Tạp chí Sông Hương - Số 222 (tháng 8)
Sự gắn bó giữa đời văn và tác phẩm
14:35 | 15/10/2008
BÍCH THU(Đọc Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2007)Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức là cuốn sách tập hợp những ghi chép và nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài, một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Đây là cuốn sách đầu tiên kết hợp hai phương diện ghi chép và nghiên cứu, góp một cách tiếp cận đa chiều và cập nhật về con người và sự nghiệp của nhà văn.

Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm được hình thành trên mối cơ duyên văn học giữa đôi bạn vong niên Tô Hoài và Hà Minh Đức. Một bên là nhà văn, một bên là nhà nghiên cứu. Hai ông quen nhau từ năm 1957, và gần nửa thế kỷ trải qua những bước thăng trầm của cuộc đời cũng như của đời sống văn học, nhà văn Tô Hoài đã trở thành bậc trưởng lão của làng văn và giáo sư Hà Minh Đức cũng đã trở thành một trong những tên tuổi tiêu biểu của giới lý luận phê bình. Trong suốt chặng đường dài của thế kỷ XX cho đến nay, mối quan hệ giữa hai ông cũng là của hai giới sáng tác và phê bình vẫn chân tình, đằm thắm và bền chặt. Ở hai ông, không còn là chuyện của hai nhân vật thuộc lĩnh vực phê bình hay sáng tác mà giản dị chỉ là chuyện của hai người bạn...

Hà Minh Đức bắt đầu ghi chép về nhà văn Tô Hoài từ năm 1965 đến nay. Qua những cuộc trò chuyện với Tô Hoài, Hà Minh Đức đã lắng nghe và nhận ra những câu nói hay, những câu chuyện thú vị về cuộc đời và những kinh nghiệm nghệ thuật của cây bút sớm thành danh này rất bổ ích đối với ông, nếu không ghi lại sẽ bị lãng quên. Từ sau những lần gặp gỡ, Hà Minh Đức bắt đầu có ý thức ghi chép về Tô Hoài và đã khơi gợi ở nhà văn những vấn đề mà ông quan tâm tìm hiểu. Thời gian trôi đi, những câu chuyện của Tô Hoài như ngày nào vẫn luôn hấp dẫn Hà Minh Đức. Các trang ghi chép của ông ngày càng dày thêm với nhiều thông tin, tư liệu phong phú. Câu chuyện của Tô Hoài cũng là câu chuyện về văn học Việt hiện đại với những vận động và đổi thay theo tiến trình văn học dân tộc giúp người nghiên cứu bước vào thế giới nghệ thuật độc đáo của nhà văn.

Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm
gồm ba phần. Phần I: Trò chuyện và ghi chép. Phần II: Nghiên cứu về tác phẩm của Tô Hoài. Phần III: Phụ lục. Ở phần Trò chuyện và ghi chép (18 bài), có thể “chấm công” cho cả người kể chuyện lẫn người ghi chép. Nói như Hà Minh Đức, một nửa cuốn sách là của nhà văn Tô Hoài. Sau khi ghi lại một cách trung thành, đầy đủ lời kể của Tô Hoài, Hà Minh Đức đã chỉnh trang, hệ thống theo vấn đề, thành một tập bản thảo, đã được nhà văn Tô Hoài đọc và góp ý. Nhưng khi cầm cuốn sách mới in trên tay, nhà văn cao niên này vẫn không khỏi bùi ngùi xúc động... Những trang Trò chuyện và ghi chép thật sự gây ấn tượng và lôi cuốn với người đọc. Nổi bật ở đây là những câu chuyên chân thực, giàu tri thức và vốn sống của Tô Hoài được ghi chép chính xác và cụ thể, phù hợp với chất giọng, với cách nói rủ rỉ mà thâm trầm, dí dỏm của nhà văn. Phần Trò chuyện và ghi chép đã cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích, lý thú và mới mẻ về Tô Hoài và đồng nghiệp của ông trên những nẻo đường văn nghiệp đầy gian nan và thử thách. Trong câu chuyện của mình, Tô Hoài không ngần ngại hé lộ tuy bị một nhà phê bình cùng thế hệ gọi là “thằng ngoại ô láu cá” nhưng nhà văn vẫn kiên trì theo đuổi đề tài lâu dài của mình là khu vực ngoại thành - vùng quê Hà Nội thân yêu của ông từ loạt truyện viết cho người lớn: Quê người (1942), Mười năm (1958), Quê nhà (1980)... đến loạt truyện viết cho thiếu nhi: Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử...

Những cuộc trò chuyện giữa Tô Hoài và Hà Minh Đức đã bộc lộ cái duyên riêng, cái âm trầm nốt lặng của những người từng trải chuyện đời và chuyện nghề. Cả nhà văn và nhà nghiên cứu đều biết chia sẻ và đồng cảm với lĩnh vực của mỗi người, và đều hướng đến cái đích chung là văn học. Văn học của ngày qua và của hôm nay, vừa chồng chất kỷ niệm vừa rất thời sự cập nhật. Từ những suy nghĩ về văn chương Tự lực văn đoàn, văn chương kháng chiến đến văn chương thời kỳ đổi mới. Từ những sáng tác của chính mình về đề tài Hà Nội, miền núi, thiếu nhi đến những sáng tác của các bạn văn cùng thời. Từ những quan niệm về thể loại, về nghiên cứu phê bình, về văn học và báo chí đến những dự định sáng tác... Tất cả đều hiện ra hết sức chân thật, hấp dẫn và có sức hút với người đọc.

Trên những trang ghi chép về Tô Hoài, dễ nhận thấy Hà Minh Đức không chỉ gợi chuyện mà còn đối thoại với những nhấn nhá, luyến láy khiến câu chuyện vừa tự nhiên, chân tình, vừa đậm đà ý vị. Có lúc Hà Minh Đức như người trong cuộc, có lúc lại như người quan sát; “Anh (Tô Hoài - BT) đi giữa dòng đời, nhập cuộc mà như người đi bên cạnh, bên trên để thấy cho hết cái khách quan của sự sống”.
Sang đến phần II: Nghiên cứu về tác phẩm văn học của Tô Hoài, người đọc gặp lại một cây bút nghiên cứu phê bình quen thuộc. Những cuộc gặp gỡ và ghi chép về Tô Hoài thực sự có ý nghĩa với phần nghiên cứu của Hà Minh Đức. Nó là một yếu tố làm tăng thêm độ tin cậy và phong phú trong các bài viết của ông về nhà văn. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và sự hiểu biết kỹ lưỡng đời văn và tác phẩm Tô Hoài, các bài viết của Hà Minh Đức có hàm lượng khoa học cao đã phát hiện và khẳng định những đóng góp của văn xuôi Tô Hoài với lịch sử văn học dân tộc trong tiểu luận: Tô Hoài. Hà Minh Đức cũng đã ghi nhận một cách thuyết phục tài năng của ngòi bút nhà văn qua Truyện về các loài vật của Tô Hoài.

Là một trong số những nhà nghiên cứu quan tâm đến sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài, Hà Minh Đức đã dõi theo khá đều đặn những tác phẩm có tiếng vang của nhà văn: Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ... Ngay từ sau thời kỳ đổi mới, trong không khí cởi mở, dân chủ của đời sống văn học, Hà Minh Đức đã góp tiếng nói khách quan, công bằng đánh giá lại tiểu thuyết Mười năm, xác định đúng vị trí của nó trong bộ ba tiểu thuyết viết về quê hương của Tô Hoài cũng như với đời văn của ông và với văn học một thời. Cho đến nay, Tô Hoài là một trong số hiếm hoi các nhà văn xuất hiện từ thời tiền chiến, vẫn sáng tác, và vừa cho ra mắt tiểu thuyết Ba người khác (2007) đồng thời vẫn ấp ủ những trang viết về Hà Nội trước thời kỳ đổi mới. Kết thúc phần viết này, Hà Minh Đức đã chốt lại bằng một bài viết xen lẫn cảm hứng nghiên cứu và sáng tạo, một lần nữa khẳng định: Tô Hoài, một đời văn giàu sáng tạo.

Trong phần cuối cùng, Hà Minh Đức đã giới thiệu với người đọc sự đón đọc và tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài ở nước ngoài: Dế mèn phiêu lưu ký ở Liên Xô, Đọc Đảo hoang dịch ở Liên Xô, Cảm tưởng của các đoàn viên thiếu niên Sưmôrư ở Tôkyô về phim Kim Đồng... Bên cạnh những ghi chép về Tô Hoài, phần nghiên cứu tác phẩm Tô Hoài cùng các tư liệu bên ngoài cũng như của nhà văn nói về mình đã đem đến cho độc giả những thông tin hữu ích là thiết thực.
Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm là cuốn sách thể hiện sự gắn bó, ăn ý giữa nhà văn và nhà nghiên cứu. Nếu như trước đây đã có cuốn Tô Hoài - về tác gia và tác phẩm, tập hợp những bài viết về Tô Hoài thì hôm nay có thêm Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm, cuốn sách bổ trợ những hiểu biết về chủ thể sáng tạo. Cái nhìn khách quan của bạn đọc và cái nhìn chủ quan của nhà văn có sự gặp gỡ ngõ hầu đưa tới một cái nhìn toàn vẹn, đầy đặn hơn diện mạo của một nhân vật văn chương, có những bước đồng hành với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Với tư cách của một nhà nghiên cứu, Hà Minh Đức đã góp thêm một cách tiếp cận hiệu quả và có ý nghĩa về Tô Hoài nói riêng và về văn học nghệ thuật nói chung.
B.T

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 

Các bài mới
Bến mẹ (15/10/2008)
Các bài đã đăng
Người mẫu (15/10/2008)