Tạp chí Sông Hương - Số 215 (tháng 1)
Sự bất tử của Milan Kundera - Một sắc diện mới cho tiểu thuyết
10:54 | 12/11/2008
TRẦN THANH HÀLGT: Có thể nói rằng, “Tiểu thuyết và tiểu luận về tiểu thuyết của Milan Kundera được xem như là một trong những hiện tượng độc đáo đáng được chú ý trong văn học Châu Âu hiện đại”. Mỗi cuốn tiểu thuyết cô đọng của nhà văn, mang lại cho độc giả một cái nhìn độc đáo về thế giới hiện đại và vị trí con người trong đó, một thứ triết học riêng về cuộc sống và mối quan hệ liên cá nhân, “các chủ đề sắc sảo và các tính cách con người sinh động được kết hợp với những suy tư về các đề tài triết học và hiện sinh mang tính toàn cầu”.
Sự bất tử của Milan Kundera - Một sắc diện mới cho tiểu thuyết

Cũng có thể nhận định rằng: Lý thuyết tiểu thuyết độc đáo của ông trong các tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết” và “Những di chúc bị phản bội”, những lời bình chú của ông về các tác phẩm của mình, những suy nghĩ của tác giả được gài đặt trong các văn bản tiểu thuyết, đã trở thành một tiếng nói mới trong sự phát triển của tư tưởng mỹ học hiện đại. Lý thuyết về tiểu thuyết của Milan Kundera có lẽ có ảnh hưởng trong lý luận phê bình và sáng tác ở Việt chắc chỉ sau lý luận của M.Bakhtine. Bài viết dưới đây của Trần Thanh Hà vận dụng các quan điểm tiểu thuyết của Milan Kundera để khảo sát một tiểu thuyết độc đáo của chính nhà văn.

Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp hiện nay được xem là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Hậu hiện đại phương Tây. Nghệ thuật tiểu thuyết xuất bản năm 1985 đã gây một tiếng vang lớn. Không những tiểu luận này bộc lộ cách kiến giải sắc sảo về nghệ thuật viết tiểu thuyết mà còn khẳng định tầm hiểu biết uyên bác và ý tưởng mỹ học mới mẻ của ông. Không chỉ dừng lại ở đó, lần lượt tiểu thuyết của ông ra đời được xây dựng trên cơ sở quan niệm của ông về tiểu thuyết. Năm 1990, tiểu thuyết Sự bất tử lôi cuốn người đọc bởi ý tưởng uyên bác độc đáo của tác giả trong cuộc truy xét đời sống con người và nghệ thuật thể hiện của tác phẩm này. Nhận xét Sự bất tử theo http://en.Wikipedia.Org/wiki/Milan Kundera, viết: “Sự bất tử là sự bùng nổ của thông thái. Ông mong muốn tạo nên phong cách riêng từ tác phẩm này cho việc định hướng phong cách những tác phẩm sau này của mình”.
Có thể nói rằng Sự bất tử đã tập trung một cách toàn vẹn quan niệm về nghệ thuật tiểu thuyết của ông. Điều này được thể hiện ở các phương diện sau:

1. Tiểu thuyết trò chơi: Tiếng gọi của trò chơi là một trong bốn tiếng gọi đối với Kundera là những ngả đường phát triển của tiểu thuyết hiện nay. Đối với Kundera thế giới hình tượng trong tiểu thuyết mang tính thẩm mỹ, mang tính giả tưởng. Điều này tuỳ thuộc vào cách tổ chức, sắp xếp, xây dựng mô hình của nhà tiểu thuyết. Đó là trò chơi mà người nghệ sĩ tự đặt quy tắc cho mình. Tính trò chơi của nhà văn thể hiện trong tác phẩm được xây dựng trên một cơ sở mỹ học nhất định và sự hấp dẫn người đọc bởi nghệ thuật của nhà tiểu thuyết tạo ra trò chơi đó. Nói một cách khác tìm hiểu tính trò chơi trong tiểu thuyết của Kundera là tìm hiểu các thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng nhằm chuyển tải một thông điệp nào đó đến bạn đọc. Tính trò chơi trong tiểu thuyết không chỉ khẳng định tài năng của người viết mà còn đem đến cho người đọc sự sảng khoái như bị bỏ bùa mê bởi sự độc đáo của hình ảnh, cái bất ngờ của tình huống, vẻ kinh ngạc của các sự kiện. Tài năng của nhà văn chính là ở chỗ tạo ra cuộc chơi và dẫn người đọc tham gia vào cuộc chơi đó.

Sự bất tử của Kundera là trò chơi “rubic” các nhân vật nhiều thời đại, nhiều tuyến đối lập như những mảng màu khác nhau, được đặt gần nhau. Tác phẩm chia thành nhiều mảng đa tuyến. Ở góc độ thời đại lịch sử có hai tuyến chính: Các nhân vật lịch sử như Goethe, Hemingway, Romain Rolland, Hoạ sĩ Rubens, Napoléon... Những nhân vật thời hiện đại như Ágnes, Lausa, Paul, Auenarius... Ở góc độ tư tưởng cũng có thể chia thành nhiều tuyến như nhà văn, nhà báo, nhà chính trị, quân sự... Các tuyến nhân vật ở từng thời đại khác nhau, tư tưởng khác nhau cùng bước vào một sân khấu lớn: Châu Âu thời Hiện đại. Sự phát triển của mỗi tuyến nhân vật xoay quanh một chủ đề lớn: thói háo danh và sự bất tử. Trong mỗi tuyến nhân vật chủ đề này lại được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh đó, kết cấu tác phẩm của Kundera được chia thành từng phần, từng chương và mỗi phần hoặc chương lại gắn với một nhân vật hay một sự kiện nào đó. Vì vậy, như cách chơi Rubic người đọc phải xoay quanh trục chính, tự giải mã để tìm ra đáp số. Tức là tái hiện một cách trọn vẹn những nhân vật, như tìm ra mảng màu nguyên phiến ở trò chơi Rubic. Thủ pháp nghệ thuật sử dụng của Kundera vừa tạo ra sự đối lập giữa các tuyến nhân vật vừa tạo dựng được bức tranh nhiều màu về cuộc sống. Quan trọng hơn là cách tạo cuộc chơi rubic đã diễn tả được vũ điệu quay cuồng của những con người thời hiện đại đang tất bật, hoảng hốt đi tìm cái bản nguyên của riêng mình.
Tính trò chơi trong tiểu thuyết của Kundera không chỉ thể hiện ở mô hình hay kết cấu mà còn thể hiện ở các nhân vật. Đối với Kundera, nhân vật là một cái tôi thử nghiệm của tác giả. Trong tiểu thuyết Đòi nhẹ khôn kham trang 231 của Kundera, ông viết: “Nhân vật trong tiểu thuyết của tôi là những khả hữu vô thức của chính tôi. Đó là lý do vì sao tôi yêu quý và khiếp sợ những nhân vật đó ngang nhau. Mỗi nhân vật vượt qua lằn ranh biên cương do chính tôi vạch ra. Chính lằn ranh bị vượt qua đó (bên kia lằn ranh, “cái ngã” của riêng tôi chấm dứt) là cái quyến rũ tôi nhất. Bởi bên kia lằn ranh là nơi khởi đầu cho cái ẩn mật quyển tiểu thuyết yêu cầu”.

2. Tiểu thuyết và triết học:
Các nhà tiểu thuyết lớn thường thể hiện trong tác phẩm của mình tư tưởng triết học và điều đó cũng dễ nhận ra trong lịch sử văn học phương Tây ảnh hưởng triết học Kant, Husserl, Freud, triết học hiện sinh... Chúng ta cũng biết có nhiều dòng văn học được khơi nguồn hay chịu tác động trực tiếp của tư tưởng triết học nào đó. Tuy nhiên ở bất kỳ nghệ sĩ vĩ đại nào, nhà sáng tạo luôn xuất hiện trước nhà lý luận. Kundera cũng vậy. Thật khó mà xác định dứt khoát, rõ ràng một ảnh hưởng triết học nào đó trong sáng tác của ông. Bởi chính ông đã khẳng định trong Nghệ thuật tiểu thuyết. “Tiểu thuyết biết đến tiềm thức sớm hơn Freud, biết đến đấu tranh giai cấp sớm hơn Marx, nghiên cứu hiện tượng học sớm hơn các nhà hiện tượng học”. Vì vậy tìm hiểu tư tưởng triết học trong Sự bất tử chúng ta sẽ thấy được nhiều vấn đề mà các tư tưởng triết học đã đề cập: quan niệm về con người đặt trong tình thế hiện sinh như quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh, sự chi phối mạnh mẽ của bản năng và vô thức tập thể như quan niệm của phân tâm học... Tuy nhiên, không phụ thuộc vào các tư tưởng đạo đức, chính trị, triết học, tiểu thuyết Sự bất tử của Kundera là sự tổng hợp trí tuệ lớn. Chúng ta có thể bắt gặp trong tác phẩm này những đúc kết, suy nghiệm mang tầm phổ quát: thói háo danh đeo đẳng và giết chết nhân cách con người, sự hư vô của ái tình, sự tàn phá của tốc độ trong thế giới hiện đại đối với đời sống cá nhân, giá trị của nghệ thuật đối với con người...

Tất cả tư tưởng triết học riêng của ông được chuyển đổi thành tiểu thuyết qua hình tượng nhân vật Rubens, người hoạ sĩ nổi tiếng của thế kỷ XVII được khắc hoạ trong những câu chuyện tình triền miên. Nhưng đó không hẳn là cuộc phiêu lưu tình ái của người nghệ sĩ mà thực chất đó là hành trình, cuộc kiếm tìm giá trị đích thực của cái đẹp để người nghệ sĩ trải nghiệm và “lột xác”. Goethe, Rilke, Rolland, Hemingway, Beethoven... là những nhân vật thể hiện những góc nhìn khác nhau về nghệ thuật: Goethe trong khuôn khổ, Rolland với chủ nghĩa tình cảm, Rubens phóng túng, Hemingway tự do, Beethoven nổi loạn... Sự phong phú, đa dạng về tư tưởng thể hiện trong tiểu thuyết của Kundera xuất phát từ quan niệm của ông “Không có cái gì có thể đưa ra suy luận mà lại bị loại ra khỏi nghệ thuật tiểu thuyết”.
Đọc Sự bất tử của nhà văn người Tiệp này chúng ta có thể lảy ra từ tiểu thuyết này những châm ngôn, đúc kết mang tầm phổ quát. Song, để là một tiểu thuyết triết học, tác giả không chỉ dừng lại ở những châm ngôn đó. Chính những nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện được triết học riêng của ông. Trên tinh thần tổng hợp tư duy tối cao, tác phẩm đã thể hiện một tư duy triết học sâu sắc và mang tầm khái quát sâu rộng. Dường như nó đã thâu tóm toàn bộ tư tưởng triết học nhân sinh qua nhiều thế kỷ.

3. Tiểu thuyết luận bàn về tiểu thuyết:
Trước ông đã có nhiều nhà văn lấy tiểu thuyết làm đề tài của tiểu thuyết. Trong đó tiêu biểu là , Grillet, Gide... Sự bất tử của Kundera cũng có thể xem là một tiểu thuyết luận bàn về tiểu thuyết, tuy nhiên khác với những nhà văn khác, việc bàn luận về tiểu thuyết của Kundera hoá thân vào các nhân vật, tình huống.
Có đọc Nghệ thuật tiểu thuyếtNhững di chúc bị phản bội của ông mới thấy hết chiều sâu của tác phẩm này. Một quy tắc mà Kundera đã nêu là: “Quy tắc của tôi rất ít ẩn dụ trong một cuốn tiểu thuyết; nhưng cái ẩn dụ này phải là những đỉnh cao nhất” (Nghệ thuật tiểu thuyết, trang 123). Vì vậy có thể nói rằng Sự bất tử là một ẩn dụ đỉnh cao. Bởi thông qua bảy phần của tác phẩm chính là bảy vấn đề mà Kundera đã phân tích trong tiểu luận của mình về nghệ thuật tiểu thuyết.
Phần I: Khuôn mặt.
Là diện mạo tiểu thuyết với quan niệm, tiểu thuyết luôn đòi hỏi sự khác biệt đối với các thể loại khác và đối với những tiểu thuyết đã ra đời trước đó. Điều này giống như nhân vật Agne's trong tác phẩm loay hoay, hoảng sợ khi thấy mình chỉ là phiên bản của thế hệ trước và giống hệt mọi người xung quanh.
Phần II. Tựa đề Sự bất tử.
Là lời khẳng định của Kundera về giá trị của nghệ thuật đã làm nên lịch sử Châu Âu. Nếu ở phần I, ông bộc lộ quan niệm về bản thể và tinh thần tiểu thuyết thì ở phần II này bộc lộ quan niệm của ông về vai trò, sứ mệnh của tiểu thuyết. Quan niệm này được bộc lộ qua câu chuyện về Bettina. Bettina muốn gắn cuộc đời với bậc vĩ nhân là Goethe hay Beethoven để tìm sự bất tử cho mình. Song Kundera chỉ ra rằng: Sự bất tử không phải là đời tư các danh nhân mà chính là giá trị những tác phẩm của các danh nhân để lại.
Phần III:
Với tựa đề đấu tranh.
Cốt truyện là mâu thuẫn giữa hai chị em Agne's và Laura nhưng trong phần này có nhiều chương nói về Paul hay Bernard. Đây là phần có nhiều chủ đề như: những tình thế hiện sinh, việc sản xuất hàng loạt của nghề tạo mẫu, sự vi phạm nhân quyền, kiểu yêu thơ theo thị hiếu... cuộc đấu tranh trong tác phẩm chính là cuộc đấu tranh của tác giả chống lại xã hội toàn trị, chống lại cách suy diễn sai lệch về văn chương, phê phán văn chương theo thời, giả tạo và lên án cách tiếp nhận tác phẩm lệch lạc chỉ chú trọng vào cuộc đời tác giả... Cả phần III của tiểu thuyết bàn luận thực trạng của văn chương, số phận của tiểu thuyết.
Phần IV: Mang tựa đề Con người tình cảm.
Đây là phần bàn luận của Kundera về những tư tưởng đã xuyên suốt lịch sử văn học Châu Âu. Xen kẽ trong những câu chuyện là quan niệm về mỹ học và văn minh Châu Âu qua các thời kỳ; đây cũng là phần tổng kết của Kundera về lịch sử phát triển tiểu thuyết Châu Âu.
Phần V: Ngẫu nhiên kể về sự gặp gỡ thú vị của Agne's trong chuyến du lịch qua đó bộc lộ quan niệm mỹ học của Kundera về tiểu thuyết. Ngẫu nhiên trong tiểu thuyết luôn tạo ra vẻ đẹp bất ngờ mà đã từng so sánh: sự gặp gỡ của một cái ô và một cái máy khâu trên một cái bàn phẫu tích. Phần V bộc lộ quan niệm của Kundera về kết cấu tiểu thuyết.
phần VI: Mặt số đồng hồ chính là thời gian Châu Âu, thời gian lịch sử. Tiếng gọi của thời gian trong sáng tạo nghệ thuật của Rubens cũng chính là tiếng gọi vào tương lai của tiểu thuyết. Đây là phần bộc lộ quan niệm của Kundera về quá trình sáng tạo của một nhà tiểu thuyết. Hành trình chinh phục và khám phá trong suốt thời gian dài là con đường mà người nghệ sĩ phải trải qua để vươn tới chân, thiện, mỹ.
Phần cuối có tựa đề lễ mừng, là sự thừa nhận và khẳng định lại các giá trị. Đây cũng là phần bộc lộ niềm tin của Kundera về con đường phát triển tiểu thuyết trong tương lai.
Từ những vấn đề đã nêu trên, chúng ta thấy rằng: Sự bất tử bên cạnh những nhân vật, cuộc đời, số phận là một quan niệm Kundera về tiểu thuyết. Kết cấu tác phẩm này như một tiểu luận bàn về tiểu thuyết luận đề.

4. Tiểu thuyết bách khoa:
Những tác phẩm vĩ đại luôn là tiểu thuyết bách khoa. Nếu như Proust với Đi tìm thời gian đã mất hàm chứa và tóm lược cả nền văn hoá phương Tây hay Linh Sơn của Cao Hành Kiện bao trùm cả nền văn hoá Trung Hoa hoặc tác phẩm của Coetzee khái quát toàn cảnh xã hội và văn hoá Nam Châu thì tác phẩm của Kundera không chỉ xuyên suốt nhiều thời đại lịch sử mà còn tổng hợp nhiều kiến thức. Tính bách khoa trong tiểu thuyết Sự bất tử được thể hiện ở nhiều mặt. Về phương diện lịch sử: tác phẩm đã nối kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Về phương diện xã hội: tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề như nhân quyền, lối sống, chính trị, pháp luật... Về phương diện nghệ thuật: tác phẩm là sự tổng hợp kiến thức về hội hoạ, âm nhạc và văn học. Và tổng hợp quan niệm mỹ học ở nhiều thời đại khác nhau.
Tính bách khoa của tác phẩm không chỉ thể hiện ở kiến thức mênh mông của tác giả mà còn thể hiện ở cách xây dựng nhân vật. Bên cạnh những nhân vật lịch sử như Napoléon, Goethe, Hemingway... là những nhân vật tưởng tượng. Mỗi nhân vật tưởng tượng là một cái tôi thử nghiệm của tác giả. Vì vậy mỗi nhân vật mang một tính cách, một số phận, một trạng huống và đó là những tình huống hiện sinh. Qua nhân vật, người đọc hiểu thêm về mình, hiểu thêm về sự phức tạp, nhập nhằng mang tính nước đôi của sự sống. Khác với những tiểu thuyết bách khoa nặng về lịch sử, địa lý, khoa học... tác phẩm của Kundera bộc lộ sự đa dạng, phong phú về cuộc đời. Vì thế đọc tác phẩm của ông con người có thể khuôn ngoan hơn và sống tốt hơn.

5. Tiểu thuyết giao hưởng: Kundera sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật danh tiếng về âm nhạc. Bản thân ông cũng đã từng học nhạc. Vì vậy, âm nhạc đã có một ảnh hưởng rất lớn trong sáng tác văn học của ông, không chỉ thể hiện kiến thức âm nhạc trong việc phân tích tác phẩm mà đóng góp quan trọng và mới mẻ nhất của ông trong nghệ thuật tiểu thuyết là tạo ra những tác phẩm như những bản giao hưởng hoành tráng, đồ sộ. Ông đã đưa lý thuyết về nhạc để tạo dựng kết cấu tác phẩm, tạo ra một vẻ đẹp mới toanh cho tiểu thuyết. Trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, Kundera đã bộc lộ ý đồ sáng tạo của mình như sau: “Việc chia cuốn tiểu thuyết ra từng phần, các phần thành chương, các chương thành đoạn, nói cách khác, việc phát âm rành rọt của tiểu thuyết, tôi muốn nó thật sáng sủa” (trang 91). Vì vậy tác phẩm của ông thường chia thành nhiều phần, chương, đoạn, mỗi phần thể hiện một quan điểm riêng của tác giả và mỗi chương, đoạn có một độ dài, tiết tấu riêng biệt. Và ông nói: “cho phép tôi một lần nữa so sánh tiểu thuyết với âm nhạc. Mỗi phần là một chương nhạc, các chương sách là khuôn nhịp, các khuôn nhịp hoặc ngắn, hoặc dài, hoặc có độ dài bất thường. Điều này đưa ta đến vấn đề nhịp độ. Mỗi phần tiểu thuyết có thể mang những ký hiệu âm nhạc: moderato, prosto, adagio...” (trang 92). Từ đó, ông so sánh với tác phẩm của mình như sau: “cũng giống như các tiểu thuyết của tôi, toàn bộ bản nhạc gồm những phần rất không đồng nhất về hình thức (nhạc Jazz, nhạc một vũ khúc, nhạc fuga, hợp xướng.v..v...) sự đa dạng về hình thức đó được cân bằng bởi một sự thống nhất rất lớn về chủ đề...” (trang 95). Như vậy, tìm hiểu bản hoà tấu trong tác phẩm của Kundera chúng ta xem xét ở những góc độ sau: độ lâu, nhịp độ, loại hình âm nhạc, phần solo, lối kể...

Nếu xem phần tiểu luận xuất hiện trong tiểu thuyết là nhạc Jazz, phần truyện ngắn xuất hiện trong tiểu thuyết là vũ khúc với dung lượng vừa phải là sonate và độ dài lớn hơn của tác phẩm là giao hưởng và việc xuất hiện song hành hai tuyến đối lập là nhạc fuga, ta sẽ có sơ đồ kết cấu của sự bất tử là: phần 1: - Khúc dạo đầu, phần 2: - Bản hoà âm giữa nhạc Jazz, vũ khúc và sonate, phần 3, 4, 5 là ba chương của bản giao hưởng lớn xen lẫn fuga, phần 6: - solo và cuối cùng phần 7: - khúc tấu ngắn kết thúc. Đó là kết cấu bố cục của bản giao hưởng còn về lối kể được phân bố như sau: phần 1 - lối kể liên tục, phần 2 - lối kể đa âm, phần 3 - lối kể đa âm, phần 4 - lối kể như trong chiêm bao, phần 5 - lối kể dứt đoạn, phần 6 - lối kể liên tục, phần 7 - lối kể đa âm. Xét ề độ lâu trong tác phẩm được sắp xếp như sau: dài, dài, rất dài, ngắn, dài, rất dài, rất ngắn. Ở khía cạnh nhịp điệu tác phẩm được chia như sau: phần 1 - 9 chương có 58 trang - vừa phải, phần 3 - 21 chương có 132 trang vừa phải, phần 4 - 17 chương có 44 trang, cực nhanh, phần 5 - 20 chương có 70 trang - nhanh, phần 6 - 23 chương có 83 trang - nhanh, phần 7 - 5 chương có 23 trang khoan thai. Kết cấu số phần các tác phẩm của Kundera thường là 7. Đó là con số mà ông xem như tiếng gọi từ vô thức. Đó là số chương trong bản giao hưởng mà ông đã gắn bó nhiều năm với âm nhạc. Cách chia tác phẩm làm 7 phần ứng với 7 chương trong giao hưởng và sự phân bố nhịp độ, tiết tấu trong tiểu thuyết của ông cũng như kết cấu nhịp độ, tiết tấu của một bản giao hưởng kinh điển.


Trong bản nhạc giao hưởng thường có những đoạn solo, đây là đoạn thể hiện chủ đề của tác phẩm. Ở Sự bất tử phần 6 là khúc solo của Rubens, 23 chương trong phần này xoay quanh cuộc đời hoạ sĩ Rubens và qua đó Kundera muốn khẳng định hành trình của tiểu thuyết nói riêng, nghệ thuật nói chung là cuộc kiếm tìm, khám phá không ngừng, không mệt mỏi.
Đưa lý thuyết âm nhạc vào xây dựng tiểu thuyết, Kundera đã cách tân hình thức nghệ thuật tiểu thuyết, và hơn thế nữa, nó còn mang một ý nghĩa mới cho tiểu thuyết, không chỉ là thể hiện nghệ thuật đa âm, đối âm mà cách thức xây dựng kết cấu tác phẩm còn ẩn chứa những chủ đề lớn của nội dung. Đó là những thời đại lịch sử khác nhau, đó có thể là những tính cách khác nhau hoặc những tư tưởng khác nhau... nhịp độ, tiết tấu góp phần thể hiện tình huống, sự kiện hoặc diễn tả biên độ về không thời gian. Vì vậy, đọc Sự bất tử cũng như các tiểu thuyết khác của Kundera chúng ta sẽ thấy được sự độc lập giữa các phần, các chương và có khi giữa các phần không có mối liên hệ cụ thể nào cả. Phải đọc hết tác phẩm giống như nghe hết bản giao hưởng ta mới nắm bắt được trọn vẹn, đầy đủ thông điệp mà tác giả gửi gắm.

Tiểu thuyết Sự bất tử của Kundera đã tạo một phong cách, một dấu ấn riêng của tác giả và cũng là điểm khởi đầu cho một tương lai phát triển của tiểu thuyết. Tác phẩm độc đáo, mới mẻ khẳng định tầm cỡ của ông. Điều này giống như Proust đã viết: “Mỗi nhà văn buộc phải tạo một ngôn ngữ riêng, cũng như mỗi nghệ sĩ violon phải có được tiếng đàn không thể lộn lẫn”. Sự bất tử là một bản giao hưởng ngôn từ, là một trò chơi kỳ vĩ, là nơi hội tụ của nhiều thể loại, nhiều quan niệm thẩm mỹ. Kundera đã chứng minh cho mục đích của ông cũng như mọi nghệ sĩ chân chính khao khát: “thứ nhất, chỉ nói những gì chưa nói ra, thứ hai luôn luôn tìm kiếm một hình thức mới”.
                        T.T.H

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 



-------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Milan Kundera - Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết - Những di chúc bị phản bội) - Bản dịch Nguyên Ngọc, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001.
2.
Milan Kundera - Tiểu thuyết (Sự  bất tử - Chậm rãi - Bản nguyên) - Bản dịch Ngân Xuyên, lời bạt Nguyên Ngọc, Nxb Văn hoá Thông tin và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 1999.
3.
Nguyễn Văn Tùng - Milan Kundera và nghệ thuật tiểu thuyết, Tạp chí nghiên cứu văn học, số 6, 2005.
4.
Milan Kundera - Tài liệu mạng điện tử: http://www.levity.com/corduroy/Kundera.htm (Tiếng Anh)
5.
Svetlana Zherlaimova (Nga):  Milan Kundera và Sứ mệnh của tiểu thuyết, Ngân Xuyên dịch từ báo Điểm Sách, phụ trương báo Độc Lập, 21/08/1997, tài liệu mạng điện tử: http://vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2005/11/51440

Các bài mới
Miền vĩnh phúc (12/11/2008)
Các bài đã đăng