Tạp chí Sông Hương - Số 219 (tháng 5)
Tiếp cận truyện cổ Tà Ôi
09:55 | 23/10/2008
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGCho đến nay, đã có các công trình sưu tầm và biên soạn truyện cổ Tà Ôi khá đầy đặn về văn bản. Qua các công trình nầy chúng ta thấy rằng người Tà Ôi sinh sống trên dãy Trường Sơn, quần cư chủ yếu trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng tri thức phong phú về văn học dân gian mà trong đó thể loại An xoar (chuyện cổ tích) là một thí dụ điển hình.
Tiếp cận truyện cổ Tà Ôi

Theo các nhà nghiên cứu mô tả thì: “Chuyện kể (An xoar) của người Tà Ôi là sinh hoạt của những ngày mưa, lúc rảnh rỗi hoặc khi đêm về... Sinh hoạt chuyện cổ là tiếng gọi của sự quây quần, nhiều thế hệ cùng ngồi với nhau, nhiều người từ “dung” (nhà) này, “vel” (làng) nọ đến bên nhau. Ngồi nghe chuyện cổ để giải trí, để được giáo dục tri thức, truyền thống và đạo lý làm người, làm “đứa con ngoan” của rẫy, của vel... (1). Đi sâu vào việc tìm hiểu truyện cổ Tà Ôi chúng ta sẽ thấy cả một thế giới quan và nhân sinh quan rộng lớn, phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống cộng đồng. Ở đó, người Tà Ôi luôn đề cao các vị thần, vì những đấng siêu nhân nầy đã từng che chở, giúp họ vượt qua những cơn hoạn nạn. Họ cũng đứng lên đấu tranh chống lại cái ác, thần quyền và bạo ngược. Họ đã gửi gắm những ước mơ của mình thông qua những việc làm cụ thể để đi đến cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Người Tà Ôi kể trong truyện cổ của họ rằng: Dân tộc Tà Ôi được sinh ra từ một quả bầu. “Ngày xưa khi trên trái đất chỉ có loài thú sống với nhau, con người chưa xuất hiện thì bỗng xảy ra một tiếng nổ dữ dội. Sau tiếng nổ thì mặt đất bỗng dưng thay đổi hẳn, các con thú vắng bóng. Chỉ may mắn còn sống sót mỗi hai con chó, một đực, một cái.

Hai con chó sống chung với nhau. Bỗng một hôm trời hạn hán, nước sông suối khô cạn, cây sim, cành móc đều chết cháy. Hai con chó tìm lên vùng cao để tìm thức ăn và nước uống. Vượt qua nhiều núi đèo hiểm trở, cuối cùng hai con chó cũng tìm được nguồn nước. Con chó cái lúc này đang bụng mang dạ chửa, nó cố lê mình đến bên bờ suối. Lúc nó chui đầu xuống dòng nước, cũng là lúc nó chuyển dạ, đẻ ra một quả bầu dài. Một nửa quả bầu nằm dưới nước, một nửa lại nằm vắt lên bờ.
Quả bầu cứ nằm như vậy suốt bao tháng liền. Nửa trên bờ của trái bầu bị nắng hạn nung nóng nên ngày càng đen thẫm lại, còn nửa dưới được mát mẻ nên trắng bợt ra.
Mãi lúc khi mùa xuân đến, khi trời ấm áp dần lên thì quả bầu bỗng vỡ ra và con người từ vòng quả bầu đó vươn dậy. Số người nằm nửa trên bờ của quả bầu có nước da ngăm đen, còn số được bảo vệ nên có làn da trắng trẻo.
Số người có làn da trắng xuôi theo dòng sông, suối về đồng bằng sinh sống trở thành người Kinh sau nầy. Những người có làn da ngăm đen lại đi ngược về ở phía đầu nguồn tìm rừng phát rẫy trở thành người Tà Ôi bây giờ...” (2). Trong câu truyện này thể hiện mối quan hệ giữa người Tà Ôi và người Việt chủ thể chính của cộng đồng các dân tộc Việt . Chính vì mối quan hệ đó mà nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đã nêu ra được 3 hệ thống chủ đề trong truyện cổ các dân tộc thiểu số Bắc miền Trung trong đó có dân tộc Tà Ôi như sau:

Hệ thống 1: Các truyện kể phản ánh mối quan hệ mật thiết có tính cách huyết thống của các dân tộc thiểu số với người Kinh ở đồng bằng.
Hệ thống 2: Tập hợp các truyện kể lưu lại các dấu ấn kỷ niệm.
Hệ thống 3: Các truyện kể thể hiện mối quan hệ xuôi ngược, miền thấp miền cao về kinh tế, văn hóa, hôn nhân và gia đình.
Và cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông thì: “Ngày xưa, mọi người cùng nằm chung trong một quả bầu. Sau đó Yang Arơbang (thần Trời) mài đỏ một thỏi đá, dùi thủng quả bầu cho mọi người bước ra. Các anh Tà Ôi, Pa Cô, Pahy - Vân Kiều, Cơ Tu ra trước, mình dính đầy khói than nên đen, tóc quăn và người Yoan (Việt) ra sau cùng nên da sáng, tóc thẳng hơn. Điểm kết của câu chuyện được nhấn mạnh ở chỗ, họ đều là anh em ruột thịt và sau đó chia nhau đất đai để sống như bây giờ” (3).

Nhìn chung, trong truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt , hình tượng quả bầu là khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo mà nổi bật nhất phải kể đến là truyện bầu mẹ của người Khơ Mú. Điều đó cũng không có gì lạ khi “Các vị thần sáng tạo hay những anh hùng văn hóa làm ra những con người đầu tiên từ những chất liệu khác nhau: Xương cốt các con vật (Trong một số thần thoại thổ dân da đỏ Bắc Mĩ, thần sáng tạo Mahabus tạo ra con người bằng bộ xương của thú, chim và cá), quả cây họ cọ (trong thần thoại Me le ne di, từ quả dừa trong, thần thoại của người da đỏ Pê ru - từ quả cây cọ...), cây (trong thần thoại của người Ket Tây Xibiri, thổ dân da đỏ Bắc Mĩ...)” (4); thì người Tà Ôi với nguồn gốc ra đời của mình được lấy từ hình tượng quả bầu, con chó là phù hợp với nền văn hóa trong bối cảnh Đông Nam Á.
Một nội dung khác của truyện cổ Tà Ôi là đi sâu vào việc giải thích nguyên nhân ra đời của các dòng họ. Bởi vì một lẽ, người Tà Ôi xưa và thậm chí còn đến cả ngày nay vẫn còn bảo lưu những dòng họ cổ xưa của dân tộc mình như: Pơ Loong, Ahar Priêng, Amoong, Akơ ơ, Pihôih, Blup, Viên, Kê, Kêr... và mỗi dòng họ đều có vật tổ để thờ, để kiêng cữ cho nên mới lưu truyền được trong cộng đồng người Tà Ôi những câu chuyện kể về các dòng họ.

Đã có một sự đánh giá cho rằng: “Ở người Tà Ôi dấu vết của tổ tiên còn đậm nét trong các tổ chức dòng họ” (5). Bởi vậy người Tà Ôi có các tập tục kiêng cữ ở các dòng họ, ví như: Ya AVô (Họ AVô) kiêng bắn giết và ăn thịt con vượn, Ya Pihôih (Họ Pihôih) kiêng bắt và ăn con ong mật, Ya Kêr (Họ Kêr) kiêng bắt, giết chim Tu Tiết, Ya Blup AKol (Họ Blup AKol) kiêng bắt, giết con thằn lằn, Ya Pa Tả (Họ Pa Tả) không ăn thịt mèo, Ya AKơ ơ (Họ AKơ ơ) không ăn thịt con Trút...
Về vấn đề bái thờ vật tổ của người Tà Ôi, được xem là một tín ngưỡng của Tôtem giáo vì có nhiều nét tương đồng với các dân tộc cận cư trên dãy Trường Sơn và Tây Nguyên. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì: “Hình thức cơ sở nhất của Tôtem là ông tổ huyền thoại thường là con vật, cây cối hay vật dụng nào đó. Những người cùng một ông tổ huyền thoại nầy đều coi nhau là anh em, cùng kiêng cữ không ăn hoặc sử dụng Tôtem của mình có các tập tục liên quan khi cúng lễ vật tổ và thường không có quan hệ hôn nhân... Hình thức vật tổ nầy còn thấy khá phổ biến trong các tộc nói ngôn ngữ Môn - Khmer vùng Trường Sơn - Tây Nguyên” (6).

Cho đến nay, chúng tôi đã thống kê ra được 85 dòng họ cổ truyền của người Tà Ôi, trong đó quá phần nửa đều có liên quan đến Tôtem giáo và những tập tục kiêng cữ thường liên quan đến những con vật (chó, mèo, khỉ, vượn, trút, ong, hổ, chim...), vật dụng (cối giã gạo, hầm chông...), cây (cây đoác, cây đa), tên làng... và trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi đã có 10 truyện giải thích được nguồn gốc ra đời của các dòng họ: Họ Kê, họ Pa tả, họ Kra ai, họ Viên, họ Blup AKol, họ Kêr, họ AKơ ơ, họ A Viết, họ A Vô và họ Pihôih.
Nếu đem so sánh với các dân tộc anh em khác thì dòng họ của người Tà Ôi vẫn có sự đa dạng về tín ngưỡng. Ví như người Hmông có khoảng 18 họ, người Kơ Tu có khoảng 35 họ... thì người Tà Ôi vẫn tự hào về dòng họ của mình, thờ tổ tông theo dòng họ, dùng gián tiếp bằng cách lấy bộ phận của con vật tổ để gọi.

Ngoài ra truyện cổ Tà Ôi còn đem đến cho người đọc những câu chuyện hay về việc giải thích nguồn gốc các địa danh. Mỗi địa danh thường gắn liền với những câu chuyện tình cảm hết sức lý tưởng và dũng cảm. Những truyện như truyền thuyết về sông Đắc Krông, Dốc Parsee (Dốc tình yêu bất tử), sự tích núi San Lai, Kooh seam sai, sự tích sông A Sáp, sự tích hồ A Co... đã ăn sâu vào trong tâm khảm của người dân nơi đây. Và ngày nay những địa danh đã được giải thích đó vẫn là sự thật, vẫn có dòng sông Đắc Krông và A Sáp xanh tươi, có núi San Lai, Kooh seam sai uy nghi, vững chãi, có hồ A Co tràn đầy nước mát... như một minh chứng nhằm giáo dục con người thể hiện lối ứng xử tốt giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.
Trong kho tàng truyện cổ Tà Ôi, khi tiếp cận chúng tôi thấy có sự liên hệ mật thiết với những sự vật ngoài đời. Ngay cả khi người Tà Ôi tổ chức hình thức sinh hoạt ca múa nhạc thì những nhạc cụ cũng có nguồn gốc ra đời của nó. Truyện cổ Tà Ôi đã có những câu chuyện kể về cái trống (Sự tích cái trống), khèn (Sự tích chiếc khèn bè), Tingát (Chiếc Tingát), A reeng (Tiếng sáo hạnh phúc), Đàn Ta lư (Sự tích đàn Ta lư), A màm (Sự tích chiếc A màm)... điều đó đã chứng tỏ người Tà Ôi ưa thích sự phóng túng. Người Tà Ôi khi đi làm nương rẫy thường muốn tạo cho mình niềm vui hay mong muốn có một người bạn để tâm sự, họ lấy những ống nứa gọt dũa để thổi nghe cũng vui tai, từ đó hình thành nên những loại nhạc cụ và thường kèm theo những câu chuyện kể. Ví như câu chuyện sự tích chiếc A màm được kể dưới đây là một minh chứng cho điều đó: “Ngày xưa, ở làng nọ, có một người mẹ góa rất thương con. Cứ mỗi lần bà mẹ lên nương thì không nỡ bỏ đứa con còn nhỏ dại của mình ở nhà. Bà đành địu con theo trước ngực, sau lưng thì mang gùi bắp giống, tay cầm chiếc A pật thong thả lên rẫy.
Đứa con thơ của bà rất vui khi nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách và cả những bước chân hòa đều với tiếng ru của mẹ.
A Kay ơi, ngủ cho yên
Con ve rừng ru akay ngủ
Gió cây rừng che mát akay
Hãy ngủ yên.
Như con A vang còn nằm trong trứng
A Kay ơi! Akay ơi! Ngủ yên đi.

Đến rẫy, bà mẹ đặt đứa con của mình ở nơi thoáng mát. Nghe tiếng ve rừng kêu, đứa bé êm tai lim dim ngủ để cho mẹ rảnh tay trỉa bắp. Sau khi xong việc, đứa bé lại được mẹ địu về nhà. Nhưng khi về đến làng, đứa bé nhớ những âm thanh quen thuộc của ve thì lại khóc.
Không dỗ dành được, bà mẹ đành ra sau hè, cắt lấy một đoạn sậy nhỏ, gọt ở một đầu thành chiếc lược ngà, gọt vài cái lỗ nhỏ thổi lên nghe giống tiếng ve ve. Đứa trẻ nghe vậy êm tai ngủ ngon giấc, cứ thế, ngày này qua ngày khác, đứa trẻ dần lớn lên trong tiếng êm dịu của một loại gáo dọc đơn giản. Đó là chiếc A màm” (7).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế đã có một nhận định trong công trình nghiên cứu: “Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt ” rằng: “Khẳng định hiện tượng kiểu truyện và kiểu nhân vật xấu xí mà tài ba của truyện là rất phổ biến trong truyện cổ tích các dân tộc Việt . Đề tài nhân vật xấu xí mà tài ba là sự phản ảnh thực tại xã hội của một giai đoạn lịch sử của loài người, nó xuất hiện một cách tất yếu và là một đề tài có tính chất hiện thực sâu sắc, bởi nó phản ánh cuộc sống của một loại người bất hạnh của xã hội. Đề tài nầy thường xuất hiện ở những nơi mà sự tan rã của chế độ mẫu hệ và chế độ công xã nguyên thủy không dẫn tới sự thành lập gia đình phụ hệ lớn mà chỉ đưa tới sự hình thành một xã hội manh nha có giai cấp” (8). Qua đó cho chúng ta thấy, xã hội trong truyện cổ tích Tà Ôi đang hình thành một xã hội có giai cấp, những nhân vật dị hình, dị dạng, người lấy vật xấu xí thường đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành giai cấp đó.

Mô típ người dị hình dị dạng, người lấy vật xấu xí trong truyện cổ Tà Ôi có các câu truyện tiêu biểu như: Vỗ Đủ hóa cọp, Người vợ vượn, Chàng rắn, Chàng voi, Chàng cóc, Người đội lốt mèo, Pirưi A rooq, Kalang Niêtka, Piar Tu liq, Người vợ đá... Bản chất của những con người nầy luôn luôn cần cù, nhẫn nại, siêng năng, chịu khó, thông minh và sáng tạo, đó chính là những lẽ sống thiết thực của người Tà Ôi.
Trong hệ thống các truyện mang nội dung nầy chúng tôi thấy các nhân vật đều mang lốt động vật và hầu như đều nói tiếng người, biết thể hiện được những tâm tư tình cảm qua những lời nói, cử chỉ và hành động. Họ luôn luôn cứu người, đem lại cuộc sống tốt lành cho dân bản. Và một điều rõ nét, những người dị hình, dị dạng, người lấy vật xấu xí về sau đều được trút bỏ những tấm áo thú bằng cách đốt đi hoặc thả trôi theo dòng nước... Những việc làm và số phận của họ “trở thành người đại diện cho lý tưởng của xã hội và số phận tốt đẹp của nhân vật chính là phương tiện hiện thực hóa ước mơ của nhân dân” (9).

Tư duy trong lối kể chuyện của người Tà Ôi thật chất phác và giản dị.
Chuyện kể của họ chiếm một số lượng lớn kể về các loài vật, điều nầy có lẽ do lấy cuộc sống săn bắt và thuần hóa súc vật đã làm nền tảng cho nền kinh tế, đã ăn sâu vào trong tâm trí của người Tà Ôi và lấy loài vật làm hình tượng nhân vật là điều tất yếu.
Trong truyện cổ Tà Ôi, thời gian và không gian nghệ thuật thường gắn liền với cảnh núi rừng bao la hoặc bên bếp lửa của những ngôi nhà dài, và phảng phất mang những nét tương đồng với truyện cổ của các dân tộc anh em khác.
Một điều đặc biệt được đưa ra ở đây là trong truyện cổ Tà Ôi thường có sử dụng lối kể chuyện theo kiểu đồng thoại. Khảo sát gần 100 truyện kể thì có đến 40% câu chuyện có sử dụng lối kể đồng thoại nầy. Như trong truyện sự tích chiếc A màm vừa nêu trên là một ví dụ điển hình. Hoặc có những lời đồng thoại rất hay được lồng vào khi kể chuyện, nghe phảng phất như những làn điệu dân ca Calơi, Ba bói, Cha chấp tiêu biểu của người Tà Ôi.
Ơi chàng hỡi
Buổi sáng em lên rẫy
Lấy lá môn em hứng nước trong
Soi bóng em lấp lánh
Ai ngờ hiện bóng anh
Ơi hỡi chàng tài giỏi.
Cây to, đá tảng luôn phải tay người
Chú voi vàng ngọc A poal
Hãy mang đá tảng núi ngàn thỏa ân
Hãy dâng lễ tại cho thân
Bởi lòng ta khát một ngần nước trong
Bởi nay cây cối trâu bò
Mãi trong tưới mát, ấm no dân tình
(Tireal Put)
Những câu chuyện kể lồng ghép với lối hát văn vần đã làm cho chuyện cổ mang hơi thở của sử thi.
Trên cơ sở những văn bản có được, truyện cổ Tà Ôi luôn mang trong mình một sức sống mới, hơi thở mới cả về nội dung lẫn giá trị nghệ thuật. Ngày nay, chúng ta chỉ cần khai thác và nghiên cứu gìn giữ để cho nó thêm tinh túy mà thôi.
T.N.K.P

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

 



------------
 (1) Nguyễn Quốc Lộc (Chủ biên): Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, NXB Thuận Hóa - Huế 1984, trang 177.
(2) Trần Nguyễn Khánh Phong - Nguyễn Thị Sửu: Truyện cổ Tà Ôi, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa dân gian Huế, NXB Thuận Hóa - Huế 2005, trang 27.
(3) Nguyễn Hữu Thông: Vùng đất Bắc miền Trung: Những cảm nhận bước đầu, Tạp chí Dân tộc học - Hà Nội, số 4 (130) 2004, trang 5.
(4) Ngô Văn Doanh: Thần thoại về nguồn gốc con người, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 12 (222), 2002, trang 99.
(5) Nguyễn Quốc Lộc (chủ biên), Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thị Hòa: Truyện cổ Tà Ôi, Văn nghệ dân gian Bình Trị Thiên, Sở Văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, Huế 1985, trang 12.
(6) Bế Viết Đẳng (Chủ biên): Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, NXB Chính trị Quốc gia - NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội 1996, trang 99.
(7) Trần Nguyễn Khánh Phong, Nguyễn Thị Sửu: Sách đã dẫn... trang 137.
(8) Nguyễn Thị Huế: Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt , Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1999, trang 16.
(9) Nguyễn Thị Huế: Sách đã dẫn... trang 150.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vũ nữ* (22/10/2008)