Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp- Chiều tương tác độc đáo
10:38 | 04/11/2008
TRẦN VIẾT THIỆNNăm 1987, người ta từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến sững sờ trước sự trình làng của một cây bút đã vào độ tứ tuần. Tuổi bốn mươi lại là thời kỳ son sắt nhất của cây bút này, nói theo quan niệm của ông: “Đời viết văn cũng giống như đời người đàn bà”.
Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp- Chiều tương tác độc đáo

Nhà văn gặp thời may và văn học được may có nhà văn. Tác phẩm của ông vừa ra đời đã thành “mắt bão”, trở thành cái mà người ta thường gọi là “trường văn, trận bút”. Người mà chúng ta đang nói đến chỉ có thể là một hiện tượng văn học- hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Phạm Xuân Nguyên gọi ông là “hiện tượng hai lần lạ: nội dung lạ, hình thức lạ”. Quả thực như vậy, Nguyễn Huy Thiệp từng nói “Khi viết một tác phẩm, tôi luôn cho rằng nó gây một cảm giác cho người đọc, cảm giác gì cũng được, khó chịu, giận dữ, buồn cười nhưng không cho người ta yên ổn. Tôi dị ứng với thứ văn chương mà người ta đọc rồi úp sách lên mặt ngủ khò”. Và ông đã “khuấy đảo” sự bình yên của người đọc bằng cái nhìn tận sâu bên trong bản chất con người. Nhưng điều chúng ta quan tâm hơn, đó là sự “khuấy đảo” của kĩ thuật viết, tức “hình thức lạ”.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang cảm quan của thơ ca. Nhà văn Lê Minh Hà gọi đó là những truyện ngắn “dữ dội và hết sức thơ”. Cảm quan thơ thể hiện bàng bạc trong tác phẩm của cây bút này: từ ngôn từ đến cấu trúc, từ huyền thoại đến những bài thơ, từ tiêu đề đến những kết thúc.
Cảm quan ấy trước hết thể hiện ở cái tôi đầy chất thơ. Trong truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn không có ý định che dấu cái tôi của mình. Nhưng như Nguyễn Đăng Mạnh từng nói, có một cái tôi lưỡng phân trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, một cái tôi của văn xuôi và một cái tôi của thơ. Cái tôi thứ hai giàu suy tư và bao giờ cũng mênh mang buồn “Buồn thương, xót xa vẫn là âm hưởng bao trùm lên mọi trang viết của Nguyễn Huy Thiệp” [1, tr.460]. Cái tôi thứ hai luôn khắc khoải đi tìm, đi tìm cái đẹp, đi tìm tình yêu, đi tìm thiên tính nữ và tìm lại những chân trời huyền thoại trong vô thức tuổi thơ của mỗi con người. Hoàng Ngọc Hiến hết sức ca ngợi chất thơ được tạo ra bởi thiên tính nữ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: “Tư duy thơ của Nguyễn Huy Thiệp - có khi còn mạnh hơn óc tưởng tượng triết học của Freud - đã biến thiên tính nữ thành một sức mạnh diệu kì: với sức mạnh này, đá cũng phải tan thành nước (Nàng Sinh) và bé Thu chấp chới bay lượn như không” [1, tr.19].

Muối của rừng được coi là bài thơ trữ tình ca ngợi cho cái đẹp, cho sức mạnh diệu kì của thiên nhiên. Cảm quan đậm chất thơ trước thiên nhiên thể hiện thành hình ảnh trở đi trở lại đầy ấn tượng trong Những người thợ xẻ. Những bông hoa ban trắng luôn xuất hiện cùng những câu hỏi day dứt của nhà văn - thi nhân này: “Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không?”. Vài trang sau, tác giả lại băn khoăn: “Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau mày có trắng thế không?”. Giai điệu man mác ấy cứ lặp lại như giục giã con người hãy rũ bỏ cái “vô tâm” mà sống, vì như ông vẫn băn khoăn “Người vô tâm nhiều như bụi đường”.

Âm hưởng thơ ca còn được tạo ra bởi một đặc trưng rất độc đáo: thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp. Việc sử dụng thơ trong văn không phải là hiện tượng lạ, đặc biệt là đối với văn học Việt . Thế nhưng vấn đề ở đây là tính chất và tần số. Đặc điểm này được nhiều nhà nghiên cứu nhận ra: Phạm Xuân Nguyên giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp: “Trong truyện anh có thơ, nhiều thơ”, còn Đỗ Đức Hiểu: “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều bài thơ”. Mức độ đậm đặc của những bài thơ trong truyện ngắn cùng “chất lượng” của nó làm cho nhiều người đọc nghĩ đến một chuyện khá thú vị: nếu tập hợp tất cả các bài thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có được cả một tập thơ hết sức đầy đặn. TN Filimonova, một nhà nghiên cứu người Nga, rất thú vị trước kỹ thuật viết này của Nguyễn Huy Thiệp. Ông dành hẳn một bài viết về nét phong cách trên, bài viết có nhan đề: “Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp”.

Như đã nói, thơ trong văn là chuyện không hề mới, vấn đề là ở phẩm chất của việc sử dụng. Kết quả khảo sát của TN Filimonova cho thấy, trong 24 truyện thì có đến 21 truyện có sử dụng thơ, nhiều trường hợp, thơ chiếm dung lượng lớn . Hơn thế, thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ nhiều mà còn rất đa dạng. Ông khẳng định: “Rõ ràng, đối với Nguyễn Huy Thiệp việc sử dụng thơ - đó không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà là một nhu cầu đòi phải được thoát ra”. Quả thực như vậy, trong văn học, có những bài thơ được đưa vào truyện ngắn hoàn toàn mang tính khách thể. Thế nhưng, trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những câu thơ, bài thơ dù ngắn, dù dài đều nhằm trực tiếp bộc lộ ý chỉ của tác giả hoặc khúc xạ ý chỉ của tác giả. Phải nói rằng, những câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều phải “làm việc”. Trong nhiều truyện, những bài thơ đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc cấu thành cốt truyện, nó kết hợp một cách logic và hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn với cấu tứ của truyện. Đó là trường hợp của các truyện: Chút thoáng Xuân Hương, Trương Chi, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Huyền thoại phố phường, Chảy đi sông ơi, Đời thế mà vui... Ở những truyện này, luận đề của truyện lại được thể hiện một cách đầy cô đọng, súc tích trong những bài thơ, những câu ca dao, những bài đồng dao... Ví như những câu hát trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê. Khi Quyên bảo: “Cánh đồng rộng quá... anh có biết cánh đồng bắt đầu từ đâu không?”. Đúng là một câu hỏi khó, nếu trả lời bình thường, tác giả phải mất vài trang giấy nhưng chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng. Nguyễn Huy Thiệp để Nhâm trả lời bằng một đoạn thơ, đoạn thơ bắt đầu bằng:
Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi
Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng
Đứng bên ni đồng mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng bát ngát mênh mông...

Đặt những câu thơ vào tình huống này, trong lúc này là hết sức đắc dụng.
Thế nhưng, giá trị hơn cả là nhiều truyện mà trong đó, những bài thơ “làm việc” như những đoạn trữ tình ngoại đề, nó thể hiện tiếng nói bên trong đầy tinh tế của nhân vật. Cũng trong Thương nhớ đồng quê, khi cái chết đến với hai cô em gái Nhâm quá oan nghiệt, Nguyễn Huy Thiệp khéo léo mượn lời bài thơ “Đám ma em gái trên đồng” để bộc lộ tâm trạng của các nhân vật. Bài thơ có đoạn:
Tôi đi đưa đám ma em gái trên đồng
Cái chết trắng, cái chết trắng xoá
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng
Những tâm hồn trắng, những cuộc đời trắng.
Có thể thấy, việc sử dụng thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một kỹ thuật viết rất riêng của ông. Chính vẻ đẹp đầy bí ẩn của những truyện ngắn này làm cho Đỗ Đức Hiểu “tò mò” đi tìm nguồn gốc: “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”. Ở đó, ông thấy “những giọt vàng  thơ ca và triết lí. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng những bí ẩn. Nó có nhiều bài thơ. Một hôm tôi bảo anh: “Có phải những bài thơ trong truyện của anh là tinh tuý, là cái thần, tức là tinh thần của truyện ngắn ấy? Anh mỉm cười hiền lành (Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn) và cũng bí ẩn” [1, tr.485]. Trộm nghĩ, dù bí ẩn đến đâu thì chất thơ ấy cũng được phát xuất, được nâng đỡ và chắp cánh từ trong nguồn mạch thi ca dân tộc. Bằng sự tương tác đó, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đạt được tính “lợi hại” của sự kết hợp mà Kuranốp - nhà nghiên cứu người Nga từng đề cập: trong nền văn học hôm nay, chúng ta chứng kiến sự xích lại gần nhau  giữa thơ và văn xuôi... Sự xích lại này làm cho văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẩy, nhiều chất hội hoạ, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm vào từng câu, từng đoạn. Việc xích lại gần với thơ làm cho văn xuôi vừa trở nên sâu sắc hơn, vừa dễ hiểu hơn. Thứ dòng chảy ngầm này cần cho mọi truyện ngắn. Nó giúp cho truyện có thể ngắn gọn mà vẫn súc tích.
Huyền thoại, bản thân nó đã là những biểu tượng, những bài thơ trữ tình đẹp về “thời kì một đi không trở lại” của nhân loại. Huyền thoại tạo nên những “giấc mơ ban ngày” trong trí tưởng tượng bay bổng của người nghệ sĩ. Khi truyện ngắn phủ lên lớp sương mù của huyền thoại sẽ làm cho tác phẩm tiến gần đến thơ. Chúng ta hẳn còn nhớ truyện Con gái thuỷ thần. Huyền thoại về Mẹ Cả ám ảnh nhân vật tôi không dứt. Truyện kết cấu bằng một cuộc đi tìm, đi tìm Mẹ Cả, cũng là đi tìm cái đẹp, đi tìm giấc mơ tuổi thơ, đi tìm chính mình. Thế rồi tôi cứ đi, cứ đi với bao câu hỏi luôn khắc khoải:
Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì?
                             Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...
Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì?
                        Bởi lẽ gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi...
Trong những truyện ngắn giàu chất thơ ấy, người viết có ấn tượng đặc biệt với Chảy đi sông ơi. Một điều thật thú vị là truyện ngắn này chứa đựng tất cả những yếu tố làm nên chất thơ như vừa trình bày ở trên. Tác phẩm ngắn, rất ngắn. Một truyện ngắn có sức nén và độ dư ba lớn. Ngắn đối với tác phẩm này đúng là một phẩm chất. Chất thơ làm nên sự cô đặc, hàm súc; đến lượt nó, sự ngắn gọn làm toả ra chất thơ. Nhan đề tác phẩm đầy chất nhạc: Chảy đi sông ơi. Và quả thực, có một dòng sông của thi ca chảy vắt qua tác phẩm. Đó là một dòng sông có linh hồn “Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì”. Con sông ấy chứa đầy thi vị khi ôm ấp trong lòng những huyền thoại hằn sâu vào kí ức tuổi thơ “tôi”. Ở đó, tác giả gửi gắm ước mơ đầy kì ảo về con trâu đen đem lại sức mạnh phi thường cho những người may mắn. Con sông càng đầy tâm trạng khi trên sông luôn ngân nga một giai điệu trầm buồn:
  bên kia sông có tiếng ai hát một bài rất lạ, tiếng hát thật buồn.
Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?...
Những dòng văn xuôi tuôn dài êm dịu như tiếng thơ, tiếng nhạc dìu dặt, mênh mang. Để rồi truyện ngắn kết thúc bằng tiếng gọi thao thiết, vang vọng chất thơ, gieo vào lòng người đọc bao khắc khoải suy tư không dứt: “Đò ơi... ơi đò! Đò ơi! Ơi đò!
Nhiều người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp lạnh lùng, vô cảm khi có những đoạn “giọng văn nén chặt, rất cọc, vẻ như triệt tiêu mọi cảm xúc”. Nhưng may thay, những dòng văn ấy không bị rơi xuống cái âm vực sắc lạnh của sỏi đá khi bên cạnh nó có những đoạn vút cao, chảy tràn chất thơ. Đó chỉ có thể là chất thơ ấm nóng được thốt lên từ tiếng lòng, tiếng lòng của “hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, của “những tiếng lòng líu la líu lo”.
Khi chất thơ kết hợp với những tố chất thể loại khác sẽ làm cho tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp có được sự rậm rạp trên bề mặt và chiều sâu trong việc thăm dò vào đời sống nội tâm của con người. Bằng cách ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã đi được rất xa, đã làm một cuộc “vượt gộp” trong nỗ lực cách tân văn xuôi. Quý thay, với chất thơ, Nguyễn Huy Thiệp đã đi xa mà như được trở về, trở về với những gì gốc gác nhất, nồng ấm nhất trong nguồn mạch văn chương dân tộc.
                                    T.V.T

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 



----------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhiều tác giả  (2002), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp,  NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội.
2. Bùi Việt Thắng (1987), “Trong tấm gương của thể loại nhỏ”, Văn học(3).

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)
Các bài đã đăng