Tạp chí Sông Hương - Số 215 (tháng 1)
Tranh Lâm Triết, xem...... và tranh cãi
15:45 | 11/11/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤN Tôi không được biết Lâm Triết những ngày anh tung hoành trong thế giới hội họa miền Nam trước 1975. Nghe nói, anh đoạt được giải này, giải nọ, đã định danh, định vị trong giới nghề nghiệp đông đảo của mình. Mặt bằng giao du của anh với những người cùng trường, cùng lứa trong và ngoài nước, đã khuất hoặc còn đến bây giờ, thấy có tên nhiều người tài hoa, nổi tiếng.
Tranh Lâm Triết, xem...... và tranh cãi

Từ ngày về lại “CÕI AN BÌNH” (Tên cuộc trưng bày tại Tp HCM- 1993) quen thuộc, anh làm việc như một người nhịn đói lâu ngày, nay ăn trả bữa.
Đắm chìm trong thế giới của hoài niệm, của hồi ức, của suy tưởng, anh dàn trải lòng mình lên mặt vải. Những bức tranh anh như tiếng hú gọi đàn của con thú hoang lạc giữa rừng già cô quạnh, tha thiết đối thoại, trao gửi, giao lưu, với một nhân loại mà anh hằng yêu mến. Có phải vì vậy mà anh cô đơn? Cái cô đơn bản thể, hằng hữu nơi kẻ độc hành trong hành trình nghệ thuật.
Tiếp xúc, cảm nhận đầu tiên rất dễ nhận biết nơi anh là một thái độ sống chân thành, từ bản chất. Chân thành trong ứng xử với đời, với bản thân và trên hết chân thành với nghề, với “cuộc chơi một đời “mà anh đã tự mình ràng buộc.
Cũng không biết từ đâu, anh chọn cho mình một hướng đi, một tiếp cận, một phương thức để bộc bạch tâm tư? Lâm Triết không vẽ cái mà mắt thường nhìn thấy. Hướng vào bên trong, anh diễn đạt cái thế giới mà mình chiêm nghiệm và cảm nhận.

Triền miên, đắm chìm, độc thoại trong cõi nội tâm, một nội tâm hoàn toàn tự do, đầy ắp suy tư và không thôi trăn trở. Để diễn đạt, Lâm Triết chọn cho mình một ngôn ngữ riêng. Tranh anh, không có người, không có vật, không có những thực thể được quan sát bằng thị giác.
Tháo tung những đường viền bố cục, vứt bỏ luật viễn cận khuôn sáo, không tuân thủ những quy tắc hình thể kinh điển, đối tượng trong tranh anh là thế giới ký ức, liên tưởng, của cảm nhận và lý giải.
 Với anh, thế giới này “Hình như Đẹp”?! Một “Cái Đẹp” mê hoặc, quyến rũ! Đẹp đến mức không thể chịu được, không thể cầm lòng, không thể không nói ra, không thể không thông báo, truyền đạt tới đồng loại. “Cái Đẹp” trong tranh anh xét cho cùng vẻ như là cái đẹp của chữ “Thiện”, chữ “Tâm”? Hay một chữ “Tâm hướng Thiện”?
 Hình như anh không hề có ý định miêu tả cách quan sát hình thể của một buổi chiều nắng tắt trên cánh đồng lúa vàng đang ngả mầu sẫm tím; cũng không định mô tả buổi sáng rực rỡ trong một bình minh xôn xao; cũng không là cái hấp lực mê hồn của một dòng suối trong róc rách len qua ghềnh đá xanh rêu nơi một khu rừng vắng. Mà là tất cả, mà như cùng lúc.

Lại nữa, hình như Lâm Triết muốn diễn đạt một cái gì cao hơn, rộng và hơn và sâu hơn mà anh đã và đang cảm nhận?
Về cái sắc xanh thao thiết của biển rộng trời cao anh từng chiêm bái trên những nẻo đường nhân loại mà anh đã đi qua? Hay cái làn sương mỏng tang giăng nơi đầu núi một sáng chớm thu đánh thức trong anh hoài niệm thiết tha về một không gian bên dòng sông nhỏ thủa ấu thơ nơi chốn quê nhà? Có phải cái màu đỏ son rực rỡ chói chang nơi những triền núi vùng Colorado vẫn ám ảnh trong anh cảm giác kinh ngạc đến bàng hoàng trước một thiên nhiên dữ dằn nơi miền tây nước Mỹ? Cái màu xanh huyền hoặc của biển cả miền Trung hoang vắng một chiều lãng đãng cuối đông hớp hồn lữ khách? Ấn tượng khó phai khi đứng ở đầu làng nhìn về hướng Tây nơi lớp lớp Trường Sơn bồng bềnh trong mây chuyển màu từng khoảnh khắc theo quỹ đạo của mặt trời? Hay sông Hương mơ màng những chiều sương khói mông lung phủ mờ mối tình đầu đời vương vấn nơi một nàng Tôn nữ?

 Hình như không phải! Hình như không chỉ thế! Hình như anh đã vượt qua, đã thoát ra, không còn bị chi phối bởi những ràng buộc trong tương quan hình thể, đối tượng của con mắt và những cảm xúc riêng tư. Cái anh muốn thú nhận với công chúng là trong anh, nơi đáy sâu tiềm thức cõi nội tâm người nghệ sỹ, mọi thực thể, mọi động thái chốn nhân sinh đều chuyển vị sang ngôn ngữ của thế giới sắc màu với hệ từ vựng và ngữ pháp của riêng anh. Ở đấy có đủ vui, buồn, thổn thức, xôn xao, đau đớn và hạnh phúc, dằn vặt và suy tư, vỡ oà niềm hoan lạc và dường như vẫn lẩn quất đó đây cái mệnh đề muôn thuở: “Ai? Từ đâu đến vậy? Rồi sẽ về đâu?”. Và anh muốn nói với mọi người điều anh cảm nhận từ thế giới này rằng tất cả những điều ấy đang hằng hữu trong anh bằng bản hoà tấu của sắc màu, trong những giấc mơ lộng lẫy.
Ở đây, một chừng mực nhất định, hé lộ những trầm tích bất tự giác của văn hoá cội nguồn, của truyền thống phương Đông. Bỏ qua tính chính xác toán học, quên đi luật viễn cận kinh điển trường lớp và thói quen mổ xẻ, phân tích đối tượng của khoa giải phẫu thẩm mỹ để đề cao năng lực của suy tưởng, để chiêm nghiệm và đốn ngộ, để truyền đi thông điệp về khoảnh khắc và vĩnh hằng, rằng thế giới sao mà lộng lẫy, mênh mang, còn kiếp người thì trầm luân, ngắn ngủi?

Trong lời tự bạch, khi nói về cảm hứng sáng tác, Lâm Triết khẳng định:
“Anh đứng ngoài chính tri?!”. Điều đó là có thể. Nhưng anh không thể đứng ngoài cuộc đời. Chính trị không phải là tất cả, nhưng cũng là một phần của cuộc sống và dù muốn, dù không, khó mà thoát khỏi sự chi phối, tác động của nó, có khi chỉ là vô thức.
Trong khát vọng muốn vượt thoát ra ngoài, muốn bay lên thật cao, ném một cái nhìn xuống nơi trần thế, Lâm Triết không nhìn thấy thế giới này thuần khiết chỉ một màu xanh ngọc bích. Trong tranh anh, bên những mảng lớn mượt mà của má hồng thiếu nữ, của đồng quê lúa non, của rặng núi xa mờ hư ảo, còn có những mảng màu vụn vỡ, những xung đột khốc liệt, những bóng tối rạn nứt, rối rắm vv... Rất có thể khi cầm cọ trát màu lên mặt vải, người họa sỹ lòng tự nhủ lòng: “Ta tự do, hoàn toàn tự do, thoát ra ngoài mọi khuynh hướng, mọi ràng buộc!” Nghĩ thế và tưởng thế! Nhưng làm sao vượt thoát ra được khi ngũ quan vẫn còn hoạt động, khi vẫn lưu trú trong lòng xã hội. Xung đột ý thức hệ, chiến tranh ở Trung Đông, nghèo đói ở châu Phi, khủng bố lan tràn và ngay cả trong lòng nước Mỹ vv... và cũng chẳng phải tìm đâu xa, cơn vật vã để thoát khỏi bần hàn và tồn tại như một dân tộc có nhân phẩm của người Việt , cạnh những mảng sáng không thiếu gì mảng tối đang vây bọc chúng ta hàng ngày bằng những phi lý hữu căn hoặc vô căn.

Tác giả đang đứng trên mặt đất này, trên mặt một đại dương đầy sóng (chữ dùng của Thái Bá Vân - NV), chứ không phải đang bay trên một khoang tàu vũ trụ để chỉ thấy địa cầu là một hành tinh xanh lơ chầm chậm lướt trong không gian. Dù không có ý định, nhưng thực tế đó, kể cả thực tế chính trị, không thể không ánh xạ vào ý thức của tác giả và từ ý thức đi vào tác phẩm là một tất yếu mà tác giả không hề nhận biết.
Chính vì vậy mà tranh Lâm Triết đẹp, cái đẹp chín chắn của một người trưởng thành, nhưng cũng đầy những hoài nghi, vật vã để nhận thức cuộc sống, một cuộc sống hấp dẫn mà anh đang dấn thân với tất cả sự dè dặt, thận trọng của một người từng trải.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, Chủ nghĩa Trừu tượng (Abstractionnisme), cũng như nhiều trường phái hội hoạ khác như Cổ điển, Tân Cổ điển, Ấn tượng, Biểu hiện, Đađa, Dã Thú, Lập thể vv... kế tiếp, thay nhau trong đời sống nghệ thuật theo quy luật phủ định là hệ quả của đời sống triết học ở châu Âu, nảy sinh từ cuộc sống tư tưởng và văn hoá của xã hội đã sinh ra chúng. Vì lẽ đó, người nghệ sỹ khi du nhập nó vào đời sống Việt, có một sứ mệnh lớn lao và không kém phần gian khó là cần thâm nhập, đắm chìm vào nó, để rồi tiêu hoá và bản địa hoá nó. Nếu hiểu như vậy thì hành trình hội hoạ của Lâm Triết xem ra còn dài, rất dài.
Hội hoạ thuần khiết, khi đạt đến đỉnh cũng gần như một thứ “Đạo”, như “Cung đạo”, “Kiếm đạo”, “Trà đạo”, “Hoa đạo” vv... Bên cạnh việc làm chủ kỹ năng thực hành, người vẽ phải đạt đến trạng thái vô ngã, trạng thái satori (giác ngộ), nằm phía bên kia ranh giới của tự ngã, quên đi cọ vẽ, khung tranh, quên đi ngay chính bản thân mình, để chỉ còn lại một ý niệm duy nhất, “Ý niệm về Cái Đẹp”, cũng như cung thủ phải gạt ra ngoài những ý thức về phương tiện, công cụ, để hoá thân vào đích bắn.

Người hoạ sỹ khi đạt tới trình độ của vô thức, đạt đến mức của “Cái rỗng không” thì ý tưởng sáng tác có thể loé sáng chỉ trong một “sátna” đốn ngộ - bằng trực giác - để mở ra một chân trời mới, “chân trời của sáng tạo”. Chính vì vậy, người hoạ sỹ không thể giấu mình.
Hội họa đích thực nói riêng và nghệ thuật nói chung không có chỗ cho thói quen làm dáng, mà là tấm gương trung thực nhất phản chiếu toàn bộ bí mật nội tâm, là bức thông điệp quan trọng gửi đến người xem. Vì vậy, nghệ thuật nghiệt ngã đòi hỏi người nghệ sỹ bộc lộ tới tận cùng toàn bộ những rung động sâu kín của tâm hồn, không một mảy may dối trá.
Lâm Triết không bao giờ đặt tên cho những bức tranh. Tác giả hoàn toàn tự do trong cảm thức và diễn đạt, còn người xem cũng hoàn toàn tự do trong tiếp nhận. Cuộc giao lưu, sự đồng cảm, không chỉ căn cứ vào những tín hiệu mà người vẽ muốn truyền đạt, thông báo, mà còn căn cứ vào kinh nghiệm, ký ức của bản thân người xem. Từ một bức tranh cụ thể, người xem có thể cảm nhận khác nhau - thậm chí hoàn toàn khác - dựa vào kinh nghiệm cá nhân rút ra từ vốn sống của chính mình. Người vẽ và người xem đều tự do. Nếu một yếu tố nào đó có khả năng tác động - và chi phối - thì có lẽ chính là tâm trạng, thậm chí trạng thái tinh thần và thể chất cá nhân vào thời điểm tiếp xúc tác phẩm.
 
Như vậy là cùng một bức tranh, cảm nhận có thể đổi thay, đối với từng người, thậm chí từng lúc. Phải chăng như là sự hoán vị của “Tĩnh” và “Động”, “Tĩnh” là những rung động mà tác giả định hình trên tranh, còn “Động” là trạng thái tâm thức, thuộc người xem. “Động “ Tĩnh” lúc này không còn là việc của thị giác, mà thuộc về “Tâm cảm”. “Tâm tĩnh” thì như mặt hồ lặng sóng, phản chiếu mây trời, “Tâm động” thì như mặt nước xôn xao, thế giới vụn vỡ. Xác suất tâm giao tùy thuộc “Cơ duyên”. Cái Duyên ở đây là cái duyên Bá Nha - Tử Kỳ. Tri âm - tri kỷ.
Sắc màu trong tranh Lâm Triết lặng lẽ mà như có tiếng chim hót, suối reo, có tiếng thét gào của bão tố lướt qua rừng già, và cả tiếng cười trong như pha lê ngọc nữ bên gối mềm một đêm thu ẩm ướt. Và để cảm nhận, buộc lòng phải làm quen với ngôn ngữ đặc thù của loại hình nghệ thuật mà mình thâm nhập.

Tranh Lâm Triết gần với những tác phẩm âm nhạc không lời. Những hoà sắc lúc dữ dội, gầm rú, khi êm ả mượt mà, không hình thể hoặc biến mất hình thể để dựng nên một hình tượng, tạo nên một cảm xúc tổng hoà, như những hoà âm dịu dàng trong một bản Sonate vẽ ánh trăng khuya đến những hợp âm dữ dội của những nhạc sỹ tài ba viết về bão tố. Tranh Lâm Triết là một Symphonie diễn tấu với một dàn khí nhạc đồ sộ, không giống những ca khúc có sự trợ giúp của ca từ.
Hành trình nghệ thuật và hành trình cuộc sống vốn là một cặp song hành tiệm cận. Còn kẻ thù của nghệ thuật không ai khác hơn là sự lặp lại nhàm chán, kể cả lặp sự thành công của chính mình. Có lẽ vì vậy mà trong hành trình lịch sử, nghệ thuật tạo hình nói chung và hội họa nói riêng đã từng dấn thân vào biết bao cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các thứ chủ nghĩa, mang đuôi “isme” thay nhau ra đời, cáo chung, phát kiến, rồi để tiếp tục phát kiến, cáo chung. Cứ mỗi lần như vậy, nghệ thuật lại tự nâng mình lên, dấn thân vào những thử nghiệm mới thông qua thẩm định của cuộc sống đã đổi thay, đã được nâng cao, để rồi đi tiếp. Cuộc rượt đuổi ấy giống như cuộc chơi của Sơn tinh - Thủy tinh, qua đó, cả cuộc sống, cả nghệ thuật đều phải khẳng định một tầm cao mới và đứng trước một yêu cầu luân hồi nghiệt ngã: “Phủ nhận và Sáng tạo”, không ngừng tự làm mới mình. Chính vì vậy mà cuộc sống này luôn đổi thay, sống động, phong phú, và... thật vui.

Thoát ra khỏi ràng buộc của hình thể, của quy ước lỗi thời, nghệ thuật trở nên tự do, phóng khoáng, nhiều khả năng hơn để diễn đạt từ những rung động tế vi sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi con người, đến những chấn động lớn lao có tầm vóc xã hội, nhân loại. Mà trong phạm trù này, mỗi con người đã là một vũ trụ rồi.
Lâm Triết không đặt tên cho từng bức tranh, anh đặt tên cho từng cuộc trưng bày, những lần giao tiếp.
Hành trình “VƯƠN LÊN TỪ THẦM LẶNG” (Bourbank - California - 1991) đánh dấu cuộc đào thoát của anh sau 15 năm lưu lạc xứ người, đánh mất quê hương, đánh mất cảm xúc, đánh mất chính mình, đến “CÕI TRẦM TƯ” (Tp HCM - 1992) như một vật vã để tìm lại bản thân. Còn phải băng qua “SAU CƠN GIÔNG” (Vaala - California - 1993) để tìm lại một quê hương tưởng chừng thất lạc.

“TỪ CÕI AN BÌNH” (Tp HCM- 1993 - California - 1993) tên một phòng tranh anh trưng bày ở Tp Hồ Chí Minh năm 1993 được công chúng đón nhận, nhưng cách chọn tên đã bị một số người, kể cả bạn bè cùng giới phản ứng dữ dội lúc anh trưng bày ở Cali (Hoa kỳ) khi không đồng tình với cuộc lựa chọn của anh!
 “LẮNG ĐỌNG” (Hà Nội -1997) là tên cuộc ra mắt đầu tiên của anh trước công chúng thủ đô.
Cuộc triển lãm lần ấy không xin được giấp phép vào phút chót(!?). Anh dựng tranh nơi chân tường cạnh những lẵng hoa chào mừng bạn bè lỡ mua. Trong sổ ghi cảm tưởng, một người bạn, G.S Tương Lai, một nhà xã hội học viết:
Tôi nghĩ rằng “LẮNG ĐỌNG” sẽ đọng lại sâu trong lòng Hà Nội vốn rất giàu văn hoá và trân trọng những tấm lòng.
Người tử tế của Hà Nội biết rằng Lâm Triết sẽ còn có dịp đến với người Hà Nội sâu lắng hơn.” TL - 14.4/1997


 Dương Tường, một người bạn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn học- nghệ thuật ở thủ đô ghi trong sổ cảm tưởng:
Lại một phòng tranh không mở cửa! Song để lại cho bạn bè Hà Nội một cái gì để nhớ, như cái tên “LẮNG ĐỌNG” của nó.
Thay vì tác giả xin lỗi khách mời vì không khai mạc được, những người giới elite Hà Nội phải xin lỗi Lâm Triết vì sự kiện đáng tiếc này.
Âu cũng là một kỳ ngộ. DT

Còn Thái Bá Vân, một cây bút phê bình - nghiên cứu nghệ thuật hàng đầu của Hà Nội viết:
LẮNG ĐỌNG” nhưng mà rạo rực, xôn xao.
Chúng ta đâu có đứng trên mặt đất, chúng ta đang đứng trên mặt đại dương đấy chứ, và gió bão dội vào người nghệ sỹ nhiều hơn cả.
Thế mà lắng đọng, thế mà âm thầm.
Tôi xem tranh Lâm Triết dựng ở chân tường Hà Nội, chứ không phải treo trên cao.
Tôi hiểu thêm thế nào là thân phận.                Hà Nội, 14/4/1997
T.B.V


Sau những chấn động ấy, tưởng như anh sẽ “Gác bút - Rửa tay”? Nhưng không! Gần mười năm sau, một lần nữa Lâm Triết lại tái sinh “TỪ GIỌNG HÁT EM” (Tp HCM - 2006) vào TUỔI BẢY MƯƠI.
Triển lãm lần này của “Ông già Triết” tìm được sự đồng cảm từ nhiều phía.
Một nhà Khoa học, một GS.TS ngành vật lý nguyên tử ghi vào sổ cảm tưởng:
Tranh trừu tượng ở một khía cạnh nào đó rất gần với toán trừu tượng. Nó không hẳn nói về một cái gì cụ thể mà nói về tất cả. Khi áp lên nó một suy nghĩ một đối tựơng thì nếu logic trừu tượng đúng, sẽ dẫn đến kết quả hợp lý. Tranh của Lâm Triết có lẽ là những logic đúng nên đã làm nền cho những rung động của con tim và khối óc của những người thưởng thức. ....”
                                                NGUYỄN MỘNG GIAO
                                                            GS.TS. Viện Khoa học công nghệ VN

Và những dòng ghi vội vã nguệch ngoạc sau đây:
Hôm nay cháu rất vui mừng khi được sở hữu một bức tranh của chú Lâm Triết. Khi xem tranh của chú, cháu cảm thấy tâm hồn chú rất trẻ, lãng mạn, bao la, còn phần cháu cảm thấy bay bổng khi xem tranh của chú. Cháu kính chúc chú Lâm Triết vui khoẻ, trẻ và sáng tác mãi”. Tp HCM 15/9/2006.
Tác giả của những dòng cảm tưởng trên để lại một chữ ký lằng ngoằng, không rõ tên, là chủ nhân một tiệm hớt tóc nhỏ, đã tần ngần hai ngày trước một quyết định: “Cháu thích bức tranh này lắm nhưng cháu không có tiền, tranh chú đến 3000$ lận, mà cháu chỉ có 500$, cháu muốn mua về treo để cho khách của cháu đến cắt tóc cũng được ngắm tranh của chú!”.
 Có lời khen nào xúc động và cao sang hơn lời khen trên đây dành cho một hoạ sỹ?
Và tất nhiên tác giả bán liền. Người bán và người mua, cả hai đều rưng rưng(!)
Sau năm mươi năm đắm chìm trong thế giới màu sắc, và mười lăm năm lưu lạc, người hoạ sỹ già đang có trong tay một gia tài nghệ thuật đồ sộ.
Nhưng cái còn đồ sộ hơn, qúy giá hơn là anh vẫn đang sở hữu một năng lực sáng tạo tràn trề, lai láng sức xuân.
 TP. Hồ Chí Minh, giữa mùa Thu 2006

                                                 N.T.H

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 

Các bài mới
Miền vĩnh phúc (12/11/2008)
Các bài đã đăng