Tạp chí Sông Hương - Số 221 (tháng 7)
Văn chương - những cuộc truy tìm hay là sự tự nhận thức của phê bình văn học
14:41 | 16/10/2008
HỒ THẾ HÀ Thật lâu, mới được đọc tập nghiên cứu - phê bình văn học hay và thú vị. Hay và thú vị vì nó làm thỏa mãn nhận thức của người đọc về những vấn đề văn chương, học thuật. Đó là tập Văn chương - Những cuộc truy tìm(1) của Đỗ Ngọc Yên.

Như tên gọi của tập sách, và căn cứ ở 53 bài viết công bố trong và ngoài nước với các chủ điểm đa dạng qua “gần hai thập kỷ cầm bút” của tác giả gồm 500 trang in, quả là tập sách đã trải dài và làm hiện lên những vấn đề và dư luận đáng quan tâm của nền văn học nước nhà bằng một ý hướng tính sáng rõ: truy tìm những giá trị văn chương đích thực qua tranh luận, phê bình dân chủ và khoa học.
Nếu xem phê bình văn học là “mỹ học vận động”, là “sự tự nhận thức của thời đại” như Bélinski đã quan niệm, thì tập sách của Đỗ Ngọc Yên đã là một phần bản chất của yêu cầu trên. Có thể thấy tác giả luôn quan tâm đến những vấn đề trọng tâm của văn học theo hướng mở và đa dạng: vấn đề văn hóa với văn học, văn học và dư luận, những sự kiện văn chương nổi bật, phê bình tác giả và tác phẩm, phê bình và đối thoại, vấn đề đặc trưng ngôn từ - thể loại, vấn đề bản lĩnh của người cầm bút… Bấy nhiêu vấn đề, bấy nhiêu tâm huyết và đam mê đã làm cho người đọc cùng theo dõi và đồng tình, thực sự Đỗ Ngọc Yên đã làm được chiếc cầu văn chương giữa văn học với người tiếp nhận, góp phần định hướng thẩm mĩ - theo cách riêng của mình - đến người đọc.
Đó là thành công tổng thể của tác phẩm.

Tôi đặc biệt quan tâm đến chùm bài viết liên quan đến vấn đề văn hóa ở đầu sách. Bởi vì, theo cách tiếp nhận hiện nay, văn hóa đã góp phần mở ra những nội hàm mới mẻ trong việc chỉ ra những mặt bản chất của đời sống. Bài Tiếp cận văn hóa thực sự đã đặt nền tảng lý luận cho việc tiếp cận hệ thống vấn đề văn hóa: Đó là tiếp cận văn hóa theo hướng quy nạp, tiếp cận bằng cách chia văn hóa thành hai phạm vi vật chất và tinh thần, tiếp cận theo hướng phân chia thành văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; đặc biệt là tiếp cận theo hướng phân chia văn hóa thành các bộ phận cấu thành bản thân văn hóa…” Và tác giả đi đến kết luận “văn hóa học nhất thiết phải coi giá trị nhân văn như là hạt nhân cơ bản và là mục tiêu thiết yếu trong quá trình nghiên cứu” và cần phải bổ sung thêm hướng tiếp cận xem xét các giá trị của văn hóacác biểu tượng chuyển tải các giá trị đó. Có thể xem đây là hướng đề xuất mới.

Bài viết Tranh luận văn hóa và văn hóa tranh luận, tác giả muốn xác lập một tiêu chí mới là làm sao qua các cuộc truy tìm, tranh luận ấy, cả hai bên và công chúng đều được nâng cao tầm nhận thức và năng lực thẩm mĩ; tránh những sự cãi vã thiếu văn hóa, vô bổ và mang tính cá nhân, cuối cùng không rút ra được bài học bổ ích, trái lại, làm mất uy tín và mất lòng tin ở người đọc. Khi ấy, vấn đề tranh luận văn hóa lại biến thành phản văn hóa tranh luận.

Cũng trong chủ điểm này, Đỗ Ngọc Yên đã nhạy cảm bàn sâu vấn đề Văn hóa mạng - Nhìn từ hai phía. Tác giả thấy được sự cần thiết của nền văn minh công nghệ trong thời đại ngày nay khi nó trở thành “động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa diễn ra một cách nhanh chóng” với sự ứng dụng đa dạng của nó trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh ấy, tác giả chú ý cảnh báo phần tiêu cực, bất cập của nó. Chẳng hạn với việc lưu truyền thì chiếc máy điện toán đã không thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc mọi lúc, mọi nơi (nhất là với các bộ tiểu thuyết trường thiên). Làm sao, người đọc lại có thể ngồi liên tục nhiều ngày để đọc, chưa kể sự trục trặc kỹ thuật, sự truyền thụ “từ người này sang người khác, từ vị trí này sang vị trí khác” là không thể. Quan trọng hơn là vấn đề kích thích sáng tạo; nếu nhờ vào phương tiện của máy tính thì cảm xúc, tình cảm trực tiếp sẽ mất đi rất nhiều ở người nghệ sĩ… Chưa kể, đến một lúc nào đó, máy tính sẽ biến con người - chủ thể ý thức - “sẽ trở thành một khâu, một công đoạn, một bộ phận của máy móc”, “tước bỏ hoàn toàn khả năng sáng tạo của trí tuệ con người”. Dĩ nhiên, tác giả đã không bỏ qua mặt trái của điện tử đối với việc giáo dục thanh thiếu niên. Vậy vấn đề là mỗi người cần ý thức trong khi tiếp xúc với văn hóa mạng, biết chọn lựa và nhận thức một cách có văn hóa, hợp quy luật.

Bên cạnh việc bàn về văn hóa - văn học, Đỗ Ngọc Yên cũng đề xuất những vấn đề liên quan đến lý luận văn học. Ở các bài viết này, anh quan tâm đến cái mới và tính hiện đại của lý luận; tránh xa lực hút của kiểu lý luận cũ để thực sự đưa lý thuyết về đúng bản chất của sáng tạo thời hiện đại. “Cái mới trong văn chương thực chất chỉ được nhận thức trong tương quan với cái cũ, và là cái nằm ngay trong cấu trúc nội tại của bản thân tác phẩm văn chương. Cái mới cần phải bao quát toàn bộ các yếu tố cấu thành tác phẩm, để tác phẩm văn chương có thể tồn tại bằng những giá trị đích thực của chính bản thân nó”. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải luôn luôn săn tìm, phát hiện
phải bắt nguồn từ cảm thức chủ quan của nhà nghệ sĩ về những vấn đề nhân sinh và nhân bản vượt lên trên tất thảy những định chế xã hội và những hành vi mang tính nhất thời”, “nó phải làm thức dậy trong lòng độc giả sự cảm thông sâu sắc và khát vọng muốn sẻ chia cùng với những số phận đó” (Cái mới trong văn chương).

Trong bài Sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật, Đỗ Ngọc Yên bàn về sự khác nhau giữa sự thật trong đời sống và sự thật được phản ánh trong tác phẩm. Đó là hai cấp độ, hai khoảng cách rất xa nhau. Anh đề cao tính chủ quan, qua lăng kính sáng tạo của người nghệ sĩ. Hiện thực trong tác phẩm phải là hiện thực cao hơn, tốt đẹp, giá trị hơn về nhận thức, bởi vì người nghệ sĩ đã “loại bỏ tất thảy những gì không mang lại giá trị thẩm mĩ cho hình tượng tác phẩm”. Đó là thế giới thứ hai, không phải hiện thực biên niên sử. Như vậy, người tiếp nhận tác phẩm văn chương phải trở thành người nhận thức và đồng sáng tạo - với ý nghĩa phải cảm nhận và thấy được cái hiện thực cần phải có, sẽ có - một hiện thực sâu sắc và cao đẹp hơn sự thật nguyên mẫu rất nhiều. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nhất trí với Đỗ Ngọc Yên.

Tôi muốn tìm hiểu Văn chương - Những cuộc truy tìm theo cái sườn của mình là đi từ những vấn đề văn hóa, lý luận văn học đến quan niệm về phê bình văn học của Đỗ Ngọc Yên như là những tiền đề thao tác, lý luận chung để rồi lần tìm hiểu phần phê bình tác giả - tác phẩm; tranh luận - đối thoại và vấn đề thời sự văn chương trong toàn tập sách.
Bài Về sự khủng hoảng của phê bình văn học, sau khi nêu thực trạng của phê bình và các ý kiến bàn về phê bình ở ta trong những thập niên qua, Đỗ Ngọc Yên đã chỉ ra được “các cuộc tranh luận văn chương từ trước tới nay thường chỉ có mở đầu mà hiếm khi có kết thúc. Nếu có thì đấy là sự kết thúc của những vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức hoặc là những chuyện ngoài văn chương, chứ không phải là những vấn đề có tính học thuật của bản thân phê bình văn học”, tức tính khách quan của phê bình của ta thường xem nhẹ, chưa thật sòng phẳng. Phê bình ăn theo sáng tác, phê bình khen nhiều hơn chê, phê mà chẳng bình hoặc bình mà chẳng phê… đã làm cho thị hiếu người đọc bị nhiễu. Đó là “một chứng bệnh nan y, tìm được biệt dược đặc trị cho nó không phải là một công việc dễ dàng trong một sớm, một chiều, mà cần phải có tài năng và sự nhiệt tâm đóng góp của nhiều người, đặc biệt là những người có thẩm quyền quyết định vấn đề”.

Từ bài viết trên, tác giả nghĩ về lực lượng phê bình trẻ hôm nay. Tác giả tin tưởng nhưng cũng không khỏi âu lo về sự bền bỉ, dẻo dai, trường vốn và sự dấn thân đến cùng trên con đường đầy chông gai, hệ lụy này của họ, khi mà sự quan tâm, đối xử của xã hội đối với phê bình còn chưa được nhận thức đúng mức và đúng đắn.

Từ sự quan tâm và mong muốn có một không khí phê bình học thuật đúng đắn thực sự, Đỗ Ngọc Yên đã vào cuộc tranh luận qua bài Phê bình học thuật hay là…, Cần trung thực và nghiêm túc khi bước vào học thuật. Ở đây, Đỗ Ngọc Yên muốn đứng ở đường biên của sự thẩm định có tính khách quan để tranh luận với Văn Chinh về những vấn đề có liên quan đến tác phẩm Ngày văn học lên ngôi của Đỗ Minh Tuấn. Những nội dung cần bàn được tác giả nêu và biện lý rất chân tình trên tinh thần học hỏi, tìm ra chân lý, sự thật, chứ không “đao to búa lớn”, và đặc biệt là không xúc phạm người tranh luận với mình một cách thiếu tôn trọng như ta vẫn thường thấy ở một số người khác. Với các bài Lệch chuẩn hay lệch tâm, bài Sự hoắng trong văn chương…, Đỗ Ngọc Yên đều có cách quan niệm và dựa trên thực trạng của văn học và phê bình văn học ở ta (trên các tạp chí, báo, ở các bài tựa, bạt) để chỉ ra một kiểu phê bình thiếu nghiêm túc và thiếu chính xác, nhằm câu khách hay tâng bốc lẫn nhau “như là chức năng thông tấn của báo chí, vừa là cơ hội để tăng số lượng phát hành của báo trong thế cạnh tranh gay gắt của báo chí thời kinh tế thị trường hôm nay”. Đáng trách là có “một số người mới tò te vào nghề cũng ngứa tay vung bút hoắng lên ra vẻ ta đây cũng là cây phê bình chứ chẳng chịu làm anh nhà báo, chị nhà văn hạng thứ”. Qua đây, Đỗ Ngọc Yên muốn lưu ý đến tác dụng không đúng của các nhận định hoắng như trên, nó sẽ tạo ra hệ quả nguy hại đến thị hiếu người đọc, đến sự thẩm định tác phẩm của những cơ quan chức năng, có khi làm phương hại đến tác giả và tác phẩm không nhỏ. Vậy mà tiếc thay, nhiều người cứ “hoắng lên làm rối mù, gây ô nhiễm bầu không khí văn chương, khiến công chúng chán nản khi họ luôn phải nhảy từ kỳ vọng sang thất vọng chỉ trong nháy mắt. Âu đấy là điều mà người cầm bút chân chính nào cũng cần quan tâm và suy ngẫm. Thiết nghĩ bất cứ ở đâu và lúc nào, một thái độ khách quan, nghiêm túc và chừng mực cũng đều rất cần thiết cho văn chương, cho người sản sinh ra nó và cả nuôi dưỡng nó - công chúng”.

Phê bình văn học là sự tự ý thức của văn học, nó phát triển cùng với văn học, định hướng thẩm mĩ cho người đọc rộng rãi. Vì vậy, ưu tiên cho văn học cùng thời. Ý thức được tầm quan trọng này, Đỗ Ngọc Yên đã vừa quan tâm đến đời sống văn học đương đại qua các tác giả - tác phẩm nổi tiếng, vừa tranh luận - đối thoại với những đồng nghiệp về những vấn đề có liên quan đến đời sống, không khí văn học trước mắt và lâu dài. Cần trả lại giá trị đích thực cho văn chương, Về một cách viết chân dung văn học, Một cách tự họa chân dung, Văn chương, học thuật hay là sự quay lưng lại cộng đồng?, Cái gọi là tính thuần khiết trong học thuật… là những bài viết có tính lý luận, thực tiễn và tính chiến đấu cao. Anh góp ý về cách tuyển chọn không chính xác, mâu thuẫn và thiếu thao tác của Nguyễn Vũ Tiềm trong tác phẩm Nghìn câu thơ tài hoa Việt ; anh đối thoại với Trần Mạnh Hảo về bài thơ thần Sông núi nước của Lý Thư
ng Kiệt (?). Anh tranh luận với Nguyễn Hoàng Đức về tính thuần khiết trong văn chương và đi đến kết luận “Nguyễn Hoàng Đức đã lấy tiêu chuẩn của một số người nào đó làm thước đo cho tất cả mọi người, yêu cầu họ phải khuôn theo cái mẫu ấy là quá khiên cưỡng về học thuật, không khác nào Nguyễn Hoàng Đức đã áp đặt nguyên lý của anh thọt cho người có hai chân lành lặn”, khi ông Đức chưa đưa ra một kiến giải nào về nội dung tính thuần khiết. Nhân bàn về một quyển sách viết chân dung văn học của Vân Long, Đỗ Ngọc Yên bày tỏ ý kiến tán thành giá trị cách viết của tác giả: “Nhà thơ Vân Long đã đứng trên quan điểm của cái Đẹp để tìm kiếm hình hài chân dung các văn nghệ sĩ. Những chi tiết trong tập sách được chọn lọc kỹ càng, cân nhắc, cẩn trọng”, chứng tỏ “khả năng sưu tầm, nghiên cứu và tuyển chọn của anh cũng không kém khả năng thơ”, anh đòi hỏi “bản thân người cầm bút phải có thái độ lao động nghệ thuật thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm với mình và với công chúng, sau nữa là trách nhiệm với sự tồn vong và phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà”. Qua đây, ta thấy được Đỗ Ngọc Yên luôn đề cao cái tâm của người cầm bút.

Nhân bàn luận với Trần Đăng Khoa về tác phẩm Chân dung và đối thoại, Đỗ Ngọc Yên xác định yêu cầu cao đối với người làm công việc phê bình “đòi hỏi phải có tiêu chí rõ ràng và xác tín về mặt thông tin, tư liệu trích dẫn, đặc biệt là đối với những nhận định, đánh giá có tính chất khái quát về một giai đoạn văn chương hay một tác giả, tác phẩm nào đấy và cần phải được chứng minh, biện giải đầy đủ và thỏa đáng, tránh sự gian xảo trong việc sử dụng nguồn thông tin, tư liệu và ăn cắp tư tưởng của nhau, chụp mũ tùy tiện cho người khác. Sự trung thực trong công việc nghiên cứu, phê bình văn học nói riêng và trong khoa học nói chung không những không làm giảm đi uy tín của tác giả, mà còn làm tăng thêm giá trị học thuật của công trình. Âu đấy là một trong những phẩm chất chính yếu đối với những người cầm bút thực sự nghiêm túc”. Nghiêm túc và tôn trọng nghề nghiệp như vậy nên trong các bài viết của mình, Đỗ Ngọc Yên - dù viết dài hay ngắn - anh vẫn tỏ ra trung thành, bản lĩnh và có chính kiến riêng. Và đặc biệt là anh dám nói thẳng, nói đúng cái dở của từng tác phẩm ngay cả những người anh yêu quí.

Mảng bài viết về tác giả, tác phẩm đương đại, Đỗ Ngọc Yên luôn lấy điểm tựa là cái Đẹp để bình luận, phân tích. Anh nâng niu từng giá trị, dè dặt trong nhận định và đặc biệt là dám chỉ ra điểm yếu để định hướng sáng tác. Đó là các bài đánh giá thơ của Vũ Quần Phương (Nhớ chính thân ta), của Nguyễn Thanh Kim (Kêu hoài con cuốc, ước chi…!?), của Duệ Anh (Một tâm hồn khắc khoải đơn côi), của Nguyễn Thị Vân (Người đàn bà có trái tim luôn thức), của Trần Nhật Thu (Đọc thơ Trần Nhật Thu), của Ngô Văn Phú (Nát lòng với chiêm bao)…

Với Đỗ Minh Tuấn, anh đánh giá đúng bản chất thi pháp của nhà thơ tài hoa này, đó là “một trong số ít nhà thơ đã nhìn người lính bằng cái nhìn nhân văn khá sớm từ khi nền văn học Việt Nam nói chung còn phủ đầy lên họ những vòng hào quang của chiến thắng, mang màu sắc tụng ca”, “là nhà thơ sớm có những tìm tòi, cách tân độc đáo, táo bạo”“nếu cần khẳng định một cây bút, một nhà thơ, một tài năng nghệ thuật trong những năm gần đây của thơ ca Việt Nam hiện đại thì Đỗ Minh Tuấn là một trong số những người xứng đáng nhận giải nhất cuộc thi thơ 1989 - 1990 của Báo văn nghệ”… Qua việc phân tích trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương, anh đã nhận ra những vấn đề quan trọng có liên quan đến người tiếp nhận văn học, đến hiện thực cuộc sống và con ng
ười, đến vấn đề thể loại trường ca. “Lịch sử phát triển của văn học nghệ thuật đã chứng minh hùng hồn rằng ở mọi thời đại chỉ có những tác phẩm văn học dở, chứ không hề có công chúng tồi”. Với ý nghĩa như thế, Hoàng Trần Cương là nhà thơ thực sự “có những phát hiện táo bạo trong việc tạo dựng hình tượng cũng như cách sử dụng ngôn ngữ thơ”, “thơ anh là sự thăng hoa của những nỗi đau quằn quại, những khoảnh khắc giằng xé tâm trạng tưởng như ngoài thơ ra không có gì diễn tả hết được”. Cho nên đến với thơ Hoàng Trần Cương, là “tìm đến những con người, sự việc, những tâm trạng, cảnh huống rất thực và phía sau đấy là những số phận trớ trêu và nghiệt ngã của bao kiếp người, là cuộc vật lộn hóa sinh không chỉ để tồn tại mà còn là để ngẩng cao đầu làm Người”. Những nhận định như thế có tác động đến sự tiếp nhận của người đọc, hướng họ đến những ước vọng tốt đẹp trong cuộc sống.

Với tác phẩm Sông dài như kiếm của Nguyễn Quang Hà, Đỗ Ngọc Yên đã chỉ ra tư tưởng chủ đề của tác phẩm, “không chỉ có cuộc vật lộn giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa cái sống và cái chết, giữa kẻ đi xâm lược và người chống xâm lược, giữa vũ khí bom đạn và mạng sống của con người, mà còn có một cuộc chiến đấu khác cũng không kém phần gay go và quyết liệt nhằm khẳng định lẽ sống cao thư
ng của con người. Lẽ sống ấy được biểu hiện bằng sự suy nghĩ táo bạo, tinh thần kiên trung, bất khuất, dám xả thân vì Tổ quốc, coi mạng sống của đồng chí, đồng đội quý trọng như chính mạng sống của mình, chứ không thể bằng những lời nói suông nơi đầu lưỡi của những kẻ cơ hội”. Đó chính là chức năng cao cả của văn học. Dù tái hiện hiện thực một thời, nhưng câu trả lời phải hướng về con người trong hiện tại; cảm hứng của nhà văn phải vì cuộc sống cao đẹp và sự hoàn thiện nhân cách của con người hôm nay.

Với hai tác phẩm có nhiều dư luận trái chiều nhau là Đêm thánh nhân của Nguyễn Đình Chính và Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Ngọc Yên bình tĩnh tiếp nhận và soi rọi từ nhiều hướng, nhiều tiêu chuẩn để rút ra những nhận định đúng đăn. Anh ghi nhận tác phẩm của Nguyễn Việt Hà ở chỗ tác giả đem lại cho “thể loại tiểu thuyết một cách định dạng khá mới mẻ, vượt ra ngoài những khuôn mẫu truyền thống… Đây là một sự tìm tòi, một cách biểu hiện mới của Nguyễn Việt Hà và cũng là thành công của cuốn sách, rất đáng được ghi nhận”.
Với Đêm thánh nhân, Đỗ Ngọc Yên soi rọi ở góc nhìn đạo đức của người trí thức để chỉ ra giá trị nhân cách và phản nhân cách của từng nhân vật: “Nguyễn Đình Chính đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với lối sống vị kỷ cá nhân, coi đồng tiền là trên hết, bất chấp luân thường đạo lý làm người, luôn lấy việc giẫm đạp lên người khác làm phương kế để tiến thân?”. Vì vậy, “mỗi con người với tư cách là một thực thể hiện tồn ở cõi trần thế này phải tự gánh chịu lấy số phận của riêng mình với những tội lỗi do chính mình hoặc người thân từ tiền kiếp gây nên. Phải chăng đấy là quan điểm triết học nhân sinh mà Nguyễn Đình Chính muốn đặt ra trong Đêm thánh nhân?”.

Tuy vậy, anh cũng chỉ ra những điểm yếu về xây dựng nhân vật và những sai sót về kiến thức triết học và tôn giáo, về ngôn ngữ được vận dụng trong hai tác phẩm trên. Quả là công việc phê bình của Đỗ Ngọc Yên đầy tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, trước hết, là cho chính anh, và thứ đến là cho độc giả.
Đánh giá Hồ Quý Ly trong bài viết công phu Tâm bão giữa trần gian, Đỗ Ngọc Yên đã cho rằng “Nguyễn Xuân Khánh đã làm sống lại một nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt, cùng thời kỳ bi tráng của triều đại nhà Trần những năm cuối cùng, mà ở đó Hồ Quý Ly nổi lên như một nhân vật trung tâm đang ra sức lái con thuyền lịch sử dân tộc vượt cạn đi theo một hướng khác”, “Hồ Quý Ly là hiện thân của một con người chứa đầy mâu thuẫn cùng những bi kịch cá nhân và thời đại. Ông càng ra sức gỡ thì tình thế càng trở nên rối thêm, càng rối lại càng ra sức để gỡ. Cứ thế trong cái vòng luẩn quẩn đó, Hồ Quý Ly đã có lúc rơi vào trạng thái hư vô, trống rỗng và những người như ông, nỗi cô đơn là bạn đồng hành”. Đó là những nhận xét tinh tế. Với tiểu thuyết này, “Nguyễn Xuân Khánh không chỉ mang đến cho thể loại tiểu thuyết lịch sử một sinh khí, nâng vị thế của nó lên một tầm cao mới về nội dung đề tài, chủ đề, kết cấu tác phẩm, cách xây dựng tính cách nhân vật và hình thức thể hiện”. Cuối cùng, anh khẳng định và mách giúp độc giả về giá trị của tác phẩm. “Tôi tin rằng ai đã đọc Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh thì sớm muộn cũng nhận ra đâu là giá trị đích thực của văn chương. Chỉ vậy thôi, Nguyễn Xuân Khánh cũng xứng đáng là một trong nh
ng nhà tiểu thuyết đng hàng đầu của thập niên cuối cùng của thế kỷ XX này”.

Văn chương - Những cuộc truy tìm
không chỉ dừng lại ở vấn đề lý luận, thực tiễn của văn chương đương đại mà còn so sánh, đối chiếu, phản biện nhiều hiện tượng văn học quá khứ, văn học nước ngoài, văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Ở đâu, Đỗ Ngọc Yên cũng chắt chiu phát hiện, lật trở, kiếm tìm để giải mã, đặt và giải quyết vấn đề. Chỉ riêng tâm huyết và trọng trách ấy thôi cũng đã giúp anh có cách tiếp cận mới, làm đầy nội hàm những giá trị của tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm đã có quá nhiều người nghiên cứu. Đó chính là chiếc cầu nối liên chủ thể giữa người đọc với tác giả - tác phẩm - nhà phê bình.
Anh có Bàn về cách tiếp cận Rừng xà nu để bàn về Yếu tố vũ khí với Phạm Hữu Cường và Nguyễn Cảnh Lạc, anh có Những gương mặt của một thời để nhận diện lại vị trí và sự nghiệp văn học của nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong với cái nhìn tự hào, tiếc nuối một tài năng, anh có Nguyễn Đình Chiểu - Nghệ sĩ hay hủ nho để tranh luận với Nguyễn Hưng Quốc nhằm chỉ ra tư cách nhà nho và tư cách nghệ sĩ của Nguyễn Đình Chiểu, từ đó, bàn đến nhân vật Lục Vân Tiên và xác định giá trị của Ngư tiều vấn đáp y thuật, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khá sâu sắc, có luận lý. Tính luận chiến của Đỗ Ngọc Yên vừa thẳng thắn, vừa nhân tình, cốt coi trọng chân lý nghệ thuật.

Bài Bản thể luận Chí Phèo, theo tôi là một phát hiện mới, bất ngờ đối với người đọc khi ông cho rằng Chí Phèo “chỉ là một con người lừng lững đi giữa cuộc đời, không mong cầu, không oán trách, luôn say mềm trong cái bản ngã vô can của chính mình”, “thực ra, Chí Phèo chưa bao giờ là kẻ ác, ngay cả khi hắn đi cướp giật hay xin đểu… Sự trớ trêu của cuộc đời là người lương thiện đến như Chí Phèo lại luôn bị ám ảnh mình là kẻ bất lương. Còn những kẻ bất lương như gia đình lão Bá lại luôn nghĩ mình là người lương thiện, và luôn lấy làm đắc chí, hãnh diện về điều đó, mỗi khi họ cầm đồng tiền bẩn thỉu do những mánh lới thâm độc hay cướp giật trắng trợn của dân nghèo mà có”. Vậy thì hắn đòi lương thiện là bản tính tự nhiên. Cho nên “Chí Phèo không phải là kẻ vô chính phủ. Hắn không chống lại xã hội cũng không chống lại giai cấp thống trị. Dưới con mắt của hắn, xã hội chỉ là một đám hỗn mang không có trên, không có dưới, không có trật tự kỷ cương, không có đúng, sai, phải, trái… không có người thống trị cũng không có kẻ bị trị, mà chỉ có các sinh thể đang tồn tại”. Chí Phèo không được học hành, giáo dục, không mẹ cha, không họ hàng thân thích thì không thể nhận thức được đầy đủ bản chất của xã hội, không thể nhận biết cái khổ của mình là do đâu. “Thực ra, Chí Phèo chưa bao giờ để tâm đến việc đó. Hắn chỉ đòi làm người đích thực, theo đúng nghĩa của nó. Hắn chưa hề sống theo một tôn chỉ đạo đức, chính trị hay tôn giáo nào… Từ khi sinh ra cho đến khi lìa khỏi cõi đời này, Chí Phèo luôn sống theo cái mình muốn - tức là sống theo bản năng tồn tại của chính hắn… Cuối cùng, hành động giết Bá Kiến đối với hắn không nhằm mục đích trả thù cho gia đình, dòng họ hay chống lại sự bất công, đòi quyền bình đẳng xã hội, đòi tiền bạc, đòi quyền lực, bởi vì hắn làm gì có những thứ đó; chẳng qua bản ngã tồn tại của Chí Phèo bị dồn nén tích tụ trong vô thức đến mức hắn không thể làm khác được. Chính hành động ấy là con đường tất yếu khách quan đưa Chí Phèo đi giật lùi để trở về cái bản ngã vô can của hắn”. “Cách đi lùi để trở về bản ngã của Chí Phèo cũng là một con đường đắc dụng và độc đáo. Chí Phèo là hình tượng văn chương duy nhất về con người Việt có thể đi lùi để trở về bản ngã”. Đó là nhận định buộc ta phải suy nghĩ và thay đổi bổ sung cách đánh giá về Chí Phèo.

Trong bài Đọc lại Làm đĩ, Đỗ Ngọc Yên cũng có cái nhìn truy tìm cái mới ấy ở nhân vật Huyền. Đó là giá trị nhân bản của hình tượng, ở sự phân tích tâm lý chiều sâu của Phân tâm học hiện đại thì mới hiểu hết nguyên nhân “làm đĩ” của Huyền. “Ở đây, ngoại cảnh xã hội và gia đình tuy đóng một vai trò quyết định, nhưng cuộc đấu tranh sinh tồn giữa cá thể và loài, cá nhân và cộng đồng mới là cái có ý nghĩa quyết định quá trình hình thành tính cách của Huyền”. “Huyền làm việc ấy bằng tổng thể sức mạnh của cái tôi cá nhân”. Đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, và đặt trong môi trường của gia đình Huyền mà Vũ Trọng Phụng đã miêu tả trong tác phẩm thì “Huyền là một người thật sự dũng cảm, không chỉ dám bơi ngược dòng nước mà còn đi trước thời đại hơn một nửa thế kỷ để khẳng định quyền làm ng
ười của mình bằng sức mạnh bản năng vốn có - nhu cầu tình dục”. Và Đỗ Ngọc Yên đã nhận ra đó cũng chính là “quá trình tìm lại cái tôi nghệ sĩ của ông (Vũ Trọng Phụng) đã vô tình bị người đời tước đoạt, nhưng trong thực tế chính bản thân ông cũng tỏ ra bất lực trong cuộc vật lộn để giằng giật lại nó; và điều đó còn là khát vọng giải phóng con người của nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Phải chăng đấy là logic tất yếu của sự tồn tại không thể nào đảo ngược và là căn nguyên sâu xa cho những lý lẽ khả dĩ đem lại một cái nhìn thật sự nghiêm túc về Làm đĩ của ông”. Phải nói là Đỗ Ngọc Yên đã không ngừng tư duy, động não để thực sự là nhà phê bình khoa học, luôn săn tìm cái đẹp.

Như từ đầu tôi đã nhận xét, đây là tập sách của một hành trình dài dấn thân vào nghiệp bút, Đỗ Ngọc Yên đã thành thật với chính mình khi đi truy tìm sự thật nghệ thuật. Bài đánh giá của tôi cũng chỉ dừng lại ở việc điểm lại, đồng tình và giới thiệu một gương mặt phê bình văn học. Nhiều bài viết trong tập sách về văn học nước ngoài và các cuộc tranh luận văn chương, tôi cũng không thể điểm hết. Bạn đọc sẽ tiếp cận và hiểu thêm về anh. Điều cần khép lại ở đây là, qua Văn chương - Những cuộc truy tìm, tôi yêu quí một phong cách phê bình. Yêu quí ở tinh thần, thái độ, ở văn phong, ở tính trung thực thẳng thắn và nhân văn trong tranh luận và học thuật. Nhiều bài viết dài - ngắn, đầu tư có khác nhau do mục tiêu in ấn và trải dài trong thời gian trên dưới 20 năm nên cũng dễ thấy tính không đồng đều của nó; chưa kể, một số bài phục vụ đăng báo - anh cũng đưa vào tập, nên làm phá vỡ tính chỉnh thể của những bài công phu. Đó là điều đáng tiếc của tập sách. Nhưng dù sao, qua đây, ta đã thấy được tầm quan trọng của phê bình văn học - “mỹ học vận động”, của những nỗ lực xác lập nguyên tắc thẩm mĩ trong phê bình, của việc truy tìm cái mới trong văn chương, của việc quan tâm đến đời sống văn học đương đại để làm “người tiền trạm” cho người đọc. Và, cuối cùng là việc hướng tới hình thành một quan hệ tương tác giữa phê bình với sáng tác và thị hiếu thẩm mĩ của toàn bộ quá trình văn học. Với ý nghĩa ấy, công trình của Đỗ Ngọc Yên đáng được yêu quí, trân trọng.
Huế, 3-2007
H.T.H

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 



-------------------
 (1) Đỗ Ngọc Yên - Văn chương - Những cuộc truy tìm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ EILEEN HEANEY (16/10/2008)
Chùm thơ Mai Linh (16/10/2008)