Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Quẻ Bát Thuần Càn với nhân tài
09:58 | 27/11/2008
PHẠM XUÂN PHỤNG Chu Dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Riêng hai quẻ Bát Thuần Càn và Bát Thuần Khôn, mỗi quẻ có thêm một hào.
Quẻ Bát Thuần Càn với nhân tài

Bát Thuần Càn có: Sơ Cửu, Cửu Nhị, Cửu Tam, Cửu Tứ, Cửu Ngũ, Thượng Cửu và Dụng Cửu. Dụng Cửu chỉ là hào thêm vào, không nằm trong tượng quẻ  Bát Thuần Càn, chỉ là để diễn cái lý biến dịch.
Tượng quẻ Bát Thuần Càn: 
 Suy ngẫm về quẻ Bát Thuần Càn, thấy nhiều thâm ý, nhiều cái lý vi diệu về vũ trụ và vạn vật, xã hội và con người. Nhưng có một cái lý về con người và cách dùng người, khả dĩ lấy làm cơ sở để bàn luận về nhân tài. 
Nguyên uỷ, theo truyền thuyết, Phục Hy chỉ vạch ra quẻ Bát Thuần Càn có 6 vạch. Thời đó chưa có văn tự nên chưa có kinh văn. Về sau Văn Vương nhà Chu đặt ra Soán Từ để thích nghĩa quẻ. Chu Công Đán đặt ra hào từ để thích nghĩa hào. Khổng Tử, theo truyền thuyết, soạn ra Thập Dực để giải thích rộng ra cho nhiều người hiểu.
Bài này cốt chỉ mượn quẻ Bát Thuần Càn để luận về NHÂN TÀI nên xin bỏ qua Soán từ, Văn Ngôn và những vấn đề khác.

* Sơ Cửu: Hào từ của Chu Công Đán: Tiềm long, vật dụng.
Người ở vào địa vị hào Sơ Cửu cũng như Rồng còn ẩn nấp, giấu dưới đất chưa đến thời xuất hiện, chưa đủ sức để bay nhảy. Do đó, chỉ nằm chờ thời, chưa thể dùng.
Nằm chờ thời không phải theo kiểu thụ động tiêu cực “há miệng chờ sung rụng” hoặc “ôm cây đợi thỏ”. Thời chưa đến nên phải chờ. Người ở địa vị hào này, xét mình mới chỉ có tiềm năng, chớ nên bộc lộ tài năng chưa chín. Tựa như con ấu trùng phải náu mình dưới đất 17 năm, thấm nhuần tinh tuý đất trời mới hoá thành con Ve để cất cao bài ca rộn rã một trưa hè. Thời này là lúc học tập, tu dưỡng, trui rèn để tiềm năng biến thành khả năng, năng khiếu thành tài năng. Nhà lãnh đạo, quản lý biết dùng người mà gặp cấp dưới ở địa vị hào Sơ Cửu thì dù tin yêu đến mấy cũng chớ nên vội dùng, chỉ nên tài bồi để khỏi mai một tài năng. Nếu vội dùng, cũng như “Cao Biền dậy non”, chẳng làm được gì mà đã “chết”. Cha mẹ chớ nên thấy con bộc lộ chút năng khiếu đã vội mừng, thần đồng hoá năng lực bẩm sinh để rồi ấu trùng lột xác non, chưa thấy ánh mặt trời đã chết.
Tóm lại, từ muôn vật đến con người, từ cá thể đến tập thể, từ gia đình đến xã hội, đây là giai đoạn gieo mầm, ươm giống đào tạo tài năng.

* Hào thứ hai trong Bát Thuần Càn là hào Cửu Nhị. Hào từ của Chu Công Đán: Cửu Nhị, hiện long tại điền, lỵ kiến đại nhân
Người ở vào địa vị hào này được ví như tượng con Rồng đã qua thời tiềm long, đến thời hiện ra trên mặt (đất) ruộng; như người đã thành tài xuất hiện giữa xã hội để giúp đời với một hoài bão lớn lao. Họ cần có một điều kiện quyết định: lỵ kiến đại nhân. Người tài mà không gặp được người tài đồng tâm đồng chí và đang ở cương vị lãnh đạo, quản lý tin dùng thì tài kia cũng bỏ.

Ý trong bài viết NGƯỜI SỬ DỤNG PHẢI CÓ BẢN LĨNH của Tiến sỹ Hồ Bất Khuất (TUỔI TRẺ số ra ngày 12/8/2004 trang 01) phù hợp với ý trong hào này. Đó là bậc đại nhân ở hào Cửu Ngũ mà người tài ở hào Cửu Nhị cần có. Như Phạm Ngũ Lão cần có Trần Hưng Đạo, Phạm Cự Lượng cần được Lê Hoàn tin dùng vậy. Thời nay, những Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ, Phạm Quang Lễ và nhiều nhân tài Việt Nam khác ở nước ngoài đã quy tụ dưới lá cờ Việt Minh vì đại nghĩa cứu dân cứu nước của Mặt trận và của Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ may mắn được lỵ kiến đại nhân Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước kết hợp với lòng tin vào lãnh tụ đã khiến họ từ bỏ vinh hoa phú quý đất người mà họ đang hưởng để trở về cùng toàn dân chịu bao gian khổ thiếu thốn - kể cả thiếu thốn phương tiện nghiên cứu khoa học - và chấp nhận hy sinh - kể cả tính mạng - một lòng trung thành với mục đích lý tưởng của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhìn lại ngày nay, nhiều nhân tài rời đất nước ra đi hoặc ở lại nước ngoài làm việc sau khi được gia đình và Nhà nước bỏ bao công của đào tạo chỉ vì lý do thiếu điều kiện làm việc và phương tiện nghiên cứu mà bỗng thấy băn khoăn!.

Lùi lại lịch sử - pha đôi phần huyền sử - về sự thất bại của nhà Âu Lạc trước sự xâm lược của Triệu Đà, thấy không chỉ do tình yêu lầm lỡ của Mỵ Châu với Trọng Thủy mà có lẽ nên xét đến cách dùng nhân tài - tướng quân Cao Lỗ - của An Dương Vương Thục Phán. Cao Lỗ là một bậc đại nhân ở hào Cửu Nhị  nhưng đã không gặp được - đúng ra là gặp rồi mà không được tin dùng trước sau như một - bậc đại nhân ở hào Cửu Ngũ nên nỗi “cơ đồ đắm biển sâu”.
Có thể nói trắng ra rằng: trong thời hiện đại, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất, tiêu biểu là nước Mỹ và Nhật Bản - đã  biết cách ươm trồng và trọng dụng nhân tài vì mục đích lợi nhuận của các công ty và lợi ích quốc gia của họ. Thuật ngữ “săn đầu người” nói rõ điều này. Tại  các nước này, người tài ở mọi lĩnh vực đều được trọng dụng, sử dụnglợi dụng để đem lại lợi nhuận tối đa cho các ông chủ, nhưng bản thân người tài luôn có cơ hội toả sáng tài năng và đem lại một cuộc sống giàu sang nhờ tài năng ấy. Maradona, David Beckham là những ví dụ sinh động nhất trong lĩnh vực thể thao.

Người tài ở hào Cửu Nhị cần có bậc đại nhân biết dụng tài ở hào Cửu Ngũ. Trong lịch sử quân sự và chính trị các nước - kể cả nước ta - từ cổ chí kim nhiều vô kể. Như Mura - kẻ chăn ngựa - nhờ gặp Napoléon mà sau này trở thành một danh tướng, một thống chế tiếng tăm lừng lẫy.
Nhưng một khi không “lỵ kiến đại nhân“ mà ngược lại tài năng đã bộc lộ thì có nguy cơ “cây thẳng bị chặt trước, giếng ngọt bị cạn trước”. Cổ nhân có câu: 
Tâm kiêng nhất là tâm hiểm sâu.
Tài kiêng nhất là tài bộc lộ
Hiện tượng này có rất nhiều trong xã hội Trung Hoa phong kiến và xã hội Việt hiện nay vẫn còn. Biết bao người có tài, có tâm huyết song chẳng may tính cách quá thẳng thắn, thân cô, thế cô, lại chẳng biết nịnh hót cấp trên nên đã bị trù dập, triệt hạ. Nhạc Phi bị giết bởi tên đại gian thần Tần Cối, nhưng thực ra ông  đã bị vua Cao Tông “giết chết” từ lâu khi ông bày tỏ ý định và đủ khả năng thực hiện ý định đưa hai vua trước về nước. Cao Tông sợ mất ngôi vua nên đã cho Nhạc Phi mất đầu, bất chấp hậu hoạ nhà Tống về sau mất nước và hậu duệ ông ta là Triệu Bính phải nhảy xuống biển tự trầm để khỏi rơi vào tay giặc ngoại xâm.

* Cửu Tam: Thân phận người ở hào Cửu Nhị mà không gặp được bậc đại nhân tuy khổ nhưng cũng  khá hơn người ở địa vị hào Cửu Tam trong quẻ Bát Thuần Càn. Hào Từ viết: Cửu Tam, Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cựu.
Hào Cửu Tam ở trên cùng Nội quái và dưới Ngoại quái, chữ viết là hạng “bán thượng, lạc hạ”, dân ta hay gọi là hạng “đầu binh, cuối cán” hoặc nặng hơn là hạng “đầu chày, đít thớt” chuyên lo việc mà chẳng đặng hưởng công. Cái thế chông chênh ở trên cùng của hạng dưới, hết mức để tiến; lại ở dưới cái trên, muốn tiến lên thì bị chặn. Tựa như anh chàng thượng sĩ trong quân đội hiện đại: Trên hay chê mắng, sai khiến, dưới hay trách móc, cậy nhờ. Làm tốt thì trên hưởng lợi, dưới kêu ca. Làm không xong thì dưới chê cười, trên trách phạt. Bởi thế mới phải “chung nhật kiền kiền - suốt ngày phải hăng hái tự cường” lại phải “tịch dịch nhược - từ sáng đến tối như luôn có điều lo sợ”, nghĩa là vừa phải ráng lo tròn bổn phận vừa phải lo tu tỉnh giữ mình, tránh mắc lỗi lầm mới” khỏi tội lỗi - vô cựu”. Trong một so sánh có tính tượng trưng, người ở địa vị hào này cũng như người huấn luyện viên bóng đá.
Người tốt có tài, có tâm  ở vào cái thế trên đe dưới búa như vậy thật là trăm đắng ngàn cay. Hạng người này có tài chưa chắc đã được công nhận nhưng chắc chắn là luôn bị lợi dụng kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Nhân tài rơi vào cảnh ấy, tiếc lắm thay! Muốn khỏi thất bại thì phải:
Người ta ra công một lần thì thành
Mình phải ra công hàng trăm lần mới mong thành.
Xã hội ta hiện nay, ai biết cụ thể có bao nhiêu người rơi vào cảnh đắng cay ấy. Lận đận gian truân thời tuổi trẻ; công phu rèn dũa tuổi trung niên; đến lúc tài năng vừa độ chín; hết thời quy hoạch đợi điền viên (về hưu.)!

* Cửu Tứ: hoặc dược tại uyên, vô cựu.
Người ở địa vị hào này ví như con rồng ở vực sâu, có thể suốt đời không bay lên được, cũng có thể nhảy lên mặt đất khi có đủ sức mạnh và thời cơ. Đây là vị trí có thể tiến đến thành công, cũng đầy nguy cơ thất bại, nhưng cơ tiến nhiều hơn so với hào Cửu Tam.
Nhân tài ở vào cảnh này cần biết mình còn có cơ tiến thủ, cần có và nuôi dưỡng tinh thần cầu tiến, khiêm tốn tự xét lỗi mình, học cái hay của người thì mới mong “tái xuất giang hồ” thành công. Ở một mức độ nhất định, QBV 2003 Phạm Văn Quyến đang ở địa vị hào Cửu Tứ , nếu biết tự tu dưỡng ắt thành “Phi Long”.Trong xã hội, hạng người này rất nhiều và không hiếm người tài năng. Nhà lãnh đạo quản lý cần biết khích lệ họ.
Phạm Ngũ Lão lần đầu tiên lên kinh đô bái kiến Tiết chế Quốc Công Trần Quốc Tuấn, may mắn được Quận chúa Anh Nguyên gặp và đem lòng yêu. Rủi cho chàng  bị Nguyễn Địa Lô thách thức, đã giương cung bắn đứt dây buộc cờ tại quân doanh, một lỗi nặng có thể mất đầu. Tiết chế Quốc Công tiếc người tài, không nỡ xử  theo quân pháp. Chỉ đuổi về quê. Giữa lúc người anh hùng gặp nạn, đang buồn bã mất phương hướng thì Quận chúa Anh Nguyên đã kịp thời đến thăm và tặng chàng 4 câu thơ khích lệ chí anh hùng:
Lập chí xưa nay có mấy người
Anh hùng há sợ bước chông gai
Phải cơn vận bĩ xin bền chí
Gặp gió đại bàng sải cánh bay.
Cũng trong thời Trần, còn có một danh tướng khác. Ông là một vị vương, bị mắc lỗi nặng, tước hết vương vị, binh quyền. Trở về làm nghề bán than, vẫn nung nấu chí lập công đền ơn vua lộc nước. Khi Vua Trần hội quân để chống địch, thuyền rồng đang ở giữa sông chợt thấy từ xa một chiếc thuyền chở đầy than. Người chèo thuyền ca rằng:
Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi: chi bán đó? Gửi rằng: than!
.......
Khẩu khí bài ca không phải của kẻ tầm thường. Vua nghe ra và hiểu, bèn gọi lại hỏi han. Nhờ đó, người bán than trở lại thành danh tướng, đánh chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở bến Vân Đồn - Quảng Ninh. Đó là Trần Khánh Dư. Xét kỹ cơ nguy của Trần Khánh Dư kém hơn Phạm Ngũ Lão vì không bị tội chém đầu. Nhưng cơ tiến của Trần Khánh Dư thấp hơn vì mấy ai làm quan bị cách chức lại được phục quan , thăng chức. Phạm Ngũ Lão chưa làm lính, chưa làm tướng nên khi mắc lỗi thì “dân vẫn là dân” còn Trần Khánh Dư thời “hết quan hoàn dân” khác hẳn. Do vậy, ở cái địa vị Con rồng bị hãm trong vực, có thể kiên nhẫn tu trì rèn luyện tài năng, đợi thời để nhảy được thì nhảy (hoặc dược) bay được thì bay (hoặc phi), không nhất định, tuỳ thời, tuỳ mình. Đây là giai đoạn bồi dưỡng nhân tài.
Ở mức độ cao hơn, vì đại nghĩa cứu nước, vì sự nghiệp của Cách mạng Việt Nam “con rồng Hồ Chí Minh” cũng đã có lần bị giam vào ngục tối ở Hương Cảng. Nhưng Người tù vĩ đại Hồ Chí Minh đã xác định:
Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại
Dục thành đại sự nghiệp
Tinh thần cánh yếu đại.

* Hào Cửu Ngũ:
Hào từ của Chu Công Đán: Phi long tại thiên, lỵ kiến đại nhân.
Đây là hào dương cương, đắc trung, đắc chính, do đó là hào đại cát trong 6 hào của quẻ Bát Thuần Càn. Vì lẽ đó, ngôi vua ngày xưa được gọi là ngôi Cửu Ngũ (ngai của vua được đặt trên bệ có 9 bậc gọi là Cửu trùng).
Người bình thường được hào Cửu Ngũ chớ vội mừng vì để được ở ngôi chí tôn cần có đủ tài, đức, thời, vận. Không có tài dù có đức, ngồi ở ngôi vua chỉ là kẻ bù nhìn. Có tài, vô đức ngồi ở ngôi vua dễ thành bạo chúa. Không có tài, đức, thời, vận mà được đặt lên ngai vàng thì chỉ là con cờ trong tay kẻ đại gian thần như Tào Tháo mà thôi.
Người có đủ tài, đức, thời vận được giữ ngôi cao là chính mệnh, nhưng chưa chắc trường mệnh nếu không có người tài giúp sức. Hưng Đạo Vương xưa đã nói: “Chim Hồng, Chim Hộc  sở  dĩ bay được cao, được xa là nhờ 9 trụ lông cánh”. Vậy nên Cửu Ngũ tuy là Phi long tại thiên song cũng phải lỵ kiến đại nhân là bậc anh hùng tuấn kiệt phò giúp mới thành đại nghiệp, giữ được đại nghiệp. Muốn vậy, phải trọng dụng nhân tài.
Do vậy, nhà lãnh đạo, nhà quản lý có tài đức phải là người biết ươm trồng, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo trọng dụng nhân tài. Khâu trọng dụng là khâu quyết định vì nhiều khi nhân tài ẩn nấp như tiềm long, đôi khi gặp được người biết trọng dụng mới hiện long  đem sức giúp đời. Đây là trường hợp Võ Vương nhà Chu cầu Khương Tử Nha, Quang Trung Nguyễn Huệ cầu La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Lưu Bị ba lần đến lều cỏ rước Khổng Minh. Thời hiện đại, sát gần đây Liên đoàn Bóng đá Hy Lạp đã có con mắt xanh chọn tướng tài Otto Rehagel làm HLV trưởng ĐTQG Hy Lạp. Từ đó có chiếc HCV Vô địch Châu Âu năm 2004. Đó là “chọn mặt gửi vàng”.
Hai hào  cuối của quẻ Bát Thuần Càn vượt quá phạm vi bài này nên xin không bàn đến.

Như vậy, một quy trình đầy đủ về nhân tài phải gồm 5 bước: ươm trồng, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo trọng dụng. Thiếu một bước vẫn được, nhưng không hoàn hảo. Vì sao?
Nếu chỉ “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” như Nghị quyết Đại hội VIII và IX  của Đảng đã nêu thì dường như có hai điều chưa bàn đến:
- Một là: chỉ lo bồi dưỡng nhân tài nghĩa là chỉ ăn sẵn cái vốn quý do xã hội tạo ra, không có chiến lược lâu dài, kiểu như LĐBĐVN vẫn làm khi tập trung ĐTQG thi đấu giải khu vực. Mặt khác coi nhân tài như gà nòi, bồi dưỡng nhân tài để thi đấu lấy giải, lấy thành tích theo kiểu cách của ngành GD - ĐT đối với trường chuyên, các đội tuyển thi Olympic quốc tế về toán, vật lý, tin học, hoá học lâu nay cũng là chuyện cần xem lại và nên huỷ bỏ để diệt căn bệnh thành tích.
- Hai là: bồi dưỡng xong nhân tài mà không trọng dụng thì thật sai lầm: Dọn cỗ cho người khác ăn. Nếu không có quá trình bồi dưỡng ấy, lấy đâu ra Phạm Hữu Tiệp, Đàn Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng và bao nhiêu người tài khác. Nhưng nay những người tài ấy ai dùng? Không phải Ta. Đau thật! Phí của thật!.

Do đó, Chiến lược Nhân tài của Đảng nên là một chiến lược vĩnh cửu, bao giờ cũng đúng và không thiếu sót. Đảng và Nhà nước phải chủ động từ bước đầu tiên (ươm mầm nhân tài) và chủ trì thực hiện thật tốt bước cuối cùng: trọng dụng nhân tài. Tôi không tán thành cách dùng từ “sử dụng nhân tài” vì như vậy vẫn hàm ý coi nhẹ nhân tài và đối xử với họ chẳng khác gì một công cụ hữu ích hoặc một nhân lực lao động bình thường mà thôi. Nhân tài cần được trọng dụng, gồm cả: tin cậy, giao phó, tạo lập môi trường sáng tạo, phát huy tài năng và hậu đãi, trả công xứng đáng cho họ. Nhưng cũng cần nói thêm cho rõ: nhân tài đích thực lắm khi không cần danh lợi, lắm khi vì nghĩa mà hy sinh, vì được tin cậy mà dốc lòng cống hiến. Đó là cốt cách nhân tài Á Đông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo. Lớp trẻ tài năng của Việt chưa chắc đã chấp nhận điều này mà có khi họ đòi hỏi sự công bằng: “Tài nào của nấy”. Nên chi, nhà lãnh đạo, quản lý phải tuỳ thời mà dùng, tuỳ người mà xử, không nên và không thể dựa vào phẩm cách nhân tài mà xử với họ theo kiểu “hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” của thời khởi nghĩa chống ngoại xâm.

Thực hiện đủ quy trình 5 bước nói trên vừa thể hiện cách làm chủ động tránh các thiếu sót đã nêu, đồng thời giải quyết được mâu thuẩn kiểu “có hộ khẩu mới cấp sổ đỏ nhà đất” và “có sổ đỏ nhà đất mới cấp hộ khẩu”như sau:
- Không nên đánh giá nhân tài chỉ dựa vào bằng cấp. Nhân  tài thường khi  được đánh giá qua hiệu quả công việc, thành quả cống hiến cho xã hội:    
            đánh giá kết quả 
à tìm nhân tài.
- Nhà lãnh đạo, quản lý có tài, có tâm phải là người nhận biết nhân tài trong đám thường nhân (không phải thường dân) khi mà tài năng của họ chưa bộc lộ, tức là chưa thể dựa vào hiệu quả công việc, thành quả cống hiến để đánh giá là nhân tài. Do đó, phát hiện mầm mống để  bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng nhân tài là thước đo tài năng của nhà lãnh đạo, quản lý: Anh hùng đoán giữa trần ai mới già. (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Chiến lược Nhân tài, do đó dễ bàn  mà khó thực hiện lắm thay!
Huế, tháng 8 /2005
     P.X.P

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Các bài đã đăng