Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Hạt bụi hóa thân ca hát
15:53 | 27/11/2008
NGUYỄN XUÂN HOÀNGCó ngày bỗng dưng thấy lòng thật quạnh hiu. Một nỗi cô đơn nào đó khôn tả xâm chiếm tâm hồn. Tôi đi hoài, lang thang vô định trên những con đường phố Huế xanh xao ánh đèn vàng, bất chợt lòng vang lên giai điệu quen thuộc một ca khúc nào đó của Trịnh Công Sơn. Tự hát cho riêng lòng mình và thấy nỗi buồn vơi đi, lòng cơ hồ bằng an và niềm vui trở lại.
Hạt bụi hóa thân ca hát

Điều gì ở âm nhạc Trịnh Công Sơn khiến con người sau khi đi qua mong manh, tuyệt vọng, bỗng chọn được một niềm vui cho mỗi ngày đang sống? Sau ba ngàn thế giới trong nước mắt, chợt tìm thấy trong bể khổ nụ cười của Huệ Năng? Sau cánh cửa của sự chết bất chợt mở ra một sự tiếp nối của luân hồi?

* BẬC THỨC GIẢ THẤU SUỐT CÕI NGƯỜI SINH LÃO BỆNH TỬ
Xuyên suốt thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu lứa đôi và một nỗi buồn thê thiết phận người. Đó là một thế giới quá ư vô thường, mỏng manh đến bàng hoàng. Trịnh Công Sơn đã gầy dựng một thế giới tinh thần bất toàn trên cái nền tảng cũng bất toàn của Phật giáo đó là cõi người Sinh - Lão - Bệnh - Tử.
Trong cái nhìn thông thường, có một đứa bé chào đời, đó là một niềm vui. Nhưng với Phật giáo sự lý giải giản đơn chỉ là một kiếp luân hồi. Con người sinh ra để phải chịu bao nhiêu khổ đau. Vì vậy mà với Trịnh Công Sơn đó là một “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Trong cái nhìn tương đồng, kinh Cựu ước cũng viết rằng: “Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai”.

Con người không thể tự quyết định sự ra đời của chính mình, vì nó là câu chuyện dài kỳ của nhân duyên. Với cái nhìn rất chi hồn nhiên vào cõi tồn sinh, Trịnh Công Sơn đã ngơ ngác tự hỏi mình, câu hỏi của nhân loài: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai vươn hình hài lớn dậy”. Một câu hỏi ném vào hư không như một viên đá cuội ném xuống và mất hút giữa mặt hồ cuộc đời rộng thênh thang, có chăng chỉ hồi vọng những vòng sóng nhỏ lăn tăn một nỗi ngậm ngùi. Canh cánh với cái nhìn thấu suốt cõi người, Trịnh Công Sơn không hề né tránh bản chất của Sinh - Diệt, dù ngay khi ông giả định, thì giả định đó cũng là một sự thật tê tái cõi lòng “Hôm nay thức dậy. Không nhìn thấy mặt trời. Như vừa mới vào đời. Tay mẹ đâu rồi. Nôi trống ru ai”. Không có gì khác người khi đó là cái nhìn triết học về thân phận con người ngay từ lúc nó chào đời, nhìn thấy tia nắng đầu tiên và chào cuộc đời cũng bằng thân mệnh của tiếng khóc đầu tiên.

Nhất quán với tư tưởng Phật giáo, Trịnh Công Sơn đã nhìn thấy ngay từ khi sinh ra, trong con người đã tiềm tàng “mầm bệnh”, hữu thân hữu bệnh. Bệnh ở đây là những cơn đau của thể xác và đặc biệt là nỗi đau tinh thần xuất phát từ nhận thức “vì với ý thức, người là một con vật bị bệnh”. Chu Sơn không cần nhiều hàm ý khi viết rằng chính Trịnh Công Sơn “đã chiếm lấy nỗi đau làm báu vật, đồng thời làm vũ khí của riêng mình”. Nỗi đau khổ tâm hồn ấy đã suốt đời như ngôi sao chiếu mệnh người nhạc sĩ tài hoa, khiến ông cất lên những lời ca quán tưởng nhất, giải thích một hợp đồng thân phận trọn vẹn nhất, có sức thuyết phục nhiều người nhất về sự có mặt của Nỗi - Đau - Làm - Người. Sống với những giấc mơ, Trịnh Công Sơn thấy mình hóa thành chim, như nghìn năm trước Trang Tử thấy mình hóa bướm, nhưng rồi ông “như con chim bệnh, thiếu hạnh phúc trần gian”. Bệnh ở đây là sự ngốc dại, ngậm ngùi “tự làm khô héo tôi đây”, “ngủ dài lâu mang theo vết thương sầu”, bệnh đến mệt mỏi, ơ thờ và nặng nề nhất, để lại nhiều di chứng nhất đó là BỆNH YÊU: thắc thỏm chờ đợi, như đứng đi trên lửa, nằm ngồi không yên, chút niềm hy vọng “đôi môi em là đốm lửa hồng” chợt lụi tàn tắt vùi nỗi thất vọng: “Chiều nay còn mưa sao em không lại. Nhớ mãi trong cơn đau vùi”.

 
Đi tìm sự đồng nhất, đồng thuận giữa bệnh = nỗi đau thân xác = nỗi đau tinh thần = nỗi đau tình yêu, Trịnh Công Sơn đã đẩy phạm trù cái “bệnh” của Phật giáo vượt qua giới hạn của cách hiểu thông thường về phạm trù của Bệnh. Bệnh trở thành một thực thể tồn tại như một phần của bản chất Cái Đẹp. Thông qua giai điệu nồng nàn của âm nhạc Trịnh Công Sơn, con người không còn sợ hãi Bệnh, xem Bệnh là một tất nhiên - cái giới hạn mà khi nhận thức được nó, con người sẽ tiến gần đến với sự tiệm ngộ. Đó là một cuộc sống chung, hóa vàng nỗi sợ hãi, những cơn đau thành một cái đẹp vô lời. Bệnh trở thành một đóa hoa lạ trong nhận thức sâu thẳm về phận người. Cái “vết thương thời đại” ấy (chữ dùng của Bửu Ý) là một thú đau thương khá bất ngờ và đầy ma lực của âm nhạc Trịnh.

“Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi”.
Sau phạm trù Sinh, cánh cửa già nua Lão đã kẽo kẹt mở toanh ra một màu tóc trắng. Đã xa rồi khoảng cách bao nhiêu năm của Sinh để tiếp cận với Diệt. Phạm trù Lão trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là sự nối tiếp nỗi buồn của Sinh. Hình ảnh lau trắng = tóc bạc trở lại trong nhiều ca khúc của ông. Nó đến chậm chạp, từng ngày, như cười cợt, như đánh đố, như thách thức kiếp người ngắn ngủi. Và lúc này Trịnh Công Sơn như một đứa trẻ đi tìm trâu lạc ra đồng giữa ngọ tròn mắt ngạc nhiên rồi ồ lên khờ dại: “Chiều hôm thức dậy. Ngồi ôm tóc dài. Chập chờn lau trắng trong tay”. Giữa dòng phù sinh, kiếp người rồi chỉ là một con - phù - du - tóc - bạc. Không ngần ngại nhận thức sự thật trần trụi ấy, tựa vào vô thường, Trịnh Công Sơn ôm cầm thản nhiên ca lời ca yêu thương của một chú ve sầu: “Ôi phù du. Từng tuổi xuân đã già. Một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua”. Dù thông thái, con người chưa bao giờ chịu chấp nhận ngày nọ mình sẽ là con phù du tóc bạc. Nỗi ham sống từ chối ánh sáng hoang mạc như con đà điểu rúc đầu vào cát bỏng từ chối những hiểm nguy đe dọa sự sinh tồn. Phạm trù cái Lão tồn tại tất yếu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, là màu cỏ lau hắt hiu buồn, là một tín hiệu như chiếc then mục cài cánh cửa kết thúc một đời người.

Dù muốn hay không, thất vọng hay hy vọng, cười hay là khóc, thì cái chết, sự chết, nỗi chết vẫn lơ lửng trên đầu con người. Kinh Thánh dạy con người hãy tập làm quen với cái chết “chết đi trở về với chúa ấy là sống muôn đời”. Phật giáo dạy chết là sự thay đổi một trạng thái, là Tán sau khi đã Tụ, một sự tiếp nối vô thường. Triết học hiện sinh xem cái chết là một điều phi lý nhất trên đời, dù là hiện sinh hành động hay hiện sinh Cơ đốc giáo, cũng đều thấy trong cái chết một sự băng hoại tầm thường. Với Trịnh Công Sơn, cái chết là một thường trực, nỗi ám ảnh ngay từ khi một hình hài mới ra đời. Có thể thiết lập một từ điển về cái chết trong âm nhạc Trịnh Công Sơn với hàng trăm “kiểu chết” khác nhau. Chết bất chợt “Chợt như xác thân không còn. Và cạnh tôi là đồng vắng”. Chết trong một lời khuyên nhủ “Thôi về đi, đường trần đâu có gì”. Chết như đất trời lịm tắt “Một ngày như mọi ngày. Từng chiều lên hấp hối”. Cái chết là một vô thủy vô chung “Không có cái chết đầu tiên. Và có đâu bao giờ. Đâu có cái chết sau cùng”. Cái chết thanh thiên bạch nhật trong đời thực “Chìm dưới cơn mưa. Một người chết đêm qua”. Chết trong cả giấc mơ “Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời”.

Có một điều bất ngờ, là ở mỗi “kiểu chết”, Trịnh Công Sơn đều nhìn thấy những tư thế chết bi tráng, hầu như không muốn làm hạt bụi của con người. Cái tư thế mà bậc đại trí Chế Lan Viên sinh thời đã viết “Vê hạt cát thời gian chọi lại với vô cùng”. Có tư thế chết thơ mộng và kêu dũng “Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù. Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần”. Có tư thế chết chỉ là một dấu bàn chân quên trở lại “Chìm dưới cơn mưa. Bàn chân nhỏ bé. Năm nay năm nay đã quên đường về”. Quả là khó có cái chết đau thương nào lại nhẹ nhàng như là “quên” như vậy, mà nỗi đau đã được nén chịu rồi lặp đi lặp lại qua trạng từ chỉ thời gian “năm nay, năm nay...”. Chết chủ động tiếp nhận với tư thế của một lời chào không chút ngại ngần “Đường trần rồi khăn gói. Mai kia chào cuộc đời. Nghìn trùng cơn gió bay”... Và không ở đâu cái chết vốn tràn ngập bi thương và phi lý lại xuất hiện đẹp như đoạn kết một cuộc hẹn hò “Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây”. Vậy đó, sau khi đã mô tả hàng trăm “kiểu chết” tàn lạnh khói hương, tạc vào giai điệu buồn như phúc âm hàng trăm “tư thế chết” dịu dàng và lẫm liệt, Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ, bỗng trở thành một Thiền Sư đốn ngộ với nụ cười nhẹ nhàng rằng cái chết không đe dọa được ai. Tạo hóa đã đùa cợt con người và đến lượt mình con người minh triết có thể “nhân định thắng thiên” bằng cái nhìn trực diện, không trốn tránh và sợ hãi trước cánh cửa vô thường Sinh - lão - bệnh - tử.

* BẬC HÀNH GIẢ SÁNG TẠO THÔNG QUA NHỮNG HÓA THÂN
Nhìn lại chặng đường sáng tạo nghệ thuật, phác thảo chân dung mình, có lần Trịnh Công Sơn nói “Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống” (phác thảo chân dung tôi). Chọn sáng tạo âm nhạc làm hành trang (thực ra thì số phận đã đẩy Trịnh Công Sơn đến với âm nhạc) Trịnh Công Sơn đã đối thoại với cuộc đời và độc thoại với chính mình qua những hóa thân hệt như những giấc mơ đời hư ảo. Hóa thân cổ điển nhất mà người Việt còn thấy trong chuyện cổ tích đó là Tấm khi nàng hiện thân làm trái thị, làm con chim vàng anh hay làm cây xoan đào... Một sự hóa thân như là khát vọng chờ đợi một nhân duyên. Càng nhiều hóa thân thì sự gặp nhân duyên càng lớn. Hóa thân thực chất là những giấc mơ mà xác suất hạnh phúc tùy thuộc vào niềm hy vọng và thái độ trực diện với cuộc đời. Để mở “con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người”, Trịnh Công Sơn đã tự mình hóa thân làm muôn ngàn kiếp. Khi ông là ngọn gió (lòng tôi có khi mơ hồ. Tưởng mình đang là cơn gió), khi là con chim (tôi như con chim nhỏ. Bay về rất ngẩn ngơ), khi là lá cỏ (đời ta có khi tựa lá cỏ), khi là đốm lửa (đời ta có khi là đốm lửa). Có khi Trịnh Công Sơn thấy mình là một cơn mưa (tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời) và có lúc mong “làm một quán đợi, buồn chân em ghé chơi”. Trong giấc mơ hóa thân bên cạnh những hóa thân làm thiên nhiên cây cỏ, sống đời sống thực vật bằng an, Trịnh Công Sơn rất hay mơ trở về với tuổi thơ, thành đứa bé hồn nhiên (hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé). Một trong những hóa thân căn bản và cốt lõi nhất của Trịnh Công Sơn đó là “Hạt bụi”. Một hóa thân có tính chất luân hồi: hạt bụi = thân tôi và sau đó thân tôi = hạt bụi. Đây là một hóa thân căn bản vì nó giải thích thấu đáo nhất câu hỏi ta là ai? ta từ đâu đến? ta đi về đâu? Chính cốt lõi này đã biến âm nhạc Trịnh Công Sơn thành lời kinh mê hoặc được thốt ra từ một hành giả sau khi đã nhìn thấu trọn ba ngàn thế giới.

Tự mình hóa thân, Trịnh Công Sơn còn hóa thân cho cả tha nhân. Trước sự mất mát và cái chết như một nỗi ám ảnh, ông thấy rằng chỉ riêng mình tạo ra những hóa thân là vẫn còn chưa đủ. Từ cái tôi đáng ghét (le moi est haisable) đi qua và “nghe những tàn phai” Trịnh Công Sơn thành con người khác, sống với những chuyến xe, những đám đông, những quán không và cuối cùng là con nước trôi mặc khải như một vô định đời người. Đặc biệt với tình yêu dành cho nhan sắc, Trịnh Công Sơn vẫn mơ hoài những hóa thân “Em”. Đây cũng là một trong những hóa thân đẹp nhất trong những ca khúc tình yêu của Trịnh. Này là “sợi tóc em bồng trôi nhanh trôi nhanh như dòng nước hiền”, này là “tấm lòng em như lá kia còn xanh”, này là “nắng có hồng bằng đôi môi em”. Những hóa thân rất chi bộ phận ấy lạ thay lại nói rất đầy đủ về một toàn thể: nàng đã hiện ra đầy đủ và xinh đẹp đến “tự làm khô héo tôi đây”. Trong một so sánh gián tiếp, hóa thân của Trịnh Công Sơn đạt đến sự đắc thủ siêu hình học :
                        - em đứng lên / gọi mưa vào hạ
                        - em đứng lên / mùa xuân vừa nở
                        - ôi tóc em / dài đêm thần thoại
Nó mở ra một trường liên tưởng có tầm vóc của vũ trụ gợi nhớ một “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” của chàng thơ Huy Cận, một “Lô Sơn yên tỏa triết giang triều” của tài danh Tô Đông Pha. Một “trường khiếu nhất thanh” của sự nhập cuộc đại thống nhất Con người - Vũ trụ trong khát vọng duy mỹ đến tận chân, tận thiện.

Sau khi đã tự mình hóa thân, chuyển dịch thành tha nhân để hóa thân, Trịnh Công Sơn đã đi đến hóa thân cuối cùng như chính lời nguyền sinh mệnh của đời ông: hóa thân thành gương mặt của tình yêu - vì với ông “con người không thể sống mà không yêu”. Từ Cloning đời người, Trịnh Công Sơn đã Cloning tình yêu. Tâm hồn xiết bao yêu thương, xiết bao cô độc và nhân hậu ấy đã xác tín gương mặt tình yêu không phải bằng chiếc khuôn cũ mòn của những phạm trù, khái niệm hay định nghĩa mà là hiện hữu sống động tình yêu là: trái phá, con tim mù lòa, vết cháy trên da thịt người, cơn đau thật dài, trái chín trên cây, cơn bão đi qua địa cầu và cuối cùng giản dị đến cháy lòng như thương áo quen hơi ngọt ngào. Tất cả các cung bậc của tình yêu ấy là từ một hóa thành trăm, thành ngàn, thành vạn. Đó là giấc mơ giữa đời thực, là giấc mơ sinh thành và nối tiếp giấc mơ.

Mang vết thương cuộc đời ngã tự cư, Trịnh Công Sơn như con ve sầu khổng lồ không thôi lột xác để làm những hóa thân ca hát. Trên từng phím đàn, ông mở vết thương lòng mình để chia xẻ với tha nhân. Trong lời ca tuyệt vọng của ông, người ta thấy nhen bừng lên một niềm hy vọng, đó là nơi mà kiếp người phù sinh đã nhìn thấy sự hội ngộ của Thiền tông và lời kinh Phúc âm, nơi mà cánh cửa sinh lão bệnh tử đã được mở ra với niềm hoan lạc thành kính. Giờ đây tiếng con chim Di ấy vẫn còn hót mãi trong  bụi mận gai, hạt bụi ấy vẫn ngày ngày rong chơi lộng lẫy dưới ánh mặt trời. Bậc thức giả ấy vẫn tiếp tục hành giả, giúp con người nhận diện gương mặt tình yêu, những hóa thân như có phép lạ chỉ xuất hiện khi ai đó chợt nhận ra những giấc mơ đời hư ảo.
              N.X.H

(nguồn: TCSH số 206 - 04 - 2006)

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Các bài đã đăng
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)