Tạp chí Sông Hương - Số 236 (tháng 10)
Nguyễn Du không viết câu Kiều trùng vận
15:29 | 31/10/2008
NGUYỄN THẾNhững năm gần đây, vấn đề nghiên cứu về Truyện Kiều đã được các học giả Việt trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về Truyện Kiều được đưa ra trong các cuộc hội thảo chuyên ngành về ngôn ngữ, văn học và trên diễn đàn báo chí, Internet...

Việc phát hiện và công bố các bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm ở nhiều vùng miền trên cả nước đã giúp thêm cho giới nghiên cứu tiếp cận được những văn bản “gốc” của Truyện Kiều bằng chữ Nôm (in khắc hoặc chép tay) có niên đại sớm (1866, 1870, 1871, 1872...) Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, so sánh, đối chiếu các dị bản Truyện Kiều một cách khoa học. Đặc biệt là các công trình của GS Nguyễn Tài Cẩn và PGS Đào Thái Tôn... về các bản Kiều Duy Minh Thị 1872, Liễu Văn Đường 1871, Kiều Oánh Mậu 1902. Song cho đến nay, câu chuyện về chữ nghĩa Truyện Kiều vẫn đang tiếp tục được đưa ra để trao đổi thêm về cách đọc, cách hiểu. Tất cả đều với mục đích tìm về gần hơn với nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Bất cứ ai, khi đọc truyện Kiều chắc cũng đều nhớ đến đoạn Nguyễn Du tả cảnh chị em Kiều đi hội đạp thanh:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Đây là nơi mở đầu cho mối duyên gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng, nơi Kiều nhỏ nước mắt trước ngôi mộ nàng ca nhi xấu số Đạm Tiên. Để rồi đêm hôm đó, Kiều được Đạm Tiên báo mộng cho biết, Kiều cũng có tên trong sổ đoạn trường. Một giấc mộng báo trước số phận mười năm lưu lạc, những giọt nước mắt mở đầu cho một cuộc truân chuyên của kẻ má hồng.
Thúy Vân  thấy Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên, nàng đã buông lời:
(Câu 105)                   
Vân rằng: “Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa  
Rằng hồng nhan tự thuở xưa.
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”
Khi khảo sát các bản Kiều chữ Nôm, đến câu 106 - 107, GS Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: “Không lẽ có chuyện trùng vận !”(1) vì hai câu liền nhau đều có chữ cuối là xưa. Trong cuốn “Tư liệu truyện Kiều Bản Duy Minh Thị 1872”, GS Nguyễn Tài Cẩn đọc lại hai câu này là:
Cũng dư nước mắt khóc người đời xưa 
Rằng hồng nhan tự thuở .
(Bản Duy Minh Thị 1872 chép là: Cũng dư nước mắt... còn ở các bản khác đều chép là: Khéo dư nước mắt...)
Câu 106 ở bản
Kiều Oánh Mậu 1902: Khéo dư nước mắt khóc người cổ sơ. Các bản  khác: đời xưa.
Câu 107 bản
Liễu Văn Đường 1871: Rằng hồng nhan tự nghìn xưa. Các bản khác: thuở xưa

Chữ cuối của hai câu 106 +107 ở phần lớn các bản Kiều chữ Nôm đều viết:
chữ  này âm Hán đọc là Sơ; âm Nôm đọc là Sơ hay Xưa đều đúng(2). Song trong trường hợp này nếu hai chữ cuối ở hai câu liền nhau đều đọc âm xưa thì trùng vận.
Khi nghiên cứu về tiếng Huế, tôi phát hiện ra rằng, người dân ở một số vùng nông thôn ở đây vẫn gọi một cách kính trọng đối với người đã chết là “đời sơ” như: anh đời sơ; chú đời sơ; bác đời sơ... Nếu đọc theo tiếng Huế, hai câu này phải đọc là:
Cũng dư nước mắt khóc người đời sơ
Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Như vậy là rất hợp lý và câu Kiều của Nguyễn Du không bị trùng vận. Người đời sơ có nghĩa là người đã khuất.

Huế, nơi đặt kinh đô của Nhà Nguyễn ngày xưa; đồng thời cũng là nơi tập hợp của cư dân khắp nơi trong cả nước, mà đông nhất là dân Châu Hoan, Châu Ái tức là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... ngày nay. Tiếng Huế tập hợp tiếng nói của nhiều vùng miền, trong đó có cả yếu tố ngôn ngữ Việt - Mường. Vì vậy tiếng Huế khá phong phú và đa dạng về mặt ngữ âm và ngôn từ. Hiện nay, người dân ở đây vẫn còn dùng phổ biến một số từ cổ mà đối với thế kỷ trước nó là những từ phổ thông quen dùng. Để hiểu thêm một số từ ngữ cổ trong Truyện Kiều chúng ta cần phải khảo sát thêm về ngữ âm lịch sử các vùng miền; đặc biệt là phương ngữ vùng khu IV cũ (bao gồm Thanh-Nghệ-Tĩnh; Bình-Trị-Thiên) để có thể  tìm về một bản truyện Kiều  gần với nguyên tác.

Quê của Nguyễn Du ở Nghệ An, thời kỳ làm quan với triều Nguyễn, ông ta đã có nhiều năm sống ở Huế. Ở đây không bàn đến thời điểm sáng tác Truyện Kiều vào lúc nào và ở đâu. Song chắc chắn rằng, vết tích của phương ngữ Nghệ An và Huế xuất hiện khá nhiều trong truyện Kiều. Ngay ở kinh đô Huế, truyện Kiều cũng đã được nhiều người sao chép, sau đó lưu hành khắp cả nước, rồi tiếp tục được sao đi chép lại nên ngày nay ta thấy xuất hiện khá nhiều bản Kiều. Nhưng bản Kiều gốc của Nguyễn Du thì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Sự đóng góp của chúng tôi tuy rất nhỏ, chỉ một đôi chữ, nhưng hy vọng rằng, nếu chúng ta quan tâm đến việc tìm hiểu tiếng Huế trong truyện Kiều của Nguyễn Du thì chắc sẽ phát hiện thêm được nhiều điều lý thú về chữ nghĩa của truyện Kiều, một kiệt tác văn học của Đại thi hào Nguyễn Du. 
                      N.T

(nguồn: TCSH số 236 - 10 - 2008)

 

 

 

                            

-------------
(1) Nguyễn Tài Cẩn. Tư liệu Truyện Kiều Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại Học Quốc Gia, HN, 2002, Tr 404.
(2) Bản Kiều của Lâm Nọa Phu 1870 viết hai chữ này theo hình chữ
; Bản Kiều Oánh Mậu 1902 chép hình chữ (câu 106), còn câu 107 chép là : Chữ này đọc âm là xưa (trên chữ sơ: , dưới chữ cổ: )

Các bài mới
Thi nhân (31/10/2008)
Người chợ Kệ (31/10/2008)
Các bài đã đăng