Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Hai thằng bạn
10:32 | 30/10/2008
NGÔ HỮU KHOATruyện ngắn


Kín mít trên chiếc xe công vụ, chưa tới đầu làng, Thân đã thoảng nghe thấy những thanh âm ảo não của tiếng kèn, nhị, phèng la đang đưa thằng bạn ra nghĩa địa. Cách đoàn đưa tang khá xa, Thân đã bảo lái xe dừng lại. Cởi bỏ đôi giày và bít tất, Thân gần như xô cửa nhảy xuống xoãi bước dài như chạy để đuổi kịp đám tang. Đường đất rải cấp phối lổn nhổn những mẩu gạch vụn làm chân anh đau buốt. Mặc. Thân muốn thấu cái tình với người bạn xấu số qua đôi bàn chân trần của mình.
Mấy người phụ cữu không phải là máu mủ ruột rà với người đã chết, không khỏi tò mò nhìn Thân bước thấp bước cao, nên có ý đi chậm lại để chờ. Chậm rãi bước cuối dòng người đưa tiễn, lúc này Thân mới nghe rõ tiếng khóc cạn hơi như xé ruột của vợ người vật vã trên chiếc xe tang chốc chốc lại chao đảo vì bánh xe vô tình leo phải  những mẩu gạch vỡ nằm nổi trên mặt đường.

Chờ cho mấy cụ bà hộ phúc mặc áo dài nâu cầm cờ đuôi nheo vừa đi vòng quanh huyệt vừa khấn bài kinh tiễn đưa, dặn dò hồn người chết đường lên thiên đàng kết thúc, Thân lách qua những người đưa tiễn đến bên huyệt. Vợ người chết áo tang, khăn sô lăn lộn thảm thiết. Chị nhao xuống huyệt mộ như muốn được nằm vĩnh viễn bên người chồng. Hai người đàn bà bên cạnh nặng nề xốc nách níu chị lại. Hai bàn chân của chị chới với trên mép chiếc hố đất nâu tươi. Thân cố lảng không nhìn vợ bạn, anh cúi xuống bốc một nắm đất rồi thả xuống nắp quan tài. Tiếng trầm đục của âm thanh va chạm giữa đất và gỗ như nấc nghẹn, xói vào tâm can. Hơi hám ẩm lạnh của đất mới đào chạy dọc từ dưới bàn chân lên đến đỉnh đầu Thân. Có lẽ linh hồn thằng bạn đang quẩn quất đâu đây đã nhận ra và muốn chìa bàn tay ra bắt để nói câu cửa miệng mỗi khi gặp Thân: “Số mày sướng hơn tao!”. Lúc này Thân thấy mắt nhoè đi: “Trịnh ơi! mày hãy yên nghỉ, ai cũng một lần...”. Thân thương vô cùng thằng bạn thuở thiếu thời chưa qua tuổi bốn mươi đã không được ông trời cho làm người nữa.

Mọi người đưa đám tang đã tản về để lại mấy thanh niên của làng làm nốt việc  lấp huyệt, đắp mộ cho người quá cố. Sau khi chào hỏi, chia buồn với vợ và những người thân của Trịnh, Thân cố ý nán lại. Bàn chân Thân không còn thấy đau khi bước phải những viên gạch vỡ, từ xa Thân vẫn thấy người lái xe nổ máy chờ để kịp đưa Thân về dự một cuộc họp ở Bộ.
Nhác trông thấy Thân, người lái xe đã nhanh nhẹn xuống mở cửa. Thân không bước lên xe ngay mà tần ngần đứng bên bờ giếng làng lắng nghe tiếng những chiếc lá đa đạp vào nhau xào xạc. Ngước nhìn lên, chùm chùm quả chen chúc, chi chít, Thân thèm được cắn một quả. Ký ức vị chua chua, bùi bùi của quả đa làm nước miếng anh tứa ra. Thảng có tiếng của người bạn thuở nhỏ từ trên ngọn cây cao chót vót vọng xuống “Mày tránh ra kẻo rơi dao xuống đầu, tao chặt cái cành này nhiều quả ăn cho đã”. Sau nhiều lần trèo hái quả, Trịnh nảy ra sáng kiến vác dao rựa trèo lên cây chặt cả cành cho bõ công phải bẻ từng cành nhỏ. Cái thứ cành bị bẻ rồi nhưng cứ phải xoắn lại mấy vòng mới đứt vì vỏ dai nhách không muốn dứt lìa khỏi thân mẹ. Dân làng thì dễ dãi, hành động chặt phá cây như thế đáng lý phải chịu vài câu chửi mắng, nhưng chẳng ai buồn nói với đám trẻ con nghịch ngợm, vả lại cây thì to, cành lá thì nhiều, có chặt ít cành thì sau mùa xuân lại sum xuê ấy mà. Thân nhặt con dao vừa được ném xuống và kéo lê cành đa to bằng bắp chân lên thềm giếng, chỗ có lát những viên gạch nâu đen ngấm màu rêu từ rất lâu năm. Vừa lúc Trịnh cũng leo xuống tới nơi, hai cánh tay để trần của nó phủi liên hồi để gạt bỏ những cái lông xon xót của lá đa non bám lên chiếc áo may ô úa vàng, cáu bẩn, vừa phủi Trịnh vừa chửi đổng:
- Mẹ! Lông đa bám chắc quá... Lúc nào rủ đám bạn học của mày tới tao trèo lên chặt cành to hơn, thoải mái ních, mà có rủ thì nhanh lên kẻo quả nó già ăn chán lắm.
Cả hai bệt xuống thềm giếng, bày ra một gói muối ớt mà Trịnh đã kịp thủ từ nhà đi. Thân ăn như kẻ háu đói, chỉ loáng một lúc những quả đa bấu ở cành đã vãn. Thân xuýt xoa:
- Đã thật! Nhiều lúc thèm ăn nhưng tao không biết trèo, tìm mày lại khó quá. À, tao nghe bố mày nói định cho mày đi học bổ túc cấp ba, mày có đi không?
- Tao không đi. Ông già tao nói vậy chứ ông có muốn nhìn thấy mặt tao đâu. Nhà chỉ có mỗi hai anh em, chẳng biết vì sao ông lại ghét tao như vậy. Có lẽ tao sẽ đi bụi...
- Mày nói đùa đấy à?
- Đi để khuất mắt ông già, cho ông ấy đỡ ngứa mắt mỗi khi nhìn thấy tao.
Những kỷ niệm tuổi thơ với người bạn đã khuất từ đâu bỗng lào xào trong tâm trí, Thân mụ mị như đang bị một cành cây từ trên cao rơi xuống trúng người đè ngửa xuống mặt đất mà phải cố gắng dùng hết sức lực còn lại trong cơ bắp anh mới thoát khỏi cành cây đó. Nhờ mấy người quen biết đi ngang qua cất tiếng chào, Thân như mới thoát khỏi trạng thái ấy.
 Người lái xe vẫn kiên nhẫn ngồi đợi trong xe để nghe một mệnh lệnh như không phải phát ra từ miệng Thân:
- Tối nay mình ở lại. Cậu ra trước, sáng sớm mai đón tớ.

Thân thả từng bước chân trên đường làng lát gạch nghiêng kiểu nan công. Những viên gạch trơ ra màu đất nung giữa những đường mạch xi măng cứng chằng chịt. Đã quá ngọ, đường làng vắng hoe, những người làm nông sau bữa cơm trưa đang tranh thủ chợp mắt lấy lại sức sau một buổi sáng miệt mài ngào ruộng. Gần ngang qua đình làng, Thân thấy mấy bà cụ bồng cháu chơi dưới mái cổng đình trò chuyện với nhau. Một cụ nào đó lớn giọng:
- Thằng Trịnh chết thế là đúng. Sống mà nay trộm, mai tù chỉ thêm khổ thân và làm khổ vợ con.
Thấy Thân bước chậm chân, mấy cụ bà dừng câu chuyện để nghe tiếng chào lễ phép của anh. Ở cái làng quê thuần nông này, rất ít người trưởng thành để có được một danh phận như Thân, học hành đỗ đạt, lại nắm giữ một chức vụ quan trọng ở một Bộ, mỗi khi về thăm quê luôn có xe con đưa đón. Nghe mấy bà cụ bàn tán về cái chết của thằng bạn mà Thân nghèn nghẹn, cay cay...

Tội cho mày quá! Niềm tiếc thương được thay thế bằng một cái chép miệng, còn lại chỉ là câu chuyện bàn tán về sự may mắn cho người sống khi giữa họ không còn những kẻ như mày. Trịnh ơi! Mày còn nhớ sau khi tao đỗ đại học, gia đình tao có làm một bữa cơm mừng, mày ngại không đến dự nhưng tối hôm đó hai thằng mình đã ngồi dưới gốc đa nói với nhau những câu chuyện về tương lai của tao và mày kể cho tao nghe chuyện những ngày mày sống trong tù. Chính mày đã nói với tao rằng, mày đã là thứ bỏ đi, còn tao sẽ thành một người tử tế ...
Tới tận hôm nay, tao vẫn nhớ cái giọng nói như lên lớp của mày. Lúc đó tao thầm cười trong bụng đấy, mày đâu biết, vì không riêng gì tao mà ai cũng vậy thôi, nghe gì lời của một thằng bỏ đi. Mày không biết là những kẻ như mày dù nói những điều hay thì đâu có ai nghe. Mày nghe và mày làm được rồi đấy, cái sự chết sớm của mày mang lại may mắn cho người sống cũng có nghĩa là giúp ích cho đời rồi.

Tao rất hiểu sự chân tình của mày khi giãi bày như xưng tội với tao trong buổi đêm hôm ấy, mày bảo người ta có cái số ngay từ khi cha mẹ cho được làm người. Đi tù rồi ra tù, những ngày tháng trong tù cứ tâm niệm cải tạo cho tốt để ra tù làm lại từ đầu nhưng chỉ cần một tiếng gọi như tiếng gọi của định mệnh, của cái bao tử của bầy sói đói, hay nhận thấy những ánh mắt nhìn mình với vẻ khinh miệt xa lánh là quên mất những dự định tốt đẹp để lại lao vào con đường phạm tội mà không hiểu tại sao. Song hành với mày là tù tội, là bệnh tật, là sự khinh miệt của mọi người và hơn cả là sự tủi hổ của những người thân của mày. Nhưng mày có thể yên nghỉ mãn nguyện được rồi. Gia đình mày, người vợ của mày sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi không còn có mày. Đứa con trai duy nhất của mày sẽ được thời gian làm nhạt nhoà dần cái mặc cảm về một người bố như mày. Và nếu may mắn, nó sẽ trở thành một con người có ích để chuộc lại lỗi lầm của mày ở cái làng quê nhỏ bé yên bình này.

Có một cái gì đó ám ảnh, lẩn quất làm Thân mê man, bần thần, rồi lẩm bẩm như kẻ mất hồn. Nỗi ám ảnh quấn lấy Thân suốt từ lúc ném viên đất xuống chiếc quan tài như làm chặt thêm ngôi nhà bình yên cuối cùng và thật sự của thằng bạn.
Hai đứa cháu thấy Thân về đến ngõ ùa ra đón, người anh còn lại ở quê lãnh nhiệm vụ hương khói cho các cụ đang lúi húi chêm lại cái cuốc để chuẩn bị cho một buổi chiều làm việc. Về vội chẳng có quà gì, Thân rút ví ra lấy hai tờ một trăm ngàn dúi vào tay hai đứa cháu và bảo chúng tự mua quà. Chúng là trẻ con nông thôn nhưng cũng rất có ý, cầm tiền rồi cất tiếng cảm ơn và chẳng vội chạy ra đầu ngõ để tiêu ngay số tiền chúng vừa được nhận. Có lẽ chúng lại đưa cho mẹ cất giữ tiết kiệm để làm những việc lớn hơn như mua sách vở học tập.

Thân đã trở thành tấm gương để mấy đứa cháu và rất nhiều người trẻ tuổi trong làng phấn đấu. Chưa đến tuổi bốn mươi, hai vợ chồng Thân đã sở hữu một ngôi nhà to như biệt thự ở giữa lòng thành phố. Xung quanh Thân có những người cấp dưới luôn mẫn cán và trung thành. Trên Thân là các sếp luôn đặt niềm tin giao cho Thân những công việc quan trọng. Anh là con người khôn khéo biết cách chan hoà với tất cả mọi người. Nhờ có chuyên môn cao nên công việc chẳng mấy khi không hoàn thành. Cứ như thế Thân phơi phới đời diều gặp gió. Chức vụ bao giờ cũng đi đôi với cái lợi, tiền bạc đẩu đâu không khiến cứ hồn nhiên chảy về cái két sắt của vợ Thân.

Nghĩ đến đến cái két sắt chống trộm...  thằng bạn mới chết lại bùng nhùng trong tâm tưởng. Trên gương mặt Thân thoáng một nét cười, cái cười dài dại chẳng ăn nhập gì với câu chuyện Thân đang kể khiến cho hai đứa cháu không hiểu có chuyện gì. Một đứa tò mò hỏi Thân:
- Chú cười cái gì vậy chú?
Thân có thú vui là được trò chuyện với lũ trẻ. Với trẻ con, Thân luôn ý thức là không bao giờ lừa dối chúng. Bởi đôi khi chỉ một câu nói dối lại gieo những mầm họa rất nhỏ ăn sâu vào trong tâm thức của chúng cho đến lúc trưởng thành. Vì vậy Thân chẳng giấu giếm ý nghĩ vừa đến với mình:
- Chú nhớ đến chú Trịnh vừa mất, hai đứa nghĩ xem nếu cho chú ấy mở cái két sắt nhà chú thì có mở được không?
- Không thể nào! Cháu nghe thím nói két sắt ngoại nhập chắc chắn lắm, không biết mã số không thể mở được. Khuân đi thì rất nặng...
- Ừ! chú cũng không biết nữa, có lần nghe chú ấy kể ở trong tù chú ấy được gặp nhiều cao thủ, không loại khoá nào mà họ không mở được.

Hai đứa cháu Thân như nhớ ra điều gì, chúng vội lảng ra, xin phép ra ngoài ngõ chơi với mấy đứa bạn. Có lần Thân nghe vợ mình nói chuyện là hai bác cấm hai đứa cháu khi ra chơi nhà chú thím không được bén mảng đến chiếc két sắt và về quê không được bép xép kể với bạn bè. Có lẽ chiếc két sắt đã trở thành một câu chuyện bí ẩn với chúng. Chúng mường tượng bên trong nó ắt phải chứa rất nhiều tiền, vàng bạc, châu báu như trong chuyện cổ tích khiến chúng rất ngưỡng mộ và đồng nghĩa với...

Vậy đấy Trịnh à, bây giờ lũ trẻ đã được bố mẹ dạy cho cách tránh xa những đồng tiền không phải là của chúng. Chứ đâu như mày, nhìn thấy tiền của người khác là y như rằng... Nhưng nếu mày còn sống mà ngồi đối diện tranh luận với tao thì chắc tao sẽ được nghe mày nói:
- Biết đâu trong bọn trẻ lại tiềm ẩn một khát khao kiếm được nhiều tiền như tao với mày thuở nhỏ vẫn thầm thì ước ao lớn lên có nhiều tiền để không phải chia nhau một bát phở, thằng ăn trước thằng ăn sau.
Còn tao sẽ lại triết lý:
- Ước ao kiếm được nhiều tiền là tốt chứ, chỉ có điều kiếm tiền bằng cách nào?
Và cái triết lý này của tao sẽ động chạm tới mày, rồi mày lại giở cái giọng “ní nuận” giang hồ về cái sự vất vả của thằng kẻ trộm, nào là đó là một quá trình “nao động” từ trí tuệ qua những tính toán khoa học đến “nao động” chân tay qua những rình mò, đột nhập...

 Đáng lý tầm cỡ như tao phải tránh xa mày ra, nhưng chính bản thân tao cũng không hiểu tại sao mỗi lần về thăm quê tao lại tìm cách gặp mày nếu như mày đang không ở trong tù. Cũng có thể cái thằng tao muốn người làng nhìn tao thấy tao bình dân, hoặc giả tao muốn lấy từ mày chút bản lĩnh để khéo léo bước tiếp trên con đường hoan lộ. Mày làm sao biết được là không riêng gì tao mà rất nhiều người biết những kẻ như mày có một bản lĩnh phi thường luôn biết vượt qua chính nỗi sợ hãi của bản thân để cạy cửa nhà người ta để khoắng đi một số thành quả lao động của họ...

Hai đứa cháu của Thân sau khi đã chán chơi với đám bạn, ào về nhà. Lúc này, Thân đang nằm trên sập gụ, đầu gối lên chiếc cặp số liu thiu ngủ nhưng môi thì mấp máy như đang nói chuyện cùng ai. Chúng ra dấu im lặng rồi rón vào buồng lấy rá đong gạo thổi cơm. Trước khi ra đồng, bố chúng đã dặn ở nhà bắc sẵn nồi cơm.
Hai anh em Thân khề khà bên mâm rượu đến tận gần mười giờ đêm. Chị dâu và hai đứa cháu đã đi ngủ, cái bóng trái cà hắt ánh sáng đỏ ọc xuống mâm, soi tỏ cái đầu gà được ông anh Thân khoái khẩu tẩn mẩn gặm rất kỹ nằm chềnh ềnh giữa những mẩu xương trắng hếu. Chắc chắn ba năm nữa, theo phong tục của quê Thân, cái đầu lâu thằng bạn sẽ được lôi lên, được rửa sạch bằng nước thơm và rượu rồi được xếp vào trong một cái tiểu sành nhỏ nhỏ, trước khi thân xác vĩnh viễn tan vào lòng đất. Hai hốc mắt của Trịnh dù chỉ vài phút, nhưng cũng là thời gian được ngước nhìn bầu trời sáng sớm u ám nếu như là mùa đông, còn mùa hè thì chỉ  nhìn chiếc chiếu cói che ánh mặt trời mới mọc vì mày đã thuộc về cõi âm, luôn sợ ánh sáng.

 Lạ. Từ ngày đưa tang, chốc chốc thằng bạn đã chết của Thân cứ hiện về trong tâm trí, quấy rầy cả trong câu chuyện giữa hai anh em Thân về việc Thân quyết định dành một món tiền kha khá với dự định tốt đẹp là để  trùng tu lại ngôi chùa làng. Anh trai Thân rất ủng hộ quyết định ấy và hứa sẽ nhanh chóng gặp gỡ với các cụ bô lão để xin cho Thân được công đức. Cái việc công đức ở quê đâu có đơn giản, đâu có cứ cậy có tiền là muốn gì cũng xong. Thấy anh đồng ý Thân cũng mừng. Mừng vì từ ngày có của ăn của để bao lần Thân có ý giúp anh cải thiện cuộc sống ở nhà quê nhưng nhất định anh trai Thân không nhận. Anh trai Thân từ lâu đã rất vui vẻ với cái cảnh nằm vắt tay lên trán thảnh thơi trong ngôi nhà ba gian lợp ngói móc với những cái đòn tay bị mối ăn mục ruỗng để lấy sức cày xới mấy sào ruộng để đến cả năm thu hoạch e chẳng bằng một bữa tiệc chiêu đãi của những người cầu cạnh Thân giải quyết giúp một việc gì đó.

Quá chén với người anh nên Thân có được một giấc ngủ sâu, mà hình như lâu lắm rồi anh không tìm thấy được. Bốn giờ sáng Thân thức giấc. Hai đứa cháu đã dậy học bài, trong chúng đã hình thành ý thức được rằng, muốn thoát khỏi cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau và muốn thành đạt như chú mình thì chỉ bằng con đường học hành đỗ đạt.
Khi xếp vài thứ lặt vặt vào trong cặp táp, Thân lén giấu hai đứa cháu, thó một thẻ hương và một nắm tiền vàng mã trên bàn thờ nhét vào. Trước ngày thằng bạn thân thành người cõi âm, nó đã viết cho Thân một lá thư nhắc anh mỗi khi về thăm quê thì nhớ thắp cho hắn một nén hương dưới gốc cây đa để hắn được về nếm lại vị chua chua chát chát của thuở thiếu thời.

Khi ánh ngày còn chưa soi tỏ mặt người, đường làng vắng lặng, thi thoảng mới láng máng vài người gò lưng hối hả trên xe đạp chất đầy rau quả tranh thủ đến phiên chợ sớm, bóng Thân đã đậm nhạt ngang dọc dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường làng. Tiếng giày cồm cộp xuống mặt đường nghe như có ai đó đang cố đuổi theo cái bóng đơn độc của Thân. Một cảm giác ơn ớn chạy dọc sống lưng anh. Anh đặt chiếc cặp táp xuống thềm giếng cạn dưới gốc cây đa, mở khoá lấy ra thẻ hương, và nắm vàng mã quẹt lửa thắp. Gió hiu hiu mà Thân phải quẹt đến lần thứ ba mới thành, ngọn lửa phực lên. Thân chợt nghe thấy có tiếng cười khanh khách từ trên cây vọng xuống:
- Tao cảm ơn mày! Tối qua mày có ý định công đức cho chùa làng, xưa rồi mày ạ. Có lần tao đi ăn trộm được cũng khá, cũng nuôi ý định dành phần lớn mang đi chùa cúng lễ và công đức, nhưng lại nghĩ của ăn trộm là của phi nghĩa... nên thôi. Những đồng tiền từng có của tao suy cho cùng cũng giống những đồng tiền của mày...

Người Thân như cứng đơ. Làn khói trắng uốn éo ma quái từ đầu bó nhang phả vào mặt làm cho hai con mắt anh cay sè. Những đồng bạc vàng mã cứ cháy bùng lên cổ vũ theo tiếng cười của người đã chết.
Bình minh ló dạng đang rỡ ràng dần, người đi đường bắt đầu rộn lên. Không ai biết cạnh giếng làng bỏ hoang có một tiếng kêu của một người như bị bóp cổ. Nấc nghẹn, âm u. Âm u từ cái cõi dương thế.
                                              N.H.K

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng