Tạp chí Sông Hương - Số 223 (tháng 9)
Khoa và dưới bóng cây vạn tuế
10:31 | 09/10/2008
HẢI TRUNGKhoa tuyên bố với tôi: mình viết truyện ngắn đây, không phải để thành nhà gì cả, cốt để cho mấy đứa con làm gương mà học tập. Tôi ngờ ngợ, cứ nghĩ là anh nói vui vì chơi với đám bạn văn chương mà bốc đồng buột miệng. Ai ngờ anh viết thật, viết say sưa, viết để quên và để nhớ.
Khoa và dưới bóng cây vạn tuế

Rời khỏi làng quê Trang Liệt (Bắc Ninh), anh lững thững đến Huế trong tư cách là một “nhà thầu”, chuyên tu bổ các kiến trúc truyền thống, một số công trình di tích nhỏ ở Huế có sự góp sức tu bổ của anh. Nhưng đột nhiên, anh bỏ hẳn, thiếu thầy, thiếu thợ, thiếu nhiều thứ khác, anh lặng lẽ rút lui. Và hôm nay, bất ngờ anh gọi điện mời tôi đến “chứng giám” Dưới bóng cây vạn tuế mà anh vừa xuất bản (Tập truyện ngắn của Ngô Hữu Khoa, Nxb. Hội Nhà Văn, 2007).
Tôi cầm trên tay tập truyện ngắn đầu tay của Khoa mà không khỏi ngỡ ngàng. Trước đây, anh từng đưa tôi đọc giúp 2 truyện ngắn, và cả hai đều đã in, một ở Sông Hương (số tháng 3-2007), một ở Thừa Thiên Huế số Tết Đinh Hợi. Nay lại được tập hợp cùng với 11 truyện khác để in thành Dưới bóng cây vạn tuế.
Quả tình, Khoa không có ý văn chương để làm gì, như đã nói trên, anh cầm bút với một ý nghĩa khác. Và do vậy, ta không gặp trong những câu chuyện của anh một “sự cố tình chuyên nghiệp nào”, tự nhiên như những gì anh nghĩ. Anh neo những cảm xúc rất chân thành của mình theo từng số phận nhân vật của mình. Ta không gặp ở anh một hệ thống thi pháp ổn định, không có một phong cách ngôn ngữ được xác lập, mà cứ nghe anh ư ử kể về cuộc đời, kể về những thân phận mà đâu đó chợt gặp trong cuộc sống ngày thường.

Từng số phận được lẩy ra từ cuộc sống để vào từng trang sách.
Một người phụ nữ quý phái xô dạt theo cơ chế để mưu sinh rồi từng bước thành đạt. Một người chồng cam chịu, chấp nhận một cuộc sống phẳng lặng vì bát cơm manh áo, vì một tương lai tốt đẹp. Bỏ lại sau lưng những tất tưởi thường nhật, họ về tổ ấm để nghe hạnh phúc của mình bập bềnh theo thời gian (Như cánh lục bình). Rồi hạnh phúc của họ có như cánh lục bình kia, dập dềnh cùng con nước, ra đi và tìm bến mới? Ẩn dụ đó khiến người ta nghĩ nhiều về hạnh phúc, về mái ấm trong ngày mới.
Hai người bạn. Một là kẻ cắp với nghĩa đen. Một là kẻ cắp với nghĩa “trịch thượng” là đục khoét. Thân nhau từ hồi bé. Kẻ cắp “trịch thượng” đang sống và về làng dự đám tang của kẻ cắp “nghĩa đen” kia. Những giấc ác mộng ban ngày vây hãm. Những đối thoại triết lý về cuộc sống, về bản chất của trộm cắp của hai người bạn đã dựng nên một bức chân dung có tính xã hội. Đồng hành với trộm cắp, nhưng một kẻ lại bị xã hội khinh khi, kẻ kia lại được đánh bóng trong chức vị nên vẫn yên tâm giấu mặt trong hào quang. Cuộc đối thoại với người chết, với lương tâm đã đưa kẻ cắp “trịch thượng” vào những cơn bấn loạn của tâm thần: “Tao biết tối qua mày có ý định công đức cho chùa làng. Xưa rồi mày ạ. Có lần tao ăn trộm được cũng khá, cũng có ý định dành phần lớn mang đi chùa cúng lễ và công đức, nhưng lại nghĩ của ăn trộm là của phi nghĩa, nên thôi”. Liệu đó có phải là sự thức nhận từ lương tâm của kẻ kia, cái kẻ hào nhoáng ở đời?

Cũng vẫn là đề tài về con người trong vòng quay mưu sinh, ở truyện Dưới bóng cây vạn tuế, nhân vật nữ xuất hiện với motif khá quen thuộc. Chồng là cán bộ, người mẫn cán, không kiếm được nhiều tiền, không chức vụ, vợ chút ít nhan sắc, chui vào các mối quan hệ, chồng được cất nhắc, bi kịch diễn ra, người chồng chấp nhận thân phận, nô bộc đồng tiền. Phấp phới với giàu sang nhưng hạnh phúc gia đình lại thăm thẳm trong sương khói.
Con người và xã hội hàng hóa là tất cả những gì Khoa quan tâm. Những số phận trong các truyện Con tốt sang sông, Căn nhà của mẹ, Lóng lánh mồ hôi, Tiếng mõ, Vẫn chỉ là buổi sáng, Phế liệu… đều được lẩy ra từ hiện thực, từ bản chất của cuộc sống ngày thường.
Đọc truyện của Khoa, người đọc nhìn quanh và chợt thấy nhân vật của anh rất hiện thực. Xung quanh, lúc xa xôi khi gần gụi; lúc rõ nét khi nhập nhòa. Do vậy, mà nó có thể cuốn người đọc. Cốt truyện rất bình thường, thậm chí có truyện với motif đã quá quen, nhưng bằng một giọng kể hồn nhiên, chân thật, anh lôi người đọc vào truyện. Anh thành công trong vai là người kể, thành công ở chính sự hồn nhiên chữ nghĩa của mình. Trong lời giới thiệu, nhà văn Trần Ninh Hồ nhận xét: “Cả 13 truyện đều có những tình huống sống rất cụ thể, chứng tỏ người viết chịu quan sát và biết chọn lựa cái đáng viết từ cuộc sống thật và bề bộn này. Đời sống của những gia đình nghèo đang tìm mọi cách để tồn tại, nhiều khi thật đau đớn. Tác giả không tránh né cả những mưu mẹo đen tối nào đó do những xô đẩy cuộc đời khiến người ta không tránh khỏi. Tuy vậy, bút pháp chưa đặc sắc trong tình hình cần cách tân hiện nay ở thể loại truyện ngắn. Tính cách nhân vật chưa mạnh, chưa tạo được giọng văn riêng. Nhưng vì có những cảm xúc thật và cái tình thật của người viết nên các truyện đều đứng được, in được cả (…)”.

Người viết bài này hoàn toàn tán đồng với nhận xét trên của nhà văn Trần Ninh Hồ. Duy chỉ một điều, nhà văn có viết: chưa tạo được giọng văn riêng, thì quả thật khó lắm. Không thể đòi hỏi hơn ở Khoa một cái gì đó quá sức, Khoa viết truyện ngắn với cái tình và cái chủ đích như đã đề cập, không hướng đến nghiệp dĩ. Lại nữa, nếu mà Khoa đã tạo được giọng văn riêng, thì chẳng có gì để nói nữa cả. Bao nhiêu nhà văn hội này hội nọ, một đời với nghiệp mà vẫn còn ước mơ tạo được giọng văn riêng đó thôi, mấy lời xin thưa lại, để cùng đánh giá đúng về bản chất của văn chương vậy. Và tôi lại thấy ở Khoa một con người lao động, bất luận về bản chất để làm gì, cũng để tôi học tập ở anh về công việc lao động cần cù trên những luống chữ…
Tôi không cầu mong anh trở thành nhà văn, chỉ cầu mong, những trang viết của Khoa sẽ dần chín theo thời gian. Hiện vốn của anh vẫn còn hơn mươi truyện, và lần này anh quan tâm đến mảng kinh tế xã hội. Chúc cho anh mãi trong sáng với con chữ của mình.
H.T

(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cô bé mù (09/10/2008)