Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Vĩnh biệt nhà thơ - dịch giả Diễm Châu (1937-2006)
09:49 | 30/10/2008
Nhà thơ, dịch giả Diễm Châu, sinh năm 1937 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài gòn, sau đó tu nghiệp tại Hoa Kỳ về truyền thông. Trước 1975, ông làm Tổng thư ký Tạp chí Trình Bầy. Định cư tại Strasbourg, Pháp từ 1983 cho đến ngày tạ thế. Ông đã vĩnh viễn ra đi vào sáng ngày 28 tháng 12 năm 2006.
Vĩnh biệt nhà thơ - dịch giả Diễm Châu (1937-2006)

Tác phẩm của Diễm Châu gồm Hạnh hoa, Sáng mùa Thu, Thơ Diễm Châu, Mười bài ở Paris . Đóng góp quan trọng của Diễm Châu là văn học dịch. Ông đã giới thiệu hàng trăm tác giả quốc tế qua hàng ngàn bản dịch Việt ngữ, từ thơ các nước như Nga, Pháp, Anh, Mỹ đến Rumani, Nicaragua, Peru, Palestine, Armenia, Guatemala v.v...
Xin giới thiệu với độc giả tạp chí Sông Hương chùm thơ của nhà thơ Nga YEVGUENY YEVTUSHENKO để tưởng niệm nhà thơ, dịch giả Diễm Châu.

YEVGUENY YEVTUSHENKO

Những cánh cửa

Một chiếc xắc tay báu vật,
đôi chút hãi hùng trong mắt,
những sợi tóc uốn lọn hai bên thái dương
thành những chấm hỏi.
Và này đây
                   buồn bã
                                 và nặng nề
a! đây là nhà nàng.
Không bao giờ
                       tôi được biết
                                            khu mộ địa chung quanh
và, tạ ơn Trời, tôi đoán thế,
sẽ chẳng bao giờ rành rẽ.
Trước cửa nhà nàng, nơi tôi đưa nàng về,
chúng tôi rời nhau mau lẹ:
một nụ hôn, một cái vuốt ve
nhưng ánh mắt nàng làm tôi khổ sở
ánh mắt ấy vấy một nỗi buồn
tựa như sự sợ hãi.
Tôi không lạ gì cái trò chơi ấy của phụ nữ:
Ta ôm nhau
                    và ta mơn trớn,
bước qua cánh cửa
                              là ta quên.
Phải,
những cánh cửa đã làm tôi khôn ra.
Quá thường khi,
                          ở nơi này nơi kia,
tôi đã bị xúc phạm nặng nề.
Chính bởi thế
                      mặc dù tôi hoàn toàn không muốn,
bởi không còn tin tưởng vào ai,
trên ngưỡng cửa nhà em
                                      tôi đã bỏ em lại
và nguyền rủa,
                        nguyền rủa cánh cửa nhà em.
Ký ức tôi trung thực với tôi.
“Anh đừng ngủ quên”, nó bảo.
Trong đôi cánh tay em
                                   em nâng niu chiều chuộng tôi
nhưng em sẽ trở thành người đàn bà nào khác
ngay khi cánh cửa nhà em khép lại?

Những giọt nước mắt

Thủa ấy người ta đã bảo tôi:
                                             “mi rồi sẽ nuối tiếc
những của cải mất đi mà mi yêu dấu”.
Thủa ấy người ta đã bảo tôi:
                                             “mi rồi sẽ khóc
khi những người khác rỏ nước mắt”.
Tôi đã thấy chúng những giọt nước mắt này.
                                                       Tôi đã thấy mẹ tôi khóc:
bà đứng,
              tay buông thõng,
đôi vai mỏng manh
              lay động,
và đó là vì lỗi tại tôi.
Cũng như em đã khóc,
                                    em, người yêu dấu của tôi,
khi tôi phóng tới, với đợt khói,
những lời ác nghiệt ngay giữa mặt em,
những lời chua chát và xúc phạm!
Ôi ! lúc ấy em đã ganh với các bạn em biết mấy
và chỉ nhìn tôi cũng đủ làm em đau đớn xiết bao!
Kiêu hãnh,
                  em đã ngẩng đầu lên
để cầm nước mắt.
Hôm nay tâm hồn tôi kiêu căng mới thật buồn,
tâm hồn tôi đã bị chính sức nặng của mình nghiền nát,
Ấy đó
          cái giá thật khủng khiếp
của những giọt nước mắt
                                       mà tôi đã gây nên.

Trò chuyện

Người ta bảo tôi:
                         -“Anh thật là can đảm.” 
Tôi can đảm ?
                      Nhưng can đảm ở đâu vậy?
Thật đơn giản, tôi cho là bất xứng
chuyện luồn cúi với bọn khiếp nhược.
Tôi chả “san bằng” một điều gì hết.
Thật dơn giản tôi đã chọn làm bia
                      dối trá và khoa trương.
Tôi chỉ có những bài mình viết làm vũ khí
                      nhưng không một bài nào là của tên chỉ điểm.
Nếu tôi bênh vực người có thực tài,
bêu diếu bọn văn nhân giả mạo,
ấy chẳng phải một nghĩa vụ tầm thường sao?
A! hãy chấm dứt cái chuyện tôi can đảm!

Tôi nghĩ tới sự hổ thẹn
của con cháu chúng ta,
                                    khi, thanh toán điều xấu xa, ô nhục,
chúng sẽ nhớ tới
                                    cái thời buổi lạ lùng này
khi sự ngay thẳng bình thường nhất
                                    được gọi là can đảm.

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng