Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Văn hoá như là nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương
14:42 | 30/10/2008
NGUYỄN VĂN HẠNHI. Có những quan niệm khác nhau về bản chất, chức năng của văn chương, và có những cách thức khác nhau trong sáng tạo và khám phá văn chương, tuỳ theo hoàn cảnh, mục đích, trình độ, khuynh hướng nhận thức và hoạt động của con người trong lĩnh vực này.

Văn chương có lúc được coi là tiếng nói của tình cảm, là tự biểu hiện, ký thác tâm tư, ước vọng của con người; có lúc được xác định là một hình thái ý thức, một công cụ nhận thức, phản ảnh, miêu tả thực tại, là hình ảnh,bức tranh của đời sống; rồi có lúc văn chương lại được định danh là một loại hình nghệ thuật đặc biệt dùng ngôn từ làm phương tiện biểu đạt, là nghệ thuật ngôn từ v.v... Do đây mà các tác phẩm văn chương, cũng như các công trình nghiên cứu văn chương, được thực hiện theo những hướng, những phương pháp khác nhau; ý nghĩa và giá trị, vì vậy, cũng có nhiều mức đô. Sự khác biệt này so hàng loạt yếu tố khách quan và chủ quan qui định, nhưng, một cách khái quát, có thể nói do tác động của môi trường sống, của thời đại khúc xạ qua lăng kính của từng cá nhân người sáng tác hay nghiên cứu.

Trong lịch sử vận động và phát triển của văn chương,văn chương được đặt trong mối liên hệ mật thiết, được so sánh, đối chiếu, khi thì với đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo, tâm hồn con người, khi thì với xã hội, tự nhiên, cuộc sống. Và văn chương có thể được tiếp cận dưới góc độ tư tưởng, triết học, mỹ học, hay lý thuyết thông tin và giao tiếp, ngôn ngữ học, ký hiệu học... Gần đây, cách tiếp cận văn hoá đối với văn chương, mối liên hệ giữa văn chương và văn hoá được nhấn mạnh, và văn chương được xem xét dưới góc độ văn hoá học, hay nhân học văn hoá.

Sự thay đổi, đổi mới trong sáng tạo và nghiên cứu văn chương là tất yếu, theo những cách thức, con đường khá đa dạng, phong phú, chung qui vẫn là nhằm khai thác ngày một sâu sắc , mới mẻ bản chất, tiềm năng và chức năng của văn chương, đáp ứng tinh tế và linh hoạt hơn những nhu cầu tinh thần phức tạp và luôn thay đổi của con người, giúp cho sự vận động và phát triển của văn chương được thuận lợi, hợp qui luật.
Dù biến đổi không ngừng qua các môi trường xã hội và lịch sử khác nhau, văn chương nghệ thuật từ xưa đến nay vẫn đi sâu khai thác hai mặt cơ bản nhất là sự thật và tư tưởng nhân văn trong cuộc sống con người và xã hội, luôn có một cách nhìn kết hợp thực tế và lý tưởng, cái hiện có và cái nên có, khiến con người nhận chân được thực trạng nhân thế, sống có ước mơ, có khát vọng về chân, thiện, mỹ. Trong thời kỳ hiện đại, khi con người bị cuốn vào một thế giới đầy mâu thuẫn và biến động dữ dội, quá trình tha hoá, xuống cấp của con người và xã hội diễn ra trầm trọng và phổ biến, văn chương càng có tác dụng giữ gìn, bồi dưỡng phẩm chất cho con người, củng cố ở con người niềm tin vào cuộc sống và vào chính mình, tạo cho con người một sự cân bằng tinh thần cần thiết để tồn tại và tiếp tục phát triển.

Thật ra, bản chất và chức năng của văn chương được xác định không đơn thuần từ chính nó, từ truyền thống hay các tiền đề lịch sử của bản thân, mà bằng tác động đầy uy lực của cuộc sống, và thông qua liên hệ giữa nó và các hoạt động tinh thần khác của con người trong từng thời kỳ, để có thể phát huy được sức mạnh tối ưu và minh chứng lý do tồn tại không thay thế được của nó. Văn chương không chỉ là tư tưởng, nghệ thuật hay ngôn ngữ, mà là một hợp chất tư tưởng - nghệ thuật - ngôn ngữ. Những sáng tác hay công trình nghiên cứu cụ thể về văn chương có thể có đóng góp mới, nổi bật về từng mặt tư tưởng, nghệ thuật hay ngôn ngữ, nhưng tiến trình của văn chương, giá trị và ý nghĩa của tác phẩm văn chương phải được nhận diện, đánh giá một cách tổng hợp cả trên ba mặt đó, và nhà văn lớn thời hiện đại phải đồng thời là một nhà tư tưởng đứng ở đỉnh cao tư tưởng của thời đại, một nghệ sĩ tài ba và một bậc thầy về ngôn ngữ.

Thông thường thì sự đổi mới văn học một thời kỳ lúc đầu đi theo hướng phản ứng lại, đối lập trực tiếp những gì có trước đó, thể hiện một cái nhìn mới, một cách diễn đạt mới đối với những hiện tượng cũ, vấn đề cũ. Nhưng ở giai đoạn sau, giai đoạn ổn định, trưởng thành, sự đổi mới lại tập trung phát hiện những vấn đề mới, hiện tượng mới, tìm cách xử lý mới những vấn đề cơ bản có ý nghĩa lâu dài, “vĩnh cửu” của văn chương.

Thời xa xưa, văn chương từng tồn tại dưới dạng nguyên hợp, bất phân giữa văn và tín ngưỡng, tôn giáo, văn và triết, văn và sử, bình diện tình cảm, tư tưởng của văn chương được đưa lên hàng đầu. Sau đó, diễn ra quá trình khu biệt hoá văn chương, mặt nghệ thuật, thẩm mỹ, rồi mặt ngôn ngữ được đề cao, như ta có thể nhận thấy trong các cách tiếp cận nghệ thuật học, mỹ học và ngôn ngữ học đối với văn chương ở thế kỷ 19 và 20. Quá trình khu biệt hoá này rất cần thiết, có tác dụng đẩy nhanh sự phát triển của văn chương, cả về mặt sáng tác và nghiên cứu. Nhưng cũng chính quá trình khu biệt hoá này đẩy đến một trình độ nhất định đã tạo tiền đề, đồng thời làm nẩy sinh nhu cầu cần có một cách nhìn tổng hợp mới, liên ngành đối với văn chương, nêu rõ mối liên hệ đa chiều của văn chương không chỉ với nghệ thuật, ngôn ngữ, tư tưởng, mà còn với các hoạt động tinh thần quan trọng khác của con người. Trong tình hình này, đã xuất hiện cách tiếp cận văn hoá đối với văn chương.

Cách tiếp cận văn hoá đối với văn chương là một đòi hỏi của thời đại, có khả năng tạo động lực mới cho văn chương, làm cho sự sáng tác, nghiên cứu hay tiếp nhận văn chương không còn đóng khung trong lĩnh vực thuần tuý văn chương, ở một số người đọc hạn hẹp, mà trở thành quan tâm chung của rất nhiều người, của cả cộng đồng xã hội rộng lớn.
Trong sự phát triển của đất nước ta ngày nay, văn hoá được quan niệm, thức nhận là nền tảng tinh thần của xã hội, một mục tiêu định hướng bao trùm, tác động sâu xa đến các lĩnh vực hoạt động khác, như kinh tế, chính trị, tư tưởng, khoa học, giáo dục...Nhìn dưới góc độ văn hoá, tức tìm hiểu, trình bày sự vật, quá trình vừa trên diện rộng, vừa ở chiều sâu, trong mối liên hệ rộng lớn các hoạt động nhiều mặt của con người, và từ gốc rễ, căn cốt, khơi sâu vào nguồn mạch, vào những qui luật và giá trị thường hằng chi phối cuộc sống, lịch sử, sự phát triển của cộng đồng. Qua đây, văn chương càng có thêm sức sống, ảnh hưởng, vị thế của văn chương càng hiển nhiên trong đời sống tinh thần chung của đất nước và thời đại.

II. Văn hóa tích hợp, kết tinh những nỗ lực liên tục của con người trong trường kỳ lịch sử, để duy trì cuộc sống, nâng cao chất lượng sống, phát huy phẩm chất và năng lực làm người. Văn hoá là bản lĩnh của một cộng đồng, thể hiện cả ở bản sắc và trình độ sống, nhận thức và hành động, tiếp thu và sáng tạo.
Văn hoá bộc lộ ở cách thức và trình độ sinh hoạt, tổ chức, ứng xử, ở quan hệ nhiều mặt của con người với thế giới: với tự nhiên, với xã hội, với bản thân. Văn hoá nẩy sinh khi con người bắt đầu có ý thức về mình, cũng có nghĩa là khi con người phân biệt được mình với thế giới xung quanh, với người khác, nhận ra giá trị và ý nghĩa sự thống nhất và khác biệt. Thừa nhận một nền văn hoá là thừa nhận giá trị và tính độc đáo của nền văn hoá đó, nhận rõ sự gắn kết văn hoá của một cộng đồng, đồng thời thừa nhận sự khác biệt của nền văn hoá đó, so với các nền văn hoá khác.

Văn hoá là lẽ sống, cách sống, qui luật sống của một cộng đồng, là khả năng và thiên hướng lựa chọn các ứng xử, các giải pháp của cộng đồng trong những tình huống hệ trọng, có ý nghĩa bước ngoặt của đời sống, của lịch sử. Nói đến văn hoá không thể không nói đến truyền thống, những thói quen, chuẩn mực đã hình thành và truyền lưu lâu đời trong cuộc sống của cộng đồng dưới dạng đức tin, phong tục tập quán; không thể không nói đến trí tuệ, tâm hồn và lẽ phải. Mahatma Gandhi cho rằng nếu qui luật của thú vật là sức mạnh, là bạo lực, thì qui luật của con người là lẽ phải. Từ hàng trăm năm trước, có thể nói thi hào Nguyễn Du đã nêu bật hai giá trị lớn của văn hoá Việt Nam khi đề cập đến chữ tâm và lẽ phải: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” và “mà trong lẽ phải có người có ta”. Người Việt Nam coi gốc của điều thiện ở lòng người, nhân ái, khoan dung, quí tình hơn lý, quí tâm hơn tài, trọng lẽ phải của mình, đồng thời biết thông cảm, chấp nhận lẽ phải của người khác. Văn hoá đòi hỏi phải biết mình biết người, biết mình để biết người, biết người để biết mình.

Tiếp biến văn hoá là qui luật chung của mọi nền văn hoá. Văn hoá Việt Nam chứng tỏ có sức sống bền vững và có tính năng động cao, vừa kiên định nền tảng, bản lĩnh của mình, vừa cởi mở chung sống, hoà hợp với nhiều nền văn hoá khác, biết bồi đắp và làm giàu cho mình trong quá trình phát triển bằng các nền văn hoá đã có cơ hội tiếp xúc, như văn hoá Chăm, văn hoá Trung Quốc, văn hoá Ấn Độ, văn hoá Pháp, văn hoá Nga, văn hoá Mỹ... Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá diễn ra mạnh mẽ; văn hoá dân tộc càng phải phát huy bản sắc và bản lĩnh để chủ động giao lưu, tiếp thu các nền văn hoá khác, và đóng góp tích cực  vào văn hoá chung. Hơn lúc nào hết, cần phải nhận thức, đánh giá, nghiên cứu và xây dựng văn hoá theo quan điểm biện chứng, lịch sử và phát triển. Đứng ở hiện tại, tìm hiểu quá khứ, lại phải hướng về tương lai, thường xuyên và tỉnh táo so sánh mình với người để biết rõ mình đang ở đâu trên con đường văn minh của nhân loại, trân trọng, phát huy cái hay, đồng thời ý thức rõ và quyết tâm khắc phục cái dở của mình, phải thức thời, chủ động và sáng tạo mới tiến lên được trong tình hình rất sôi động, phức tạp, có thuận lợi, nhưng cũng đầy thách thức hiện tại.

Lưu ý cách tiếp cận văn hoá đối với văn chương lúc này cũng có thể góp phần khắc phục khuynh hướng biệt lập hoá, cô lập hoá văn chương đã kéo dài quá lâu, làm cho văn chương xa rời những vấn đề trọng đại, sống còn, bức xúc của đời sống, của xã hội, của lịch sử, của con người, do đó cũng mất đi sức mạnh cảm hoá, thanh lọc lớn lao của nó; khắc phục khuynh hướng đề cao một chiều, tuyệt đối hoá mặt hình thức, kỹ thuật của văn chương, đôi lúc biến văn chương thành một trò chơi chữ cầu kỳ, trống rỗng.
Quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống, của xã hội và con người, của lịch sử, của dân tộc và đất nước, dưới góc độ văn hoá, người viết có thể làm nổi rõ lên những chủ đề, những nhân vật, sắc màu, giọng điệu, cách diễn đạt tiêu biểu, đặc sắc của một cộng đồng, một vùng đất, một thời kỳ, nhờ đây mà tạo ra một tiếng nói mới, có đóng góp mới thật sự cho sự phát triển của văn chương dân tộc và nhân loại.

Trong sự phát triển của văn chương, thể loại nào cũng cần, miễn là tạo được những tác phẩm hay. Nhưng mỗi nhà văn thường chỉ sở trường ở một vài thể loại nào đó mà thôi. Và ở mỗi thời kỳ, do hoàn cảnh và nhu cầu của cuộc sống và người đọc, mà từng thể loại có những thuận lợi và khó khăn riêng. Có thời sự phát triển của thơ thuận hơn văn xuôi, hoặc ngược lại. Chẳng hạn như lúc này, bên cạnh các thể loại ngắn gọn rất thích hợp với nhu cầu thưởng thức của con người hiện đại, nền văn học chúng ra rất cần và cũng có điều kiện, cả về mặt khách quan và chủ quan, để tạo ra những tiểu thuyết tầm cỡ phản ảnh những biến đổi lớn lao, dữ dội, những thăng trầm đầy chất hùng ca và bi kịch mà đất nước chúng ta đã đối mặt mấy mươi năm qua. Tiểu thuyết là thể loại có nhiều khả năng hơn cả, bao quát sự rộng lớn và phức tạp của thực tế xã hội và lịch sử đó, đi sâu vào nguồn mạch văn hoá, để trở thành sử thi của thời đại mới.

Vào cuối những năm 70 thế kỷ trước, có lần tôi đã hỏi nhà văn Nguyễn Tuân vì sao ông không viết tiểu thuyết, ông trả lời ngay rằng muốn viết tiểu thuyết thì cần phải có quan niệm, mà quan niệm thì lúc này làm sao có được? Đó là thực tế và cái khó của một thời. Bây giờ, nhà văn có được thuận lợi hơn để xác lập và bày tỏ quan niệm, -đương nhiên quan niệm nói đây là quan niệm riêng về cuộc sống, về văn học; nhiều người đã có được một vốn sống, một sự trải nghiệm rất đáng quý, lại có độ lùi cần thiết, để có thể nhìn sự vật một cách bao quát và bình tĩnh. Đây quả là thuận lợi cho việc xây dựng tiểu thuyết, cho việc tiếp cận văn chương dưới góc độ văn hoá.

III. Văn học cổ điển Việt Nam có thể cung cấp nhiều dẫn chứng về một cách tiếp cận văn hoá trong sáng tạo thi ca, văn chương, qua tác phẩm của nhiều tác giả thời Lý Trần. Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi là một tác phẩm chính luận, thấm sâu ý đồ chính trị, nhưng cũng thể hiện rất rõ một tầm nhìn văn hoá ngay ở đầu bài cáo:
            Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
            Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
            Nước Đại Việt ta từ trước
            Vốn xưng văn hiến đã lâu
            Núi sông bờ cõi đã chia
            Phong tục Bắc Nam cũng khác
Bài Côn sơn ca đậm đà tính chất trữ tình, hiển lộ một mặt khác trong tâm hồn, trí tuệ của người anh hùng dân tộc, sáng chói một nhân sinh quan, một nhân cách thật giản dị mà cao đẹp, cũng là bài thơ tiêu biểu cho một cách nhìn văn hoá.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác văn chương mang giá trị và ý nghĩa văn hoá lớn. Ở đây ta có thể bắt gặp cách tiếp cận văn hoá, tầm nhìn văn hoá qua cách thi hào trình bày sự đan xen, kết hợp tư tưởng văn hoá bản địa với các đạo Nho, Phật, Lão, qua thiên tài sử dụng ngôn ngữ thi ca và thể thơ lục bát của dân tộc, qua cách các nhân vật xử lý mối quan hệ giữa việc nhà và việc nước, tình yêu và bổn phận...
Trong văn học Việt Nam đương đại, một số cây bút văn xuôi, truyện ngắn, tiểu thuyết, theo những cách và mức độ khác nhau, đã bộc lộ khuynh hướng tiếp cận văn hoá trong sáng tác nghệ thuật, được dư luận rộng rãi chú ý, như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, và gần đây hơn là Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Vi Hồng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu...

Nguyễn Tuân là nhà văn đã sớm biết khơi nguồn và bồi đắp tài năng, phong cách từ hồn cốt văn hoá dân tộc. Dù nói về quá khứ hay hiện tại, viết về con người hay cảnh sắc thiên nhiên, khai thác chất sử thi hay trữ tình ở văn miêu tả, kể chuyện, trong tiểu thuyết, bút ký hay tuỳ bút, ở đâu Nguyễn Tuân cũng đi sâu vào tâm hồn và tính cách Việt Nam, quê hương Việt Nam với vẻ đẹp và sức quyến rũ kỳ lạ, với diện mạo văn hoá đặc sắc, không lẫn vào đâu được. Người đọc trong nước và nước ngoài rồi đây còn hứng thú trở đi trở lại với Nguyễn Tuân chính vì ông, nói như Nguyễn Minh Châu, là “một định nghĩa của văn chương”, tôi muốn nói thêm, vì ông là nhà văn tiêu biểu bậc nhất cho văn chương hiện đại Việt Nam, cho văn hoá Việt Nam, vì sáng tác của ông đã mở ra một hướng đi lớn đầy hứa hẹn trong sự vận động và phát triển của văn học hiện đại Việt Nam.

Trong truyện ngắn, tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc hay Nguyễn Khải, với chủ đề và mức độ thành công khác nhau, ta bắt gặp khuynh hướng, nỗ lực rất có ý thức viết về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, dù đó là thực tế xã hội trước cách mạng tháng Tám hay thời kỳ chiến tranh vừa qua, miền xuôi hay miền ngược, những người chân đất hay lính xung kích, người chị, người mẹ hay người trí thức cách mạng. Các tính cách, các chủ đề, các bức tranh cuộc sống đều được trình bày không đơn thuần dưới góc độ xã hội chính trị, mà dưới góc độ văn hoá.

Là nhà văn nổi tiếng với những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, vào những năm cuối đời, Nguyễn Minh Châu như "ngộ" ra nhu cầu phải có tầm nhìn văn hoá đối với các vấn đề của xã hội, của lịch sử, của con người Việt Nam, ở các tác phẩm như Mảnh đất tình yêu, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Cỏ lau... Viết về người nông dân, người bộ đội, người phụ nữ, lúc này Nguyễn Minh Châu có ý thức đào sâu thêm vào gốc rễ văn hoá của họ, vào bản sắc, bản lĩnh của họ được nuôi dưỡng lâu đời từ lịch sử, từ cuộc sống, từ truyền thống văn hoá trên “mảnh đất tình yêu”. Nhờ đây, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu từ những năm 80 mang một vóc dáng tư tưởng mới, hình tượng người nông dân như lão Khúng, người phụ nữ như chị Quỳ đầy sáng tạo, người đọc quả chưa từng gặp trước đây trong văn học Việt Nam.

Giới văn học có thể nói lần đầu tiên phát hiện ra Nguyễn Huy Thiệp là với truyện ngắn Tướng về hưu. Hoá ra chiến tranh đã khơi dậy tận đáy sâu bao nhiêu năng lượng tiềm ẩn, xáo trộn trong tâm hồn Việt Nam, đã tạo nên một nếp gấp trong suy nghĩ, trong cách sống của không ít người đã gắn bó lâu dài, đã lớn lên với chiến tranh. Trong nhiều tác phẩm của mình, nhất là trong những truyện như Con gái thuỷ thần, Những ngọn gió Hua tát, hay loạt truyện nhại lịch sử như Kiếm sắt, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Huy Thiệp đã khai thác rộng rãi kho tàng văn hoá dân gian, thủ pháp huyền thoại hoá, và đã tạo nên sức lôi cuốn và vẻ đẹp riêng cho những trang viết của mình.

Phạm Thị Hoài viết không nhiều, nhưng những tác phẩm như Thiên sứ và một số truyện ngắn tập hợp trong Mê lộ, chứng tỏ nhà văn rất có ý thức về cách nhìn dân tộc - hiện đại trong sáng tạo nghệ thuật lúc này, muốn phơi bày tính cách, tâm hồn những người cùng thời được nhào nặn bởi truyền thống, thực tế xã hội nghiệt ngã và sự va đập dữ dội của thế giới hiện đại đầy mâu thuẫn và đang biến đổi từng ngày.
Trong những truyện ngắn và tiểu thuyết như Thời xa vắng của Lê Lựu, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Mùa lá rụng trong vườnđám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, ta dễ nhận thấy khuynh hướng soi sáng các sự việc, tính cách từ góc nhìn văn hoá.

Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu, hai nhà văn nữ trẻ tuổi vừa mới xuất hiện đã gây được sự chú ý rộng rãi của những người cầm bút và bạn đọc. Họ có một văn phong rất tự nhiên, rất mới mẻ, ngôn ngữ thật giàu có. Bên cạnh chất trí tuệ, tình cảm, hiện diện nổi bật trong tác phẩm của họ những yếu tố cảm giác, bản năng,vô thức, do đó mà tác phẩm của họ thật sự có sức nặng và buộc người đọc không thể vội vàng được. Vấn đề tình dục được khai thác cặn kẽ, mạnh bạo, “khiêu khích” hơn bất kỳ đâu trong văn học đương đại Việt . Phạm Thị Hoài trước đây muốn làm “một cuộc cách mạng tình dục” trong văn học hiện đại Việt . Chị đã tiến hành những thử nghiệm có tính chất thách thức. Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu tiếp bước quyết liệt và đầy tự tin. Tôi nghĩ chỉ những cây bút nữ có ý thức về nữ quyền mới viết về chủ đề này hào hứng và tạo được sự tin cậy như vậy.

Tình dục quả là một vấn đề lớn, một biểu hiện hiển nhiên của hạnh phúc trong cuộc sống con người và trong sinh hoạt xã hội. Chủ đề này thật ra không còn sức mới mẻ đối với văn học thế giới, nhưng ở ta hình như vẫn còn sức hấp dẫn không nhỏ, vì từ lâu bị cấm đoán, hiện tại vẫn chưa hết sự dè bỉu, lên án. Rồi đây, nhà văn nào còn thích khai thác đề tài tình dục thì xin cứ tiếp tục, miễn là viết cho mới, cho hay, nhưng không thể coi đó là đề tài duy nhất, quan trọng nhất trong văn học ta hiện nay. Và tôi nghĩ cái đáng quí ở Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu là họ đã nhìn thấy trong quan hệ tình dục ý nghĩa nhân bản và văn hoá. Ấn tượng bao trùm khi đọc những truyện của Nguyễn Ngọc Tư, nhất là truyện Cánh đồng bất tận của chị, là hình ảnh những con người của làng quê, của ruộng đồng, hồn nhiên, chân thật, phóng khoáng, rất đáng thương mà cũng rất đáng quí, bức tranh về một vùng đất với những nét đặc trưng về lối sống, về lịch sử, về văn hoá, tình yêu và nỗi đau về quê hương. Trong Bóng đè, ngòi bút của Đỗ Hoàng Diệu phóng túng, hiện đại hơn, muốn đi đến cùng trong cảm nhận và suy ngẫm về những vấn đề nhức nhối trong xã hội, trong cuộc sống xung quanh, và đằng sau câu chuyện tình dục, thấm đẫm những dằn vặt, trăn trở, bất an về thực trạng xã hội, về dân tộc và đất nước.

Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, cũng như Đỗ Chu trước đây, rõ ràng là những nhà văn có năng khiếu, có tài; nhưng tôi lo sợ con đường sáng tác của họ không lâu bền. Những người thuộc thế hệ trước như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu có thể cầm bút cả đời là do đâu? Nếu không nói đến tài năng thì hai nguyên nhân tạo nên sự khác biệt ở đây, theo ý tôi, chính là tầm nhìn văn hoá và tính chuyên nghiệp trong hoạt động văn chương.

Quan tâm đến cách nhìn văn hoá trong sáng tác văn chương, tôi chờ đợi rất nhiều ở Nguyễn Xuân Khánh khi tác giả Miền hoang tưởng chuyển sang viết các tiểu thuyết như Hồ Quí LyMẫu thượng ngàn. Mặc dù lối viết không thật mới mẻ, “cái tôi” của nhà văn lại thường xuất hiện hơi lộ liễu, điều này theo tôi, là không thật thích hợp trong tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử, - hai tiểu thuyết vẫn được giới chuyên môn và dư luận đánh giá cao vì nội dung thật phong phú, vì tài nghệ và công phu nhà văn đã thể hiện trong việc khai thác những đề tài có ý nghĩa xã hội, chính trị và văn hoá sâu rộng, như đề tài về con người và thời đại Hồ Quí Ly và đề tài về đạo mẫu ở Việt Nam. Hướng sáng tác và những gì nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã đạt được qua hai tiểu thuyết này thật đáng quí không chỉ vì nó giúp cho chúng ta và bè bạn hiểu thêm về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam, mà còn gợi ý, động viên những người khác quan tâm đến văn hoá như là nguồn mạch trong sáng tạo và khám phá văn chương.

Hướng sáng tác và nghiên cứu phù hợp, mới mẻ có thể có nhiều hứa hẹn, nhưng không nhất thiết đem lại thành công tốt đẹp. Vì điều kiện quyết định vẫn là tài năng. Mà tài năng là một sự chung đúc huyền bí, bất ngờ, không ai biết trước tài năng sẽ xuất hiện ở đâu và lúc nào để cống hiến cho người đọc, cho xã hội những tác phẩm, những tiểu thuyết tầm cỡ đang được mong đợi.
                                            Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7-8/2006
                                                                                    N.V.H

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hai thằng bạn (30/10/2008)