Tạp chí Sông Hương - Số 222 (tháng 8)
Văn học trẻ và vấn đề đầu tư bồi dưỡng lực lượng trẻ trong văn học
10:44 | 15/10/2008
THẠCH QUỲTrước hết, tôi xin liệt kê đơn thuần về tuổi tác các nhà văn.

1. Nhà văn Nguyên Hồng viết “Bỉ vỏ” năm chưa đầy 17 tuổi. 2. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mất năm 22 tuổi để lại cho ta một tập thơ, trong đó có bài Chùa Hương nổi tiếng. 3. Nhà văn Vũ Trọng Phụng mất năm 28 tuổi, để lại 10 cuốn sách bao gồm tiểu thuyết, ký sự.... ông xứng danh là một nhà văn lớn trong nền văn học hiện đại của chúng ta. 4. Nhà văn Nam Cao mất năm 36 tuổi, các tác phẩm Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn đã ra đời khi nhà văn chưa đầy 30 tuổi. 5. Các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử... đều rất nổi tiếng trên văn đàn khi tuổi đời của họ chưa tròn số 25. Tập thơ “Bức tranh quê” Tự lực văn đoàn trao giải thưởng cho nữ sĩ Anh Thơ khi bà chưa tròn 16 tuổi. Ở thời ta, chú Trần Đăng Khoa trình làng tập thơ “Góc sân và khoảng trời” khi tác giả vừa tròn 8 tuổi. Các nhà thơ, nhà văn thời chống Mỹ, sinh sau năm 1940, hầu hết đã nổi tiếng, trước năm 1970, họ làm chủ tiếng nói văn học của một thời đại. Nhìn ngược lên theo tiến trình lịch sử của Văn học nước nhà từ Trạng Hiền, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn hay nhìn rộng ra bản đồ văn học thế giới, ta luôn gặp các tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà thơ nhà văn trẻ tuổi. Chúng ta thường gọi các nhà văn từ 16 đến 30 tuổi là những nhà văn trẻ. Nhưng hãy dè chừng, kinh nghiệm văn học đã chỉ rõ rằng đây chính là lứa tuổi của thành công và sáng tạo. Nói thế để chúng ta đặt niềm tin đúng đắn của mình vào thế hệ ấy. Tuy nhiên, tuổi trẻ chưa hẳn đã đồng nghĩa với văn học trẻ. Gớt đã viết “Phaoxtơ” tác phẩm bất hủ của mình ở tuổi ngoại 80.

Vấn đề văn học trẻ, thực chất là vấn đề các thế hệ nối tiếp trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học. Nếu trong đời sống, trong các mối quan hệ xã hội có vấn đề “CHA và CON” thì tương tự, trong văn học có vấn đề văn học trẻ. Chúng ta biết, tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến nhưng cha mẹ có hiểu biết, có cảm thông với con cái hay không lại là một vấn đề lớn. Các nhà văn cũng vậy, càng tâm huyết với văn học càng đặt nhiều hy vọng vào thế hệ các nhà văn trẻ. Vấn đề nhà văn trẻ, văn học trẻ là vấn đề kế thừa và phát triển của lịch sử văn học, không riêng thời đại nào. Văn học Việt từ thời Lý đến Hậu Lê chừng như ít nổi cộm các vấn đề của văn học trẻ nếu đem so sánh với lịch sử văn chương cuối Lê đầu Nguyễn. Các bước nhảy vọt trong lịch sử văn học do các nhà văn trẻ tạo ra thường để lại những giây lát ngỡ ngàng như là mâu thuẫn trong nhận thức văn học của các thế hệ. Nếu Thu cảm, Thu điếu, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến chưa phá vỡ cái vỏ bọc âm sắc đăng đối nhịp điệu Đường thi thì “Cảm thu” của Tản Đà đã là một giọng điệu hoàn toàn khác hẳn.
Sông thu bạc
Trăng thu vàng
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh...

Nhưng rồi Tản Đà hẳn phải ngỡ ngàng trước quan niệm về thơ của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử và đặc biệt khác thường là quan niệm của Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vĩ. Có lúc tôi ngỡ rằng Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà khó lòng mà chấp nhận cái vồ vập “miệng cười, tay riết”, trong thơ Xuân Diệu và những cú say cả tâm hồn lẫn thể xác trong thơ Vũ Hoàng Chương. Cũng như vậy, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận phải “lột xác” mình mới tập sự được thơ kháng chiến. Rồi thơ kháng chiến chống Mỹ lại vượt khỏi thơ kháng chiến chống Pháp cả một tầm cao trí tuệ. Sự ngỡ ngàng trong nhận thức văn học của thế hệ này với thế hệ khác là dấu hiệu đáng mừng trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc.

Ngày nay, sau năm 1975 đặc biệt là sau 1980, một thế hệ mới đã xuất hiện trong tiến trình đổi mới văn học của chúng ta. Đã có tiếng nói để gây tranh cãi. Đã có sự ngỡ ngàng trong quan niệm văn học của các thế hệ. Tuy chưa có thành công xuất sắc ở các tác phẩm cụ thể, tác giả cụ thể  nhưng tiếng nói mới mẻ ấy đã có sức vang, sức dội trên văn đàn, chừng như đã hình thành nên hệ thống ngôn ngữ khác thường của nó. Những Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải trong thơ, Nguyễn Ngọc Tư và nhiều nhiều bạn trẻ khác trong văn đã có con đường đi riêng của họ. Tôi tin vào câu nói của Lỗ Tấn: “Mặt đất vốn dĩ không đường, người ta đi mãi sẽ thành đường”. Nhưng tiếc thay, có nhiều bạn trẻ đã vượt tuổi 30 vẫn chỉ có tiếng tăm là kẻ mở đường chứ chưa đi đến nơi cần đến ấy là tác phẩm văn học đích thực mới mẻ - cái chứng chỉ thành công cho con đường mình đã chọn.

Hình như các bạn trẻ vừa chậm chạp lại vừa nóng vội. Chậm chạp trước thành công, nóng vội trước danh tiếng không phải là sự lựa chọn tối ưu của một nhà văn. Nhà văn là tác phẩm. Tác phẩm là hộ chiếu, là chứng minh thư của nhà văn. Nhà văn hãy cầm lấy nó để đi qua các cửa trần gian, thiên đường, địa ngục đều không cần thị thực. Ai cũng biết nội lực của nhà văn quyết định sự nghiệp của nhà văn đó. Cái gì làm nên nội lực của nhà văn thì nhà văn cần tự biết!

Tuy vậy, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với các nhà văn là rất cần thiết. Các nhà văn lớp trước, đặc biệt là các biên tập viên, các vị quan chức ở các nhà xuất bản, báo chí rất nên có tư duy mở, thông thoáng trong quan niệm văn học hiện đại để tạo điều kiện cho các tác phẩm mới được ra mắt công chúng. Tôi nghe nói tập thơ Vi Thùy Linh có 3 nhà xuất bản từ chối, phải om lại 3 năm, phải thay tên tác phẩm mới được in ra. Khi viết những dòng này, trước mắt tôi có tập “Đồng Tử” của Vi Thùy Linh. Với trình độ chính trị còn nhiều hạn chế của bản thân, tôi lấy làm khó hiểu vì sao các nhà xuất bản lại khó xử với tập thơ này như vậy? Ý kiến tiếp theo của tôi là các nhà phê bình văn học nên để tâm đọc và giới thiệu cái hay, cái dở, cái mới lạ, cái ngây ngô, cái kỳ thú trong các tác phẩm trẻ. Những tác phẩm có vấn đề cần được tranh luận công khai trên báo chí. Nhiều người kêu thơ trẻ khó hiểu, thậm chí là không có cái hiểu để hiểu. Theo ý tôi, hiểu thơ theo nghĩa chữ là cách hiểu thơ ở cấp thấp nhất. Cái siêu của thơ là ở chỗ câu thơ, bài thơ tạo ra một trường cảm nhận rồi người đọc, người nghe gặt hái cảm xúc của mình từ trường cảm nhận do ngôn từ và các cấu trúc của nó tạo ra ở câu thơ, bài thơ đó. Vì thế, nếu thơ trẻ còn khó hiểu thì không chỉ người viết xét lại mà người đọc cũng nên lục soát lại khả năng cảm nhận văn học của chính mình nữa! Như trên đã nói, cái mới bao giờ cũng gây ra một sự ngỡ ngàng. Chúng ta không nên biến sự ngỡ ngàng thành sự tẩy chay đối với những cái quá mới, quá lạ trong văn học trẻ.

Trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp, Hội Nhà văn, các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương có chủ trương đầu tư cho tác phẩm văn học, mở các trại viết để thúc đẩy công việc sáng tác của các nhà văn. Cần nhìn rõ sự bất cập và yếu kém trong việc đầu tư tác phẩm và mở trại sáng tác của các Hội nhất là Hội địa phương. Đầu tư nhưng không có tác phẩm. Mở trại nhưng không chọn lọc tác giả. Đầu tư và mở trại còn nặng về tính chất mặt trận, tính chất “ăn cho đều kêu cho sõi”, bênh vực sự công bằng kỳ quái; sợ dư luận, sợ thắc mắc không nhắm trúng hiệu quả của công việc là sự ra đời của các tác phẩm văn học có chất lượng. Do điều kiện hình thành và phát triển từ thời bao cấp, duy ý chí, các Hội văn học địa phương túa vào tổ chức của mình đông đảo và dài dặc danh sách hội viên. Không ít hội viên trình độ hiểu biết và năng lực sáng tạo có thể nói là còn ở mức bi hài. Điều đó gây khó khăn lớn cho những người cầm chịch trong việc chia phần cái gói giữa làng khi bàn đến việc đầu tư và mở trại sáng tác. Trại sáng tác với một số người đã biến thành trại an dưỡng, trại tham quan, du lịch. Hội bỏ tiền đầu tư cho tác phẩm lớn nhưng trong văn học chỉ thấy xuất hiện những tác phẩm làng nhàng, nhạt nhẽo. Nên chăng, ở các Hội địa phương, ngoài ban lãnh đạo cần thành lập một hội đồng tư vấn có năng lực thẩm định tác phẩm giúp cho việc đầu tư và mở trại sáng tác có hiệu quả hơn.

Với các nhà văn trẻ, những người thực sự có tâm huyết, thực sự có cái gan lì, bất chấp mọi trở ngại, kiên trì con đường văn học chông gai và gian khổ, chúng ta cần giúp đỡ họ cả tinh thần, vật chất, nghề nghiệp để họ viết được những tác phẩm lớn như niềm mong đợi của chúng ta.
Có 3 điều cụ thể sau đây, tôi xin đề nghị.
1. Cần có thư viện tác phẩm lớn của văn học thế giới bao gồm văn, thơ, lý luận phê bình, các tác phẩm mới nhất, hiện đại nhất bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Các tác giả trẻ cần tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm đó không thông qua bản dịch. Sách cho mượn trực tiếp hoặc thông qua đường dây bưu điện để đến với các tác giả trẻ. Các tác giả trẻ cần nối mạng trực tiếp đọc các tác phẩm lớn.
2. Mời các nhà văn lớn của thế giới tiếp xúc với các nhà văn trẻ Việt Nam như ngành tin học đã mời Binghết, ngành bóng đá đã mời Maradona. Giúp các nhà văn trẻ tiếp xúc với văn học thế giới càng nhiều càng tốt.
3. Nếu nhà văn viết được tác phẩm lớn, Hội cần có hướng dành tiền đầu tư để in tác phẩm, dịch tác phẩm và quảng bá các tác phẩm trên mạng, trên quầy sáng trung tâm tại thủ đô các nước.

Nhà văn nào có chí lớn, có tài lớn cần được ưu đãi đặc biệt, ít nhất cũng có được đời sống ngang hàng một cầu thủ bóng đá. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên ưu đãi cho các tài năng văn học phù hợp với tiến trình dân chủ trước khi thả nổi văn chương cho cuộc sống tự nhiên trong xã hội kinh tế thị trường.
Văn chương là của tài năng. Nội lực nhà văn quyết định sự nghiệp của nhà văn đó. Sự đầu tư của Nhà nước, của các Hội công minh nhất là đầu tư đúng nơi, đúng chốn, đúng hiệu quả để góp phần thúc đẩy nền văn học của nước nhà tiến lên một bước mới trong cuộc hội nhập toàn cầu của nền văn hoá các dân tộc...
T.Q

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 



Các bài mới
Bến mẹ (15/10/2008)
Các bài đã đăng
Người mẫu (15/10/2008)
Trẻ trung Madrid (14/10/2008)