Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Triết lý nhân sinh qua chùm thơ của Trương Đăng Dung đăng trên Tạp chí Sông Hương
10:41 | 27/11/2008
TRẦN THANH HÀTrong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý luận thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý luận văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý luận văn học trên thế giới.

Đọc chùm thơ của anh mà Tạp chí Sông Hương đăng trên các số 11/2002; 6/2004... chúng ta bất ngờ khi gặp một khía cạnh khác của một nhà lý luận. Đó là ta bắt gặp một tâm hồn mẫn cảm, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng biết chia sẻ và giàu tình yêu thương. Dù số lượng bài không nhiều, nhưng những vần thơ của anh đã gợi cho người đọc bao suy nghĩ về kiếp nhân sinh. Không phải ngẫu nhiên mà trong sáu bài thơ, điệp khúc “Kiếp người ngắn ngủi” cứ vang lên như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Thân phận con người - niềm trăn trở của bao thế hệ thi nhân, nhưng tác giả Trương Đăng Dung lại có một cái nhìn khác. Đó không hẳn chỉ là nỗi xót xa cho kiếp đời ngắn ngủi, cho cuộc đời “không số phận”. Dẫu biết rằng đời người chỉ là một sátna thì đớn đau, xót xa cũng phải lẽ. Nhà thơ đặt ra một vấn đề cao hơn nỗi ngậm ngùi về thân phận là trong cuộc sống ngắn ngủi ấy, con người phải sống như thế nào? Câu hỏi cuối cùng trong bài thơ “Có một thời” viết: “Có một thời ta đã sống thật sao?” như một nhát cứa vào lòng. Người đọc tự tìm câu trả lời trong từng câu chữ khi nhà thơ đặt ra những nghịch lý. Từng vế câu thơ đối nhau chan chát:
                         - Đến bữa cơm mẹ ngồi đợi vét nồi
                            Răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa
                         - Trẻ con sợ búp bê và không thích sữa
- Anh đi bên tôi mà sao cách trở.
- Nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi
- Em rực rỡ mà hồn tôi sa mạc...

Điệp khúc “Có một thời” vang lên suốt bài thơ khắc khoải như nhát dao xoáy vào tâm linh. Nỗi đau cứ dồn mãi đến tận cùng của cảm giác trước sự tê liệt của lòng người, của hồn người. Không, không còn hình bóng của con người mà chỉ còn gỗ đá, bởi lẽ khi con người không biết đến tình yêu thương, không biết trân trọng cái đẹp, không còn biết sẻ chia thì đâu gọi là sống nữa. Đó không chỉ là câu hỏi dành riêng cho một thời mà cho mọi thời, cho những con người đánh mất mình, đánh mất tình người. Con người rơi vào bi kịch vì chính sự vô tâm của mình. Đằng sau những nghịch lý là một niềm tiếc nuối của tác giả. Tiếc nuối vì đời người ngắn ngủi đến là vậy mà ta không biết nâng niu quý trọng nó. Bởi vì, tự thân mỗi con người sống trong đời sống này không thoát khỏi đau khổ. Đọc chùm thơ của anh, ta cảm nhận nỗi đau làm người thấm thía và sâu sắc. Mỗi bài thơ là một góc cạnh mà nhà thơ xuyên thấu vào từng mảnh đời, số phận và trạng huống con người phải trải qua.
Bài thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” là một hành trình khổ nạn của kiếp sống. Từ lúc sinh ra đối diện với cuộc đời cũng là lúc nhà thơ cảm nhận hết cái đói nghèo, kham khổ, thiếu thốn. Và chính trong cái gian khó ấy, con người u mê, tha hoá...
            “Ngày ta sinh ra là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
            Các bác sĩ hân hoan khi có đứa trẻ ra đời.
            Họ lấy nhau của mẹ chia nhau làm đồ nhắm rượu
            Các nữ y tá nhìn ta.
            Kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói.
            Không có bông, họ lấy tấm áo choàng lau vội...
            Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên.
            Những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện.
            Chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm...”

Cùng với năm tháng lớn lên của tuổi cũng là lúc nỗi đau đớn lớn dần cùng với sự trưởng thành trong nhận thức. Vượt qua hình ảnh nhỏ bé của mảnh tã vá là hình ảnh của xã hội và của cái chết. Những chuyến tàu chở đầy vũ khí, những cô gái điếm tả tơi dọc bờ sông, những em bé và những người già thất thểu... tạo dấu ấn trong hồn nhà thơ một vùng ký ức buồn, thật buồn. Và, kết thúc dòng hồi tưởng là những hình ảnh thảm khốc:
            “... Những đám tang không có hòm
            Chân người chết thò ra khỏi chiếu.
            ... Những người mẹ bị thương ruột lòi ra vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn.
            Và những cánh tay trẻ thơ bom hắt lên cành cây vắt vẻo...”
Đọc những dòng thơ trên ta như nhận ra họa phẩm nổi tiếng về chiến tranh của Picassô. Những cánh tay lủng lẳng, những đoạn ruột lòng thòng, những ống xương người phơi bày... tự nó đã có sức tố cáo mạnh mẽ về sự huỷ diệt của chiến tranh.           

Những dòng thơ chỉ có thể chắt lọc từ một trái tim nhức buốt, tái tê. Hành trình nhận thức của nhà thơ là hành trình đi từ mình đến mọi người, từ quê hương đến dân tộc. Đó là hành trình của mỗi người dân đất Việt. Số phận con người gắn với định mệnh đau thương của dân tộc. Cái nhìn của nhà thơ là cái nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, xót thương cho một dân tộc oằn mình gánh nặng mất mát, hy sinh. Đó là hành trình tuẫn nạn vác cây thập tự định mệnh. Song, ngoài nỗi bi thương của dân tộc, định mệnh của dân tộc thì mỗi người còn phải đối mặt với định mệnh của chính mình. Muôn đời, suốt kiếp những trái tim nhân hậu luôn đau đáu về thân phận. Trương Đăng Dung hiểu rằng cuộc sống chỉ là “nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn”, vậy nên thời gian được anh đong bằng từng giọt nước mắt “của ngày xưa còn lại đến hôm nay”. Nước mắt của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và của bao tiền nhân đã nhỏ xuống vì thân phận con người. Bài thơ “Anh không thấy thời gian trôi” chỉ là một cách nói để trốn chạy thời gian tiền định.

Nhà thơ không nhìn bước đi của thời gian bằng kim đồng hồ vạch sẵn mà nhìn thời gian bằng trái tim thảng thốt thương người. Nhà thơ muốn nói với bạn đọc rằng, thời gian không phải là giây phút là giờ là ngày hay là tháng là năm.. thời gian chỉ có nghĩa khi nó hiện hữu ở tất cả. Thời gian hằn vết lên kỷ niệm, thời gian in dấu ấn ở nét mặt và thời gian ngậm ngùi lên tiếng khi ta nâng trên tay những sợi tóc rụng dần... Thời gian khắc chạm, ẩn hiện và ngự trị trong mỗi người. Thời gian định mệnh mà con người không thể vượt qua bởi sự vô tình, tàn nhẫn của nó. Cảm thức về thời gian làm nhà thơ càng thấy “lòng tha thiết với trời xanh” để rồi “mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành”. Phải chăng anh khao khát đẩy rộng, đẩy mãi quỹ thời gian cuộc đời để được yêu thương nhiều hơn và cống hiến nhiều hơn? Đọc những vần thơ này của anh chắc hẳn mỗi người sẽ biết thiết tha với đời sống, với con người và mong sống có nghĩa. Lời thơ tự nói với mình mà sao có sức gợi mở đến là vậy.

Chiếc lá vàng sẽ rơi vào cuối thu mà còn tiếc nuối cành cây trong cái chơi vơi ngơ ngẩn, huống chi con người? Sao không tiếc nuối, buồn thương khi nhận ra “kiếp người ngắn ngủi”. Phải biết yêu cuộc đời mới có được nỗi buồn đẹp đến thế. Đối diện và cô đơn trước thời gian là suy ngẫm của Trương Đăng Dung về thân phận. Vậy nên, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, vụt hiện, vụt mất như ảo ảnh mà thôi. Thương làm sao một tình yêu chưa đến mà đã mất, chưa hạnh phúc đã thấm đầy đau đơn, chưa gặp nhau mà đã chia xa. Cuộc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc mịt mờ thăm thẳm như bình minh không có mặt trời, như lâu đài chỉ có cánh dơi, ... những tâm hồn tìm đến nhau lẽ nào cũng lại là một hành trình khổ nạn. Hạnh phúc đời người trở thành bẽ bàng trước sự sinh sôi của côn trùng trong cát bụi và hiếm hoi truyền hơi ấm tình người qua bàn tay tìm nhau run rẩy. Tình yêu như giấc mơ không đầu không cuối mà tương lai là thời gian sẽ cướp đi. Tất cả những gì chợt hiện của hôm nay chỉ là ảo giác. Chiếc ghế bên góc vườn trơ trọi vì không còn tình nhân và em trẻ trung, duyên dáng, yêu kiều của hôm nay được cuộc đời biến thành cụ bà với mái tóc bạc xoá.

Đời người đã mong manh, chóng tàn rồi mà tuổi trẻ, tình yêu còn mong manh hơn thế nữa. Phải chăng vì lẽ đó nhà thơ “sợ hãi trước chân trời”? Chân trời là tương lai, nhà thơ từng khao khát mong chờ được cùng người yêu bước đến. Sẽ hạnh phúc biết bao khi ta chạm vào được tương lai bằng tình yêu nồng cháy, ngọt ngào. Song, ai biết trước được tương lai? Khao khát đến thế, mong chờ đến thế nhưng đến với chân trời lại là một cảm giác sợ hãi. Liệu có mâu thuẫn không? Không, bởi nhà thơ đã thấy trên đường tới chân trời không chỉ có tình yêu mà còn những bóng hình dị dạng, những đội quân tay súng, tay đao, những nhà thơ vô cảm... tình yêu làm sao sống chung với sự huỷ diệt? Ngày mai là bom đạn, chết chóc hay yêu thương? Anh đã ném câu hỏi cho mọi người trước sự biến động của nhân loại. Giây phút bên nhau trở thành nỗi thấp thỏm vì một tương lai không xác định. Nỗi đau nhân sinh là thế!.

Cả sáu bài thơ của Trương Đăng Dung mà Sông Hương chọn đăng đều được viết theo thể tự do với số câu chữ không hạn định. Điều đó khiến bài thơ như một sự suy tưởng. Đó là trăn trở của anh về thân phận con người. Đặt ra những vấn đề lớn lao là chiến tranh, thân phận hay các vấn đề xã hội nhưng âm hưởng của từng câu không khoa trương, ồn ào. Ngược lại, những câu thơ mang một giai điệu buồn da diết. Đau cho mình và đau cho đời. Những bài thơ không phải là đặc sắc, nổi bật của thơ Việt hiện đại nhưng nó ra đời như một lời nhắc nhở đến mỗi tâm hồn. Trong cuộc sống hiện đại, xuất hiện nhiều tư tưởng cá nhân và sự chai mòn cảm xúc thì những vần thơ của anh là điểm đến của những tâm hồn biết thao thức với thân phận và biết chia sẻ với những nỗi đau. Mỗi người đọc thơ anh như thấy mình được an ủi và che chở vì chúng ta bắt gặp nhau trong cùng thân phận.Tình yêu thương của nhà thơ sẽ không “tan trong sương khói, những kiếp người”.
            T.T.H

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Các bài đã đăng