Tạp chí Sông Hương - Số 219 (tháng 5)
Một vài kỷ niệm giữa B.s. Nguyễn Khắc Viện với văn nghệ sĩ
10:29 | 23/10/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957-2007)
Một vài kỷ niệm giữa B.s. Nguyễn Khắc Viện với văn nghệ sĩ


…Tôi nhớ trong một lần ghé thăm nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc ông đương là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông có ý “nhắn” tôi về nói với anh Nguyễn Khắc Viện (NKV), đại ý rằng: “Làm sao để anh Viện tập trung cho hoạt động văn học thì tốt quá!”.
Nghe tôi nói lại, anh Viện chỉ cười hiền. Tính anh thường như vậy, khi vấn đề không thể thay đổi được hoặc không phải bàn cãi, anh chỉ lặng lẽ cười. Có lẽ do cái “nghiệp”, hoặc như GS. Cao Huy Thuần, trong cuốn sách “Thế giới quanh ta” vừa xuất bản đã dẫn lời J.P. Sartre: “Trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ …Tại sao họ xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ như vậy? Ấy là tại vì họ xớ rớ vào chính chuyện của họ. Chuyện không phải của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức”… - NKV là một trí thức hay “xớ rớ” vào nhiều lĩnh vực khác. Cho dù vậy, như nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã viết trong ngày tiễn đưa anh Viện về “Mai Dịch” tròn 10 năm trước (“BSNKV, nhà văn hoá, một con người vô cùng tâm huyết với dân tộc và văn hoá Việt Nam. Ông sinh ra là để làm chiếc cầu nối giữa văn hoá Việt và văn hoá thế giới. Ông mất đi để lại một khoảng trống khó có thể bù đắp được…”) mà văn học là “gương mặt” quan trọng nhất của văn hoá, nên tuy không “tập trung” được cho hoạt động văn học, NKV rất quan tâm đến lĩnh vực này; do đó cũng có nhiều kỷ niệm với anh chị em văn nghệ sĩ.

Có lẽ đóng góp lớn nhất của NKV về văn học là việc dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp. Nhà thơ Xuân Hoài hồi còn là Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Hà Tĩnh, đã kể lại lần gặp ông trước khi ông qua đời không lâu, để nhờ ông giúp Hà Tĩnh được xuất bản công trình dịch thuật này. “…Ông khuyên nên đặt trong sự hợp tác với NXB Thế giới nên dẫn tôi đi bộ qua NXB. Biết ông vừa ốm dậy và thấy ông đi bộ trong dáng đi rất yếu, tôi lấy làm áy náy trong lòng. Tôi gợi ý chỉ xin ông ghi cho mấy chữ để tôi qua làm việc với NXB cũng quý rồi, nhưng ông không đồng ý. Ông bảo phải đưa tôi đến tận ông Mai Lý Quảng - Giám đốc NXB - việc mới xong được”. (Trích từ sách “NKV - chân dung và kỷ niệm” – NXB Lao động, 2003)
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn thì lại nhắc đến NKV từ một ấn tượng về bài viết khi ông còn ở Paris . Đó là tiểu luận “Đạo Khổng và chủ nghĩa Mác ở Việt ”:
“Bấy giờ đang là những năm chiến tranh, đối với lớp người bắt đầu vọc vạch viết lách như chúng tôi, văn hoá Pháp là một cái gì gần như khuất hẳn sau chân trời. Bởi vậy, một bài báo vốn lần đầu đăng trên tờ “La Pensée” của Pháp là một tài liệu quý hiếm lắm. Chẳng những thế, ngay từ những dòng đầu, người đọc lại được biết rằng những ý tưởng chính của bài được tác giả hình thành từ một cuộc trao đổi với Albert Camus, nhà văn lớn của Pháp thế kỷ 20. “Một hôm Albert Camus đưa ra nhận xét rằng...”, “Tôi hỏi lại ông…”, “Camus trả lời…”, “Tôi nói..”, “Camus giơ hai tay lên trời  đáp…”.
Cầm một bài viết như thế trên tay, làm sao không cảm thấy thành kính, thiêng liêng cho được”.
(Trích từ cuốn sách đã dẫn)

Tuy vậy, các nhà văn quan tâm đến NKV từ ngày đất nước Đổi mới (1986), nhất là sau bài phát biểu của ông có nhan đề “Tháo gỡ trói buộc cho văn học nghệ thuật” tại Hội thảo về văn học nghệ thuật có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày 6/ 10/1987. Trong bài có đoạn viết:
“…Đúng là lãnh đạo văn học nghệ thuật là một việc khó. Quy luật là lao động càng phức tạp thì con người lao động càng phải được hưởng tự do. Bản chất của lao động văn nghệ là một lao động tự do. Không ai kiểm tra truy đuổi hết những mối suy tư, trằn trọc của một nhà văn, một nghệ sĩ đang thai nghén một tác phẩm. Mà can thiệp vào có khi chỉ gây đổ vỡ…
Nói thẳng nói thật, là lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn khá thô sơ, tìm cách bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang. Đao to búa lớn lại do những con người quen đốn cây, phát bụi bờ…

Trong nhiều năm… bị trói buộc bởi một loạt huý kị… Khốn nỗi, nghề văn lại là nghề múa, múa lại mỗi người một phách, múa mà bị trói chân trói tay, khó mà múa đẹp, mâu thuẫn muôn thuở ấy giữa những người sáng  tác và người lãnh đạo không dễ gì giải quyết...”.
Từ thực trạng trên, NKV đã mạnh dạn kiến nghị:
“… Không bao giờ một vị lãnh đạo chính trị  đứng trên cương vị là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tỉnh uỷ mà lên án một tác phẩm văn nghệ, đừng để nổ ra những vụ án văn học…
Cấp nào có quyết định không cho in, cho chiếu một tác phẩm thì có văn bản, có chữ ký với tên tuổi ai quyết định…Lãnh đạo quản lý xin bổ nhiệm những vị biết người biết của…”
Cũng trong bản tham luận này, NKV đã công khai đề nghị “xử lại những tác phẩm và con người bị kết án thời “Nhân văn giai phẩm”…” (Trích từ sách “Đổi mới?” – NXB Thanh niên, 1988)
Tường thuật Hội thảo này, báo “Văn nghệ” đã viết: “…Từ bàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã bước tới trực tiếp nhận bản tham luận và thân thiết bắt tay BS. NKV”

Cũng với tinh thần “Đổi Mới”, ngay sau khi báo “Văn nghệ” đăng bài ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, NKV đã viết bài hưởng ứng đăng trên báo “Lao động” ngày 25/5/1988, với tựa đề “Cởi trói cho nông dân”. NKV cũng đã nồng nhiệt giới thiệu tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán:
“…Với một Gavroche, Victor Hugo đã viết nên những trang bất hủ. Trẻ em của chúng ta đã anh dũng, hồn nhiên tham gia cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ cùng với cha, anh không kém gì những Gavroche trên chiến luỹ cách mạng Pháp. Thế mà sách vở viết về mặt này còn quá ít. Nhà văn Việt còn mắc nợ các em rất nhiều.
Với quyển “Tuổi thơ dữ dội”, Phùng Quán đã bắt đầu trả nợ một cách chính đáng. Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì li kỳ, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt…”
(Trích từ sách “NKV-Tác phẩm” , tập chuyên về văn học, sắp xuất bản)
Bài viết rất ngắn, tuy vậy gặp tôi, anh Phùng Quán thích thú nói: “Cụ viết cho từng ấy là quý rồi!” Trong một số lần tái bản “Tuổi thơ dữ dội”, bài viết của NKV thường được in ở bìa 4 cuốn sách.

Từ khi tập trung sức lực và trí tuệ cho “Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em” (gọi tắt là N-T), nhận thức tác dụng giáo dục sâu sắc của văn học đối với trẻ em, NKV đã lập ra giải thưởng văn học tặng cho các tác phẩm phân tích sâu sắc tâm lý trẻ em. Giải nhất năm 1991 đã tặng cho tiểu thuyết “Côi cút giữa cảnh đời” của nhà văn Ma Văn Kháng. NKV đã viết một bài dài phân tích về tác phẩm này, trong đó có đoạn:
“…Tôi biết nhà văn thường là những nhà tâm lý học sâu sắc, và trong các tác phẩm văn học thường có thể tiếp nhận nhiều nhận xét, cách nêu và phát hiện vấn đề, thậm chí đề ra những quy luật…
Phải chăng Ma Văn Kháng muốn cho sách có “hậu”, vào đầu vẽ ra một bức tranh hết sức đen tối để rồi biểu dương một người bà đầy tình thương yêu và cương nghị, một số người trong phường đầy lòng nhân ái, để noi gương cho đời, bất chấp thực tế? Nếu quả như vậy, chắc bản thân tôi đã không để ý đến quyển sách. Tôi đã trân trọng, say mê là khác, đọc đi đọc lại “Côi cút…”, vì đã tiếp nhận một bài học tâm lý trẻ em phong phú sâu sắc . Nhà văn đã nói đúng như các sách tâm lý chuyên về trẻ em, nhưng nói theo kiểu văn học, tức sinh động, với tất cả những màu sắc, âm thanh, cả những mùi vị, và với một kịch tính cao không thể tìm thấy trong những sách vở chuyên tâm lý học…”.
(Trích từ sách đã dẫn - sắp in)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chỉ với một truyện “Gió dại” (in trong tập truyện ngắn “Người đàn bà tóc trắng”) cũng được NKV đọc và phân tích rất kỹ và kết luận:
“…Chỉ qua một truyện ngắn mà tác giả đã nêu lên bao nhiêu vấn đề tâm lý đi sâu vào những manh mối thầm kín nhất trong tâm tư của con người. Nguyễn Quang Thiều quả là một nhà tâm lý học xuất sắc.”
(Trích từ sách đã dẫn – sắp in)
Ngoài một số bài viết về văn học trong những năm cuối đời phục vụ cho việc nghiên cứu tâm lý, hoạt động văn học của NKV chủ yếu vẫn để làm “chiếc cầu nối giữa văn hoá Việt và văn hoá thế giới” như ông Nguyễn Dy Niên đã viết. Cùng với bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp, một công trình nữa từng được giới nghiên cứu nhiều nước trên thế giới đánh giá cao là bộ “Hợp tuyển văn học Việt Nam” (từ buổi đầu dựng nước đến năm 1975) - Anthologi de la Littérature Vietnam, dày trên 2000 trang khổ lớn gồm 4 tập. NKV là chủ biên (với sự cộng tác của ông Hữu Ngọc), nên trong quá trình thực hiện công trình lớn này, ông đã có nhiều dịp làm việc với rất nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả tên tuổi như Nguyễn Văn Hoàn, Vũ Đình Liên, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Huy Thông, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Bùi Hiển, Tô Hoài… Đặc biệt, NKV đã viết phần mở đầu gần 200 trang giới thiệu lịch sử văn học Việt Nam, trích dẫn tác phẩm của trên 50 tác giả thuộc nhiều thế hệ. Có thể nói đây là cuốn “Lịch sử văn học Việt ” (từ buổi đầu dựng nước đến 1975) tinh lọc mà cũng đầy đủ nhất, không chỉ đối với độc giả nước ngoài.

Ngay sau khi bộ sách ra mắt, báo chí nhiều nước trên thế giới đã hết lời ca ngợi:
“…Xuất bản dưới làn bom đạn, một hợp tuyển tuyệt vời và thông thái của các nhà thơ Việt . Không thể kể hết các trích dẫn, tập sách này lôi cuốn chúng ta bằng mối liên kết chặt chẽ, tính liên tục, say mê và mạnh mẽ của nó…” (Báo Pháp Le Nouvel Observateur, 22-28/1/1973)
“… Một tác phẩm thực sự có giá trị… xứng đáng được chú ý và nghiên cứu, vì nó lấp một lỗ hổng đáng buồn trong vốn hiểu biết của chúng ta về văn học phương Đông.” (Nhà báo Mỹ Robert Driend, báo Ý “Đông và Tây”)
“… Một tác phẩm văn học đầy sức sống và bao quát lạ lùng… Một truyền thống hài hước và trào phúng sâu sắc …Một sự dẫn dắt tuyệt vời vào một thế giới văn học phong phú…” ( Martin Bernal – Trường Đại học Cambrige – Anh)…

Cuốn “Lịch sử văn học” này đã được dịch ra tiếng Việt và sắp được xuất bản. Với tầm nhìn bao quát, với cách diễn đạt cô đúc, sáng sủa, NKV đã giúp bạn đọc hiểu lịch sử đất nước Việt Nam từ sự hình thành dân tộc, ngôn ngữ, chế độ chính trị, tôn giáo…trước khi giới thiệu thành tựu văn học các thời kỳ. Có thể nói, hầu hết các tác giả, tác phẩm tiêu biểu từ thời Lý - Trần cho đến giai đoạn 1930 - 1945 đều được NKV đề cập đến. Ông đã dành nhiều trang cho những tác giả lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…nhưng không quên các tác phẩm dân gian như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn…, cũng không quên đóng góp của NXB Kim Đồng và các tác giả viết cho thiếu nhi và cả các hoạt động về sân khấu… Nhân dịp kỷ niệm 50 thành lập Hội Nhà văn Việt , xin trích giới thiệu một đoạn NKV viết về những thành tựu văn học trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta:
“… Và đây, cuộc chiến đấu bắt đầu! Chàng trai thành phố đi kháng chiến, mơ tưởng vinh quang và những cuộc phiêu lưu như một dũng sĩ ngày xưa, lời ca của anh còn mang dấu ấn một sự lãng mạn tách rời thực tế: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa / Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng / Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng / Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm / Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm / Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa (“Ngày về” - Chính Hữu)…”

Tiếp đó, NKV nhắc đến “Tây tiến” của Quang Dũng, “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ , “Viếng bạn” của Hoàng Lộc… Ông dành nhiều trang viết về vị trí của Tố Hữu trong giai đoạn này:
“Trong tác phẩm của Tố Hữu, bức tranh toàn cảnh rộng lớn  của cuộc kháng chiến dân tộc và quần chúng được vẽ với những màu sắc rực rỡ nhất. Sử dụng một ngôn ngữ kết hợp nhuần nhuyễn chất dân ca đậm đà với sự trau chuốt tế nhị nhất của thơ, Tố Hữu đã theo sát từng bước của cuộc cách mạng, vẽ nên chân dung các chiến sĩ, ca ngợi một cách say sưa vẻ đẹp phong cảnh, con người và thiên nhiên tắm mình trong một luồng ánh sáng ấm áp, luồng ánh sáng của hy vọng cách mạng…

Như vậy, trong các tác giả hiện đại, NKV đánh giá rất cao vai trò của nhà thơ Tố Hữu. Nhưng NKV là một người thức thời, thẳng thắn đến độ có người cho là “ngây thơ”. (Nhà báo Lê Phú Khải, trong cuốn sách “NKV như tôi đã biết”- NXB Thanh niên, 1999) có đoạn thuật lại lời NKV khi ông đã ngoài 80 tuổi: “Đời tôi là một đời ngây thơ. Phần ngây tôi vứt nó đi, phần thơ thì tôi giữ như nó lại”. Và ông giải thích: “Thơ là rũ bỏ nhung lụa, đi theo Bác Hồ kháng chiến cứu nước; phần thơ ấy tôi giữ nó suốt đời. Nếu được sống lại, tôi vẫn đi theo con đường đó”.) Có lẽ vì “ngây thơ” như thế, trước Đại hội VI, ngày 30/11/1986, NKV đã gửi thư riêng cho “anh Tố Hữu”. Ông nhắc ý một câu thơ của Tố Hữu: “Làm bí thư vẫn không bí thơ”, rồi thẳng thắn nhận xét rằng càng quyền cao chức trọng thì thơ không hay. Và ông viết: “Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hoà với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đông Kỵ, chứ không tiền hô hậu ủng nữa…Vài lời chân thành của một người đã từng yêu thơ của anh, và mong được mãi mãi giữ lấy tình cảm thắm thiết ấy .”

Nghe nói nhà thơ Tố Hữu đã “giận” NKV về lá thư này lắm (tôi đã lược bớt vài câu quá thẳng thừng của NKV), nhưng về cuối đời, theo như tôi được biết, thì nhà thơ Tố Hữu đã sống như NKV mong muốn và lại có nhiều bài thơ hay! Chuyện này, lâu nay giới văn nghệ vẫn đồn đại và có thể thất thiệt. Bây giờ hai “Cụ” đều đã “nằm” ở Mai Dịch, chắc đã thông cảm với nhau, nên thiết nghĩ cũng nên kể rõ để các bạn văn và công chúng được biết.
Về giai đoạn chống Mỹ, NKV đặc biệt trân trọng các tác giả đang sống và chiến đấu ở miền Nam như Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Phan Tứ (Lê Khâm), Nguyễn Quang Sáng, Giang Nam, Thanh Hải, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân)… Ở đây, xin được kể một chi tiết: trong quá trình giúp các dịch giả dịch công trình này, tôi phải tìm cho được nguyên bản để đối chiếu (vì dịch ngược lại từ Pháp ra tiếng Việt những câu thơ NKV trích dẫn, nếu không đối chiếu, không bao giờ đúng nguyên bản). Có một câu NKV trích của Vũ Ngàn Chi (tức Phạm Ngọc Cảnh), với nội dung “khói đen nghịt bầu trời, những đầu lần lượt rụng, xe tăng gầm rú, khi xung quanh ta chỉ có bom và đạn”; tôi đã tìm ở nhiều thư viện, cả ở các tủ sách của những bạn văn rất công phu trong việc sưu tập tác phẩm văn học như Văn Tâm, Hữu Nhuận, vẫn không thấy Phạm Ngọc Cảnh có đoạn thơ nào mang nội dung ấy. Tác giả thì đang “lang thang” nơi này nơi khác, mãi đến khi tìm thấy thì Phạm Ngọc Cảnh cũng không có nguyên bản và vô cùng ngạc nhiên. Và anh xúc động nói với tôi: “…Đó là mấy câu thơ trích trong bài “Chiều sang Huế đỏ”, mình chép tay từ Huế trong chiến dịch Mậu Thân – 1968, gửi thẳng ra Hà Nội cho BS. NKV, không ngờ ông còn giữ bài thơ và trích vào Hợp tuyển sang trọng này…”.
Nhân nhắc đến Huế, xin trích một kỷ niệm của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân với NKV:

“… Vào khoảng năm 1965, Mỹ ồ ạt tăng quân vào Việt …chúng tôi chưa biết làm gì để nói lên ý chí chống Mỹ bảo vệ dân tộc của mình. Giữa lúc đó, anh L.V.H. từ Pháp về Huế, có mang theo một số ấn phẩm văn hoá lịch sử dân tộc xuất bản ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có mấy tập Etudes Vietnamiennes (EVN) của B.S. NKV…Anh L.V.H. và tôi liền bắt chước EVN làm ngay tờ tập san “Nghiên cứu Việt Nam”. Với tinh thần thích thú đó, tôi cũng làm luận văn ra Trường Đại học Sư phạm Huế với đề tài “Sân khấu truyền thống Việt : Hát Bội”… Sau hơn 20 năm sưu tập…, chuyên đề “Huế xưa và nay” do B.S.NKV chủ biên vẫn là cuốn sách được xếp hàng đầu… (Trích từ sách đã dẫn)

Nhắc chuyện “thiên hạ” đã nhiều, với riêng tôi, chỉ xin vắn tắt nói rằng: Thời chống Mỹ, do đặc biệt quan tâm đến địa bàn ác liệt nhất miền Bắc là Quảng Bình-Vĩnh Linh, cũng là nơi tôi đang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, anh Viện luôn viết thư động viên thăm hỏi và nhắc nhở tôi ghi chép để sau này có tư liệu mà viết. Bài viết đầu tiên của tôi về cuộc chiến đấu dưới chân đèo Mụ Dạ đã được anh Viện “biên tập” lại và gửi đăng ở báo “Văn nghệ”. Anh cũng đã gửi cho tôi chiếc máy đánh chữ nhỏ hiệu “Hermes” mà anh mang từ Pháp về, sau khi có người bạn tặng anh một chiếc khác. Một phần nhờ thế mà tôi đã viết được trên ngàn trang sách về cuộc chiến đấu anh hùng trên đường Trường Sơn và Quảng Bình. Cũng cần nói thêm là anh Viện không chỉ nhắc tôi “bám sát” thực tế (anh từng khuyên tôi không nên “chuyên nghiệp” sớm trong hoạt động văn học), mà mỗi lần ra Hà Nội, anh đều hỏi tôi học tiếng Pháp đến đâu rồi, nhắc tôi đi xem triển lãm, thăm các di tích khảo cổ… Theo anh, một nhà văn cần phải có tầm văn hoá sâu rộng mới có thể viết hay, mới đi được dài. Tôi viết chưa hay vì kém tài mà có lẽ cũng vì do lẽ này lẽ khác, đã không thực hiện được tốt những điều anh nhắc nhở.
Xin được kết thúc bài viết bằng một chuyện có tính “thời sự” mà cũng vui vui. Nhà phê bình Phong Lê, một “đồng hương” của NKV, trong bài viết về NKV có đoạn:

“…Trong dịp trả lời câu hỏi của một nhà báo đại ý: ngoài trẻ em, ông có quan tâm đến hoa hậu, diễn viên, hoặc ca sĩ không, ông trả lời: “Nhất là bà nhà tôi, thứ hai là Lê Vân!”
Quả thật là hóm hỉnh và hứng thú ở câu trả lời này. Ông là người yêu vợ, và từng có nhiều thơ tặng vợ… Còn việc quan tâm đến nghệ sĩ múa và điện ảnh Lê Vân – là chuyện của nhiều người. Nhưng cũng là chuyện của từng người. Có một gương mặt, một dáng hình, một vẻ đẹp trong đời để mà ngắm, say mê, ngưỡng mộ, đó cũng là biểu hiện của sự sống và sức sống nơi con người trong cõi đời”
(Trích sách đã dẫn)
Tôi chưa kịp hỏi anh Viện xem anh nói đùa hay thật thì anh đã ra đi. Chỉ biết, ngoài các nhà văn, NKV quan hệ với rất nhiều nghệ sĩ các ngành nghệ thuật khác. Cũng khó biết được, giả như NKV đọc được “Lê Vân tự truyện” thì ông còn xếp cô vào hàng thứ hai trong giới phụ nữ nữa không? Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý, thì “càng về già, ông càng trở về với chữ tâm: Từ duy lý đến đạo lý, từ đạo lý đến tâm lý và cuối cùng từ tâm lý đến tâm linh. Đó là một hướng thượng.” (Trích từ sách đã dẫn)
Thôi, đành chờ đến ngày giỗ Anh sắp tới, thắp một nén hương, may chăng sẽ có câu trả lời…
                                 Trường An-Huế, 26/4/2007
                                                        
N.K.P

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vũ nữ* (22/10/2008)