Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Rồng mưa tương ngộ
14:56 | 27/11/2008
YVELINE FÉRAYLTS: Monsieur le paresseux là cuốn tiểu thuyết lịch sử dày gần 300 trang của nữ văn sỹ Pháp Yveline Féray viết về Đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, do Nhà xuất bản Robert Laffont ở Paris ấn hành năm 2000. Trước đó, năm 1989 nữ văn sỹ này đã cho xuất bản ở Pháp cuốn tiểu thuyết dày 1000 trang Dix mille printemps, viết về Nguyễn Trãi - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà thơ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XV.
Rồng mưa tương ngộ

Năm 1997  Dix mille printemps đã được Nhà Xuất bản Văn học Hà nội dịch và ấn hành với tên gọi Vạn Xuân. Để ghi nhận tình cảm sâu sắc đối với đất nước Việt Nam, cùng những đóng góp tích cực của nữ văn sỹ Yveline Féray cho tình hữu nghị Việt - Pháp, năm 2003 Nhà nước Việt Nam đã trao tặng bà tấm Huân chương Hữu Nghị cao quý.

Năm 2002, trong một chuyến sang Pháp, nhà thơ Lê Trọng Sâm ở Huế đã được Yveline Féray tặng cuốn Monsieur le
Paresseux. Sau đó, ông dành nhiều thời gian để dịch cuốn sách này và đã được Nhà Xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc vào tháng 9/2005 với nhan đề Lãn Ông.
Sông Hương xin trân trọng trích giới thiệu đoạn 3 trong chương IV của
Lãn Ông với tên gọi Rồng mưa tương ngộ.

...
Ông vừa có chút thời gian ăn mặc chỉnh tề khi được đưa lên cáng. Vừa ra khỏi cửa , họ phóng vội theo hướng tư dinh ngài Quận Huy.
Ngài đại thần không cho ông được thoả thích ngắm quang cảnh tuyệt vời trước mặt. Vừa mới thoáng thấy,  ngài đã vội đứng lên và với sự nhã nhặn hiếm có, ngài mời ông bước theo.
Bên viên thái giám tháp tùng, vị y sư tranh thủ nhẩm lại mấy câu thơ vừa xuất hiện ở bờ môi và họ bước vào một khu vườn có nhiều đường ngang ngả dọc. Trước đây, ông biết rõ từng ngóc ngách của mỗi cung điện vàng son, mỗi tháp canh cao thấp, những khu vườn sum suê mà nay không không còn nhận ra nữa. Ngơ ngác trước bao vẻ tráng lệ huy hoàng - chắc chắn là họ sống rất xa vời với nhân dân - ông thấy mình như chàng ngư phủ lạc chốn Đào nguyên.

Đoàn người đến Cấm thành, nơi được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Từ mấy năm nay Đức Ngài Tối Cao ngự ở đây cách biệt với mọi người. Nơi đây ánh sáng không lọt vào được, chung quanh là những tấm lá chắn bằng thuỷ tinh để chống sức nóng và gió máy.
- Tối hôm qua, quan Chánh đường được thông báo là Chúa Trịnh đã cho phép vị lương y trấn Nghệ An được vào hầu mạch Đông cung Thế tử.
Có lệnh từ viên thái giám hộ tống trịnh trọng truyền xuống đám lính hầu đang đứng gác trước Đại  cung môn. Nhưng với những chiếc kích ngăn chéo lại, họ không cho con người ăn mặc kỳ quái này đi qua.
Đôi hàm nghiến chặt, viên thái giám hộ tống dằn giọng truyền lệnh:
- Ông đây đã được quan Chánh đường cho triệu vào! Xê ra!
Họ bị buộc phải để người thầy thuốc quê kệch đi vào, dù trong thâm tâm cụ luôn sẵn sàng tháo lui.

Quan Chánh đường đang đợi.
Với sự thận trọng và kính cẩn, trước cái nhìn chằm chằm của các thái giám, họ khẩn trương bước nhanh theo quan Chánh đường và đi men theo một hành lang quanh co giữa các khóm cây và bồn nước, các nhà cảnh và vọng lâu, tưởng như không có mở đầu, chẳng có kết thúc. Bất ngờ như có phép lạ, hiện ra một cung điện xa hoa tráng lệ và quan Chánh đường bước vào tự nhiên như từng là chốn ra vào của mình vậy.
Bên trong, ánh sáng mờ mờ sau các bức màn che phủ.
Những gian phòng với nhiều cột lớn trang trí rồng phượng và các nàng tiên nữ nhảy múa, chứa đựng những điều không thể tưởng tượng nổi đối với thế giới người phàm. Phải trải qua nhiều năm tháng mới có thể gom lại bấy nhiêu tài sản quý giá, những sản phẩm nghệ thuật đồ gỗ tinh xảo, các tranh điêu khắc, sành sứ cổ, đồ đồng xưa, các thứ lụa là, đồ mỹ nghệ và  nhiều loại đồ chơi chưa ai từng biết đến.

Vàng, màu vàng khắp nơi chọc thủng màn tối, hắt ra ánh sáng lấp lánh.
Theo bước chân quan đại thần, Lê Hữu Trác đi qua kho tàng cực kỳ lộng lẫy này mà không dám ngẩng đầu lên. Ông len lén đi bên cạnh những cỗ kiệu của các vua chúa, những binh khí nghi trượng oai vệ, những chiếc trống đồng to lớn và những bộ sưu tập quý giá, mắt nhìn mà không thấy và lén lút với cả chính mình.
Quan Chánh đường vẫn cứ đi...
Trong một gian phòng lộng lẫy đến ngợp người, họ men theo chiếc sập ngự chạm hình quả núi phủ rồng cuốn nạm vàng, chiếc sập khá rộng để che giấu các cuộc vui đùa của Đức Long thánh và khoảng hai mươi bà phu nhân và phi tần của ngài. Một chiếc võng lụa mắc bên trên.

Đây là toà báu vật phủ chúa.
Họ bước qua một cửa nữa và vào trong toà Thuốc được gọi là phòng Chè, vì ở đây tiếng thuốc bị cấm nói đến do kiêng kỵ. Trong phòng không có một ai.
Viên thái giám hộ tống nói nhỏ:
- Thưa cụ, đây là nơi thường xuyên lui tới của các thầy lang trong triều chuyên lo phục vụ Lục cung và Lưỡng viện. Họ đã được báo là có cụ đến.
Lê Hữu Trác đưa mắt nhìn ông ta như muốn hỏi thêm nhưng ông quan viên này chỉ chú tâm truyền đạt những gì thật cần thiết.
- Thưa cụ, hạ quan xin đợi ở đây chờ cụ quay lại.
Ông ta đưa tay mời cụ đi theo quan Chánh đường.
Bỗng nhiên, trước mặt quan Chánh đường mở ra một chiếc màn gấm, vị lương y như đi trong một lối đi nhỏ vô cùng tăm tối tưởng chừng vô tận... Khi bức màn thứ hai mở ra một hành lang có ngọn đuốc chiếu sáng rồi một hành lang nữa, tiếp đến một cái nữa... và cứ như vậy qua nhiều rèm trướng và ánh sáng. Có bao nhiêu? Lê Hữu Trác không thể nào biết được. Cuối cùng họ bước ra gian phòng rộng lấp lánh vàng son trong tranh tối tranh sáng.

Ở chính giữa chiếc sập ngự lộng lẫy đồ sộ có một chú bé chừng sáu bảy tuổi ăn mặc áo lụa hồng đang ngồi lặng lẽ đưa mắt nhìn những người mới đến. Không xa, nhiều ngọn đuốc lớn đang cháy trên những chiếc giá đồng.
Thoạt nhìn chỉ thấy một mình Thế tử. Một chiếc long kỷ hoàng gia bọc nệm gấm đặt cạnh chiếc sập ngự. Vị lương y đoán rằng chắc là của Chúa Trịnh, thân phụ của Thế tử vừa mới ngồi đây lúc nãy và vì không muốn làm ảnh hưởng đến việc khám bệnh nên Chúa đã rút lui vào phía sau chiếc màn sa, cuối gian phòng cạnh các bà phi tần của ngài. Đúng là có nhiều phái nữ đang có mặt nơi đây. Qua tấm màn vải mỏng toả ra mùi phấn son thoảng lên từ những khuôn mặt xinh tươi của các cô gái như có bao làn hương nhẹ toát ra từ một lẵng hoa tươi.

Vương tử nhỏ tuổi mỉm cười nhìn quan Chánh đường đi tới vì đó là một trong số những người quen thuộc. Nhưng lại ngạc nhiên khi thấy ông thầy thuốc đứng khép nép phía sau đang nín thở và chờ lệnh.
Lúc này, với giọng nói vô cảm và những từ ngữ định sẵn, quan Chánh đường ra lệnh cho vị lương y tới gần.
Ngay lúc ấy, phản xạ theo thói quen trước đây, vị y sư quỳ xuống lạy bốn lạy và ngạc nhiên khi nghe giọng nói trẻ con vui vẻ reo lên:
- Người này lạy rất khéo!
Vị Vương tử bé nhỏ đã trở thành một đứa trẻ con. Tuy vậy, vẻ nghiêm trang không hoàn toàn rời khỏi đôi mắt rộng và đen đang chăm chú nhìn vị y sư đứng dậy.
Luôn giữ thái độ trung lập lạnh lùng, quan Chánh đường nói:
- Vì cụ đã già và mệt mỏi, cụ được phép ngồi xuống để hầu mạch.
Vị Thế tử đột nhiên hỏi quan Chánh đường:
- Hãy nói cho ta biết tại sao ông ta không đeo tấm thẻ bài của người được giao nhiệm vụ hầu mạch?
Câu nói phát ra đầy quyền uy, rõ ràng chẳng khác gì của một người lớn. Câu hỏi đó làm cho khuôn mặt vô cùng lịch thiệp của quan Chánh đường nở ra vui vẻ:
- Tâu Thế tử, vì vị y sư tôn kính đây không nằm trong đoàn ngự y triều đình. Cụ đến từ xa để hầu bệnh Thế tử.

Sau câu nói, ông ta cáo lui và sau khi làm động tác kín đáo gọi ra không biết từ đâu nhiều quan nội thị chuyên săn sóc cho cậu bé.
Ngồi bên bờ chiếc sập lộng lẫy gần cậu bé đã được đặt nằm ngửa xuống, tay trái đặt ngang trên một chiếc gối nhỏ, gan bàn tay ngửa lên trời, người thầy thuốc đợi cho tâm trí tĩnh lặng để nhịp thở trở nên thoải mái và đều đặn.
Vào giờ mão này - từ năm đến bảy giờ sáng - thời gian tốt nhất để bắt mạch, điều cốt yếu là ông phải hoàn toàn bình tĩnh, bởi tuỳ theo số nhịp thở đầy đủ và bình thường của ông mới chỉ ra được số mạch đập của bệnh nhân. Ông cố tập trung vào nhịp thở của chính mình, bất chấp nhiều con mắt đang đổ dồn vào ông. Bao cái nhìn mong đợi, nóng lòng sốt ruột, cả hoài nghi và kỳ vọng. Cuối cùng là cái nhìn của Chúa Trịnh giữa vòng vây các bà. Ông không cho mình được phép sai lầm.

Ông hỏi quan nội thị đứng gần nhất, giọng thấp xuống:
- Xin cho biết Thế tử được bao nhiêu tuổi?
Cậu bé nhanh nhẹn tự trả lời là đã bảy tuổi với một giọng vui đùa nhưng trịch thượng. Với vị y sư đang cúi mình xuống khám, cậu hướng vào ông bằng đôi đồng tử âm u trong một khuôn mặt bé nhỏ xanh xao song cũng vô cùng tuấn tú.
Hơi khó chịu, vị lương y quay mặt đi để tiến hành khám ba làn mạch trên mỗi cổ tay.

Từ mặt trong của mỗi đầu ngón tay, ông ấn mạnh ngón giữa xuống mạch đầu tiên, mạch thốn ở động mạch tả rồi ngón trỏ, tiếp đến  là ngón nhẫn và sau nữa là ba ngón cùng một lúc, thoạt đầu ấn nhẹ, sau đó từ từ và sau cùng thật mạnh đến lúc nắm được tất cả những biến đổi, việc này tiến hành trong thời gian chín nhịp thở đều đặn. Ông lặp lại với mạch thứ hai, mạch quan nhưng lần này ông gõ ngón tay xuống động mạch để tìm cảm giác riêng biệt lần lượt từ ngón trỏ rồi ngón giữa và ngón nhẫn thay cho cảm giác chung của cả ba ngón cùng một lúc. Ông lại làm như vậy với mạch xích, mạch thứ ba và cứ như thế cho mỗi động mạch tả và hữu.
Với chiều dày kinh nghiệm, hôm nay một lần nữa ông không nhầm. Trong trạng thái bình thường, độ sâu của một nhịp thở đều đặn tương ứng với bốn nhịp đập của bệnh nhân, nhưng cái nhịp mong manh của sáu mạch ở đây trông tựa như một làn nước trơn lướt và trườn đi, báo hiệu đây là một trường hợp suy yếu rất nghiêm trọng hoặc là sự trống rỗng của khí lực. Tóm lại, bệnh tình của Thế tử đã rất nặng và đe dọa đến tính mạng.

Tiếp theo, vị lương y kiểm tra tỉ mỉ lưỡi, vòm miệng và lỗ tai biểu hiện trạng thái của ngũ tạng là tim, gan, lách, phổi, thận nhằm xác minh sự khảo sát các động mạch vừa rồi.
Lúc bấy giờ, đằng sau bức màn sa vang lên một giọng nhỏ như ra lệnh:
- Hãy để cụ xem cả hình trạng nữa!
Viên nội thị đứng cạnh giường truyền lệnh đó cho Thế tử, cậu bé đứng lên cởi bỏ quần áo và ngoan ngoãn để người thầy thuốc khám lưng, bụng và tứ chi.
Dưới ánh sáng bập bùng của đèn đuốc, làn da Thế tử xanh như tàu lá hiện ra tái mét với những đường tĩnh mạch ngoằn ngoèo. Cậu bé có những bắp thịt mềm nhẽo, bụng  thì chướng lên, cẳng chân cẳng tay không còn thịt rất mảnh khảnh trông giống như bộ xương gà giò.

Tự chẩn đoán một mình, vị y sư thấy rõ thể trạng của Thế tử lúc này là rất nguy kịch. Cái nhìn của ông bắt gặp cái nhìn của cậu bé đang được các nội thị mặc lại áo quần. Thế tử ngắm nhìn người thầy  thuốc như đã thầm đoán được ý nghĩ của ông.
Cuộc hầu bệnh đến đây là kết thúc.
Được quan Chánh đường cho phép cáo lui, vị y sư quỳ lạy Thế tử bốn lần sau đó vừa đi thụt lùi và được một tiểu hoàng môn dẫn đến phòng Chè. Nơi đây đã có viên thái giám tuỳ tùng đang đợi. Lát sau, quan Chánh đường cũng đến gặp, với vẻ lịch thiệp cố hữu, ngài hỏi ngay khi vừa mới gặp vị y sư:

- Cụ nhận thấy mạch Thế tử thế nào? Nếu cụ quyết định bốc thuốc cho Thế tử, tôi xin đề nghị cụ ghi tên các vị thuốc viết thành tờ khải và tự tôi sẽ đệ trình lên chúa thượng. (Và ông nói thêm ngay): Hồi con rất nhỏ, Thế tử đã mắc bệnh chảy máu bên trong, sau đó là bệnh đậu mùa và từ đó chưa bao giờ được bình phục, người luôn gầy yếu. Điều đó chắc chắn là do thể trạng bẩm sinh rất xấu. Trong vòng một năm nay, thể trạng của Thế tử luôn dao động, có lúc rất nặng, có lúc lại khá lên. Chứng bệnh này đã trở thành kinh niên, phải có những phương thuốc bồi bổ nhưng nếu cho nhiều thang dương dược thì nóng rát trong bụng không chịu nổi. Nếu cho nhiều thang âm dược thì càng bí và nặng thêm. Trong trường hợp này, có phải tốt hơn hết là cho những thang phát tán để hạ nhiệt?

Ngay lúc đó, quan Chánh đường ra lệnh cho một thầy lang phụ tá chạy đi tìm tất cả những đơn thuốc cuối cùng đưa về đây.
Vị y sư không nói một lời và trầm ngâm suy nghĩ. Ông hiểu rất rõ lời diễn giải vừa rồi của quan Chánh đường. Ông ta đã tự mình tiến cử vị danh y lên Chúa Trịnh chỉ nhằm làm sao cho vị lương y cùng theo một hướng điều trị phù hợp với mình. Đúng là quan Chánh đường đã học nghề thuốc - những người biết Hán tự đều có thể học được - nhưng họ không chuyên sâu và trong các cuộc tranh luận về y thuật, người theo thuyết công phạt thường thắng thế.

Riêng về vị y sư, chẳng cần đến các đơn thuốc nói trên ông cũng biết rõ người ta đã dùng để chữa cho Thế tử những phương thuốc công phạt với những cách thức mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự viêm nhiễm cấp tính. Song họ chỉ căn cứ vào các triệu chứng của bệnh tình mà không chú ý đến nguyên nhân sâu xa, khiến chứng bệnh này đã trở nên tiềm tàng và âm ỉ đang tấn công vào chiều sâu. Đó là cách thức hành nghề của những thầy thuốc đồ đệ của "phái tiểu xảo", họ bốc thuốc rất bạo tay mà chẳng chút băn khoăn đến tác dụng của chúng cũng như sự sống của bệnh nhân họ đang chữa và chờ đến khi người bệnh trở thành quá yếu với tiên lượng quá xâu mới nghĩ rằng cần phải bồi bổ cho cái gốc tiên thiên. Vì rõ ràng chứng suy nhược của con bệnh nhỏ tuổi này với kinh mạch mỏng mảnh như sợi chỉ trong giai đoạn hiện nay đang đòi hỏi những phương thuốc làm khoẻ người.

Tuy vậy, vị lương y cao niên đang còn ngại rằng cách bốc thuốc mà như ông đề nghị sẽ chỉ đem lại kết quả rất chậm. Như vậy, ông sẽ bị lưu giữ vô thời hạn ở kinh đô mà không bảo đảm nào thành công và như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự định trở về rừng núi quê ông. Vậy giải quyết như thế nào đây? Tốt nhất là nên bốc những phương thuốc hoà hoãn, việc này sẽ làm giảm bớt nguy cơ cho người bệnh và cũng không gây hậu quả xấu cho chính ông.
Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, ông nói vói với quan Chánh đường:
-  Bẩm Cụ lớn, tôi nhận thấy Thế tử đã sống rất lâu trong cảnh tù túng, đã ăn vào quá nhiều mà tiêu hoá không mấy, ngày càng suy mòn bởi chứng bệnh kinh niên. Thân thể gầy gò, bụng chướng to, kim mạch chìm chứng tỏ cả hai nguyên khí âm và dương đều bị tổn thương nặng. Để cứu nguy cho thể trạng gốc và tăng thêm sinh khí sáu nhịp thở thì phải bồi bổ mạch cho tỳ và vị. Nguyên khí một khi đã được phục hồi sẽ có thể đẩy lùi căn bệnh ở bên trong và các triệu chứng xấu ở bên ngoài sẽ biến mất. Như vậy, chứng bệnh này không bị công phá trực diện mà cũng sẽ tự tiêu tan.

Chìm sâu vào nụ cười lịch sự và bí hiểm, quan Chánh đường lắng nghe.
- Thưa cụ, về việc này cụ đã có lập luận riêng, tôi mong cụ kê cho đơn thuốc và giãi bày quan điểm của mình.
Không mấy quan tâm đến các thầy lang trong Thái y viện đang tề tựu đông đủ ở phòng Chè, vị y sư viết liền một mạch:
- Tiểu thần được lệnh hầu bệnh cho Đức Đông cung Thế tử, nhận thấy cả sáu mạch đều bị chìm và không có thần, mạch quan của bàn tay phải bị tổn thương nhiều nhất và mạch xích bên trái lại mềm nhũn. Khí âm của tỳ rất yếu ớt. Chân hoả của dạ dày lại quá mạnh không thể nào giữ lại hai khí âm và dương được. Khi chân hoả hoạt động kém thì hay xảy ra các chứng bệnh cổ trướng và phù nề. Thể trạng này cho cảm giác rỗng không ở bên trong và bồng bềnh ở bên ngoài. Vậy phải củng cố và kích thích chân "thổ" của tỳ để nâng hiệu lực của sự êm dịu và sự mềm mại của quẻ khôn (đất), lúc đó những khó khăn sẽ tự chúng giải quyết. Thần xin mạn phép đề nghị những vị thuốc dưới đây:
1- Bạch truật: một lạng, tẩm nước gạo rồi sao ba lần.
Lấy phần có mùi thơm bổ trợ cho tỳ khí. Sẽ lợi tiểu, bổ dưỡng và dễ tiêu.
2- Thục địa: ba lạng, sao lên cho mùi thơm. Vị này bổ tỳ âm.
3- Can khương: hai lạng, rang già lửa cho cháy đen. Dùng để sinh trung tiện.
4- Ngũ vị Tàu, ngũ vị Nhật: mỗi thứ một lạng. Bổ khí phế và làm điều hoà bài tiết.
Tất cả các vị trên đem sắc cho đến khi đặc quánh như keo, ngự tiến mỗi lần một chén trà nhỏ pha nước nhân sâm uống vào giữa bữa ăn.
Cần khải,
Tiểu thần Lê Hữu Trác.

Sau đó, ông đưa đơn thuốc cho quan Chánh đường, ông này xem xét khá lâu trong khi các thầy lang của Thái y viện nhìn người mới đến này bằng những cú liếc trộm chẳng chút thiện cảm. Đầu cúi xuống, họ thì thầm to nhỏ với nhau.
Đọc xong, quan Chánh đường không buồn đưa đơn thuốc cho các thầy lang xem. Một lúc sau, ông giao một viên thái giám mang ngay lập tức đến cho Chúa Trịnh.
- Quan điểm chữa trị của ông này khác rất nhiều với chúng ta - quan Chánh đường cười một cách khó nhọc và kết luận trước khi trình bày cho đám thông thái chỉ có mỗi một việc làm im lặng cúi đầu - Vị y sư này xuất thân từ một gia đình cao quý ở làng Liêu Xá  huyện Đường Hào, là cháu trai cựu Thượng thư trí sĩ Lê Hữu Kiều nổi tiếng là rất tinh thông về y thuật. Ông ta được triệu hồi vào kinh theo mệnh lệnh của Chúa thượng.

Sau đó, với cử chỉ vô cùng lịch lãm, quan Chánh đường cùng với vị y sư ra đến tận điếm Hậu mã quân. Và trước phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, những kỳ hoa dị thảo, những tảng đá kỳ lạ, cả hai cùng ngồi thưởng trà. Vừa mới xong vài chén, một tiểu hoàng môn chạy hộc tốc đến tìm quan Chánh đường theo lệnh của Chúa Trịnh.
- Thưa y sư tôn kính, tôi buộc lòng phải chia tay với cụ. Sau cuộc đi dài ngày và mệt nhọc vừa qua, xin cụ cứ nghỉ ngơi tại nơi ở của mình. Nhưng tôi dặn cụ đừng lúc nào rời nơi đó với bất cứ lý do gì vì ngày đêm đều có thể có lệnh tìm cụ.

Đứng lên trong phong cách hào hoa rất mực, quan Chánh đường đi ra xa, trong lúc đó, dưới đôi mắt chăm chú theo dõi của viên quan hầu cận, Lê Hữu Trác quay về chiếc cáng của mình. Ông không tỏ ra hối tiếc gì vì đã có sự thận trọng trong việc kê đơn thuốc vừa rồi.
Từ trong đêm hội hoa đăng của những ngọn đuốc bập bùng, bỗng nhiên vô số cặp mắt trẻ con níu kéo ông nhưng người thầy thuốc đang được tự do - còn tự do được bao nhiêu thời gian nữa? - ông trở về lại với thế giới đầy ánh sáng và những con người mạnh khoẻ. Và không còn gì khác đáng kể với ông lúc này.
Lê Trọng Sâm dịch

(nguồn: TCSH số 206 - 04 - 2006)

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)
Các bài đã đăng