Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Vài nét về âm nhạc dân gian Huế trong đời sống hiện nay
10:58 | 30/10/2008
DƯƠNG BÍCH HÀTheo dòng lịch sử, âm nhạc dân gian Việt Nam không ngừng hội tụ, giao thoa với nhiều nền âm nhạc của nhiều dân tộc, nhiều xứ sở, tuy nhiên, theo một dòng chảy - với truyền thống hàng nghìn năm, vẫn nguyên vẹn bản sắc của riêng mình. 54 tộc anh em, với những nét đặc trưng riêng biệt, đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, đầy màu sắc, đầy hương vị cho nền âm nhạc nước nhà.

Có thể nói, âm nhạc là người bạn đồng hành với con người từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên. Con người dùng âm nhạc để thổ lộ những tâm tư, tình cảm, khát vọng, cuộc sống sinh hoạt của mình, và ngược lại, âm nhạc phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm của con người một cách chân thực, sinh động và trung thành nhất.
Là một trong những trung tâm văn hoá lớn của cả nước, Huế là sự hoà hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Theo GS.Trần Quốc Vượng, Huế là “... nơi hội tụ của Núi - Đồi, Cồn - Bàu, Đầm - Phá..., là một vùng điển hình của sự Đan xen - Hỗn dung - Tiếp biến và giao thoa của ngôn ngữ - văn hoá Chàm - Việt - Hoa - Môn - Kh'mer...” và: “...Văn hoá dân gian - trong đó có âm nhạc, được kết tinh bởi 3 nguồn văn hoá, đó là văn hoá Việt, văn hoá các tộc ít người ở Trường Sơn và văn hoá Chăm...”. Trên quê hương này, con người đã sáng tạo ra một sản phẩm tinh thần quý giá - đó là kho tàng các làn điệu dân ca nhạc cổ - một bộ phận có ý nghĩa quan trọng trong nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt . Tính chất núi Ngự sông Hương biểu hiện rõ nét trong âm nhạc Huế - với đầy đủ 2 bộ phận: Dân gian và bác học, đã trở thành một nét đặc trưng văn hoá, tình cảm và tâm lý con người xứ Huế.

Âm nhạc dân gian ở Huế chủ yếu là thanh nhạc, gồm những làn điệu dân ca có cấu trúc giai điệu, tiết tấu tự do, phóng khoáng, dễ hát, dễ thuộc, gắn bó với đời sống sinh hoạt của đại đa số quần chúng. Âm nhạc dân gian Huế khá đa dạng, trong đó, dân ca lại càng phong phú với các thể loại như Hò, Vè, Đồng dao, Hát ru, Lý... mà thể loại nào cũng “chiếm vị trí hàng đầu” (theo GS.Vũ Ngọc Khánh). Các thể loại trên, bằng chất lượng nghệ thuật, tính chất đặc trưng, đã tạo nên những điểm sáng trong kho tàng âm nhạc dân gianViệt .
Trong sự đổi mới của đất nước, với sự phát triển nhanh và mạnh về mọi mặt của xã hội, âm nhạc dân gian Huế không những đối diện về chính trị, văn hoá, xã hội... mà còn đối diện với tất cả chiều sâu, với đủ mọi góc cạnh của nền văn hoá dân tộc, trong đó có âm nhạc.  Vì vậy, giữ gìn và phát triển các giá trị âm nhạc dân gian Huế là một việc làm cấp bách.

Hiện trạng về vị trí âm nhạc dân gian Huế trong đời sống hiện nay là hệ quả trực tiếp từ những cái được và chưa được trong bảo tồn. Cái “giữ” được thì ít, cái “mất” thì quá nhiều. Vốn cổ bị thất truyền dần dần, phần thì theo các cụ lớn tuổi về với tổ tiên, phần thì do chưa có ý thức bảo vệ, lưu giữ, phần còn lại thì có nguy cơ bị biến thành dịch vụ câu khách. Thậm chí, cả nhạc cụ - một phần không thể thiếu trong nền âm nhạc dân gian Huế, gần như cũng trở thành một món hàng. Đối với khách, nó như một món quà lưu niệm cũng có thể như một món đồ cổ, của lạ mà người ta dùng để trao đổi, mua bán. Đối với dân ca, dân nhạc, do chưa có sự quan tâm thấu đáo, và cũng một phần do môi trường, do chưa có kinh nghiệm và kiến thức sâu, rộng về âm nhạc dân gian nên phần lớn các nhà nghiên cứu cũng chưa được tự tin, chưa vững vàng dày dạn trong công việc, kết quả là chúng ta chỉ nắm bắt và nghiên cứu một cách hời hợt, máy móc và cứng nhắc. Người ta thường nhìn nhận âm nhạc dân gian bằng tiêu chí âm nhạc học của Châu Âu, nên khi đi sâu vào khai thác các phần “hồn” thường lúng túng, chẳng hạn như, từ trước đến nay, khi đàn hoặc hát, hiện tượng các âm “non, già” làm người ta khó xử lý, và đành phải quy về cao độ “chuẩn” theo kiểu Châu Âu cho... “tiện”, ngoài ra, để phục vụ chính trị, người ta còn đặt lời mới mang nội dung Cách mạng - có nhiều bài đặt lời mới nữa vô tội vạ, gượng ép và sống sượng, theo kiểu “khoá hóc Liên Xô ngày nay tiến bộ hơn Mỳ” (hát theo làn điệu Chèo: Khoa học thành khoá học, Mỹ thành Mỳ!). Một số bài bản đã in vẫn chưa đủ độ tin cậy (in sai cũng có, một phần do điều kiện nên nhiều nhà âm nhạc học khi ghi âm có khi cũng chưa được chuẩn xác lắm).

Ngoài ra, ở Huế hiện nay, trong dàn nhạc hoặc đệm do dân ca, người ta “sáng tạo” bằng cách thêm, bớt nhạc cụ, hay là dùng đàn dân tộc đánh bài mới sáng tác, và các ca sĩ hát dân ca thì cũng “say sưa” hát bài mới sáng tác. Đa phần các ca sĩ trẻ hiện nay, do không hiểu thấu đáo, chưa “ngấm” được cái hay, cái đẹp của dân ca, nên khi biểu diễn, họ chỉ chú trọng hình thức, cứ thản nhiên hát một cách vô hồn, vô cảm, thậm chí còn tự do hát theo kiểu mình thích, có khi do tự do ngân nga, luyến láy mà bị ảnh hưởng âm hưởng của dân ca Nam Bộ mà vẫn không biết!?!. Các nghệ nhân “thứ thiệt” thở dài ngao ngán - Nếu cứ tiếp diễn như vậy, liệu ngày mai những tinh tuý, quốc hồn quốc tuý mà cha ông đã dày công vun đắp, giữ gìn, có còn lại bao nhiêu?

Cuộc sống càng hiện đại, vốn cổ chưa được khai thác, giữ gìn đầy đủ, thì có lẽ lớp trẻ là người chịu thiệt thòi nhất. Do không được gần gũi, chưa được dạy dỗ một cách có hệ thống về âm nhạc từ nhỏ, nên kiến thức về âm nhạc dân gian của họ rất ít, họ chỉ thưởng thức một cách máy móc, thụ động, mà không cảm nhận một cách tinh tế giá trị nghệ thuật của các bài bản dân ca, nên họ không biết mình đã bị “mất” rất nhiều! Những gì mà họ được nghe, được hiểu là âm nhạc dân gian thì cũng chỉ là một phần nào đó, còn lại thì đa phần đã biến dạng hoặc “hiện đại hoá” rồi - Một khi đã  không hiểu, thì làm sao họ có ý thức gìn giữ yêu quý nó trong lúc đó thì các thể loại âm nhạc phương Tây như Pop, Rock, HipHop... với tiết tấu sôi động, hiện đại, trẻ trung đã lôi cuốn, thu hút họ rất mãnh liệt; họ cứ lao theo mà nghĩ rằng đó mới chính là âm nhạc, là thời thượng, là biết “nghe” nhạc... Như nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu nói: “... Bị ám ảnh với lòng tự ti dân tộc và nỗi lo sợ cổ hủ, lạc hậu, mọi nếp nghĩ, cách làm đều cố hướng tới mục tiêu: Khoa học - Tiên tiến - Hiện đại; không chỉ trong phát triển âm nhạc mới, mà cả trong việc bảo tồn và phát huy nhạc cổ... nên những kinh nghiệm tích luỹ ngàn đời trong phương pháp diễn tấu, truyền khẩu, phát triển thính giác và trí nhớ âm nhạc... ở ông cha bỗng lặn mất tiêu, chẳng thấy di truyền lại cho con cháu hôm nay nữa...”.

Thời gian gần đây, cũng có xuất hiện nhiều bài phê bình, nghiên cứu âm nhạc dân gian Huế (Kể cả của người “ngoại đạo”), có những ý kiến sâu sắc - nhưng cũng có những hời hợt, nông cạn; có những bức xúc rất chính đáng - nhưng cũng có những kiểu nhìn nhận trịch thượng, máy móc. Dù gì đi nữa thì cũng có thể thấy rằng “guồng máy” đang rục rịch chuyển động, và ý thức cảm nhận về âm nhạc dân gian Huế đã bắt đầu được chú ý, thức tỉnh. Lo lắng cho sự mai một, thất truyền của nền âm nhạc tỉnh nhà - phải chăng cũng là điểm khởi đầu của tình cảm vì quê hương - một niềm tin vào tương lai của nền âm nhạc dân gian Huế?

Trong công tác nghiên cứu,sưu tầm, chỉnh lý, phân tích âm nhạc dân gian, một số người đã lúng túng, ngần ngại trước hàng loạt biến thể của "lòng bản", có người cực đoan phủ nhận những bài bản cổ xưa, vì họ cho rằng nó lạc hậu, không còn phù hợp nữa; có người lại không chấp nhận những biến thể của lòng bản, dị bản, cho rằng yếu tố dân tộc chính hiệu là những cái đơn sơ, mộc mạc của lòng bản; ở đó, sắc thái dân tộc mới rõ nét. Có sự cực đoan và bảo thủ trên, do không nhìn nhận; xem xét tính chất dân tộc trong âm nhạc trên quan điểm duy vật biện chứng, không thấy khuynh hướng của sự vận động phát triển từ thấp đến cao, cũng như tính kế thừa của âm nhạc dân gian - Tác phẩm âm nhạc dân gian chính là phiên bản chân thực của tâm hồn, tư tưởng của con người trong một điều kiện sống cụ thể, ở một thời đại cụ thể, được vận động trong không gian và thời gian, lưu giữ trong tâm thức con người truyền từ đời nầy sang đời khác. Sự vận động và phát triển của âm nhạc dân gian Huế từ truyền thống đến hiện đại là một quá trình biến đổi từ thấp đến cao. Cái “hiện đại” hôm nay sẽ trở thành “cổ truyền” của ngày mai, cái hôm nay tất yếu phải hoàn thiện hơn cái hôm qua - chu kỳ đó thể hiện tính vô tận của sự phát triển, nếu được khai mở đúng hướng, tất yếu sẽ phát triển thêm những yếu tố ngày càng hiện đại trong tương lai. Chính vì vậy định hướng “tính dân tộc” đã được xem là quan trọng đối với văn hoá nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) của Đảng và nhà nước ta - nó vừa là ý nghĩa, vừa là mục tiêu, nó tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm công tác âm nhạc có thể phát huy được khả năng và niềm đam mê, tâm huyết của mình.

Trong lĩnh vực sáng tác, cải biên, vận dụng và phát triển âm nhạc dân gian Huế, các nhạc sỹ đều áp dụng các đề tài, giai điệu, điệu thức và các thủ pháp màu sắc dân ca, nhưng họ căn cứ vào nhiệm vụ sáng tác của mình mà mỗi người có phương thức xử lý riêng, họ kế thừa một cách chắt lọc, không bê nguyên xi nhưng cũng không phủ nhận cái cũ, sao cho các sáng tác của họ hoàn thiện hơn, phù hợp hơn các giai đoạn trước để lại trở về với nhân dân!
Trước những thực trạng như vậy, các ban, ngành liên quan, một vài cơ sở giảng dạy và nghiên cứu (Như trường ĐHNT Huế, trường VHNT Thừa Thiên - Huế, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế...) cũng đã lao vào cuộc: Đã mở các lớp đào tạo, đưa âm nhạc dân gian Huế vào chương trình giảng dạy, mời các nghệ nhân đàn và hát đến truyền nghề, truyền ngón cho các em SV - HS theo phương thức truyền khẩu, thực hành. Đầu tư và chủ động tổ chức những cuộc hội thảo, sưu tầm điền dã, một số nhà nghiên cứu, lý luận đã có một số công trình đạt được những thành công nhất định - Đó cũng chỉ ở diện hẹp, vẫn chưa có thể làm cho âm nhạc dân gian Huế lấy lại được diện mạo của mình. Cần có kế hoạch đồng bộ, khép kín công việc sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo và sử dụng để có hiệu quả tốt hơn!

Điều quan trọng và hàng đầu nhất là đưa âm nhạc cổ truyền - trong đó có âm nhạc dân gian Huế vào giáo dục. Như một số nhà nghiên cứu đã nói: "Vốn cổ trường tồn hay không còn tuỳ thuộc vào bề sâu của đào tạo và diện rộng của giáo dục, vào quan niệm bảo tồn  đúng đắn trong đào tạo và quy mô phổ cập của giáo dục”. Đừng nên nghĩ rằng việc đó khó, hay là các em không thích hoặc không có năng khiếu thì không học được! Quan trọng là chúng ta định hướng và có kế hoạch, chương trình phù hợp cho các em ở các trường phổ thông.Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: “Giáo dục và cưỡng bức”, và: “việc học nhiều phải đi từ không tự nguyện tới tự nguyện”. Tất nhiên, muốn các em đam mê và yêu thích âm nhạc thì phải hướng cho các em có sự cảm nhận và thưởng thức kèm với học, không thể nhồi sọ một cách nặng nề được, nên áp dụng kiểu vừa học, vừa chơi tuỳ theo lứa tuổi các em. Ngoài ra, cần tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi, thảo luận  ngoại khoá (đối với lứa tuổi lớn hơn), hoặc các buổi giao lưu, liên hoan văn nghệ các cuộc thi lấy âm nhạc dân gian làm chủ đề..v.v...

Đối với các nhà quản lý, nghiên cứu, nên quan tâm và đầu tư kinh phí, nhân, lực, thời gian... để tổ chức có hiệu quả việc sưu tầm, lưu giữ các bài bản bằng băng, đĩa ghi âm, ghi hình, kèm theo văn bản. Ở các trường chuyên nghiệp nên chọn và cử những sinh viên xuất sắc đến học thêm nghề ở các nghệ nhân, bám sát họ để nắm bắt được các kỹ thuật - rung, nhấn, luyến láy, đưa hơi, nhả chữ  của các cụ, điều đó, phần nào giữ lại được cái tinh tuý của vốn cổ. Luyện cho các em nghe và nhớ chính xác cao độ, tiết tấu các bài bản âm nhạc dân gian, kết hợp sử dụng các phương tiện khoa học như nghe, phân tích trên băng đĩa các bài bản của các nghệ nhân, để có thể tạo ra lối chơi riêng, và thẩm thấu được nét nhạc, hơi của các cụ. Các nghệ nhân nên trực tiếp sửa, nắm tay đàn, giọng hát cho các em thật kỹ ngay từ đầu. Trong đào tạo, cần giảng dạy đúng và chính xác những bài bản âm nhạc dân gian. Nên song hành dạy ký xướng âm theo lối 5 dòng kẻ của phương Tây và đọc chữ nhạc theo lối “Hò xự xang...” của Việt để SV-HS có thể hiểu và nắm bắt kỹ hơn các bài bản.

Có thể còn có nhiều vấn đề “cần” và “nên”. Trước những điều đã làm được và chưa làm được, mong rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư về mọi mặt của các ban, ngành liên quan, cộng với sự tâm huyết của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, âm nhạc dân gian Huế sẽ khởi sắc, xứng đáng với tầm vóc của nó, vẫn giữ nguyên vẹn được bản sắc của mình, sống mãi với công chúng, với thời gian!
                       
   Huế 9 tháng 7/06
                                D.B.H

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hai thằng bạn (30/10/2008)