Tạp chí Sông Hương - Số 203-204 (tháng 1-2)
Biếm họa
15:51 | 19/11/2008
VIỆT HÙNGChuyện ghen tuông của phụ nữ ư? Có gì lạ đâu nhỉ? Vậy mà lúc nào cũng có thể trở nên những câu chuyện thời sự nóng hổi. Người ta túm năm tụm bảy; người ta quên ăn quên uống, quên cả công việc, nhiều khi cũng chỉ để ngồi mạn đàm tào lao quanh chuyện ghen bóng gió của ả A  hoặc ả B nào đó.

Những năm gần đây, có một số tờ báo rất “chịu khó” in những mẩu chuyện nho nhỏ về phái đẹp. Chỉ nho nhỏ thôi, nhưng chẳng thiếu những chuyện tày trời do phái đẹp gây ra. Nhiều chuyện thật rùng rợn làm sao. Chẳng rõ thực hư thế nào. Mà ai dám bảo trong đó không có những chuyện thêm dấm thêm ớt. Vậy mà người tìm đọc cứ nườm nượp ở các quầy báo. Thậm chí có người chuyên mua một loại báo, cũng chỉ để đọc mấy mẩu chuyện về các nàng Hoạn Thư hiện đại. Đọc xong thì vứt luôn. Họ tìm cảm giác mạnh chăng? Có lẽ như thế đấy!
Có một thời, chàng X. nọ hay la cà các quầy báo, cũng chỉ với mục đích săn tìm các mẩu chuyện giật gân như đã nói trên. Đọc hoài thành nghiện. Ngày nào không có đọc là buồn. Miết rồi bị nhập tâm, khiến có dạo cứ ra đường thấy phụ nữ là X. lại chờn chờn. Cô nào càng xinh đẹp càng đáng sợ. X. luôn tự nhủ - hãy cẩn trọng, nếu có phải tiếp xúc với họ, và nếu như không muốn hết ngay một đời trai. X. tưởng tượng trong ví, trong bóp của họ lúc nào cũng sẵn sàng một chai a xít. Bóp càng phồng càng phải dè chừng.

X. là láng giềng của họa sỹ B.- người luôn tuyên bố suốt đời hy sinh để bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trước nam giới. Họa sỹ B. chuyên vẽ tranh phong cảnh, bởi theo anh, thú nhất vẫn là đi săn tìm cái đẹp sẵn có trong thiên nhiên. Giả sử có ai đặt anh vẽ một bức tranh biếm họa, hoặc một cái gì na ná như vậy, anh sẽ hoặc lắc đầu, hoặc nhận rất ư miễn cưỡng.
Vào thời buổi mà ở Việt , nhiều họa sỹ đua nhau thể nghiệm theo lối vẽ của một số trường phái hiện đại châu Âu; với thế giới nó chẳng mới gì, nhưng nó lại lạ với Việt . Đó cũng là dịp cho một số họa sỹ trẻ mới ra nghề đã kịp tung bút mô phỏng theo các danh họa. Ấy là chưa kể cái mốt tranh “khai thác chất liệu dân gian”. Thôi thì đủ loại cóp nhặt, chắp vá, xào xáo... cho nó thành “dân gian”. Cần gì cảm xúc? Nhiều họa sỹ vừa mới nhập cuộc đã cho xuất xưởng tranh “dân gian” ào ạt như người ta đóng gạch vậy. Giá bán cực kỳ rẻ. Thị trường tranh cứ rối mù. Họa sỹ B. lắm lúc hoa cả mắt bởi sự “thể nghiệm” của thiên hạ. Tranh phong cảnh dẫu có đẹp, dẫu có giàu xúc cảm vẫn trở nên khó bán, và bị lọt thỏm giữa cái thị trường tranh đủ loại bút pháp. Họa sỹ B. hay ngồi bó gối suy ngẫm sự đời.

Nhưng mà, cái nghèo, cái khó buộc người ta không thể bó gối ngồi yên mãi. Họa sỹ B. quyết định nhập cuộc. Qua mai mối của bạn bè, anh đã được cộng tác với một tạp chí văn nghệ và thêm vài ba tờ báo khác ở chuyên mục văn học. Công việc của anh là minh họa cho các truyện ngắn. Mới nghe qua tưởng đơn giản, họa sỹ B. say mê đọc và vẽ. Nhưng càng vẽ, anh thấy các bức minh họa của mình càng lơ lửng như bay trên mây. Anh càng gò mình, cố nắm bắt ý tưởng của các tác giả. Nhưng mà... khó quá! Thế mới thấy được những chông gai, cùng quy luật đào thải khắt khe của nghệ thuật. Nhiều hôm đem những bức minh họa đến nộp cho tòa soạn anh cứ ngường ngượng, lúng túng, chỉ sợ bị chê. Thực tình, truyện ngắn in trên các báo chẳng mấy khi làm họa sỹ B. rung cảm. Không rung cảm thì vẽ làm gì? Vẫn biết là thế, nhưng khốn thay, còn cơm gạo áo tiền ai lo cho. Cảm xúc không thể gọi là nó đến. Mà gọi làm sao được cái điều người ta không thể rao bán ngoài chợ giống như “khi ta cần là có, khi ta muốn là được”.

Hôm ấy, đã ngồi đọc hết một buổi chiều, đọc đến ba lượt một cái truyện ngắn mà họa sỹ B. vẫn chưa nắm được ý đồ tác giả. Gay thật, anh định chào thua, trả lại tòa soạn. Nhưng thế thì còn gọi gì là họa sỹ nữa. Chẳng lẽ cứ bôi quẹt cho nó xong chuyện? Không được, danh dự kẻ sỹ không cho phép. Thôi, nếu khó hiểu thì cứ hiểu theo ý mình. Anh bắt đầu hình thành đường nét trong ý tưởng, định bụng buổi tối suy nghĩ thêm rồi sẽ đặt bút. Quyết hoàn thành trong đêm. Tất nhiên ngay từ phút đầu đã mất hào hứng ắt không tránh khỏi gượng gạo. Nhưng mà, biết làm sao... làm sao?
Bước vào bữa cơm chiều, họa sỹ B. vẫn ngồi thẫn thờ. Chợt thấy vợ đặt cái gì xuống mâm cũng nặng tay. Linh cảm có chuyện chẳng lành, anh bồn chồn lo lắng. Ừ, mà từ lúc đi làm về đến giờ, nàng chưa hề nói với anh một câu. Anh liếc mắt nhìn trộm vợ - mặt nàng hằm hằm, đằng đằng sát khí. Anh nghĩ bụng, cho thằng X. -
cái thằng nhát gan ấy chứng kiến cảnh này chắc nó sẽ tè ra quần. Hai đứa con anh cũng đoán sẽ có việc không hay nên chúng im lặng ngồi ăn, chẳng dám nói gì với nhau. Gay rồi đây. Anh tự kiểm điểm việc làm của mình thời gian qua xem có gì sai phạm. Anh làm ngày, làm đêm, kể cả những công việc không hào hứng cũng chỉ vì vợ vì con. Được bao nhiêu tiền anh đem về hết cho vợ. Có mấy khi anh dám tiêu riêng. Cùng lắm thỉnh thoảng vài chai bia với bạn bè. Vợ anh chẳng bắt anh phải răm rắp như vậy nhưng lương tâm anh nó bắt. Thế thì việc gì nhỉ? Anh suy nghĩ lung lắm.

Bữa cơm căng thẳng kết thúc nhanh gọn. Vợ anh bưng mâm xuống bếp. Rồi nàng ra lệnh cho hai đứa con: “Hai đứa bay đi chơi, để bố mẹ nói chuyện, nghe chưa!”. Hai nhóc chẳng băn khoăn vì lẽ gì mà chúng được tháo cũi sổ lồng. Chúng mừng rỡ, phóng ngay khỏi nhà, chỉ sợ mẹ thay đổi ý định, bởi có mấy khi mẹ chúng “ký” cái lệnh đặc biệt như thế. Họa sỹ im lặng lui vào góc của mình, ngồi cúi đầu chờ đợi. Rồi anh liếc mắt nhìn. Vợ anh đang uống nước. Có lẽ nàng phải dọn cho cái giọng thật trong trẻo. Họa sỹ giật bắn mình khi nghe: “Anh là kẻ vong ân bội nghĩa. Đồ bạc tình. Tôi ghê tởm anh...”. “Ơ, cái gì...?” - Họa sỹ cứ ngớ người ra, chẳng hiểu nàng mới nói gì nhỉ? “Anh còn giả vờ nữa à?! Đừng có giả ngây giả thộn, giả đui giả điếc. Đừng có hòng đánh lận con đen. Lần này bà cho chết một lượt”. “Ơ... cái gì?” “Anh vẫn ngẩn ngơ chưa hiểu chi. “Ừ, nghệ sỹ à!... Kịch cọt à!...”- Nàng cố kéo dài giọng - “Nó trẻ trung, nó xinh đẹp, nó thơm tho, nó mỡ màng. Á à... đồ lừa đảo. Ngày ấy tôi tin anh mà cho anh đi theo đoàn kịch. Đâu có ngờ cái kịch cọt của anh. Rõ là no cơm ấm cật dậm giật tay chân. Đồ rửng mỡ. Sao không đi luôn còn dẫn xác về nhà làm gì...”- Nàng càng nói càng hăng, giọng càng cong cớn.

Họa sỹ B. âu sầu gãi đầu. Chuyện đã qua từ lâu, anh rất sợ nhắc lại, ngay cả với bạn bè thân lúc vui. Anh đã chôn nó vào sâu thẳm ký ức rồi cơ mà! Thật là tai hại. Kẻ nào đã “chơi” mình. Anh nghĩ đến chàng kép diễn của Đoàn kịch nói. Thôi đúng rồi, tên kép này đã quậy ta. Một chút kỷ niệm ngọt ngào thoáng qua trong đầu họa sỹ. Anh rùng mình, vừa sung sướng vừa sợ hãi. Ngày ấy, vợ anh rất phấn khởi khi anh được Đoàn kịch mời. Số tiền trong hợp đồng nhận cả trước, cả sau anh mua tặng vợ chiếc xe máy, cùng một vài thứ khác. Nhưng nàng có biết đâu...
Cuộc đời thường rắc rối ở cái sự “biết đâu” ấy.

Khi vở kịch nói đã được duyệt đi duyệt lại kịch bản, chuẩn bị dàn dựng để tham gia hội diễn sân khấu toàn quốc, ông đạo diễn mới nháo nhào đi tìm họa sỹ thiết kế mỹ thuật. Nhiều họa sỹ đâm đơn xin cộng tác, bởi cái hợp đồng quá béo bở. Nhưng đạo diễn vẫn lắc đầu, chưa dám nhận ai. Anh thì chẳng hay biết gì thế sự. Chợt một buổi chiều, đạo diễn cắp cặp đến tận nhà anh. Trong rất nhiều lý do ông chọn anh, có một lý do căn bản, là vở kịch dựng lại câu chuyện xảy ra tại quê hương anh, sát bờ Bắc vĩ tuyến 17 vào những ngày khói lửa ác liệt, khi giặc Mỹ điên cuồng dội bom xuống miền Bắc. Những năm ấy, anh liên tục có mặt ở Vĩnh Linh - nơi xảy ra câu chuyện. Ông đạo diễn tài ba quả đã không nhầm khi chọn họa sỹ. Hôm ấy, khi đọc kịch bản, anh đã khóc rưng rức cả đêm,  bởi câu chuyện quá thật và cảm động, lại hết sức gần gũi thân thương. Ôi, những số phận khắc nghiệt của chiến tranh. Anh mường tượng nhân vật chính là người mình đã từng yêu, từng chia xẻ với nàng mọi rủi ro cay đắng trong những tháng ngày bom rơi bão lửa.

Anh xuất hiện ở Đoàn kịch thật âm thầm, lặng lẽ, chẳng phù hợp với cái không khí luôn ồn ào, sôi động của các diễn viên trẻ. Ai sẽ là người thủ vai chính? Đó là điều anh quan tâm nhất. Người ấy sẽ thể hiện vai trò của   mình ra sao? Có được như anh đã mường tượng về nàng hay không? Ngược lại, cô diễn viên xinh đẹp, thuộc loại sáng giá của Đoàn, người mà đạo diễn đặt rất nhiều hy vọng trong vở kịch này, phút ban đầu lại chẳng để ý đến anh- một họa sỹ giản dị đến mức lùi xùi. Thậm chí nàng còn xem thường vai trò của anh. Anh tặc lưỡi - âu cũng là điều bình thường của các cô gái đẹp, bởi hàng ngày có quá nhiều chàng trai xoắn xuýt bên họ. Anh rụt rè khi mỗi lần phải tiếp xúc với nàng. Lâu nay anh vẫn có cảm giác sợ sệt trước các cô gái đẹp. Chẳng hiểu sự ám thị của phụ nữ với chàng X. láng giềng nọ có lây qua anh không? Chẳng hiểu anh có hay đi săn những mẩu chuyện giật gân trên báo như X. không? Nhưng mà, nói chung, anh hay sợ người đẹp.

Họa sỹ B. ngồi trầm ngâm hàng giờ xem các diễn viên tập. Anh mơ màng thả hồn trở về quá khứ. Anh tưởng tượng tiếng phản lực cơ của giặc Mỹ đang gầm rú. Ầm ì tiếng bom nổ xa, rồi gần, rồi lại xa. Lửa cháy. Tiếng người gào thét. Đất trời mênh mông trong khói dày đặc. Khét lẹt mùi thuốc súng... Làng quê anh bời bời tan nát. Bao số phận oan khốc, những người dân vô tội đang rên xiết trước sự tàn bạo của kẻ thù. Những âm thanh ghê rợn tập hợp lại xoáy vào óc anh. Sau mỗi cao trào, anh lại mở mắt -Nàng vẫn còn sống đấy chứ? Một sự trìu mến âm thầm anh dành cho nàng.
Nàng bắt đầu để ý anh từ sự nể phục cung cách làm việc của một họa sỹ mà ban đầu tưởng rất ư bình thường này. Sự đam mê nhiệt thành của anh chắc chắn xuất phát từ xúc cảm mãnh liệt tận đáy lòng, qua lối tư duy đầy ngẫu hứng và sắc sảo, để rồi đúc kết sự thể hiện luôn gây bất ngờ và giằng xé trong lòng mọi người. Từ những vật dụng đơn sơ, trần trụi, gai góc nơi chính diện sân khấu; đến những hình khối, những đường nét, những mảng màu trên những bức tường nham nhở dấu tích đạn bom; màu sắc trang phục của diễn viên khi nổi, khi chìm, mờ ảo trong lúc đậm, lúc nhạt của ánh sáng... tất cả quyện lại rồi được đẩy lên nhờ kỹ thuật âm thanh và khói lửa. Không khí chiến tranh tái hiện chập chờn trong mịt mù, ghê rợn, khiến người xem khó tránh khỏi cảm giác thắc thỏm, âu lo. Dưới bàn tay của anh, mọi vật trên sân khấu hình như đều biết nói, chúng như được đan xen, phụ họa với lối diễn của nàng, góp phần rất lớn tạo cho vở kịch một không khí dồn nén đẩy lên cao trào. Chẳng hề cố ý mà tâm hồn họ cứ đồng tình giao cảm, bởi chính trong những tháng ngày ấy, tuy còn niên thiếu, nhưng chiến tranh đã ăn sâu vào máu thịt nàng.

Rồi anh thấy ánh mắt nàng hay tìm anh. Anh tưởng tượng đến giây phút “tay trong tay, môi lần tìm môi”. Nàng hay chủ động gặp anh để trao đổi hết chuyện này qua chuyện nọ, mặc cho chàng kép diễn chuyên đóng vai phụ cứ xoắn xuýt bên nàng. Lâu nay chàng kép đã chẳng gây được ấn tượng gì cho nàng. Giờ thì chàng càng mờ nhạt đi. Chàng kép tức lắm. Nhưng, anh có thả lời ong bướm nào đâu.
Một hôm, sau ba giờ căng thẳng của buổi diễn tập, anh mải ngồi suy nghĩ, vì chợt nảy ra phải thay đổi một vài chi tiết trong bố cục sân khấu ở ngay màn đầu, làm sao gây ấn tượng mạnh hơn. Nàng bước đến trước mặt anh. Vội vã, đứng dậy, anh giơ tay gãi đầu. Nàng ấp úng nhờ anh một việc vu vơ gì đó. Nhưng, dẫu có vu vơ đến mấy thì tối đó hai người vẫn cứ phải gặp nhau. Gặp để làm chi? Để làm cái việc vu vơ thôi mà! Phàm đã là đàn ông, ai chẳng thích được chiều chuộng người đẹp. Liệu có nên trách móc anh không nhỉ? Hơi thở gấp gáp của nàng đã ở gần, gần lắm rồi, lời nói thủ thỉ, đứt quãng đã ở sát tai anh. Cảm giác buốt nhói chạy dọc sống lưng, đầu óc anh tê dại. Tai anh nghe văng vẳng, âm u, những khối âm thanh vừa lạ, vừa quen, khiến anh nao nao không xác định nổi phương hướng. Anh thấy mình bất động vì không biết nên cử động theo hướng nào. Nàng đẹp quá mà! Anh không dám nghĩ sắc đẹp ấy lại dành cho mình. Nhưng, sự im lặng, căng thẳng chẳng thể kéo dài hơn. Tiếng sét ấy đã giáng xuống liệu ai có thể tránh nổi? Bất ngờ... đầu nàng gục vào vai anh, tưởng không bao giờ cất lên được nữa. Người nàng uột lả trong cánh tay anh. Đôi môi nàng chín mọng, ngọt ngào, nóng hổi, nó đã mềm đi trong khắc khoải đợi chờ. Nhiều năm sau anh còn đờ đẫn khi mỗi lần nghĩ lại. Nàng thổn thức nói rằng, ngoài anh ra không ai có thể tạo nổi bầu không khí khiến nàng thật sự đắm mình trong vai diễn. Anh không dám nói gì nhiều với nàng, bởi anh không phải là người hay hứa hẹn, thề thốt lung tung. Anh chỉ biết dang tay đón nhận, nâng niu cái điều mong manh ấy. Ba tháng trời, thời gian dàn dựng vở kịch, cả anh, cả nàng đều thấy bồng bềnh, lơ lửng, hình như họ không còn điểm tựa nào trên thế gian này ngoài sự nương tựa vào nhau. Lắm khi anh tự véo vào đùi mình - Tỉnh hay mê đây? Đôi lúc anh nghĩ lại hoàn cảnh hiện tại, nó đã vượt sang sự phiêu lưu. Lương tâm anh giằng xé. Hình như mọi ngả về của anh đều bị lưới tình vây bủa. Anh cúi đầu để mặc sự dẫn dắt của thế lực siêu nhiên vô hình nào đó. Ôi, những cơn mê tuyệt vời thôi thúc sự sáng tạo, mãi về sau anh vẫn thầm cảm ơn chúng.

Năm ấy, trong mùa hội diễn sân khấu toàn quốc, vở kịch mà cả anh và nàng với công sức đóng góp không nhỏ, thuộc một trong số rất ít vở được giải thưởng cao. Ngoài huy chương vàng chung cho vở, còn có bốn huy chương vàng cá nhân dành cho tác giả kịch bản, đạo diễn, họa sỹ thiết kế mỹ thuật và vai diễn chính. Nhiều người trong đoàn bật khóc vì sung sướng. Khóc nhiều nhất có lẽ là anh với nàng. Hai người đã thức trọn cái đêm cuối cùng ở Hà Nội. Khi mà không gian im lìm, hoang vắng. Những hàng cây hình như cũng biết nương tựa vào nhau trong giấc ngủ chập chờn. Anh thì chẳng cần hay biết chi ngoài những cái hôn vừa dài, vừa sâu, vừa tham lam khắc khoải, vừa mênh mông vô tận. Cảm giác ngất ngây ngự trị lên tất cả. Họ cần phải nói với nhau lời gì nữa? Mọi sự giãi bày bằng thừa. Còn ngôn ngữ nào đẹp hơn thế? Phải chăng đó chính là cái mà người đời gọi nó đơn giản là tình yêu....

Trên chuyến tàu trở về Huế, anh ngồi im tư lự hàng giờ. Anh sực tỉnh và buồn bã nghĩ đến ngày mai. Anh nghĩ đến trách nhiệm của mình, nghĩ đến cái hiện thực mỏi mòn của cuộc sống, khi anh sống không phải chỉ riêng cho bản thân. Có lẽ nàng cũng sẽ thông cảm cho anh thôi. Biết làm sao khi trong cuộc sống có bao điều người ta muốn mà không thể làm được, cũng như không thể lý giải, không thể cắt nghĩa. Hãy coi như một phút bồng bột, xao lòng thôi nhé! Liệu có ai trách móc không?
Ba tháng trôi qua, sau khi giã từ đoàn kịch, họa sỹ B. vẫn như người mất thăng bằng. Hết đứng, lại ngồi, hết đi ra lại đi vào, anh chẳng làm được việc gì. Anh ít dám ra khỏi nhà, càng không dám đi ngang trụ sở Đoàn kịch nói. Trong lòng anh, cả một mớ hỗn độn những điều mâu thuẫn nhau. Anh vừa muốn gặp nàng, lại vừa sợ gặp nàng. Ngồi ở nhà, anh bồn chồn mong nàng đến, nhưng rồi lại sợ nàng xuất hiện. Anh sợ sự mềm yếu của cả hai người. Phải chia tay thôi, không thể kéo dài sự phiêu lưu được nữa - anh thầm nhủ. Rồi anh tự hỏi mình: Liệu có sớm quá không? Anh biết nàng đau khổ lắm. Nhưng anh nào có sung sướng gì. Thậm chí anh còn phải sống trong tâm trạng dằn vặt gấp bội nàng ấy chứ. Anh tự trách mình bồng bột. Nhưng mà, đã bảo, giây phút ấy có một thế lực siêu nhiên vô hình dẫn dắt anh cơ mà. Ôi, cái “tiếng sét” ấy quả là ghê gớm.

Họa sỹ B. ngồi cúi đầu, tay chân bắt đầu bủn rủn bởi tiếng gầm rú của vợ mình. Anh cho tiếng phản lực cơ của giặc Mỹ năm xưa e cũng chỉ ghê gớm đến thế là cùng. Anh nguyền rủa tên kép diễn quái đản. Nhưng chàng kép lại cho anh là người quái đản hơn. Chàng kép diễn bất tài hay xun xoe với người đẹp đã bị anh vô hiệu hóa hoàn toàn trước mắt nàng, cho dù sau này anh không xuất hiện nữa. Chàng kép tức như điên, đã quyết định mượn tay đàn bà để “dạy cho anh một bài học về sự lễ độ”. Còn người đàn bà nào làm việc ấy tuyệt chiêu hơn chính vợ anh?
Họa sỹ lôi ra một tập giấy giả vờ ngồi làm việc. Anh bôi quẹt lung tung trong inh tai nhức óc của tiếng gào thét. Anh liếc mắt nhìn. Vợ anh đang xỉa xói vào mặt anh. Rồi nàng đứng hơi khom, một tay chống nạnh, tay kia giơ nắm đấm dứ dứ trước mặt. Trời ơi, họa sỹ xuýt buột miệng - Vẻ kiều diễm năm xưa của em biến đâu hết rồi? Vợ anh nhảy lên giường. Rồi lại nhảy xuống đất. Lại nhảy lên giường, tay nàng huơ tứ tung như mụ phù thủy lên đồng. Nàng nhảy xuống đất chồm chồm gần anh như con sư tử chuẩn bị vồ mồi. Họa sỹ định la lên - ối, có ai cứu tôi với. Ai mà cứu  được anh lúc này. Có vay thì có trả, đó là quy luật của muôn đời. Láng giềng của anh chỉ có tay X. là thân thiện, nhưng giờ này mà hắn biết được thì cũng ngồi run như cầy sấy ở góc nhà hắn. Có một lần X. đã liều mạng nhảy sang cứu người bạn chí cốt trong tình huống tương tự. Lập tức X. bị vợ họa sỹ “chơi” cho một chưởng đúng vào chỗ hiểm, đau đến tím tái mặt mày, khiến cả tháng sau X. không dám lai vãng đến gần nhà bạn.

Họa sỹ giơ tay lên xem đồng hồ. Còn khá lâu đây, bởi anh biết “cuộc chơi” này sẽ không thể kết thúc trước 3 tiếng đồng hồ. Họa sỹ bôi quẹt trên giấy càng lúc càng dữ hơn để giết thời gian. Chợt anh nảy ra ý định tả lại vợ mình ở nhiều tư thế khác nhau. Anh bắt đầu vẽ - vẽ - vẽ - say sưa vẽ... vợ mình. Trong âm thanh lộng óc của một dàn nhạc điện tử cực đại, anh vừa nhịp chân, vừa mỉm cười, vừa vẽ. Anh tưởng tượng đến các ca sỹ nhạc rốc vừa nhảy nhót, vừa hú hét như điên trên sân khấu...

Mọi âm thanh chợt ngưng bặt. Khi ấy bức phác thảo thứ mười ba của anh đang đi vào những nét cuối. Họa sỹ thở phào, giơ tay vuốt mặt, tưởng tượng đến một cuộc trải nghiệm sáng tạo dưới địa ngục.  Anh xem đồng hồ. Còn mười lăm phút nữa mới hết giờ. Anh liếc mắt. Vợ anh đang đi tìm nước uống. Chà chà, họa sỹ lôi thêm một tập giấy đặt lên bàn, chuẩn bị bước vào “cuộc chiến” mới. Nhưng không, nàng lại đến trước gương chải đầu. Nàng thay quần áo. Nàng mở bóp. Anh lấm lét theo dõi. Vợ anh lôi son phấn ra. Cái gì nữa thế này? Anh từng biết các diễn viên họ trang điểm rất kỹ khi lên sân khấu; những người đẹp cũng làm như thế trước khi bước vào cuộc thi hoa hậu, nhưng, người đẹp trang điểm để đi gây gổ, cãi nhau, anh chưa hề nghe nói đến bao giờ. Nàng mở cửa bước ra “ -Tôi cũng đi bồ bịch đây! Anh đừng tưởng chỉ mình anh biết ngoại tình”. Họa sỹ lại thở phào, mở các bức phác thảo ra xem. Anh ôm bụng cười sằng sặc. Chợt vợ anh quay vào. Họa sỹ sợ quá, lấy vội quyển sách đè lên tập phác thảo. “Anh cười cái gì?”. “Ơ không, cười gì đâu?”. “Tôi hỏi thật, vì sao từ tối đến giờ, tôi nói mà không nghe anh nói lại”. “Nói lại cái gì?”. “Còn cái gì nữa!”. Quả là người này nói, người kia không nói lại thì cũng không ổn. “Anh có biết gì đâu. Không phải em vừa mắng các con à?”. Đến nước này thật là quá thể. Vợ họa sỹ nhịn không nổi đã phải phì cười trước vẻ mặt vừa ngây, vừa thộn của chồng mình. Vậy là hòa cả làng. Họa sỹ B. toàn thắng trong im lặng. Đêm hôm ấy, trong lúc ngủ, vợ anh đã ôm anh mà khóc tức tưởi. Nàng ân hận lắm. Nàng phong anh là người đàn ông tuyệt vời, người đàn ông số một thế giới, người đã biết hy sinh cho sự bình đẳng tối thượng của phụ nữ.

Sáng hôm sau, vào lúc vợ đi làm, họa sỹ B. ôm tập phác thảo nhảy sang nhà tay X. để kể lại câu chuyện đêm qua. Cứ mỗi trường đoạn họa sỹ lại giơ ra một bức minh họa. Quả là độc đáo. Người ta chỉ có thể thấy các bức minh họa trên báo, chứ chưa ai vừa được nghe kể chuyện lại vừa được xem minh họa. Chợt X. nảy ra ý định chuyển các bức phác thảo cho một tờ báo thân quen. Ở đấy họ chuyên đăng các chuyện vụ án về phụ nữ. Quả nhiên thư ký tòa soạn của tờ báo K. nồng nhiệt đón tiếp hai người. Anh ta nói, chưa một họa sỹ nào có thể minh họa sống động như thế. Từ đó hàng tuần, giống như một người xoay cỗ ru bíc trên tay, tờ báo K. cứ đảo qua tráo lại những bức phác thảo của họa sỹ B. để minh họa cho các câu chuyện đắt tiền của họ. Báo K. không phải thuê họa sỹ nữa. Cũng từ đó hàng tuần, họa sỹ B. có thêm một khoản nhuận bút. Việc này anh giấu biệt vợ.

Chuyện chẳng dừng lại đó. Mặc dù trong cái đêm hãi hùng hôm nào, họa sỹ B. đã thu toàn bộ âm thanh của nó vào hai cuốn băng, nhưng anh phải giấu kín vì để “bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ”. Một hôm đi làm về, vợ họa sỹ ném tờ báo giữa bàn - “Anh xem này. Đồng nghiệp của anh đấy! Nó đã bôi bác đàn bà, hạ thấp nhân phẩm phụ nữ. Thật là quá quắt. Tôi sẽ kiện. Tôi sẽ hỏi tòa soạn xem thằng họa sỹ láo toét ấy là ai...” Họa sỹ B. bủn rủn chân tay khi thấy các bức minh họa của mình trên báo. Một bức là người phụ nữ tóc xõa rối tung, hai tay chống nạnh, miệng há rộng tận mang tai, nước bọt phun phì phì. Bức kia là người phụ nữ đứng dạng chân theo thế trung bình tấn của các võ sinh thái cực đạo, mặt mày méo mó, một tay giơ nắm đấm, tay kia đang vỗ bồm bộp ở phía bụng dưới. Vợ họa sỹ chắc chắn nghĩ rằng, đàn bà không thể tồi tệ đến mức như thế. Gay rồi đây! Thừa lúc vợ xuống bếp, họa sỹ B. lấy xe phóng thẳng đến nhà thư ký tòa soạn báo K. quyết đòi lại mấy bức minh họa. Anh thư ký tòa soạn trả lời, nhờ có nó mà tờ báo của anh bán rất chạy. Hơn nữa sẽ bảo đảm tuyệt đối bí mật cho họa sỹ.

Vợ họa sỹ B. là người nói rồi quên ngay, nên chỉ mấy ngày sau nàng đã chẳng nhắc lại chuyện hai bức minh họa kia nữa. Nhưng họa sỹ B. lại liên tục theo dõi tờ báo K. Hôm nào đọc xong anh cũng thẫn thờ từ những câu chuyện động trời trên báo. Anh chẳng hiểu vì sao giây phút ấy mình lại có thể vẽ được như vậy. Một sự xuất thần chăng? Có người bạn thân khi biết chuyện đã hỏi, liệu lúc ấy anh có cảm xúc thật sự để vẽ về vợ mình? Họa sỹ B. trả lời ỡm ờ. Chẳng lẽ lại thừa nhận một cảm xúc ngược ngạo như thế! Điều đó khác gì mình có cảm xúc khi đi ca ngợi những kẻ bất lương. Nhưng dù sao vẫn cứ là cảm xúc. Họa sỹ B. không lý giải nổi việc này.

Cho đến một chiều, họa sỹ B. toát mồ hôi khi đọc một mẩu chuyện đánh ghen rùng rợn trên báo K. Không thể tin nó có thật ngoài đời. Anh xấu hổ nhìn bức minh họa của mình. Họ đã dùng cái thật để minh họa cho cái không thật. Anh trở thành kẻ tiếp tay cho họ. Không, không thể được, đó là danh dự của kẻ sỹ.
Họa sỹ B. lao ra khỏi nhà. Hôm nay quyết đòi lại những gì đã vẽ cho báo K.
            V.H

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Bói Tết (20/11/2008)
Các bài đã đăng
Lằn roi (19/11/2008)
Dạy chó (19/11/2008)
Hạnh phúc (19/11/2008)
Thơ đầu tay (19/11/2008)