Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Lần theo những dấu chân
10:50 | 30/10/2008
PHẠM PHÚ PHONGPhạm Đương có thơ đăng báo từ khi còn là sinh viên khoá bốn, khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Huế. Đó là thời kỳ anh sinh hoạt trong câu lạc bộ văn học của thành đoàn Huế, dưới sự đỡ đầu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (lúc này vừa rời ghế Bí thư thành đoàn, sang làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương vừa mới thành lập.)
Lần theo những dấu chân

Trong đó có những người sau này trở thành những cây bút quen thuộc với bạn đọc, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Quang Lập, Trần Thị Huyền Trang, Hồ Thế Hà...Tốt nghiệp ra trường, một thời gian dài lận đận xin việc, đi lính, trở về làm báo, trở thành nhà báo Trần Đăng của tờ Lao Động, nhưng cái nghiệp văn chương đã quàng vào anh từ thuở ấy vẫn không chịu buông tha:
đừng đợi những điều không thể
tôi đang vô ích
từng ngày
mà không biết
gieo những con chữ u u minh minh
mà không mong hái quả
thơ như ma tuý
khó cai nghiện nếu đã chơi với nó
                                             (cách tôi)
Những bước chân gửi lại (NXB Hội Nhà văn, 2006) là tập thơ thứ hai của anh (trước đó đã có tập Bùn non, cũng do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2003) gồm có ba mươi ba bài, là những tình cảm chân thành của anh viết dành cho những người thân như người cha “đối  mặt với cả một cuộc chiến tranh / cha không rợn bằng ngôi nhà không còn mẹ nữa” (ngôi nhà ấy), và người anh kế đa tình, đa đoan mà đoản mệnh khi “có lúc anh lầm lẵng hoa với vòng hoa / đi ăn cưới mà mặc như đưa đám / vục đầu vào sự giả dối / cứ tưởng được yêu thương” (có lúc), hoặc về người mẹ bao năm tảo tần, lận đận nuôi con được anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ngôi nhà ấy, trong xó bếp, hoặc lúc nửa khuya:
                        ngồi như thể dễ tan vào chiều lắm
                        hai mươi năm một dáng ngồi kiên nhẫn
                        mẹ tôi

Phải có sự quan sát tinh tế đến mức nào, phải nhìn nhiều lần, nhìn đi nhìn lại dáng ngồi của mẹ như thế nào mới có thể tạc vào không gian sức lưu giữ lâu bền với thời gian đến mức ấy. Thơ Đương phần lớn là dùng thể tự do, không vần, không điệu, nó gần gũi với giọng điệu sôi động của đời sống hàng ngày, nhưng khi đọc lên, nó là thơ chứ không là ngôn ngữ nói, không thể không thừa nhận đó là thơ. Anh tinh tế trong cách chọn từ và cách tổ chức cái  nhìn đầy chất thơ của cuộc sống để tạo nên một ngôn ngữ thơ của riêng mình, không xa lạ mà riêng biệt, là đặc trưng đầy chất Phạm Đương...Có thể nói, cái tồn tại trong anh đã được gọi là thơ, bởi chất thơ ấy không trộn lẫn với các thể văn chương khác. Như một người luyện võ, anh sử dụng vô chiêu nhưng vẫn biến thành chiêu thức, những khuôn mẫu bỗng trở nên tinh tế và đầy chất thuyết phục. Trong cách biểu tỏ không vần, không điệu vẫn thấm đẫm chất thơ len lỏi vào tâm hồn người đọc. Dường như cái làm lên chất giọng tâm hồn của riêng anh, xuất phát từ cách nhìn, từ cảm xúc tình cảm nhẹ nhàng mà đằm sâu, không mãnh liệt, không xô bồ mà xót xa, day dứt, nhất là những bài thơ trữ tình thế sự.

Khác với nhiều người, thơ Phạm Đương được tạo nên bởi chất liệu văn xuôi. Anh quan tâm đến phần bụi bặm của đời thường. Anh thường nói nhiều đến sự nhàm chán, nhạt nhẽo (tôi chờ, nhàn nhạt, trong cơn giông), những cặn bã của đời sống (tình cờ, diệp lục), những thứ rác rưởi eo sèo (buổi sáng, sau lễ)... Anh luôn sống trong tâm trạng “nhiều ngày nhàn nhạt trôi qua”, như cứ muốn tự bỏ thêm muối vào, muốn lục tung ký ức, mở nhạc thật to để không phải nghe những điều dối trá, nhưng rồi tất cả đều bất lực, bởi “có ngâm toàn thân vào muối / cũng không thể nào mặn được” (nhàn nhạt). Chúng ta đang sống trong một thời buổi đầy những biến động, không thiếu những thăng hoa phát triển, nhưng trong lòng  nó cũng không thiếu những miền khuất tối lạnh lẽo, những mặt trái của đời sống mà đôi khi nhìn vào đâu cũng thấy:
                buổi sáng
                mở trang báo ra là gặp rác
                ập đến từ mọi phía
                cả cái phía từng được coi là sạch nhất

Nó tràn ngập, làm cho con người sờn mòn cảm xúc, đến nỗi có lúc ta có cảm giác rằng chính bản thân mình cũng tham gia vào đống rác ấy: “bây giờ anh mới thấy / đôi khi mình cũng là một thứ rác / vô cảm lặp lại mỗi ngày / mãn tính (buổi sáng). Cảm giác đó trở thành nỗi ám ảnh, trì nặng tâm trạng của người làm thơ, chi phối cách nhìn về đời sống, trước những vận động đổi thay:
hôm qua là hoa
còn nay là rác
bao lời xum xuê
thay bằng tệ bạc

từ hoa sang rác
cách một ngày thôi
tôi hỏi thằng tôi:
mày hoa hay rác
                                               (sau lễ)
Nhưng đừng vội cho rằng Phạm Đương hằn học với đời sống, thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người, vì nhìn đời bằng đôi kính màu đen. Anh xới tung tất cả những tối tăm để tìm ra ánh sáng, trong cái lạnh lẽo của mùa đông anh vẫn nhận ra sự nẩy lộc đâm chồi của nhựa sống mùa xuân:
hình như vẫn còn vẳng đâu đây
tiếng của cành bàng vừa trút lá
anh không nghĩ đó là lời tiễn biệt cuối cùng Hà Nội
chỉ hy vọng sau phút lìa cành ấy
sẽ là tiếng cựa mình chồi non
                                                         (Hà Nội mùa đông năm ngoái)

Nghịch lý của đời sống cũng chính là nghịch lý của cảm xúc thơ ca. Giữa bộn bề của đời sống, sự bươn chải của con người trong nhịp sống đời thường, vẫn không thiếu những phẩm chất tươi đẹp, giữa trạng thái thế sự nặng nề không thiếu những cảm xúc tươi non. Xuyên suốt trang thơ, ta dễ nhận ra anh luôn có một cái nhìn đằm thắm, ấm áp về quá khứ, về những tháng ngày phù sa trong ký ức bãi bồi. Lần đọc trang thơ, như lần lại những dấu chân, buồn nhiều hơn vui, chiêm nghiệm, xót xa hơn là thoả mãn hài lòng, nhưng vẫn có thể tìm thấy sự chấp nhận, bằng lòng như chính đời sống con người vốn là như thế:
gửi lại tháng giêng
giấc mơ bầu bí
gửi lại những bước chân sợ hãi
từng đi qua hoang mạc đời người
cơn gió nồm thổi lại
anh cũng vừa phôi thai...
                                             (những bước chân gửi lại)

Nếu những bài thơ viết về những người thân thấm đẫm tình cảm, thì ở những bài thơ trữ tình thế sự biểu hiện sức nghĩ nhiều hơn là sức cảm, thể hiện thái độ của một người nhập cuộc nhưng vẫn nhìn đời sống bằng con mắt điềm tĩnh, luôn mang tâm trạng đối lập với những tiêu cực, eo sèo của đời sống nhưng vẫn tha thiết yêu đời. Điều đó thể hiện rõ trong  nhiều bài thơ hay trong tập như buổi sáng, cách tôi, tôi chờ, một phần tư ngày, nhàn nhạt, có lúc, diệp lục, mai, những bước chân gửi lại, Hà Nội mùa đông năm ngoái... Điều đáng lưu ý nhất trong thơ Phạm Đương là những cố ý về hình thức, những yếu tố tạo nên giọng điệu ngôn từ và thế giới hình tượng nghệ thuật trong thơ. Những tiêu đề, những chữ đầu câu tôi dẫn ra từ đầu bài viết cho đến nay, đều không viết hoa, là trái với ngữ pháp thông thường, nhưng đúng với nguyên văn hàm ý của tác giả.

Toàn tập thơ, từ đầu đến cuối, ngoại trừ một số tiêu đề in theo mẫu chữ in hoa và một số tên riêng như Chu Thượng, Văn Cao, một số địa danh như Hà Nội, Khâm Thiên, Quảng Ngãi anh có viết hoa, còn lại đều viết thường, kể cả đầu câu, đầu đề, nhan đề của tập thơ và cả tên tác giả. Đó là sự cố ý của tác giả, nhằm tạo nên sự liền mạch giữa các yếu tố, sự bình đẳng giữa từng con chữ, làm cho mạch cảm xúc của người đọc không bị ngắt quãng và hình tượng thơ được đặt trong mối quan hệ mật thiết với nhau, hình thành thế giới nghệ thuật thơ của riêng anh, không trộn lẫn với bất kỳ ai. Đọc thơ anh, phải “đọc” cả tiêu đề mới hiểu hết bài thơ; đề không chỉ là sự khái quát chủ đề của nội dung, mà là mở đầu cho nội dung, mang một nội dung khác, một bộ phận làm nên nội dung. Về thi pháp hình thức, tất cả các yếu tố, các thành tố tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật đều có giá trị nội dung, tách rời, bỏ qua hoặc thay đổi bất kỳ yếu tố nào, đều ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm. Cái thế giới không viết hoa của Phạm Đương là một hàm ngôn nghệ thuật độc đáo.

Về thể thơ và giọng điệu ngôn từ, ngoài bài chợ Chùa viết theo thể lục bát, một vài bài viết theo thể năm chữ, bốn chữ, nhưng vần điệu cũng phóng túng như thể thơ tự do. Anh viết như nói thường ngày. Nhưng nói có chất thơ. Không bị ràng buộc bởi một niêm luật nào, tạo cho thơ anh sức bứt phá về ngôn từ và cả về cảm xúc. Người làm thơ không chú trọng đến việc chải chuốt về câu chữ, mà chỉ nhằm chải chuốt ý tưởng, trình bày ý tưởng, đồng cảm với nỗi niềm của tha nhân và muốn nói với họ một điều gì:
tôi đi tìm hạt muối
dưới đáy
lại gặp một dòng sông héo khô
những tầng nước ngầm quên lãng

ở đó
đang mọc lên những câu thơ
diệp lục
                                                     (diệp lục)

Là nhà báo có tài, Phạm Đương giỏi phát hiện ra đề tài và có cái nhìn lộn trái vấn đề để tìm ra một cách nói, một cách lý giải vấn đề có sức thuyết phục. Điều đó, ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tạo thơ ca. Trước sự ra đi của người anh kế, nhờ có công nghệ máy tính, người ta khoác lên tấm ảnh một chiếc áo vét, một thứ trang phục mà khi còn sống, anh chưa mặc bao giờ, làm tác giả chạnh lòng nghĩ đến sự tha hoá nhân cách (di ảnh); mỗi người có một nhân cách, một cái bóng riêng, khi đã đánh mất nhân cách trở thành cái bóng của người khác, thì cái bóng của chính mình cũng mất đi (cái bóng), hoặc nhìn hoa tàn sau ngày lễ, nhìn mẹ ngồi chờ con lúc nửa đêm, nghĩ về địa danh chợ Chùa, nhìn hai cây hoa đại trên hè phố Khâm Thiên...anh đều cài cảm xúc bủa giăng như mắc lưới, để có những câu thơ đầy trăn trở trước cuộc đời. Đọc thơ anh, nghe cái giọng tưng tửng mà thấm đẫm nỗi niềm, lòng tôi buồn thăm thẳm.

Tuy nhiên, theo tôi người làm thơ hay có thể trở thành nhà báo giỏi, nhưng một nhà báo giỏi chưa chắc đã có thể trở thành người làm thơ hay. Đây chỉ mới là tập thơ thứ hai của anh. Anh còn trẻ. Đường còn xa, đôi khi xa đến mức ngao ngán. Chưa thể nói sớm một điều gì. Chỉ có một điều cần khẳng định là, khác với nhiều loại thơ du dương về giọng điệu, nồng nàn về cảm xúc nhưng đọc lên vẫn cứ nhàn nhạt, không đọng lại điều gì, với thơ Phạm Đương, mỗi bài là một trăn trở, một đề xuất với cuộc đời, mà cảm hứng chủ đạo là khát vọng về sự hoàn thiện nhân cách của con người, vượt lên trên tất cả thói giả dối, khoa trương, tìm đến bản chất người của con người với tất cả những biểu hiện phong phú của nó. Đó là cái đáng quí và đáng ghi nhận ở Phạm Đương.
                        P.P.P

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hai thằng bạn (30/10/2008)