Tạp chí Sông Hương - Số 203-204 (tháng 1-2)
Linh sơn mây trắng
09:56 | 20/11/2008
NGUYỄN VĂN DŨNGVới Phật giáo, Linh Thứu là ngọn núi thiêng. Sau khi thành đạo, một thời gian dài Linh Thứu là trú xứ của đức Phật và các đệ tử của Ngài. Tại đây Ngài đã giảng kinh Pháp Hoa và nhiều bộ kinh quan trọng khác. Linh Thứu còn là nơi khởi phát dòng Thiền Ấn Độ để rồi từ đây hạt giống Thiền được gieo trồng khắp nơi trên trái đất.
Linh sơn mây trắng

Tương truyền ngày nọ trên đỉnh Linh Thứu, đức Phật lên toà giảng Pháp - Không luận giải dài dòng như mọi ngày, Ngài chỉ im lặng cầm một cành hoa đưa lên trước hội chúng. Hội chúng ngơ ngác không ai hiểu gì, chỉ tôn giả Ca Diếp lặng lẽ mỉm cười như ngầm thâm ngộ ý nghĩa lời dạy của Thầy. Thế là, bằng lối “Niêm hoa vi tiếu”, đức Thế Tôn đã khai sinh ra dòng Thiền tông, một tông phái lấy tâm truyền tâm, coi trọng tự chứng, không qua ngôn ngữ văn tự mà chỉ dùng tuệ giác vốn có nơi tâm. Từ Ca Diếp, tâm ấn được truyền sang A Nan Đà, rồi tiếp tục truyền thừa cho đến tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma.

Trước khi đến Linh Thứu, xe chúng tôi ngang qua kinh thành Vương Xá cổ xưa của nước Ma Kiệt Đà. Ngày ấy Vương Xá phồn vinh, tươi đẹp là thế mà nay hoang phế, tịnh không bóng người. Dưới chân núi, đám hàng rong bu quanh du khách. Quán xá nhếch nhác, hôi hám và ruồi. Đoạn đường từ chân núi đến đỉnh khoảng 2 km dốc thoai thoải, người ta vừa chỉnh trang bằng các bậc cấp tráng xi măng - không sao tìm lại dấu chân đức Phật từng đi qua. Thuở xưa hẳn Linh Thứu cây cao bóng cả, uy linh diệu vợi, nay chỉ như một ngọn đồi xơ xác cỏ cây. Dọc bên đường vẫn còn vài dấu tích lịch sử: Tảng đá Đề Bà Đạt Đa quyết lăn hảm hại đức Phật, nơi nhà vua Tần Bà Xa La xuống xe đi bộ, nơi nhà vua cho đoàn tuỳ tùng lui, chỉ một mình lên thăm đức Phật.


Qua khỏi “Linh Sơn kiều” - chiếc cầu bắc qua con suối nhỏ, là địa phận đỉnh Linh Thứu; nhiều những đống đá chất chồng lên nhau, một cách cầu nguyện của các tín đồ Tây Tạng. Đỉnh Linh Thứu là một khuôn viên hình chữ nhật khoảng 10 x 20 m, bên ngoài là vòng thành ba mặt cao không quá 0,80 m, bên trong thêm một vòng thành vuông, ở giữa có tượng Phật nhỏ tí và đủ thứ cờ hoa trông màu mè đồng bóng, một bát hương to và thô như cái xô của mấy ông thợ hồ. Quanh tượng Phật người ta dàn dựng một số tiền cò mồi đủ loại. Không màu xanh. Không cây cối. Trên đầu, trời sâu thăm thẳm, vài đám mây trắng vẩn vơ bay. Cũng như ở Bồ đề Đạo tràng, tôi thả lỏng mình và mở rộng cái tâm văn hoá sẵn sàng đón nhận và cảm nhận. Nhưng chẳng có gì cả ngoài cảm giác trần trụi và khó chịu. Vậy mà 2.500 năm trước, đây từng là nơi đức Phật an trú, là nơi diễn ra Hội Linh Sơn còn ghi trong kinh sách, nơi nguồn sáng minh triết chiếu rọi bốn phương cứu rỗi nhân loại mê lầm; nơi Pháp Hiển, Huyền Trang, Nghĩa Tịnh và bao thánh tăng từng chiêm bái, suy nghiệm và thổn thức...

Khi thấy chỉ còn tôi và hai du khách nữa nấn ná chưa muốn rời, ông bảo vệ người Ấn dở dói đòi tiền bồi dưỡng. Cái trò nầy rất thường gặp ở các thánh địa, nó làm nhàu nát cảm xúc cao quí của khách hành hương. Hôm đến thăm Khổ Hạnh Lâm, đó là một động đá sâu khoảng 5 m, rộng 3 m. Ngay chính giữa là bức tượng đức Phật thời tu khổ hạnh. Bên phải ngay cửa động là một bàn thờ Ấn giáo và một ông tu sĩ người Ấn ngồi chờ sẵn. Sau khi tôi đảnh lễ đức Phật, ông ra hiệu bắt phải quay sang bái lạy bàn thờ của ông và phải cúng tiền. Tôi tán thành quan điểm bất tranh của Phật giáo, nhưng trong vài trường hợp tôi không đồng ý lắm với cách vận dụng vào thực tiễn.

Thời gian du khách ngẩn ngơ trên đỉnh Linh Thứu đủ để cánh cái bang triển khai đội quân hùng hậu dọc đoạn đường từ “Linh Sơn kiều” xuống chân núi. Cứ khoảng 40 mét có một hoặc hai vị cái bang ngồi chìa cái đầu trần giữa nắng cháy, mặt mày đen điu hốc hác, phần lớn chột hoặc mù, bàn tay lở lói chìa ra khỏi lớp khăn chùm kín cổ. Ảo não thế chắc không ai nỡ đành lòng. Phật giáo phát sinh từ Ấn Độ, truyền sang Nam Á, Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản. Thiền tông Nhật Bản cùng với Thần đạo Shinto đã kiến tạo nên nền tảng văn hoá đặc thù trên đó người Nhật sống, chiến đấu, dựng xây, yêu thương, quan hệ, ứng xử... Hôm sang Nhật, lang thang với các ngôi chùa cổ ở NaraKyoto , tôi không hề thấy bóng dáng mấy vị cái bang - tuyệt đối không. Qua 2.500 năm hoằng pháp, không biết điều gì đã tạo ra khoảng cách xa đến thế giữa gốc và ngọn?
Rời Linh Thứu mà lòng tôi cứ nặng trĩu bao mối cảm hoài.

Theo tâm nguyện của Thầy mình, năm 520, Bồ Đề Đạt Ma sang Đông độ mang theo thông điệp: “Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật”. Vua Lương Võ Đế hay tin vội chiếu thỉnh về kinh. Bài giảng Pháp đầu tiên của Đạt Ma đột phá, lạ lùng đến cả triều thần Lương Võ Đế ngơ ngác. Thấy Lương Võ Đế tuy mộ đạo và thông thái nhưng tâm cơ chưa đạt, không thể hoá độ được, Ngài bèn cáo biệt, lên chùa Thiếu Lâm ẩn cư, “cửu niên diện bích” - 9 năm quay mặt vào vách đá hành trì Thiền định. Cho đến một ngày, Thần Quang xin bái kiến, kiên trì nhẫn nại, quyết chặt đứt cánh tay tỏ bày chí nguyện cầu đạo. Ngài hỏi:
- Chư Phật phát tâm cầu Đạo, vì Pháp bỏ thân, nay ông chặt cánh tay là để làm gì?
- Con có thể nghe được Pháp Ấn của chư Phật chăng?
- Pháp Ấn của chư Phật không thể nhờ vào người khác.
- Nhưng tâm con không an, xin thầy an tâm cho con.
- Hãy đưa tâm của ngươi ra đây ta an cho.
- Bạch, con kiếm mãi mà chẳng thấy tâm ở đâu.
- Thế là ta đã an cái tâm cho ngươi rồi đó.
Nghe xong, Thần Quang đại ngộ, được Bồ Đề Đạt Ma nhận làm đệ tử, được đổi tên thành Huệ Khả. Và thế là Thiền tông Trung Hoa ra đời.

Từ sơ Tổ Đạt Ma đến nhị Tổ Huệ Khả, tam Tổ Tăng Xán, tứ Tổ Đạo Tín, ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Thiền tông Trung Hoa như dòng suối mát lành nơi rừng sâu núi thẳm, phải đến lục Tổ Huệ Năng, Thiền mới trở thành con sông lớn chảy qua làng mạc, ruộng đồng, mang lại nguồn sống cho con người, vạn vật, cỏ cây hoa lá. Thiếu Lâm Tự trở thành cội nguồn của Thiền tông Trung Hoa và nhiều quốc gia khác ở châu Á, là “cái nôi” của Võ thuật thế giới, là “Quốc tự” của người Tàu.

Tôi đến thăm Thiếu Lâm Tự một ngày đầu thu năm 2004. Ngày nay đã có xa lộ hiện đại nối liền thủ phủ Trịnh Châu với huyện Đăng Phong, du khách chỉ cần mất 1g30 ngồi xe là đã có thể từ trần gian bước vào cõi mộng. Xem ra người Trung Quốc có năng khiếu đánh hơi rất nhanh mùi tiền. Trong xu thế nhân loại muốn tìm về những giá trị Đông phương, Thiếu Lâm Tự trở thành “thương hiệu” hấp dẫn. Huyện lỵ Đăng Phong được nâng lên hàng Thành phố. Các học viện “Thiếu Lâm công phu” mọc lên như nấm, thu hút hàng chục vạn thanh thiếu niên trong nước và khắp nơi trên thế giới về ăn ở tập luyện. Nhiều vị cao tăng suốt ngày bận rộn khách khứa trong những căn phòng điều hoà với đầy đủ tiện nghi thế tục. Rồi đường sá, cầu cống, khách sạn, nhà hàng, văn phòng giao dịch... Rõ ràng Thiếu Lâm Tự đang được hiện đại hoá từng ngày. Quãng sân trước chùa lát đá hoa sang trọng cùng với dãy kiốt lúc nào cũng nhộn nhịp du khách khiến Sơn môn với hàng chữ “Thiếu Lâm Tự” - thủ bút của nhà thư pháp Hoàng đế Khang Hy, như vừa hiện ra từ một thiên tiểu thuyết võ hiệp. Kiểm soát vé vào cửa là một đồng chí công an và một nhà sư trẻ. Chùa Thiếu Lâm thiết kế theo đường thẳng trục Bắc - . Từ Sơn môn đến Thiên Vương Điện là hai dãy rừng thư pháp hàng ngàn năm tuổi. Không biết cơn lốc “Cách mạng Văn hoá” có tàn phá Thiếu Lâm Tự như nhiều ngôi chùa khác trên đất Trung Hoa? Rõ ràng nhà nước đang có nỗ lực trùng tu nhiều điện, tháp ở đây. Sau Thiên Vương Điện là Chính Sảnh - vừa được trùng tu. Tiếp theo là Tàng Kinh Các, nơi lưu giữ kinh sách, bí kíp võ công và những tài liệu vô giá - nay không biết chúng lưu lạc nơi nào. Trước phòng Phương trượng, cô Hướng dẫn viên nói người ta vừa tìm ra bức tượng Phật bằng vàng vốn là một kiệt tác của chùa lưu lạc tận bên Thái Lan. Gần đây nhà chùa mượn về triển lãm và đã nhân ra hàng ngàn phiên bản, du khách ai cũng có thể thỉnh về, nhưng phải trả tiền. Lập Tuyết Đình, nơi Huệ Khả chặt cánh tay cầu đạo và được Đạt Ma truyền tâm ấn. Sau cùng là La Hán Điện, trên nền vẫn còn nguyên dấu chân luyện công hàng ngàn năm trước. Dọc hai bên trục chính còn nhiều những công trình khác như Tháp chuông, Tháp trống, Thiền phòng, Đền Jinnaluo, Điện Diêm La Bồ Tát, Điện Quan Âm Bồ Tát... Tôi thật sự xúc động trước tảng đá có in hằn khuôn mặt Bồ Đề Đạt Ma “cửu niên diện bích” được đem về thờ trong Điện này.


Thiếu Lâm Tự ngày trước có đến hàng ngàn tăng sĩ, nay sao không thấy bóng dáng họ đâu. Rồi Phương trượng, liệu Ngài có còn ở trong chùa? Năm ngoái tôi đến thăm Tu viện Tashilhunpo ở Shigatse, trú xứ của đức Ban Thiền Lạt Ma Tây Tạng, chú tiểu thật thà trả lời: “Ngài không có nhà. Ngài đi Bắc Kinh học tập chính trị”... Thế còn Phương trượng chùa Thiếu Lâm! Chắc nếu có đi đâu đó thì rồi ra Phương trượng cũng về với chùa thôi.
Là thế đó. Ngày nay Thiếu Lâm Tự, chùa không thấy sư, Tàng Kinh Các không có sách, Điện Tháp không có hồn, cảnh chùa không thiền vị. Ngày nay Thiếu Lâm Tự như là một Trung tâm du lịch lúc nào cũng tấp nập du khách hơn là cảnh giới tu tập thiền định của các tăng sĩ. Ngày nay, còn chăng chỉ là mấy cây bách ngàn năm tuổi cành lá sum suê giữa lồng lộng trời xanh mây trắng.

Phật giáo truyền vào Việt Nam rất sớm, nhưng phải đợi đến khi hợp duyên với ba dòng Thiền từ phương Bắc xuống mới tựu thành; rực rỡ nhất là dưới hai triều đại Lý-Trần, mà đỉnh cao là vị Vua-Phật Trần Nhân Tông. Ngài vừa là đấng minh quân vừa là bậc thiền sư đạt đạo. Sau khi hoàn thành sứ mạng an dân và lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Ngài từ bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi lên núi Yên Tử tu tập Thiền định, lập nên dòng Thiền tông Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm, mà Ngài là vị Tổ thứ nhất. Yên Tử trở thành Trung tâm của Phật giáo Đại Việt. Và vua Trần Nhân Tông trở thành vị Phật Tổ của Việt . Chùa Hoa Yên là nơi Ngài thường giảng Pháp cho các đại đệ tử cùng tăng chúng khắp nơi. Dân gian có câu: “Trăm năm tích đức tu hành. Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

Thuở xưa, Yên Tử ẩn khuất giữa đại ngàn tùng trúc là hệ thống chùa, tháp từ chân núi đến đỉnh, quả xứng là xứ Phật cõi thiêng. Ngày nay, hầu hết công trình bị đổ nát qua thời gian và qua sự ngu ngốc của con người nhân danh này nọ. Chỉ một số được trùng tu để phục vụ nhu cầu du lịch và Lễ Hội, trong đó có chùa Hoa Yên vừa được hạ giải tháng 7 năm 2002. Công trình đáng kể nhất biểu hiện nỗ lực hiện đại hoá Yên Tử là hệ thống cáp treo, cùng với các nhà nghỉ, nhà hàng, kiốt quanh chùa Hoa Yên và dài theo các điểm di tích.

Tôi về thăm Yên Tử sau mùa lễ hội năm 2004, du khách chỉ thưa thớt. Tôi gặp ở chùa Hoa Yên đôi vợ chồng trẻ 10 năm không có con, họ lên Yên Tử cúng lễ cầu tự. Trên chùa Đồng, một bà cốt tận Daklak đại diện cho hai thân chủ mắc bệnh bại liệt và ung thư, mang theo lễ vật cúng Phật cầu lành tật bệnh - Chùa Đồng bốn bề hương khói trông chẳng khác chi cái am nhỏ ở làng quê. Sử chép rằng, không chịu nổi sự áp bức vô lý của Trần Thủ Độ, đêm mồng 3 tháng 4 năm 1236, Trần Thái Tông trốn triều đình, lên Yên Tử mong cầu giải thoát. Khi hiểu rõ ngọn nguồn, sư Trụ trì nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta. Nếu tâm thanh tịnh, trí tuệ xuất hiện, thì đó chính là Phật, khỏi phải cực khổ tìm kiếm ở bên ngoài”. Ngày ấy, Yên Tử là cảnh giới u tịch, thanh thoát, chứa chan thiền vị, giúp con người tìm lại “bản lai diện mục” của mình, giúp trở về với suối nguồn an lạc có tự nơi mỗi chúng sinh. Ngày nay, Yên Tử thành nơi con người sì sụp khấn lạy Phật Thánh cầu xin phước, lộc, thọ, may mắn, hanh thông, cả được hạ cánh an toàn.

Đêm ấy tôi ngủ lại trong cái lán nhỏ dưới chân chùa Đồng. Suốt đêm cứ thao thức hoài về vị Vua-Phật Trần Nhân Tông. Ông là nhân vật lạ lùng: Là đấng minh quân, là nhà quân sự lỗi lạc, vị anh hùng dân tộc, một nhân cách cao vời, bậc thiền sư đạt đạo. Cái gì đã dung hợp từng ấy con người trong một con người? Sức mạnh nào giúp ông tổng hoà Thiền tông Trung Hoa, Nho, Lão, và đạo lý Nhân Nghĩa của dân tộc để hợp thành Thiền Tông Việt Nam mang bản sắc văn hoá Việt Nam; dòng Thiền đã chiếu rọi thứ ánh sáng thông tuệ suốt chiều dài lịch sử dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh dân tộc, tồn tại vững vàng qua bao lần nghiêng ngả trước âm mưu đồng hoá của ngoại bang?
Đêm trên đỉnh Yên Tử bao la, sâu thẳm và chi chít những vì sao. Đó là khoảng trời đêm tôi từng gặp trên nóc nhà thế giới, trên đỉnh Phú Sĩ, trên sa mạc châu Phi, dưới chân Kim Tự Tháp, nơi cổ thành hoang phế một thời lừng lẫy Memphis, Thebes... Là khoảng trời đêm 700 năm trước Vua-Phật Trần Nhân Tông ngắm nhìn và mỉm cười trước khi viên tịch.

Không biết cơ duyên nào mà tôi, không phải Phật tử, không thuộc một câu kinh bài kệ nào, lại được chiêm bái ba ngọn núi thiêng mà chắc nhiều vị Phật tử thuần thành một đời mơ ước. Và đây là điều tôi đã thực chứng, rằng ngày nay, trên ba ngọn linh sơn ấy không còn chi hình tướng cũ. Ngày nay, trên ba ngọn linh sơn ấy chỉ còn là trời xanh mây trắng bay.
Vạn pháp vốn vô thường, có sinh tất có diệt. Thì ba đỉnh cao vòi vọi một thời kia cũng thế thôi, cứ thị hiện rồi lụi tàn. Có điều nhân sinh không phải ai cũng bình tâm trước cái lý thường hằng ấy. Vậy nên trong lúc Trần Tử Ngang rơi lệ thì bậc Thiền sư mỉm cười.
 N. V. D

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Bói Tết (20/11/2008)
Các bài đã đăng
Biếm họa (19/11/2008)
Lằn roi (19/11/2008)
Dạy chó (19/11/2008)
Hạnh phúc (19/11/2008)