Tạp chí Sông Hương - Số 205 (tháng 3)
Mùa Chạp
09:23 | 27/11/2008
ĐẶNG NHẬT MINHGia đình tôi ở Huế có một cái lệ: cứ vào dịp trước Tết tất cả nhà cùng nhau lên núi Ngự Bình quét dọn, làm sạch cỏ trên những nấm mộ của nhũng người thân đã khuất. Sau đó trở về nhà thờ của dòng họ, cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Cái lệ đó người Huế gọi là Chạp. Ngày Chạp hàng năm không cố định, có thể xê dịch nhưng nhất thiết phải trước Tết và con cháu trong gia đình dù đi đâu ở đâu cũng phải về để Chạp mộ.

Tuy ở xa nhưng hầu như năm nào tôi cũng có mặt trong ngày Chạp của gia đình. Đó cũng là dịp để gặp gỡ bà con họ hàng sau một năm xa cách. Năm nay tôi về Huế Chạp mộ đúng vào dịp Trường trung học cơ sở xã Thủy An (Thành phố Huế) được quyết định đổi tên thành Trường trung học cơ sở Đặng văn Ngữ (nằm trên con đường cũng mang tên Đặng văn Ngữ). Tôi cùng một vài người thân đại diện gia đình được mời đến dự lễ đổi tên trường.

Buổi lễ được tổ chức giản dị nhưng trọng thể. Ấn tượng nhất đối với tôi là màn kể chuyện có diễn xuất minh họa về cuộc đời của Giáo sư Đặng văn Ngữ do các em học sinh thực hiện dưới sự dàn dựng của một cô giáo dạy văn. Cả cuộc đời của cha tôi từ khi đi học ở Huế cho đến khi sang du học tại Nhật, rồi trở về nước tham gia Kháng chiến chống Pháp, sản xuất nước lọc Penicilline. Rồi công cuộc tiêu diệt sốt rét trên miền Bắc, những ngày vào chiến trường Trị Thiên để nghiên cứu vắc xin chống sốt rét cho bộ đội và rồi hy sinh trong một trận bom B52... Tất cả đều được các em học sinh tái hiện trước mắt tôi một cách vừa hồn nhiên vừa chân thành làm tôi phải rơi nước mắt (thú thật từ trước đến nay chưa bao giờ tôi khóc khi đi xem bất cứ vở kịch hay cuộc trình diễn sân khấu nào). Tôi bồi hồi nhớ lại ngôi trường này trước kia là trường Tiểu học An Cựu, nơi tôi đã từng ngày hai buổi cắp sách đến trường trong 5 năm của bậc tiểu học. Ngày thống nhất trở về, tôi có tìm hỏi thăm các thầy cũ nhưng không gặp được một ai, nghe nói có thầy đi sỹ quan Đà Lạt, giờ không biết lưu lạc ở đâu.

Nhưng có một trường tiểu học khác từng gắn bó với tôi bằng một duyên cớ thật ngẫu nhiên và cảm động, đó là trường tiểu học xã Phong Mỹ huyện Phong Điền ở phía Tây Thừa Thiên Huế. Năm 1995 một người tiều phu ở xã Phong Mỹ thường vào rừng chặt mây đem về bán, trong một chuyến đi đã tình cờ phát hiện có 4 ngôi mộ nằm liền nhau thành một dẫy trên bờ một con suối. Trở về anh liền thông báo cho lãnh đạo địa phương biết và xã đội Phong Mỹ đã cử người đi bốc về. Họ phải đi mất hai ngày mới đến được bờ suối nơi có 4 ngôi mộ. Khi đào lên trong mỗi ngôi mộ là một bọc vải dù đựng hài cốt (không đầy đủ) với một tấm biển nhôm khắc dòng chữ tên người và ngày mất: 1– 4– 1967. Cả 4 người đều mất trong cùng một ngày. Một trong 4 tấm biển nhôm đó có khắc tên: Đặng Văn Ngữ. Đoàn bốc mộ đưa 4 bộ hài cốt về quy tập tại nghĩa trang liệt sỹ của xã như mộ những liệt sỹ chưa biết rõ tông tích. Vậy là cha tôi đã nằm trong nghĩa trang đó suốt 5 năm cho đến khi anh em chúng tôi dò tìm ra được. Suốt 5 năm đó người chăm sóc hương khói cho cha tôi cùng đồng đội là các thầy cô giáo cùng các em học sinh trường tiểu học xã Phong Mỹ. Ngôi trường nằm ngay bên cạnh nghĩa trang, chỉ cách một con đường.

Hàng năm cứ đến ngày thương binh liệt sỹ, ngày quốc khánh, ngày Tết thầy trò của trường sang nhổ cỏ, quét dọn nghĩa trang sạch sẽ, đặt những bó hoa, và thắp hương trên các ngôi mộ. Cả trường và cả địa phuơng cũng không biết đấy là mộ của ai, chỉ biết đó là mộ của những người đã ngã xuống vì sự nghiệp chung. Cái đêm gia đình tôi ngồi ở nghĩa trang chờ sáng để đưa hài cốt cha tôi về chôn cất trong nghĩa trang Đặng tộc trên núi Ngự Bình là một đêm thật khó quên. Các thầy cô giáo của trường đã thức suốt đêm cùng chúng tôi bên ngôi mộ mà cho đến bây giờ họ mới biết đó là mộ của một nhà khoa học nổi tiếng đã hy sinh ngay trên quê hương họ. Năm giờ sáng hôm sau các em học sinh đã tề tựu đông đủ, đứng xếp hàng dọc hai bên đường tiễn biệt linh hồn cha tôi trở về với những người thân. Giây phút đó thật thiêng liêng. Tôi bỗng nhớ tới lời trong một ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi...”. Thật vậy, mảnh đất này trở nên linh thiêng vì có những con người đẹp đẽ đã ngã xuống và tôi đã nhìn thấy rất nhiều những nụ cười trên môi các thầy các cô và các em học sinh trong buổi lễ đặt tên trường Đặng Văn Ngữ hôm ấy.

Mùa đông năm nay Huế mưa nhiều và lạnh, một cái lạnh len lỏi thấm vào bên trong da thịt người. Trước khi tôi vào đây, mưa đã một tháng ròng chưa dứt. Con đường từ chợ An Cựu chạy dọc ven sông lầy lội, nước đọng thành từng vũng bắn lên người mỗi khi có ôtô hoặc xe máy phóng nhanh qua. Hơn năm mươi năm trước tôi cũng từng lội bùn như thế này để cắp sách đến trường trong chiếc áo tơi lá như vỏ một con ve sầu vào những ngày mưa. Con đường nay vẫn thế. Có về Huế vào những ngày mưa mới thấy hết cái nghèo của mảnh đất này. “Quê hương em nghèo lắm ai ơi... Mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn... Trời hành cơn lụt mỗi năm...” Phải công nhận rằng ba mươi năm qua Huế đã có nhiều thay đổi. Nhiều công sở khang trang được xây dựng, nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng mọc lên, nhiều lễ hội tưng bừng được tổ chức. Nhưng chỉ cần rời xa thành phố một chút thôi, trong một buổi chiều mưa là ta có thể cảm nhận được hết nỗi niềm xót xa của câu hát trên. Cách đây 5 năm khi tìm đến gia đình người tiều phu ở xã Phong Mỹ để cám ơn về việc phát hiện ra ngôi mộ cha tôi cùng đồng đội, tôi đã phải nhói trong tim khi nhìn thấy cái lều tranh tồi tàn với đàn con nhỏ gầy gò và một bà mẹ già đang ốm nặng nằm trên giường. Gia đình người tiều phu ấy nay đã dạt vào tận Miền đông Nam Bộ để kiếm sống. Năm nào gần Tết tôi cũng nhận được thư anh cho biết đời sống vẫn còn khó khăn lắm, làm không đủ để nuôi 3 đứa con nhỏ ăn học.

Xoá đói giảm nghèo không chỉ là mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm của xã hội mà còn là việc làm của lương tâm mỗi người. Tôi có ông cậu là Tôn Thất Lôi (em ruột mẹ) trước 75 làm hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Huế. Từ ngày về hưu sau giải phóng chỉ mải mê làm một việc: cho bà con nông dân nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh. Cả đời làm nghề giáo cậu tôi làm gì có vốn. Nhưng cậu tôi có một ông bạn Việt kiều, muốn giúp bà con ở quê mình một cách thiết thực, sẵn sàng gửi tiền về cho ông lập một cái quỹ cho ngừơi nghèo vay vốn. Hơn mười lăm năm nay quỹ do cậu tôi quản lý không bị hao hụt và hàng trăm nông dân nghèo nhờ quỹ đó mà đời sống trở nên ngày càng khá giả. Việc vay vốn không cần thủ tục rườm rà, chỉ một mình ông quyết, không phải dấu má thế chấp hoặc xin ý kiến của ai. Toàn bộ sổ sách giấy tờ một mình cậu tôi quán xuyến, không bao giờ nhầm lẫn (ông là nhà giáo mà).

Cậu tôi nói: Cậu không xoá đói giảm nghèo được cho cả nước thì ít nhất cậu cũng xoá đói giảm nghèo được cho một làng. Ông làm việc đó một cách say sưa, lấy đó làm niềm vui tuổi già thay vì sinh hoạt tổ thơ, nuôi chim hay trồng cây cảnh (mặc dầu nhà ông ở Huế nổi tiếng có rất nhiều loại hoa quý). Ông có người em ruột hoạt động bí mật trong nội thành Huế vào những năm chống Pháp, đã hy sinh. Căn nhà “rường” của ông ở thôn Lại Thế là nơi lui tới của các cán bộ Việt Minh. Ông chỉ cho tôi cái “tra” (gác xép bằng gỗ) nơi thường cất giấu tài liệu. Khi địch ập đến bất ngờ thì đó là nơi ẩn nấp của cán bộ. Trong kháng chiến ông là cơ sở bí mật, nay trong hoà bình ông làm việc xoá đói giảm nghèo. Cả hai việc ông đều làm một cách lặng lẽ tự nguyện chẳng có ai vận động hay giác ngộ. Tất cả đều xuất phát từ lương tâm của một người thầy giáo và của một huynh trưởng hướng đạo (trước 75 ông là một người hoạt động tích cực trong phong trào hướng đạo ở Huế mà ai cũng biết). Gần đây phong trào gây quỹ giúp đỡ người nghèo, quỹ từ thiện, trao học bổng cho học sinh nghèo v.v... đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc trong đời sống. Những người như cậu tôi có rất nhiều.

Tôi đến thăm chùa Giác Lâm, một ngôi chùa nằm dưới chân núi Ngự Bình. Sư thầy năm nay đã hơn 90, tai không còn nghe rõ nhưng trí óc vẫn còn rất minh mẫn. Nhìn thấy tôi, sư thầy liền tươi cười nói: Bữa trước vừa thấy ông trên Ti vi. Năm 1975, không lâu sau giải phóng, tôi có đến thăm chùa. Hồi nhỏ tôi vẫn thường theo mẹ lui tới đây những ngày rằm mồng một, hoặc những dịp lễ Phật Đản. Mẹ tôi nay không còn, nhưng lạ thay khi nhìn thấy tôi sư thầy liền hỏi ngay: Có phải con bà Cung đấy không? Tôi giật mình trước câu hỏi của thầy, tưởng như chưa từng có 26 năm xa cách, chưa từng có chiến tranh chia ly, chưa từng có mất mát... Tôi cảm thấy như mình thuộc về chốn này đã từ lâu và gắn bó với ngôi chùa này từ sau câu hỏi thân tình đó. Lần nào về Huế tôi cũng không quên đến thăm chùa và lần nào chia tay, tôi cũng thầm mong Chạp sang năm về còn được gặp lại thầy.

Huế vẫn mưa và trời vẫn lạnh, nhưng lòng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường. Một niềm tin mơ hồ cứ dâng lên trong lòng chẳng rõ duyên cớ.... Hay bởi tại mùa xuân đang đến gần?
Đ.N.M
(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Các bài mới
Lửa kinh thành (27/11/2008)
Các bài đã đăng