Tạp chí Sông Hương - Số 203-204 (tháng 1-2)
Dạy chó
15:46 | 19/11/2008
TÔ VĨNH HÀCon chó Giắc nhà tôi đẹp nhưng mà hư quá. Tôi hét nó nằm thì nó cứ giương mắt ra, rồi ngồi. Tôi không cho nó chạy vào nhà vì sợ nó làm bẩn cái nền nhà vừa lau thì nó đi vòng cửa sau, khi tôi ra cửa trước. Bực nhất là ngày lễ - nói chung là những ngày có việc, bất cứ ai vào nó cũng sủa rộn ràng. Tôi thì không muốn xóm giềng để ý. Vậy mà chó có biết cho tôi đâu...

Điều quan trọng nhất là tôi dạy cho nó biết người sang, kẻ hèn. Một lần, có một nhân viên cấp dưới tới nhà. Con Giắc lao ra sủa inh ỏi. Tôi ra đón và niềm nở mời vào. Anh ta xách theo một cái túi nilon nhỏ vừa đủ. Cái túi có màu vàng cam. Ðó là loại màu sắc vừa gợi cảm, vừa thể hiện sự no đủ. Nó không dày quá để cho những cái nhìn lướt có thể thấy một cách mờ mờ; cũng không mỏng quá để món quà đựng bên trong trở thành lộ liễu. Có nghĩa là cái túi đó đựng được một chai rượu tây, một cây thuốc lá và tất nhiên, cả cái phong bì. Thấy tôi quát xăng xái và thái độ thì rất chi là niềm nở, Giắc cũng ngừng sủa rồi vẫy đuôi dè dặt. Sau khi tiễn khách về, tôi thấy đây quả là cơ hội tốt để dạy con Giắc một bài học.
Tôi lấy thêm hai cái túi nữa, vị chi là ba. Hai túi kia, một tôi cho mấy cuốn sách vào; một tôi bỏ vào hai bộ quần áo. Lôi ra từng món một, chỉ cho con Giắc xem thật kỹ, bắt nó hít, ngửi theo kiểu định tính và định lượng. Khi lôi chai rượu ra, tôi cười nửa miệng; lúc cầm cái phong bì, tôi cười mãn nguyện. Cầm bộ quần áo, tôi nhăn mặt. Còn mấy cuốn sách tôi đút vội vào rồi quẳng túi xuống đất, mặt thuỗn dài như mặt... Giắc. Giắc có vẻ là một học trò giỏi vì tôi nói và chỉ đến đâu, nó vẫy đuôi đến đó. Tốc độ tung tăng của đuôi tỷ lệ thuận với gương mặt biến hoá của tôi. Thấy tôi cười, hắn lại còn rên ư ử ra cái điều hắn ta thông minh lắm. Tử dạy, Học phải đi đôi với hành, nên tôi chờ kết quả.
Cũng chẳng phải chờ lâu. Hôm sau có tay chủ tịch của một xã nghèo vừa bị lũ lụt lên thăm. Giắc lại lao ra, sủa liên hồi. Tôi quát. Nó cúp đuôi và tiến lại gần ông khách. Khi nhìn rõ ông khách không có cái gì ngoài hai bàn tay đang dắt xe, chiếc ca táp đen to cột dây cao su phía sau, Giắc dợm tới sủa nữa. Tôi phải vừa quát vừa đá mới dẹp được nó. Cuộc nói chuyện không dài. Tay cán bộ xã nói rằng, Nhờ anh(tức là tôi) duyệt kinh phí kỳ tới nhớ nương nương tay cho chúng em nhờ. Xã nghèo, chẳng có gì nhiều, sẽ ủng hộ anh một số vật liệu xây nhà cho thằng con thứ ba... Tôi tính nhanh và biết rõ khả năng kinh phí sắp tới có thể biến hoá đủ cho cả hai mối tương quan, nên lấp lửng: Trên khi nào cũng quan tâm, lo lắng cho xã nhà. Chú cứ về đi, để mai mốt anh tính...

Tay chủ tịch xã vừa dắt xe ra, con Giắc lao ngay tới gầm gừ cản đường, sủa  gằn  dữ  dội.  Tôi  thất kinh: Thế này thì nó học giỏi quá thành giỏi tệ rồi còn gì? Tôi quát con Giắc hơi to hơn bình thường. Ông khách đang quay xe ra bỗng nhiên dừng lại, mở mấy sợi cao su buộc, rồi mở ca táp lôi ra một cái túi màu hồng. Khả năng giỏi toán từ ngày xưa đã cho tôi nhẩm thấy ngay trong túi có một chai rượu ngoại, loại dẹt và một chiếc phong bì hơi to, hơi dày dày. Tôi nhủng nhẳng: Vẽ chuyện làm gì,... Vừa nói tôi vừa nở một nụ cười như người Liên Xô ngày lễ. Con Giắc nhìn tôi chăm chú. Thấy tôi cười, hắn sủa nhẹ một tiếng. Tay chủ tịch xã khúm núm đưa túi quà. Bàn tay tôi từ nhỏ đã thần tượng Páplốp nên đỡ ngay chiếc túi. Con Giắc sán ngay đến, hít và ngửi, nhìn tôi, rồi ngoắt đuôi tưng bừng. Vị chủ tịch méo miệng cười: Con chó nhà Anh khôn đáo để!
           Đông Hà, tháng 11/2005
                           T.V.H

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Bói Tết (20/11/2008)
Biếm họa (19/11/2008)
Lằn roi (19/11/2008)
Các bài đã đăng
Hạnh phúc (19/11/2008)
Thơ đầu tay (19/11/2008)