Tạp chí Sông Hương - Số 221 (tháng 7)
Phan Đăng Lưu với báo chí và văn học
14:47 | 16/10/2008
NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1959, nhân dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.

Chất “trí thức cách mạng tiêu biểu” của Phan Đăng Lưu thể hiện trước hết và trên hết ở những đóng góp quan trọng của Phan Đăng Lưu trong việc xây dựng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc và giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng như xây dựng lực lượng, tuyên truyền vận động quần chúng, chỉ đạo phong trào quần chúng đấu tranh công khai, bán công khai trong một giai đoạn sôi nổi, quyết liệt của cách mạng Việt Nam, thời kỳ 1930-1945, ở việc nêu gương hy sinh bất khuất trước họng súng kẻ thù. Nhưng trên lĩnh vực báo chí và văn học, Phan Đăng Lưu có những đóng góp quan trọng, trở thành một trong những nhà báo vô sản hàng đầu của cách mạng Việt .

Xuất thân trong một gia đình, một vùng quê có truyền thống yêu nước, hiếu học và nhân văn, Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ tư chất và năng khiếu về lĩnh vực văn thơ. Ngay trong những năm còn trẻ, khi còn là đảng viên Tân Việt, Phan Đăng Lưu đã sáng tác câu đối, thơ ca phản ánh những cảnh chướng tai gai mắt diễn ra ở công đường, ở làng quê.
Một lần, hay tin Tổng đốc Nghệ An tổ chức bữa tiệc mừng được thăng chức, Phan Đăng Lưu làm đôi câu đối gián ở cổng Thành Vinh:
“Tổ quốc diệt vong, sung sướng đó linh đình yến tiệc
Đồng bào nô lệ, vẻ vang thay nhộn nhịp xướng ca”.
Khi về làng Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An) thấy cảnh hào lý chè chén xôi thịt, ông làm thơ luật đường, làm vè phê phán, mô tả những tệ nạn ấy:
Sông Dinh, rú Gám cảnh thần tiên
Vì bọn cường hào đến đảo điên
Ăn uống sình nang quân đít đỏ (1)
Gánh gồng trễ cổ bạn dân đen (2)
Mất phần tri bộ trương gân nạt (3)
Hỏng miếng hoa cà lộn tiết lên (4)
Sâu mọt lũ này chưa quét sạch
Xóm làng khôn hưởng cảnh bình yên

Những năm 1930-1936, khi bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Ban Mê Thuột, Phan Đăng Lưu đã học tiếng Êđê, tổ chức ra tờ báo lấy tên là Doãn ĐÊ đê với hai thứ tiếng Kinh và Êđê, dùng làm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục tù nhân và anh em binh lính người Êđê, Báo Tiếng Dân, tờ báo công khai do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút viết:
“Ông Phan Đăng Lưu là một người ham  nghiên cứu, ở Ban Mê Thuột mấy năm nay, tiếng mọi (chỉ tiếng dân tộc), chữ mọi cho đến phong tục mọi ông cũng thông thạo. Những bạn trí thức làng Đê cũng phải kính nể” (Báo Tiếng Dân số 757 ra ngày 2/1/1935).
Để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù, Phan Đăng Lưu viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, bí mật gửi ra ngoài, có bài bị bọn cai ngục bắt được, ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại chính phủ bảo hộ, tăng án lên 5 năm tù khổ sai.

Năm 1936, Phan Đăng Lưu lại được trả tự do và được bổ sung vào Xứ ủy Trung Kỳ, được Đảng phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế và Trung Kỳ, nơi trung tâm đầu não của thực dân Pháp và bọn phong kiến triều. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, với tài năng nhiều mặt, cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Bùi San, đồng chí Phan Đăng Lưu đã thể hiện rõ vai trò là linh hồn của cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, góp phần đưa phong trào trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp của quần chúng “một thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi chưa từng thấy dưới thời Pháp thống trị, chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940-1945” (Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng).

Nhận thấy báo chí, văn học là công cụ tuyên truyền sắc bén, đồng chí Phan Đăng Lưu vừa xây dựng chỉ đạo các tờ báo, vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các tri thức trẻ, hướng dẫn bồi dưỡng họ đi về với quần chúng lao động. Bản thân Phan Đăng Lưu cũng là cây bút chủ yếu viết chính luận, tiểu phẩm... cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Các tờ báo Sông Hương tục bản (ra được 14 số, từ số 1 ra ngày 15/ 6/ 1937 đến số 14 ra ngày 14/ 10/ 1937), báo Dân (ra được 17 số), số đầu đăng những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu. Người dân Cố đô Huế và bạn đọc cả nước thời bấy giờ thấy xuất hiện liên tục các bài báo sắc bén với hàng loạt bút danh: Sông Hương, Dân, Dân muốn, Phi Bằng, Tân Cương, Ly Toét, BCH, QB, SH, KD, Mục tiêu, Thương tâm, KĐ... trên các báo Sông Hương tục bản, Dân, Hồn trẻ, Tin tức, Nhành lúa... cả báo chí xuất bản ở Huế và ở Sài Gòn. Phan Đăng Lưu còn trực tiếp chỉ đạo nhà xuất bản Tư Tưởng, có trụ sở đóng ở Đà Nẵng, cộng tác với “Quan hải tùng thư” xuất bản những sách phổ thông về lịch sử dân tộc, về chủ nghĩa Mác-Lênin. Thời gian này, ngoài công việc chỉ đạo cuộc đấu tranh công khai, chỉ đạo báo chí, Phan Đăng Lưu còn viết một số tác phẩm lý luận và văn học. Sách lý luận có: “Xã hội tư bản”, “Thế giới cũ và thế giới mới”. Sách văn học có “Văn thơ các nhà chí sỹ Việt ” (Một số tác phẩm đã được tuyển chọn, in lại trong Tổng tập Văn học Việt - tập 37).

Cũng trong thời gian này, Phan Đăng Lưu đã cùng với Hải Triều tổ chức thành công Đại hội báo chí Trung Kỳ và góp nhiều ý kiến với Hải Triều trong cuộc tranh luận văn học vị nghệ thuật, văn học vị nhân sinh. Theo nhà nghiên cứu Chương Thâu, Phan Đăng Lưu còn gần gũi, động viên và giúp đỡ cụ Phan Bội Châu một số công việc trong biên soạn cuốn sách “Phan Bội Châu niên biểu”.
Trên bước đường hoạt động cách mạng, Phan Đăng Lưu luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng lực lượng trí thức; và bằng tài năng, trang bị trí thức cho đội ngũ kế cận. Các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương... đều có những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc về Phan Đăng Lưu.
Nhà thơ Tố Hữu kể lại:
“Một hôm anh hỏi tôi:
- Cậu biết làm thơ không?
Tôi đáp:
- Niêm luật đường thi, thơ lục bát thì tôi nắm được nhưng không biết thơ có hay không?
- Vậy thì tốt rồi - Anh Lưu nói - báo ta (tức báo Dân) hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà là do đế quốc, phong kiến bóc lột, và do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi... có nhiều điểm cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó mà dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý: dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng...
Tôi nói:
- Nếu viết những cái đó thì tôi viết được.
Như vậy, Phan Đăng Lưu chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng.
Ba điều anh Lưu đã nói với tôi: Đời sống của nhân dân - chớ viết khó quá - và đừng dài quá...
(Tố Hữu: nhớ lại một thời: Báo Văn nghệ, số ra ngày 22/ 7/ 2000)
Trong bài thơ “Quê mẹ” Tố hữu viết:
“Con lớn lên con tìm cách mạng
Anh Lưu anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chửa biết gì.”
Lúc sinh thời, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5-5-2002) với đoàn làm phim về Phan Đăng Lưu, nhà thơ Tố Hữu nói: “Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác, tác phong giản dị, gần gũi đã có sức cuốn hút lớp trí thức trẻ như chúng tôi và cả những trí thức lớn như cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng... (Băng ghi âm lời phát biểu của nhà thơ Tố Hữu năm 2002).
Những đóng góp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí và văn học quả là to lớn, cần được nghiên cứu và giới thiệu trong những công trình khoa học dài hơn. 
                         N.Đ.T

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 



-------------------------
 (1) Quân đít đỏ: Chỉ quan viên, chức sắc ở làng, xã.
(2) Bạn dân đen: Nhân dân lao động.
(3) Tri bộ: 1 chức quan nhỏ ở làng.
(4) Hoa cà: bộ phận sinh dục (hai hòn dái) của con me trong dịp tế thần ở làng.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ EILEEN HEANEY (16/10/2008)
Chùm thơ Mai Linh (16/10/2008)