Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Hán nôm làng xã xứ Huế
11:11 | 27/11/2008
NGUYỄN VĂN THỊNHCũng như trên cả nước, trước cách mạng tháng Tám, làng (tên gọi chữ Hán là xã), ở Thừa Thiên Huế là một đơn vị cơ bản trong tổ chức hành chính của các vương triều.

Trong việc quản lý làng xã, nhà nước phong kiến tập trung vào ba lĩnh vực: quản lý ruộng đất, quản lý dân đinh và quản lý thuế. Do đó, ba mảng: địa bộ, đinh bộ, thuế bộ là ba mảng quan trọng. Hàng năm, vương triều đều sức xuống làng xã bắt kê khai các sổ bộ này tỉ mỉ, chính xác theo mẫu. Qua đó, triều đình ấn định thuế suất theo từng hạng cụ thể và ấn định công sưu dịch, suất lính.
Mặt khác, trong quá trình quản lý làng xã, thông qua các cấp chính quyền bên trên như huyện phủ và cá biệt có khi thông qua các cấp trung gian là tổng, cũng như trực tiếp từ các cơ quan trung ương kể cả triều đình, các vương triều thường tống đạt các văn thư như chiếu, chỉ, truyền, phó, thị, trát, sức, kiệu (chước)... xuống làng xã để thông báo chủ trương, truyền đạt các nội dung cần thi hành.

Những văn thư đó thường được các làng xã thực hiện, trình báo lên trên và được nhà nước xác nhận. Nếu không thực hiện được vì một lý do chính đáng nào đó, làng xã lại gửi các tờ đơn tự, như thân trình, tấu bẩm... khiếu nại lên trên và được quan trên phê chuẩn. Số văn thư và đơn từ đó cũng là một mảng quan trọng.
Việc biến thiên của ruộng đất, như từ đất hoang trở thành đất trưng khẩn, từ điền thổ trở thành đất thổ, từ đất canh tác bị lụt lội xói lở mất, hay thành hồ ao, việc tranh chấp ruộng đất, đầm, phá giữa các làng xã lân cận, tiếp giáp do nhiều nguyên nhân vẫn thường xảy ra, đã từng được các làng xã trình báo và đã được các cấp Nhà nước từ huyện, phủ kể cả Trung ương phải nhiều phen thẩm xét. Sổ tư liệu liên quan đến ruộng đất ngoài địa bộ này cũng là một mảng quan trọng không kém.

Hơn nữa, trong phạm vi nội bộ làng xã là một đơn vị tự quản, cho nên ngoài pháp luật của triều đình, các làng xã thường điều hành theo lệ làng. Xa xưa là những điều khoán lệ truyền miệng, dần dần được sang định, ghi chép thành hương ước, quy định những khoán lệ về nhiều mặt: tế tự, hương ẩm, khuyến nông, bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ đường sá, đê đập, hoa màu và trật tự trị an... Đó là những mảng tư liệu làng xã quan trọng. Ngoài ra, nhiều làng xã còn giữ được những văn bản hương phổ, ghi chép về việc khai canh lập ấp, hay ghi lại những mốc thành lập đình, miếu, chùa chiền, xác định những họ chính cư, ngụ cư, cũng như các hồ sơ về việc trùng tu đình chùa miếu vũ, các văn bản kỳ an, tế tự, hồ sơ kiểm kê tự khí và giao nhận văn bản, cùng các tập văn ghi, kể cả văn bản mãi hành, mãi biện qua các thời kỳ... đó cũng là một mảng không kém phần quan trọng.

Mặt khác, mảng tư liệu khác, bao gồm liễn đối trong đình, miếu, ngoài trụ biểu, minh văn, bi ký trên chuông đồng, bia đá cũng thể hiện rõ nhận thức về vũ trụ, nhân sinh, truyền thống anh hùng, văn vật địa phương...
Tất cả những mảng tư liệu đó tạo nên một vốn tư liệu Hán Nôm phong phú mà tất cả các làng xã ở Thừa Thiên Huế suốt mấy năm nay đã bảo quản. Tư liệu đó, phản ánh cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày xưa, góp phần chính yếu, trực tiếp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mặt về đất nước, làng xã Việt Nam dưới thời phong kiến. Làng nào, trong quá khứ, cũng có một tầng lớp trí thức nho sĩ chung sống với nhân dân, tham gia công việc làng xã. Do đó, việc bảo quản tư liệu Hán Nôm trên trước cách mạng tháng Tám vô cùng chặt chẽ. Nhiệm vụ bảo quản trực tiếp được giao cho viên “thủ bộ” gìn giữ trong nhiệm kỳ của mình, xong kiểm kê giao cho viên thủ bộ khác với những biên bản bàn giao chi tiết.

Thế nhưng, trải qua những biến thiên lịch sử, do tàn phá của chiến tranh, của thiên tai: bão lụt, hỏa tai và cả mối mọt làm cho vốn tư liệu đó mất dần. Ngày nay dù đã muộn nhưng việc sưu tầm nhân bản vẫn là một yêu cầu cần thiết.
Với định hướng đó, kể từ năm 1994, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) đã đưa vào kế hoạch khoa học công nghệ của tỉnh đề tài “Điều tra khảo sát, sưu tầm, tuyển dịch tư liệu Hán Nôm có giá trị ở các làng xã ở Thừa Thiên Huế” do Trần Đại Vinh chủ nhiệm, Ngô Thời Đôn, Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết thực hiện. Đề tài đã phổ tra 250 làng, sau đó, qua liên hệ trực tiếp đã đến thăm dò 100 làng từ đó xác định được các làng trọng tâm để sưu tầm tư liệu. Kết quả xác định được 25 làng tại Thừa Thiên Huế còn bảo quản được  một số tư liệu Hán Nôm có giá trị như sau:

Làng Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế.
Làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế.
Làng Phú Xuân, phường Tây Lộc, thành phố Huế.
Làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà.
Làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang.
Làng Nam Phổ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.
Làng Dã Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy.
Làng Phú Bài, xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy.
Làng Hà Thanh, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang.
Làng Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.
Làng Ngọc Anh, xã Phú Thượng, huyện Phú vang.
Làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.
Làng Nam Trường, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc.
Làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, huyện Hương Trà.
Làng Bác Vọng Tây, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.
Làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền.
Làng Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.
Làng Bồi Thành, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế.
Làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.
Làng Dưỡng Mông Hạ, xã Vinh Thái, huyện Phú Vang.
Làng Quy Lai, xã Phú Thành, huyện Phú Vang.
Làng An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.
Làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy.
Làng Nghi Giang, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc.

Tuy nhiên, con số này không phải là con số tuyệt đối chính xác. Lý do chính là vì tình hình chiến tranh của đất nước từ sau 1945 - 1975, có nhiều làng không còn nắm vững được hồ sơ của làng về điều này. Có những thủ bộ sau khi mất làng đã bỏ quên một thời gian dài không hỏi đến, tới khi tìm lại thì không rõ sổ bộ lưu lạc ở đâu, còn hay mất chẳng rõ. Nhiều làng do tình hình chiến tranh đã đem sổ bộ gửi những người dân làng cư ngụ ở thành phố, sau đó nhiều lần dời đổi, chẳng xác định được còn mất. Một số làng, do ẩn dấu hồ sơ sau năm 1945 đến nay vẫn không đưa ra công khai. Nhiều làng do tranh chấp vị thứ khai canh, khai khẩn đã có người cất dấu, hay hủy đốt hồ sơ làng...
Trong số 25 làng xác định trên, nhóm đề tài đã thuyết phục được 17 làng đồng thuận cho chụp bản photocopy để sưu tầm. Phương thức khá linh họat, một số ít làng toàn tâm toàn ý tin cậy cho đem về thành phố để photo, một số ít làng buộc đem máy đến photo tại chỗ trước sự chứng kiến của dân làng và hầu hết làng cử 2-3 đại diện, thậm chí có làng cử 16 đại diện đến chờ chực tại quán photo.

Riêng 8 làng còn lại, do nhiều góc độ quan hệ,  nhóm nghiên cứu đã tiếp cận được những tư liệu này có khi đã dịch được văn bản tại chỗ, nhưng chưa có điều kiện photo nhân bản.
Phân loại tư liệu đã sưu tầm.
Tư liệu Hán Nôm làng xã đã nhân bản được gồm các loại chính:
- Địa bộ:
Từ những địa bộ xưa nhất còn tìm thấy như địa bộ năm Quang Hưng 14 (1595), địa bộ năm Hoằng Định 6 (1606), địa bộ năm Thịnh Đức 6,7 (1658 - 1659), địa bộ Cảnh Trị 7 (1669) dưới thời chúa Nguyễn, cho đến địa bộ thời Tây Sơn: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh và các địa bộ triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Bảo Đại. Hầu hết là những sổ bộ ruộng đất do viên chức làng kê khai theo lệnh và đúng mẫu của triều đình, lập thành 02 bản giáp bản và ất bản nộp lên cho các bộ, ty chủ quản xác nhận, thu giữ lại giáp bản và tống đạt lại cho làng ất bản để thi hành. Kèm theo nó là những bản xác định ranh giới của các làng tiếp cận.

-Hồ sơ tranh tụng ruộng đất, đầm phá:
Sự biến dạng của địa diện, sự thất lạc mốc giới, sự ngộ nhận và đôi khi là ý đồ của viên chức làng này, làng khác... thường dẫn đến việc kiện cáo tranh giành ruộng đất, đầm phá giữa một số làng. Đơn kiện của bên nguyên, đơn kêu oan của bên bị thường được các cơ quan chấp hành của triều đình thẩm xét, phúc tra. Có khi đơn giản chỉ một tờ thị, truyền, phó của vua là đã giải quyết ngay. Nhưng lắm khi một vụ kiện tranh chấp điền thổ, đầm phá giữa các làng phải giải quyết đi, giải quyết lại từ triều Tây Sơn qua đến triều Nguyễn. Tiêu biểu là hồ sơ tranh tụng đầm phá giữa làng Bác Vọng và thôn Trung Hòa, giữa làng Bác Vọng và làng Thủy Điền thượng; hồ sơ tranh tụng ruộng đất giữa các làng Mậu Tài- Dương Nỗ, Nam Phổ-Minh Nông, Mỹ Á- Mỹ Toàn, Mỹ Toàn- Nghi Giang, Nam Phổ- An Nhơn, Thanh Phước-An Lai.

-Hương ước:
Bao gồm những khoán lệ thành văn của một số làng về mọi mặt sinh họat của làng xã, như bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ hoa màu, ruộng đồng, cầu cống, đê đập, đường sá, sông hồ, quy định về lễ nghi phong tục tế tự, hương ẩm, cưới gả, lệ mừng, lệ tiễn, lệ tuất điếu, lệ khuyến học.... đã sưu tập được 8 hương ước của các làng Thanh Phước, Dương Nỗ, Xuân Hòa, Phước Tích, Thế Lại Thượng, có niên đại rải rác từ cuối đời chúa Nguyễn, đời Tây Sơn, đầu triều Nguyễn và đến đời Bảo Đại.
-Hương ẩm và các văn bản tế tự:
Bao gồm các hương phả, niên phả của một số làng, các tập văn nghi hay một số các văn sớ cầu cúng của cộng đồng làng xã, các tờ cúng đất cho chùa, âm hồn, đặc biệt là hồ sơ phong sắc thần của làng, gồm có đơn xin phong sắc thần, tờ đồng dân ký kết, và biên bản khám định của thừa phái ở huyện đường.

Cũng xếp vào loại này các hồ sơ trùng tu chùa, tờ quẻ bói vị trí, tờ giải trình của thầy địa, tờ hoạch định kiểu thức, các biên bản đóng góp vật liệu, kinh phí và biên bản mãi hành, mãi biện...
-Văn bản pháp quy:
Là những văn bản do triều đình quy định, áp dụng chung cho một tỉnh, một dinh hay nhiều vùng lãnh thổ. Đã sưu tập được 6 bản: gồm các quy định về việc bán đất, cầm cố đất, tiền nợ, nợ ruộng của quân lính thời chúa Nguyễn (niên hiệu Bảo Thái năm 1725); lệ thuế điền tô, thuế sai dư và lệ quân cấp điền thổ triều Gia Long (1803-1804); bản quan chế văn giai, võ giai (1804), bản quy định ngày lễ của vương triều Nguyễn đời Minh Mạng.
-Văn thư đơn từ
Bao gồm hàng chục văn thư của các quan chức triều chúa Nguyễn, Tây Sơn, vua Nguyễn truyền đạt xuống làng xã về một vụ việc cụ thể, dưới đủ loại tên gọi quan phương ngày xưa: thị, truyền, phó, phái, trát, sức, kiểu (chước), chiếu, chỉ, dụ... và hàng trăm tờ đơn của các làng gửi lên các cấp chính quyên: huyện, phủ, triều đình.

-Bộ đinh
Gồm có bản kê khai dân đinh của nhiều làng qua các năm dưới các triều Tây Sơn, Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh và các triều vua Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại, theo lệnh truyền và đúng mẫu quy định của các vương triều. Đầy đủ nhất trong các bộ đinh là những bộ đinh của triều Tây Sơn của làng Thanh Phước và những bộ đinh đời vua Nguyễn của làng Hà Thanh.
-Bộ thuế:
Bao gồm các tờ truyền xác định thuế, tờ phái thu thuế, hay các biên nhận của các quan lại ở trương thu thuế chứng thực đã nộp thuế, tờ khai tô thuế, thuế thân, thuế điền thổ, thuế đầm phá...
-Bộ lính:
Mỗi năm các bộ, ty, đơn vị chủ quản thường tổ chức duyệt tuyển lính theo lệ ba đinh lấy một, sau đó đều được bộ đinh làm sổ bộ lính gọi là “lính bộ nhị nguyệt kỳ” tống đạt về các làng để cấp ruộng nương... đã sưu tập được hai bộ lính năm Bính Thìn (1796) của làng Thanh Phước, Mỹ Toàn, và các văn bản chứng nhận của các quan chỉ huy, tạo điêù kiện cho việc nghiên cứu chế độ binh lính thời phong kiến đời Tây Sơn.

Ngoài ra là những văn bản khác không tiện xếp loại.
Các kiểu chữ và khuôn dấu thể hiện trên văn bản:
Hệ thống văn bản tư liệu Hán Nôm làng xã Thừa Thiên Huế sưu tập được có niên đại từ đời chúa Nguyễn Hoàng, trải qua các đời chúa kế tiếp, vương triều Tây Sơn và các đời vua Nguyễn, và bao gồm đủ các loại văn bản; do triều đình khắc in, hoặc gửi xuống, do dân tự viết, đủ loại hoàn cảnh ghi chép, nên bao gồm dạng chữ viết phong phú:
-Kiểu chữ chân pha lệ: Viết rõ ràng, ô vuông cân đối, đồng đều các nét...
-Kiểu chữ thịnh hành trước đời Minh Mạng: Viết thanh mảnh và kéo dài các nét bên trái, to đậm và ngắn các nét bên phải...
-Kiểu chữ chân.
-Kiểu chữ hành.
-Kiểu chữ thảo.

Các văn bản trên thường nếu là các văn bản chính, thường có những con dấu chứng thực của viên chức, cơ quan hữu trách.
- Trong nội bộ làng xã thường chỉ ghi tên các viên chức làng, các vị có phẩm hàm, các hương lão, tộc trưởng cùng đại diện một số dân đinh với các từ “thủ ký” “tự ký” “điểm chỉ” với khuôn dấu của lý trưởng, một số các vị còn có con dấu tên mình, với đủ dạng khuôn, lục giác, khuyết, tròn, khắc họa tên và chữ “tín ký”, cách điệu theo lối chữ triện.
- Văn bản các huyện, phủ thường có dấu vuông khắc kiểu chữ triện tên huyện + huyện ấn, tên phủ + phủ ấn. Ví dụ: Phú Vang huyện ấn, Quảng Điền huyện ấn, Hương Trà huyện ấn, Quảng Đức dinh lưu thủ...
Sơ bộ về giá trị của tư liệu:
Hệ thống tư liệu văn bản thu thập được sẽ giúp bổ sung nhiều chỗ trống trong lịch sử, nhiều chỗ không cụ thể hoặc thiếu sót trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị của địa phương, vùng và cả nước dưới các triều chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn. Các văn bản lệ thuế điền tô, thuế sai dư, lệ quân cấp ruộng, và các quan chế văn giai, vổ giai (1803-1804) ngay cả thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm không còn lưu giữ được hoặc có giữ được cũng chỉ là bản chép lại.

Mảng văn thư đơn từ, giúp cho người nghiên cứu thấy cụ thể hơn về chế độ sưu  dịch, binh dịch, thuế khóa mà các triều đình phong kiến áp đặt cho nhân dân.
- Đơn cử một số thuế: Thuế nộp gạo thường tân, thuế nộp sản vật vào dịp lễ tết, húy kỵ, thuế tiền dầu đèn, thuế bút mực, thuế chợ, thuế đò...
- Các loại sưu dịch: Đi xâu chở lương thực, đi xâu chở ngói để lập cung đình...
- Các loại binh dịch: canh gác phòng bờ biển, canh gác bảo vệ trật tự trị an, nộp da trâu may áo cho lính...
Mảng tư liệu này cũng giúp xác định rõ hơn về các sai khác trong chế độ quản lý làng xã, ngoài chế độ theo hệ thống huyện, phủ còn có chế độ nộp thẳng vào nội phủ của một số làng vi tử, phường khách hộ, phường nội phủ...
Mảng địa bạ sẽ giúp nhận thức rõ về cách quản lý ruộng đất tư đời chúa Nguyễn Hoàng cho đến đời các chúa khác, đời Tây Sơn, đời vua Nguyễn, cũng như về sự biến đổi, tách chia, thành lập mới của các làng xã, nó có thể đính chính những ngộ nhận trước đây. Ví dụ: nhận định của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục: “Hai xứ Thuận Hóa, Quảng , triều trước và họ Nguyễn trấn giữ, chỉ là hàng năm sai người chiếu số hiện cày mà thu thuế. Năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) đúng quốc công Nguyễn Phúc Tần mới sai quan đi khám đạt ruộng công, ruộng tư. Nhà nước thu thóc tô, định là hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, cùng đất khô và bãi màu, biên vào sổ sách, cho ruộng công đều trả về xã, chia đều mà cày cấy, nộp thuế”.

Qua mảng tư liệu này, nay đã thấy rõ trước địa bạ Cảnh Trị (1669) đã có nhiều dợt tiến hành các địa bạ như đời Quang Hưng, Hoằng Định, Thịnh Đức.
Mảng địa bạ này cũng cho thấy quá trình hình thành một làng ở giai đoạn muộn: dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, thường phát triển theo hướng từ một nhóm ít người, đầu tiên khai phá thành lập ra “bức”, có người đứng đầu là “thủ bức” nếu chỉ tập trung trong một dòng họ thì gọi là “tộc bức” rồi dần phát triển lên thành phường khách hộ, ấp nội phủ và xã.
Mảng đinh bộ (hầu hết chỉ có trong đinh bộ đời Tây Sơn và đời các vua Nguyễn) cho thấy cụ thể hơn về việc quản lý dân đinh các triều đại, cách phân chia các hạng dân, thuế lệ đánh theo từng hạng, và nhịp độ tăng hay suy giảm của dân đinh từng giai đoạn.
Mảng hương ước đem đến một số nhận thức cụ thể về những lệ làng được cố định hóa bằng văn bản, phản ánh tình hình và mối quan tâm của viên chức làng xã qua từng giai đoạn, từ sản xuất, an ninh, tế tự, hương ẩm, đến khuyến học, duy trì thuần phong mỹ tục...

Tình hình cụ thể, thực tiễn đời sống qua từng thời điểm, từng giai đoạn cũng sẽ được tái hiện rõ nét hơn qua nhiều tư liệu rải rác. Những kiện tụng về việc ăn ruộng khẩu phần của dân chính ngụ đời Tây Sơn cho thấy sự kiện nhập cư của hàng vạn người thuộc quê quán Bình Đình, Phú Yên, Quảng Ngãi theo vương triều.
Vịêc tranh chấp điền địa trên các vùng đất “quan trại điền”, ngụ lộc của các quan chức Tây Sơn cao cấp rất lớn.
Tình hình nhà nước bảo hộ bắt ép các làng xã mua phiếu quốc trái dưới đời Thành Thái, Khải Định cũng bộc lộ rõ. Việc xây dựng trường học ở giai đoạn này với phí áp đặt vào làng xã, việc lệ thuộc của phủ Thừa Thiên vào tòa công sứ Pháp trong hành chính, nội trị còn để lại nhiều dấu tích trên nhiều văn bản cụ thể của giai đoạn này.
Nói tóm lại, đó là một vốn tư liệu quý mà số lượng gần 6000 trang sưu tập được chỉ là một phần nổi của tảng băng tư liệu Hán Nôm làng xã dày dặn trên đất Huế.
                  N.V.T

(nguồn: TCSH số 205 - 03 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Các bài đã đăng