Tạp chí Sông Hương - Số 224 (tháng 10)
Ký ức xanh
16:24 | 02/10/2008
VÕ NGỌC LANThuở nhỏ, tôi sống ở Huế. Mỗi lần nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tôi vẫn gọi đó là ký ức xanh.

Có thể bởi tuổi thơ tôi thấm đẫm màu xanh của dòng sông Hương ngay trước lối vào ngõ xóm, xanh mướt ước mơ của xứ vườn cây trái Kim Long. Cũng có thể nó chứa đựng một thời tuổi trẻ? Tự tôi lắm lúc cứ phân vân giữa đôi bờ ký ức, băn khoăn cho một ngôn từ mà mình yêu mến. Nhưng nếu cho phép tôi chọn lựa giữa nhiều từ hoa mỹ nhất, tôi vẫn chọn cho mình cụm từ yêu mến ấy. Có lẽ nó đã gắn bó suốt đời với tôi.

Ngày xưa, trước sân nhà tôi ở xóm Phú Mộng có một khoảng sân khá rộng. Thì nhà quê, nhà nào chả có sân nhưng sân nhà tôi là sân đất. Thỉnh thoảng cái sân đó là nơi ông mệ nội tôi phơi lúa, khi có việc chi thì kiếm mấy cây tre che rạp. Còn nhiệm vụ chính của cái sân ấy là khoảng vườn khi thì trồng giàn mướp, giàn bí bầu hay mấy vồng khoai lang, khoai tía. Khoảng sân còn lại ấy, mấy chị em tôi hay cù mấy đứa bạn hàng xóm qua bày trò chơi bán buôn, chơi ù mọi, đôi lon, nhảy cò cò, nhảy dây… Với tôi, thú vị nhất vẫn là trò buôn bán. Ngày đó, tôi chưa thấy người ta bán đồ chơi cho trẻ con như thau, tách, chén thu nhỏ hay có bán chăng thì ở nơi nào đó xa lắm, tôi không hề biết. Bọn trẻ con chúng tôi tự tạo đồ chơi cho mình. Chúng tôi kết lá mít với nhau bằng các tăm tre nhỏ để làm rá rổ, cái soong là cái gáo dừa, chén là các nắp bia và đũa là gai cây chùm kết. Chị Liên tôi hay bày ra bán bún bò, dây tơ hồng sẽ là bún và các thỏi hoa dâm bụt chưa nở sẽ trở thành những khoanh giò hấp dẫn. Món chè bột lọc được chúng tôi cắt lá dâm bụt vò vào nước, sẽ có một chất sền sệt như bột lọc. Có khi chúng tôi lấy hoa lê ki ma, hoa cau thả vào đó làm chè y như thật. Tội nghiệp lũ trẻ chúng tôi, ngày ấy cả năm bảy đứa mà không có được cắc bạc để mua bột lọc, chơi buôn bán mà tưởng như mình đang ăn chén chè, tô bún là món ăn xa xỉ, quanh năm suốt tháng, con nhà nghèo có được mấy lần ăn?

Chị Liên tôi rất khéo tay – có lẽ do chị lớn nhất trong bọn - chị biết tìm tòi chế biến được nhiều món lạ mắt. Như bông cây chè tàu chị làm món chè kê không chê vào đâu được. Bọn con gái chúng tôi dịu dàng là thế, bị bố mẹ la mắng như vậy mà khi chơi la hét, túm nhau giành giật rất chi quyết liệt. Đặc biệt tôi hay được hai phe tranh giành làm “mẹ”. Chơi ù mọi  thì tôi ù rất dài hơi và chạy nhanh nhất. Chỉ khổ mẹ tôi ngày đi bán, tối về còn cặm cụi ngồi nhíp áo quần cho chị em tôi. Hậu quả của các trò chơi chạy nhảy đến rách áo, rách quần.
Trước sân nhà tôi có một áng nước. Ông tôi làm máng xối hứng nước từ mái nhà xuống dẫn vào bể. Ban đêm từ máng xối này mệ tôi hứng nước sương để cả nhà rửa mặt bằng nước sương da sẽ rất trắng. Da mệ nội tôi trắng thật nhưng chị Liên và tôi rửa nước sương từ lọt lòng mà có trắng đâu? Nhiều năm, cái phần nước sương ít ỏi đó cả gia đình tôi vẫn chia nhau với một niềm tin tuyệt đối.

Bây giờ mỗi lần về Huế, sương không còn nhiều như ngày xưa để tôi có thể hứng để rửa mặt. Có những điều bây giờ đã mất đi để vĩnh viễn chỉ là ký ức. Khi đứng trên cầu Bạch Hổ để nhìn về phía chân trời. Tôi thấy Huế vẫn xanh. Dòng sông Hương vẫn xanh. Chỉ tiếc rằng những hàng bắp xanh ven dòng sông đã không còn nữa. Dòng sông nhờ thế mà đẹp hơn nhưng sao tôi vẫn tiếc. Như khi tìm về vườn cũ, không còn dấu vết xưa, năm ba người vẫn nhớ tôi như nhớ chuyện ngày xưa. Tôi hái một nắm tơ hồng trong tay. Hoa lá hôm nay không có dấu vết của ngày tháng cũ. Cảnh vật đẹp hơn, sang hơn nhưng trong lòng tôi miền ký ức xanh với bao niềm vui, nỗi buồn của Kim Long vẫn là mãi mãi. Năm tháng gần như để tình yêu bền chặt hơn và nỗi nhớ cũng sâu thẳm hơn.
V.N.L

(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

 

Các bài mới
Rời (02/10/2008)
Các bài đã đăng
Tiếng trái tim (02/10/2008)
Sao la (02/10/2008)
Ngày đi lạc (02/10/2008)