Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Non bộ ở chốn Hoàng cung
08:48 | 07/11/2008
PHAN THANH HẢI Làm non bộ hay giả sơn là một phần quan trọng trong nghệ thuật vườn cảnh phương Đông truyền thống. Xuất phát từ Trung Hoa rồi lan rộng ra các nước xung quanh, nghệ thuật non bộ đã có một lịch sử phát triển lâu dài với nhiều trường phái phong phú.
Non bộ ở chốn Hoàng cung

Ở Việt , nghệ thuật non bộ đã xuất hiện từ thời Trần, Lê. Sang thời Nguyễn, với việc lựa chọn và xây dựng Huế trở thành kinh đô, môn nghệ thuật  này đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong thời cực thịnh, Huế đã từng có hơn 30 khu vườn ngự uyển với đủ loại hình: cung uyển, biệt cung, ly cung, lăng tẩm. Đó là chưa kể hàng trăm khu vườn phủ, vườn chùa, vườn quán, vườn tư gia. Tất cả đã tạo nên diện mạo đặc sắc của kinh đô Phú Xuân-một thành phố vườn, thành phố thơ độc đáo.
Đã có một thời, ở Huế nhà nhà đều có non bộ, người chơi non bộ, thợ làm non bộ nhiều không thể đếm. Nghệ thuật non bộ ở kinh đô hồi ấy có nhiều trường phái với những quan niệm khác nhau, bởi đây là nơi hội tụ của nhân tài từ bốn phương. Huế cũng là môi trường tuyệt vời để các nghệ nhân thi thố tài nghệ của mình bởi nhu cầu làm vườn, đắp giả sơn của tầng lớp quý tộc, quan lại là rất lớn.

Nhưng thời gian thật khắc nghiệt vô cùng! Sau 60 năm kể từ khi vương triều Nguyễn cáo chung, giờ đây ở cố đô phần lớn các ngự uyển chỉ còn là chốn “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...”. Những non bộ-giả sơn lừng danh một thuở phần lớn giờ chỉ còn lưu lại qua sử sách hay những huyền thoại dân gian. Chỉ có một số còn lại trong các cung điện, lăng tẩm thì hình thù, dáng vẻ cũng đã không còn được như xưa do đã từng trải qua không ít cuộc bể dâu. Nhưng dù sao đó cũng là sự may mắn lớn với Huế vì người ta vẫn phần nào nhận ra được vẻ quý tộc đài các của những danh viên xưa qua những giả sơn còn lại này.
Những non bộ -giả sơn đáng kể nhất trong chốn cung đình Huế hiện còn phải kể đến là non bộ ở cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Thái Bình Lâu, vườn Cơ Hạ, hồ Tịnh Tâm và lăng Tự Đức. Ở mỗi nơi, từng non bộ - giả sơn này đều có dáng vẻ riêng, xét về phong cách, loại hình, chúng cũng có sự khác biệt.


Thái Bình Lâu là tòa nhà dành cho vua đọc sách, thư giãn. Công trình kiến trúc hai tầng xinh xắn này được dựng trong thời vua Khải Định (1916-1925), trên  nền cũ của điện Hoàng Phúc, ngôi điện chính trong vườn Thiệu Phương. Vườn Thiệu Phương là một cung uyển trứ danh của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp làm cảnh thứ 4 trong 20 thắng cảnh của kinh đô. Cuối thời Nguyễn vườn bị triệt giải, may mắn mà còn tòa Thái Bình Lâu để gợi lại hình ảnh xưa. Phía sau công trình này là hồ nước hình vuông, non bộ được đặt giữa hồ với kích thước lớn. Đây là một non bộ -giả sơn được dựng đắp rất công phu, chủ đề kiểu “Hải trung thần sơn” (núi thần trên biển), tức dựa theo truyền thuyết của Trung Hoa về những ngọn núi tiên nổi giữa Đông Hải, là nơi lai vãng của các bậc thần tiên. Giả sơn có đỉnh cao vút, địa hình hiểm trở với muôn vàn hang động quanh co phủ đầy kỳ hoa dị thảo. Chân núi lan rộng với các vách khi dựng đứng, khi lan dài. Nguyên thủy của non bộ này hẳn rất đẹp, nhưng trải qua một số lần tu sửa, có lẽ những người thợ sau này không hiểu ý đồ của người xưa nên đã “vẽ rắn thêm chân”, bổ sung nhiều chi tiết không ăn khớp. Những chiếc cầu bằng bê tông thẳng đuột, cứng nhắc nối giả sơn vào phía bờ hồ ở bốn phía càng góp phần phá hỏng vẻ đẹp của non bộ này.

Có cùng kiểu thức non bộ đặt giữa hồ nước hình vuông như Thái Bình Lâu, nhưng giả sơn ở Trường Du Tạ thuộc cung Diên Thọ lại được tạo hình theo kiểu “Song sơn” với hai non bộ đặt ở hai phía. Chắc chắn chủ đề này xuất phát từ huyền thoại về “Tam đảo thần tiên” nhưng đã được thay đổi. Tam đảo tức 3 ngọn núi Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu trên Đông Hải theo truyền thuyết, nhưng non bộ này chỉ có hai ngọn núi đặt cân phân, đăng đối ở hai bên trước tòa thủy tạ. Cả hai giả sơn nguyên thủy rất đẹp, kích thước vừa phải, tạo hình đơn giản mà khoáng đạt, phù hợp với khung cảnh xinh xắn, trữ tình của ngôi tạ Trường Du và tòa Tả Trà ở phía đối diện. Đáng tiếc là trải qua thời gian và cả những lần tu bổ trước kia, non bộ này đã bị phá hỏng đi nhiều nét đẹp vốn có, núi non đã trở nên rườm rà với nhiều chi tiết thừa, cây cối thì quá um tùm, rậm rạp, che khuất rất nhiều nét đẹp của đá núi. Đáng tiếc thay!


Giữa hồ Tân Nguyệt cong cong ôm vòng trước cung Trường Sanh là một giả sơn được dựng đắp rất cầu kỳ. Giả sơn này có lẽ được làm trong thời Khải Định vì có chung phong cách với giả sơn ở Thái Bình Lâu, vả lại những bức ảnh tư liệu chụp về cung Trường Sanh trước đó cũng chưa thấy nó xuất hiện. Có thể khẳng định đây là một giả sơn rất đẹp, tác phẩm của một (hoặc một nhóm) nghệ nhân có tay nghề rất cao. Non bộ này cũng là yếu tố quan trọng để gợi lại vẻ đẹp lộng lẫy một thuở của cung Trường Ninh, một trong những cung uyển tiêu biểu thời Minh Mạng-Thiệu Trị.  Núi kiểu “tam sơn” với 3 ngọn liên tiếp, ngọn núi giữa cao vút, ngọn bên tả hiểm trở dốc đứng, ngọn bên hữu quanh co vươn dài, hang động ẩn hiện, cỏ cây xum xuê rợp bóng. Có hai chi tiết làm ảnh hưởng khá lớn đến vẻ đẹp của non bộ này: thứ nhất là cây cầu bê tông cứng đơ nối liền giả sơn với bờ hồ phía trong, và thứ hai là một cây Xanh lớn quá khổ đã lấn át phần lớn cả non bộ. Nếu không xử lý ngay, thì cây Xanh (chắc chắn là mọc hoang) này sẽ đe dọa đến cả sự an toàn của giả sơn.

Vườn Cơ Hạ ở phía Đông Hoàng thành cũng là một đại danh thắng của kinh đô, có đến 14 cảnh được vua Thiệu Trị đề vịnh, cho vẽ tranh gương, tranh mộc bản để in thành sách, dựng cả bia đá để khắc thơ...nhưng tất cả nay chỉ còn trên tư liệu. Có lẽ “di sản vật chất” đáng kể nhất còn lại trong vườn là động Phước Duyên, một đại giả sơn theo kiểu hang động rất độc đáo ở góc Tây Bắc. Động nằm ở góc tây bắc vườn, xây đắp chủ yếu bằng gạch vồ và đá núi, hình dáng tròn đầy khá nổi bật, đăng đối với núi Thọ Yên bên phía đông vườn. Thân động được xây khá đặc biệt với nhiều cửa ra vào, các lối đi bên trong quanh co uốn khúc, trước mỗi cửa hay cửa sổ thông gió đều có tấm biển đá Thanh khắc chữ Hán đề tên. Hiện tấm biển “Phước Duyên Động” vẫn còn ở mặt đông. Mặt nam có tấm biển đá Thanh khá lớn đề “Từ Thất Tuệ Môn” đặt phía trên chiếc cửa chính ở mặt này.

 Ở bên trong và bên ngoài lòng động đều có lối đi thông lên đỉnh. Đỉnh động khá bằng phẳng, hiện vẫn còn dấu tích của không ít đá cảnh xếp kiểu non bộ, có cả bàn đá để du khách nghỉ ngơi uống trà. Từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm trọn cảnh toàn khu vườn và có thể nhìn thấy cả một phần cảnh vườn Thiệu Phương và Ngự Viên bên kia tường Tử Cấm thành. Điểm đặc biệt nữa của động Phước Duyên là động được đặt trên thủy đạo dẫn từ vườn Cơ Hạ sang Hậu Hồ, vì vậy từ Hậu Hồ có thể ngồi thuyền nhỏ qua vườn Cơ Hạ hay ngược lại. Đoạn thủy đạo đi qua bên dưới động được xây theo kiểu cống vòm với phần lòng cống rộng mở để đón ánh sáng và đảm bảo an toàn cho thuyền đi qua. Cũng vì cách xây dựng như vậy nên động Phước Duyên còn được gọi là động Long Uyên (động sâu thẳm của Giao long). Người đứng trên đỉnh động nhìn xuống thấy mặt nước sâu thăm thẳm, người ngồi thuyền nhìn lên thì thấy động cao vời vợi, xanh um cùng cây lá hoa cỏ.
Động Phước Duyên cũng là chiếc động kiểu giả sơn duy nhất hiện còn trong các ngự viên của triều Nguyễn. Về phong cách, có lẽ công trình này chịu ảnh hưởng của các loại hình “khô sơn” trong các khu vườn của Giang Nam Trung Quốc, nhưng điểm khác biệt là sử dụng vật liệu bằng gạch chứ không phải đắp bằng đá. Vả lại, sự kết hợp giữa hình thức giả sơn trên cạn và thủy đạo đặt bên dưới cũng là điểm rất độc đáo, chỉ thấy ở Huế.


Ở hồ Tịnh Tâm lừng danh “đệ nhất ngự viên” một thuở, nay vẫn còn một đại giả sơn ở góc Tây . Thực ra giả sơn này chính là đảo Doanh Châu, một trong 3 hòn đảo huyền thoại trên Đông Hải. Trong thời thịnh Nguyễn, ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu trên hồ Tịnh Tâm được nối thông với nhau bằng một hệ thống trường lang nổi trên mặt nước. Nhưng khác với hai đảo kia, rộng rãi và có vô số công trình kiến trúc bên trên, đảo Doanh Châu có kích thước rất nhỏ và chủ yếu đắp bằng đá núi theo kiểu “cô sơn” lênh đênh giữa hồ nước mênh mông. Tranh vẽ xưa của Nội Các triều Nguyễn cho thấy, hòn đại giả sơn này tuy không lớn lắm  nhưng có dáng hiên ngang và vươn cao, tổng thể giả sơn cân đối hình chóp tháp. Ngày nay, trải qua bao dâu bể, núi đã bị sạt phần lớn, trên giả sơn lại có một cây cổ thụ cao vút, che khuất cả dáng vẻ hào hùng xưa.

Có lẽ non bộ-giả sơn còn bảo tồn được nguyên vẹn nhất trong kiến trúc cung đình Huế là non bộ sau gác Ích Khiêm của lăng Tự Đức.
Vốn xưa khi vua Tự Đức còn tại thế, lăng Tự Đức (lúc ấy là Khiêm Cung)  đóng vai trò là một ly cung đặc biệt của hoàng đế triều Nguyễn. Trong suốt 16 năm cuối đời, vua Tự Đức thường lên đây nghỉ ngơi, mỗi đợt thường ở lại nhiều ngày để tránh xa chốn kinh thành náo nhiệt và đa sự. Khiêm Cung có đầy đủ các yếu tố của một cung điện hoàn chỉnh, lại có cả cấu trúc của một ngự uyển để nhà vua vừa làm việc vừa nghỉ ngơi, thư giãn. Hồi ấy, ngoài khu vực cảnh quan lớn bố trí dọc theo và bên kia hồ Lưu Khiêm,  khu vực phía sau điện Lương Khiêm cũng là một hoa viên với trung tâm là gác Ích Khiêm, có trường lang nối ra hai phía, xung quanh có cả chục bồn hoa lớn nhỏ, hàng chục chậu cảnh chạm từ đá thanh rất cầu kỳ. Nhưng giả  sơn đặt sát bình phong ở phía sau gác mới là điểm nhấn quan trọng của hoa viên, vì vậy chúng đều được xây dựng, tạo tác hết sức công phu.


Bình phong được xây gắn với tường thành giới hạn phía sau của Khiêm Cung, hình chữ nhật, kích thước lớn mỗi chiều đến vài mét. Trên đầu bình phong đắp nổi hình đôi rồng chầu về mặt trời; hình tượng tứ linh với 4 linh vật long-lân-quy-phụng được thể hiện hết sức sinh động bằng cách ghép mảnh sành sứ ngay trên phần thân. Còn non bộ đặt trong bể nước hình chữ nhật ở ngay phía trước bình phong. Đây là chiếc non bộ được xếp đặt cực kỳ công phu và gần như chưa có bất kỳ sự tu sửa nào.
Non bộ có chủ đề kiểu “Quần long đại hội” (9 con rồng họp về). Hình tượng 9 con rồng được thể hiện bằng các khối đá với những hình dáng phong phú, có sức gợi mở trí tưởng tượng rất cao. Rõ ràng là ở đây đã có sự phối hợp khăng khít giữa các hình tượng được thể hiện trên bình phong và non bộ (Thái cực-Lưỡng nghi-Tứ linh-Cửu long). Theo thiển ý của người viết, đây là non bộ-giả sơn không có đối thủ về vẻ đẹp cũng như giá trị lịch sử trong phạm vi Huế. Nhưng hiện nay, hòn giả sơn quý giá này đang bị một cây Chân Vịt rất to mọc ngay trên thân, nên có nguy cơ phá hỏng mọi thứ.

Non bộ -giả sơn chỉ là một trong các yếu tố của nghệ thuật vườn cảnh, tuy nhiên đây lại là yếu tố rất quan trọng. Cố đô Huế được mệnh danh là thành phố vườn, thành phố đạt đến trình độ “thơ về kiến trúc đô thị”, nhưng không ít những yếu tố nghệ thuật góp phần làm nên vẻ đẹp tuyệt tác ấy lại đang bị phôi pha, mà nghệ thuật dựng non bộ truyền thống là một ví dụ điển hình. Huế có bảo tồn và phục hồi lại vẻ đẹp vốn có hay không, có lẽ cũng phải bắt đầu từ những yếu tố “nho nhỏ” ấy.
 Huế, tháng 10-2006
            P.T.H

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)
Các bài đã đăng