Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Hoàng Cát - từ cây nhãn hoang tới cây khế...
10:39 | 30/10/2008
HÀ KHÁNH LINHNgười lính chiến trở về bỏ lại một phần thân thể của mình trên trận mạc, tựa vào gốc nhãn hoang bên vỉa hè lầm lụi kiếm sống, thẳng ngay, chân thật, khiêm nhường.
Hoàng Cát - từ cây nhãn hoang tới cây khế...

Rồi một ngày anh có căn nhà nhỏ - mái ấm gia đình, bên cầu thang bắc lên phòng văn anh trồng một cây khế, cây khế ngày một xanh tươi râm mát, cây khế trổ bông tím mùa xuân, đơm trái ngọt mùa hè, sáng chiều chim hót trên cành líu lo, và trong gian phòng nhỏ đầy ắp cả thơ văn của bè bạn và của chính mình, người lính chiến ấy tiếp tục sống hết mình bằng yêu thương và lao động. Đó là Hoàng Cát - người thương binh đã bỏ lại một cái chân của mình trên chiến trường đánh Mỹ xâm lược và Hoàng Cát - nhà thơ. Lần nầy độc giả gặp lại Hoàng Cát qua tập thơ "Cám ơn vỉa hè" (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2006) trên 160 trang sách với 94 bài thơ như một lời cảm tạ viết sẵn gởi tới những người thân, bạn bè - người còn sống, người đã ngã xuống ở chiến trường mãi chưa tìm được xác, gởi tới quê hương - nơi sinh thành với bao kỷ niệm thời niên thiếu, tạ ơn những vùng đất vùng trời mà anh đã từng sống và chiến đấu, tạ ơn cái vỉa hè đã nuôi sống anh qua những năm tháng cơ hàn:
Ta cám ơn cái vỉa hè bụi bặm
Đã nuôi ta những năm tháng cơ hàn
Túp lều nát ẩn bên bờ dứa dại
Đống rác to che một phía gió lùa
Cây nhãn hoang còm nhom cho ta ngồi tựa gốc
Suốt bao năm trời gội nắng chan mưa
                                                            (Cám ơn vỉa hè)

Chiến tranh bao giờ cũng có những quy luật nghiệt ngã của nó, và những người lính chiến trở về mỗi người có một số phận riêng. Hoàng Cát là một trong những trường hợp không may mắn của số phận. Thương tật, nghèo khổ, đau đớn... nhưng anh vẫn phải sống và làm thơ. Qua đó mới thấy hết tình yêu cuộc sống ở con người ta thật là mãnh liệt, nhưng đã là người lính chiến vừa là nhà thơ nên tình yêu đó càng mãnh liệt hơn. Chính cuộc chiến đấu đã dạy cho Hoàng Cát sống phải ngẩng cao đầu, sống là không chịu lùi bước dẫu phía trước đầy hiểm nguy cay cực. Trước sau anh đều sống như một người chiến sĩ, và anh đã chiến thắng. Nhưng phải công bằng mà nói Hoàng Cát sống được đến bây giờ một phần là nhờ... thơ. Thơ làm cho mọi người hiểu anh và yêu anh hơn, thơ làm cho đồng đội đồng chí của anh ở tận những vùng trời xa xôi của đất nước - nhận biết anh vẫn còn sống, và anh đang làm thơ ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi những chiến công của họ, ca ngợi tình đồng đội đồng chí, ca ngợi tình yêu lứa đôi... Thơ đã kết nối anh với quá khứ hào hùng và tương lại hy vọng. Thơ là người bạn tâm tình để anh gởi gắm giãi bày, thơ là phương tiện vừa là cứu cánh. Với Hoàng Cát thơ thật cần thiết biết bao! Bởi trước hết, nếu không có thơ, thì anh lấy gì để hát với đời? Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ “Cám ơn vỉa hè” đã được tác giả mở đầu bằng “Hát với trời xanh”:
 (...) Sáng mai này đẹp như trong mơ
Ta một mình lặng lẽ với nàng thơ
Ta chỉ được một lần trên cõi sống
Tội tình chi không hát với trời xanh?!
Con người sống và cất cao tiếng hát, là nhà thơ anh hát bằng sự rung cảm của con tim ca ngợi cuộc đời - dẫu cuộc đời của người thơ nhiều bầm dập đau đớn, vẫn có lúc bất chợt một khoảnh khắc đẹp. Một buổi sáng bình yên, những con chim sâu lích chích trên cành khế, bầu trời trong xanh, không gian yên tĩnh, phòng văn bề bộn sách vở, những bài thơ vừa mới viết xong và những câu thơ đang thao thức trong tâm tưởng... Hoàng Cát bất chợt thấy mình hạnh phúc, và anh cảm thấy nao lòng khi nghĩ đến những người không có được hạnh phúc như anh. Con người biết cảm nhận được hạnh phúc trong từng sát-na của cuộc sống là con người rất gần với cách sống Phật, mặc dầu trong tác phẩm của anh hầu như ta chưa hề bắt gặp sự tiếp cận với Phật bao giờ. Cái niềm hạnh phúc trong veo ấy hiện hữu trong anh không phải thường trực, mà bất chợt, nhưng nó miên man, bàng bạc, nhất là khi anh đã lớn tuổi, anh nhìn lại cuộc đời đầy truân chuyên của mình với những trang văn trang thơ chất chứa bao nỗi niềm. Đời thơ của anh cay đắng nhọc nhằn đến thế, vậy mà anh:
Nếu quả thật có luân hồi đổi kiếp
Xin hãy cho ta trở lại kiếp thi nhân

                                                            (Bay)
Làm thi sĩ để tiếp tục đau đời và đau thân. Đau thân nhiều lắm, nhưng đau đời còn nhiều hơn. Trái tim thơ bao lần rướm máu vì nỗi đau đời, bởi thơ luôn tôn trọng sự thật. Những điều gian dối làm sao trái tim thơ chịu nổi?
Ta đã phải bán đi những gì thiêng liêng nhất
Những gì mẹ ta mong mỏi cả một đời
Những gì cha ta hằng âm thầm trông đợi
Và con ta ngong ngóng phía chân trời
Có những gã lái buôn lưỡi mềm như lưỡi rắn
Lừa bịp ta bằng những lời ngon ngọt...

                                                            (Mua và bán)
Chiến tranh đã cắt rời một phần thân thể của Hoàng Cát để hôm nay: Có than vãn, chân cũng không mọc lại (Tự nói với mình) thì giờ đây nỗi đau hậu chiến dai dẳng ngấm ngầm, tuy không cắt rời phần nào cơ thể của anh nữa, nhưng những vết thương vô hình luôn gậm nhấm trái tim thơ đau buốt:
 (...) Là tong teo sinh kế trằn lưng
Là vỉa hè, bến xe, bãi chợ
Là chạy, là xô, là sợ hãi cuống cuồng
 (...) Các con ơi,
Mẹ chết sấp mặt đường!
 (...) Nghĩ mà thương bao nỗi thê lương
                                                            (Và như thế)
Hoặc:
Thì cũng như ván cờ nhếu nháo
Lừa miếng nhau - đứa lừa giỏi thì ăn
Là thi sĩ ta chẳng lừa ai được
Chỉ buồn thương cho cuộc thế trò chơi
Tướng sĩ tượng tàn canh còn trơ lại
Tốt đỏ tốt đen là chết toi đời!
                                                (Chơi cờ tướng)
Khi nhìn thấy rõ chân tướng của sự vật, thấy rõ khuôn mặt thật của cuộc đời, trái tim thơ đã bao lần rướm máu. Sự đánh mất niềm tin bao giờ cũng là bi kịch lớn của đời người.  Với người thơ điều đó càng khủng khiếp hơn, nhưng cũng chính vì anh là nhà thơ nên anh đã chắt lọc nỗi niềm ấy để làm nên những câu thơ khiến cho người đọc càng yêu quý trân trọng và muốn chia sẻ cùng anh.
Ta thích viết những dòng thơ ứa lệ
Những trang văn thấm đẫm nhân tình
Đời hiểu ta thế nào, ta mặc kệ
Trái tim ta đau đáu nỗi nhân sinh...
                                                (Trong im lặng)
Trị Thiên Huế là địa bàn tác chiến của Hoàng Cát thời binh lửa. Anh đã để lại trên quê hương Thừa Thiên Huế một phần máu thịt của mình. Sau chiến tranh anh sống và viết ở Hà Nội, nhưng anh yêu Trị Thiên Huế như chính quê hương mình, những tên đất tên người luôn ghi khắc vào tâm khảm anh:
Quảng Trị - Thừa Thiên, ba mươi mấy năm trời
Ta gửi lại quãng đời xanh ở đó
Dẫu không phải quê cha đất tổ
Nhưng là nơi ta mãi mãi nhớ về
Nơi ta từng sống tuổi trẻ say mê!...
                                                (Quãng đời xanh)
Hoàng Cát đã viết nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh, về Thừa thiên Quảng Trị, Huế... Lần này “Cám ơn vỉa hè” viết về cuộc sống đời thường, về tâm trạng của người lính thời hậu chiến, về những nỗi đau của kiếp phù sinh, về bạn bè, người thân... nhưng những kỷ niệm chiến tranh cứ mãi tươi rói trong anh:
Bốn mươi năm trời rồi, xin hỡi
Chưa bao giờ tao nguôi quên mày đâu
(...) Mày nằm xuống giữa chiến trường Phú Lộc
Huế Thừa Thiên đâu phải quê mình
Nhưng ta đã sống và thản nhiên cầm súng
Đơn giản: Chỉ vì danh dự với lương tâm
                                                            (Xin ơi)
Hoặc:
Ta không muốn chiến tranh!
Ta không muốn!
(...) Bao nẻo đường chiến chinh dong ruổi
Khắc khoải vô vàn nỗi nhớ khôn phai...
                                                            (Lại nghĩ về chiến tranh)
Và những trang thơ Hoàng Cát viết cho người thân hết sức cảm động :
Ông còm cõi cả một đời chiu chắt
Bỗng chốc trắng tay - Chỉ còn nước mắt

                                                            (Thương ông nội)
Ông bồng cháu ngủ trên tay
Nghe như ôm cả đời này mà thương
                                                            (Từ khi có cháu)
Hoặc :
Ba hằng sống với thơ
Và hằng sống với con, cho con, vì con - và đất nước
(...) Ba đã sống hết lòng
Như cây nến - ba tận cùng cháy sáng
                                                            (Ba biết và tin con)
Yêu thiên nhiên, yêu những gì đã gắn bó thân thuộc với mình, chỉ riêng cây khế đã được nhắc đến năm lần trong một tập thơ, đó là lý do người viết bài nầy chọn nhan đề nói trên. Cây khế ở đây không đơn thuần là cây cảnh mà là một người bạn thân, rất thân, rất gần gũi, gắn bó, người bạn đã chứng kiến những vui buồn đau khổ và hạnh phúc của Hoàng Cát:
1. Bóng cây khế hình như là yên lặng
                                                            (Thu rồi em)
2. Cây khế thương ta luôn luôn xanh tươi
                                                            (Nói chuyện với cầu thang)
3. Một cây khế cũng hoá thành vườn cảnh
                                                            (Cây khế)
4. Một mình ta dưới gốc khế già
                                                            (Có những lúc)
5. Khế ơi khế! Hãy ra hoa thật tím...
                                                            (Nói chuyện với cây khế)
Hoàng Cát không có dụng ý cách tân kỹ thuật trong thơ, và tất nhiên không hề uốn éo một chút nào. Ngược lại, chân thật, hết sức chân thật! Đọc thơ Hoàng Cát ta có cảm tưởng đang ngồi cùng anh nghe anh thủ thỉ chuyện trò, hoặc nghe lời độc thoại từ trái tim nồng ấm tình yêu thương của anh. Ngôn ngữ của trái tim thơ giản dị và chân thật, khi thốt lên, tự nó xếp thành bài bản chương cú... Đó là thơ Hoàng Cát. Và người đọc có cảm tưởng bài thơ nào cũng được Hoàng Cát viết liền một mạch trong một cảm xúc dâng trào.
Bi kịch cá nhân hoà quyện trong nỗiđau của dân tộc, của đất nước, từ đó Hoàng Cát đã chưng cất nên những khúc hát bi tráng và hết sức chân thật. Đây là yếu tố làm nên sự thành công thơ Hoàng Cát, cũng là nhân tố làm người đọc muốn đón đọc tiếp những tác phẩm mới của anh.
                               H.K.L

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hai thằng bạn (30/10/2008)