Cụ thể hơn, trong mỗi con người, lại là một tiểu vũ trụ được thâu tóm, rất phong phú, đa dạng và phức tạp, mà ai ai cũng muốn khám phá và không thể nào thông tri toàn bộ được. Vì con người luôn luôn là một thực thể sống động, vừa ẩn chứa những yếu tố thể chất thấy được, cảm được và sờ mó được, nhưng cũng có những phần siêu linh, cao hơn, vượt ra khỏi tầm kiểm soát, tầm trí hiểu mà đôi lúc chúng ta thấy nó như mông lung, mờ mịt mà chỉ phát hiện bằng một trực giác khó đoán định, khó biểu hiện,và con người tin đó là một trong những khía cạnh rõ nét của thế giới tâm linh, của những lực lượng siêu phàm luôn hiện diện và tồn tại song song với con người. Có điều tự hỏi: tại sao khoa học ngày nay đã đạt đến những tầm hiểu biết cao xa, những tri thức quán thông trong nhiều lãnh vực, nhưng không thể xoá nhòa hết tất cả niềm tin của con người vào thế lực thần linh mà ngày nay đã được nâng lên thành tôn giáo? Như vậy, phải chăng sự hiện hữu của thế giới thần linh, huyền bí ấy vẫn còn có giá trị? Cho nên, có thể nói, tín ngưỡng dân gian hay niềm tin tôn giáo đã ăn hòa, tương giao của nó trong nhiều lãnh vực khác nhau và ngay trong chính dòng chảy văn học.
Pearl S.Buck cũng đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm in đậm màu sắc tôn giáo và cũng đã được nhiều độc giả yêu thích. Nơi những tác phẩm của bà người ta nhận ra một sự hài hoà tương giao giữa tư tưởng triết luận của tôn giáo với những truyền thống của người Á Đông, đặc biệt là của người dân Trung Hoa trong mọi sinh hoạt đời thường. Vì chính trong con người của nữ văn sĩ này, vừa thừa hưởng dòng huyết thống của con nhà truyền giáo, vừa được hấp thụ nền giáo dục Trung Hoa. Tuy là gốc người Mỹ, nhưng bà đã chịu ảnh hưởng không nhỏ đến những phong tục, tập quán và cách hiểu của người dân Trung Hoa, nơi mà tuổi thơ và sự trưởng thành của bà đã được hiện hữu và phát sinh. “Nô tỳ Mẫu Đơn” được Pearl S.Buck sử dụng ngòi bút điêu luyện và hiểu biết khá rộng rãi của mình để dựng nên thật hấp dẫn và sống động. Xem ra nhà văn không mấy tán đồng những tư tưởng tôn giáo quá khích trong con người của vị giáo sĩ già và bà Ét-dơ-ra bảo thủ. Tác giả dẫn dắt người đọc đi từ những cuộc lễ trọng thể của người Do Thái giáo đến những sinh hoạt đời thường trong gia đình. Ngay khi mở đầu tác phẩm làm việc chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua tại gia đình ông bà Ét-dơ-ra. Một bữa tiệc mà những người dự tiệc không được tầm nhìn của tác giả hướng chiều về, nhưng ống kính lại quay nhanh, thu hút sự tập trung chú ý của người đọc vào cô nô tỳ nhỏ là Mẫu Đơn. Sự khéo léo của nàng trong việc trang điểm những bình hoa, đến nỗi bà Ét-dơ-ra khó tính cũng phải thừa nhận là rất đẹp. Mẫu Đơn lại nhanh nhẹn trong việc điều khiển những người nô bộc trong gia đình Ét-dơ-ra. Đặc biệt, tuy Mẫu Đơn là cô nô tỳ hoàn hảo trong nét đẹp tinh thần lẫn thể xác, nhưng lại không được quyền tự do trong tình yêu, vì nàng chỉ là người đã được mua về để hầu hạ, để làm bạn với Đavít, cậu chủ của mình. Cho nên nàng chỉ thầm yêu say đắm và không dám bày tỏ nó một cách rõ ràng, minh bạch tình yêu của mình với cậu chủ.
Vì đối với quan niệm của những người tôn giáo bảo thủ như vị giáo sĩ già, bà Ét-dơ-ra và cả Lê A nữa, thì họ không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân dị giáo, nếu đương sự không ngả theo tôn giáo của họ. Hơn nữa, Mẫu Đơn chỉ là số phận của một nữ tỳ, một giai cấp thấp hèn, chẳng khác một vật sở hữu của chủ nhân, thì làm sao có thể công khai biểu lộ tình yêu trong trái tim mình được. Mặt khác, trong truyện là kể về những người Do Thái giáo lưu lạc xa quê, vì thế trong tâm thức họ luôn muốn duy trì và bảo vệ dòng dõi của những người thờ kính Đức Jêhôva. Chẳng hạn lời của vị giáo sĩ nói với Lê A khi khuyên nàng đi lấy chồng là Đavít: “Hãy đưa về cho TA gia đình Étdơ Ra! Hãy làm thế nào cho cha và con nhớ rằng họ là của TA, dòng dõi của những người mà TA đã dẫn dắt bằng bàn tay của người tôi tớ của TA là Moide, đã đưa họ ra khỏi nước Ai Cập để đi vào miền Đất Hứa. Nhưng dân tộc của TA đã phạm tội. Chúng đã lấy vợ trong số người ngoại đạo và đã tôn sùng những giả thần. TA đã đuổi chúng để chúng cải hồi. Nhưng TA không quên chúng. Chúng sẽ đến với TA, và TA sẽ cứu chúng. TA sẽ đưa chúng về Tổ quốc của chúng. Và bằng cách nào vậy nếu không phải là bằng bàn tay của những người còn trung thành với TA”(1).
Đavít là nhân vật bị giằng xé giữa niềm tin truyền thống và tình yêu sét đánh trong hồn. Cụ thể là sự chọn lựa giữa Lê A và Lan, cô con gái của nhà thương nhân. Còn đối với Mẫu Đơn thì Đavít biết mình không thể thiếu nàng, nhưng nàng không thể là vợ chàng được, song chỉ mãi mãi sẽ là sở hữu của chàng vậy thôi. Cuộc chiến đấu nội tâm của nhân vật diễn tiến rất phức tạp, nhiều lúc, xem như Đavít đã quyết định ngả theo Lê A khi chàng cảm nhận rằng: “Họ không có ở riêng một mình, nhưng họ đã cảm thấy hợp nhất bằng những liên hệ huyết thống, tấm lòng và tâm trí. Thật ra dân tộc của họ là dân tộc độc nhất, có một số mệnh, Jêhôva vị Thượng Đế chân chính duy nhất, đã để dành riêng ra”. Và “Số mệnh của chúng ta là làm cho thế giới chú ý cho đến ngày mà tất cả đều biết Đức Jêhôva, vị Thượng Đế chân chính duy nhất. Chúng ta là người qua đường, những khách lữ hành giữa đất và trời”. Cho nên, Đavít cảm thấy tội lỗi trong khi chàng vô tư chơi bời, còn dân tộc chàng bị đuổi ra khỏi nhà, bị tàn sát, chết chóc trên các thành phố khác.
Tuy nhiên, nhân vật chính được Pearl S.Buck đặt vào trong câu chuyện là cô nô tỳ nhỏ xinh, nhưng nhanh nhẹn và quyết đoán. Mẫu Đơn là một con người không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mà tâm hồn nàng, trí thông minh của nàng cũng là những nét nổi trội hơn nữa. Để đạt mục đích là luôn được sống bên cạnh Đavít, người mình yêu thương, nàng đã bằng mọi giá để lôi kéo tâm hồn chàng thoát khỏi sự ràng buộc của tôn giáo ấy.Vì nàng biết, nếu chàng chấp nhận lễ cưới Lê A thì nàng sẽ không thể làm một tì thiếp của chàng, nhưng nếu chàng lấy người phụ nữ Trung Quốc kia thì sự chấp nhận tình yêu của nàng sẽ dễ dàng hơn. Nàng đã không bao giờ thụ động để số phận dun dủi, đưa đẩy tới đâu hay tới đó, nhưng nàng đã hành động. Sự an bài của tác giả đã giúp nàng đạt được mục đích, để rồi cuối cùng cái chết của Lê A xảy ra, đẩy Đavít đến với người mình yêu. Nhưng số phận nô tỳ của Mẫu Đơn vẫn phải trả giá bằng chính sự tách rời nàng ra khỏi người nàng yêu. Nàng sẽ mãi mãi giữ lại cho riêng mình tình yêu ấy nơi cửa chùa.
Điều đáng nói trong tác phẩm đó là những hành động, suy tư của các nhân vật, yếu tố hoà quyện đan xen nhau giữa các triết lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Chẳng hạn giữa Do Thái giáo và tư tưởng của những người đã chịu ảnh hưởng nhiều về nền giáo dục Trung Quốc “Sự thờ phượng là tôn sùng trời, và đức hạnh là đi theo tổ tiên. Nhưng trước sự thờ phượng và đức hạnh còn có trí tuệ con người” và “Nếu ngươi thừa nhận sự tồn tại của trời, của đất, của các vì vua chúa, của các bậc phụ mẫu, và của Sư phụ thì người không xa Con đường chính trực của lý trí và đức hạnh”. Nhà văn phá đổ những tường rào ngăn cách các tôn giáo bằng lối viết nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, khiêm tốn nhưng rất thực tế, nhìn nhận những giá trị trước đó như những nấc thang kế thừa để đạt đến cái đích hoàn thiện hơn “Từ thời A bờ-raham, khi mà đạo của chúng ta được lập ra, và mãi mãi về sau, chúng ta, những người Do Thái tại Trung Quốc, đã truyền bá sự hiểu biết của Thượng Đế và bù lại, chúng ta đã nhận được sự hiểu biết của Khổng Tử, của Đức Phật và của Lão Tử”. Khi lớn lên trong môi trường của xã hội Trung Quốc, đương nhiên nữ văn sĩ cũng đã thấy được Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo ăn sâu trong tư tưởng của người dân như thế nào, nên bà đã uyển chuyển trong chính sự dung hòa chứ không hề công kích đả phá. Mặc dù nhân vật đôi lúc cũng quá khích như vị giáo sĩ khi khẳng định rằng “Chúng ta có thể biết có những gì bên ngoài quả đất này, ông thét lên với giọng nói mạnh mẽ và cương quyết. Chính vì điều đó mà Thượng đế đã chọn dân tộc của tôi, để cho chúng tôi có thể vĩnh viễn nhắc nhở nhân loại về sự hiện hữu của Người. Chỉ một mình Người cai trị. Chúng tôi là những con lăn làm chuyển hướng linh hồn con người.
Chúng tôi chỉ được nghỉ ngơi khi nhân loại tin tưởng nơi vị Thượng đế chân chính”. Cái kết thúc của câu chuyện là một nỗi ưu tư khắc khoải của con người trong hành trình đi tìm Chân - Thiện - Mỹ. Những cái chết đến với một số nhân vật chưa hoàn thành tâm nguyện suốt đời của họ, đó là nỗi khát mong về lại với quê cha đất tổ, xây dựng lại Đền thờ và làm cho mọi người hiệp nhất trong một niềm tin. Pearl S.Buck đã khép lại tác phẩm “Nô tỳ Mẫu Đơn”, nhưng đã mở ra một chân trời mới cho muôn ngàn lối suy tư của người đọc, người nghe. Tín ngưỡng, tôn giáo, tình yêu và hành động của mỗi một nhân vật, một con người sẽ đạt đến cái chung cục thế nào nếu thế giới cứ mãi thiếu vắng tinh thần HÒA BÌNH và NHÂN BẢN. Tuy lối hành văn của bà khá cổ nhưng tư tưởng rất mới và hợp thời. Nếu thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo thì phải chăng mỗi người lo sao truyền bá được niềm tin cho tôn giáo mình để đạp đổ trên tất cả, để chống lại kịch liệt những ai không đồng quan điểm và đồng tôn giáo với mình. Nếu thế thì sự tàn sát đẫm máu, chiến tranh xảy ra một cách vô bổ biết bao như đã từng diễn ra ở một số nước trong những năm về trước. Cho nên, tinh thần hoà đồng, hiệp nhất, tương trợ, cảm thông, tôn trọng luôn luôn cần phải có và phải được lặp lại trong mỗi người, mỗi tôn giáo, để nhờ tình yêu thương, sự hiểu biết lẫn nhau sẽ xây dựng được một xã hội văn minh và giàu tình thương hơn, dù nơi đó có tồn tại đa sắc tộc, đa màu da, đa giai cấp và đa tôn giáo. V.T.T.H
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)
-------------------------- (1) Nô tỳ mẫu đơn - Thu Nga dịch - Nhà xuất bản Hà Nội - trang 84.
|