Takagi Nobuko đã đến Việt năm 2006 để thực hiện một chương trình giao lưu văn nghệ châu Á do Đại học
Kyushu
tổ chức. Bà đã viết bài về đất nước và con người Việt , đăng trên nguyệt san Văn nghệ Shincho số tháng 10 năm 2006. Trích đoạn dưới đây là phần mở đầu của tiểu thuyết Đốm lửa trong núi, với cách viết đặc trưng của Takagi Nobuko: những hình ảnh của cuộc sống hiện đại đan cài với những niềm tin huyền hoặc dân gian, trong bối cảnh nên thơ của thiên nhiên Nhật Bản. Bắt đầu bởi Thế giới cái chết bệnh ung thư hiểm nghèo, đến sự sống, việc cứu sinh, qua điểm nhìn trần thuật bên trong nhân vật bác sĩ Saito, người kể chuyện đã dẫn dắt câu chuyện từ thế giới đời thường, với cái nhìn duy lý khoa học nhưng bất an đến thế giới của những đốm lửa đêm của núi, thế giới của sự huyền kỳ lạ lùng tâm linh, nên thơ và kỳ bí một cách tự nhiên và tài tình với phép lạ cứu chữa. SÔNG HƯƠNG
Đêm tuyết xuống
Nhân kỳ nghỉ cuối năm, bác sĩ Saito, giáo sư nhi khoa của một trường Đại học Y ở Fukuoka, lên đường tới Tsukwano thăm khu mộ gia đình. Ông đã sống gần 40 năm ở thành phố, từ thuở còn đi học, nhưng cả cha mẹ lẫn vợ ông đều được an táng ở quê nhà. Vợ ông vừa mất đúng một năm nay, mười tháng sau khi bị phát hiện một khối u buồng trứng ác tính. Một giáo sư sản phụ khoa dạy cùng trường Đại học với Saito đã thân hành xạ trị cho nàng, nhưng vô ích. Mãi đến bây giờ, Saito còn nhớ như in vẻ mặt khó tả của người bạn đồng nghiệp vào lúc ấy. “Bệnh tình nhà tôi tệ lắm rồi, phải không anh?” “H..mm...” Người bạn ấp úng không nói ra lời. Hầm mộ nằm trong một ngôi đền trên đỉnh đồi phía tây thành phố. Nhiều nhân vật lịch sử và nhà văn nổi tiếng đã được chôn cất ở đây, nên khách du lịch thăm viếng khá nhiều. Phần mộ dành cho Saito được để dành một bên: một lần đến thăm, Saito đã rất bực mình khi thấy mấy cô gái đang giẫm lên, máy quay phim lủng lẳng trên tay. Mãi về sau, ông mới cảm thấy nhẹ nhàng hơn bởi nhớ ra rằng khi còn sống vợ ông vẫn ưa những chỗ ồn ào vui nhộn. Hôm nay trời trở lạnh, xem chừng tuyết sắp rơi. Khu mộ chỉ còn lác đác người. “Trước sao giờ vẫn vậy, em ạ”, Ông khấn với vợ. “Anh chỉ áy náy vì không đến thăm em được nhiều hơn”.
Saito quỳ trước mộ chừng mười phút rồi đứng dậy. “Anh đi nhé. Em cũng không cần phải giam mình mãi nơi này”, Saito thì thầm trong lúc đặt tay trên tấm bia. “Em cứ bay đến nơi nào em muốn, đi về những đâu theo ý em”. Saito đã nhiều lần thầm thì như thế. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh nàng bị giam cầm dưới phiến đá nặng chịch này, ông không khỏi đau lòng. “Dù đi đâu, đừng quên thỉnh thoảng về thăm nhà mình em nhé!”. Saito ước gì lại được gặp nàng, ngay cả nếu nàng đã thành ma; mỗi lần đến thăm ông lại thì thầm ước nguyện của mình, dù biết chẳng thể nào thành sự thực. Là một bác sĩ, ông phải khẳng định rằng phần hồn cũng mất đi cùng với cái chết của thân xác. Nhưng với vợ mình ông lại muốn sự thể phải ngược lại. Làm sao chịu nổi ý nghĩ rằng sự tồn tại của nàng giờ đây chỉ còn vỏn vẹn trong chiếc bình nhỏ đựng một nhúm tro xương. Saito cho xe nổ máy, liếc nhìn đồng hồ: 3 giờ 15 phút. Những con số nhảy múa trước mắt ông, một cơn đau âm ỉ lan tỏa trong lồng ngực. Ông nhủ thầm chắc mình bị nhiễm lạnh và cố thở đều cho đến khi cơn đau nhẹ dần.
Chạy thẳng theo đường cao tốc, ông đến
Fukuoka
vào đúng giờ ăn tối. Tuần này đã ba lần ông đến một quán rượu gần nhà. Ngay từ hồi vợ còn sống, chỗ này với ông đã là một chốn quen. Tuy nhiên ông bỗng thấy ngại vì đến quán nhiều quá. “Thôi thì...” ông phân vân, “biết đi đâu bây giờ?” Chợt ông nhớ tới một địa điểm trong vùng. Saito xem kỹ bản đồ, tự an ủi rằng mình sẽ không phải đi xa cho lắm. Vì địa chỉ chính xác của Yukari Sawayama không được ghi trên bản đồ, Saito không chắc lắm, nhưng ông cho rằng nhất định là ở đường Hotoke. Yukari chắc giờ này đã chết, nhưng cha cô ấy, Kuro Sawayama, hẳn phải còn sống đâu đó quanh đây. Cha của Yukari đã đưa cô vào bệnh viện
Fukuoka
một năm rưỡi trước đây. Saito nhớ rõ lắm lần ông đến thăm: căn nhà ở trong lòng một vùng núi đồi, không cách xa quê ông là mấy. Hồi đó Yukari được năm tuổi. Chị cô bé, trông vóc vạc khoảng chừng lên sáu, đi theo em, có lẽ vì ở nhà không còn ai có thể trông nom. Với vẻ ủ rũ, đứa chị trông già trước tuổi. Trên khuôn mặt đứa em, Yukari, đôi mắt tròn xoe và lấp lánh, vì ảnh hưởng của căn bệnh, có vẻ như lồi lên từ những hốc mắt trõm sâu.
Người cha mặc một cái quần bảo hộ lao động và chiếc áo khoác dày. Bàn tay và móng tay ông đen xạm. Nghe hỏi làm nghề gì, ông bảo làm cho hội lâm nghiệp trong vùng. Ngày ngày ông vào rừng, chặt tỉa những cành cây thấp. Khối u trên lưng Yukari lớn bằng nắm tay người lớn. Cô bé đã trải qua những cơn đau, sốt cao và liệt chân trái. Chẩn đoán cho biết chỉ có thể là do một tế bào thần kinh phát sinh từ cột sống đã phát triển vào phần tủy trong hốc xương. Đấy là một trong những chứng ung thư chết người mà trẻ con thường mắc phải, thường chỉ có thể phát hiện khi bệnh đã di căn sang bộ phận cơ thể khác. Yukari Sawayama là một trường hợp tiêu biểu. Nếu không được điều trị, cô bé chỉ còn sống thêm không đầy bảy tám tháng. Saito đã nói cho người cha biết và khuyên nên đưa cô bé vào viện. Dù vậy, ông biết bệnh viện
Fukuoka
khá xa, họ khó mà đi lại thăm con, vấn đề tiền bạc xem ra cũng nan giải. Vì vậy ông đã viết thư giới thiệu họ với một trung tâm từ thiện ở Yamaguchi. Không nghe trung tâm trả lời, ông gọi điện đến hỏi, chỉ nghe bảo là không thấy Yukari đến chữa. Ông viết thư cho người cha, thúc giục ông ta đưa con gái nhập viện. Cũng chẳng nghe thấy âm hao gì. Có thể họ đã vào một bệnh viện khác. Saito đâu thể làm gì hơn nữa, vậy mà không hiểu sao tình cảnh ấy cứ ám ảnh ông. Chính cùng thời điểm đó ông biết vợ mình mắc bệnh hiểm nghèo, có lẽ vì vậy mà sau này cứ nghĩ về vợ, ông lại nhớ đến Yukari.
Giờ đây rõ là Yukari đã chết lâu rồi. Saito muốn gặp lại người cha để hỏi thăm chuyện cũ. Khi ông đi về hướng Hotoke, trời bỗng sập tối; Ông nhận ra mình đã đi đến giữa vùng đồi núi. Chung quanh tối mịt, xuyên màn đêm, ánh đèn ô tô pha thành luồng sáng rực. Thỉnh thoảng Saito nghe tiếng sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe. Chợt xuất hiện một ngã rẽ, phía trái chạy dọc theo sông, phía phải đi sâu vào trong núi. Saito ngập ngừng một chút rồi cho xe lăn bánh theo lối đi bên phải. Dù đã dang xa khỏi dòng sông, chiếc xe vẫn thoang thoảng mùi rêu ẩm ướt. Saito bị dằn xóc khá lâu lúc qua đoạn đường sỏi đá, bây giờ thấy dễ chịu vì dù mặt đường không tráng nhựa nhưng bánh ô tô đang lăn êm ru trên một lớp đất xốp mịn. Thỉnh thoảng, ông thấy dấu chân thú trên đường, nhoang nhoáng dưới ánh đèn trông như những hình vẽ lấm chấm trên nền nhung óng ánh.
Đường hẹp, chỉ đủ cho một luồng xe. Nếu rủi có xe đi ngược chiều, chỉ còn cách phải lùi lại. Saito mong kiếm được một chỗ đủ rộng để quay đầu xe: ông đang nghĩ đúng ra phải đi dọc theo bờ sông. Xem ra mình dễ lạc trong chỗ hoang vu này lắm. Càng cho xe đi tới, ông càng lo lắng hơn: những thân cây gãy chắn ngang đường, thấp thoáng còn thấy những dòng nước đang đổ xuống ngập ngang lối đi. Saito đạp thắng, tự hỏi làm sao bây giờ. Ông chỉ có một mình, nếu dừng và trở đầu xe lại, quả thật quá vất vả. Còn nếu đi tiếp thì hy vọng tìm được chỗ quay xe cũng hết sức mong manh. Chỉ còn cách tìm ai đó nhờ giúp một tay, dù là hơi lâu lắc một tí. Ông đã thoáng thấy trước mặt mình cái gì đó trông như một cái đăng điếm, với ngọn đèn lồng đang lắc lư. Tắt đèn xe, ông ghé nhìn qua bức bình phong đen xỉn, chợt nhận ra cái gì đó đang di động, rõ là một ngọn lửa.Saito lại bật đèn, cho xe khởi động. Trong óc ông vừa loé lên cái ý nghĩ rất có thể Kuro Sawayama sống trong một chỗ như thế này, bởi nghề của ông ta là chặt tỉa những cành bách và tuyết tùng. Nơi chỗ kia, ít nhất ông cũng kiếm cách xoay được cái xe.
Hiện ra trước mắt Saito, hóa ra không phải một cái đăng điếm nho nhỏ như ông tưởng, mà là một tòa nhà đồ sộ. Ngôi nhà không có cổng, cũng chẳng có rào, nằm dọc theo mé đồi, bám lấy sườn dốc như một con nhộng khổng lồ. Những đám mây tuyết sà thấp đã góp thêm một vẻ óng ánh rực rỡ cho lớp ngói đang hiện ra trong bóng tối. Lủng lẳng trước mái hiên, ngay lối vào là một ngọn đèn điện trơ trụi. Saito nghĩ, ấy chính là cái quầng sáng mà ông đã nhìn thấy lúc nãy, bởi chung quanh ngôi nhà chẳng có đèn đuốc gì khác. Ông dừng xe, bước ra, nghe tiếng nước suối róc rách đâu đây. Saito hơi lạnh mình nhận ra con đường hẹp vừa đi hẳn phải chạy dọc theo con suối này. Nếu quay xe mà lỡ trớn một chút, có thể rơi tòm xuống nước chứ chẳng chơi.
Cửa đóng kín, không một tia sáng nào lọt ra ngoài. Dù vậy, bóng đèn trước cửa cho thấy nhất định đang có ai đó trong nhà. Saito đến gần hơn, nhận ra dưới ngọn đèn là tấm bảng kim loại nhỏ ghi tên chủ nhân: Kuro Sawayama. Thoạt tiên Saito nghĩ mình lầm, nhưng rồi ông tin chắc mình đã đến nơi. “Mình ơi, tuyệt quá phải không?” Ông nói với vợ, và bỗng cảm thấy nàng đang ở bên mình. Trước mặt ông, cánh cửa vẫn kín mít. Chẳng thấy tia sáng nào sau những ô kính bên trên cửa. Hy vọng chẳng bao nhiêu, tuy vậy ông cũng gõ cửa nhiều lần. Bỗng một ánh sáng nhợt nhạt he hé hiện ra. “Ai đó?” Có tiếng người hỏi. “Ông Sawayama, rất tiếc là đến ông đột ngột thế này”. Cánh cửa kẽo kẹt mở hẳn. Saito bước vào ngay giữa vùng sáng cho người trong nhà nhìn rõ, tự giới thiệu mình là bác sĩ đã khám bệnh cho Yukari ở bệnh viện
Fukuoka
. Sawayama ngẩn người, nhìn vị khách với vẻ ngạc nhiên hoang mang. “A, bác sĩ!” Ông vừa nói vừa cúi đầu chào.
Sawayama đứng sấp bóng, Saito không nhìn rõ vẻ mặt ông. Dù vậy, ông cũng nhận ra người quen cũ qua khuôn mặt vuông và tấm thân cao lỏng khỏng. “Xin lỗi đã phiền ông. Tôi vừa đi thăm mộ ở Tsuwano về”. Rồi ông hỏi thăm về Yukari, đinh ninh rằng sẽ nghe bảo là cô bé đã chết. Câu trả lời thật mỉa mai: “Nó vẫn khoẻ”. “Biết vậy tôi rất mừng”, ông bác sĩ nói rồi ngẩn ra chẳng biết làm gì, nhưng rồi cũng gặng hỏi: “Cháu đã khỏi bệnh thật ư?”. Sawayama quay lại, gọi vào trong nhà: “Yukari! Ra đây!”. Một cô gái mảnh dẻ chạy đến. Rồi, thêm một cô bé khác xuất hiện, đi chầm chậm dọc theo hành lang. Rõ đấy là hai chị em. Saito khó mà nhận ra khuôn mặt của Yukari: hồi đó cô mới chừng năm tuổi, vẻ mặt méo mó biến dạng vì bị những cơn đau hành hạ. Saito cũng nhớ lại vẻ mặt lầm lì của cô chị. Giờ đây cả hai đã lớn vổng lên. Ông ngắm nghía Yukari, lòng tràn ngập niềm xúc động. “Cháu có nhớ bác không?” Ông hỏi. Cô bé cười và lắc đầu. “Cháu nhớ,” cô chị nói, vẻ dửng dưng. Yukari hết nhìn chị lại nhìn Saito, vẻ ngỡ ngàng. “Ông có vào nhà không?” Người cha hỏi. Hai cô bé chạy biến vào trong. Saito nghĩ đi ngay cũng không tiện, mặc dù cảm thấy không thoải mái cho lắm. Ông tháo giày, đi theo hai cô con gái. Hành lang dẫn đến một phòng rộng. Có vẻ đây là nơi cả nhà sinh hoạt mỗi ngày: ăn, ngủ, học hành. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà có vẻ rất lớn, nhưng thật ra chỉ có một gian chung để sinh hoạt. Hơi ấm trong nhà làm Saito có cảm tưởng mình vừa chui vào bên trong cái hang của một loài thú ngủ đông.
Trên bức vách đất sần sùi treo những soong nồi, từ xà nhà lủng lẳng những bó hành muối, cảnh tượng giống như một gian bếp xa xưa, khiến Saito bồi hồi. Ông nghĩ đến Yukari. Có thực là cô bé có thể bình phục với cái tế bào thần kinh đâm sâu vào tủy sống? Máu chảy mạnh trong người ông: ông biết mình đang trải qua một khoảnh khắc hiếm hoi trong đời làm thầy thuốc. “Yukari, lại đây cháu!” Saito lên tiếng. Cô bé nhìn cha, chờ một cái gật đầu, rồi chạy ngay đến bên bác sĩ và ngồi xổm cạnh ông. “Để bác xem cho cháu thử cái u ở lưng cháu có thực đã lành không nhé”. Yukari có vẻ hồn nhiên, quay lưng lại và nhờ cha giúp kéo áo len lên. Làn da mịn và xanh của cô bé hiện ra. Saito lần ngón tay theo cột sống cô, nhưng chẳng thấy gì lạ. “Giờ bác muốn khám phần bụng của cháu”, Saito nói.
Ngượng ngùng, cô bé dựa vào cha, kéo áo lên cho Saito khám. Saito mở chiếc nịt nhựa, khẽ kéo váy cô bé xuống, ông xem xét bụng cô qua lớp đồ lót. Chẳng có gì khác thường cả. “Tốt lắm. Cám ơn cháu”. Saito vỗ vào đầu Yukari. Cô bé bẽn lẽn thu mình sau lưng cô chị. “Lại có chuyện như thế này sao, “Saito nhủ thầm, ngẫm nghĩ mãi về sự phục hồi kỳ lạ trong cơ thể đứa trẻ. Ông cố nhớ lại những trường hợp tự nhiên lành bệnh ở các bệnh nhi dưới mười hai tháng tuổi, tự thuyết phục mình rằng điều đó đã xảy ra với trẻ sơ sinh thì cũng có thể xảy ra với một đứa bé lên năm. Nhưng rõ ràng không thể. Tình trạng bệnh lý của Yukari là bị ung thư phát triển vào tận hốc xương sống. Cô bé đã bị liệt chân, lồi mắt, xương sọ cũng đang biến dạng. Thật quá phi thường khi trong tình trạng đó mà Yukari lại bình phục hoàn toàn! “Hết thật rồi”, Saito khẽ nói với người cha.
Dường như Yukari nghe được, cô nhoài người ra từ sau lưng chị và bảo: “Có phải bác muốn nói tới cái u trên lưng cháu không? Nó không biến mất đâu. Cô ấy đã ăn nó đấy.” Người cha im lặng nghe, mắt cụp xuống, vẻ băn khoăn. Saito hỏi Yukari: “Ai đã ăn cái u của cháu?”. Ông lại nhận được câu trả lời đã nghe: “Cô ấy!” Cô chị níu lại như muốn ngăn không cho nói, nhưng Yukari đã liếng thoắng tiếp: “Tối nay mấy cô ấy cũng đến. Hẹn trước rồi mà”. “Nhưng ai đến?” Saito cố gặng hỏi, ông quay sang nhìn người cha, ông này ấp úng một lát rồi bảo, “Tôi cũng không rõ chuyện này cho lắm. Một ngọn đèn hiện ra, dẫn họ đi đến chỗ nọ chỗ kia. Họ được dâng nhiều thức ăn ngon, và họ chữa bệnh cho người ta. Tôi e rằng họ là hồ ly, nhưng mấy đứa con tôi không tin”. Kuro Sawayama nói rất nghiêm trang. Mặc dù xem việc Yukari lành bệnh quả là một phép lạ, Saito không thể không bật cười. “Úi chà, ông nói một ngọn đèn hiện ra à? Chỉ một ngọn đèn thôi sao?”. “Tôi chỉ thấy có một ngọn đèn, nhưng các con tôi nói chúng thấy những cô gái rất đẹp”.
Mồ hôi ướt trán Sawayama. Thấy bộ dạng ấy, Saito, vốn cho rằng mình phải có thái độ khoa học của một bác sĩ trước bệnh tật và cái chết, lại cảm thấy mình một lần nữa lung lay. Sawayama có vẻ bực khi Saito cứ nghi ngờ việc Yukari lành bệnh; thật ra chính ông đôi lúc cũng đã nghi ngờ như vậy, ông sợ e mình chỉ đang sống trong một giấc mơ, và nếu tỉnh dậy khỏi giấc mơ này, ông sẽ thấy Yukari đã chết. Saito hiểu cảm giác bất ổn ấy. Lại trở về với con người khoa học, ông phải chấp nhận thực tế rằng vợ ông đã chết, nhưng cảm giác bàng hoàng nghi hoặc vẫn cứ hoài trở lại trong lòng ông. “Ông bắt đầu thấy ngọn đèn ấy từ bao lâu?”. “Khi bệnh tình cháu đã xem như tuyệt vọng thì ánh đèn ấy xuất hiện. Trước đó, một ông lang Tàu ở Tokuyama đã hảo tâm chữa cho Yukari. Nhưng Yukari yếu lắm và đòi về nhà, nên tôi đưa cháu về. Đêm ấy, nghe có tiếng động trong vườn, tôi bước ra. Yukari lần bước theo một đốm lửa tròn, đang di chuyển về hướng dãy đồi. “Ôi, nó thoát hồn rồi!” Nghĩ vậy, tôi vừa khóc vừa chạy vào với cháu. Nhưng cái đệm nó nằm bỏ trống, con chị nó thì ngồi nơi đầu giường, mặt mày xanh lét.
Tôi gào lên hỏi chuyện gì vừa xảy ra. Bác sĩ ạ, nó bảo tôi là một người đàn bà xinh đẹp đã đến, rủ Yukari ra ngoài chơi. Quanh đây chẳng có ai mà nhờ vả, tôi đành một mình cầm đuốc chạy theo về phía núi, vừa chạy vừa gào vỡ cả phổi. Chẳng thấy nó đâu. Cuối cùng, kiệt sức, tôi lê về nhà, lại thấy Yukari nằm ngủ ngon lành trên đệm! Hồi ấy cũng vào chặng mùa này năm ngoái. Đêm lạnh, tuyết sắp rơi. Chạy trong rừng, tôi run lẩy bẩy, ho dữ dội. Khi hè đến thì không thấy những người đàn bà ấy nữa. Sang đông, họ lại xuất hiện - Tháng này dễ chừng đến đã năm lần”. “Tôi nghĩ chắc không phải hồ ly.” Saito bảo. “Bác sĩ ơi, không phải hồ ly thì là gì. Mà gì đi nữa cũng vậy, gì thì cũng may là từ ấy đến giờ Yukari càng ngày càng thuyên giảm. Con chị nó thì lành hẳn chứng viêm phổi”. “Con cũng có đi theo vào núi à?” Saito hỏi cô chị. “Dạ” Cô bé đáp với cái nhìn dửng dưng. “Khi vào trong núi, họ làm gì con?” “Họ chữa bệnh cho tụi cháu, chơi với tụi cháu”. Chị Yukari đáp. “Nghe người ta nói trong núi còn nhiều hồ ly lắm. Đực có, cái có”. Người cha phụ họa. “Cha ơi , đâu có phải là hồ ly, họ là người mà, con đã nói với cha rồi”. Cô chị Yukari nhìn cha, vẻ bực bội. Nhưng ông ta vẫn khăng khăng nghĩ đấy là loài tinh cáo. Saito chẳng biết có nên tin hay không, chỉ mong muốn một điều duy nhất: làm sao đưa đứa bé đến bệnh viện
Fukuoka
để xét nghiệm thêm. Ông nhìn đồng hồ tay: kim đã dừng khi 4giờ 30 phút. Chắc bây giờ đã 6 giờ. “Bác có thể cho tôi đưa Yukari trở lại bệnh viện không?”. “Bây giờ ư? Tối rồi”. Sawayama vừa nói vừa chỉ đồng hồ treo tường. Đã gần mười giờ rưỡi tối. “Sao bác sĩ không nán chờ thêm một chút. Các con tôi bảo là đêm nay ngọn lửa lại đến”.
Thấy trời đã khuya lắm, Saito quyết định ở lại. Giờ đây ở nhà chẳng có ai chờ để mà phải vội vàng. Sáng mai cũng không có kế hoạch hội chẩn, đến buổi chiều mới phải đi họp. Kuro ép ông dùng một chút cháo yến mạch với rau và hớp một chén trà thơm. Thời gian như lắng đọng với mùi của tuyết, một hỗn hợp những mùi toát ra từ thân thể thú vật, từ lá rụng và sự ẩm ướt, tất cả như ngấm vào căn nhà. ‘Ê”, Yukari bảo chị, “hình như tuyết đang xuống! Họ sắp tới rồi đó!” Cô bé bồn chồn trông ngóng: qua kẽ hở cô đã thấy một cơn mưa bụi trắng. “Cô ấy tới rồi!” Yukari kêu lên, giọng lanh lảnh tươi vui. Cô chị nhanh nhẹn đứng dậy, gắng hết sức mở cửa đủ rộng cho một người lớn lọt vào.
Bụi tuyết và gió buốt ập vào làm mắt Saito đau rát. Ông cố chống chọi với cảm giác đau để cố gắng nhìn cho rõ và thấy một phụ nữ mặc áo màu vàng phơn phớt xanh đang đứng nhìn về phía ông và hai đứa bé. Cô ta xem chừng trạc tuổi người vợ quá cố của Saito, nhưng trông có vẻ trẻ trung và đầy đặn. Bất cứ ai thoạt nhìn cũng nhận ra cô không phải là loài chồn cáo. “Chính cô đã chữa bệnh cho bọn trẻ à?” Saito hỏi. Ông không hề cảm thấy sợ, trái lại không hiểu sao có cảm giác thân quen. Cũng chẳng có vẻ gì ma quái nơi người phụ nữ này. “Ồ, không dám gọi là chữa bệnh đâu. Tôi chỉ chơi với mọi người. Anh có muốn đến nhập bọn không? Vui lắm. Có một ông nha sĩ, một nhà buôn rượu, một chủ nhà hàng... Thôi, mình đi nhé? Cô ta chưa dứt lời thì hai chị em Yukari đã nhảy ra ngoài sân. Tuyết bắt đầu phủ lên mặt đất. Hai đứa trẻ đá tung tuyết lên với những bàn chân trần, chúng nhảy nhót hết sức hưng phấn. “Xem chừng vui lắm thì phải”, Saito bảo người cha. “Tôi cũng đi đây”. Kuro gật đầu. Có chút khẩn cầu trong mắt ông: “Thế nào cũng trở về đấy”. Trên tay người phụ nữ lủng lẳng chiếc giỏ tre nhỏ trong đựng một cây đèn, có lẽ là để soi đường khi qua núi.
Saito nhảy ra vườn. Ông thấy bàn chân ấm lạ lùng, tuyết xốp như kẹo tơ, bám dính lấy những ngón chân và đầu gối ông. Saito hào hứng nghĩ đã có ông nha sĩ trong núi thì tại sao không thể có thêm một ông bác sĩ nhi khoa. Hai cô bé đi hai bên Saito, tay nắm lấy tay ông. Người phụ nữ đi trước có vẻ rất khoẻ mạnh với những bước đi nhanh nhẹn uyển chuyển. Saito tưởng chừng trong rừng này ông sẽ được gặp lại vợ, giờ đây mạnh khoẻ như ngày nào. “Chờ chút!” Saito kêu lên. Không khí trong núi này thật tuyệt vời đến khó tả: Ông hít thở thật sâu, hít đầy phổi. Được thanh tẩy bởi cây cối trong vùng núi tuyết, không khí thanh sạch ban đêm thấm vào khắp người ông. Ông ngước nhìn đám lốc xoáy kỳ vĩ tạo thành bởi những bông tuyết rơi không dứt, sau những đốm trắng rải rác là ngôi nhà của Sawayama với ngọn đèn nổi bật trước hiên. Cạnh nhà là chiếc xe của ông đang đậu. “Một cuộc phiêu lưu kỳ thú đang bắt đầu”, ông nghĩ, cố nén cảm xúc trong lòng. Ông tiếp tục bước, mặc cho hai đứa trẻ đưa đi. Người đàn bà vẫn đi trước dẫn đường, ánh đèn lung linh như một khối vàng nóng chảy trong khoảng không gian mênh mông đang trải ra trước họ..... NAM GIAO dịch (Từ bản dịch tiếng Anh của Charles de Wolf)
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)
|