Tạp chí Sông Hương - Số 223 (tháng 9)
Kim Lân - nhà văn của những phận người bé mọn
10:56 | 09/10/2008
PHONG LÊÔng là người cùng thế hệ, hoặc là cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong... Cùng với họ, ông có truyện trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật trong những năm 1941-1945. Cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc đầu Cách mạng tháng Tám, và tham gia xây dựng văn nghệ kháng chiến, làm tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 - tiền thân của tất cả các cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam.
Kim Lân - nhà văn của những phận người bé mọn

Đặt ông bên những tên tuổi kể trên vừa thấy có sự tương đồng và gắn bó; lại vừa thấy một tương phản hoặc khác biệt rõ rệt. Nam Cao - người viết tuyệt vời về nông thôn Việt Nam là nhà văn mà ông rất yêu quý, ngưỡng mộ; và số phận đã gắn ông với nhân vật lão Hạc trong một bộ phim về cái Làng Vũ Đại ngày ấy, để cho đến tận bây giờ ông vẫn được người đời gọi ông là lão Hạc. Lão Hạc là người hàng xóm của Nam Cao; còn ông - ông cũng có một truyện lấy chính tên Ông lão hàng xóm. Nguyên Hồng - tác giả bộ tiểu thuyết lớn, hơn 2000 trang là Cửa biển đã từng có chung một cảm xúc lớn và thống thiết với ông về nạn đói - 1945 khi cho ra đời Địa ngục Lò lửa, cùng thời với Vợ nhặt của ông; và về sau, thì một người viết Con chó xấu xí, một người kể chuyện Con hùm con bồ côi... Tô Hoài - người cùng tuổi với ông suốt một đời viết không ngưng nghỉ; còn ông thì chỉ thỉnh thoảng viết, nhưng cả hai đều để lại những trang đầu đời trong dáng dấp tự truyện, cùng với những thú vui phong tục - một bên là ven đô Kẻ Bưởi, một bên là Phù Lưu - Từ Sơn. Còn Nguyễn Huy Tưởng - người cùng quê Kinh Bắc với ông - ra đi ở tuổi 49, để lại cùng với sự nghiệp kịch và truyện sáng giá, là ngót 2000 trang nhật ký; lúc nào cũng khao khát viết một cái gì thật lớn; còn ông không mấy thúc bách, nôn nóng vì bất cứ ao ước gì; nhưng cả hai vẫn có tình bạn thân thiết và quý trọng lẫn nhau...

Những tên tuổi trên, đã cùng ông gắn với sự khởi đầu cho nghiệp viết vào thời kỳ cuối của văn học hiện thực trước 1945; và sau này có quan hệ gắn bó với nhau trong từng khu vực công việc hoặc phạm vi nghề nghiệp, vì một nền văn nghệ mới. Tất cả đều là chứng nhân, là đại diện cho cả một hành trình lớn của văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX), đi qua mốc lịch sử 1945; và ông là thuộc trong số rất ít người đi trọn cuộc hành trình đó sang thế kỷ XXI - ở tuổi ngót 90. Do vậy, nghĩ về ông là nghĩ về hành trình ấy; và sau cuộc ra đi của ông vào ngày 20 - 7 năm 2007 này, thế hệ tiền chiến chỉ còn lại dăm người từ lâu đã ngừng viết, trừ Tô Hoài vẫn còn tiếp tục đồng hành với các thế hệ sau.

Trong thân hình mảnh khảnh, có phần hom hem, và trong giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi và có phần thều thào do bệnh hen ở tuổi ngoài 85, ông vẫn sẵn lòng tiếp chuyện chúng ta trong căn nhà nhỏ ở xóm Hạ Hồi, trước khi làm một cuộc chia tay vĩnh viễn. Cả một đời ngót tuổi 90, dường như lúc nào ông cũng nhỏ nhẹ, chậm rãi và khiêm nhường như thế, trong cách ăn nói, đi đứng, tiếp xúc, cũng y hệt như chính thế giới nhân vật của ông, những người trong thân phận bé mọn, và thường trú ngụ ở những nơi khuất nẻo. Nếu là vợ thì là vợ nhặt. Nếu là xóm thì là xóm ngụ cư. Nếu là con thì là con thừa, con thêm, con vợ lẽ hoặc con người cô đầu. Nếu là chú thì là chú dượng. Nếu là kép thì là người kép già. Họ đều có tên - ai trong đời chẳng có một cái tên để gọi! Nhưng là những cái tên không khẳng định một cái gì của riêng mình. Là Tràng hoặc Đục (con nhà thợ mộc). Là Nếnh, Náng, Thúng, Mủng. Là bà cụ Tứ hoặc lão Hai (con số). Là bố con người gác máy bay trên núi Cối Kê, hoặc ông Cả Luốn gốc me (phải nhờ đến núi Cối Kê và gốc me để nhớ và định vị). Còn nếu là vật, như chó thì là con chó xấu xí... Họ như muốn lẫn đi trong mọi góc khuất của đời, nhưng họ lại làm nên cái phần sống đa số, và cơ bản của một xã hội trên 95% số dân là nông dân, và dân nghèo. Họ phải chịu đựng mọi lầm than của cái đói và mọi cực nhọc của sự mưu sinh. Đây là chỗ Kim Lân gặp Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài... vốn cùng là những nhà văn của những thân phận bé mọn. Nhưng ông vẫn khác họ; vì như chính ông thường nói, là ông kém tài, ít học và ít đọc so với họ, nên tham vọng cũng ít hơn. Hiểu vì sao cả ông và cả nhân vật của ông thường không có tuyên ngôn, càng ít nói lý lẽ, và thật sự sống trong lặng lẽ, lầm lũi. Hơn thế, dường như họ còn là hóa thân của ông; và đã có lần ông nói đến sự hóa thân này vào nhân vật cu Tràng trong Vợ nhặt, hoặc vào nhân vật ông Hai, trong Làng. Kể cả mẹ cu Tràng là cụ Tứ cũng có dáng dấp chính mẹ ông là cụ Tam - người vợ ba, cô thợ cấy người Kiến An, về lấy lẽ bố ông. Vân vân... Và cái đói của nhà cu Tràng cũng là cái đói của chính gia đình ông; ông cũng cưới vợ vào lúc ấy, cố nhiên là vợ có cheo cưới, chứ không phải... vợ nhặt.

Nghĩ mình kém tài hơn nhiều bạn văn, nên ông chủ trương viết bằng cái sống thực của mình; chỉ viết những gì mình trải, mình thuộc. Ra khỏi quỹ đạo ấy là gượng, là giả; và ông cũng đã từng phải xấu hổ vì cái giả ấy. Và có lẽ vì sợ giả, nên ông viết ít, và cũng không thấy sốt ruột lắm vì sự chậm viết này.
Như vậy nghĩ về Kim Lân là nghĩ về một thế hệ nhà văn tiền chiến, với thế giới người bé mọn là đối tượng quan tâm chung. Nhưng ngoài sự sống đó, ông còn có một mảng màu khác, có thể nói là đặc sắc, trong những thú chơi thanh lịch của một vùng quê Kinh Bắc như đánh vật, chọi gà, thả chim, nuôi chó săn, làm đèn hàng Mã... Có được mảng truyện này trên Tiểu thuyết thứ BảyTrung Bắc chủ nhật chính là nhờ sự gợi ý của ông chủ thầu Vũ Bằng - người làm công cho Vũ Đình Long. Và ta nhớ cả Nam Cao và Tô Hoài cùng đều qua mắt xanh Vũ Bằng mà đến được với sở trường và tay nghề của mình. Mà nói đến tay nghề thì lại phải nhớ: tuy ít học, ít đọc nhưng Kim Lân lại có rất lắm tài vặt trong các nghề thủ công, như vẽ, sơn guốc, khắc tranh, làm đèn và cả diễn kịch...

Kể từ chùm truyện về các thú chơi như Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn, Thổi ống xùy đồng... qua Vợ nhặt, Kim Lân sẽ có tiếp một hành trình đến Làng, với nhân vật lão Hai rất ấn tượng trong bức tranh nhân dân kháng chiến chống Pháp, sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Với Kim Lân, cũng như tất cả những nhà văn viết về thôn quê Việt , người nông dân ở đâu và bất cứ lúc nào cũng tha thiết gắn bó với làng. Nhưng rồi cũng lắm lúc họ buộc phải rời làng, rứt ra khỏi làng (xót xa lắm) để sống với thân phận của kẻ ngụ cư. Một lớp dân nghèo do thân phận ngụ cư (như trong Vợ nhặt, với cái tên đầu của nó là Xóm ngụ cư) nên phải chịu thêm nhiều sức ép của những tập tục và thành kiến. Nhưng chuyển vào đời sống cách mạng, rồi kháng chiến, họ đã thành người nông dân yêu nước tản cư. Và dẫu chỉ mới ở hành động tản cư, dẫu chỉ là sự chuyển đổi môi trường sinh hoạt, ngòi bút Kim Lân vẫn rất tinh tế mà gạn chắt và khẳng định những nét mới trong phần sống bên trong và gương mặt tinh thần của họ. Đưa tình yêu làng lên tình yêu nước, gắn tình yêu làng với tình yêu cách mạng, nét sống đó mang vẻ đẹp tinh thần mới ở người nông dân đã đưa ông Hai - nhân vật chính và quen thuộc của Kim Lân trong truyện ngắn Làng lên vị trí một điển hình người nông dân trong buổi giao thừa mới - cũ.

Sau Làng như một thành tựu thật đặc sắc của văn xuôi chống Pháp, Kim Lân có tiếp Nên vợ nên chồngÔng lão hàng xóm - viết về Cải cách ruộng đất và Sửa sai, một đề tài “hiểm”, nên có gây ra cho ông một ít sóng gió. Sau vụ đấu tranh tư tưởng hồi 1956-1958, bước vào cao trào Hợp tác hóa, ông viết tiếp Ông Cả Luốn gốc me, vẫn với những phát hiện về cốt cách của người nông dân trong đấu tranh cũ - mới. Rồi đến Con chó xấu xí, cùng với mấy con vật khác như con nai đen, con ngan, con hùm con bồ côi rủ nhau cùng xuất hiện vào đầu 60 làm nên một khí hậu lạ, gây nên ít nhiều e ngại cho những người làm công tác tư tưởng một thời.
Phải viết những gì mình thuộc; không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào; càng không sa vào những cuộc đánh đấu, mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế, phải chăng đó là một trong các nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít; và đó là điều có gây thiệt cho ông, và cũng là thiệt cho nền văn học nửa sau thế kỷ XX của chúng ta.

Thế nhưng con người luôn luôn nhún nhường, và không ưa chen lấn, lại vẫn thật ấn tượng trong những trang ít ỏi đã được viết, bởi cách sống và cách viết của ông. Làm một người tử tế - như ông mong muốn, quả đâu là dễ trong cuộc đời; và khi chọn nó làm mục tiêu cho cách sống và cách viết, ông đã cho ta một khẳng định về sự hiện diện cao quý “đói cho sạch, rách cho thơm” của mình. Với tôi, tôi không ngần ngại khi đặt ông kề sau Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng - những tên tuổi lớn trong văn học thời 1941-1945. Cũng những tên tuổi đó, sau một kết thúc vinh quang, lại tiếp tục là người khởi đầu và xây nền móng cho văn học sau 1945 bằng chính tấm gương sống và viết của họ.
Kim Lân, ông đi rồi, nhưng gương mặt ông, hình bóng ông dường như vẫn ở đâu đó bên ta, qua thế giới nhân vật gồm chính những bà con, anh em, cô bác chúng ta, số đông có nguồn cội thôn quê, và hẳn chắc còn lâu mới hết phận nghèo vất vả.
Thái Hà 23-7-2007
P.L

(nguồn: TCSH số 223 - 09 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cô bé mù (09/10/2008)