Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Nước thề
14:45 | 07/11/2008
TRẦN THÙY MAIChúng tôi đến bản Tok, trời đã quá trưa. Người bản làm nương chưa về.. Dưới giàn bí, cô gái bản nằm ngủ hồn nhiên trên chiếc võng.

Tiếng ồn của đoàn người làm cô gái mở mắt. Đôi mắt đen, trong và huyền bí làm sao. Nghịch ngợm, tôi đẩy nhẹ chiếc võng cho nó đu đưa... Cô gái vùng  dậy, quắc mắt:
- Một ngan mẹ đẻ mười ngan con, có đủ sức đền không?
Tôi hoảng, rụt tay lại. Con gái dân tộc dữ  thật.
Kéo dây điện vào bản không phải là việc khó. Cái khó là làm sao dựng được cột điện qua những thung lũng lởm chởm đá núi. Xe cẩu hai cầu dù vượt được  ngầm đá gập ghềnh, cũng phải dừng trước con suối Kutu nhỏ như dải lụa vắt qua hẻm núi. Từ đó trở đi, chỉ còn dựa vào sức người.
Chuyện mỗi nhà sắp có cái đèn sáng như mặt trời mà không tốn dầu thắp là chuyện chấn động với dân thôn bản. Già làng Cập Vỉa mời chúng tôi ăn, uống rượu ở nhà Rông. Thịt bò, cá nướng, cháo nấu với măng. Cách nấu lạ, vị hơi tanh, nhiều người cầm đũa lên rồi lại đặt xuống. Tôi rỉ tai Đích:
- Ráng đi. Nơi đây không có hàng quán chi đâu. Ngày mai còn vác cột qua núi.
Già làng Cập Vỉa đứng lên:
- Anh em đem cái sáng về cho dân bản, dân bản thương lắm, quý lắm. Tới ngày có cái sáng, anh em ưng ăn chi, dân bản cũng chiều ý hết.
Đích đứng dậy, nửa đùa nửa thật:
- Thưa với già làng, cháu chỉ thích thịt heo rừng, ngày nào hoàn công, bản làng có thương thì đãi cho tụi cháu một bữa heo nướng!
Không hiểu sao già làng khựng lại. Có tiếng ai gọi: “Aphin ơi, thêm rượu cần!” Aphin? Tôi quay lại. Một đôi mắt đen, đồng tử rất to, đã nhìn là  xoáy vào mắt...

Rượu cần, thứ rượu nhạt như bia, uống một lúc cũng say. Aphin? Phải rồi, cô gái hôm qua nằm lắc lư trên võng. Xem chừng cô ta phổng phao, xinh gái, chắc cũng  lắm anh trêu ghẹo nên lúc nào cũng thủ thế như vậy.
Làm việc ở vùng cao tuy vất vả nhưng cũng có cái sướng. Khí hậu ở đây mùa hè mát mẻ như có máy điều hòa. Trời nắng chang chang mà vẫn mát, suốt ngày nghe tiếng gió  vun vút giữa các lũng núi.
Kê, cháu của già làng thường đến thăm chúng tôi. Nhà Kê thuộc  loại  khá trong thôn. “Làm gì mà có tiền, có chum, có nhiều nồi đồng?” Nghe hỏi ,Kê bảo: “Mình săn được thú rừng”. Tôi chạm vào cánh tay Kê,  chắc nhưng gầy như thanh củi nỏ. “Gầy nhom vậy, đuổi sao kịp hươu nai?” Kê cười: “Không  đuổi thú như  xưa đâu. Mất công. Từ khi người Kinh lên săn bắn, thú rừng còn ít lắm. Bọn mình bây giờ chỉ đặt bẫy. Mỗi lần thăm rẫy, đặt cái bẫy dây, ba hôm sau đi làm nương, nếu dính mồi thì đem về bán”.

Vợ Kê người Kinh, quê Thanh Hóa. Cô nàng không biết làm nương rẫy, may mà chồng có của. Nghe đồn ngày trước cô ta theo phường buôn gánh nồi gang lên núi bán dạo, vào các buôn làng rao mời Ai có nồi cũ đem ra đổi nồi mới. Dân làng khoái những cái nồi gang mới tinh trắng bóng nên phường buôn đã thu được không ít nồi đồng xưa. Thấy ăn ra làm nên, họ vào chuyến nữa, rồi chuyến nữa... Thế rồi đùng một cái cô gái miền xuôi không chịu về, khăng khăng đòi ở lại làm vợ Cập Kê. Nghe chuyện, Đích bảo tôi: “Vậy là bị thằng Cập Kê nó “thư” rồi đó…. “Thư là sao?” “Là bỏ thuốc. Có thuốc làm cho đau ốm quặt quẹo, có thuốc làm cho mê lú. Chỉ có ai bỏ thuốc mới biết cách giải thuốc mà thôi”. Chuyện những người xuôi lên ngược làm ăn rồi bị người Thượng “thư”, tôi cũng đã nghe  nói. Người ta  bảo có kẻ tự nhiên bụng phình to, phải quay về núi van lạy, đến khi giải thư xong, người giải lấy ra  từ trong bụng nạn nhân một cái búa, hay một con dao, hay một chòm đinh... Không biết cô vợ Cập Kê bị thư cái gì vào người? Đích bảo: “Đó là ngải mến, tức là bùa yêu, ăn phải bùa phải bả rồi thì có chết cũng đi không đứt. Bởi vậy tao phải báo với trạm điện của huyện chuẩn bị chỗ, đêm đến làm xong là rút quân về ngủ, sáng sớm mai lại lên làm”. Tôi ngạc nhiên: “Nhà rông rộng mà, đủ chỗ ở lại?” Đích cười: “Ngày tụi bây làm è cổ đâu có thời giờ mà cua gái. Chứ đêm ở lại đây, nhàn cư vi bất thiện, rồi ít nhất cũng có bảy tám thằng ở lại rừng”.

Có lần tôi đã nhìn thấy vợ Cập Kê. Người đàn bà đã sồ sề, tóc dài xõa xượi, ngồi ôm con cho bú ở bậc cửa. Xem ra cô ta có vẻ vô tư, không xem chuyện ở lại rừng là điều gì thiệt thòi. Nhà Cập Kê là loại nhà có phên đan bằng mây, bức nào bức nấy phẳng phiu đều đặn. Cột, kèo làm toàn bằng gỗ lim, trắc, lâu năm bóng loáng. Thấy tôi nhìn bộ khung nhà với vẻ kinh ngạc, vợ  Kê cười dòn dã:
- Ở đây gỗ quý tha hồ. Dưới xuôi mà làm được ngôi nhà thế này,e phải đến trăm triệu.
Đứa trẻ trong tay cô gái da ngăm ngăm, mắt sâu to, hăm hở bú. Vợ Cập Kê cho hay, ông già - tức Cập Vỉa - định cắt cô nấu ăn cho anh em công nhân, vì cô người Kinh, biết nấu nướng kiểu miền xuôi. Nhưng vì thằng bé quấy quá, cô không làm được, phải bày cho Aphin nấu nướng. Tôi bảo:
- Cái cô Aphin dữ quá, chưa chi đã dọa tụi tôi mất vía. Mà “một ngan mẹ đẻ mười ngan con” là sao, hả chị Hai?
Vợ Cập Vỉa cười dòn:
- Tục ở đây ai làm quấy phải đền. Đã bị đền là phải đền ngay, qua một năm thì phải gấp mười, qua hai năm gấp hai mươi... Hồi trước có một cậu lái buôn dưới xuôi lên, vuốt mông con gái A phả một cái, dân làng bắt trói phải đền năm trâu mới về được đó...
Tôi cười thầm trong bụng: “Thằng ngu!”
“Aphin à, ở đây cưới vợ có mất nhiều tiền lắm không?” Đích hỏi. Aphin chăm chú bày cơm canh ra chiếu, nói nhát gừng:
- Nhiều.
- Nhiều là bao nhiêu?
- Đích hỏi làm chi?
- Hỏi coi anh có đủ sức làm rể rừng không. Trên Thượng Lâm này con gái đẹp quá.
Cả bọn cười, vì ai cũng biết Đích nổi tiếng dẻo. Tưởng gái núi khù khờ, ai ngờ cô ta cũng đáo để:
- Anh Đích có vợ rồi. Aphin biết mà. Vợ anh Kê bảo, đàn ông miền xuôi có vợ rồi thì đeo nhẫn ở tay.
Tiếng cười lại nổi lên ồn ào. Chẳng có gì đáng cười, nhưng hầu như câu nói nào ở miệng cô gái đẹp cũng làm cho bọn đàn ông cảm thấy thú vị. Đích chỉ vào tôi:
- Em coi thử, thằng này thì có vợ chưa?
Aphin nhìn tôi. Đôi mắt thăm thẳm ấy khi nheo lại dưới cặp lông mi dày cong với một nét cười khó tả, chợt làm tôi bất giác rùng mình. Nhìn một lát, Aphin nói:
- Chưa...
- Vậy cưới con gái bản nạp lễ bao nhiêu, em bày cho nó đi.
- Ba trâu, năm heo, hai bò. Ở đây, con trai mười tuổi cha mẹ đã nuôi trâu, nuôi bò rồi... Mà em biết mấy anh nói giỡn, mấy anh không lấy vợ trên núi đâu.
- Sao lại không, cưới con gái bản ba trâu, cưới Aphin phải nhiều hơn nữa... Nghe Cập Kê nói, Aphin đẹp nhất làng mà.
_ Aphin không đẹp đâu, con gái dưới xuôi đẹp hơn. Mà Aphin có đẹp mấy anh cũng không ưng ở rừng.
Đích bảo nhỏ tôi: “Con bé này khôn lắm. Té ra trên núi cũng có xương cá liệt, coi chừng hóc”.

Bông hồng đẹp vì nó có nhiều gai. Aphin là hoa rừng, đâu phải hoa hồng. Nhưng bông hoa này mọc trên vực thẳm, nhiều nguy cơ lộn cổ xuống vực sâu quá nên cả bọn không  ai dám láng cháng. Chỉ ngắm từ xa thôi, vì trưa nào chiều nào cô cũng đem cơm. Hôm nào cũng vậy, mặt trời lên đến gần đỉnh, bụng bắt đầu đói là ngong ngóng vào làng chờ. Ngồi vặn vít trên cột cao, lúc nào tôi cũng thấy nàng sớm nhất. Tôi bắt chước kiểu người đi rừng, hú lên một tiếng vang dội, át cả tiếng gió quần vun vút trong thung lũng. Cả bọn đang hì hục đập đập gõ gõ, nghe tiếng hú liền reo lên như ong vỡ tổ. Phía bên kia suối Kutu, Aphin cùng hai người đàn bà tộc mang gùi đang nối đuôi nhau bước tới. Mặt trời chiếu sáng  lóa trên rặng lau đang trổ bông trắng xóa, dội xuống lòng suối sáng rực. Aphin hiện ra giữa cái vầng sáng rực rỡ ấy.  Từ trên cột ba mét sáu, tôi tụt xuống, chạy ào qua suối, đỡ lấy cái gùi trên vai nàng.
- Ê, đừng anh. Không được đâu.
- Sao không được.
- Đàn bà con gái phải vác những cái nặng mới phải chớ.
- Ở dưới xuôi, cái gì nặng là đàn ông phải mang “Tôi cố thuyết phục nàng nhường lại cái gùi. Hai người đàn bà về hùa với Aphin:
- Người tộc khác. Tay đàn ông chỉ  cầm dao, lưng chỉ mang cung thôi. Lỡ khi gặp thú dữ hay kẻ thù mới kịp rút dao, rút tên.
- Chuyện đó xưa rồi. Bây giờ hòa bình, thú dữ cũng không có, bây giờ trời sinh ra đàn ông là để che chở, giúp đỡ cho phái yếu.
- Phái yếu là gì?
Nói qua nói về, rồi tôi cũng giành được cái gùi. Ôi chao nó nặng. Nhưng sợ gì, tôi đi băng băng qua suối. Hai người đàn bà khen tôi:
- Anh này đẹp, lưng chắc như gỗ lim.
Tôi vẫn tập tạ mỗi ngày, bây giờ dưới nắng, mồ hôi làm bóng những cơ bắp hồng hào. Nghe khen, tôi càng cố gồng  cho cuồn cuộn những bắp thịt:
- Có khỏe bằng trai tộc không?
Hai bà cười vui vẻ:
- Khỏe hơn trai tộc đó.
Tôi phổng mũi, liếc nhìn Aphin. Hai má nàng ửng hồng, không biết có phải vì nắng hay không?
Buổi chiều, Aphin đem cơm ra, thấy tôi còn đứng trên cột ba mét sáu. Bây giờ nàng bắt đầu bạo dạn, đứng dưới cột gọi to:
- Anh ơi, sao hôm nay không ra khiêng gùi cho Aphin?
- Hôm nay anh lắp sứ, giờ này chưa được nghỉ. Phải lắp kỹ, vặn kỹ, nếu không anh về rồi, đường dây hỏng, không có đèn sáng cho Aphin đâu.
Từ trên cột, tôi phải gào to lên mới át được gió. Những cơn gió núi không ngừng vun vút, vun vút giữa trời. Tôi xuống cột, như con sóc tụt xuống thân cây, thoăn thoắt. Aphin khen:
- Anh giỏi quá, trèo cao trèo nhanh hơn trai tộc đó.
Tất nhiên, vì tôi có đeo dây an toàn. Nhưng dại gì mà xưng ra, cứ để nàng khen chứ. Thấy mồ hôi tứa đầy mặt tôi, Aphin ái ngại:
- Làm cái điện cho bản làng vất vả quá đi mất.
- Vất vả vậy, Aphin có thương không?
Aphin cười... Không trừng mắt dọa đền như hôm trước nữa. Lát sau, lúc tôi đang ăn, nàng hỏi:
- Mà anh có ở lại rừng không?
- Ở lại chứ. Em thương anh, anh vào nói với già làng, với anh Cập Kê ngay bây giờ.
Aphin ngước mắt nhìn tôi, cười:
- Chưa được đâu. Kê đi rồi, chưa về.
- Đi đâu?
- Đi với trai làng...
- Nhưng trai làng đi đâu?
Aphin lại cười. Hỏi gì cũng không nói nữa.

Còn tôi, từ hôm đó lúc nào cũng thấy Aphin trong đầu. Không phải như rượu cần uống thật nhiều mới say, Aphin là rượu mạnh của núi rừng và thung lũng. Vừa nghĩ đến nàng, hai thái dương tôi đã giật mạnh, cả thân mình như bị lửa thiêu. Một buổi chiều, Aphin không đến, nàng phải lên rẫy, cơm nước giao cho mấy người đàn bà. Lùa vội miếng cơm, tôi ra suối ngồi, mặt buồn như đưa đám. Trăng vừa lên, dọi lên những bông lau trắng trong như thủy tinh, dọi lên những hòn đá sáng như mạ bạc. Tôi lội ào xuống suối Kutu, ngâm nước đến tận cổ, mong  làm nguột bớt ngọn lửa trong thân thể mình.
Xui cho tôi. Dòng nước ban ngày mát rượi là thế, không ngờ mới tắt mặt trời đã chuyển lạnh kinh hồn. Nước từ đá chảy ra, những hòn đá lạnh buốt làm cái lạnh trong nước cũng sắc như gươm.
Đích bảo tôi:
- Mày vừa trúng hàn,  lại thêm cái tật say xe, thôi tối nay ở lại bản, đừng về huyện nữa. Mai là chủ nhật, xe không lên đón, chịu khó chờ thứ hai bọn tao lên!
Anh vừa lấy cái khăn nỉ quấn quanh cổ tôi, vừa bảo:
- Liệu hồn đấy, rừng thiêng nước độc, coi chừng chết đó.
Tôi gật đầu. Vào nằm nhà trưởng thôn. Aphin đem tới một nắm lá, uống xong tôi vã mồ hôi. Qua hôm sau, khỏi hẳn.
Đêm rằm ngoài bìa rừng. Aphin ngồi trên cỏ, một bên là tôi, một bên là bạt ngàn lau trắng. Trăng miên man trên suối, trên tóc Aphin. Khi tôi đánh liều ôm nàng vào lòng, nàng không đẩy ra như tôi tưởng, mà  cười hồn nhiên như đứa trẻ con được bế.
Tôi rúc vào ngực nàng. Dưới ánh trăng, đôi vú nàng tròn, chắc,bóng mịn, rực rỡ làm tôi lóa mắt, tê dại.  Nhưng đến lúc ấy  nàng lại đẩy mạnh  ra, hai cánh tay nàng khỏe cũng không kém gì tôi...
- Không được đâu anh, hai cái vú là của Giàng cho để sau này cho con bú.
Tôi phều phào:
- Anh mà nghe Giàng, anh chết mất ...
- Anh mà ưng thì phải uống nước thề...
- Nước thề?
Hai tiếng nước thề làm tôi hơi tỉnh lại. Tôi nhớ lời Đích. Trong tay tôi, thân thể Aphin nóng hổi và đầy những ngõ ngách kỳ bi. Hai cánh tay nàng siết chặt thân tôi:
- Anh có uống không? Có thề không?
Tôi nghẹn thở. Một phút im lặng, tôi nhắm mắt, hít thật sâu vào phổi mùi thân thể Aphin hòa với mùi cây cỏ. “Anh uống, anh thề!”.
Aphin kéo tôi dậy. Khuôn mặt nàng hứng trăng, sáng lên với nụ cười vui khó tả. Tôi uống những giọt nước nhỏ mằn mặn từ trong chiếc bầu nậm nhỏ. Tôi thề sẽ làm rể rừng, sẽ thương yêu nàng cả đời. Thế rồi tôi ôm lấy nàng, thân thể chúng tôi dán vào nhau, nổ bùng giữa lặng lẽ của núi đồi và thung lũng.
Mấy hôm sau, dây đã giăng xong. Một giờ sau khi có lệnh tiếp điện, trong bản sáng bừng lên. Cả bản làng, già trẻ, gái trai ùa nhau chạy ra, reo vang trời. Aphin chạy đến bên tôi. Mặt nàng tươi như hoa:
- Cập Kê về rồi, về rồi...Anh nói với Kê đi!
Cập Kê về rồi, chân đi  khập khiễng vì hơn mười ngày đi rừng, đạp phải gai cây pok. “Đi bắt heo rừng. Hồi trước quanh đây nhiều heo lắm, đi chừng một ngày đường là bắt được. Từ khi người Kinh lên săn, thú rừng tiệt đi nhanh lắm. Lâu rồi người tộc không săn heo, vì phải đi xa quá,  sâu vô rừng hơn mười ngày đường mới có”.
Bữa tiệc mừng công ở nhà Rông, già làng Cập Vỉa hân hoan, khuôn mặt đen nâu đầy lằn xếp móm mém cười:
- Anh em đem cái sáng về cho bản làng, bản làng có cái điện cũng như có mặt trời ban đêm. Anh em ưng ăn heo rừng là phải có  heo rừng ... Người tộc thiệt lòng lắm, đã nói có là có mà.
Tôi gắp miếng thịt ướp sả, Aphin nướng theo kiểu miền xuôi. Miếng thịt thơm quá. Thật tai hại, ai ngờ một lời nói cho vui lại làm cho mười mấy trai làng mòn chân sái cẳng như thế này!
 
Trên chuyến xe về xuôi, tôi kể chuyện uống nước thề cho Đích nghe. Đích trợn mắt:
- Sao mày liều vậy?
- Chắc không sao... Hôm đó em có quấn cái khăn nỉ anh đưa. Ngậm vào miệng xong, em nhổ ngay vào khăn.
Đích phá ra cười. “Ra thế. Thằng này giỏi thật... Nhưng dù sao cũng ngậm vào miệng rồi, coi chừng...”
Ruột gan tôi bỗng chờn chợn... Mà thôi, bây giờ  có sợ cũng muộn rồi.

Hơn một năm, tôi dần dần quên Aphin. Cho đến một hôm  gió bấc, tôi gặp Đích quàng chiếc khăn nỉ cũ. Bỗng cảm giác chờn chợn lại dâng lên trong ruột. Một cái gì đó đang chuyển động. Tôi nôn nao, choáng váng. Nước thề!
Từ đó, đều đặn mấy hôm một lần, ruột tôi đau quặn. Bụng tôi không phình to, không có cảm giác như có búa, có đinh, có dao trong đáy ruột như người ta thường tả. Nhưng nó cứ thỉnh thoảng nôn nao, và lạ nhất, một tiếng khóc, một tiếng khóc ngằn ngặt không dứt cứ vang ra từ đó. Tôi thì nghe rất rõ, mà hỏi người chung quanh, ai cũng bảo: “Mày điên tới nơi rồi. Có nghe gì đâu?” Cứ thế, cuối cùng Đích bảo tôi: “Hết thuốc chữa rồi. Đành phải vậy thôi, chẳng còn cách gì hơn!”.

Một năm rưỡi  qua, đường vào bản Tok đã nhiều đổi thay. Một trạm điện  mọc lên bên đường, giữa huyện và bản. Những vạt lúa nước xanh xanh mới được trồng thử quanh đường qua thung lũng. Mùa này dân bản suốt ngày vẫn ở trên nương. Trên vạt rẫy  sau đồi, Aphin đang trỉa bắp dưới nắng. Nàng vừa trỉa bắp vừa hát, giọng nàng hơi khàn, vang vang trong tiếng những cơn gió  vun vút đuổi nhau qua lũng sâu:
Ê ê...
Mình không có lòng thì thôi...
Ta ngoái xem không có dấu chân đi trở lại...
Tôi đến gần nàng. Tiếng khóc đâu đó ngằn ngặt. Đúng tiếng khóc ấy. .  Aphin ngừng hát, chạy tới đỡ lấy chiếc gùi to móc trên cành cây ven rẫy. Trong gùi, dưới bóng lá, một đứa trẻ tóc quăn quăn đang nằm, đưa ngón tay bé xíu lên miệng bú chằm chặp, chốc chốc lại nhả ra và khóc.
Tôi cầm cái gùi. Ngày nào một gùi cơm oằn vai mà  tôi không ngại nặng ... Bây giờ cái gùi này nhẹ tênh...
Aphin bồng con trên tay. Đứa bé say sưa rúc vào vú mẹ. Vú Aphin cương sữa, đứa trẻ càng bú, đầu ngực bên kia càng bắn ra những giọt li ti trắng muốt.
 Tôi nói với Aphin về những cơn đau hành hạ tôi suốt năm trời, về tiếng khóc kỳ lạ luôn ám ảnh tôi, tôi nói rằng tôi sẽ quay lại làm rể rừng, tôi xin nàng tha thứ và cho tôi thuốc giải.
Aphin nhìn tôi ngẩn ngơ, mãi nàng mới hiểu tôi nói gì.
- Aphin không bỏ thuốc vào nước thề. Aphin không biết chơi thuốc độc. Không phải người tộc nào cũng biết bỏ thuốc đâu.
- Vậy thì nước thề...
- Là nước suối múc lên rồi khấn Giàng thôi... Uống nước thề là để làm tin, không phải bỏ ngải đâu mà.
Tôi ngẩn người. Trong nước không có bùa ngải. Vì sao tiếng khóc của đứa con chưa hề thấy mặt cứ không ngừng vang lên trong lòng tôi? Trước mặt tôi, Aphin vừa cho con bú vừa cau mặt ngẫm nghĩ, lát sau nàng bảo:
- Không bỏ thuốc đâu, thật mà. Chắc là Giàng vào trong lòng anh, Giàng nhắc nhở anh về với con đó.
Nói rồi nàng đặt thằng bé no sữa vào tay tôi. Tôi ôm con. Nó cười, bắt đầu thiu thiu ngủ. Một cảm giác thật  lạ lùng. Lần đầu tiên tôi nhận ra cái khu phố nơi tôi ở với bản Tok này 
thực ra chỉ cách nhau có một ngày đường, không cách biệt xa vời như lâu nay tôi cảm thấy.
Aphin giục:
- Thôi anh đi đi, Cập Kê mà thấy anh, nó đánh chết đó.
Có thể còn lâu nữa tôi mới hoàn toàn quen với ý tưởng làm rể rừng, nhưng đã đốn thì phải vác, lẽ đời như thế...
Ai bảo mà tôi biết thế, có phải là Giàng đã ở trong tôi?
“Đi đi anh...” Aphin lại giục tôi.
Tôi ôm cả hai mẹ con vào lòng. Tôi không xa nàng nữa. Không bao giờ xa nữa, dù nơi đâu, ở rừng hay ở phố.
                                    T.T.M

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài đã đăng
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)