Tạp chí Sông Hương - Số 203-204 (tháng 1-2)
Tản mạn về văn học nghệ thuật
14:32 | 18/11/2008
NGUYỄN VĂN HẠNH1. Từ nhiều năm nay, và bây giờ cũng vậy, chúng ta chủ trương xây dựng một nền văn nghệ mới ngang tầm thời đại, xứng đáng với tài năng của dân tộc, của đất nước.

Xây dựng là một quan niệm tích cực đối với công việc, đối với cuộc sống. Xây dựng đòi hỏi phải xử lý tốt cả mặt nhận thức và hành động, lý luận và thực tiễn, có hiểu biết sâu sắc những vấn đề riêng của văn nghệ cũng như những vấn đề chung của đất nước, của thời đại chi phối mạnh mẽ lĩnh vực này. Ngày nay, khi mà đất nước chúng ta đã giành được độc lập và thống nhất trọn vẹn, thật sự trở thành một bộ phận của thế giới, thì tầm nhìn, tri thức để xây dựng nền văn nghệ mới không thể chỉ dựa vào hôm qua, vào “nội lực” của dân tộc, đất nước mình, mà còn phải xuất phát từ thế đứng hiện tại, biết khai thác các thành tựu của các nước phát triển, của nhân loại. Văn nghệ là lĩnh vực sáng tạo, nơi mà tài năng thiên bẩm, cá tính, sự độc đáo, óc tưởng tượng có vai trò cực kỳ to lớn, thì tinh thần tự do dân chủ, ý thức về phẩm giá cá nhân càng phải được tôn trọng để huy động có hiệu quả công sức, sáng kiến của mọi người, đặc biệt là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ vốn nhạy cảm với cái mới và có khả năng suy nghĩ cùng thời đại.
Đặt vấn đề xây dựng nền văn nghệ tức nêu cao tính mục đích, nhiệt tình và nỗ lực chủ quan thì đồng thời cần đề phòng nguy cơ “duy ý chí”. “Duy ý chí” dễ tuỳ tiện, bất chấp thực tế và quy luật, nhược điểm sai lầm khó kịp thời nhận biết, hậu quả có thể rất nặng nề, nhất là khi duy ý chí gắn liền với độc đoán, độc quyền, thiếu cơ chế, biện pháp cần thiết để nhận được thông tin phản hồi từ dưới lên, để kiểm tra sự sai đúng của những chủ trương được đưa ra.

2. Vấn đề quan trọng hàng đầu trong hoạt động văn nghệ, trong xây dựng nền văn nghệ mới là nhận thức đúng về bản chất, chức năng, quy luật vận động và phát triển của văn nghệ, tức vấn đề văn nghệ là gì, văn nghệ có tác dụng, ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống, liên hệ và tác động qua lại ra sao đối với các hoạt động khác của con người, các lĩnh vực khác của sinh hoạt xã hội. Vốn nằm ở ý thức thường trực của người làm văn nghệ, vấn đề này càng trở thành quan tâm đặc biệt của giơiá sáng tác và lý luận văn nghệ trong những bước ngoặt sự phát triển của xã hội, của lịch sử, như thời kỳ chúng ta đang sống hiện nay.

Về bản chất, chức năng của văn nghệ, thường được khẳng định các quan niệm: văn nghệ là một hình thái ý thức xã hội đặc thù; là tư duy hình tượng; là hoạt động thiên về tình cảm; theo quy luật của cái đẹp, sự hài hoà; là hiện thực kết hợp với lý tưởng; là con người thêm vào tự nhiên; rằng “khoa học là chúng ta, văn nghệ là tôi” v.v... Theo tôi, quan niệm “văn nghệ là sự sống” được nêu ra muộn hơn, nhưng biểu đạt chính xác và khái quát nhất, thật sự có triển vọng về bản chất và chức năng của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật do sự sống, do nhu cầu sống của con người mà nẩy sinh, đổi mới. Sự sống là  xuất phát điểm và là mục tiêu của văn nghệ. Văn nghệ lấy cảm hứng, chất liệu ở cuộc sống, sự sống, do đó mà cực kỳ phong phú, đa dạng, không ngừng biến đổi, và chỉ có thể được giải thích, được đánh giá một cách đúng đắn theo nhu cầu, khả năng biểu hiện sống nhiều mặt của con người.

Thực tiễn cho thấy là trong vấn đề này cần tránh thái độ cực đoan, phiến diện, thực dụng, xa rời thực tế, coi thường hoặc cường điệu vai trò của văn học nghệ thuật. Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện tại, sự phát triển của văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt và có cách xử lý đúng mối quan hệ của văn học nghệ thuật với văn hoá và chính trị. Văn học nghệ thuật có thể tìm được sức bật mạnh mẽ khi khơi sâu vào bản sắc, bản lĩnh, cội nguồn văn hoá dân tộc. Về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, cần có quan niệm biện chứng và linh hoạt. Chính trị luôn có vai trò chi phối to lớn trong mọi hoạt động của con người, trong xã hội. Hoạt động văn nghệ hay hoạt động ở lĩnh vực bất kỳ nào trong xã hội mà bất chấp chính trị là sai lầm, làm cho văn nghệ mất đi một nguồn cảm hứng lớn, mất đi điểm tựa ở bạn đọc, ở công chúng nghệ thuật đông đảo.

Những ngày đầu cách mạng tháng 8/1945, rồi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua, có thể nói do gắn bó với chính trị mà văn nghệ của chúng ta có những chuyển biến, đổi mới sâu sắc, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Và nếu trong đời sống văn nghệ của một đất nước, một thời đại có một bộ phận người sáng tác, nghiên cứu, tiếp nhận đặc biệt quan tâm đến chính trị thì không có gì lạ, thậm chí khuynh hướng này có thể có những đóng góp đáng quý cho hoạt động và sự phát triển của văn học nghệ thuật. Nhưng nếu từ đó mà chủ trương chính trị hoá văn nghệ một cách phổ biến, bất chấp hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, bất chấp sở trường, hứng thú cá nhân, coi văn nghệ luôn phụ thuộc vào chính trị, phục vụ chính trị, rằng trong tác phẩm văn nghệ thì bao giờ tiêu chí chính trị cũng là thứ nhất, tiêu chí nghệ thuật là thứ hai v.v... thì chắc chắn là không đúng. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1981 chúng ta đã bỏ khẩu hiệu “văn nghệ phục vụ chính trị” được nêu ra mấy thập kỷ trước đó. Chính trị hoá văn nghệ kiểu như vậy có thể do coi thường văn nghệ, dung tục hoá, thực dụng hoá văn nghệ, cũng có thể do cường điệu tác dụng của văn nghệ. Cho nên lúc thì buộc văn nghệ luôn phải bám sát những nhiệm vụ trước mắt, đồng nhất nghệ thuật với tuyên truyền, lúc lại yêu cầu văn nghệ phải giải đáp cho được những vấn đề lớn lao của đất nước, của thời đại. Lép Tônxtôi có lần đã nói rằng nếu phải viết một tác phẩm để trả lời những vấn đề nào đó đang đặt ra trong xã hội thì ông không bỏ dù chỉ một vài ngày để hoàn thành, còn nếu viết một tác phẩm cho những em bé bây giờ và mười lăm hai mươi năm sau sẽ khóc sẽ cười trên những trang viết của ông thì ông sẽ không tiếc bỏ vào đấy cả cuộc đời mình.

Là hình ảnh của cuộc sống, là ký hiệu của sự sống, có thể nói không có gì liên quan đến cuộc sống, đến sự sống, đến con người lại xa lạ đối với văn học nghệ thuật. Dù là nói chuyện thường ngày, chuyện tầm thường, bụi bặm, văn học nghệ thuật chân chính không bao giờ đồng nghĩa với dung tục, thực dụng, không bao giờ bằng lòng với thực tại, với cái đang có, mà luôn tìm tòi, khát khao vươn tới cái nên có, người hơn, đẹp hơn. Nghệ thuật có thể là hiện thực hoặc không hiện thực, nhưng không bao giờ mang chất lý tưởng, chất nhân văn. Nghệ thuật hiện thực nhất, thật nhất cũng đầy ảo tưởng, bất an, trăn trở, nghi hoặc. Dung tục, thực dụng sẽ giết chết văn nghệ. Văn nghệ lớn luôn nhằm tới một mục tiêu lớn, sâu xa. Nó âm thầm, kiên trì phát hiện, bồi dưỡng chất nhân bản, nhân văn của cuộc sống, cho cuộc sống. Vai trò không thay thế được của văn nghệ là ở đó.

Nếu như trước đây nhược điểm, bất cập lớn là chưa nhận thức rõ tính đặc thù, quy luật riêng, sức mạnh riêng của văn nghệ, do đó đi đến chính trị hoá văn nghệ, thì bây giờ lại khá phổ biến một khuynh hướng ngược lại là tuyệt đối hoá tính đặc thù của văn nghệ, coi văn nghệ là lĩnh vực của tài năng, của thiên tài, của cái phi thường, hoàn toàn tách rời văn nghệ với cuộc sống, người sáng tác và người tiếp nhận, không quan tâm đến ý nghĩa nhân sinh của văn nghệ. Một khuynh hướng sáng tác hoặc phê bình quay lưng lại với cuộc sống, với người đọc, với công chúng sẽ khó mang lại một cái gì mới mẻ thật sự và cũng sẽ sớm đi đến chỗ cằn cỗi, bế tắc.

3. Một mũi nhọn khám phá, cách tân, phát triển văn học nghệ thuật lúc này là hiện đại hoá văn học nghệ thuật. Sự cần thiết phải hiện đại hoá văn học nghệ thuật Việt Nam đã được đặt ra từ đầu thế kỷ XX và đã đạt được những thành tựu rõ rệt từ đầu những năm ba mươi cho đến cách mạng tháng 8/1945, với sự xuất hiện các trào lưu văn học nghệ thuật lãng mạn, hiện thực, cách mạng, các nhóm sáng tác, các trường phái như Thơ mới; Tự lực văn đoàn, Xuân Thu nhã tập, các công trình nghiên cứu, lý luận phê bình của Thiếu Sơn, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Dương Quảng Hàm, Hải Triều, Đặng Thai Mai... Sau khi đất nước giành được độc lập và thống nhất năm 1975, rồi từ khi có chủ trương đổi mới năm 1986, vấn đề hiện đại hoá trong văn học nghệ thuật càng trở nên khẩn khiết hơn nữa.

Một quy luật cơ bản của văn học nghệ thuật là tương ứng với cuộc sống, với thời đại. Chúng ta đang sống trong thời hiện đại thì văn học nghệ thuật phải hiện đại. Yêu cầu tổng quát của tính hiện đại trong văn học nghệ thuật là quan tâm, nói lên được những điều con người hiện đại quan tâm, suy nghĩ, biểu đạt theo cách suy nghĩ, biểu đạt của con người thời hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy những thành tựu mà thực tế cuộc sống, nghệ thuật và khoa học thời hiện đại đã đạt được. Có như vậy nó mới phát huy được mạnh mẽ quy luật tương ứng với cuộc sống, hấp dẫn được công chúng hiện nay, nhất là lớp trẻ. Tính tất yếu và đặc điểm của quá trình hiện đại hoá văn học nghệ thuật ta lúc này còn được quy định và thúc đẩy bởi công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá chúng ta đang tiến hành, bởi tiến bộ vượt bậc của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, bởi xu thế toàn cầu hoá. Văn học nghệ thuật vốn mang tính dân tộc sâu sắc, nhưng rõ ràng những khác biệt về dân tộc, quốc gia đang thu hẹp dần lại, và con người sống trong thời đại này, đặc biệt là thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ, ngày càng cảm thấy gần gũi, quen thuộc với những giá trị chung của nhân loại, với cách nghĩ, cách sống của những người cùng thời thuộc các dân tộc khác, nước khác. Trong sinh hoạt văn hoá văn nghệ, trong tư tưởng, con người hiện đại ở Việt Nam, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, cập nhật được nhiều điều mới mẻ, khác lạ, thú vị từ nhiều nước khác, và tự mình cũng có mong muốn, có nhu cầu trao đổi, trò chuyện, đối thoại, làm bạn với mọi người.

Chúng ta quan niệm hiện đại hoá văn học nghệ thuật không chỉ ở bình diện sáng tác, mà còn ở các bình diện khác của hoạt động văn học nghệ thuật như tiếp nhận, nghiên cứu lý luận phê bình, tổ chức quản lý lĩnh vực này. Những nhân vật chính trong sự nghiệp hiện đại hoá văn học nghệ thuật, -người sáng tác, người nghiên cứu lý luận, phê bình, người tổ chức quản lý, công chúng nghệ thuật,-có vị trí, vai trò riêng và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tạo nên khuôn mặt, chiều hướng, chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.

4. Trước hết hãy nói về văn nghệ sĩ, người sáng tác. Văn nghệ sĩ đang đứng trước nhiều trăn trở, thay đổi lớn trong quan niệm về văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là thiên chức, nghĩa vụ hay là tiêu khiển, trò chơi? Là nhận thức thế giới, phản ánh thế giới, giao tiếp với đồng loại, hay là tự biểu hiện? Là tư tưởng, tình cảm, tư duy, ý nghĩa hay chỉ là hình thức, kỹ thuật, cấu trúc, câu chữ? Quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ thuật và con người, nghệ thuật và xã hội nên hiểu thế nào cho đúng trong hoàn cảnh mới? Lý tưởng của nghệ sĩ là ở đâu? Ở danh vọng, tiền của hay niềm vui, hạnh phúc của con người hôm nay và ngày mai? Tuỳ quan niệm về nghệ thuật mà nghệ sĩ sẽ chọn hướng sáng tác, hành nghề chuyên nghiệp hay nghiệp dư, sẽ lắng nghe hơi thở của đời sống, quan sát, suy ngẫm về những biến cố, khuynh hướng vận động của xã hội, nhu cầu tinh thần của con người thời hiện đại, hoặc lại thu mình vào “tháp ngà”, vào “cái tôi” tự mãn, loay hoay gặm nhấm mình và sáng tạo những thủ pháp lập dị, bí hiểm, tưởng như bất cần đời, nhưng thường khi nhằm lôi kéo sự tò mò, để nổi danh.

Những câu hỏi cũ về triết lý nhân sinh lại được đặt ra cho người nghệ sĩ: Anh là ai? Anh vì ai? Anh đi với ai trong cuộc đời này và trong thế giới nghệ thuật? Trong những nhà văn xuất hiện cuối những năm 80 sau chủ trương Đổi mới, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh và gần đây của Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư là những hiện tượng nổi bật được giới sáng tác, lý luận phê bình và bạn đọc chú ý. Về họ, đã có không ít lời khen, tiếng chê. Đó là chuyện bình thường trong sinh hoạt văn nghệ, học thuật, đặc biệt khi đứng trước những hiện tượng khác lạ, đột xuất. Từ khuynh hướng sử thi phổ biến trong văn học thời chiến trước đó, họ đã đưa cách nhìn tiểu thuyết vào cuộc sống đời thường, qua cái một lúc, cái bề nổi, cố nhìn ra cái lâu dài, cái lắng sâu của xã hội, của kiếp người, có cách cảm nhận và biểu đạt mới mẻ đối với cuộc sống, nói được những điều vừa hiển lộ vừa chìm khuất rất tiêu biểu cho thời đại, giọng văn, cách kể chuyện, ngôn ngữ thật đặc sắc, hấp dẫn. Mỗi nghệ sĩ có sở trường, phong cách riêng, nhưng thể nghiệm và hướng cách tân của họ là đáng trân trọng, gợi mở nhiều suy nghĩ bổ ích về hiện đại hoá, về việc xử lý các vấn đề nội dung và hình thức, tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ trong văn học.

5. Nhân vật thứ hai cần nói đến là người làm lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Một chức năng quan trọng  của lý luận phê bình là làm trung gian, môi giới giữa sáng tác và công chúng nghệ thuật, giữa nghệ thuật và xã hội. Nghệ sĩ làm ra tác phẩm, nhưng tác phẩm được biết đến, được tiếp nhận và đánh giá, được dư luận xã hội rộng rãi chú ý thường là nhờ việc giới thiệu, quảng bá của lý luận phê bình. Có thời, lý luận phê bình hầu như chỉ hướng vào sáng tác, vào công việc của nghệ sĩ. Ở đây, thường những nhà lý luận phê bình thật sự có tài, có hiểu biết sâu rộng, tinh nhạy, có trình độ chuyên nghiệp cao mới có những phát hiện có giá trị. Không ít bài lý luận phê bình hướng vào sáng tác thường làng nhàng khen chê không trúng, lắm khi mang tính chất sách vở, cảm tính, tạo cớ cho một số văn nghệ sĩ coi lý luận phê bình chỉ là nói leo, ăn theo, sống nhờ sáng tác. Lẽ ra lý luận phê bình phải có một quan niệm toàn diện và phải hướng nhiều hơn vào sự tiếp nhận, vào người đọc, vào công chúng nghệ thuật. Chính họ mới thật sự cần đến lý luận phê bình, cần được giúp đỡ để có hiểu biết sâu sắc hơn, toàn diện hơn về văn học nghệ thuật, để biết nên chú ý, nên “thưởng thức” tác phẩm nào, nghệ sĩ nào, khuynh hướng nghệ thuật nào trong lịch sử nghệ thuật và hiện nay. Theo sự phân công xã hội và trong nội bộ hoạt động văn học nghệ thuật thì lý luận phê bình phải là bộ phận có ý thức nhất, có trí tuệ nhất trong lĩnh vực này, vừa phải biết nhìn, biết đánh giá, biết dự đoán về văn học nghệ thuật cả trên phương diện đồng đại và lịch đại, trong nước và ngoài nước.

Trong tiến trình hiện đại hoá nền văn nghệ dân tộc hiện nay, chắc chắn sự đóng góp của lý luận phê bình sẽ có tác dụng to lớn nếu đội ngũ lý luận phê bình thật sự trở thành một lực lượng chuyên nghiệp, có hiểu biết sâu rộng về từng chuyên ngành trong nước và trên thế giới, đủ sức phân biệt, lựa chọn cái gì thật sự là có giá trị, là bước tiến trong sáng tác và lý luận phê bình văn nghệ đương đại đủ khuynh hướng, màu sắc, có thể nói là ngổn ngang, xô bồ. Chưa bao giờ lý luận phê bình lại đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, công phu như hiện nay để tránh bảo thủ, lạc hậu, bằng lòng với những thành tựu của ngày hôm qua, chỉ biết mình không biết người, hoặc chạy theo thời thượng, tôn sùng mọi cái gọi là mới du nhập từ nước ngoài, tạo ra sự hoang mang, nhầm lẫn trong lý luận phê bình và trong đời sống văn nghệ. Lưu ý đến phương diện hình thức trong văn nghệ là cần thiết và kịp thời, vì trong văn nghệ hình thức vô cùng quan trọng, và ở ta trong một thời gian dài hình thức không được coi trọng đúng mức.Trong sáng tác cũng như tiếp nhận, nội dung và hình thức gắn chặt với nhau là đều quan trọng như nhau. Nội dung chỉ thật sự trở thành một nội dung văn học khi được thể hiện ra trong một hình thức văn học cụ thể. Đi từ nội dung đến hình thức hay từ hình thức đến nội dung, quan tâm nhiều hơn đến nội dung hay đến hình thức là tuỳ hoàn cảnh sáng tác hay tiếp nhận cụ thể ở một tác phẩm, một cá nhân hay một giai đoạn vận động và phát triển của văn học. Trên thực tế, sự đổi mới văn học có khi bắt đầu từ hình thức, nhưng sự đổi mới hình thức chỉ thật sự tạo ra một bước tiến mới khi nó biểu đạt được một nội dung mới. Sự sáng tạo ra những yếu tố hình thức mới đòi hỏi tài năng và công phu, nhưng sự phát hiện, sáng tạo nội dung mới càng khó gấp bội, đòi hỏi tài năng và công phu lớn hơn. Chính vì vậy, lưu ý đến hình thức là hợp lý, nhưng nhấn mạnh một chiều hình thức, tưởng như trong văn nghệ chỉ có hình thức mới quan trọng, mới đáng nói, thì là hoàn toàn sai lầm, rất có hại cho cả sáng tác và tiếp nhận văn nghệ. Lý luận phê bình phải trình bày kỹ hơn nữa, có sức thuyết phục hơn nữa về đặc trưng, về quy luật riêng của văn nghệ, nhưng không thể không nhấn mạnh đầy đủ về liên hệ mật thiết giữa văn nghệ và cuộc sống, giữa sáng tác và tiếp nhận, giữa truyền thống và hiện đại, giữa kế thừa và cách tân, giữa dân tộc và nhân loại. Chủ nghĩa hình thức, thái độ bảo thủ hoặc theo đuôi là những lệch lạc cần lưu ý khắc phục hiện nay.

6. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người tổ chức quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là các Mạnh Thường Quân, các nhà tài trợ, các cơ quan kiểm duyệt, báo chí, xuất bản, các Hội văn học nghệ thuật, các Ban Tư tưởng Văn hoá ở trung ương và địa phương. Ở đây cần phân biệt tư nhân và các cơ quan Đảng, Nhà nước, các hội nghề nghiệp có quyền lực đối với hoạt động văn hoá văn nghệ mà chúng ta có thể gọi chung là các cơ quan công quyền... Ảnh hưởng của tư nhân thì thời nào cũng có, nhưng được thực thi trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện. Còn ảnh hưởng của các cơ quan công quyền thì khác hẳn. Ở đây, không chỉ có định hướng tư tưởng nghệ thuật, đặt hàng, đầu tư, trao giải thưởng, mà còn kiểm duyệt, trừng phạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều tác phẩm bị cấm xuất bản, thu hồi, buộc phải sửa chữa, tước bỏ phần này phần khác, trước đây thậm chí một số tác giả còn bị khai trừ khỏi hội nghề nghiệp, bị cầm tù theo lệnh các cơ quan công quyền.
Công việc ở lĩnh vực văn hoá tư tưởng khá tế nhị, phức tạp, mà không ít người có quyền quyết định ở đây lại chưa được chuẩn bị tương xứng với nhiệm vụ, các cơ quan văn hoá tư tưởng lại hầu như đứng ngoài, đứng trên mọi sự phê bình. Do đó, ở bộ phận này, hơn ở đâu hết, cần một sự đổi mới mạnh mẽ và thật sự, cần có sự hiểu biết sâu sắc bản chất, chức năng, đặc trưng của văn học nghệ thuật, quyền dân chủ của người dân trong xã hội hiện nay, vấn đề tự do tư tưởng, tự do sáng tạo có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật và đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.

7. Nhân vật người đọc, người tiếp nhận, công chúng nghệ thuật trước đây còn ít được chú ý. Có lúc họ được gọi là người thưởng thức, người hưởng thụ có tính chất thụ động. Một số nhà tổ chức, quản lý văn nghệ lại tưởng chỉ có mình mới có trách nhiệm, quyền hạn sản xuất và lựa chọn món ăn tinh thần cho nhân dân. Chắc chắn không thể tiếp tục nghĩ như cũ, làm như cũ, khi dân trí, trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã được nâng cao rõ rệt so với trước, và họ cũng ý thức rõ hơn quyền tự do dân chủ, đồng thời có điều kiện rộng rãi hơn để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ của mình. Công chúng nghệ thuật ngày nay tích cực, chủ động đến với nghệ thuật. Qua thái độ thờ ơ hoặc hồ hởi, tán thưởng hoặc phê phán, qua khả năng tiêu thụ tác phẩm, họ có thể ảnh hưởng đến chiều hướng và chất lượng, tạo áp lực đối với hoạt động sáng tác, phê bình, tổ chức, quản lý văn học nghệ thuật. Trong mục tiêu tự nhiên và sâu xa của sự sáng tạo, nghệ sĩ luôn nghĩ đến một công chúng nghệ thuật lý tưởng nào đó, những tri kỷ tri âm. Được nhiều người thưởng thức, thích thú tác phẩm, đó là mong muốn chính đáng, lộ liễu hoặc thầm kín, của tất cả nghệ sĩ. Sáng tạo vừa là nhu cầu tự biểu hiện mình, vừa là khao khát được tâm sự, được đối thoại, giao tiếp với người khác. Nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu nghệ thuật, khả năng thưởng thức cái đẹp, sự hài hoà thì mọi người đều có ở mức độ nào đó. Nhưng trình độ thẩm mỹ thì phải được bồi dưỡng, được giáo dục trong nhà trường và thông qua sinh hoạt nghệ thuật. Phải làm sao cho nhân dân đến được với nghệ thuật và nghệ thuật đến được với nhân dân. Ý thức, sự phấn đấu phải từ cả người sáng tác và tiếp nhận.

8. Chúng ta đang sống trong một thực tế xã hội, một thời kỳ lịch sử đầy biến cố, đảo lộn và xung đột dữ dội, thay đổi đến chóng mặt, chứa đựng những bước tiến nhảy vọt, đồng thời bộc lộ sự xuống cấp, sự băng hoại trầm trọng trong nhiều lĩnh vực. Trước một tình hình như vậy, trí thức, văn nghệ sĩ buộc phải xem xét lại chỗ đứng, thái độ sống và làm việc của mình, nếu không muốn rơi vào hoang mang, mất phương hướng, buông thả, hoặc hành xử một cách thiếu trách nhiệm. Nhiều vấn đề trong văn học nghệ thuật và trong cuộc sống phải được xem xét một cách cơ bản, mà cơ bản, nói như Mác, là “xem xét sự vật tận gốc rễ, mà gốc rễ đối với con người chính là bản thân con người”. Nói cách khác, hơn lúc nào hết lúc này lý luận, khoa học rất cần đến những khái quát triết học, con người phải suy nghĩ nhiều về triết lý nhân sinh.

Trong chuyên môn, con người bị chi phối bởi hai hướng vừa đối lập nhau, vừa gắn kết bổ sung cho nhau: Đó là quá trình chuyên nghiệp hoá, chuyên biệt hoá, và quá trình đa ngành hoá, liên ngành hoá, tổng hợp hoá. Thực tế sáng tác cũng như nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật, một mặt, đòi hỏi sự chuyên sâu vào từng loại thể, loại hình, mặt khác, lại yêu cầu, mời gọi thay đổi chuyên môn, thử sức cùng một lúc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong hai khuynh hướng trái ngược nhau đó, khuynh hướng đa ngành, liên ngành, tổng hợp đang có sức thu hút mạnh. Người làm văn học nghệ thuật lúc này dường như không chịu thu mình lại chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, mà còn vươn rộng tầm nhìn, tầm hoạt động ra nhiều lĩnh vực khác: văn hoá, triết học, xã hội chính trị, kinh tế... Chuyên sâu vào từng ngành hay vươn rộng ra nhiều ngành là tuỳ hoàn cảnh, sở trường của từng người, không thể áp đặt, cũng không thể đánh giá, phê phán một cách chủ quan, tuỳ tiện. Nhưng bất kỳ làm gì thì vẫn có những nguyên tắc triết lý, đạo lý chi phối suy nghĩ và hành động của con người, giúp con người làm việc có phương hướng, hứng thú, có niềm tin, có kết quả.

Một vấn đề lớn trong triết lý nhân sinh hiện nay là quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Có thời ta chỉ nhấn mạnh, đề cao một chiều mặt tập thể, cộng đồng; cá nhân đồng nghĩa với ích kỷ, tội lỗi, bị lên án, bị khinh bỉ. Bây giờ, ngược lại, không ít người chỉ muốn nói đến cá nhân, đề cao cá nhân, mọi cái cá nhân đều được phép, đều có giá trị. Phủ nhận sự tồn tại của cá nhân, sáng kiến cá nhân, tự do cá nhân trong thời đại ngày nay là lỗi thời, phản tiến hoá, là thủ tiêu sự sống, nguồn gốc sức sáng tạo. Ngay Tuyên ngôn cộng sản cũng đã khẳng định từ giữ thế kỷ XIX rằng “phát triển tự do của mỗi người là điều kiện để phát triển tự do của tất cả mọi người”. Nhưng nếu từ đó lại chủ trương cắt đứt liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng, cá nhân và xã hội, thì cá nhân cũng không còn sức sống, không thể tồn tại, công việc của cá nhân dễ trở thành vô nghĩa hoặc có hại cho cộng đồng, cho xã hội.

Sống trong xã hội mà không quan hệ với ai, không cần đến ai, muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn viết gì thì viết, thì đó chỉ là ảo tưởng, thực tế là đã phụ thuộc, thậm chí đã nô lệ vào một ai đó, vào một cái gì đó mà không biết, hoặc không muốn biết mà thôi. Nhưng hiện tại, do khao khát tự do sau một thời kỳ dài bị kìm nén, do hoàn cảnh kinh tế xã hội đã khá hơn trước, ảo tưởng về tự do cá nhân tuyệt đối, chủ nghĩa cá nhân cực đoan đang có mảnh đất màu mỡ để nẩy nở sinh sôi, cho nên cần đề phòng.
Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng lúc này gắn liền với khái niệm tự do dân chủ, ngọn cờ tư tưởng, sức mạnh tinh thần bao trùm cả thời hiện đại. Tự do gắn liền với dân chủ, tự do cho mình đồng thời phải tôn trọng tự do của người khác, vừa tự do vừa dân chủ cho cá nhân và cộng đồng.

Từ đây cũng cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm. Không phải tự do và tất yếu hay tự do và kỷ luật, như thường được nói tới, mà là tự do và trách nhiệm. Người trí thức, văn nghệ sĩ chân chính muốn có tự do, đấu tranh cho tự do, không phải để thoát khỏi mọi ràng buộc, để được
sống ích kỷ, vô trách nhiệm, mà là để thoát khỏi những trói buộc, cấm đoán vô lý hạ thấp nhân cách, phẩm giá, hạn chế khả năng và sáng kiến của con người, tạo điều kiện tốt hơn cho con người thi thố tài năng, hoàn thành trách nhiệm, - ở đây là trách nhiệm đối với công việc, đối với người đọc và công chúng, đối với xã hội. Có lúc người ta chỉ nhấn mạnh trách nhiệm, không muốn nói hay không dám nói đến tự do. Bây giờ thì không ít người chỉ muốn nói đến tự do, tách rời tự do và trách nhiệm, đối lập tự do và trách nhiệm, tưởng như nghĩ đến trách nhiệm là cổ lỗ, lạc hậu, lỗi thời. Trách nhiệm là vì người khác, vì cộng đồng và cũng vì chính mình. Không chỉ yêu cầu về đạo đức, về nhân cách, mà chính yêu cầu về khoa học cũng không cho phép sáng tác hay nghiên cứu chỉ vì thích thú cá nhân, để thoả mãn tự do cá nhân,không cần biết điều này có ý nghĩa gì, có ích gì cho xã hội, cho công việc chung. Ý thức cá nhân, tự do cá nhân chân chính không đồng nghĩa với ích kỷ. Con người không muốn nghĩ đến trách nhiệm, đến người khác, đến cộng đồng, thì sẽ không có một động lực tinh thần thật sự nào để sống, chứ đừng nói là để sáng tạo, để tạo ra một sự cảm thông sâu rộng như văn học nghệ thuật đòi hỏi.

Văn học nghệ thuật là tìm tòi sáng tạo, không ngừng đi tìm cái mới. Tìm tòi là đương nhiên, là lẽ sống của văn học nghệ thuật, do vậy mọi tìm tòi đều đáng trân trọng. Nhưng không phải sự tìm tòi nào, cái mới nào cũng đều có giá trị, có triển vọng, có đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật, của khoa học. Cho nên sự tìm tòi, cái mới trong văn học nghệ thuật, trong khoa học cần được đánh giá, phê phán. Có thể không tránh khỏi nhầm lẫn. Nhưng không thể từ bỏ quan niệm và đánh giá, vì con người là một sinh vật có quan niệm và có ý thức về giá trị, mà phải luôn kiểm tra, nâng cao trình độ quan niệm và đánh giá, căn cứ vào ý nghĩa việc khám phá ra bản chất và quy luật của sự vật, vào hiệu quả thực tiễn đối với con người và xã hội mà sự tìm tòi sáng tạo mang lại.
    Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2005
             N.V.H

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Bói Tết (20/11/2008)
Biếm họa (19/11/2008)
Lằn roi (19/11/2008)
Dạy chó (19/11/2008)
Các bài đã đăng