Tạp chí Sông Hương - Số 222 (tháng 8)
Hoàng Trọng - vua Tango nhạc Việt
10:50 | 15/10/2008
NGUYỄN THỤY KHAVào khoảng năm 1962 ở miền Bắc, bỗng rộ lên một bài tình ca ngắn mang tên “Giã từ”. Bài hát được truyền miệng rộng rãi và nếu có ai đó ký âm thành văn bản thì đều ghi là bài hát Liên Xô (CCCP).
Hoàng Trọng - vua Tango nhạc Việt
Hoàng Trọng đang chỉ huy dàn nhạc

 Tôi còn nhớ ca từ của mấy đoạn như sau (Dễ nhớ vì bài hát chỉ có một đoạn đơn):
1. Biết đến bao giờ gặp lại người em thời thơ ấu
Để báo tin rằng cuộc đời từ nay đã khác xưa
Một phút gần nhau rồi tình mãi mãi lìa xa
Quà nghèo chỉ có lời ca
Tặng nàng trước khi từ giã

2. Hết ấu thơ rồi lại gặp em trong tiệc cưới đây
Thoáng nét môi cười rượu nồng và bao cặp mắt say
Đàn hãy nồng say mừng nàng hát khúc tình ca
Quà nghèo chỉ có lời ca
Tặng nàng trước khi giã từ

Một thời dài chiến chinh, tình ca “Giã từ” đã theo nhiều trai tráng vào lính, họ thường hát bài này giây phút tiễn đưa và sau đó là những phút nhớ người yêu ở chiến trường khốc liệt. Đến thời thanh bình, những chuyên gia quân sự Liên Xô còn ở Việt Nam, có những người đã tập hát “Giã từ” bằng tiếng Việt một cách thích thú và nghĩ rằng bài hát nước mình được dịch ra tiếng bạn hay quá. Mãi đến thời mở cửa, khi tôi mở “chiến dịch” nghiên cứu các “đại ca tiền chiến” thì mới té ngửa ra rằng, bài hát mà tôi từng đinh ninh trên chính là một đoạn đầu một bản tango mang tên “Tiễn bước sang ngang” của tác giả Hoàng Trọng viết tại Sài Gòn năm 1959. Chỉ có điều ca từ đã được thay bằng ca từ có vẻ thời đại hơn ca từ của chính tác giả tuy các câu mở đầu đều được giữ nguyên. Bài này phần lời của Hồ Đình Chương. Bởi thế, Hoàng Trọng trở thành một ẩn số ấn tượng trong dự định tìm hiểu của tôi. Đến bây giờ, khi tôi gặp chính con trai tác giả - nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô tại thành phố Cần Thơ thì ẩn số đã được giải. Hoàng Trọng hiện ra giữa lịch sử Tân nhạc Việt Nam như một “ông vua” của tiết điệu Tango - một điệu nhảy của người Mỹ Latinh, đã du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.

Hoàng Trọng sinh năm 1922, đồng niên và đồng hương Hải Dương với Đỗ Nhuận. Nếu Đỗ Nhuận xuống Hải Phòng học nhạc thì ngược lại, Hoàng Trọng lại lên học nhạc ở Hà Nội từ năm 11 tuổi. Đến năm 15 tuổi thì Hoàng Trọng đã lập ban nhạc riêng anh em trong gia đình với sự tham gia của các thân hữu như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Tạ Phước, Bùi Công Kỳ. Họ vừa chơi nhạc vừa sáng tác bài hát. Ngay từ năm 1938, Hoàng Trọng đã viết bài hát “Vầng trăng sáng” theo nhịp Valse chậm như một bài tập xinh xắn đầy âm hưởng phương Tây:
Vầng trăng sáng lắng soi bên thềm
Chiều mây nước tiếng dương êm đềm
Lòng sầu vương buồn lan theo gió
Nhớ thương ai khắc khoải chờ mong...

Hoàng Trọng cứ thế đắm chìm vào âm nhạc giữa kinh kỳ phồn hoa những năm thế chiến Hai đầy biến động. Vào năm 1945, Hoàng Trọng mở phòng trà “Thiên Thai” đầu phố Hàng Gai - Hà Nội và lập ra ban nhạc “Thiên Thai”. Toàn quốc kháng chiến, nhiều nhạc sĩ Hà Nội rời khỏi kinh kỳ, nhưng do nhiều hoàn cảnh khác nhau, họ lại tìm về Hà Nội để nối tiếp dòng âm nhạc lãng mạn thời tiền chiến. Những năm đầu thập kỷ 50 thế kỷ trước, ở Hà Nội, giới yêu nhạc gọi Đoàn Chuẩn là “vua lục huyền cầm Hạ - Uy - Di), Ngọc Bích là vua nhạc Swing. Còn Hoàng Trọng là vua nhạc Tango. Từ “Bóng trăng xưa” viết 1940, Hoàng Trọng đi tới “Phút chia ly” viết 1948 và hằn lên một ấn tượng bởi “Đường về” viết 1950, một bản tango mẫu mực có thể đưa vào sách giáo khoa dạy khiêu vũ. Chỉ một câu nhạc mở đầu đã thấy cái chất tango luồn lách, uyển chuyển, gợi cảm:
Đường về xa vời gieo thương nhớ trong lòng
Hồn quê lai láng khi ánh chiều rơi
Đã mấy thu xưa qua rồi
Khi gió sầu đông mang về
Lòng buồn mang mác niềm nhớ...


Sau đó là những “Bên sông đưa người” (1951), “Mộng lành” (1956), “Ngỡ ngàng” và “Tiễn người sang ngang” (1958), “Em còn nhớ không” (1961), “Hai phương trời cách biệt” (1963), “Sao cho trọn niềm vui” (1966)... chính cái tham vọng tiếp tục dòng nhạc Tango này mà Hoàng Trọng phải di cư vào Nam. Ngay năm 1955, ông đã lập ra ban nhạc Tây Hồ ở Sài Gòn với nhiều tên tuổi.
Nếu những sáng tác mang tiết điệu Tango cho Hoàng Trọng có nét riêng khác người, thì nhiều sáng tác khác của ông lại gây nên một ấn tượng tình ca mang âm hưởng dân gian cũng rất đặc sắc. “Nhạc sầu tương tư” ông viết năm 1953 là một ví dụ. Trong CD “Về bến mơ” khá công phu của mình, ca sĩ Quỳnh Hoa, một ca sĩ có khả năng hát và nhảy nhạc tango rất quyến rũ đã không ngần ngại chọn cả “Đường về” và “Nhạc sầu tương tư” của Hoàng Trọng.

Hoàng Trọng cứ nghiêng ngả giữa hai miền cảm hứng như thế và đến “Khói chiều” ông viết 1960, thì dường như đó là tác phẩm hội tụ tất cả các ngả tư duy của ông để hoà hợp nên một tác phẩm có tầm cỡ của một Aria thuần Việt. Đoạn đầu của nhạc phẩm được viết ở giọng đô trưởng với âm hưởng dân gian:
Buồn lên mấy ngọn (là ngọn) tre chiều
Nắng phai duyên lá sáo diều im hơi
Khói chiều lên ngút (lên ngút) chân trời
Đầu sông chạnh nhớ đến người cuối sông
Không biết bài thơ “Anh ở đầu sông em cuối sông” của Hoài Vũ sau này mà Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc rất hay khi có tham khảo ca từ trên không?
Đến đoạn tiếp theo, Hoàng Trọng chuyển điệu rất xa sang pha thứ tức là giọng thứ đồng âm với giọng pha trưởng. Hạ át âm của giọng đô trưởng. Một chuyển điệu lạ trên những câu lục bát quen:
Hôm qua mình đứng bên cầu
Lơ mơ nhớ lại hôm đầu xa quê
Bao năm đi chẳng trở về
Thiết tha lại nhớ câu thề nước non
Khói hoàng hôn, khói hoàng hôn
Ngừng bay ta gửi chút buồn nhớ quê

Bỗng nhớ một câu thơ Huy Cận: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Lại nhớ đến “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu và sau cùng là câu lý “Chiều chiều ra đứng tây lầu tây”. Âm hưởng “khói hoàng hôn” vừa thoáng thành pha trưởng cuối đoạn pha thứ thì lại chuyển rời sang rê thứ, giọng thứ đồng hoá biểu với pha trưởng. “Một ngọn khói cứ u uẩn trong tâm trí”:
Ngắm hoàng hôn lại nhớ nhà
Khói hoàng hôn tản thế mà quạnh hiu
Và “khói hoàng hôn” đã bay thành giọng son trưởng ở cuối bài một cách rất tự nhiên như chính câu lục bát kết:
Bâng khuâng chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng lâng lâng gợi ít nhiều nhớ thương

Sau thống nhất đất nước, Hoàng Trọng lui về ẩn dật, dạy nhạc tại gia ở chợ Cầu Muối, quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Với hoàn cảnh khó khăn thời bấy giờ cộng với nỗi buồn nhớ hai con Fa, La bên nước ngoài. Ông đã phải chiều ý cho các con bảo lãnh đi Mỹ năm 1990. Ông từ trần vào chính Ngọ ngày 17/7/1998 sau khi chỉ huy giàn nhạc giao hưởng Tiếng Tơ Đồng kỷ niệm 60 năm âm nhạc Hoàng Trọng tại San Jose California vì bệnh tim. Ông để lại đời trên 200 ca khúc đã xuất bản thịnh hành trong và ngoài nước cùng những bài hợp xướng đã từng trình diễn trong ban nhạc Tây Hồ và Tiếng Tơ Đồng của ông. Ông thọ 77 tuổi. Tập nhạc tuyển “Một đời còn lại” của ông do con trai ông là nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô tuyển chọn xuất bản trên 100 ca khúc như tổng kết lại một vận hội say mê sáng tạo âm nhạc của Hoàng Trọng (1938 - 1998) với rất nhiều đóng góp trong ngôn ngữ và cấu trúc, đặc biệt là với tiết điệu Tango. Có thể nhận ra ở đó những cung bậc tình cảm mà ông đã gửi gắm suốt cuộc đời không ít sóng gió. Cuộc đời đã đưa ông trở thành một tên tuổi trong lịch sử Tân nhạc Việt . Một tên tuổi đáng được ghi nhận và đáng nhớ mãi mãi.
N.T.K

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 

Các bài mới
Bến mẹ (15/10/2008)
Các bài đã đăng
Người mẫu (15/10/2008)
Trẻ trung Madrid (14/10/2008)