Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Lãng du tâm hồn - lãng du văn hoá
09:38 | 27/11/2008
HỒ THẾ HÀ   Trong cuộc đời mỗi con người, điều sung sướng nhất là được hiểu biết, khám phá và sáng tạo để ý nghĩa tồn sinh không ngừng được khẳng định và nâng lên những tầm cao mới. Theo đó, những thang bậc của nhận thức, nhân văn, của thành quả lao động lại biến thành những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể lấp lánh lời giải đáp.
Lãng du tâm hồn - lãng du văn hoá
Võ sư Nguyễn Văn Dũng

Ký ức lịch sử, văn minh của loài người chính là sự nối tiếp, làm đầy những hành trình văn hoá ấy về cả số lượng lẫn chất lượng, để trải qua thời gian, con người đến đó nhận về tất cả những âm vang của cuộc đời, của tình người dù chúng đã cách xa ta hằng bao thế kỷ, bao lớp trầm tích và hiển minh.
Người hạnh phúc là người được sống trong từ trường văn hoá ấy qua từng bước lãng du. Người hạnh phúc gấp đôi là người ghi lại trên từng bước lãng du ấy những nỗi niềm, tâm trạng và gắn cho nó những giá trị, những quan niệm, những tư tưởng bổ sung và chuyển đến cho những người khác không có diễm phúc “tận mục sở thị” để họ được yêu thương, xúc động, suy ngẫm và tự hào như mình. Và vinh dự ấy, có lẽ không ai bằng nhà văn, bởi họ đã cần mẫn, đam mê như người ghi cổ sử, người mắc nợ với tiền nhân, bất kể gian lao và hệ luỵ để kể cho ta bằng con chữ trên từng trang viết dạt dào tình yêu và sự sống chân thành.

Một trong những người hạnh phúc như thế là nhà viết ký Nguyễn Văn Dũng mà tôi gọi là người lãng du tâm hồn, lãng du văn hoá, lãng du ký. Nguyễn Văn Dũng là một võ sư danh tiếng, lại là một nhà giáo dạy văn chương với hành trang đầy ắp những tri thức và kiến thức, đã giúp anh trở thành người cầm bút đích thực - tuy muộn mằn. Muộn nhưng không chậm và không hề làm ta ngạc nhiên, bởi tất cả những tố chất trên tiềm tàng trong anh suốt cuộc đời như một niềm ấp ủ, không ghi lại trên giấy không đành, trước hết, để trả nợ cho tâm hồn đa cảm của mình, sau đấy, chia sẻ với người thân và ân nghĩa quanh đời.

Tôi may mắn được làm một trong những người đầu tiên đọc tập bút ký Linh sơn mây trắng của anh với lòng ngưỡng mộ và yêu quí. Và, tôi ghi những dòng này như một tâm sự và gửi gắm một lòng tin: tâm sự cùng anh qua trang viết và gửi gắm lòng tin cũng qua trang viết, từ bây giờ và cả tương lai. 27 bút ký trong tập là kết quả của hành trình anh thâm nhập thực tế, ghi chép, nghiền ngẫm, bình giá với tư cách người ham biết, ham bình, ham đặt vấn đề và cuối cùng là người ham chơi. Chỉ có sự say sưa, ham thích ấy mới chịu soi chiếu, bình luận, so sánh, đối lập trong từng sự kiện, vấn đề, từng con người, cảnh vật... một cách nhiệt thành như thế - từ điểm nhìn và tâm thế của con người hiện tại. Ở đó, anh nhận ra “nụ cười của cái tâm an lạc” để “lòng ta cũng tràn ngập ánh sáng của tình yêu thương con người, cuộc sống, muôn loài, cỏ cây hoa lá” (Theo đoàn hành hương đất Phật). Cái tâm ấy từ quê hương đi đến xứ người và trở lại quê hương mình là sự tích hợp những hiểu biết, để đối sánh, để thành “nội ngoại công” cho những điều đồng nghĩa với ước mơ về “một cuộc sống đẹp hơn, phong phú hơn, đáng sống hơn” (Đường về Thiếu Lâm Tự). Vậy là đã rõ, Nguyễn Văn Dũng không xa rời thực tế, không viển vông, không làm dáng mà là người muốn hiểu biết, muốn làm giàu kinh nghiệm sống của mình để thoả mãn nhận thức cá nhân, và qua đó, may ra để hiểu người, hiểu đời.

Đến Tây Tạng, anh thấy được “Dưới sức nặng của cuộc cách mạng văn hoá, của kinh tế thị trường, của công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, không biết bấy giờ Tây Tạng có còn là Tây Tạng nữa không?”. Không riêng gì Tây Tạng mà những nơi anh qua: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Nepal, Đức, Hy Lạp, Ý, Mỹ, Ai Cập... đều nảy sinh trong anh những câu hỏi riêng. Và có câu, anh tự trả lời; có câu hỏi, còn bỏ ngỏ... Nhìn Vạn lý Trường thành, anh bảo đó là kỳ công của một “dân tộc có tinh thần trào lộng nhất thế giới”, nó “thể hiện ý chí độc lập dân tộc, phát triển và cường thịnh của đất nước Trung Hoa vĩ đại” (Ngẩn ngơ Vạn lý Trường Thành). Không biết có đúng không? Còn với Paris - Ville des Lumières, anh nhớ về cậu bé Anatole với “đôi chân sáo, cặp sách trên lưng, ngẩn ngơ nhìn lá vàng rơi trên vai những pho tượng trắng” (Mùa thu Paris).

Trong nhiều bút ký hay của tập như: Giai điệu Praha, Thành phố mang tên nữ thần Athéna, Paris mùa thu trở lại, Nồng ấm Cali, Một thoáng New York, Linh sơn mây trắng, Kim Tự Tháp hay là giọt lệ thiên thu..., tôi thích nhất bút ký Bình minh trên sông Hằng, bởi nó nói được cái hiện thực - triết lý của con người trong quan hệ với thiên nhiên, vũ trụ. Họ “Ước mong khi chết được hoà thân vào sông Hằng”, “Cuộc đời của mỗi người Ấn gắn liền với sông Hằng. Mỗi ngày, người ta tắm gội, nô đùa, cầu nguyện, hướng về... qua đó, mọi chướng ngại, cách li giữa con người với thần linh được cởi bỏ, và con người cảm thấy thanh thản, tự do, an lạc”. Đến Praha, thành phố của trăm tháp vàng, đẹp như tranh, là Di sản Văn hoá Thế giới..., tác giả lại nghĩ về những điều muôn thuở  “Cầu cho niềm vui đến với mọi người, cầu cho nhân loại hết chiến tranh” (Giai điệu Praha).

Một đặc điểm tổng thể của ký là tôn trọng sự thật. Là loại hình văn học nằm ở đường biên giữa báo chí và văn học, và tuỳ từng tiểu loại như: tuỳ bút, bút ký, ký sự... mà mỗi loại có một đặc trưng chi tiết riêng. Tuy vậy, nó cũng dành một khoảng nhỏ cho sự lãng du của tâm hồn nghệ sĩ để tô điểm thêm sắc màu, âm thanh, hương thơm cho cảnh vật. Khi ấy, cảnh sẽ sinh động hơn, tình sẽ da diết hơn, sự vật sẽ có hồn hơn... Ký của Nguyễn Văn Dũng có thể gọi là bút ký, pha một ít tuỳ bút và đặc biệt rất gần với du ký - thường ghi lại cảm nghĩ, bình luận của người du lãm về những điều mắt thấy tai nghe, đầu ngẫm suy, tim rung động về những gì mình còn trăn trở, băn khoăn, thương cảm... Nguyễn Văn Dũng có thế mạnh ở việc huy động nhiều vốn kiến thức: sử học, địa lý học, nhân chủng học, xã hội học, sinh học, tôn giáo, cả kiến trúc... để bình luận, trần thuật từng vấn đề ở ngôi thứ nhất, làm cho các trang ký của anh bộn bề chi tiết, sự kiện, cảnh trạng..., lại được chứa đựng bởi giọng văn giàu chất trữ tình, biểu cảm trực tiếp. Vì vậy, chúng có khả năng trò chuyện, tâm tình, gắn kết với người đọc. Các bút ký: Thành phố hoa mẫu đơn, Nhớ con sông quê nhà, Mặt trời trên đỉnh Phú Sĩ, Thành phố không đêm, Thành phố xanh màu ngọc bích... đều được miêu tả bằng giọng văn mượt mà, gợi cảm. Đó chính là cách làm cho ký dễ đi vào lòng người: “Tôi yêu Trung Quốc bởi vì tôi mê Đường thi - những trang thơ Đường xanh ngát cỏ cây, lóng lánh ánh trăng và mong manh sương khói” (Thành phố không đêm), “Giã biệt sông Seine . Giã biệt vườn mộng mơ. Giã biệt... Từ ngày mai, Paris đã là kỷ niệm để tôi nhớ về. Từ ngày mai, tôi đã có thể hỏi Người: “ Paris có gì lạ không em?” (Mùa thu Paris), “Chao ôi, những đoá hồng tươi thắm thế cần chi phải nói lời tỏ tình. Mong sao những cánh hoa kia dù có héo tàn đi trong đôi ba ngày, nhưng tình yêu của họ thì mãi mãi bền lâu cho đến mai sau” ( Gottingen - Thành phố của tri thức và tình yêu), “Không biết mỗi ngày đi qua, mặt trời có lưu lại gì trên dòng sông cứ chảy hoài về biển. Bên tê bờ Đông là ngút ngàn bãi cát vàng hươm. Thấp thoáng sau mênh mông vàng cát là hàng cây xanh thẫm một màu” (Bình minh trên sông Hằng).

Nhiều, rất nhiều những đoạn văn tả cảnh hay và trữ tình như thế. Nhờ những trang ký này mà thời gian - không gian ở đây được hiện về đan xen nhiều kiểu, nhiều chiều, nhiều miền, cả quá khứ - hiện tại, và trong một ý nghĩa nhân bản, tích cực, có cả chiều của mơ ước tương lai. Tình của tác giả trải rộng trên từng bước chân qua, từng cảnh ngộ, sông nước mây trời. Nhưng như ta đã biết, cái còn lại của ký vẫn là cấu tứ và tư tưởng. Tính thuyết phục của ký là tài năng quan sát, khám phá, đề xuất những vấn đề có tính thời sự - thế sự hoặc những khía cạnh vi tế của tâm hồn. Vậy giá trị hàng đầu của nó là giá trị nhận thức. Công bằng mà nói, bút ký, du ký của Nguyễn Văn Dũng đáp ứng được căn bản yêu cầu đó. Thời gian anh đi và viết trải dài theo năm tháng; không gian phản ánh mở rộng ra nhiều miền; có nơi, anh đến nhiều lần, mỗi lần là một cảm nhận mới; lần sau viết chắc và sâu  hơn lần trước. Đó cũng là điều đương nhiên khi anh không thụ động, lặp lại chính mình, không dễ dãi trong quan sát và bình luận.

Tuy vậy, cũng cần thấy một điểm chưa trọn vẹn của tác giả. Ở chỗ, anh đưa vào ký cùng lúc nhiều sự việc, nhiều tâm sự, làm cho loãng không khí, khó tập trung xoáy sâu vào từng cấu tứ để bật lên những vấn đề trọng tâm của suy tưởng, triết luận. Ký là ghi nhiều, quan sát nhiều nhưng cần tập trung dồn nén lại trong một chủ đề thì, khi ấy tính nhức nhối của trí tuệ, tính lây lan  của tình cảm sẽ hiện ra sắc nét, hấp dẫn. Hơn nữa, ham ghi và kể, ký dễ rơi vào dạng bộn bề của báo chí. Phải ưu tiên cho bình và luận, tạo những phức điệu, phức cảm, tránh sự lặp lại trong cách phản ánh, giọng điệu và cách viết. Phải ưu tiên cho những chi tiết trung tâm, những tâm trạng điển hình, những lát cắt bừng sáng của hiện thực. Một số bút ký của Nguyễn Văn Dũng còn rơi vào tình trạng này.

Như tôi đã nói ở trên, qua bài viết này, tôi muốn ghi lại những dòng tâm sự và tin yêu. Từ cái nền và con đường anh lựa chọn: bằng thể ký, với những gì anh đạt được qua Linh sơn mây trắng - tập bút ký đầu tay này, đủ cơ sở để ta tin yêu và hy vọng con đường đi bền bỉ và ngoạn mục của anh trong tương lai - ở những tập ký tiếp theo.
Nguyễn Văn Dũng là cây viết ký khẳng định được ngòi bút của mình ngay từ những trang viết đầu, bởi ở anh, có một vốn văn hoá đã chín, ngôn từ đã chọn lọc và cảm xúc thừa nhân ái chân thành. Người đọc sẽ cùng anh dõi theo những nỗi niềm sơn thuỷ và hoài niệm mây trời để được giàu có hơn lên trong nhận thức và rung cảm qua từng chặng hành trình để cùng lãng du tâm hồn, lãng du văn hoá.
              
Huế, đêm 22.9.2005
               H.T.H

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)