Tạp chí Sông Hương - Số 222 (tháng 8)
Trẻ trung Madrid
16:21 | 14/10/2008
NGUYỄN VĂN DŨNGNằm giữa trung tâm bán đảo Iberia, thủ đô Tây Ban Nha trải rộng trên các ngọn đồi dưới chân rặng Sierra de Guadarrama, ở độ cao 640m so với mặt nước biển - là thành phố cao nhất châu Âu. Diện tích 607 km2. Dân số gần 4 triệu người.
Trẻ trung Madrid

Madrid nổi tiếng với các địa danh lịch sử, các viện bảo tàng, công viên ngát xanh, đường phố sôi động, quán bar ngoài trời, tất nhiên cả những trận đấu bò cuồng nhiệt, và giai điệu Flamenco quyến rũ.
Nếu “châu Âu là lục địa già cỗi”, thì Madrid là một ngoại lệ - Madrid sôi nổi và trẻ trung.
Madrid được mệnh danh là thủ đô đi bộ. Thành phố không bình bình như Paris hay Luân Đôn mà chập chùng cao thấp, với những con đường lả lướt, uốn lượn, đưa đẩy bước chân qua. Buổi chiều và buổi tối, các con đường lớn nhỏ đều đông kín người. Trông mặt nào mặt nấy ngời ngời hạnh phúc. Mà có phải trẻ trung gì cho cam, cả đến những cụ bà cụ ông, vẫn có cảm tưởng như họ đang hồi xuân trở lại. Thật khó có thể cưỡng nổi sức hấp dẫn của dòng người, dù đôi khi, cố định thần tự hỏi, không biết thật sự mình muốn đi đâu. Nhưng rồi bỗng phì cười, thật lẩn thẩn, nội cái việc được hoà mình vào dòng người vừa xa lạ vừa gần gũi, lại được đi trên những con đường lộng lẫy của một thành phố văn hoá, thì cũng đủ sướng rồi, cần gì thắc mắc phải đến đâu. Đi cho chán chê ê ẩm, đến khi mỏi gối chồn chân, thì cứ việc toạ xuống một quán nước bên đường. Madrid , trừ những đại lộ xe cộ ngợp trời, còn khối những con đường chỉ dành cho người đi bộ, ở đó luôn có các quán giải khát lộ thiên bao giờ cũng đông đảo khách hàng. Họ ngồi nghỉ ngơi, nhâm nhi cốc vin đặc sản, chuyện trò, đôi khi nhấm nháp chút chút, rồi lại tiếp tục rong chơi. Rất dễ nhận ra, trên đường phố hay chỗ đông người, dân Madrid không có cái thói láo liêng, hay đầu mày cuối mắt như bên mình. Không yêu nhau, có thể người ta đưa nhau ra toà li dị, nhưng đã sống với nhau thì lại hết lòng, như thử trên cái trần gian truân chuyên này, chỉ nửa kia của họ mới là hiện hữu đáng cho họ yêu thương và tôn trọng. Cả những bà mẹ bên này cũng vậy, họ thể hiện tình yêu và sự chăm chút con cái một cách lặng lẽ, chan chứa, và có hồn.

Về khuya, tuy đã rợt bớt một số vào các nhà hàng, vũ trường, rạp hát... nhưng đường phố vẫn nhộn nhịp những người. Đêm, hình như dân Madrid không chịu ngủ. “Cổ nhân bỉnh chúc”, tưởng chỉ các cụ xưa ham chơi, nào dè nay thành cách sống của con người hiện đại. Tôi thầm hỏi, không biết cái chi trên đất nước này khiến người ta yêu đời và ham sống đến vậy.
Dân Madrid vui vẻ, sôi nổi, lịch thiệp, tốt bụng. Trong khi chuyện trò, họ thường kèm theo điệu bộ: miệng nói, tay huơ, đầu ngắt, mắt nháy. Đặc biệt họ nói rất nhanh, cả khi nói tiếng Anh hay tiếng Pháp - như thử nếu không thế, họ sợ tỏ ra thiếu nhiệt tình với người đối diện.
Họ cũng rất nghiêm khắc với bản thân, coi trọng cá tính, trọng danh dự, kiêu hãnh, và rất tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trong cuộc sống đời thường, niềm vui của họ thật giản dị: một buổi tụ tập bạn bè, một cuộc chuyện trò vui vẻ, một giấc ngủ trưa, một khoảng sân ngập nắng, một nụ cười chân thật, một bộ phim hay, một cuốn sách quí, và rất có tâm hồn ăn uống - nhất là ăn với đông người.

Ngay giữa lòng châu Âu, nhưng xem ra người Tây Ban Nha nói chung và dân Madrid nói riêng đậm chất Mỹ hơn là một thành viên cố cựu của lục địa già. Từ nét mặt, màu da, màu mắt, cái dáng, nhất là con gái - con gái Madrid mắt nâu, da bồ quân, mạnh khoẻ, ngon lành không khác chi mấy cô nàng Brasil ngồn ngộn khi mô cũng chực hút hồn cánh nam tử.
Giới trẻ Madrid đam mê, cuồng nhiệt, hết mình. Trong thời đại toàn cầu hoá, dãy Pyrénées hùng vỹ kia chỉ như bờ dậu sau nhà, chẳng ngăn nổi họ hoà nhập với xu thế tuổi trẻ thời đại. Hoá ra lại hay: ham học, ham làm, ham ăn, ham chơi, ham mua sắm, ham tiêu xài, ham tốc độ, ham thể hiện, ham yêu... còn hơn bên mình, khối thanh niên chẳng biết ham gì - sáng cà phê, chiều nhậu nhẹt, khuya về say xỉn; sách không đọc, đầu không nghĩ, tay không làm, yêu chẳng dám, ghét lại sợ, ngồi lâu một chút đã chừ thôi em về kẻo mạ la.

Dân Madrid thích thể thao, đặc biệt mê bóng đá - bóng đá là vua. Khắp đất nước Tây Ban Nha, đâu đâu cũng có sân bóng, đội bóng. Trong đó, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha của họ là nhất. Sân vận động Santiago Bernabeu với gần 100.000 chỗ ngồi luôn chật kín người mỗi lần đội “Những chú kền kền trắng” con cưng của họ thi đấu. Dân Madrid thích xem bóng đá trực tiếp trên sân hơn qua tivi. Cũng dễ hiểu thôi, vì chỉ trên sân mới có thể đắm đuối đong đầy chất cuồng nhiệt của môn thể thao vua này. Cũng còn vì Bernabeu hiện đại, văn minh, đẹp, và uy nghi như một giáo đường. Vui nhất là, trong số những cổ động viên la hét cuồng nhiệt ấy đôi khi có cả đức Giáo hoàng.

Vé tour vào tham quan sân vận động Bernabeu giá 10 Euro, bù lại bạn có thể sống trọn với lịch sử vàng son hơn 100 năm của đội bóng: từ những ý tưởng ban đầu, đến những quyết định, những đội bóng, những trận đấu, những con người, những ngôi sao, những chiếc cúp (vô số những chiếc cúp), những ngọn cờ, những chiếc áo, những đôi giày... Bạn có thể ngồi đó, trước màn hình, để xem lại tất cả những bàn thắng đẹp nhất, những pha bóng lẫy lừng nhất, nụ cười, niềm vui, và cả những giọt nước mắt. Có đến đây mới hiểu nổi vì sao người ta yêu đội bóng “Những chú kền kền trắng” đến vậy, vì sao nhiều danh thủ một đời chỉ mơ ước được là thành viên của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha! Và nếu bạn bỗng có cảm tưởng như là chính mình cũng được tham dự một phần vào lịch sử vẻ vang của đội bóng, thì chẳng có gì ngạc nhiên cả, bởi vì tại nơi giáo đường thiêng liêng này luôn đủ chỗ cho những con tim biết thổn thức trước cái đẹp.

Tây Ban Nha có nền văn hoá rực rỡ và lâu đời. Năm 1992, Madrid được chọn làm thủ đô văn hoá châu Âu. Madrid có nhiều tượng đài, công trình nghệ thuật, kiến trúc, nhà hát, thư viện, viện bảo tàng... trong đó lừng danh hơn cả là bảo tàng Museo del Prado, nơi có bộ sưu tập tranh thế giới tốt nhất châu Âu.
Và bảo tàng Centro de Arte Reina Sofia - bảo tàng Mỹ thuật đương đại, cũng lừng danh không kém. Trong số tranh trưng bày ở đây có một bức cực kỳ nổi tiếng của danh hoạ Pablo Picasso - đứa con ưu tú của quê hương Tây Ban Nha, bức Guernica (1937), chân dung một thành phố bị ném bom trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936 - 1939. Cũng như với bức La Joconde ở bảo tàng Louvre, du khách vào đây không ai không đến trước Guernica, ngẩn ngơ, chiêm ngắm, trầm tư, xa xót về những thảm hoạ của chiến tranh. Và có lẽ tự đáy lòng, không ai không cầu mong cho nhân loại thái bình, sinh mạng và phẩm giá con người được tôn trọng. Cho hay, nghệ thuật luôn làm được điều mà quyền lực, dù có cao tột đến đâu cũng không làm nổi.

Một phần đời sống của Madrid tập trung quanh các quảng trường và công viên. Thành phố có nhiều, rất nhiều công viên, trong đó, công viên Retiro rộng lớn đến mức người ta ví nó như là Central Park của New York . Giữa trung tâm Madrid, công viên Retiro xanh ngát với những con đường tràn ngập bóng cây, các tượng đài, đài phun nước, cung triển lãm mỹ thuật, hồ nước nhân tạo mênh mông, vườn hoa hồng, những quán trà, nhà hàng... và vô số địa điểm dành cho con trẻ nô đùa. Ngày tôi đến, mùa xuân còn chúm chím trên cành. Dọc theo các lối đi, những khóm hoa tulip rực rỡ, đua sắc cùng những cây đào, cây mận, cây lê trổ hoa trắng tuyết. Dịp cuối tuần, công viên tràn ngập người. Công viên như một mái nhà vĩ đại của một gia đình vĩ đại. Nắng chan hoà trên ngàn cây nội cỏ, trên các lối đi, trong mắt người. Trong khi trẻ con hút hồn vào các trò chơi, người lớn nhâm nhi và chuyện trò nơi quán nước dưới các tàn cây, thì thanh niên nam nữ hăm hở chèo thuyền, cỡi ngựa, chơi bóng... và nằm dài trên cỏ: tâm tình, thinh lặng, và hôn nhau. Hay thiệt, chuyện hôn hít nhau giữa ba quân thiên hạ, bên mình coi là dị hợm không thể chấp nhận được, nhưng ở đây người ta cho là bình thường, cứ việc tự nhiên như nhiên; đến nỗi chính kẻ nào lăm lăm nhòm ngó và lên mặt phê phán nọ kia mới thật sự là đồ dị hợm không thể chấp nhận được.

Quảng trường Puerta del Sol là trung tâm của Madrid - được mệnh danh là cây số 0, nơi giao hội của 6 đại lộ cấp quốc gia, suốt ngày đêm đông vui, nhộn nhịp.
Quảng trường Plaza Mayor nổi tiếng theo cách khác. Plaza Mayor được xây dựng năm 1617, vây quanh bởi bốn dãy toà nhà tạo nên một không gian vuông vức, rộng đến khoảng hai sân bóng đá. Là trung tâm kinh tế của Madrid cho đến cuối thế kỷ XIX. Plaza Mayor còn là nơi khai sinh hoạt động đấu bò, và đã từng có những trận đấu bò đến hơn 50.000 người xem. Giữa quảng trường có tượng đài vua Philips III cỡi ngựa. Mỗi sáng chúa nhật, quảng trường trở thành khu chợ trời đông nghịt người, ngào ngạt hương hoa và sắc màu sản vật đồng quê. Còn các buổi chiều và tối, quảng trường là nơi vô cùng náo nhiệt với rất nhiều nhà hàng, quán bar, và đủ loại trò chơi. Những nghệ sĩ phong cầm góp phần khiến quảng trường thêm sinh động và chan chứa bằng những giai điệu không chê vào đâu được. Du khách thường tập trung ở đây, ăn tối, uống bia, uống rượu, và thưởng thức không khí đặc thù của quê hương đấu bò.

Tôi thì tôi thích Plaza de Oriente hơn. Quảng trường Oriente nằm giữa Hoàng cung và Nhà hát Opéra. Nơi đây, cây cỏ ngát xanh, không gian rộng mở. Giữa quảng trường, ngời ngời tượng đài vua Philippe IV cỡi con tuấn mã hướng về phía mặt trời. Không biết người ta thiết kế kiểu gì mà con ngựa sắt trụ được chỉ trên hai chân sau, trong lúc hai chân kia tung vó phi về trước. Tượng đài vì thế toát lên thần thái vừa oai phong vừa bay bổng. Xa xa bên sau Hoàng cung là dòng sông Manzanares chảy ngang qua thành phố. Được xây dựng từ 1738 theo kiến trúc tân cổ điển, Hoàng cung là toà lâu đài bằng đá cẩm thạch cực kỳ lộng lẫy. Là viện bảo tàng thật sự với những bộ sưu tập vô giá. Là một trong những cung điện đẹp nhất thế giới. Buổi chiều, trước khi mặt trời tắt hẳn sau dãy đồi, toà lâu đài lần lượt biến hoá theo sắc màu hoàng hôn. Tôi thích ngắm những toà lâu đài dưới ánh tà dương. Nó luôn gợi lên trong ta cảm thức về một cái đẹp kỳ vĩ và mong manh.

Chủ nhân toà lâu đài là đức vua Juan Carlos. Ông là vị quân vương được con dân Tây Ban Nha rất mực yêu kính. Dễ hiểu thôi, bởi vì chính ông là cha đẻ của đất nước Tây Ban Nha thái bình thịnh trị ngày nay.
Là một trong những quốc gia cổ xưa nhất châu Âu. Tây Ban Nha từng qua tay vô số những kẻ chinh phục, những cuộc xâm lăng, những kẻ cuồng tín, lũ tham lam, bọn độc tài, những cuộc nội chiến... từng nếm trải vinh quang và cay đắng.
Năm 1492, được vương triều Tây Ban Nha bảo trợ, Christopher Columbus - một nhà thám hiểm người Ý, vượt đại dương khám phá châu Mỹ, mở ra một kỷ nguyên mới. Tây Ban Nha trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, nhờ vào nguồn của cải khổng lồ đến từ các thuộc địa ở Tân Thế giới và nhờ vào sự liên minh với vương triều Hapsburg hùng cường.

Nhưng rồi không lâu sau, quyền lực rơi vào tay những tên tham lam, dốt nát, ngông cuồng, ngạo mạn. Đế quốc Tây Ban Nha lần lượt sụp đổ. Năm 1950, Tây Ban Nha là quốc gia nghèo đói, điêu tàn vì nội chiến và độc tài, hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Năm 1975, sau cái chết của nhà độc tài Franco, chế độ quân chủ được phục hồi, Juan Carlos đệ I đăng quang. Ngay lập tức, nhà vua chủ trương dân chủ hoá và cải cách giáo dục. Bầu cử tự do khai sinh nền dân chủ đại nghị, và bản hiến pháp 1978 ra đời: khôi phục quyền công dân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, chấm dứt quyền độc tôn của Thiên Chúa Giáo La Mã... Phần thưởng lớn nhất dành cho sự cống hiến quên mình của đức vua là Tây Ban Nha ngày nay là một quốc gia văn hoá, phát triển, cường thịnh, cùng sự kính trọng tuyệt đối mà nhân dân Tây Ban Nha dành cho ông.

Hoá ra không phải quân chủ hay dân chủ, tư bản hay cộng sản, mà chính là con người. Một ông vua, ông tổng thống, hay ông chủ tịch, nếu có tài có đức, hẳn sẽ tìm ra lối đi thích hợp nhất cho đất nước mình phát triển, hùng cường. Ước chi gặp được đức vua Juan Carlos, tôi sẽ xin xá ngài ba xá. Ôi, cái thế giới này thì càng ngày càng mong manh, mà những đấng minh quân thì càng ngày càng ít lại.

Tây Ban Nha thuộc vùng khí hậu Địa Trung Hải, không hiểu sao Madrid lại có màu trời đêm rất lạ. Khoảng 21 giờ, khi hoàng hôn vừa tắt nắng, trời Madrid xanh một màu lam nhạt, rồi chuyển dần sang lam đậm, màu chàm, và cuối cùng là màu xanh đen. Trời trong vắt, không một gợn mây, chỉ vài vì sao lơ ngơ, như muốn nhường hết không gian mộng mị kia cho nửa vầng trăng khuyết trò chuyện với khách giang hồ. Dưới kỹ thuật ánh sáng hiện đại, toà lâu đài hoàng gia rực sáng trong khoảng trời đêm - thứ ánh sáng nửa thực nửa mộng, như vừa hiện ra từ câu chuyện cổ tích.

Trước khi sang đây, anh bạn dặn, ông cố mà thưởng thức cho hết các loại rượu vin đặc sản của xứ sở vũ điệu Flamenco. Hoá ra Tây Ban Nha là một cường quốc sản xuất rượu vin, chỉ sau Pháp và Ý. Tây Ban Nha là quê hương của nhiều loại rượu nổi tiếng, có lai lịch từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, được thế giới hết lòng ngưỡng mộ. Nhưng xem ra, chỉ Rioja mới xứng danh là thiên hạ đệ nhất tửu. Mà, cả Rioja cũng có nhiều cung bậc: Rioja bậc trung, Rioja Crianza cao cấp, Reserva thượng thừa, và Gran Reserva đích thị là vua. Gran Reserva là loại vin được sinh thành từ những mùa nho cực tốt, được thao tác công phu, được ngâm trong thùng gỗ sồi ít nhất 2 năm, lại phải tiếp tục ngủ vùi trong chai thêm 3 năm nữa - vị chi là 5 năm tối thiểu. Thảo nào tới lúc ra lò, cũng vừa thành tựu nội ngoại công phu đủ làm cho nhân loại ngả nghiêng.

Rượu vin là quà tặng của thượng đế. Trong những thứ lăng nhăng ở đời, tôi đặc biệt thích hai thứ: trà ngon và rượu quí - tất nhiên hồi còn trai trẻ thì cũng thích cả ba. May quá, trong thời đại chúng ta, hễ cái chi vua có tất dân cũng có. Ví dụ như ngồi đây, dưới trời đêm Madrid - một thứ trời đêm mà tôi cố lục lọi trong các ngăn hồi ức, vẫn không hề thấy xuất hiện nơi đâu trên cái trần gian này; chỉ cần mạnh tay một chút là bạn có ngay cốc Gran Reserva hồng đào. Du lịch giúp ta cơ hội tiếp cận các nền văn hoá, chiêm nghiệm, học hỏi, và thưởng thức những tinh hoa của thời đại. Một cốc Gran Reserva - không phải để uống mà để chạm tới nó với cả tâm hồn. Quả là danh bất hư truyền.

Dân Tây Ban Nha đặc biệt có tâm hồn lễ hội. Họ, bao giờ cũng vui vẻ, sôi nổi, hết lòng, và dọn mình trước cả hàng năm. Các lễ hội thường có lịch sử lâu đời và thấm đẫm truyền thống, văn hoá, lịch sử của mỗi vùng đất. Đó là lễ hội hoá trang, lễ hội cuối đông, lễ hội hành hương, tuần thánh, lễ hiển linh, lễ hội giao thừa, lễ hội bò đuổi (San Fermin)... Ở đời, có tiền mua tiên cũng được. Nhưng không phải bao giờ có tiền mua chi cũng được. Ví dụ, sang Madrid lần này, tôi ước ao tham dự cho được lễ hội San Fermin, nhưng rồi đành chịu. Chỉ vì phải đến đầu tháng 7 người ta mới tổ chức, mà lại chỉ tổ chức ở thành phố Pamplona - Từ sáng sớm, người ta thả những chú bò mộng chạy theo một tuyến đường nhất định. Bất chấp hiểm nguy, đôi khi cả cái chết, cánh đàn ông muốn chứng minh lòng can đảm và sự nhanh nhẹn của mình bằng cách chạy ngay trước mũi những con bò hung dữ. Vậy mà đó là một trong những lễ hội vui nhộn nhất, hấp dẫn nhất, với nhiều người tham gia nhất. Xin đừng vội cười, vì dù sao trò chơi ấy còn nhân bản hơn nhiều so với trò thử thách lòng can đảm bằng các cuộc chiến tranh chém giết lẫn nhau. Không có duyên dự lễ hội San Fermin, nhưng những ngày ở Madrid tôi được tham gia một lễ hội khác cũng liên quan đến mấy con bò - lễ hội đấu bò. Trên đất nước Tây Ban Nha, khắp nơi đều có trường đấu bò, nhưng chỉ trường đấu bò ở Madrid là lớn và nổi tiếng hơn cả. Trường đấu bò Plaza de Toros (Las Ventas) - Madrid là công trình kiến trúc bốn bề xây bằng gạch. Bên trong có khán đài hình bậc thang với hơn 25.000 chỗ ngồi. Bục ở giữa khán đài có chỗ dành cho đội nhạc và ban giám khảo. Tầng dưới khán đài có 5 cửa ra vào chuyên dùng cho các đấu sĩ. Giữa đấu trường là một sân hình tròn đường kính khoảng 80m, được phủ lớp cát vàng, bốn bề có màn chắn màu xanh.

Trận đấu bắt đầu với đầy đủ nghi thức truyền thống mà tâm điểm là anh chàng đấu sĩ Matador. Khi con bò hung dữ được thả ra, cả đấu trường kín người câm lặng đến nghẹt thở. Với tấm vải đỏ trên tay, chàng đấu sĩ bắt đầu vũ điệu chết người khiến con bò càng hung dữ lao về trước. Xem ra anh ta không muốn trực tiếp đương đầu với sức mạnh con bò, không muốn dùng sức để chiến thắng; anh ta khéo léo xoay người làm lệch hướng tấn công của đối thủ, và dành chủ động hoàn toàn trong suốt trận đấu. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi phong thái và chiến thuật của anh chàng Matador. Đó là phong thái ung dung, tự tại của một kiếm sĩ bậc thầy, lòng không hề vướng bận ý niệm thắng thua, sống chết. Đó là chiến thuật xuất phát từ tư tưởng lấy nhu thắng cương, lấy tĩnh chế động, lấy mưu lược thắng cương cường, đem hoá giải khắc chế đối đầu... Ai dè, môn đấu bò của Tây Ban Nha lại được xây dựng trên nền tảng Võ đạo Đông phương. Ước chi thế giới này cũng được vận hành theo tinh thần ấy.

Đến khi chàng Matador, với một động tác cực kỳ đơn giản và chính xác, đâm nhát kiếm vào giữa hai vai con bò, con vật quỵ xuống, tiếng Olé kích động vang dội đất trời, và hàng vạn đoá hoa tung hô chiến công chàng đấu sĩ. Với Tây Ban Nha, đấu bò không còn là môn thể thao, mà là một nghệ thuật, một nghi lễ, là trái tim và linh hồn thực sự của đất nước này.
Thật thú vị khi lần dở lại trang sử vẻ vang của môn đấu bò. Té ra nó bắt nguồn từ việc muốn kiểm chứng lòng can đảm của mình, muốn lấy levới người đẹp, và với bọn đàn em dưới trướng. Không biết có bao nhiêu vị yêng hùng bỏ mạng vì cái lý tưởng cao cả ấy. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi quê hương của nó là đất nước Tây Ban Nha - một dân tộc trẻ trung và kiêu hãnh, một dân tộc từng đi đầu trong cuộc chinh phục thế giới, nay tiếp tục say sưa chinh phục chính mình.

Nếu có ai hỏi rằng, Madrid là trung tâm văn hoá, du lịch của châu Âu, đến Madrid, nếu phải chọn một trong số những di sản ấy thì nên chọn gì? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: vũ điệu Flamenco.
Chỉ với một sân khấu nhỏ, 2 ca sĩ, 2 nghệ sĩ guitare, 5 vũ công, khoảng vài trăm khán giả, là đã có một buổi tối Flamenco ngất ngây không thể nào quên. Cũng cần nói thêm, Tây Ban Nha là quê hương của cây đàn guitare. Ngày nay, guitare trở thành nhạc cụ quốc tế. Nhưng khi nghe những âm thanh phát ra từ đôi tay người nghệ sĩ Tây Ban Cầm, tôi hiểu rằng, dù đi đâu về đâu, cây đàn guitare trước sau cũng là của Tây Ban Nha. Chỉ trong không gian văn hoá Tây Ban Nha, nó mới chịu phát tiết hết khả năng kỳ ảo của mình để ngân lên thứ âm thanh sôi nổi, đam mê, cùng thứ nhịp điệu dồn dập, rộn ràng. Mà đó chính là linh hồn của Flamenco.

Rực rỡ trong bộ áo váy truyền thống, các vũ công thay nhau thi triển vũ điệu Flamenco. Từ độc diễn đến đồng diễn, từ thanh thoát đến sâu lắng, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, để cuối cùng đưa người xem lạc hẳn vào một thế giới lạ lùng, quyến rũ. Ở Flamenco, có sự phối hợp tuyệt đỉnh giữa tiếng hát, tiếng đàn và vũ điệu; giữa cánh tay, bàn tay, đầu, mắt, mặt, và các cử động toàn thân, đặc biệt đôi chân. Không còn nhận ra đôi chân nữa, nó đã thật sự thoát xác để trở thành thứ ngôn ngữ biểu cảm lạ lùng. Nó đang đập mạnh gót chân xuống sàn, đập liên hồi, nó chuyển mình, nó đang cố sức rũ bỏ tất cả. Trong đôi mắt người nghệ sĩ, cháy bỏng khát vọng bay lên. Và ta, vừa được chắp cánh, cũng đang rạo rực bay lên. Khúc luân vũ kết thúc, bỗng vỡ oà tiếng vỗ tay tán thưởng. Mọi người như tỉnh lại sau cơn lên đồng.

Khi tưởng đã có một buổi tối no nê vũ điệu Flamenco, thì ngay giữa sân khấu, dưới ánh đèn chói lọi, một nam vũ công - trong tư thế tràn đầy sức mạnh và quyền uy. Cả hội trường nín lặng. Rồi, từ từ chuyển động, anh ta bắt đầu cuộc hành trình đi vào nghệ thuật Flamenco... Hình như anh ta không còn là anh ta nữa. Hình như âm thanh, ánh sáng, vũ điệu không còn thuộc về trần gian này nữa. Mà tất cả được chuyển hoá thành một thứ quyền lực ghê gớm; thứ men say của tình yêu, đam mê, khát vọng, khổ đau, hạnh phúc. Tôi không biết phải diễn tả thế nào! So với anh ta, đám nghệ sĩ kia chỉ như những đệ tử học nghề. Không ai trong số khán giả còn giữ nguyên dáng ngồi - mọi người đều rướn người lên, nín thở. Thế đấy, trong đời có những cái đẹp nằm ngoài khả năng của ngôn ngữ. Có những cái đẹp mà trước nó, con người ta chỉ còn biết im lặng cúi đầu. Flamenco chính là cái đẹp ấy. Flamenco là thứ nghệ thuật đạt tới mức chỉ có thể nói là không còn chi nói nữa. Chính vào phút đó, tôi bỗng ngộ ra rằng, sự đóng góp lớn nhất của Tây Ban Nha cho nhân loại không phải là đã tìm ra châu Mỹ mà là đã sáng tạo nên vũ điệu Flamenco.

Mãi khi rời Madrid, tôi vẫn không hiểu nổi, Tây Ban Nha từng lận đận với lịch sử vinh quang và cay đắng, sao lại có thể sôi nổi và trẻ trung đến vậy? Rõ ràng đứng đầu Tây Ban Nha là một ông vua, sao lại có được không khí dân chủ, tự do tuyệt vời đến vậy? Duy điều này thì tôi hiểu: “Tây Ban Nha là đất nước tiêu thụ rượu vin nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới”. Và Flamenco, “Là sáng tạo vĩ đại nhất của dân tộc Tây Ban Nha” - Cho nên nếu ai đó đến Madrid mà chưa kịp thưởng thức vũ điệu Flamenco thì tốt nhất không nên nói mình đã đến Madrid .
N.V.D
(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

Các bài mới
Bến mẹ (15/10/2008)
Các bài đã đăng