Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Năm Hợi 2007: nghĩ về con số 7
10:46 | 04/11/2008
HÀ VĂN THỊNHSố 7 là một con số huyền thoại. Nếu như tính xuất xứ xa nhất, công đầu về việc “tìm ra” số 7, thuộc về người Ai Cập, cách nay ít nhất 5.000 năm. Khi hiểu được rõ ràng việc con sông Nil chia làm 7 nhánh trước lúc đổ ra Địa Trung Hải, người Ai Cập vận “lý” để tin là nó nhất định phải hàm chứa nghĩa bí ẩn nào đó phản ánh cái “tư tưởng” triết lý của Đấng Tạo hóa.

Có lẽ đồng thời với cái sự hiểu trên, con người cổ xưa thấy rằng 7 sắc cầu vồng là một ám chỉ hữu hình nhất của ảo ảnh. Sự lung linh vừa huyền ảo vừa thoảng qua ấy, ngắn và rực rỡ như số kiếp của chính con người. Những âm thanh huyền hoặc của âm nhạc, sức mạnh bí ẩn và siêu phàm của nó đã làm cho các nền văn minh, từ Đông sang Tây phải choáng ngợp. Thậm chí, trong những câu chuyện ngoài chính sử của văn minh Trung Hoa, có rất nhiều vũ khí, độc pháp, siêu lực được tạo ra từ 7 nốt nhạc nhiệm màu. Chắc chắn 7 nốt nhạc sẽ bất tử cùng với con người. Tại sao trên gương mặt người có thất khiếu, trong khi cả thân thể là cửu khiếu? Sự rờ rỡ ấy của biểu hiện tuy giống nhau nhưng kỳ lạ là rất hiếm có ai đó giống ai hoàn toàn, ngay cả anh em sinh đôi. Tính phổ quát trong cái khu biệt đặc thù có thể là nét bí ẩn của con số 7 này. 2550 năm trước, ở xứ sở của vương quốc Kapilavastu (Khatìlavệ), Thái tử Shidarthad được sinh ra, ngay lập tức bước 7 bước rồi bỗng nhiên nói được(!) 7 bước ấy có  liên quan gì tới việc sau khi sinh ra 7 ngày, thân mẫu của Đức Phật qua đời? Huyền thoại nhiều ảo dị đó có liên quan gì đến 7 tầng địa ngục hoặc 7 tầng trời hay không, nói như người Nga, Bog Znaiet (Chỉ có trời mới biết)? Chỉ biết rằng sau này Đức Phật (Buddha) dạy, con người sinh ra ai cũng có thất tình, tức 7 trạng thái tình cảm: Ái, ố, hỷ, nộ, lạc, ai, dục - yêu thương, xấu hổ, vui mừng, giận dữ, sung sướng, buồn khổ và ham muốn. Số 7 còn bắt ta nghĩ đến tuần lễ có 7 ngày, tháng 7(July) của Julius Caesare (100-44 tr.CN) vĩ đại. Đó là tháng mà Vị Hoàng đế, nhà sử học, nhà Lịch pháp học, người tình tuyệt vời của Cléopâtre đồng thời là nhà quân sự xuất sắc, đã được sinh ra.

Con số 7 đi theo con người trong muôn phận kiếp long đong của nó: Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh. Sống là thế nhưng khi chết lại phải gọi đến 3 hồn, 7 vía. Hồn vía chắc chắn “nổi” tới tận thiên đàng. Có thể vì tin là thế nên người ta thường kỵ - giỗ người thân theo bội số của 7: cúng 50 ngày (kỳ thực là 49) hay 100 ngày (kỳ thực là hai lần 49). Phải chăng việc cúng kỵ này cũng liên quan đến chuyện Đức Phật đã ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề (Bodhi) 49 ngày ròng rã? Của cải, theo người Trung Hoa quan niệm, có 7 thứ quý nhất (thất bảo) là: san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, vàng, trân châu và ngọc lưu ly. Tất nhiên quan niệm ấy giờ đây không còn đúng nữa. Con số 7 còn gợi đến một tài hoa bạc mệnh của câu chuyện “thất bộ thành thơ” của Tào Thực thời Tam Quốc. Chuyện kể lại  Tào Phi muốn lập kế hại em trai để giữ yên ngôi báu, nên thử xem Tào Thực tài đến cỡ nào, bắt ép Thực làm thơ sau 7 bước. Bài thơ làm xúc động mọi con tim: Cẳng đậu đun hạt đậu. Hạt đậu khóc hu hu. Anh nỡ hại em thế. Tình nghĩa như thế ru?

Chuyện về “Đôi hia 7 dặm” của Charles Perrault trong tác phẩm Le Petit Poucet có lẽ là một trong những câu chuyện thiếu nhi hay nhất viết về đề tài con số 7. Còn câu chuyện có thực bi thảm nhất là sự kiện “Song Thất” - 7.7.1937 ở Lư Cầu Kiều, liên quan đến vụ thảm sát mà quân phiệt Nhật gây ra ở Trung Quốc. Chuyện tình đẹp nhất, bi thương và nhiều nước mắt nhất (cho dẫu chỉ là những hạt mưa ngâu nhỏ) là nói về đêm Thất Tịch (7.7 ÂL) khi Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ có thể gặp nhau mỗi năm một lần nhờ vào chiếc cầu ô thước đen tuyền, ảm đạm. Trong trường ca Mahabharata quy định rõ nghi lễ thành hôn phải thực hiện bằng 7 bước: Bước thứ nhất dành cho nhựa sống; bước thứ hai cho sức sống; bước thứ ba cho sự thịnh vượng giàu sang; bước thứ tư cho tiện nghi; bước thứ năm để có nhiều trâu bò; bước thứ sáu cho mùa màng bội thu và bước thứ 7, dành cho sự dâng hiến(bhakti) của “phân nửa của người chồng” (ardhangi) dành cho người chồng. “Này em hỡi! Khi em được kết hợp với tôi đây trong 7 bước này như vậy em đã có thể là người dâng hiến cho tôi”.

7 kỳ quan của thế giới là câu chuyện nhiều phiền hà bởi vì chẳng ai chịu ai về con số 7 gây nên nhiều bất đồng trong việc đánh giá 7 danh thắng vĩ đại nhất của loài người. Anh hùng ca hay nhất là chuyện Thánh Gióng trở thành bất hủ sau khi đã ăn 7 nong cơm, 3 nong cà. Ăn nhiều và mặn như thế, biết đâu Thánh Gióng quê ở Nghệ Tĩnh? Còn bộ phim hay nhất của thế giới phim hình sự đương đại chắc hẳn không thể phim nào sánh nổi với James Bond - điệp viên 007. 007 còn lớn hơn cả một huyền thoại.

Năm 2007 có lẽ sẽ có nhiều dấu ấn đặc biệt. Người Hàn Quốc tin rằng Đinh Hợi là  “Con Heo Vàng” - cứ 600 năm mới có một lần. Những tấm lòng vàng của Việt Nam đã lập kỷ lục khi chỉ trong 7 ngày đầu tiên của “tuần lễ giao thừa” (30.12.2006-5.1.2007), tổng số tiền quyên góp qua tin nhắn của tổng đài “có số 7” cho người nghèo đã đạt tới con số 10 tỷ đồng! Đó là con heo vàng nghĩa cử đầu tiên của lòng nhân ái, bao dung. Tuy nhiên, bước sang năm 2007, chúng ta đang có 7 vấn đề lớn: Cải cách hành chính, tham nhũng, chất lượng tăng trưởng, tai nạn giao thông, giáo dục, các dạng “treo” và tư tưởng chủ quan, “ngây thơ” trước các hiểm họa. Nếu khắc phục được 7 nhiệm vụ không dễ dàng ấy, chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến nhiều đỉnh cao mới trong năm thứ 7 của thế kỷ 21.
                                                            H.V.T

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)
Các bài đã đăng