.
Trên lớp, hầu hết thời gian, giáo viên chỉ dạy về thể loại và phân loại, cái biểu đạt (signifiant) và cái được biểu đạt (signifié), phép ẩn dụ (métaphore) và hoán dụ (métonymie), điểm nhìn từ bên trong (focalisation interne) và bên ngoài (focalisation externe)...

... Chúng ta phát hiện ra một nguy cơ trong cách giảng dạy này. Tôi lấy ví dụ về một trường hợp của một trường chuyên văn lừng tiếng ở Paris vào năm 2005. Bốn chủ đề được đặt ra cho học sinh nghiên cứu, mà tôi đảm bảo là rất rộng. Trong đó, có chủ đề về “Những tác phẩm văn chương mẫu mực” hoặc “ngôn từ và hình ảnh” được phân tích trong “Perceval” của Chrétien de Troyes và “Le Procès” (Vụ án) của Kafka. Tuy nhiên, những câu hỏi mà học sinh phải xử lý trong kỳ thi Tú Tài (tốt nghiệp trung học), phần lớn chỉ theo một kiểu duy nhất. Những câu hỏi ấy, chỉ đề cập đến vị trí của một yếu tố trong  tác phẩm, mà không hề đả động gì đến ý nghĩa của yếu tố ấy,... cũng như về ý nghĩa ra đời của tác phẩm và thời điểm tiếp nhận. Và rồi, người ta sẽ hỏi thí sinh về vai trò của một “sáu nhân tố hành động” của Greimas...

* Chúng ta - chuyên viên, nhà phê bình, giáo viên... chỉ là các chú lùn, ngồi trên vai của gã khổng lồ...!
Ta thay đổi chương trình có thêm được cái gì không? Có nhiều lý do khiến tôi nghiêng về quan niệm giảng dạy văn chương (văn học) theo phương pháp sử học (histoire) hơn là theo phương pháp vật lý (physique), mục đích là để nghiên cứu những bí ẩn của bộ môn ấy. Trước tiên là không có một sự đồng ý chung giữa các vị giáo viên và nghiên cứu trong ngành văn học về cái gì là cốt lõi của bộ môn này. Ngày nay, các lý thuyết cấu trúc thắng, cũng như trước kia các sử gia đã thắng và cũng như ngày mai các lý thuyết chính trị gia chắc sẽ thắng; nghĩa là thế nào cũng còn một cái gì đó hơi độc đoán trong khi phải quyết định lựa chọn. Các thầy cô bây giờ chưa đồng ý gì về một danh sách những thể loại căn bản; họ cũng không thấy cần phải đem vào nghề dạy một khái niệm định sẵn nào đấy. Vậy như thế, có nghĩa là đã có một sự lạm dụng quyền định đoạt rồi.

Hơn nữa, vẫn còn tồn tại sự không tương xứng. Chẳng hạn trong vật lý, ai mà không biết thuyết trọng lực, thì bị coi là đồ dốt, còn trong văn chương Pháp, kẻ dốt là người chưa đọc “Les Fleurs du mal” (Những đóa hoa tội lỗi). Ta có thể cá rằng, Rousseau, Stendhal, Proust... sẽ là những người thân thuộc đối với độc giả, còn tên tuổi của những lý thuyết gia hiện nay, cùng với những quan niệm của họ sẽ bị lãng quên. Và như vậy, đó là bằng chứng hùng hồn cho một phương pháp giảng dạy thấp kém: khi mà chúng ta chỉ loanh quanh trong lý thuyết, hơn là giảng dạy trực tiếp chính tác phẩm. Chúng ta - chuyên viên, phê bình văn học, giáo viên - phần đông chỉ là các chú lùn ngồi trên vai gã khổng lồ...

* Phương pháp trở thành cứu cánh: ngõ cụt của văn chương!
Tôi không nghi ngờ chút nào, tập trung vào dạy tác phẩm, là một ước mơ thầm kín của phần đông các giáo viên. Bởi vì, họ đã chọn nghề văn chương, vì niềm say mê văn học, vì ý nghĩa và vẻ đẹp của nó đã làm họ sửng sốt. Và không  bất kỳ một lý do gì, mà họ phải kiềm chế cái cảm xúc tự nhiên ấy. Không phải các giáo viên là người phải gánh lấy trách nhiệm về thái độ dửng dưng như nhà tu hành khi giảng dạy văn học.
... Nói đúng ra, ý nghĩa của tác phẩm không chỉ dựa trên sự phán đoán chủ quan của học sinh, mà đòi hỏi phải có khả năng suy luận trong sự kiếm tìm ý nghĩa tác phẩm. Muốn vậy, học sinh cần học một mớ sự kiện lịch sử hoặc một vài nguyên tắc của thuyết cấu trúc. Nhưng không vì thế mà việc nghiên cứu về những phương tiện này, lại đem thay thế cái tìm kiếm ý nghĩa của tác phẩm, tức là, nó - phương pháp đã trở thành cứu cánh. Khi xây nhà thì phải dùng những giàn giáo... nhưng một khi đã hoàn thiện, thì những giàn giáo đó phải ra đi.

... Những gì mới mẻ do lối phân tích cấu trúc đã mang lại trong những thập niên gần đây là rất cần thiết, với điều kiện chỉ là phương tiện, đừng trở nên cứu cánh. Không nên tin vào những đầu óc cực đoạn (manichéen): chúng ta không nhất thiết phải chọn lựa cổ điển (lui về trường làng xưa mà học sinh phải mặc đồng phục xám) hoặc cách tân hoàn toàn. Chúng ta cũng có thể tiếp tục giữ lại những yếu tố truyền thống, mà không phải chê bai tất cả cái gì bắt nguồn từ thế giới hiện đại. Những thành công của lối phân tích cấu trúc và các phương pháp khác có thể giúp ta hiểu được ý nghĩa của tác phẩm...
... Nếu ta chỉ dùng một phương pháp thôi thì không những ta sẽ hiểu ý nghĩa của tác phẩm một cách sai lầm, vì tác phẩm luôn nằm trong một bối cảnh và luôn đối thoại với bối cảnh.

Phương tiện và kỹ thuật không được trở thành cứu cánh và cũng đừng bao giờ làm cho ta quên mục đích của việc khám phá tác phẩm. Phải tự suy ngẫm về mục đích tối hậu của tác phẩm là gì và vì sao đáng được chúng ta nghiên cứu?
Thông thường, một độc giả không chuyên nghiệp, bây giờ cũng như trước đây, với họ, đọc một tác phẩm (văn học), không nhằm mục đích để thấu triệt một phương pháp, cũng không phải để thu nhặt những tin tức xã hội có tính lịch sử, mà muốn tìm một ý nghĩa gì đó, để thấu hiểu con người và thế giới, làm cho đời sống mình thêm giàu có. Và như thế, con người càng hiểu hơn về chính mình.
Sự hiểu biết về văn học không phải là một mục đích thôi mà còn là một trong những con đường hoàn hảo (royal), dẫn ta đến sự hoàn thiện của sứ mạng làm người. Con đường mà sự giảng dạy văn học hôm nay, đem ta xoay lưng lại với viễn tượng này (tuần này dạy hoán dụ-métonomie, tuần sau dạy phép nhân hoá-personnification). Đó là con đường nguy hiểm, dẫn ta đến một ngõ cụt, không lối thoát, và khó mà có thể làm cho ta say mê văn học.                                                 
                                                              Paris 15-8- 2007, Huế 15-9-2007
TRẦN HUYỀN SÂM dịch và giới thiệu
(có sự cộng tác của Đan Thanh).

(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

 



------------------------
(1) Tzvetan Todorov, Nền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril, Nxb Flammarion, 2007.
(2) Todorov gốc Bulgari, sang Pháp năm 1963, năm 1966 làm luận án tiến sĩ với Roland Barthes. Năm 1970, ông cùng với Gérard Grentte thành lập tạp chí Poétique (Thi pháp), một tờ báo có uy tính ở Pháp. Hiện nay, Tzvetan Todorov đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp.

Các bài mới
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)
Các bài đã đăng
Tiếng trái tim (02/10/2008)
Sao la (02/10/2008)
Ngày đi lạc (02/10/2008)
Đi dọc phố (02/10/2008)
Khúc nghiệt ngã (02/10/2008)