Một cô gái đọc bài viết của Ngô Minh về Dạ đã khóc vì không thể ngờ cuộc đời nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lại trần ai đến như thế. Quen biết Dạ đã gần bốn mươi năm nay, tôi thấy Dạ là một phụ nữ chân thật, đa cảm, giản dị, tài hoa và tinh tế. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng như vậy. Nét riêng trong phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ định hình từ rất sớm. Hầu hết những nhà thơ nổi tiếng xưa nay đều thế. Đời người và thời cuộc luôn biến động. Thơ cũng biến đổi theo. Nhưng với những nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà... họ luôn giữ nét riêng trong phong cách của mình. Đánh mất cái cá tính sáng tạo ấy chẳng khác gì đánh mất chính mình.
Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh và tôi đều cùng quê Quảng Bình, đều say mê thơ ca, đều cầm tinh con trâu (tuổi kỷ sửu). Bốn chúng tôi đang ở cái ngưỡng giao thời từ U50 sang U60, nhưng có lẽ chỉ mỗi Dạ là còn giữ được nét hồn nhiên, yêu đời với một tâm hồn chứa đầy “hoa cúc dại”. Ngoài 50, theo người xưa là cái tuổi “tri thiên mệnh” (biết mệnh trời); là cái tuổi: Vinh quang, khổ đau đã trải/ Bình thản nhìn đời bể dâu (Hồng nhung và bông cúc); là cái tuổi suy tư, chiêm nghiệm: Bây giờ thì tôi hiểu/ Lòng người hơn Bayon/ Bốn mặt còn chưa đủ/ Biến hoá còn nhiều hơn (Ngước nhìn trời cao); là cái tuổi đã biết “sự dối lừa trá hình trong giọng lưỡi ngọt ngon”. Nhưng khác với tôi, Ngô Minh, Hải Kỳ... Lâm Thị Mỹ Dạ là một phụ nữ làm thơ. Dạ từng chia sẻ với các bạn nữ làm thơ ở Nha Trang: Đàn bà làm thơ trăm cái khổ/ Thấm vào trong như cát chẳng thấy gì/ Góc khuất nào lòng người chưa thấu được/ Xin chia cùng cho bạn nhẹ chân đi... (Thân phận tơ trời). Cái thân phận tơ trời mong manh ấy đang hàng ngày phải đối mặt với “chuyện đời thường, chuyện bệnh tật, thuốc thang...”. Kể từ khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (chồng Dạ) không may bị tai biến: Đời bất chợt thác ghềnh ào trút xuống/ Vùi lấp anh - cơn bạo bệnh kinh hoàng, Dạ trở thành người “bảo mẫu” đút từng thìa cháo, bón từng muỗng cơm cho chồng. Không những thế, nói như Ngô Minh, Dạ còn “cõng” chồng đi khắp bắc, trung, nam tìm thầy, chạy chữa. Dạ âm thầm chịu đựng: Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật, lo toan giấu vào trong đêm vắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em (Cho anh tựa vào em). Lâm Thị Mỹ Dạ không hề che giấu cái nhan sắc tàn phai theo năm tháng của mình: Bây giờ trên má em/ Nếp nhăn dần lộ rõ/ Trên tóc em/ Sợi bạc dần choán chỗ (Anh đã nhìn thấy em).
Điều kỳ lạ là sau bao nhiêu thăng trầm, sau bao nhiêu nếm trải, sau bao nhiêu vận hạn... tâm hồn của Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn chứa đầy “hoa cúc dại”! Nghĩa là Dạ vẫn giữ được chất hồn nhiên, yêu đời, tươi trẻ mà nhiều người ở vào cái tuổi như Dạ (trong đó có tôi) đã đánh mất từ lâu. Có ai như Dạ đi chợ tết lại tìm mua cho mình (chứ không phải cho con) chú gà đất và sung sướng reo lên: Chợt thấy cầu vồng sà trước mặt/ Trăm loài hoa đẹp nói lời mơ/ ...Sáng nay thời tiết như mười bảy/ Tở mở lá cành ngơ ngác hương (Màu phố Phái). Nghe được trăm loài hoa đẹp nói lời mơ, cảm nhận được cái ngơ ngác của những làn hương trong gió xuân phải là một tâm hồn rất trẻ trung và yêu đời. Cách so sánh “sáng nay thời tiết như mười bảy” thật mới mẻ. Cũng không có ai như Dạ, đi lang thang bên dòng sông Hương mà “ngu ngơ trôi” đến nỗi “quên cả phố nhà”. Phải yêu vẻ đẹp của sông Hương đến mức nào, phải hồn nhiên đến mức nào Dạ mới biến thành đứa trẻ ngây thơ như vậy. Trong bài “Hồn đầy hoa cúc dại”, Lâm Thị Mỹ Dạ hỏi con gái: Có nghe trong cơn gió/ Hương của mùa xuân nào/ Có nghe thời tuổi dại/ Nói cười trong chiêm bao... Điều đó có nghĩa là Dạ đang nghe hương của mùa xuân, đang nghe tiếng nói cười của thời trẻ dại. Không phải bất cứ ai cũng có cái “nghiêng tai kỳ diệu” như Mỹ Dạ.
Đọc Hồn đầy hoa cúc dại, tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao một người “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” như vậy? Và tôi đã thử đi tìm câu trả lời ngay trong tập thơ này của Lâm Thị Mỹ Dạ. Phải chăng vì Dạ có một tuổi thơ hết sức hồn nhiên, trong sáng? Mỹ Dạ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng, lại được tắm mình trong giọng hò khoan Lệ Thủy ngọt ngào, trong tình thương của người mẹ côi cút tảo tần. Hình ảnh phiên chợ quê cứ hiện rõ mồn một trước mắt Dạ: Bây giờ xa lắc chợ tuổi thơ/ Mùi quả, mùi rau thơm đến giờ/ Cá tôm còn nhảy long tong nước/ Tôi còn bé nhỏ mỗi lần mơ... Cái tính hay thương người của Dạ đã bộc lộ từ lúc còn bé nhỏ ấy. Thấy ông lão bán quạt đi đi lại lại mấy vòng, chợ thì đã quá trưa mà vẫn không có ai mua, thế là cô bé động lòng trắc ẩn, dồn tất cả tiền mẹ cho mua hết quát của ông lão. Lâm Thị Mỹ Dạ cứ tiếc mãi cái tuổi hồn nhiên, trong trẻo ấy: Biết bao giờ trở lại/ Màu trong vắt của trời/ Khép làn mi trinh nữ/ Tháng giêng tràn lên môi... Dạ bồi hồi nhớ: Bông lay ơn - ai tặng/ Tháng giêng giấu nơi nào/ Để màu hoa lửa cháy/ Chập chờn trong chiêm bao... Rồi Dạ đứng ngẩn ngơ: Tuổi vèo bay cùng gió/ Ta sắp qua tháng mười/ Ngoảnh lại nhìn xa lắc/ Một tháng giêng nhoẻn cười! (Tháng giêng). Sự hồn nhiên, trong sáng, đa cảm là một nét trong tính cách của Dạ, là một nét trong phong cách thơ Mỹ Dạ.
Một lý do nữa giúp cho Lâm Thị Mỹ Dạ mặc dù “gập lưng lặng lẽ giữa đời thường”, “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” như thế chính là tình yêu thương các con. Mỗi lần các con ở xa về thăm là “lòng mẹ tươi nắng mới”. Dạ nói với con gái: Này con con thơ ngây/ Hồn đầy hoa cúc dại/ Mẹ ước chi mỗi ngày/ Được gần bên con mãi (Hồn đầy hoa cúc dại). “Hồn đầy hoa cúc dại” của con đã lan toả sang cả mẹ. Lâm Thị Mỹ Dạ như: Những bông hồng nhung lặng lẽ/ Thăm thẳm tuổi mình lắng sâu. Còn các con là những bông hoa cúc: Dịu thơm, chúm chím, nở đầy/ Cúc trắng, cúc vàng, cúc tím/ Vui như bầy trẻ thơ ngây. Và khi nghiêng đầu bên cúc: Hồng nhung nghe hồn trẻ lại/ Tin mùa xuân mãi vẫn còn (Hồng nhung và hoa cúc). Cũng chính các con đã làm sống lại “Ngày tình yêu của mẹ”: Con tặng mẹ hoa hồng/ Cháy bừng bao ngọn lửa/ Lắng trong làn hương thoảng/ Mẹ bỗng thành... ngày xưa !
Một lý do nữa - và theo tôi đó là lý do hết sức quan trọng giúp cho Lâm Thị Mỹ Dạ dù “gập lưng lặng lẽ giữa đời thường”, “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” chính là nhờ Dạ học được ở thiên nhiên. Thiên nhiên đã dạy cho Dạ rất nhiều điều. Đầu tiên là tấm lòng hào sảng: Mùa đông bán cho mùa xuân/ Những búp đèn màu xanh biếc/ Dòng sông bán cho biển cả/ Bao nhiêu ngọn sóng trong ngời/ Mặt trời bán cho quả đất/ Triệu chùm ánh sáng tinh khôi... Thiên nhiên “bán” một cách vô tư, không cần tính toán thiệt hơn, không cần bạc tiền lời lãi. Nhờ tấm lòng hào sảng ấy mà thiên nhiên đẹp mãi, trẻ mãi không già. Lâm Thị Mỹ Dạ “Ngước nhìn trời cao”, suy ngẫm: Vũ trụ bao nhiêu tuổi/ Mà ngây thơ lạ lùng/ Xin biết ơn mây trắng/ Cho tôi lòng bao dung. Nhờ tấm lòng bao dung học được ở thiên nhiên mà Dạ có cái nhìn hết sức nhân ái đối với những người lính Mỹ chết trận ở Việt Nam: Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới làn da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây (Khuôn mặt ẩn kín). Cũng nhờ học được tấm lòng bao dung của thiên nhiên mà khi đứng trước “Bức tường đen” khắc tên hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến ở Việt Nam, Dạ hết sức thông cảm với những người mẹ Mỹ mất con. Thiên nhiên còn “gây men” cho Dạ hồi xuân: Nói chi, sao thiết tha/ Nói chi, sao êm ái/ Hoa cho tôi thắm lại/ Tuổi xuân mình đã phai! (Hoa Hà Nội). Vào một “Buổi sáng trong vườn”, Mỹ Dạ nhìn thấy: Cánh chuồn đỏ chao một vòng thơ dạ / Chú ếch vàng ngơ ngác giậu thưa, Dạ bâng khuâng hỏi: Sao sớm nay vườn xanh như cổ tích/ Cho ta thành cô bé lọ lem xưa. Câu hỏi ấy cũng chính là câu trả lời của Dạ, là lời cảm ơn chân thành của Dạ đối với thiên nhiên. Có thể nói trong thơ Mỹ Dạ tràn ngập những hình ảnh thiên nhiên.
Tâm hồn Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ chứa đầy “hoa cúc dại” mà còn ẩn giấu bao nhiêu mơ ước, khát vọng. Có những mơ ước tưởng chừng hết sức bình thường như “được gần bên con mãi” nhưng xem ra khó lòng biến thành hiện thực; huống là những ao ước hết sức mong manh như: Ước làn hương ở trong nhà/ Để cô đơn chẳng còn là cô đơn (Đi qua một làn hương), hay: Ước trời còn cất giữ được/ Tiếng hát bao đời ve xa (Những chú ve ca hát). Trước đây, nhà thơ Xuân Diệu từng muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để “màu đừng nhạt mất”, để “hương đừng bay đi” (Vội vàng) thì trong “Sau xuân” Lâm Thị Mỹ Dạ cũng “ngông cuồng” không kém: Có một bông đào sau xuân mới nở/ Có một bông đào muốn níu lại mùa xuân! Như tất cả những người đàn bà trên cõi đời này, Dạ cũng mong ước có một chỗ dựa vững chắc, có một người yêu lý tưởng. Đó là người “hồn xanh như cỏ”, “tâm rộng như trời”, “thông minh, tinh tế”, “bao dung, bản lĩnh”... để Dạ có thể “thả đời rong chơi”, để Dạ có thể úp mặt: khóc to một lần, khóc như trẻ nhỏ, chẳng cần giấu quanh!... Nhưng Dạ cũng thừa hiểu rằng làm sao tìm được trên trái đất này một con người hoàn thiện như thế. Cho nên Dạ chỉ biết thở dài: Tưởng tượng một người/ Ừ thôi tưởng tượng... Khát vọng hướng đến con người hoàn thiện, theo tôi là khát vọng hết sức cao đẹp và chính đáng của Dạ.
Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng “Nguyện cầu”: Vì cái đẹp/ Vì thơ/ Ta sống/ Tâm hồn ơi/ Đừng hoá thạch/ Xin đừng... Ấy thế mà mới đây, Dạ lại đột ngột giơ cao lá cờ trắng trước thơ. Bài “Lá cờ trắng” của Dạ gây sửng sốt đối với không ít những bạn yêu thơ trong và ngoài nước. Làm sao Dạ có thể “tự thiêu chính mình” như thế được! Tôi không tin và tôi không muốn tin! Tôi nghĩ đây chỉ là một cách nói để tôn vinh “thơ cao sang, thánh thiện” của Dạ mà thôi. Cái tâm hồn chứa đầy “hoa cúc dại” ấy không thể nào “đóng băng” được. “Hồn lửa” mà Dạ “cất giấu” chắc chắn lại có dịp “bùng cháy”. Một người đã từng viết: Em muốn lòng kiêu hãnh trong em/ Mãi tươi tốt mặc tình yêu thách đố - người đó quyết không thể dễ dàng kéo cờ trắng đầu hàng. M.V.H
(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)
|