Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Vùng lõm
10:45 | 07/11/2008
NGUYỄN QUANG HÀLGT: Vùng lõm là cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quang Hà viết về người lính, người du kích và người dân trong “vùng lõm” nằm lọt thỏm giữa vùng địch tạm chiếm. Không ở đâu người dân đối mặt với kẻ thù nghiệt ngã như “vùng lõm”, không một tấc sắt trong tay, lực lượng đối trọng một trời một vực. Người dân ở đây đã đối mặt với kẻ thù bằng chính lòng yêu nước của mình. Sông Hương trân trọng giới thiệu một chương của một cuốn tiểu thuyết này.                                                                                                                S.H

Vùng lõm
(trích)
...

Tối, đội du kích Mai Trung nhận được thư mật của A17. Nội dung thư như sau:
“Các anh đừng vào làng. Lính Cộng hoà và cảnh sát không rút một ai. Tất cả các ngõ xóm đều có lính gác. Số dân làng bị trói vẫn ngồi im một chỗ từ sáng đến giờ, không cho ăn, chỉ cho uống nước. Song không một gương mặt nào tỏ ra nao núng. Tối, cảnh sát lấy thép gai rào xung quanh những người bị trói. Có đúng một tiểu đội gác những người bị bắt.
Viên sĩ quan tuyên bố, mỗi ngày sẽ bắn một người cho đến khi bắt được Nguyễn Văn Dư.
Nghe nói viên sĩ quan bị khiển trách không giữ được an ninh trong khu vực mình cai quản, để pháo Việt Cộng bắn vào sân bay. Nếu không bắt được tên Việt Cộng đầu sỏ sẽ bị truất chức đuổi về cho nên hắn làm rất căng.
Dưới đây là tên những người hiện đang nằm trong rào thép gai:...”
Điểm từng người bị bắt, tất cả các du kích xã Mai Trung, không một ai hoặc là cha mẹ, hoặc là anh em đang bị trói không cho ăn.

Trên gương mặt từng người lộ lên vẻ lo lắng. Nhiều ý kiến đưa ra đề nghị đánh để cứu thoát những người đang  bị giam. Nhưng bàn đi tính lại, thấy du kích không đủ sức cả về đạn dược, lực lượng. Nổ súng lúc này nhất định làng Hiền Mai sẽ không còn một viên gạch. Quyết định cuối cùng là hãy chờ đợi, tính toán tiếp.
Dư cũng chưa nghĩ gì được thêm. Cho anh em du kích đi nghe ngóng tiếp, Dư ngồi lại với Đề, Đề bảo:
- Bọn địch đã biết hết về anh rồi. Trận đánh vào căn cứ Bòng Bòng, chúng cho anh là chủ mưu. Chỉ có diệt được anh chúng mới hả lòng. Tuy nhiên tôi tin dân Hiền Mai thà chết chứ không khai anh ra đâu. Tôi là con em của Hiền Mai, tôi biết tính khí dân làng này.
- Gia đình du kích nào cũng có người bị bắt. Liệu anh em có vì ruột thịt mà  núng chí không?
- Trước đây thời Huỳnh Thế Tô có thể có. Vì anh em trong đội không một lòng. Bây giờ khác rồi. Tôi rất tin ở anh em mình.
- Nếu được thế thì tốt rồi. Anh Đề cố gắng động viên anh em giữ vững tinh thần.
- Nhất định vậy.
- Chiến thắng Bòng Bòng lớn quá. Chúng thua đau, đang điên lên. Phải biết địch, biết ta mà tính kế lâu dài.
- Có gì tôi sẽ hội ý, xin ý kiến anh.
Một ngày qua đi nặng nề.

Một ngày mới đã tới.
Làng Hiền Mai đầy cảnh sát, lính Cộng hoà. Vài ba đứa vào một nhà, bắt dân giết gà, giết heo để đãi chúng. Chúng đòi hỏi với cái lý: “Chúng tôi về giữ an ninh cho cái làng Hiền Mai này thì phải cơm rượu đãi chúng tôi. Chúng tôi không phá phách cái làng đã dung túng nuôi Việt Cộng, dám biểu tình, lên quận đôi co, dám vác pháo về bắn vào sân bay là may lắm rồi”. Một anh trả lời: “Sao các anh không đi tìm Việt Cộng mà hỏi”. “Lý sự hả, hãy cứ ra đối thoại với ông thiếu tá”. Biết có trò chuyện với chúng cũng không được gì, tốt nhất là cắn răng im lặng.
Dân Hiền Mai cũng không ai muốn gây gổ với những con Trâu Điên này, nên tất cả cho qua để yên nhà, yên làng. Vả lại cũng không ai còn bụng dạ nào khi người nhà mình đang bị trói trong vòng vây thép gai.

Ngoài bãi đất làng trước mặt nhà bà Hòa, anh Tứ chết trong tư thế bị trói, vợ con anh đến xin đem xác về chôn, viên sĩ quan không cho, hắn muốn để đó làm khuôn mẫu cho những ai dám chống lại quyền uy của hắn. Những kẻ có quyền dẫu thất thế vẫn cậy quyền. Chết đến đít vẫn còn cay là thế.
Những người bị trói vẫn ngồi yên một chỗ từ sáng hôm qua đến giờ. Rất lạ, mọi người đều tỉnh táo, không ai bị đói, bị mệt mỏi mà ngất lả. Chỉ riêng điều đó đủ thấy người dân Hiền Mai đang gồng mình lên trước kẻ thù.
Đúng tám giờ sáng bọn lính lại bắt tay vào công việc. Viên sĩ quan lại lững thững bước tới trước đám người bị bắt:
- Các người đã suy nghĩ chưa? Hôm nay ta nói chuyện với nhau đàng hoàng chứ.
Thầy Nguyễn Bản xin nói:
- Chúng tôi tội tình gì mà các ông giết chúng tôi, bỏ đói chúng tôi từ hôm qua đến giờ.
Viên sĩ quan đáp:
- Tại vì các người cố tình nuôi Việt cộng, cố tình che giấu nó để làm hại chính thể Cộng hoà.
Thầy cãi:
- Chúng tôi không biết thì lấy gì để khai. Đề nghị cho chúng tôi ăn uống đàng hoàng.
Không ngờ viên sĩ quan trả lời thầy:
- Cho các người ăn rồi các người bĩnh ra đấy, ai mà dọn được. Cho các người ra ngoài, lấy cớ đó các người biến mất. Sức đâu mà đi tìm.
Dừng lại giây lát, hắn hỏi:
- Hôm nay các người có khai không?
Tất cả ngồi im lặng. Hắn chỉ ngay thầy Bản:
- Nào ông già, hãy trả lời tôi đi nào.
Thầy Nguyễn Bản đáp:
- Tôi không biết gì nên không có gì để khai cả.
Một ngọn roi quất xuống thầy.
Hắn đến từng người chỉ roi vào mặt. Không có lời khai, lại đánh. Cơn uất lại bốc lên. Mặt hắn đỏ gay đỏ gắt, bừng bừng. Mặt gà chọi phải gọi mặt hắn bằng cụ:
- Được ta sẽ có cách để các người hiểu ý ta. Bây giờ ta phát cho mỗi người một mảnh giấy gấp. Trong tất cả số giấy gấp ấy có một tờ ghi “phải chết”. Ai nhận được mảnh giấy ấy tức là nhận cái chết cho mình. Ta không giết ai, đây là trò may rủi. Ai rủi thì phải chịu, như vậy cũng đồng nghĩa với việc kẻ đó nuôi Việt Cộng mà không khai.
Một cảnh sát đi phát giấy cho từng người. Tuy bị trói trật cánh khuỷu nhưng tay tuy bị trói bàn tay vẫn xoè ra nắm lại được. Phát giấy hết lượt, một cảnh sát khác đến từng người soát giấy, mở trang giấy ra trước mặt cho nhìn thấy.
Không ngờ giấy gấp có hai chữ “phải  chết” lại rơi vào đúng chị Thân.
Viên sĩ quan cười khẩy:
- Mụ đàn bà kia, đây là trời chỉ cho ta, đích thị là nhà chị có nuôi Việt Cộng rồi. Hãy nói cho ta biết Việt Cộng nào hay đến nhà chị? Chị nuôi Nguyễn Văn Dư bao nhiêu bữa.
Tưởng cái chết sẽ làm mủn lòng người đàn bà nhà quê. Viên sĩ quan hí hửng, không ngờ chị Thân đáp:
- Tôi không biết Việt Cộng là ai hết.
- Tên Việt Cộng nào hay đến nhà chị?
- Tôi đã nói không biết là không biết mà.
Viên sĩ quan lại gầm lên:
- Có nói không?
Chị Thân đáp cứng rắn, chỉ một lời:
- Không!
- Giết. Viên sĩ quan lại gầm lên.
Lần này cảnh sát không chặt tre làm cọc, mà lột một tấm tôn của ngôi nhà gần đó, bắt chị Thân nằm vào, chúng quấn tròn tấm tôn lại như quấn chiếu quanh người chị rồi lấy sợi dây thép cột bên ngoài cho chắc, đề phòng tự dưng tấm tôn mở ra, rồi đặt cuộn tôn có chị Thân trong đó trên hai tấm mễ.
Tiếp theo, bọn lính lấy rơm khô ra chất lên. Rõ ràng ai cũng biết chúng sắp châm rơm đốt chị Thân. Chắc chắn chị Thân cũng biết điều đó vì hai mắt chị vẫn mở. Viên sĩ quan đến bên chị, hỏi:
 - Có khai không?
Chị Thân cũng vẫn chỉ đáp một lời:
- Không!
- Đốt! Viên sĩ quan ra lệnh.

Chúng không đốt đùng đùng mà đốt lửa rơm cháy từ xa xa, đủ làm cho tấm tôn nóng dần lên, nóng dần lên. Chị Thân cựa quậy lục đục bên trong, nhưng không hề kêu rên. Chị là cơ sở của Hoài. Đã bao lần Hoài đưa Dư tới giới thiệu với chị, ăn cơm hoài hoài ở nhà chị. Chị không biết Dư làm sao được. Nhưng chị không khai. Những cơ sở mật trong làng đều biết chị Thân có quan hệ với Dư, ai cũng sợ kiểu tra tấn này chị không chịu được. Thà bắn, “đòm” một cái  chết ngay, đằng này cái nóng hành hạ chị, và nếu im lặng thì cái chết sẽ đến đau đớn, chết trong đau đớn từ từ.
Nhiều người bị trói nhìn lửa rơm tra tấn chị Thân, họ rơi nước mắt. Địch hoàn toàn bất ngờ chị Thân chịu đựng giỏi như vậy. Đâu phải chị một thân một  mình. Chồng vào du kích, đã hy sinh. Một nách chị hai đứa con gái còn non dại. Chị chết, ai sẽ nuôi chúng.

Biết bao điều, mà không ít người nghĩ rằng kiểu tra tấn man rợ này chị Thân sẽ không chịu được. Ngọn lửa từ xa, xán lại gần, rồi đốt ngay dưới tấm tôn bó chị.
Chị Thân đã chết.
Hai cảnh sát đặt cuộn tôn xuống đất, tháo dây thép mở ra, da thịt chị thân cháy dính vào tấm tôn đỏ ngòm đang còn tươi máu.
Anh Tứ chết đã anh hùng, chị Thân chết còn anh hùng hơn. Viên sĩ quan, và bọn lính tròn mắt. Hắn tuyên bố lạnh lùng:
- Ai không khai sẽ đều phải chết thê thảm như thế.
Buổi sáng giết chị Thân.
Buổi chiều cảnh sát cầm loa đi khắp làng, khắp cánh đồng kêu gọi Nguyễn Văn Dư. Trong hầm Dư nghe rất rõ:
“Sân bay mới bốc cháy tối kia. Chúng tôi biết giờ này anh Nguyễn Văn Dư đang ở địa phận làng Hiền Mai. Không phải ai khác, chính anh đã tổ chức cho dân biểu tình, chính anh đã chuẩn bị địa bàn cho trận pháo kích vào sân bay.
Chính quyền Cộng hoà yêu cầu anh ra trình diện. Chúng tôi không gọi anh ra đầu thú, không gọi anh ra chiêu hồi, chiêu hàng, mà kêu anh ra trình diện.
Gặp anh, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.
Nếu anh nhất định không ra trình diện, mỗi ngày chúng tôi sẽ giết một người dân Hiền Mai. Cho đến khi nào chúng ta gặp mặt nhau.
Chúng tôi biết anh là người giàu lòng nhân ái, cho nên dẫu là kẻ thù của nhau anh vẫn về tổ chức tang lễ cho gia đình trung uý Phan Lộc.
Chẳng lẽ đã đến lúc như thế này, anh không thương người dân Hiền Mai sao. Từ ngày hôm qua tới nay chúng tôi đã bắn anh Tứ và thiêu sống chị Thân rồi. Phải báo cho anh biết tin ấy để anh suy nghĩ.
Chẳng lẽ anh cam tâm để cho dân Hiền Mai chết vì mình chăng? Anh về trình diện chúng tôi sẽ thả dân Hiền Mai ra ngay. Anh hãy suy nghĩ cho kỹ.
Chúng tôi chờ anh ra trình diện.”
Những lời kêu gọi như giót vào tai Dư qua lỗ thông hơi. Anh bàng hoàng, phút chốc anh chìm trong suy nghĩ miên man. “Giá lúc này có Thu Hoài bên cạnh, chắc lòng mình sẽ vơi đi.”
Một câu hỏi cứ trăn đi trở lại trong lòng Dư:
“Không phải chúng doạ, mà chúng đã làm thật. Hai ngày nay chúng đã giết anh Tứ và chị Thân, hai người rất thân cận của ta. Liệu có thể vì ta mà dân Hiền Mai tiếp tục chết? Ngày mai sẽ là ai chết đây? Ngày mốt sẽ đến ai chết? Tội quá, chúng tàn nhẫn quá. Đến như thầy Nguyễn Bản, người cha nuôi của ta, người đã trao nhẫn đính hôn cho ta và Hoài cũng cùng chung số phận với dân làng. Ta sẽ phải hành động như thế nào đây.”
Dư nằm mong tối ập xuống, anh ra với đội du kích để nắm thêm tình hình diễn ra trong làng.

Du kích Mai Trung nằm dưới hầm đều nghe tiếng loa kêu gọi. Họ cũng suy nghĩ mung lung. Nhất là với họ, người này có cha, người kia có mẹ, người khác có anh chị đang bị trói trong đói khát và trong kẽm gai. Đêm trước sau khi gặp nhau, họ toả ra bốn phía, ai cũng định vào làng. Chỉ sợ lỡ ra bị bắt thì mang tiếng là vô kỷ luật. Đặc biệt là trong lúc đội du kích xã vừa loại trừ một tên phản bội, mới củng cố được chắc chắn, xứng đáng là một đội du kích vùng sâu. Không thể vì việc riêng mà làm hỏng việc chung. Đi vòng quanh một vòng, anh em du kích thấy rõ, nếu nổ súng diệt được mấy tên, chứ không thể diệt gọn như lúc chúng đi trong đội hình ở Cồn Mồ, đường vào làng Đụn. Tình huống này sẽ ứng xử sao cho phải lẽ đây? Mỗi người đều nóng ruột và cồn cào ở một lẽ riêng nữa.
Số du kích lên hầm sớm đã đến miếu Cụ khai canh. Anh em nhỏ to với nhau:
- Cậu có nghe tiếng loa kêu gọi anh Nguyễn Văn Dư lên trình diện không?
- Bọn lính Cộng hoà ác quá, hôm nay chúng giết chị Thân của chúng ta nữa rồi.
- Không biết anh Dư có nghe tiếng loa không nhỉ?
- Ừ. Nếu nghe, anh ấy sẽ nghĩ gì?
- Nếu cậu ở trường hợp anh Dư, cậu sẽ suy nghĩ và làm gì trong hoàn cảnh này?
- Mình cũng không biết nữa.
- Dù sao cũng không thể bán rẻ đội du kích và không thể bán rẻ dân làng Hiền Mai.
- Tội cho anh Dư quá. Khó nghĩ quá!
Anh Dư đi đến nơi, mọi người im bặt, không ai nói thêm một lời. Mọi người nhìn nhau như muốn hỏi: Đố các cậu biết anh Dư đang nghĩ gì?
Dư phá không khí im lặng ấy:
- Các bạn có nghe loa gọi mình lên trình diện không?
Đề đáp:
- Có. Nó giải thích rõ đây là trình diện chứ không phải đầu thú, đầu hàng, không phải chiêu hồi, giọng điệu của chúng khôn thật.

Đêm lạnh mọi người cảm thấy nóng bức. Vì ai cũng đang trong tâm trạng lo cho dân Hiền Mai, lo cho Dư. Trong hoàn cảnh phức tạp thế này mọi người cảm thấy gần nhau hơn, không một ai nghĩ tới mình.
Xuân, Hoài nhìn nhau rồi lại nhìn anh Dư. So với anh em du kích trong đội họ gần anh Dư hơn cả, không phải Dư bao bọc họ, mà gần do nhiệm vụ phân công.
Khôi nói cái điều mà anh đã nung nấu suốt một ngày một đêm qua:
- Chiến công nào mà không phải trả giá bằng máu xương. Tôi có nghe chuyện trên đường mòn Hồ Chí Minh, ở một cua tay áo đường qua đất Quảng Trị, một tiểu đoàn thanh niên xung phong đang mở đường, bỗng bị một loạt bom B52, cả tiểu đoàn hy sinh gần hết. Nghĩ vậy nên tôi cho rằng nếu mấy chục dân Hiền Mai hy sinh cho chân lý thì cũng chấp nhận được. Đau xót đấy, nhưng vinh quang, nơi các ông, các bà hy sinh, ngày mai chúng ta sẽ dựng ở đó một tượng đài kỷ niệm cho con cháu đời đời. Như anh em du kích chúng ta, nếu trong một hoàn cảnh nào đó yêu cầu hy sinh, chắc chắn trong trung đội chúng ta không một ai từ nan.
Đợi gật đầu:
- Tôi cũng cùng suy nghĩ như vậy, sau đó chúng ta sẽ nghĩ tới cách trả thù cho bà con ta.
Lưu bật nói:
- Không biết pháo dội xuống căn cứ Bòng Bòng, tài sản chúng mất là vô giá rồi. Song không biết chúng chết bao nhiêu. Đậm là cái chắc. Dân Hiền Mai chúng ta đánh đổi cái giá cho chiến công ấy, cũng chấp nhận được thôi.
Thu Hoài rời chỗ bên Xuân, cô đi tới ngồi bên anh Dư. Cô nói với Dư giọng rất thiết tha:
- Anh Dư nghĩ sao, anh nói cho chúng em nghe đi.
Dư trả lời riêng cho Hoài, song cũng là câu trả lời cho tất cả mọi người cùng nghe:
- Anh là người của lẽ phải. Anh sẽ xử sự đúng với lẽ phải. Đây là việc của riêng anh, Hoài và mọi người đừng lo gì cả.
Lát sau Xuân, Độ đi lấy thư mật về, đọc cho mọi người cùng nghe:
“Chị Thân đã chết một cách rất anh hùng.
Bà con ta bị bắt cũng sống một cách rất hiên ngang. Không một ai tỏ ra lo lắng gì. Không ai tỏ ra sợ chết.
Cảnh sát và lính Cộng hoà vẫn đóng trong làng.
Các anh nên hết sức cảnh giác”.
Nghe thư xong, Dư nói:
- Đến như chị Thân yếu ớt vậy mà còn sống anh hùng, chết anh hùng thì không lẽ gì chúng ta lại hèn nhát. Tinh thần quật cường của bà con Hiền Mai là tấm gương sáng vằng vặc cho chúng ta đó. Trước cái chết, cả ngần ấy người không ai hé răng. Làng Hiền Mai của chúng ta phải là làng Hùng Mai mới phải.

Để kết luận công việc trước mắt là kiên nhẫn đợi chờ. Có việc gì, ban chỉ huy sẽ hội ý và thông báo đến cho mọi người.
Đêm ấy nằm một mình trong hầm bí mật, Dư đau đáu nỗi niềm: “Mình phải xử sự thế nào cho đúng lẽ phải” - Anh tự luận cho mình – “Để mọi người chết quằn quại mà mình sống nhe răng liệu là lẽ phải của những cái chết quằn quại đó sao. Mình đàng hoàng là một chiến sĩ giải phóng, ở trong hoàn cảnh nào mình cũng phải sống cho đúng danh hiệu ấy”.
Và Dư quyết: “Mình sẽ ra trình diện”.
Dư tính con đường đi, là một trinh sát, địch đầy làng thì có ý nghĩa gì. Anh sẽ về nhà mẹ trung uý Phan Lộc, chắc riêng nhà này ở Hiền Mai bọn Ngụy và cảnh sát không quấy rầy. Từ ngôi nhà này mình sẽ có cách để ra trình diện một cách ngoạn mục nhất.

Dư lên hầm. Anh bí mật luồn qua hàng rào ấp. Bí mật tới nhà mẹ Phan Lộc. Như tất cả mọi nhà anh đi qua, đều không đóng cổng, không đóng cửa. Chắc đó là lệnh của cảnh sát, để chúng kiểm soát bất kỳ lúc nào cũng dễ dàng, và sự toang hoang như vậy du kích không dễ gì ẩn nấp.
Trên bàn thờ, vẫn thắp một ngọn đèn dầu.
Dư nhẹ nhàng đến bên giường bà mẹ, bà mẹ không ngủ, nhận ra Dư ngay. Bà hỏi khẽ, đủ hai người nghe:
- Dư đã về đấy hả con?
Dư đáp:
- Dạ. Con không thể để cho những người dân vô tội làng Hiền Mai chết vì mình được. Vả lại nhiệm vụ của con đến đây cũng đã hoàn thành. Lọt vào tay địch không có gì đáng sợ cả mẹ ạ.
Bà mẹ gật đầu:
- Dư nghĩ như vậy là phải. Con cần gì ở mẹ bây giờ. Con yêu cầu gì, mẹ cũng làm hết.
Dư đưa cho bà mẹ một mảnh giấy:
- Con nhờ mẹ đem giúp con thư này tới anh Phan Tuế, tổ trưởng dân phòng được không ạ?
- Được. Ở làng này, duy nhất một mình mẹ không bị chúng quấy rầy. Mẹ muốn đi đâu thì đi, chúng không hỏi han gì, chỉ lánh sang bên một cách lễ phép.
- Dạ. Con nhờ mẹ.
Bà mẹ giấu lá thư vào chỗ kín rồi vuốt lại khăn áo, chống gậy ra đường.
Trong thư nhờ mẹ Phan Lộc, Dư chỉ viết mấy chữ cho Phan Tuế: “Tôi không nỡ để dân làng chết vì tôi. Tôi quyết định ra trình diện. Đúng tám giờ sáng ngày mai các anh tới nhà mẹ anh Phan Lộc đưa tôi ra trình diện nhé. N.V.Dư”.
Một lát sau bà mẹ anh Phan Lộc về:
- Mẹ đã đưa thư tận tay cho Tuế ở trụ sở dân phòng làng Hiền Mai rồi.
- Dạ, con cám ơn mẹ.
Mẹ dắt tay Dư tới giường của mẹ:
- Ngày mai con vào trận quyết liệt rồi. Con hãy nằm đây ngủ đi lấy một chút. Mẹ sẽ ngồi bên quạt cho con ngủ như ngày xưa mẹ của con chăm cho con vậy.

Dư từ chối mấy lần cũng không được. Vả lại tại Hiền Mai những đêm như thế này không thể được gây tiếng ồn. Dư đã nghe mẹ, lên giường nằm. Còn bà mẹ ngồi bên quạt cho anh, nhẹ nhàng hiền dịu như xưa mẹ anh quạt.
Dư không ngủ. Nhưng anh ngoan ngoãn nằm yên để hưởng sự nuông chiều con của các bà mẹ Việt.
Sáng ngày mai, đúng tám giờ sáng, cả tiểu đội dân phòng do Trịnh Văn Lô cầm đầu tới nhà mẹ Phan Lộc. Chào nhau xong, Lô nói:
- Cái chân lý “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” của các anh rất tuyệt vời. Anh ra trình diện hôm nay, tiểu đội chúng tôi thức suốt đêm qua đã gọi hành động ấy là một hành động anh hùng. Anh Dư ạ, qua anh, chúng tôi biết quân giải phóng nhất định là người chiến thắng.
Dư rất bình tĩnh nói:
- Cám ơn các anh đã hiểu chúng tôi.
Lô kể:
- Suốt hai ngày bị hành hạ đủ kiểu, không một người dân Hiền Mai nào khai tên anh. Riêng việc đó đủ hiểu dân Hiền Mai yêu quý anh nhường nào. Một người sống vì dân, vì sự nghiệp như thế chúng tôi không thể nào không kính phục.     
- Cám ơn các anh.
Dư bắt tay từng người trong tiểu đội dân phòng, anh sửa sang lại áo quần  đàng hoàng rồi mới đi. Đêm qua trước khi lên hầm, anh đã mặc một bộ áo quần giải phóng quân đẹp nhất của anh, nên bây giờ Dư rất bằng lòng vì nó.
Tại bãi đất làng trước nhà bà Hòa, cảnh sát, lính Ngụy chuẩn bị vào một cuộc tra khảo mới.
Viên sĩ quan vừa nói:
- Xem ngày hôm nay các ngươi ai là kẻ dám cứng cổ với ta nữa.
Thì đúng lúc đó Trịnh Văn Lô lên tiếng:
- A lô. Xin báo cho mọi người biết anh Nguyễn Văn Dư ra trình diện.
Cả mọi người ồ lên ngạc nhiên. Hàng nghìn con mắt cùng hướng về tiểu đội dân phòng. Đi bên Trịnh Văn Lô ăn mặc loàng xoàng là một chiến sĩ giải phóng quân nghiêm chỉnh. Dáng anh cao dong dỏng. Trên đầu đội mũ tai bèo. Mắt sáng quắc, từng bước đi bình tĩnh, trang trọng. Đến trước những người bị trói, anh nói ngay:
- Chào bà con Hiền Mai kính mến. Các ông các bà đã dũng cảm, kiên cường một cách đáng kính phục. Vì lòng kính trọng ấy tôi ra trình diện trước chính quyền.
Dư quay qua bên viên sĩ quan:
- Thưa ông thiếu tá, các ông hứa nếu tôi ra trình diện, các ông sẽ tha ngay cho những người dân Hiền Mai đang bị các ông hành hạ từ ngày hôm qua tới giờ.
Viên sĩ quan hạ lệnh ngay:
- Cởi trói, thả ngay bà con Hiền Mai.
Lính xúm tới cởi trói cho từng người. Phủi quần áo đứng dậy, không ai bảo ai, bỗng đồng thanh:
- Cám ơn anh Nguyễn Văn Dư.
Nguyễn Văn Dư nói tiếp với viên sĩ quan:
- Dân Việt ta không có tục giết người rồi phơi xác họ ngay trước mắt mình. Làm như vậy sẽ đụng tới anh linh thân thể họ. Tôi yêu cầu ông cho gia đình, làng xóm nhận họ về để mai táng.
Viên sĩ quan ra lệnh:
- Lính, khiêng thi thể hai người chết về cho gia đình họ ngay, không được chậm trễ.
Lính vừa khiêng xác anh Tứ và chị Thân đi, lập tức hắn ra lệnh cho quân lính bắt anh Dư trói ngay vào cột đã xử bắn anh Tứ.
Dư hỏi:
- Trình diện của các anh là vậy đó hả?
Viên sĩ quan lên giọng ngay:
- Không cần nhiều lời. Kẻ chúng tôi cần bắt, đã bắt được. Anh hãy trả lời ngay: Anh về làng Hiền Mai này từ bao giờ?
Dư bình tĩnh đáp:
- Cả đất nước Việt này là quê hương chúng tôi, chúng tôi muốn đi lúc nào thì đi, muốn về lúc nào thì về.
Viên sĩ quan Ngụy lại hỏi:
- Anh về trinh sát để đánh pháo vào căn cứ I - ri - na.
Dư đáp:
- Đế quốc Mỹ là kẻ thù của dân tộc này. Nó mang tai họa đến cho đất Việt . Nên chúng tôi phải đánh. Mỹ đến đâu, chúng tôi đánh ở đó. Nếu không có đế quốc Mỹ, tôi với anh người một nhà, làm sao mà lại thù hận nhau đến vậy, phải không? Anh thử trả lời câu hỏi của tôi xem sao? Tôi chỉ mong anh đừng bao giờ làm tay sai cho kẻ cậy mạnh kéo tới chà đạp lên dân tộc mình.
Viên sĩ quan Ngụy dằn giọng:
- Anh có cha mẹ, vợ con, anh không sợ chết à?
Dư đáp:
 - Được chết cho đất nước Việt , không có điều gì làm cho tôi phải sợ. Chỉ có các anh làm tay sai cho ngoại bang để kiếm miếng ăn mới tham sống sợ chết thôi.
Hết lý. Càng hỏi, Dư càng dồn hắn vào ngõ cụt. Hắn thấy mình bẽ mặt trước một làng toàn nông dân này, hắn thét lên:
- Bắn!
...
             
Trại Cửa Lò tháng 8+ 9/2006
         Trại Nha Trang tháng 11+ 12/2006
                     N.Q.H

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Các bài đã đăng
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)