Tạp chí Sông Hương - Số 203-204 (tháng 1-2)
Người đi chuyến tàu giáp Tết
09:27 | 20/11/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊSân ga ngày giáp Tết đông đúc và huyên náo khác thường. “Tàu S3 xin đường rồi!” Tiếng ai đó thốt lên. Thế là đám người trên sân ga như được tiêm thuốc kích thích. Trước hết là các chàng xe thồ, xích lô, rồi người đưa kẻ đón chạy qua chạy lại, í ới gọi nhau.
Người đi chuyến tàu giáp Tết

Trong lúc đó thì có một đôi trai gái cũng người đi, kẻ tiễn lại ngồi “cắm” trong quán vắng chếch phía trước nhà ga. Chàng trai người cao to, khuôn mặt cương nghị hướng phía cửa ga có vẻ sốt ruột; còn cô gái hầu như lúc nào cũng cúi mặt, chỉ thấy mái tóc thề đen nhánh buông xoã trên bờ vai tròn mềm. Những gì cần nói, họ đã thổ lộ cùng nhau đêm qua, nước mắt cô gái như cũng đã chảy cạn rồi. Vậy mà chàng vẫn “dứt áo” ra đi! Ngày Tết, người ta kéo nhau về thăm quê quán, người thân. Đằng này, chàng lại chọn ngày giáp Tết lên đường. “Chẳng lẽ tình yêu của chàng đã phai nhạt?” Ý nghĩ vụt đến, cô gái bỗng thấy lòng đau nhói, hơi ngước lên, khẽ cất lời:
- Thế là anh nhất định đi ư?
- Thì anh đã nói hết với em đêm qua rồi. Chẳng lẽ em muốn đời anh mòn mỏi trong phòng giấy với công việc vô tích sự và đồng lương còm...
- Thế anh đợi sau Tết hẵng vào không được sao?

Cô gái vẫn cố níu kéo, dù biết là vô ích. Chàng đã mua vé và tàu đã xin đường. Thực ra thì chàng cũng có thể nán lại ăn Tết, nhưng dù chưa trải đời, chàng cũng hiểu là nếu mình mềm lòng lùi một bước thì rồi sẽ lùi mãi. Để tỏ một cử chỉ cương quyết, chàng khoác chiếc túi có hai dây đeo theo kiểu ba lô lên vai - chiếc túi chàng thường mang trong năm cuối đời sinh viên, nay mới có dịp dùng đến. Chàng nói, giọng nghe như hơi khàn đi vì vừa trải qua một đêm mất ngủ và cũng vì nỗi xúc động trong phút chia tay với người yêu:
- Thôi, để anh đi... Người ta đã nhận, mình vào chậm có khi lỡ việc. Mà các xí nghiệp “liên doanh”, họ không nghỉ Tết lai rai như mình đâu. Anh vào trước, thu xếp ổn rồi sẽ tìm xin việc đón em vào sau.
- Em đâu dám làm phiền anh. Đất khách quê người, mình thân cô thế cô, biết nhờ cậy ai...
Chừng như đã thất vọng, cô gái làm bộ hờn dỗi và lạnh nhạt. Chàng trai thì vẫn nhiệt thành và tha thiết:
- Biết bao giờ em mới thoát khỏi lối nghĩ luẩn quẩn cũ kỹ ấy. Trong ấy là vùng đất mở, thuộc về tương lai, nhà máy xí nghiệp dựng lên liên tiếp, một chỗ để em dạy học, nhất định anh sẽ tìm được. Em cứ tin đi!
Chàng trai đã buộc phải đứng lên. Phát thanh viên nhà ga vừa nhắc: “Hành khách có vé đi tàu S3 xin mời vào ga để chuẩn bị lên tàu...” Cô gái cảm thấy đôi tai mình như ù đi. Cô cũng vội đứng lên và bỗng như nổi nóng nói to, chẳng để ý gì những người xung quanh:
- Thôi, anh đi đi! Đi mà lo cho tương lai của anh. Em biết rồi, người ta đã hứa hẹn trả lương bằng đô-la, rồi tha hồ nhảy nhót, bia bọt...
- Kìa! Hân! Sao em lại nói thế? Rồi em sẽ hiểu...
Chàng trai vội ngoái lại, sửng sốt kêu tên người yêu, rồi bước nhanh tới cửa ga. Mấy người thân của chàng, tay cầm sẵn vé đưa tiễn đang sốt ruột đợi chàng. Đứa em trai khẽ hỏi anh:
- Chị Hân không vào tiễn anh à?
- Làm sao anh biết được!

Cả Hân nữa, cô như cũng không biết cư xử ra sao. Cô vừa nói những lời như là để cắt đứt với anh, vậy mà lại cảm thấy ân hận là quên nhắc anh vào đó hãy cố xin việc làm trong bờ; chứ nếu phải ra các giàn khoan ngoài biển thì sóng gió bão bùng, sợ lắm. Mà rồi... - ý nghĩ vừa thoáng đến, một bên tai cô đã nóng bừng - ừ, nếu như phải ra các giàn khoan thì làm sao cô ra thăm anh được; còn anh, thì có khi cả tháng, mới có máy bay tàu thuỷ chở vào đất liền... Cái ý tưởng mà cô cho là lẩn thẩn, vô lý và xa vời cứ choán ngợp tâm trí làm cô ngượng ngùng không dám theo sát bước chân anh. Và thế là lỡ. Tàu đã vào ga. Cửa ga khép chặt. Cô chạy xô tới, bật khóc, xin xỏ, nhưng không ai chịu mở cửa.

Thất vọng, cô gục đầu vào thành ghế nức nở. Bỗng như trong chuyện cổ tích, cô thoảng nghe tiếng hỏi: “Sao cháu lại khóc?” Ngửng lên, cô bỗng thấy bên mình là một “ông Tiên” - một cụ già có chòm râu trắng, đôi mắt tinh nhanh, đầu đội mũ lưỡi trai, mình khoác áo dạ cũ. Cô chưa kịp trả lời, cụ già lại hỏi:
- Cháu muốn vào tiễn bạn hả?
- Dạ... Cháu...
Cô ngập ngừng nói chưa nên lời thì không biết dụa vào uy quyền nào, cụ già đã bảo người gác cửa mở khoá cho cô vào ga. Cô vừa kịp tìm thấy khuôn mặt anh vươn ra ngoài cửa sổ toa tàu thì người lái đã rú còi và guồng bánh sắt vô tình lăn tròn mỗi lúc một nhanh. Những chuyến tàu giáp Tết không thể chậm giờ.

Trên bờ ke cạnh đường ray trống trơn sau khi con tàu đi, chỉ mình cô đứng trơ lại. Những ai ra đón người thân về ăn Tết thì đang tíu tít nói cười dắt díu nhau về phía cửa ra. Cô như không biết đi đâu, về đâu nữa. Cô cũng không dám ra cửa ga vì chẳng có thứ vé gì trong tay. Cụ già khoác áo dạ lại xuất hiện như ông Tiên trong truyện cổ.
- Bác sẽ đưa cháu ra, đừng ngại. Hay là cháu muốn đuổi theo anh chàng kia? Nếu cháu muốn, bác sẽ giúp cháu có một chiếc vé chuyến tàu S5 đêm nay.
- Dạ không... Thế bác là. ..
Cụ già bỗng khẽ cất tiếng cười và vui vẻ nói:
- À, ta hiểu. Cháu muốn biết ta là ai mà có quyền vào ra ga như nhà mình, muốn lấy vé đi chuyến tàu nào cũng được chứ gì? Thôi thì cũng là dịp để “khoe” chức vụ của mình, chắc cũng là lần cuối. Hai mươi năm trước, ta là ga trưởng ở đây; người mở khoá cho cháu vào ga là con trai ta. Nhà ta ở kia. Nếu cháu muốn, cháu có thể vào đó nghỉ chân rồi ra lối cửa sau cũng được.

Hân như đã bị mê hoặc, chậm bước theo cụ già tiến tới căn nhà nhỏ bên kia đường sắt lúc nào cũng không biết nữa. Và cô đã tin cậy kể rõ sự tình cho cụ già nghe, chẳng khác chi cô Tấm với ông Bụt trong chuyện xưa. Cụ già lặng nghe, chăm chú nhìn khuôn mặt cô gái như cố tìm ở đó một nét gì quen thuộc. Hân dừng lời một lúc, cụ như mới tỉnh giấc mơ, chậm rãi nói:
- Vậy mà bác tưởng anh chàng là kẻ tráo trở, lừa dối cháu rồi trốn chạy. Còn đi tìm sự nghiệp, tìm nơi có thể thi thố hết tài năng thì kể gì Tết nhất hả cháu. Sáu mươi năm trước... Thôi, khoan hãy nói chuyện đó. Bác mừng cho cháu chọn được người bạn đời có bản lĩnh, nhưng tình thế nhiều khi buộc người ta thay đổi. Bác nói thế, cháu có hiểu không? Nói thẳng ra là nếu cháu muốn giữ được tình yêu thì hãy can đảm lên đường theo anh ấy. Cháu vừa tốt nghiệp, đang chờ xin việc phải không? Thế thì càng nên đi. Quê mình đất hẹp, công việc ít. Vào đó thì tha hồ. Bác đã từng đi nhiều nơi trong đó. Nay thì còn cả vùng biển mênh mông giàu có. Hãy theo anh ấy, mạnh dạn lên đường đi.
- Dạ... Thế bác vào trong đó dịp nào ạ?
- Mấy năm nay có vé miễn phí của ngành đường sắt, hầu như năm nào bác cũng đi. Còn hồi chống Pháp... Chà! Thế mà đã hơn nửa thế kỷ qua rồi!
Cụ già lại đưa mắt nhìn cô gái một cách chăm chú, bất chợt bắt gặp ánh mắt cô ngước lên, khiến cụ như bối rối, cúi tìm bao thuốc rồi bật lửa châm thuốc hút. Qua làn khói thuốc trắng mờ, cụ nhìn về phía cửa sổ, phía những con đường ray và nhà ga từng đón biết bao chuyến tàu qua và chứng kiến biết bao cuộc chia tay. Cũng vào một ngày giáp Tết, sáu chục năm trước... Phải, đó là đầu năm 1946, Tết Bính Tuất, nhân dân khắp nơi đang chuẩn bị ăn cái Tết độc lập đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...

Không đợi cô gái hỏi, cụ già đã thong thả kể lại kỷ niệm cũ; để giúp cô thêm can đảm, hay là tìm manh mối bắc lại nhịp cầu xưa lỡ nhịp? Nào ai biết được! Chỉ biết cụ già mỗi lúc một xúc động, nghẹn ngào...
... Ngày đó, nói cho đúng, thì cũng có nhiều người không kịp ăn Tết. Những đội quân Nam tiến theo các đoàn tàu xuyên Việt tiếp sức cho mặt trận cực Nam Trung Bộ đang ngày một gay go. Trên tất cả các ga dọc đường, các mẹ, các chị - người mang bánh mứt, người đem khăn áo ấm tràn lên các toa tàu tặng đội quân cảm tử trẻ tuổi. Có nhiều nhà ga, tàu hú còi mãi cũng không lăn bánh được vì tình cảm quyến luyến của bà con. Ngày đó, cụ già còn là cậu Duy vừa tốt nghiệp Thành chung. Duy không thuộc đoàn quân Nam tiến từ Bắc vào, mà là thành viên của Đội “Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ” (TTXP), một tổ chức gồm hầu hết những thanh niên có học, do chính đồng chí Nguyễn Chí Thanh thành lập ngay sau Chính phủ cụ Hồ ra mắt công chúng. Chính là từ sân ga này, một ngày giáp Tết, Duy cùng mấy bạn trẻ lên tàu ra mặt trận với vũ khí là lời thơ, tiếng hát thôi thúc các chiến sĩ “lạnh lùng vung gươm ra sa trường” để bảo vệ Tổ quốc. Đoàn tàu chỉ đi được tới đất Khánh Hoà. Một số đoạn đã bị giặc Pháp chiếm, đạn pháo từ chiến hạm ngoài khơi và súng liên thanh, súng trường đã nổ xung quanh. Các chiến sĩ TTXP theo sát các anh bộ đội và thương binh trong những ngày vỡ mặt trận cực kỳ gian nguy, rồi đi tiếp suốt cuộc kháng chiến trường kỳ...

Có một chi tiết cụ già không kể lại. Ngày tiễn đưa anh chàng Duy trên sân ga này cũng có một cô gái sụt sùi chạy theo đoàn tàu khi những bánh sắt đã gõ nhịp trên đường ray. Cụ chỉ nói cho Hân biết, trong tiểu đội của cụ có cả hai cô “tiểu thư”; một cô nữa đã ghi tên nhưng bị gia đình níu kéo giữ lại...
Câu chuyện 60 năm chỉ kể trong mấy phút làm Hân không thoả mãn. Cô hỏi thêm điều này điều khác, nhưng rồi cụ Duy bảo:
- Thôi, chuyện ngày xưa dù sao cũng là chuyện đã qua. Cháu cam phận ở lại như cô gái nọ hay dám lên tàu S5 đêm nay?
- Dạ... Cô gái lại đáp lời bằng tiếng “dạ” ngọt lịm, muốn hiểu thế nào cũng được, nhưng lần này cô phải nói rõ hơn - Cháu phải về xin ý kiến ba mẹ và mệ nội cháu nữa...
Cụ già như hơi giật mình và lại dướn mắt nhìn cô gái chăm chú. Cụ định hỏi gì đó, nhưng rồi khẽ lắc đầu, chậm rãi đứng dậy tiễn Hân.
- Ừ, tuỳ cháu. Có điều tình yêu của cháu, tương lai của cháu thì chính cháu phải là người quyết định. Khi nào cháu muốn, bác sẽ giúp...
Đêm ấy, trong căn nhà nhỏ ở một hẻm phố vắng, Hân kể lại cho bố mẹ nghe cuộc gặp gỡ với “ông Tiên” trên sân ga. Hân vừa dứt lời, bà mẹ liền bảo:
- Thời trước khác, thời nay khác. Đừng có phiêu lưu. Con không lo. Bố con quen chủ tịch thành phố, lẽ nào không kiếm được cho con chỗ làm đàng hoàng. Cần thì đút 5 “chỉ”, một “cây” cho mấy tay tổ chức là xong.
Bất chợt, có tiếng đằng hắng ở phòng bên, rồi tiếng dép của mệ nội Hân bước ra. Mái tóc bạc, nhưng khuôn mặt trái xoan của mệ còn lanh lợi lắm. Mệ nói thong thả, nhưng giọng đầy quyền uy:
- Đừng có bày hư cho con cháu. Bữa trước, mệ không muốn cho cháu đi xa, nhưng giờ nếu cháu muốn thì cứ đi. Đi mở mang cho nó biết đó biết đây, chứ như đời mệ, sáu mươi năm trước, cũng vì lỡ một chuyến tàu...
Không kìm nén nỗi xúc động bất ngờ trào dâng, mệ nói buột ra điều mà mệ giữ kín đã hơn nửa thế kỷ. Như để khoả lấp không cho con cháu để ý đến điều đó, mệ vừa nói vừa quay vào giường mình:
- Thôi, khuya rồi, ra tàu cũng không kịp, để mai...
Phía nhà ga bỗng vọng tới tiếng còi tàu. Đoàn tàu S5 vào tiếp tục lăn bánh. Cụ Duy chờ bên cửa vào ga cho đến người khách cuối cùng. Cụ đón để giúp Hân hay mong chờ gặp ai nữa?...
...Hôm sau, Hân ra ga và lại gặp “ông Tiên” dạo chơi và như ngóng chờ ai. Cụ mỉm cười và nói:
- Vậy là cháu đã quyết định lên đường. Để bác lấy vé giúp cho. Không ai đi tiễn cháu à?
- Bố mẹ cháu còn đi gửi hôn-đa. Mệ nội cháu thì đang ngồi trên xích lô đó. Mệ cứ nhất định đòi ra sân ga tiễn cháu bằng được...
Giọng Hân liến láu và tinh nghịch, còn cụ Duy thì chớp chớp mắt và bàn tay cầm số tiền Hân gửi nhờ mua vé cứ run run.
Lát sau, trước khi bước lên tàu, Hân nắm chặt bàn tay răn reo của cụ Duy, mắt rớm lệ:
- Cháu... cháu cảm ơn bác.
- Sao cháu lại khóc? Mà bác phải cảm ơn cháu mới đúng. Nhờ cháu, bác đã được gặp lại, dù cả hai đã già. Còn cháu thì đã biết không để lỡ những năm tháng trẻ tuổi. Phải vui lên chứ! À, bác dặn, nếu tàu dừng ở Long Khánh hay Biên Hoà, cháu có thể xuống rồi hỏi xe đi. Mà theo bác, đừng vội, cháu cứ vào thẳng Sài Gòn cho biết. Vào đó xe đi đâu cũng tiện. Đúng đêm 30 Tết, cháu hãy gõ cửa nhà anh chàng của cháu tạm trú, dành cho anh chàng món quà hạnh phúc bất ngờ. Cháu biết không, đúng vào đêm 30 Tết năm bốn sáu, khi các bác đang chuẩn bị biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội, thương binh thì súng nổ ran. Thế là tất cả phải tạm lánh vào rừng sâu... Thôi, cháu lên tàu đi. Cháu cứ yên tâm. “Đất lành chim đậu”. Bác tin là cháu sẽ sớm tìm được việc làm...
Cụ Duy như lên cơn say, nói một thôi một hồi. Thực ra là cụ muốn tiếng nói bên ngoài át đi tiếng nói tâm tình mà cụ muốn thổ lộ cùng người bạn già vừa gặp lại sau hơn nửa thế kỷ.
Con tàu đi về phương đã lăn bánh. Trên sân ga, đôi bạn già ngượng nghịu bên nhau như chẳng muốn chia tay”
 Huế, sau ngày gặp lại các Đội viên

 TTXP Việt Minh Trung bộ

             N.K.P.

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Bói Tết (20/11/2008)
Các bài đã đăng
Biếm họa (19/11/2008)
Lằn roi (19/11/2008)
Dạy chó (19/11/2008)
Hạnh phúc (19/11/2008)
Thơ đầu tay (19/11/2008)