Tạp chí Sông Hương - Số 222 (tháng 8)
Những bất cập trong việc điều hành quỹ sáng tạo văn học nghệ thuật
10:46 | 15/10/2008
NGUYỄN KHẮC THẠCHTrước hết phải thừa nhận rằng, từ ngày có quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học Nghệ thuật cho các Hội địa phương thì các hoạt động nghề nghiệp ở đây có phần có sinh khí hơn. Nhiều tác phẩm, công trình cá nhân cũng như tập thể được công bố một phần nhờ sự kích hoạt từ quỹ này.

Tính hiệu quả xét từ mặt thực dụng của nó là rõ ràng, minh bạch. Song, đó chưa phải mục đích chính yếu, là mục đích cao cả của quỹ đầu tư sáng tạo. Cái chúng ta cần xem xét là chất lượng nghệ thuật chứ không phải số lượng công trình, tác phẩm. Mặc dầu Nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm suốt mấy năm liền và cũng có nhiều cá nhân, bằng cách nào đó, họ được lĩnh vài ba lần tiền đầu tư in sách nhưng cho đến nay, chưa hề thấy tác phẩm nào có giá trị, có dấu ấn trên văn đàn. Phần lớn là làng nhàng, vô thưởng vô phạt. Nếu nói một cách thẳng thắn, sòng phẳng thì nó chỉ góp phần làm tăng lượng rác rưởi trong văn học mà thôi. Những kẻ bất tài, háo danh trong làng văn nghệ cũng có cơ hội phô trương. Khả năng tự tri và lòng tự trọng trước đồng tiền, trước danh lợi của kẻ sĩ thời nay dường như đã trơ lì, xơ cứng. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa vơ đũa cả nắm. Cũng có những người biết cân nhắc, biết từ chối nhận tiền khi được xét cấp. Điển hình ở Huế có người còn “giãy nảy” lên khi biết tin mình sắp được tài trợ in sách. Đó là trường hợp nhà thơ Trần Vàng Sao, một người tâm huyết, tài năng, thanh bạch thà để thơ bỏ xó chứ nhất quyết không hưởng “miếng mồi danh lợi” ở chốn thị phi. Những người như thế và những tập bản thảo khả quan của họ mà chúng ta chưa biết hẳn còn không ít. Trong giới văn nghệ có một nghịch lý mang tính quy luật là người sáng tạo đích thực thì lặng lẽ làm việc, không khoe khoang, đòi hỏi, người viết lách bĩnh bút thì ồn ào, eo sèo đòi quyền lợi. Đấy cũng là cái tật đồ của thói đời mà Đạo Lão từng cảnh báo rằng “Tri giả (thì) bất ngôn, ngôn giả (thì) bất tri”. Vậy cũng có nghĩa là việc đầu tư của Hội chúng ta chưa chắc đã đúng chỗ cả. Vẫn còn tình trạng “gãi ngứa ngoài giày”. Có thể có những tác phẩm hay, chất lượng cao đang nằm ngoài “vùng phủ sóng” của quỹ này. Vô hình trung, việc đầu tư quỹ sáng tạo văn học nghệ thuật chỉ làm thoả mãn những cái tầm thường, ảo tưởng hoặc những nhu cầu phù phiếm. Sáng tạo nghệ thuật vốn là sự lao động trong sáng, vô vụ lợi, không bắt nguồn từ vật chất tiền bạc sao cứ phải gán ghép tiền vào cho nó. Những gì mặc cả với tiền bạc chắc chắn không phải là nghệ thuật. Nếu tiền bạc mà làm ra được tác phẩm, công trình nghệ thuật thì có lẽ không đến lượt cái Hội danh giá của chúng ta làm bởi các doanh nhân, các tỷ phú, thậm chí các trọc phú đã làm hết cả rồi.

Một điểm bất ổn khác trong việc quy định các điều kiện đầu tư là sự khuôn sáo, máy móc. Nếu Hội giao cho “đối tác” một khoản tiền kèm đơn đặt hàng phải viết đề tài này, thể loại nọ mới được thanh lý hợp đồng thì chẳng khác gì người ta giao cá bột cho người câu cá và bảo họ chỉ được câu loại cá này nên trước hết phải nuôi cho nó lớn lên đã. Sản phẩm nghề chúng ta không phải sản phẩm công nghiệp, nó là thứ hàng may đo chứ không phải hàng may sẵn. Hội chỉ cần đầu tư cho họ cái cần câu còn câu cá gì thì tuỳ thuộc vào tài năng sáng tạo và sự may rủi của họ. Mặt khác, khi phân bổ tiền cho các cấp cơ sở thực hiện mà quy định quá cụ thể, quá chặt chẽ thì e rằng có nơi, có lúc không phù hợp với tình hình thực tế. Sự vận động biến dịch của cuộc sống, sự lao động sáng tạo của con người là đa dạng, đa chiều. Chỉ giới hạn trong phạm vi viết và đọc bây giờ cũng rất phong phú, rất nhiều kênh. Gần đây đã hình thành dòng văn học mạng và khá đông độc giả chỉ có thói quen truy tìm trên mạng. Xu thế này đang ngày càng bành trướng. Có lẽ rồi đến lúc nền văn minh giấy mực sẽ phải nhường chỗ cho nền văn minh điện tử. Người ta sẽ trực tiếp viết, công bố và đọc luôn trên mạng, không cần in ấn sách báo nữa. Việc đầu tư in sách coi chừng bị lạc hậu. Đã có nhiều cá nhân, nhiều tổ chức trong lĩnh vực văn nghệ lập ra các trang Website riêng. Nó rất thiết thực và diệu dụng đối với lối sống hiện đại. Câu hỏi khó được trả lời ngay ở đây là liệu quỹ đầu tư của chúng ta có cho phép các đơn vị cơ sở vận dụng tiền dược cấp trích ra làm Website không? Trên thực tế đã có nơi làm, cụ thể là Hội Nhà văn Huế (một Hội chuyên ngành thuộc Hội liên hiệp VHNT TT. Huế) đã có trang Web được làm bằng khoản tiền vận dụng từ việc “khai khống” in một tập sách (khoảng 10 triệu) chuyển qua làm trang Web. Nếu làm một cách “chính danh” thì chắc chắn số tiền chi cho trang Web kia sẽ bị xuất toán nhưng vì nó được “nguỵ trang” bằng một công trình tập thể (in sách) đúng quy định nên chưa biết thế nào (?). Nó sẽ được khen là sự vận dụng sáng tạo hay bị quy cho tội hồ đồ gian lận? Cái cơ chế duy ý chí của chúng ta nhiều khi tự mâu thuẫn, tự trở mặt với chính mình.

Qua 4 năm điều hành thực hiện quỹ hỗ trợ tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, chúng ta thấy còn ít nhiều những điều chưa ổn. Rõ ràng nhất là sự mơ hồ, sự kém hiệu quả trong việc đầu tư cho các cá nhân. Bởi vậy hướng đầu tư sắp tới nên tập trung cho các tác phẩm, công trình tập thể. Tổ chức đi thâm nhập thực tế, mở thêm các trại sáng tác, tạo điều kiện tốt nhất để công bố tác phẩm công trình trên các phương tiện truyền thông thích hợp với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là mở các trang Website. Song song với các hoạt động đó, thiết tưởng cũng nên mở các lớp học chuyên đề về lòng tự trọng cho những người “thích tiền” không phải do chính mình làm ra.
N.K.T

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 

Các bài mới
Bến mẹ (15/10/2008)
Các bài đã đăng
Người mẫu (15/10/2008)
Trẻ trung Madrid (14/10/2008)