Tạp chí Sông Hương - Số 219 (tháng 5)
“Thất trảm sớ” nhà văn
10:16 | 23/10/2008
TÔN ÁI NHÂNThật ra, những điều mà nhà văn, Đại tá Tôn Ái Nhân nêu ra dưới đây không hoàn toàn mới so với “búa rìu dư luận” từng giáng xuống đầu các nhà văn đương đại. Và, bản thân chúng tôi cũng không hoàn toàn đồng tình với tất thảy những sự kiện (kể cả những vấn đề nhạy cảm) mà ông đã “diễn đạt” trong 14 trang bản thảo gửi tới Tòa soạn. Chính vì vậy, chúng tôi đã xin phép được cắt đi gần nửa dung lượng, để “THẤT TRẢM SỚ” NHÀ VĂN đến với bạn đọc một cách nhẹ nhàng hơn. Nhân đây cũng muốn gửi tới tác giả lời xin lỗi chân thành, nếu như lưỡi kéo của Sông Hương hơi “ngọt”.


Lâu nay, nhà văn Việt chúng ta vẫn cứ băn khoăn, day dứt một điều là không có sách hay, xứng tầm thời đại. Bạn đọc của chúng ta cũng đòi hỏi như vậy. Và nhân dân ta cũng rất mong muốn các nhà văn Việt có gì để nói với nhân loại. Phải chăng nhà văn Việt quá kém cỏi, không có tài, hay vì một nguyên nhân sâu xa nào khác? Theo tôi, thì có bẩy nguyên nhân chính. Bẩy nguyên nhân ấy nó tác động ghê gớm đối với người cầm bút.

Nguyên nhân thứ nhất:
Sản phẩm tinh thần của nhà văn còn bị xem nhẹ, chưa đánh giá đúng với giá trị đích thực của nó. Tác phẩm của nhà văn làm ra là thứ hàng hóa thuộc hạng rẻ mạt nhất trong xã hội ta hiện nay, khi mà nhà phân phối hưởng tới 40 – 50%.
Khi viết xong tác phẩm, nhà văn phải chạy đôn chạy đáo đi tìm đầu ra. Nếu là thơ, thì phải bỏ tiền túi ra in. In xong, nhuận bút chỉ được 10 – 12% (trước đây chỉ 6 – 8%). Trong khi đó “nhà phát hành” chễm chệ ngồi trên lưng nhà văn hưởng tới 40 – 50%, thậm chí 60 – 70%. Cũng do vậy, mà nhiều đầu nậu sách giầu lên rất nhanh. Còn nhà văn thì vẫn nghèo rớt. Mới đây “anh thuế” cũng vào cuộc, làm cho giá cuốn sách đội lên cao gấp hai ba lần giá trị đích thực của nó. Giá cao, thì ít người mua. Đó là tất yếu. Rõ ràng đây là điều hết sức bất công và phi lý. Nhưng nhà văn chả biết kêu ai, vẫn phải cắn răng mà chịu, để cố ra được sách. Xin có một chứng minh: Năm 2000, Nxb CAND in cuốn tiểu thuyết “Ân xá” hơn 200tr, sl: 600c của anh Nguyễn Văn Hoa, tiền nhuận bút Nxb trả 600.000đ. Bèo bọt đến thế là cùng. Lĩnh nhuận bút, tác giả mời biên tập viên đi uống nước, mà biên tập viên ngượng không dám đi. Giữa lúc đó một bài báo trên ANTG hay VNCA trả tới 800.000đ có khi một vài triệu. Như thế ai còn muốn viết truyện làm gì. Nếu không vì cái nghiệp. Nhưng cũng có những nhà văn thấy viết văn hàng năm mới được quyển sách, mà nhuận bút lại quá tồi tệ, nên đã chuyển sang viết báo, viết kịch bản phim. Cái giá trị lao động sáng tạo của nhà văn Việt hiện nay thật là rẻ mạt.

Nguyên nhân thứ hai:
Báo chí, truyền hình và những kỹ thuật thông tin hiện đại bùng nổ như một cơn lốc cuốn hút hết độc giả của nhà văn.
- Về báo chí: Có tới hàng trăm loại báo, tạp chí ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Mà tờ nào cũng nhan nhản, đầy rẫy những vụ án: cướp, hiếp, giết; nó khai thác cái riêng tư, sâu kín nhất của con người. Như chuyện làm đẹp, làm duyên theo mốt, chuyện phòng the, tình yêu, tình dục… luôn kích thích sự tò mò đối với bạn đọc.
- Về truyền hình: Hàng chục kênh, đủ loại chuyên đề cuốn hút. Riêng phim truyện thì ê hề, không tính xuể. Phim hành động, phim tình cảm, phim viễn tưởng, phim quái dị, phim lịch sử của tất cả các nước: Ấn, Âu, Tầu, Phi, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan, Hương Cảng… lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ khán giả vô điều kiện.
- Về internet: Đây mới là cái vô cùng hấp dẫn và khủng khiếp. Vì nó có đủ trò chơi giải trí, để cuốn hút mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi. Có những trò chơi như game, nó làm người ta say mê suốt cả đêm ngày, tới mức biến người ta thành nghiện ngập. Và ở đây nó có đủ cái tinh hoa của nhân loại, nhưng nó cũng có vô vàn cái độc hại, xấu xa nhất của con người. Những phim sex, truyện sex, truyện loạn luân cực kỳ tởm lợm và ghê rợn, luôn nhảy lên những trang Website để ve vãn, mời chào độc giả.
Tất cả những công nghệ giải trí trên đã ngốn hết quỹ thời gian của con người. Thế thì độc giả còn đâu thì giờ, để đọc sách của nhà văn nữa. M. Gorky đã từng nói: “Mỗi khi tôi đọc xong một cuốn sách hay, thì tôi thấy gần chân lý, và xa thú tính hơn”. Như vậy có nghĩa là bạn đọc chúng ta khi bị ngập ngụa trong cái xấu xa, đồi bại, thì sẽ gần thú tính và xa chân lý hơn. Và đương nhiên họ sẽ xa với văn học.

Nguyên nhân thứ ba:
Những biến động lớn về đời sống chính trị trên thế giới và những đổi mới ở nước ta, đã tác động không nhỏ đối với cuộc sống tinh thần của nhà văn.
Ngay sau khi thành trì XHCN là Liên Xô sụp đổ và các nước Đông Âu tan rã, một cơn động đất chính trị khủng khiếp đối với toàn nhân loại. Niềm tin như bị sét đánh, làm chúng ta choáng váng và khủng hoảng. Chúng ta như bị lạc trong rừng rậm, buộc phải mò mẫm để tìm lối ra. Cái thực trạng đáng buồn ấy còn làm thay đổi hẳn thế giới quan của nhà văn đối với lịch sử thời đại. Có người bừng tỉnh cho rằng trước đây người ta đã dùng cường lực để nắm dòng chảy của lịch sử nhân loại. Nhưng cuối cùng, quy luật của lịch sử nhân loại vẫn trở về theo dòng chảy thuận chiều của nó. Cái nghịch đảo ấy, đã làm nhà văn phải khốn khổ, để tìm chân lý. Vậy chân lý ở đâu? Biết bao câu hỏi dồn dập, mới mẻ đặt ra trước mắt nhà văn như nước ta giờ là bạn với tất cả các nước, thế còn kẻ thù không? Hay về quan hệ sản xuất, chủ và thợ với vấn đề bóc lột cũng vậy. Có còn mâu thuẫn, để trở thành đối kháng như các nhà kinh điển đã phân tích không? Bởi hiện tại chúng ta đang mời các nhà tư bản nước ngoài vào đầu tư sản xuất. Và chơi với tư bản, thì theo Mác nói: “Tư bản nó luôn mang trong mình nó máu và nước mắt”. Vậy khi sang Việt , họ có bỏ những thứ đó ở nhà không? Để lý giải những vấn đề đầy phức tạp và nhậy cảm này, thật không dễ.

Nguyên nhân thứ tư:
Những biến động về đời sống văn hóa và đạo đức xã hội, đã làm đảo lộn những giá trị tinh thần và quan niệm sống của nhà văn.
Xã hội mà nhà văn chúng ta đang sống. Nền văn hóa và đạo đức XHCN suốt bao nhiêu năm chúng ta cất công xây dựng chưa kịp định hình đang bị một nền văn hóa và lối sống ngoại lai ùa tới “tấn công”. Quan niệm về cuộc sống, về đạo đức, về tình yêu, về cái đẹp cũng hoàn toàn khác. Như chuyện quan hệ nam nữ bất chính, trước đây gọi là “hủ hóa” bị cấm đoán và xã hội lên án. Đây là một “tội” đã được ghi vào điều lệ Đảng hẳn hoi. Bởi thế người ta hại nhau, bẫy nhau cũng nhờ cái tội này. Nhưng nay dường như đã bị… lờn. Hay như trước đây lấy Tây bị gọi là me Tây, thì cắm mặt mà đi. Nhưng nay lấy Tây lại rất hãnh diện ngẩng cao đầu, cho mình là đẳng cấp thượng lưu. Quan niệm về cái hay, cái đẹp trong mọi lĩnh vực cũng đều hết sức xô bồ. Trong âm nhạc, lớp trẻ thích hát gào, hát thốc và nhạc giật mới cho là hay. Ăn mặc, đầu tóc thì luôn bắt chước, theo mốt của nước ngoài. Con gái phải là những kiểu váy ngắn, áo hai dây hở hang, xăm môi, xăm mắt, nhuộm tóc xanh, vàng, đỏ mới là đẹp. Con trai thì kiểu tóc phải là chôm chôm, đầu đinh hay trọc lóc… Riêng lĩnh vực tình yêu và hạnh phúc gia đình. Những tình yêu trong trắng, cao thượng, thủy chung, với những luân lý đạo đức truyền thống, mà lâu nay văn chương chúng ta vẫn ngợi ca, giờ đang có nguy cơ bị một lối sống hưởng thụ hiện đại phá vỡ.

Đồng tiền và lối sống thực dụng, hưởng lạc đang ngự trị và làm xói mòn nền đạo đức xã hội. Đây là chưa kể đến những đại gia lắm tiền nhiều của, và những loại đầy tớ cỡ bự tha hóa luôn móc túi bà mẹ Tổ quốc, để ăn chơi trác táng. Điều đó đang dẫn đến nguy cơ đáng sợ nhất là đánh mất bản sắc dân tộc và nề nếp gia phong tốt đẹp lâu đời của người Việt .
Mới đây, tôi được đọc cuốn sổ tay của một nữ sinh 16 tuổi, cháu của một ông tướng, bỏ nhà đi làm điếm, để lại cuốn sổ, đề ở bìa là “Nhật ký hận đời”. Trong đó có đoạn viết cho ông đầy nước mắt: “Ông ơi! Thế là gia đình cháu đã tan nát hết cả rồi. Bố mẹ chia tay, cháu chẳng còn nhà mà về nữa. Ông đi đánh giặc giữ được cả đất nước to lớn vậy, mà sao cái gia đình nhỏ bé của cháu ông lại không giữ được cho cháu, hả ông?”. Câu hỏi day dứt lắm. Nó làm những ai có lương tâm đều phải suy nghĩ. Phải nói là lối sống hiện đại, như cơn lốc ập đến, làm đổ vỡ, tan nát và khốn khổ cho biết bao gia đình đang hạnh phúc trở thành vô phúc.

Một điều đáng sợ nữa là hiện nay con người sống không thật. Người ta không dám sống đích thực là mình. Trong một ngày anh cán bộ luôn phải phân thân thành nhiều con người. Chỉ một vấn đề thôi, nhưng ở cuộc họp Đảng anh nói một khác, về nhà anh nói với vợ con một khác, khi đi tập thể dục ở công viên anh nói một khác và trong cuộc nhậu anh nói một khác. Cái gì đó vô hình bắt anh buộc phải phân thân dối lừa chính mình, để mà sống. Đó là sự lưu manh hóa của xã hội đối với con người.
Lối sống giả trá đang xâm thực vào tận ngóc ngách sâu kín nhất của tình cảm con người. Và trên một số lĩnh vực, khoa học hiện đại lại đồng lõa giúp họ để lừa dối nhau. Đó là công nghệ giúp bác sĩ vá trinh cho các cô gái không còn trong trắng. Những ca sĩ, diễn viên, người mẫu đi làm điếm cao cấp chán chê, đến khi lấy chồng vẫn cứ còn trinh. Sự dối lừa cũng tinh vi, hiện đại thế đấy.
Trước thực trạng như vậy, nhà văn làm sao để không bị dối lừa và không bị lưu manh hóa. Dám sống thật, viết thật những điều tâm huyết nhất, mà mình cho là chân lý đích thực, để truyền cảm đến bạn đọc đây? Quả là không dễ.

Nguyên nhân thứ năm:
Sự áp đặt chân lý và bệnh sùng bái đã làm rào cản đối với sự sáng tạo của nhà văn.
Phải nói là nền văn học Việt Nam suốt một thời gian dài èo ọt, trì trệ, không vút bay lên được, là do sự áp đặt chân lý và bệnh sùng bái trói buộc. Trước đây, nhà văn Việt chỉ sáng tác theo hướng đã định đặt sẵn. Hầu hết các quan chức phụ trách văn hóa văn nghệ trước đây cho là chế độ XHCN không có bi kịch. Rõ ràng đây là một luận điểm không có cơ sở thực tiễn. Nhưng lúc đó không có nhà văn nào dám lên tiếng. Mà nhà văn chỉ biết im lặng làm theo rồi chỉ quẩn quanh đi viết ngợi ca, minh họa cho đường lối chính sách, chứ không dám đi sâu viết về thân phận con người. Sợ đụng đến bi kịch.

Không chỉ thế, một khi quan chức ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế quyền lực, thì lại hay xem xét tư tưởng nhà văn qua các tác phẩm văn chương của họ, để phán xét. Mà khi đã phán, thì thật là dễ sợ. Những “Vào đời”, “Cửa mở”, “Phá vây”… bị chịu trận tơi bời, mà không có cách chống đỡ; hay “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Tình rừng”… bị xếp lại, mà không được tranh luận, để tìm chân lý. Vì chân lý đã thuộc về quyền lực tối cao rồi. Nhà văn chỉ biết gật, mà không biết lắc, thậm chí một số người vì sùng bái, hoặc cơ hội còn đánh hôi, làm các nhà văn cùng tác phẩm của họ bị điêu đứng và tử nạn.

Nguyên nhân thứ sáu:
Sự sợ hãi vô hình đã bóp chết những tác phẩm của nhà văn.
Thân phận con người là đối tượng của văn học. Nhưng viết về con người có nhiều khổ đau, bi kịch ở trong xã hội chúng ta hiện nay, nhà văn phải suy nghĩ, trăn trở lắm. Vì sợ không khéo lại đụng chạm. Như việc viết điếm chẳng hạn. Các nhà văn Việt chúng ta hiện nay cũng có thể viết điếm hay được lắm. Bởi điếm giờ rất nhiều, có khi đến số hàng triệu. Ra ngõ gặp điếm. Đủ loại. Cao cấp như diễn viên, ca sĩ, người mẫu… Trung cấp như sinh viên, gái nhà hàng, mát xa, hát karaôkê, vũ trường. Hạ cấp là các loại gái bát nháo đứng đường. Và tất cả các loại điếm ấy đều có những số phận khác nhau. Thậm chí có những cô gái nhà lành, bị bọn ma cô lừa đem bán đi làm điếm tận xứ người. Số phận bi đát, khốn khổ đến tận cùng của kiếp điếm. Nhưng viết ra, nhà văn lại sợ khó duyệt, khó in. Vì viết điếm là đụng tới vấn đề bẩn thỉu, nhầy nhụa. Rõ ràng đây là một đề tài hấp dẫn và đầy ắp tư liệu. Nhưng quả viết không dễ chút nào. Vì sự sợ hãi nó đã ám ảnh nhà văn. Nếu không muốn rầy rà, phiền toái, thì phải tránh xa nó. Còn biết bao đề tài phải tránh, như cải cách ruộng đất, tôn giáo, các vụ án oan, hay cuộc đời các nhà chính khách. Trung Quốc có hẳn một cuốn sách đánh giá công và tội của 54 vị chính khách nổi tiếng từ Mao Trạch Đông trở xuống đến Đặng Tiểu Bình, mà không có rào cản nào. Ở ta, có lẽ nhà văn gan to bằng cái đình, cũng không dám viết điều này.

Mà đâu chỉ có nhà văn sợ, mà biên tập viên sợ, rồi Tổng biên tập sợ. Thậm chí anh làm công tác bảo vệ văn hóa nghệ thuật cũng sợ nốt. Sợ vì để lọt một cuốn sách xấu, sẽ bị kiểm điểm kỷ luật. Lâu nay một số Nxb muốn an toàn, phải nhờ đến những người gác cổng văn chương giám định, mới yên tâm. Vì tôi đã từng làm biên tập trên hai mươi năm ở Nxb, nên tôi khá rõ chuyện này. Năm 1996 có hai ông già gần tám mươi tuổi, gầy gò chống gậy dìu nhau đem một bản thảo đến gặp tôi. Trong đó một ông lại là thủ trưởng cũ của tôi. Nhận bản thảo tôi đọc ngay. Đọc xong tôi thấy thích quá. Vì tác phẩm viết khá hay về cuộc đời của một trí thức đi theo Chúa và theo Cách mạng. Ông viết rất ngọt, rất nhân hậu và rất thật. Có thể đây là cuộc đời ông, và ông đã vắt máu trong chính trái tim mình để mà viết. Nhưng đọc kỹ, ngẫm lại tôi thấy gai cả người. Vì ngay tên của cuốn sách: “Cây thánh giá đỏ”; đã không ổn rồi, tôi phải thay luôn là “Niềm khát vọng”. Rồi trang đầu tác giả viết: “Không biết chúa Zê-su tử nạn trên cây thánh giá màu gì? Nhưng tôi thì đang ôm cây thánh giá đỏ”. Lại không ổn nữa, tôi phải xóa luôn. Cứ thế tôi phải cắt xén tất cả những gì gọi là gai góc, cốt sao cuốn sách cuối đời của ông ra đời. Nhưng khi trình lên Tổng biên tập vẫn bị tắc. Tới nay thì tác giả đã mất bốn năm rồi. Và tác phẩm của ông có lẽ cũng được đào sâu chôn chặt, an bài ở đó. Hay một cuốn tiểu thuyết khác cũng thuộc loại tự truyện. Anh ở một tỉnh lẻ mang lên cho tôi hôm trước, thì hôm sau tôi nhận được công văn ở tỉnh đó gửi lên đề nghị không in, vì bản thảo đề cao cá nhân và bất mãn chế độ. Tôi đọc luôn, thấy tốt, không thấy vấn đề gì liền đưa vào dự thi tiểu thuyết của Nxb CA. Tác phẩm ấy được giải, nhưng cũng không được in. Mãi gần đây tác giả phải đổi tên và sửa đi nhiều mới được Nxb LĐ in. Dư luận về cuốn sách cũng tốt, không có vấn đề gì. Nhưng in được cuốn sách đó, thật gian nan vất vả.
Đấy mới chỉ là hai tác phẩm mà tôi trực tiếp làm. Còn bao số phận của cuốn tiểu thuyết khác bị lênh đênh chìm nổi và chết yểu như thế nữa. Sinh thời nhà văn Vũ Bão kể với tôi, bạn anh trước đây tác phẩm bị phê phán, giờ viết xong, anh cất vào ang, mà không đưa in. Vì anh bị tên một lần rồi, giờ rất sợ. Viết để đấy cho con cháu mai sau. Và chính bản thảo “Rễ bèo chân sóng” của anh Vũ Bão vất lay lắt ở Nxb CA lâu rồi, cũng chẳng ai dám in. Anh phải chặt khúc để in đoạn ngắn ở Nxb Kim Đồng, thì lại được giải. Còn cả cuốn truyện dài thì vẫn đắp chiếu nằm dài ở đó. Có lẽ nó cũng theo anh về cõi vĩnh hằng!

Nguyên nhân thứ bẩy:
Tác động của lý luận phê bình văn học đối với sáng tác của nhà văn.
Lâu nay người ta vẫn hay nói lý luận phê bình văn học như ngọn roi quất cho con ngựa sáng tác phi. Đó cũng có đúng phần. Và tôi cũng không dám lạm bàn đến những thành tựu lớn lao về các công trình mà các nhà lý luận phê bình chúng ta đã đóng góp cho nền văn học nước nhà. Vì lãnh vực này tôi ít am tường. Nhưng tôi thấy trước đây những ngọn roi quất của các nhà phê bình lại quá ác. Làm cho con ngựa sáng tác không những không phi lên được, mà còn gục luôn tại chỗ. Những con ngựa bị tử nạn đó là “Vào đời”, “Sắp cưới”, “Cửa mở”, “Phá vây”… và những nhà văn sinh ra nó, có nhà văn suốt thời gian dài điêu đứng, phải giã từ nghiệp cầm bút. Và cho tới khi nhắm mắt vẫn chưa được giải oan.

Một lần tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Tuân, biếu ông cuốn sách, ông cũng cho tôi cuốn “Sông Đà đỏ”. Tôi hỏi ông về tác phẩm “Tình rừng”, thì ông bảo: Có gì đâu, đấy là mấy tay phê bình nó bới lông tìm vết, suy diễn cho mình là lên án Chính quyền. Rồi ông kể đích danh những nhà phê bình nào đã đánh ông.
Bệnh suy diễn, bới lông tìm vết của nhà phê bình đối với sáng tác của nhà văn vào thời ấy thật đáng sợ. Vì nó làm nhà văn tử nạn không phải là ít. Nhưng đến thời mở cửa, sau bài phê bình một chiều, mang tính áp đặt đối với tác phẩm “Cái đêm hôm ấy đêm gì” bị phản bác gay gắt, thì hình như những kẻ cơ hội không còn đất để đánh lén nữa. Các nhà văn viết phê bình đã tĩnh tâm có cái nhìn nhân hậu và sâu lắng hơn đối với người sáng tác.
Đọc các bài viết của các nhà phê bình trên báo, thấy các anh các chị rất mạnh dạn, thông tuệ và sâu sắc hơn. Nhưng có điều các anh, các chị phê bình gọi nhiều về văn chương Âu Mỹ, còn văn chương của ta, thì lại ít gọi. Nhất là đối với tác phẩm bị đánh giá sai lệch.
Có thể văn chương của ta chưa đạt tới đẳng cấp để anh chị bàn. Nhưng dù vậy, thì vì nền phát triển văn học Việt trong tương lai, các anh chị cũng chiếu cố để ý tới cho. Mỗi tác phẩm ra đời, dù hay dù dở, mà các anh chị cho dăm ba lời khen chê, thì những người sáng tác chúng tôi biết ơn lắm lắm. Vì nhà văn viết xong một tác phẩm, như người ta vừa may được bộ quần áo mới, muốn được người khác xem hộ và chỉ cho những đường may sai sót và rộng hẹp thế nào để mà sửa.

Sinh thời nhà văn Đoàn Giỏi dạy tôi: “Em ạ, viết chửi khó lắm, không phải dễ đâu. Anh đọc tác phẩm “Anh lính và con chó” của nhà văn Tiệp lưu vong sang Anh. Nhà văn này viết cuốn sách ấy là để chửi…, tức là anh ta chửi bố mình đấy. Nhưng mỗi lần cầm cuốn sách lên đọc, anh lại rơi nước mắt. Bởi anh ta viết chửi hay quá, làm mình phải quì xuống mà phục. Cho nên viết chửi phải là sao cho người ta phục, chứ đừng để người ta khinh”. Tôi thấm thía điều này lắm.
Tháng 10 – 2006
                                    T.A.N

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vũ nữ* (22/10/2008)