Tạp chí Sông Hương - Số 218 (tháng 4)
Day dứt
10:19 | 28/10/2008
VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.

Từ cái lều vó ven đê, từng dấu chấm, phẩy in trên cát thành một chuỗi dài nối tiếp nhau lên đến tận mặt đê. Khoèo rảo bước, hướng thẳng vào các cụm khói xanh lam nhấp nhô phía trước.
Đi ngang qua gốc đa đầu làng gã cũng định tạt vào quán bà Mít xem bà có sai bảo gì không. Nhưng muộn quá rồi, không nhanh chân thì không kịp... Thôi để tối về qua. Gã dấn bước đi qua trước quán chừng dăm bước thì tiếng bà Mít oang oang gọi giật lại:
- Khoèo! Vào đây tao bảo.
Tưởng đã thoát, nào ngờ bà cụ tinh mắt thế.
- Bà gọi con? - gã nói.
- Không gọi mày thì còn gọi ai? Bà Mít đưa tay mở cái chăn chiên đậy trên cái thúng nhòi ủ ấm nước vối, lấy ra một củ khoai to kềnh còn nóng hổi chìa cho gã:
- Tao phần mấy củ khoai, lát nữa về nhớ ghé mà lấy, cầm tạm một củ đi mà ăn! Mẹ cha nhà anh, ngủ nghê gì mà quên cả giờ cả giấc, giờ mới đi thì bát cũng chẳng còn để mà liếm đâu con ạ.
- Con xin bà! - Hai tay đón lấy củ khoai, gã tra ngay vào túi quần rồi chân thấp, chân cao đi luôn.
Dẫn xác vào đến giữa làng rồi mà vẫn chưa kiếm được một hột nào cho vào bụng! Nhà nào cũng đóng cổng kín mít. Giờ này mới đi đúng là lỡ bữa rồi! Nhà nhà đã bật điện sáng trưng, nhiều nhà đã ngồi quây quần xem ti vi rồi, bất giác gã đụng phải túi quần.  Phải rồi, củ khoai. Gã tựa lưng vào cột cổng trước toà nhà hai tầng đồ sộ, lấm lét ngó Đông nhìn Tây rồi lôi củ khoai ra khỏi túi đưa lên miệng.

Gừ...gừ...ừ. Gã ngoái nhìn vào trong cái cổng hoa bằng sắt, thấy một con chó to đùng đang đứng dướn mắt nhìn gã, nó hé mồm, nhe hai hàng răng trắng nhởn trông mà vãi cả linh hồn. Gã định bỏ đi song nhìn con chó gã nghĩ: Nó ở trong cổng, sợ gì! Ông cứ đứng đây xem mày làm gì được ông nào?
Gã đi ăn xin chẳng sợ ai sất, chỉ sợ mỗi giống chó, đến nhà nào gã cũng bị chó đuổi cứ như đuổi tà vậy. Gã điểm mặt từng nhà, nhà nào có chó, gã kiềng mặt. Cái chân gã bị què cũng là do chó cắn, vì thế gã sợ cả từ con cún con trở lên. Đến như  tay “vệ sỹ” to kềnh này thì gã phải tránh ngay từ xa. Nhưng quái lạ, sao con chó lai này không sủa nhỉ? Thấy kẻ lạ mà chỉ gừ, gừ như vậy thì ăn thua gì, con này chỉ là đồ ăn hại! Bên trong cổng, địch thủ của gã không gừ nữa, nó nhảy tới nhảy lui đang vờn một vật gì đấy to gần bằng con chuột cống đã bị vặt lông. Cái vật ấy bị con chó ngoạm, đớp, lật lên, úp xuống trông đến thảm hại. Gã cúi xuống nhìn vào song sắt, con chó thấy vậy bỏ món đồ chơi, đứng lùi ra xa một chút, trân trân nhìn gã rồi lại nghiêng đầu nhìn cái vật đang chơi, hai mắt nó chớp chớp. Gã ghé song sắt nhìn cho rõ: Thì ra một cái đùi gà to uỳnh vẫn còn nguyên vẹn chưa bị sứt miếng nào. Gã phân vân: không biết đây là khẩu phần ăn của nó hay nó ăn vụng của chủ? Gã nhìn cứ như đóng đinh vào chiếc đùi gà, nước miếng ứa ra đầy miệng, gã nuốt ừng ực. Con chó ngoe nguẩy đuôi, lẳng lặng vào sân.
Gã ngồi xoay người dựa lưng vào cánh cổng, căng mắt nhìn cả hai phía, đường vắng tanh không một bóng người. Cái đùi gà nằm ngay sau lưng gã, chỉ việc thò tay ra sau là có thể túm được. Tim gã đập rộn nhịp, hai tai nóng bừng.

Cuộc đời tàn phế đã xô đẩy gã vào cái nghề hành khất, gã lang thang nay đây, mai đó, bạ đâu là nhà, ngã đâu là giường. Mỗi bữa lần đến từng nhà xin chút cơm ăn. Có sao nên vậy, bữa nào xin được nhiều thì sớm kết thúc hành trình, chưa no bụng thì cố lần cho đẫy dạ. Bị tật nguyền từ thuở nhỏ, mồ côi cha mẹ, gã đã phải xin ăn mà sống. Lang thang đây đó, gã đã chứng kiến biết bao diễn biến của xã hội. Những cuộc hú hí truy hoan của những thằng bợm, con đĩ! Những cuộc tàn sát lẫn nhau để giành miếng ăn của những tay anh chị. Những cuộc đập phá trác táng, ném tiền qua cửa sổ của những kẻ chịu chơi! Rồi cả chuyện hút, chích, ở đâu cũng có. Chẳng biết chúng moi đâu ra tiền mà tiêu xài như nước vậy. Trong khi đó, đâu đâu cũng còn có cảnh “tay bị, tay gậy” như gã.

Người ta cho thì ăn chứ chưa bao giờ gã mảy may vụng trộm của ai. Có lần bà Mít đi vắng nhờ gã coi quán giúp. Gã bán được mấy chiếc kẹo dồi, mấy quả chuối tây, mấy điếu thuốc lá, đĩa lạc luộc, mấy bát nước vối gã đều “bàn giao” đầy đủ với bà Mít không thiếu một xu, bởi vậy gã đi đến đâu cũng được người ta rủ lòng thương.
Vậy mà giờ đây gã lại định phỗng tay trên miếng ăn của một con chó! Gã rụt tay lại, lê đít lùi ra xa cái cổng một chút, phải tìm cho được lý do chính đáng chứng minh gã không phải là kẻ ăn vụng, ăn cắp. Nước miếng cứ trào ra nuốt không kịp. Ruột non, ruột già trong bụng cứ cuộn lên, lục ục choảng nhau... Có lẽ con chó nó chán món này nên mới bỏ đây. Vậy thì ông ăn, không thì phí của giời. Gã thò tay qua song sắt chụp vội cái đùi gà vẫn còn hơi âm ấm. Gã tra nó vào túi quần rồi đứng dậy dựa lưng vào cột cổng cứ y như chẳng có chuyện gì xảy ra. Gã đưa củ khoai lên miệng cắn một miếng, dỏng tai nghe ngóng.

Gã bỗng giật nảy mình, củ khoai cũng tuột khỏi tay rơi xuống đất lăn ra xa. Con chó đang lấy mõm hích hích vào “ống đồng” gã hít hít. Gã như kẻ trộm bị bắt quả tang, luýnh quýnh vội lôi cái đùi gà ra khỏi túi, chìa cho con chó. Con chó đưa mũi hít hít ngửi cái đùi gà rồi lững thững đi lại phía củ khoai. Nó há miệng ngoạm lấy củ khoai tha lại ngay cạnh gã. Nó nằm xuống, hai chân trước đè lên củ khoai, miệng táp một miếng nhai một cách ngon lành. Thi thoảng nó lại ngước mắt nhìn trộm gã một cái rồi lại thản nhiên nhai. Gã lấy tay bóc một miếng da gà cho vào miệng! Con chó vẫn tỉnh bơ, gã xé cái đùi gà lấy một miếng thịt nạc chìa tận miệng con chó, nó không thèm, quay đầu sang một bên, nhem nhẻm nhai khoai.
Gã từ từ ngồi xuống định làm quen với con chó thì nó lại đứng lên tha nốt miếng khoai đủng đỉnh đi lại phía bụi dâm bụt chui vào.

Gã cà nhắc về đến được cái lều vó bỏ hoang thì trời đã tối như bưng. Gã ngoắc cái bịch ni-lông đựng mấy củ khoai mà khi nãy bà Mít cho lên đòn tay mái lều. Gã ngả lưng xuống sàn lều, nghiêng người qua bên nhìn xuống nước phía dưới. Nước mặn trong veo lấp la lấp lánh, rõ cả từng cái tôm, cái tép sáng như những con đom đóm chạy loăng quăng trong nước. Gã lại ngồi dậy lấy một củ khoai, bẻ một miếng bóp vụn ra rồi thả xuống nước. Tôm, tép, cá con từng bầy bu lấy những miếng khoai vụn. Những chấm lân tinh nhỏ cụm vào nhau thành khối lấp lánh làm cho túp lều sinh động hẳn lên.
Gã sực nhớ tới con chó: sao nó lạ vậy kìa, đã không cắn gã mà còn nhường cho gã một cái đùi gà to mà cả đời gã chưa bao giờ có được. Sao nó lại thích ăn khoai? Nằm miên man suy nghĩ, gã không sao lý giải nổi: tại sao loài chó lại có con hiền và tốt bụng như vậy? Ờ phải rồi! Nó thích ăn khoai. Gã bật dậy, gỡ bịch khoai, chui ra khỏi lều. Gã quyết định mang mấy củ khoai này cho nó. Chắc nó thích lắm!

Mò mẫm đến nơi, cái cổng sắt vẫn đóng im thít. Gã kiễng chân căng mắt nhìn vào trong sân tìm kiếm, trong nhà vẫn còn sáng ánh điện. Ánh sáng hắt ra từ các khe cửa khép hờ làm cho quang cảnh bên ngoài lờ mờ huyền ảo. Gã uốn cong lưỡi: chậc...chậc. Gã nhìn xoáy vào mảng sáng mờ ảo trước mặt. Bỗng ống quần gã có gì giật giật. Gã nhìn xuống thì ra con chó. Nó đã ra từ lúc nào. Gã mừng quá, vội chìa cái bịch khoai cho nó. Con chó lùi lại mấy bước đứng im thăm dò. Gã lấy ra một củ khoai, đặt xuống đất dùng tay lăn củ khoai về phía nó. Nó lại lùi mấy bước rồi đứng yên. Một lúc sau nó từ từ bước lại ngoạm lấy củ khoai. Nó không ăn, trong miệng phát ra tiếng rên ư ử. Nó tha củ khoai đi lại phía bụi dâm bụt chui vào, rồi lại chui ra ngay, miệng vẫn cạp củ khoai. Gã cũng dò dẫm đi lại chỗ nó. Con chó chui vào, thò mỗi cái đầu ra, ư ử. Thì ra con chó đã rẽ bụi dâm bụt, tạo cho mình một lối đi riêng. Chắc nó muốn khoe với gã. Con chó chui vào, lần này nó không ra nữa. Nó đứng tít trong xa, đuôi ngoe nguẩy, miệng ư ử. Gã chậc... chậc nó vẫn không chịu ra, cứ rên ư ử. Gã hạ thấp mình cúi xuống đưa hai tay vào trước, rồi đầu, vai, lưng gã chui tọt vào trong vườn. Con chó mừng quýnh, đuôi vẫy rối rít nhảy tưng tưng như đứa trẻ. Nó đi trước dẫn đường. Lọt vào khuôn viên của người ta cũng là quá đáng lắm rồi, gã chẳng dám vào sâu hơn. Con chó quay đầu nhìn lại chờ đợi. Gã bỏ bịch khoai xuống đất, quay đầu định chui ra thì con chó chạy lại đớp vào đũng quần gã kéo lại. Còn chuyện gì nữa đây? Gã ngập ngừng. Con chó rên ư ử. Chẳng hiểu sao gã thụ động bò theo con chó. Hết vườn, vào đến sân, rồi sát chân tường ngay dưới cái cửa sổ khép hờ thì nó dừng lại. Trong ánh điện lờ mờ gã nhìn thấy một cái chiếc xe máy màu đỏ ớt dựng ngay trước mắt gã.

Trong nhà có tiếng thì thầm lúc to lúc nhỏ. Gã nín thở, chú ý lắng nghe. Tiếng người đàn ông nói:
- Thôi, đưa cho anh! Cưng! Anh sốt ruột quá rồi!
- Thì cứ ăn xong đi đã nào. Thịt gà vẫn còn đầy dĩa kìa - người đàn bà nói.
- Anh không cần ăn nữa, giờ chỉ cần cái... của em thôi!
- Bậy nào! Liệu hồn không có mụ sư tử Hà Đông nó về nó thiến!
- Sợ gì nó! Giờ thì nó đang ríu rít với con, với cháu nó ở miền rồi. Biết chắc cháy nhà cũng chẳng ra kịp.
- Thế cái gì kia? - Tiếng người đàn bà.
- Đâu? Có ma nào đâu? Chỉ được cái...
- Bức vách đấy thôi! Thế anh không sợ bức vách có lỗ tai à?
- Thôi không đùa nữa, đưa đây!
- Ứ đưa!
- Có đưa không?
- Ứ đưa! Có giỏi thì...
Người đàn ông hạ giọng:
- Em làm có đứa nào biết không đấy?
- Có đứa biết mà còn dẫn xác đến đây được à? Mà sao anh không cho em huỷ luôn đi, lại phải mang đến đây làm gì nữa?
- Cô em khờ quá! Mặc dù mình đã hoàn tất được chứng từ giả, nhưng đấy là để bịt mắt cánh thanh tra. Còn cái này là chứng từ gốc, trong đó có cả các khoản chia khác. Không giữ lại ngộ đến lúc nào đó, cánh văn phòng có tay nào đó thắc mắc: chia chác không đều, muốn khui ra đổ hết tội cho anh thì làm thế nào? Chẳng lẽ phải nhận tội một mình sao?
- Sếp quá cẩn thận! Mà cũng phải thôi! Em nghe đâu chúng nó đang rục rịch tìm cách lật đổ anh đấy. Chúng bảo: Chủ tịch nhà ta ăn mặn quá. Anh phải coi chừng! Cái vụ đất cát thì anh tính sao? Năm sáu suất đất chưa có chỗ lấp đây nầy.
- Ơ hay, anh đã bảo em là “hịt đập” vào vụ xây nghĩa trang liệt sĩ rồi cơ mà?
- Vậy tiền đóng góp để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ thì “hịt đập” vào đâu?
- Cứ để đấy! Phần anh em mình ráo! Nó là khoản mới phát sinh. Hồi sau rồi tính. Thiếu cha gì dịp! Choảng một thông tin đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam chẳng hạn. Gửi đi năm triệu nhưng sổ lưu để giải trình thì ta dí thêm hai con số không nữa vào cho nó thành năm trăm triệu. Xuôi chưa?
- Anh đúng là con ma!
- Không ma quái sao còn trụ được đến bây giờ! Thôi lại đây? Anh thưởng nào!
Đèn trong nhà vụt tắt, chỉ còn ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn ngủ phát ra xanh lét. Tiếng huỳnh huỵch, tiếng rên ư ử như con chó nó rên khi nãy. Rồi tất cả trở về yên tĩnh.
Nghe được bấy nhiêu thôi gã chẳng hiểu họ nói với nhau chuyện gì. Bởi vì đời gã đã bao giờ được làm ông nọ, bà kia đâu mà hiểu.
Bỗng con chó tha từ trong nhà ra một cái áo con của phụ nữ, nó nhả ngay vào lòng gã - Có lẽ nó định chia phần cho mình đây? Nhưng thứ này mình đâu có cần, giá nó mang vào đổi lấy cái quần đùi của ông kia thì hay hơn. Thôi được! Nó đã trót mang ra đây thì cầm về cho bà Mít. Chắc bà ấy mới cần đến thứ này. Kéo căng đai quần nhét cái coócse vào bụng, bỏ lại bịch khoai, gã theo đường cũ lần ra. Con chó đi theo, đuôi nó nghoe nguẩy, miệng vẫn không ngớt kêu ư ử.

Về qua quán bà Mít, lúc này bà cũng đã tắt đèn, gã thò tay vào bụng lôi cái của nợ ra, hé kẽ liếp nhét vào, rồi đi một mạch về cái lều vó bỏ hoang ngoài bãi.
Vầng trăng muộn cuối tháng đã nhô lên khỏi mặt biển vẫn còn đỏ lừ chưa sáng hẳn. Gã thở phào nhẹ nhõm cả người. Vậy là gã đã trả nghĩa xong với con chó. Lúc này gã đã thấy chân tay mỏi rời, bụng cồn cào. Chẳng còn gì để ăn. Có mấy củ khoai bà Mít cho, gã đã đem cho con chó cả rồi. Đưa hai tay đan vào nhau, gối đầu lên, mắt mở to nhìn lên nóc lều, gã cười thầm: hôm nay gã đã có thêm bạn mới! Một chàng vệ sĩ tốt bụng đã cho gã hẳn một cái đùi gà.

Sáng sớm hôm sau, chui ra khỏi lều, gã đi một mạch đến quán bà Mít. Gã định đem chuyện của mình ra khoe với bà, song cứ ngài ngại thế nào ấy. Bà Mít hỏi:
- Khoèo! Mày tha cái của nợ ấy ở đâu về nhét vào cửa nhà tao đấy?
Gã gãi đầu:
- Con nhặt được ở đường!
- Có thật không? Hay thằng này đã có mèo chuột gì rồi? Đứa nào đánh rơi không biết? Còn mới toanh! Hàng Thái xịn đấy! Con ạ! Thôi tao giặt kỹ, cất đi để dành cho con Thắm. Nó cũng mười bảy mười tám rồi còn gì. Thôi! Hôm nay không phải vào xóm nữa, ở đây chẻ nốt bó củi, tao nấu cháo hà cho mà ăn. Mẹ cha nhà anh! Dạo này ngáng mùa, người cứ xọp đi như que củi ấy. Trông mà phát chán!

Nhọ mặt người, gã mới lần vào xóm. Hôm nay đi muộn cũng không sao. Gã đã được bà Mít cho ăn no nê rồi. Vào làng một tí cho đỡ nhớ! Vậy thôi!
Mọi nhà đã sáng trưng ánh điện, gã cũng đã lần được đến cổng ngôi nhà hai tầng. Cổng vẫn đóng, nhưng cài khoá ngoài có lẽ chủ nhà còn đi đâu đó chưa về. Con chó đã đợi sẵn ngoài cổng thấy gã nó mừng quýnh, vẫy đuôi rối rít. Nó lại đến bụi dâm bụt chui vào, rồi thò đầu ra nhìn gã, miệng nó ư ử. Chẳng nghĩ ngợi gì, gã chui luôn vào cái ngõ riêng của con chó. Gã nhẹ nhàng nhón bước theo sau. Đến gốc một cây xanh con chó dừng lại, hai chân trước cào cào, bới bới vào gốc cây. Cây xanh này hình như ông chủ vừa mới trồng, đất còn tơi nguyên. Bất giác gã quỳ xuống, lấy tay cào đất cùng con chó. Gã làm như vậy cũng để cho con chó nó vui thôi, ai dè khi đã moi được cái hố chừng ngập cánh tay thì tay gã đụng phải vật gì cưng cứng. Hí hoáy một lúc, gã lôi lên một cái hộp sắt tây in hình những chiếc bánh quy trông rất ngon mắt. Gã định mở ngay cái hộp ra xem có gì trong đấy thì con chó ư ử kiểu không đồng ý. Nó chạy ra phía bụi dâm bụt rồi lại chạy vào, hích hích mõm vào lưng gã.  Có lẽ nó cho mình! gã nghĩ vậy. Đặt cái hộp bên cạnh, gã lấy tay vun hết đất xuống hố, lấp lại y như cũ, rồi mới cầm cái hộp chui ra. Con chó đứng trong cổng nhìn ra, nó không kêu ư ử nữa mà đuôi nó ngoáy tít.

Về đến quán bà Mít vẫn còn sớm. Bà vẫn ngồi bên đèn ngóng khách. Gã vào, chìa cái hộp cho bà:
- Con lại nhặt được cái này! Bà xem có gì trong ấy không?
- Mày thó ở đâu đấy? Liệu hồn đấy con! Đói cũng phải cho sạch, rách cũng phải cho thơm. Mày mà có tính gian thì bà tống khứ!
- Không! Con có lấy của ai đâu! Con nhặt được thật mà!
Bà Mít lấy con dao cau cạy cái nắp hộp. Khi cái nắp được mở ra thì bên trong đựng toàn là giấy. Bà lẩm bẩm:
- Ừ! Tao tin rồi! Cái này là hộp đồ chơi. Lũ trẻ con chơi chán vất đi. Tao nghĩ trong ấy mà có của thì mày cứ giờ hồn! Thôi cái hộp để tao đựng tiền, còn mớ giấy này để gói kẹo, gói cốm.

Sáng hôm sau gã phải xuống xã Hạ để xin, chứ cứ đi mãi một nơi người ta sinh ghét, không cho. Mãi đến chiều gã mới về, đi ngang qua căn nhà hai tầng thấy mấy người đang xúm xít lại to nhỏ, có người nói: “Mới lúc trưa tôi còn thấy nó đứng bên trong cổng ăn cái gì, vậy mà giờ đã chết rồi. Hay nó bị trúng độc. Bọt rãi còn sùi đầy cả ra đây này!” Người khác nói: “Nó ăn phải bả!”. Nói rồi lão ta chạy ngay lại gốc cây nhãn cho tay vào cái hốc: “Đúng rồi! Lúc sáng ông Hải cho gói thuốc, tính để mang ra ruộng rắc, tôi nhét nó vào gốc nhãn. Có lẽ nó moi ra được, rồi ăn”. Người kia nói: “Bả của ông Hải giết ba đời đấy! Vậy thì không thịt được đâu! Phải mang chôn thôi!”.

Nãy giờ gã đứng ngoài cổng đã nghe thủng đầu đuôi câu chuyện. Vậy là anh bạn vệ sĩ tốt bụng của gã không còn nữa, đã ăn phải bả của chính chủ nó! Thật là oan nghiệt. Gã thấy sống mũi cay cay, nghèn nghẹt. Hai mắt bỗng rưng rưng. Con chó đã cho gã nguyên cái đùi gà, tặng cho gã cái đồ của phụ nữ, lại còn hộp giấy để bà Mít gói kẹo nữa. Gã nhận của nó ba thứ mà mới trả lại cho nó được có mấy củ khoai. Hôm nay về xã Hạ có người cho mấy củ khoai chợ chùa, gã định ghé qua quăng cho nó. Ai ngờ...
Gã đang phân vân thì có người gọi to:
- Khoèo ơi, vào đây tớ nhờ cái này!

Được gọi đích danh gã nhún nhảy cà nhắc chạy vào. Tưởng ai thì ra là cái lão mà người ta vẫn gọi là sếp, là chủ tịch. Cái hôm ra biển Thịnh Long xin, gã gặp lão mình trần, bụng phệ, ngực đầy lông lá như con vượn, mặc cái quần xà lỏn cũn cỡn bó sát lấy đùm “súng đạn”. Trông thấy mà ghê. Lão ôm eo một con mẹ xề mắt xanh mỏ đỏ, toàn thân trắng như con lợn cạo, chỉ có mỗi cái như con chó cho bữa trước treo ở ngực và một miếng vải chỉ nhỉnh hơn bàn tay che lấy háng. Hai đứa nằm chềnh ềnh trên chiếc đi văng ngay sát mép nước. Gã mò đến để xin vài xu. Lão đã cầm luôn lon bia chưa mở nắp ném tùm xuống nước, quát: “Xéo! Xéo đi chỗ khác mà xin!”.
Lão vào nhà đem ra một cái bao xác rắn mới toanh:
- Tớ cho mười ngàn. Cậu mang con chó này ra ngoài đê chôn giúp. Đừng cho ai ăn nhé! Chó ăn bả ba đời đấy.
Gã chẳng nói chẳng rằng, bế xốc con chó lên nhét vào cái bao, túm miệng bao lại rồi vác con chó lên vai, tập tễnh đi ra cổng.
- Ấy gượm đã! Tiền đây! - Ông chủ gọi với.
Chẳng nói gì, gã cứ khập khiễng đi. Ai mà thèm đồng tiền dơ bẩn của mày! - Gã nghĩ vậy. Hai mắt thấy nhoà đi, gã kéo vạt áo thấm khô mắt, thủng thẳng đi về phía đầu làng.
Đến gốc đa, thấy một chiếc xe con đậu ngay trước cửa quán bà Mít. Trong quán có mấy người mặc cảnh phục. Gã cũng định tạt vào xem bà Mít có chuyện gì. Song lại thôi, xốc con chó đi ra phía bờ đê.
- Khoèo ơi! Vào đây đã! - Bà Mít gọi giật lại - Mấy anh công an đợi mày suốt từ trưa đến giờ.
- Đợi tôi có việc gì? Tôi đang bận! - Gã định quay đi thì một anh công an nói:
- Anh Khoèo đánh được quả gì to thế?
- Quả kiếc gì đâu! Nó chết rồi.
- Ai chết? Anh công an hỏi.
- Bạn tôi! - gã trả lời cụt lủn.
- Bạn anh ở đâu?
- Ở trong bao này! Tôi phải mang nó ra Cồn chôn đã!
- Gượm đã anh. Anh cho chúng tôi hỏi, anh nhặt được mấy thứ này ở đâu?
Anh công an chỉ vào đống giấy và cái hộp, cả cái coócse nữa.
- Tôi không biết. Tôi không lấy trộm! - Gã định bỏ đi.
Bà Mít nói:      
- Nói đi con, không việc gì đâu. Lúc sáng bán kẹo cho một người bà đã lấy cái giấy này để gói. Ai ngờ cái giấy ấy rất quan trọng. Họ đã mang nộp cho công an. Và bây giờ các anh công an trên tỉnh về đây thu lại. May mà chưa mất tờ nào. Con nói đi! Con nhặt được ở đâu?
- Tất cả là của nó đấy! Nó cho tôi!
- Nó là ai? - Anh công an hỏi.
- Nó là con chó trong bao này! Giờ nó đã chết rồi! Những thứ ấy chẳng còn là gì của nó nữa.
Một anh công an nói:
- Chúng tôi mời anh lên xe về sở. Yêu cầu anh kể rõ sự việc cho chúng tôi!
- Tôi bị bắt sao? Tôi có tội gì? - Gã hỏi.
- Anh không có tội gì cả. Nhưng anh biết rất nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến vụ án chúng tôi đang điều tra. Vậy mời anh lên xe ta về đồn. Mong anh hết sức thành thật, khai báo, giúp đỡ chúng tôi, tạo điều kiện để chúng tôi phá án được nhanh chóng!
-Vậy còn con chó này thì sao? Nó liên quan đến tất cả những hiện vật này - Gã hỏi.
- Đưa nó lên xe luôn, có thể phải xét nghiệm nó nữa!
Gã chui vào xe, đặt anh bạn vệ sĩ đã tắt hơi ngay dưới chân. Xe chuyển bánh khi hoàng hôn sắp tắt, phía xa xa những vệt sáng vàng hoe như những cái nan quạt chạy vút tới lưng trời.
  Thị trấn Cồn, tháng 7 năm 2005
                                                V.A

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

Các bài mới
Trong không khí (29/10/2008)
Sáu tấc đất (28/10/2008)
Các bài đã đăng
Nhớ con! (28/10/2008)