Tạp chí Sông Hương - Số 203-204 (tháng 1-2)
Lằn roi
15:48 | 19/11/2008
NGUYÊN QUÂN                             Chiếc roi mây lên nước thời gian bóng loáng, vẫn im lìm trên vách tường ố vàng màu vôi cũ. Chính sự im lìm của nó đã vô tình làm hằn lên số phận tôi một chuỗi dài bấp bênh cay đắng... Thầy ơi! nếu ngày xưa thầy cứ nhẫn tâm quất xuống, dù chỉ một roi thôi thì giờ đây cuộc đời đâu thể quất lên người con lắm vết đau xé bầm tím...

Làm sao có thể ngủ ngon đến vậy? Trong cái lò nướng lèn chặt hơi người, nóng đến ngột ngạt. Không phải tại tôi có tính tò mò nên cứ phải theo dõi từng chút động thái của gã đàn ông đồng hành trên một chuyến xe, mà tại cái đầu trơn nhẫy cắt tém tỷ mỉ cứ di dời liên tục, lúc tựa hẳn lên vai tôi, lúc ngả dúi vào lưng người đàn bà dân tộc miền cao luôn phì phèo chiếc tẩu to tướng. Tôi có cảm tưởng lúc bà ta được sinh ra thì chiếc tẩu rễ tre ám khói đen kịt đã thường trú ở đôi môi thâm sì đang ung dung phả đầy mùi khói thuốc khét lẹt, tuy có gã đàn ông bóng bẩy làm trái đệm, mắt mũi tôi cũng ngập ngụa, quá tải mùi thuốc, mùi nắng khét quen thuộc của người miền núi.

Vậy nhưng gã vẫn ngáy khò khò. Tôi chợt thấy thèm được đánh một giấc dễ dàng, ngon lành như gã đàn ông ăn mặc, tóc tai đúng mốt dân xịn. Chiếc xe rời bến đã lâu. Cái thị trấn nhỏ bé ra khỏi hiên nhà là núi, bước ba bước đã lạc rừng chừ khuất hẳn sau lớp lớp mây mù. Tôi quá quen chuyện du canh du cư, đến và đi trên những chuyến lữ hành không hẹn tái ngộ như lần nầy, nên chẳng có chút cảm giác nặng nề, lưu luyến chi miền đất vừa rời bỏ, mặc dù quãng thời gian lưu trú hơn tám năm sáu tháng với ai khác thì quả là khá dài, quả là có lắm thứ tình nghĩa, kỷ niệm in sâu trong tâm tưởng. Tôi lại khác, dửng dưng bình thản ngồi xâu móc tất cả những gì của những vùng đất từng háo hức đến, rồi thất vọng, bất mãn ra đi đều là thứ ký ức không đáng, không cần phải nhớ trong duy nhất một chuỗi dài toan tính, mưu cầu cuộc sống bình lặng.

Thật ra thì lần ra đi nào cũng có một trong hai lý do chính đáng của nó. Một là tôi không thể kiên trì chấp nhận những khó khăn tất yếu mà vùng đất mới mang đến cho mình, hai là chính vùng đất và những con người nơi đó chẳng thể mở lòng dung chứa một thằng người ngang ngược, dở hơi như tôi, một thằng đàn ông đã qua gần hết nửa đời người, không vợ con, không công danh sự nghiệp gì ra hồn lại luôn cố tạo dựng quanh mình vẻ ngang tàng.

Gã đồng hành vẫn ngủ. Dù cái đầu bóng nhẫy có nghiêng bên nầy hay ngả về bên kia, hiện tại thì nó đang nằm phía tôi, ngay trên cái xương đòn gánh khiến vai tôi tê cứng, mỏi nhừ. Gắng gổ nhích từng mi li mét tôi nhè nhẹ trở người, phần đỡ khổ sở vì gánh nặng phần muốn tạo cho gã thế thoải mái hơn, đúng là chẳng hiểu vì sao tôi tạo cho người khác chút tiện nghi mà hiếm hoạ lắm tôi mới nghĩ tới. Ở tư thế tạo tiện nghi cho kẻ khác, hình như tôi cũng hưởng được chút ít ngọn gió mong manh len qua khung cửa nhỏ xíu của chiếc xe đang nhồi xóc dữ dội trên con đường lở lói những ổ gà ổ voi, hậu quả từ cơn lũ mùa rồi. “Chắc hẳn
chính quyền sở tại chưa chạy được kinh phí sửa chữa. Trùng tu lại đoạn đường hiểm trở dài ngoằng thế này thì mất khoảng bao nhiêu tiền nhỉ? Hội chứng rút ruột công trình nhan nhản như thời buổi bây giờ thì nó tồn tại được mấy mùa mưa lũ nhỉ? "Tôi lan man tính nhẩm rồi tự ru mình trong từng đống tiền tỷ đâu đâu... Một cú xóc mạnh, cái đầu bóng nhẫy đang yên lành trên vai tôi cũng bật dựng thẳng rồi dụi qua phía tấm lưng to bè của người đàn bà dân tộc, từ cửa miệng há hốc vẫn đều đều tiếng ngáy...

- Ông bạn ơi, xuống xe làm ly cà phê cho tỉnh táo đi.
Gã gọi và lay nhẹ vai tôi, chỗ đang nhớp nháp mồ hôi không biết của gã hay là của tôi. Bị lôi ra khỏi giấc ngủ khó khăn lắm mới ru dỗ được, tôi xẵng giọng:
- Cám ơn...Tôi chỉ muốn được ngủ.
Sự biểu lộ bực dọc của tôi không làm tắt nụ cười  trên khuôn mặt trơn tru, gã nhún vai, vặn vẹo người, chừng như đến bây giờ gã mới cảm thấy nóng bức nên móc túi lấy ra chiếc khăn tay, vừa lau mặt vừa than vãn:
- Chà ... chà! Nóng khủng khiếp, may mà ông tài xế cho thư giãn một chút chứ không thì e thành mắm mất.

Hành khách trên xe tranh nhau nhảy xuống, nhốn nháo chen lấn vào chiếc quán độc nhất bên đường, gã cũng vội bật dậy. Nhìn theo gã đàn ông áo quần bảnh bao đang bị ùn đẩy nhàu nhò về phía chiếc cửa phía sau đuôi xe, tôi có cảm nghĩ chắc chắn đây là lần đầu tiên gã leo lên loại xe khách bèo nhèo nầy và cũng là lần đầu tiên gã sẽ được nếm món cơm tù trong chiếc quán nằm biệt lập giữa chốn đồng không mông quạnh kia. Tôi thì chẳng lạ lùng gì cái chuyện móc ngoặc của  mấy cha tài xế với bà chủ quán mập ú luôn loè loẹt son phấn cho lũ chim chóc cây lá ngắm, bởi loại khách hàng vào quán bà ta chỉ khi không còn chịu nổi cái đói rã ruột quá bữa do những gã tài xế cố tình tạo ra. Họ vội vã ngốn ngấu cho đầy bao tử rồi đau xót móc túi tiền và chửi thề rủa độc cái giá cắt cổ, biết vậy nhưng bất kỳ ai cũng đều phải đưa đầu chịu sự trấn lột rất hợp pháp của mụ.

Tôi vẫn ngồi lại trên xe, chẳng phải vì bao tử được đúc bằng thép hay tiếc tiền mà tại tôi luôn dị ứng với bọn thừa nước đục thả câu nầy. Cái bản tính cố hữu ghét cay ghét đắng bọn người cơ hội ấy, thú thật nhiều lần tôi cũng muốn khắc phục, vì nó đã quá nhiều lần hành hạ cuộc sống vốn không bình yên của tôi,  nguyên nhân của cả một chuỗi dài thất bại đến tang thương đa phần cũng vì nó. Nhưng chuyện nhảy xuống xe, hít thở chút khí trời thoáng đãng thì cũng hay. Gã ngoắt tay, miệng cười thân thiện lúc tôi định dạt vào trốn nắng dưới một bụi sim thấp tè. Phép lịch sự tối thiểu đã đẩy tôi đến ngồi chung bàn với gã đàn ông mà tôi không mấy thích vì dáng vẻ trơn láng quan chức mà thượng đế đã trêu ngươi dán dính gã vào tôi trên cái hoả lò di động, thậm chí cả mồ hôi cũng quyện lẫn vào nhau. Tôi nói vu vơ để đáp trả lòng nhiệt tình mời bằng được tôi ly cà phê đá của gã:
- Suốt quãng đường hồi nãy anh ngủ ngon ghê, tôi trông mà phát thèm.
- Vâng! Cũng như anh vậy thôi, thì vật vờ vật vưỡng tí cho đỡ sốt ruột, chính tôi phải đánh thức anh mà.
- Thú thật, chiêu ngủ được trong cái hoả lò ấy là tôi mới học lỏm được từ anh, chợp mắt được một tí cũng hay hay...      

Chắc hẳn có một ai đó từ ngàn xưa hốt nhiên rơi vào một cuộc tao ngộ oái oăm như tôi bây giờ mới cảm thán "Trái đất vốn nhỏ lại tròn...". Quanh quẩn tới lui vài ba câu chuyện phiếm, từ chuyện đồng hương đến chuyện trường lớp thời thơ ấu, Hải và tôi mới nhận ra nhau là bạn học cũ. Khoảng thời gian gần ba mươi năm là quá dài, những nét chằng chịt vết đời, vết thời gian cũng đủ xoá nhoà hết tất tật mọi đường nét trẻ thơ, Hải làm sao tìm thấy một chút gì quen thuộc của thằng Trung ngỗ nghịch năng động trong dung dáng trầm uất chán chường, giống như tôi làm sao có thể tưởng tượng ra ở gã đàn ông chững chạc tự tin từ cung cách ăn nói đến phục sức rất đầy đủ tố chất thành đạt nầy là thằng Hải rụt rè nhẫn chịu những khi bị bạn bè cũng lớp bắt nạt. Hải là công trình sư cầu đường, lên đây để điều nghiên việc tu sửa tuyến đường nầy.

Tôi hỏi Hải: "Tội vạ gì ông không điều xe cơ quan đi cho sướng mà lại chui đầu lên chuyến xe cà khổ nầy?". Hải cười: "Mình khoái đi công tác kiểu nầy hơn, khỏi phải suốt ngày đóng cái bộ mặt trịnh trọng, tiệc tùng đưa rước để rồi lời ra tiếng vào... mang tiếng lắm.
Tuy Hải nói lẫn trong tiếng cười tỏ vẻ bông lơn, nhưng tôi biết nó nói thật lòng. Chắc chắn thằng bạn thời mài đũng quần mòn ghế nhà trường của tôi khôn ngoan chẳng thua kém gì loài tắc kè đổi màu, nội cái bản lĩnh thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh cũng đủ để tôi nhìn nhận điều nầy. Dân chuyên đi xe xịn gắn máy lạnh, ngủ giường nệm, uống rượu Tây như nó mà vẫn đánh thẳng giấc, tuỳ nghi cho cái đầu nghiêng bên này ngả bên kia trên chuyến xe lèn chặt cứng hơi người, hơi mắm muối mà loại người lang bạt kỳ hồ như tôi còn ngán ngẩm thì quả là đáng nể sợ thật. "Nếu mình có được cái cần cổ mềm như Hải thì đỡ khổ biết mấy". Tôi ngầm ghen tỵ. Hải vẫn thao thao mấy chuyện moi móc được từ trong ký ức, nó nhớ gần như vanh vách những sự kiện vui buồn thời còn học chung tiểu học. Hết hồi ức, Hải lại quay sang hỏi tôi về chuyện làm ăn, chuyện gia đình của tôi. Tôi kể qua quýt, kể chậm rãi như những giọt cà phê màu đen sẫm  từ từ nhỏ giọt xuống đáy chiếc ly thủy tinh ố vàng, cáu bẩn. Rất chậm rãi để né tránh bộc lộ sự nhàm chán bất mãn sau nhiều năm tháng bất ổn trong cuộc sống. Tôi kể cho Hải chuyện mình vừa bán tống bán tháo ngôi nhà và sang nhượng rẫy cà phê với giá rẻ mạt... Hải chăm chú nghe, chẳng hề xen ngang lời nào, tôi thầm cám ơn nó, vì nếu nó hỏi lý do tại sao tôi lại khờ khạo bỏ đi khi cái thị trấn bắt đầu trở mình với nhiều dự án kinh tế hứa hẹn nhiều triển vọng làm ăn khấm khá, thì không lẽ tôi nói toạc móng heo ra rằng tôi cũng biết điều ấy nhưng phải nhanh chóng bỏ đi vì trong cơn say luý tuý tôi đã nện vỡ mũi thằng quý tử của lão chủ tịch xã lúc lão xử thắng kiện cho nó trong vụ tranh chấp địa giới mà con lão công khai lấn sâu cả ba mét chiều ngang lên phần cái rẫy cà phê tôi đã mất hơn tám năm khai quang, vun trồng. Vậy nên tôi phải chấp nhận biện pháp ra đi, còn hơn phải sống phấp phỏng, nhẫn nhục trong địa hạt do lão và thằng con trai hay cậy quyền của lão thống trị. Chẳng phải vì tôi sợ cái quyền lực chủ tịch xã. Khái niệm về từ sợ hãi tôi đánh mất lâu rồi. Bỏ đi, bán rẻ tất cả mồ hôi nước mắt và cả máu chỉ vì tôi không chiến thắng được cái bệnh dị ứng với sự đè đầu cỡi cổ của những thằng cơ hội, lạm dụng chức quyền như lão chủ tịch xã... Quanh bàn tôi với Hải ngồi, những vị khách đồng hành vẫn cắm cúi ngốn ngấu cái năng lượng tối cần cho sự sống. Bụng tôi chợt quặn thắt, sôi òng ọc. Tôi chợt nghĩ họ cũng có lối ứng xử chấp nhận nhẫn nhịn trong cuộc mưu sinh như Hải, tại sao mình không làm được như những người chung quanh nhỉ? là biết sợ đói, sợ khát và sợ những gì cuộc đời bắt phải sợ như quyền lực của cha con lão chủ tịch xã. Nếu biết sợ hãi nhẫn nhịn lão, chắc tôi không phải tức tưởi mà ra đi thế nầy... Hải bỗng vỗ nhẹ vai tôi hỏi "Trung có dự định về thăm quê không". Tôi cười nhạt nhẽo "Gần hai chục năm đi bụi, quên cả tổ tông ông bà thì cũng  nên về thăm quê hương bản quán một lần, chứ không thiên hạ tưởng mình mất xác ở góc rừng xó núi nào rồi". Hải gật gù "Tốt rồi, ông còn nhớ thầy Hoàng không, nếu ông về nhớ cho mình gởi nén nhang... nhanh thật, mới đó mà cũng gần giáp năm của thầy".

Tôi chia tay thằng bạn học cũ ngay khi xe về tới bến. Hải dúi vào tay tôi cái danh thiếp sau khi dặn dò tôi phải giúp nó đến thắp hương cho thầy Hoàng. Tôi hờ hững đút tấm danh thiếp mạ vàng thơm phức vào túi quần. Vậy thôi! xin chào thằng bạn đang thênh thang trên con đường hoan lộ, mầy và tao hai đẳng cấp, hai tư duy sống dị biệt, dù sau nầy còn có duyên leo chung một chuyến xe thì cũng chỉ nói vớ vẩn vài ba câu chuyện phiếm.
Tôi cắm nén nhang lên bàn thờ, hình như người chết họ hiền hơn lúc còn sống, khuôn mặt thầy Hoàng sau lớp kính thủy tinh nhìn tôi bằng đôi mắt hiền hoà, bằng nụ cười chan chứa độ lượng. Mà cho dù Thầy có cau mày trợn mắt giận dữ và đưa cao chiếc roi mây lên nước bóng lộn "Nếu em không xin lỗi bạn, thầy sẽ phạt roi". Thật ra có đứa bé mười một tuổi nào lại chẳng sợ đòn roi, nhất là chiếc roi từng là nỗi ám ảnh, là ác mộng của lũ học trò luôn hiện diện trong chiếc cặp da to tướng của thầy Hoàng.

"...Thầy mà đã đánh thì phải biết, đau đến xé thịt, rát bỏng đến tận xương...". Những lời truyền miệng của mấy anh lớp trên từng học với thầy đã rỉ tai  khi tôi bắt đầu bước vào lớp năm B thầy Hoàng làm chủ nhiệm, tôi cũng sợ thất thần dưới cái nhún nhảy nhịp nhàng của chiếc roi mây trên tay thầy, nhưng tại sao lại phải đứng trước lớp để nhận lỗi khi mình không có lỗi. Chính thằng bạn học, to lớn hơn tôi cả cái đầu gây hấn và xô ngã tôi trước, cả lớp chẳng đứa nào mà không biết hắn chuyên bắt nạt bạn bè, tại sao thầy lại không biết cứ đổ hết lỗi cho tôi. Chẳng biết tại cú đấm làm thằng bạn to con ấy chảy máu mũi hay tại nó là con của ông lớn nào đó luôn đi đến trường bằng chiếc xe biển số xanh. "Thưa thầy, con chẳng có lỗi tại sao phải xin lỗi bạn ấy". Tôi trả lời rồi cúi gầm mặt xuống, sẵn sàng đón nhận những lằn roi xé thịt... Thay vì những lằn roi thịnh nộ là tiếng thở dài, tôi ngạc nhiên ngẩng nhìn thầy và bắt gặp ánh mắt cau lại tỏ vẻ bất ngờ trước thái độ ngang bướng của thằng học trò vốn rất ngoan hiền.

Giọng thầy run run- "Em dám cãi lại lời thầy à, em không sợ...". "Con không có lỗi vì bạn ấy xô ngã con trước". Tôi lớn tiếng cắt ngang lời thầy và mong có sự đồng tình từ những đứa cùng lớp từng bị thằng bạn to con ấy bợp tai, đá đít. Nhưng cả lớp học hôm đó nín thinh, chùng xuống tưởng chừng như nghe thấy cả tiếng muỗi vo ve. Mãi một lúc thầy mới lên tiếng "Thôi! thầy cho em về chỗ tự kiểm điểm hành động sai quấy của mình và nhớ lần sau có gì phải thưa báo cho thầy chứ không được đánh bạn, nghe rõ chưa". Tôi quay ngoắt người đi về chỗ ngồi, trước nhiều ánh mắt thán phục của lũ bạn cùng lớp. Từ hôm đó tôi trở thành người hùng, vì đã dám đối diện, thách thức với cây roi đầy huyền thoại của thầy Hoàng, một sự kiện vĩ đại đối với tôi và học sinh toàn trường. Cũng từ sau hôm ấy chẳng đứa nào dám gây hấn bắt nạt tôi, bởi chúng biết tôi bây giờ là thằng không biết ngán sợ điều gì.

Tôi khom lưng vái chiếu lệ vài cái trước bàn thờ thầy, đảo mắt nhìn quanh căn phòng ngan ngát mùi hương trầm. Chẳng có gì thay đổi, vẫn lối bày biện đơn giản, một chiếc bàn viết, vài cái ghế đẩu, cái giá sách... Bao nhiêu thế hệ đã phải đi qua dưới ngọn roi mây của thầy, bao nhiêu đứa thành đạt như Hải, bao nhiêu đứa thất thế lỡ vận như tôi, mà căn phòng làm việc của thầy vẫn vậy, vẫn cũ kỹ dung dị như cuộc đời của một thầy giáo tiểu học. Vách tường tuy ố vàng loang lổ màu vôi cũ, nhưng vẫn toát ra vẻ nền nã, khuôn phép nhờ màu đen bóng của một chiếc roi mây. Không hiểu cảm giác của những thằng học trò ngày xưa ra sao, với riêng tôi cây roi mây chẳng còn gây một ấn tượng nào về nỗi sợ hãi nữa. Tôi sải bước đến gần, đứng đối diện với cây roi. Bây giờ không phải nhón chân vói tay mới tháo được nó ra khỏi chiếc móc. Một ý tưởng táo bạo vượt ra ngoài khả năng bình thường của đứa bé mười một tuổi, nhờ sự tiếp tay của một đứa bạn ở sát nhà thầy, tôi lẻn vô nhà thầy với quyết tâm bẻ gãy hoàn toàn uy quyền của cây roi nên ngang nhiên, bình tĩnh tháo cây roi xuống, dùng cây dao lam sắc lẻm khứa quanh thân roi ở đoạn sát tay cầm một đường sâu hoắm đủ để khi thầy đánh xuống roi đầu tiên là nó phải gãy lìa.

Chiếc roi nằm ngang tầm tay, tôi khẽ khàng tháo nó ra khỏi móc rồi săm soi nhìn và vuốt dọc thân cây mây song lên nước bóng láng - Mầy là cháu chắt mấy đời của cây roi ngày xưa nhỉ, mầy may mắn hơn cụ tổ nhà mày là không gặp phải tay tao - tôi thú vị với ý nghĩ vừa thoáng qua đầu. Bất giác tôi sững sờ, trên thân cây roi một vệt cắt mờ mờ nằm sát chỗ tay cầm... Tôi đổ sụp xuống trước khuôn ảnh thầy, chiếc roi mây chưa một lần thầy đánh học trò run rẩy trên đôi tay.
                                 N-Q

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Bói Tết (20/11/2008)
Biếm họa (19/11/2008)
Các bài đã đăng
Dạy chó (19/11/2008)
Hạnh phúc (19/11/2008)
Thơ đầu tay (19/11/2008)