Tạp chí Sông Hương - Số 206 (tháng 4)
Một thời tôi đã sống
16:14 | 27/11/2008
BỬU NAM* Để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha1. Buổi chiều nắng vàng rực trên tàn cây xanh. Hình như có một con chim nhỏ nào đó đang líu lo trong lùm cây trên cao.
Một thời tôi đã sống

Lớp học Cao học Lý luận văn học này chỉ có ba học viên, hai người tuổi trên 40, một cô còn trẻ và tôi. Chúng tôi đang làm một xêmina về các trường phái tâm lý học văn chương của phương Tây. Những là thuyết “Thấu cảm” (Empathetics), “Hoàn hình” (Gestalt), cái tôi bề mặt, cái tôi chiều sâu, cái tôi tâm linh của người nghệ sĩ, trực giác trong sáng tạo văn chương nghệ thuật...
Tôi nói thêm sau khi anh chị em thuyết trình trao đổi, muốn hiểu rõ những điều đó hãy nghe lại những ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn, hãy đọc lại các ngôn ngữ tuyệt vời trong ca từ của người hát rong qua nhiều thế hệ, kẻ lãng du với những lời ca bay bổng và huyền diệu qua nhiều vùng đất quê hương cỏ hoa thực và mơ này.

Thế giới ca khúc của Trịnh Công Sơn, dù là cất tiếng về tình yêu, phận người hay về một huyền thoại quê hương u buồn đổ nát đau thương của chiến tranh và giấc mơ rực rỡ, bình an của ngày hòa bình cũng thấm đượm chất tâm linh.
Tôi nhớ, có lần, một nhà văn Trung Quốc hiện đại khi ghé Huế và có nói với anh em văn nghệ rằng “chúng tôi đang có khát vọng về một nền văn học nghệ thuật tâm linh”. Dù viết, vẽ, hát về bất cứ đề tài nào, cái chất tâm linh đó sẽ lay động cội nguồn sâu xa ẩn giấu trong trái tim của người thưởng thức và nó sẽ vượt thời gian.
Âm nhạc và đặc biệt cái thế giới ca từ của Trịnh Công Sơn đã làm được điều đó bằng sự tài hoa, tinh tế và chất thơ của tâm hồn nghệ sĩ giản dị nhưng lớn lao như bầu trời lồng lộng qua mọi cung bậc của trái tim.
Điều đó lý giải tại sao hàng triệu người ưa thích thế giới âm nhạc của anh. Người ta tìm thấy hình bóng của những tâm trạng, những khắc khoải, những mơ mộng chung và riêng của mình trong những bài ca của anh.
Và sự vinh quang tột cùng của một nghệ sĩ là lòng yêu mến của quần chúng.
Đám tang của anh cách đây mấy năm là một minh chứng. Hàng vạn những người mà âm nhạc của anh đã đi vào lòng họ trong mọi khoảnh khắc và thời tiết của đời sống, đã đưa tiễn anh về cõi thiên thu. Anh đã rời bỏ cái chốn “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” ở cõi tạm này, để đi tới cõi vĩnh hằng hư không đó.

2. Tan giờ học, tôi rời lớp. Đi xuống, ngang qua một hành lang của dãy học đường, bỗng từ đâu cất lên một dàn đồng ca líu lo “Em đi qua chuyến đò,... và trăng là tên lãng du”(...), cái ca khúc “Biết đâu nguồn cội” ấy, cái giai điệu nhí nhảnh vui tươi thanh thoát trên cái nền dân ca ấy lại tỏa ra mùi hương ngậm ngùi về cái hữu hạn của kiếp người trên cái cõi tạm thế gian. Cái nghịch lý giữa giai điệu, ca từ và nghĩa, cũng là nét lạ trong một số ca khúc đặc sắc của người nhạc sĩ - thi sĩ này.
Tiếng hát ấy cất lên từ một lớp học. Tôi ghé mắt nhìn vào. Ba khuôn mặt rất trẻ, hai nữ và một nam đang say sưa hát. Tôi độ chừng họ đang tập cho một buổi diễn.
Và tôi nhớ lại hơn ba mươi năm trước, cũng ở ngôi trường này, thế hệ tôi cũng đã từng hát bài này, và nhiều bài khác của “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam”, “Ta phải thấy mặt trời”..., và nhiều nhất là nhạc tình của họ Trịnh như “Hạ trắng”, “Nắng thủy tinh”, “Diễm xưa”, “Đêm thấy ta là thác đổ”...

Tôi nhớ lại những buổi sinh hoạt ngoài trời hay trong lớp, những buổi đi lao động, hay những lần đi làm công tác xã hội ở nông thôn, trái tim của thế hệ chúng tôi hòa nhịp với lời ca “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài gòn- Hà Nội”...
Trường ĐHSP Huế đã có một tuổi đời gần năm mươi. Trên hai phần ba chặng đường đó, những ca khúc của Trịnh Công Sơn đi cùng với các thế hệ sinh viên, cùng với những kỷ niệm, ước mơ, tâm tình buồn vui của một thời đẹp khi người ta đang còn cắp sách tới các giảng đường.
Và tôi còn đồ rằng cái thế giới ca khúc của nhạc sĩ tài hoa này còn sống mãi với các thế hệ sinh viên Sư phạm tương lai. Tôi tin rằng khi nào ngôi trường này còn tồn tại, thì tuổi trẻ của nó, vẫn còn hát nhạc Trịnh Công Sơn và xem những ca khúc của anh như một người bạn đường tâm tình.

3. Cũng sắp đến ngày giỗ đầu của anh, ngày 1/4 cũng gần với dịp hội trường Sư phạm Huế sắp năm mươi năm. Tôi muốn nói lên ở đây một vài kỷ niệm với những ca khúc của Anh, với con người Anh và Ngôi trường mà đôi khi như một định mệnh, tôi đã sống với nó đã hơn ba mươi năm, kể từ ngày tôi mới bước chân vào ngưỡng Đại học. Dĩ nhiên là thông qua lăng kính của những ký ức cá nhân.
Sinh thời, TCS rất thích những hội lễ. Hội lễ của bốn mùa, hội lễ của phố, hội lễ của tâm hồn, kiếp người và cả lịch sử.
Hội lễ, đó là nơi hội tụ của gặp gỡ trùng phùng, những phiêu dạt ly tán, của những huyên náo, rầm rộ, rực rỡ, ồn ào và cõi tĩnh lặng bên trong, những bùi ngùi của kỷ niệm, những tiếc thương cho những ngày tháng của tuổi trẻ đã qua.
Gặp gỡ rồi chia tay, về và đi, tưng bừng rồi tàn lụi, cõi thực và cõi mơ, cõi khát vọng cũng là một sắc màu chính của Hội lễ, mà trong đó đặc biệt là Hội trường.

4. Tôi làm quen với ca khúc của TCS từ năm 1967. Thuở đó có người bạn tôi rất mê nhạc và đặc biệt là ca khúc TCS.
Những lúc học đêm trong gian nhà thờ âm u của Phủ Tùng Thiện, giữa ánh sáng lờ mờ của cây đèn dầu, những bài hát “Lời buồn thánh”, “Diễm xưa”, “Nhìn những mùa thu đi”... được anh bạn tôi, Phan Hùng Dũng cất lên trong tiếng ghi ta bập bùng và tôi say mê nghêu ngao hát theo.
Anh bạn đó ước mơ sau này sẽ vào trường ĐHSP rồi ra làm thầy giáo dạy Toán. Nhưng rồi anh thi rớt Sư phạm, qua học Dự bị khoa học, bị bắt lính, vào quân trường, rồi đào ngũ trốn lính. Sau này, những ngày đời sống khắc nghiệt của những năm 78, 79, anh đi lang thang kiếm sống. Và nghe nói đã gục chết bên hè đường nào đó ở một thành phố phương .
Trong những ngày cuối trước khi quyết định rời bỏ Huế vào phương Nam, anh hát cho tôi nghe “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...” với giọng khàn đục, và một khuôn mặt mòn mỏi. Âu cũng là một lời hát tiên tri cho một kiếp người.

5. Rời bỏ ngôi trường Trung học Thiên Hựu, một ngôi trường thâm u, nghiêm trang, lặng buồn, cách ly với cuộc sống, tôi bước sang ngã rẽ khác của cuộc đời, bước vào lớp 12C1 của trường Quốc Học.
Chính nơi đây tôi bắt đầu làm quen với một thế hệ bạn bè nổi loạn, phản chiến rồi có người dấn thân quyết liệt chống chế độ cũ. Những Nguyễn Công Thắng, Trịnh Xuân Hùng, Đinh Trường Hinh, Lạc, Thông, chú Thịnh... Đó cũng là một thế hệ mơ mộng làm văn chương.
Những buổi giải lao, ngồi với nhau đàm đạo về chuyện mai sau, chuyện đời, chuyện văn chương và chuyện quê hương, ở sân “đá banh” của trường Quốc Học, bên tai chúng tôi cứ văng vẳng những bài hát của TCS “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe...”, “Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín...”, “Tôi có người yêu chết trận Pleime, chết trận Đồng Xoài...” trên chiếc cassette cũ mòn, những bài ca như một thứ kinh cầu cho tuổi trẻ chúng tôi, cho quê hương chúng tôi, một tuổi trẻ và quê hương chìm trong lửa đạn chiến tranh.

Chính thời gian này, tôi gặp một định mệnh của đời mình: Thầy Ngô Kha, một trong những cựu sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm, Ban Việt-Hán. Thầy, nhưng đối với chúng tôi thuở đó như một người anh, một người bạn lớn và chúng tôi cứ gọi lẫn khi thì Thầy, khi thì Anh, mà Anh lại nhiều hơn thầy.
Anh Kha lúc đó dạy Công Dân ở lớp 12, anh đã học thêm Cử nhân luật mấy năm trước đó. Một khuôn mặt gầy, cương nghị, nhưng rất nghệ sĩ. Thời gian đó anh đã nổi tiếng như một nhà thơ Siêu thực rồi Dấn thân, một cái type nghệ sĩ như kiểu , Eluard, anh đã từng là một trong những khuôn mặt lớn của phong trào đấu tranh đô thị những năm từ 65, 66 trở đi. Anh Kha lại là bạn rất thân với Trịnh Công Sơn và cũng là em rể Sơn và sau này tôi biết thêm, anh Kha có một tác động khá lớn đến thái độ dấn thân thêm của TCS.

Anh Kha dạy Công Dân rất hay, lúc đó anh đã đề cập rất sâu đến nền dân chủ của nhân dân. Nhân dân có quyền phản kháng, kể cả quyền lật đổ khi chính quyền đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Anh kiêm thêm trưởng ban Báo chí-Văn nghệ của Trường Quốc Học. Chính tham gia làm tờ báo Xuân của Trường có tên “Kết Hợp” mà chúng tôi thân anh thêm. Ở tờ báo đó, tôi viết bài “Thư ngỏ gửi Quý Thầy, Cô” để thể hiện khao khát một nhà trường dấn thân hơn đối với Quê hương, Đất nước và những khắc khoải của một thế hệ trẻ bất an. Chính bài báo này, rồi bài thơ phản chiến “Lời cầu kinh buổi chiều” của tôi, bài của anh Kha về trí thức dấn thân, bài thơ “Đứa bé và ổ bánh mì” của Nguyễn Công Thắng (ký tên Nguyễn Thạch Lam), rồi thơ của Trịnh Xuân Hùng, Nguyễn Văn Việt Châu (con của thầy Nguyễn Văn Hai) và một số anh em khác đã làm xôn xao cả trường.

Sau gần 10 phiên họp của Ban Giám hiệu và Hội đồng giáo viên trường, dù anh Kha đã hết sức hùng biện và dù tập thể học sinh lúc đó đã gây áp lực bằng cách vận động ra tuyên cáo, Tờ báo cũng bị thu hồi, dẫu đã in xong một ngàn số, vì tội khuynh tả, phản chiến... Nghe đâu có sự tác động ngầm của các thế lực đảng phái cực hữu, cảnh sát và chính quyền cũ.

Chính những lúc chuẩn bị ra mắt tờ báo và khi chưa có quyết định cuối cùng của Nhà trường về số phận của nó, chúng tôi tập văn nghệ và lần này những bài hát mới có tính chất dấn thân hơn, hào hùng hơn và tiến bộ hơn của TCS như “Những giọt máu trổ bông”, “Huế-Sài Gòn-Hà Nội”, “Nối vòng tay lớn” được chúng tôi hát. Cũng chính trong dịp này anh Kha đưa anh Sơn đến giới thiệu cho chúng tôi.
Từ “Ca khúc da vàng”, phụ khúc “Ca khúc da vàng” đến “Kinh Việt Nam”, “Ta phải thấy mặt trời” là một sự vận động rõ rệt của tư tưởng nghệ thuật dấn thân của nhạc sĩ tài ba này. Chính các ca khúc trong các tập nhạc này đã góp phần thức tỉnh tinh thần phản chiến, đòi hòa bình rồi sau đó là thái độ đấu tranh cho một Việt Nam Hòa Bình, Thống Nhất, không còn ngoại xâm, đối với cả một thế hệ trẻ Học sinh, Sinh viên miền Nam hồi đó, đặc biệt là sinh viên Huế như Bửu Chỉ, Võ Quê, Nguyễn Duy Hiền...

Sau khi thi đậu Tú tài II, tôi có ý định học Triết ở Văn khoa, như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Kim Lan trước đó và Trần Phá Nhạc sau này.
Thực ra, với thế hệ chúng tôi, thế hệ miền Nam trước 1975, những cơn gió Thiền Luận (Zen) thổi từ Nhật Bản tới, Krishnamurti từ Ấn Độ, rồi cơn gió hiện sinh của Kierkegaard, Sartre, Camus, Jarpers(...) từ phương Tây tạt vào làm xao động trong cõi tâm linh một cơn xoáy lớn về những vấn nạn siêu hình: Tôi là ai giữa cõi thế này, ý nghĩa của cuộc đời này là gì? Và đặc biệt là sự thao thức với thân phận hạn định của kiếp người mà trên hết là sự ám ảnh của cái chết. Những thao thức đó, băn khoăn đó lại chất chồng những câu hỏi về thân phận quê hương, chiến tranh, hòa bình mà với nhịp độ tăng tốc chóng mặt của cuộc chiến, biết bao nhiêu người tuổi còn xanh như chúng tôi đã ngã xuống trên mọi nẻo đường xứ sở ... (cái chất siêu hình tâm linh đó cũng là một nét khá đậm trong thế giới ca khúc của Trịnh Công Sơn).

Tôi vào trường ĐHSP như một sự tình cờ, một sự “cá cược”. Thuở đó, thi vào trường Sư phạm rất khó, cả ngàn người thi chỉ lấy có 40 một chuyên ngành, vả lại Trường Sư phạm là trường duy nhất có học bổng đủ cho hai bữa ăn, ở quán ăn sinh viên, lại ra trường chắc chắn có một chỗ dạy nào đó ở miền Trung hoặc Cao nguyên. Một anh bạn tôi bảo rằng thi vào Sư phạm chắc rớt. Còn rất trẻ, tự ái, tôi bảo nếu tôi đi thi phải đậu. Rồi chúng tôi cược. Phần cá cược là một chầu bún bò.

Cá cược xong, tôi mới thấy lo. Từ ngày đậu Tú Tài Toàn Phần cho đến ngày thi vào trường Sư phạm chỉ còn chưa đầy hai tháng. Thế là tôi lao đầu vào học ngày đêm ở gian Phủ Tùng Thiện giữa những cây vải cổ thụ già, một nơi vắng lặng, tịch liêu, kết quả, tôi đậu cao, đậu nhì khóa ở ban Việt-Hán, sau Lê Tây, đậu đầu. Sau này tôi và Tây cứ thay phiên nhau đứng đầu lớp trong 4 năm học. Cùng thi đậu với tôi còn có Nguyễn Công Thắng, bạn học với tôi thời Quốc Học, Tôn Nữ Thu Thủy, ở Đồng Khánh lên, Nguyễn Viết Kế, một huynh trưởng Phật tử, rồi Trương Văn Hoàng ở Quảng Nam ra, thêm Trần Văn Hội, Hoàng Xuân. Nhóm Trương Trần Hoàng này những năm 73 trở về sau là nhóm Đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh. Hoàng sau là Trưởng ban Cán sự Đảng sinh viên Đại học Huế, Hội là Trưởng Ban cán sự Đảng ĐHSP...

Nhưng sau ngày giải phóng Huế 26.3.1975, số phận không mỉm cười với nhóm Trương Trần Hoàng này.
Hoàng, sau một thời gian ngắn, trái tim đầy lý tưởng “Tiểu Hồng vệ binh”, và quyền uy lẫy lừng một thời trong giới sinh viên Huế, thì phát hiện bị bệnh phung. Lặng lẽ rời bỏ tất cả, vào chữa trị ở một bệnh viện Sài Gòn. Rồi một đêm mưa gió năm 1976 đã tự sát bằng những phát K54 vào đầu.
Hội, bị địch bắt vào gần cuối năm 1974. Giải phóng xong, anh bừng ngộ: cuộc đời này chỉ là “một cõi bồng bềnh mây trắng bay.” Anh làm một “Từ Thức” tự đày mình vào một huyện heo hút ở Đắc Lắc, trở thành kẻ “ẩn cư giữa cuộc đời”.
Xuân, thì yêu thiết tha từ thời sinh viên một cô gái đẹp mặn mà, con một Trung Tá chế độ cũ đã tử trận, bị tổ chức đặt cho một song luận nan giải, chọn giữa tình yêu hay lý tưởng. Lòng như một cái mền rách xơ mướp, anh đã rầu rĩ ở lại với lý tưởng (...) 

Chưa vào Đại học Sư phạm một ngày, mới chỉ có tên danh sách trên bảng thi đậu, thì một tình cờ khác, dẫn tôi vào cơn bão táp đấu tranh của phong trào sinh viên học sinh Huế ở cao trào 1971-1972.
Một buổi sáng tháng bảy nọ, khi đang đi lơ ngơ trên đường Trương Định, ngang qua trụ sở Tổng hội sinh viên, thì tôi nghe ai gọi tên tôi từ trong Tổng Hội. Tôi giương cặp kính cận lên nhìn, thì ra đó là Anh Ngô Kha. Anh kêu tôi vào giới thiệu với Võ Quê, Nguyễn Duy Hiền, Lê Văn Thuyên, Trần Hoài... như “một kẻ được chúa chọn”, như một cây bút chủ chốt của tờ báo “Kết Hợp”, và một type phản chiến và “dấn thân” theo kiểu Sartre.
Trong những anh em sinh viên dấn thân đó, rất nhiều người là học trò của anh Ngô Kha như Võ Quê, Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Lê Văn Định, rồi trước đó Bửu Chỉ, và cả Lê Khắc Cầm. Nhưng tất cả đều coi anh như một người anh và một người bạn. Chính ở đây tôi cũng được anh Kha giới thiệu gặp Trịnh Công Sơn lần thứ hai.

Thuở đó nhạc TCS đã bắt đầu có màu sắc đấu tranh mạnh mẽ hơn với tập “Ta phải thấy mặt trời”, anh đã thở cùng nhịp với cao trào đấu tranh của tuổi trẻ học đường miền Nam, cùng với các ca khúc của Tôn Thất Lập, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng, Nguyễn Phú Yên... Trong những đêm không ngủ ở các sân trường Đại học Huế và những ngày xuống đường, các ca khúc này được mang cái tên là “Hát cho đồng bào tôi nghe”, những bài hát đấu tranh nồng nàn lòng yêu nước này như là nguồn cổ vũ tinh thần lớn, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng và kể cả căm thù bất công, áp bức và chiến tranh phi nghĩa, của một thế hệ sinh viên học sinh yêu nước.

Hồi đó, Tổng hội sinh viên (THSV) Huế đã nhuốm màu cánh tả, cùng với phong trào Sài Gòn của Huỳnh Tấn Mẫn. Đặc biệt là sau Đại hội SVHS toàn quốc và các lực lượng yêu nước khác diễn ra ở Huế vào tháng 7 năm 1971. Phong trào SVHS và đô thị miền Nam Việt Nam đã nêu lập trường chống sự can thiệp Mỹ, đòi Mỹ phải rút quân, phải thay chính quyền hiếu chiến quá dính sâu với Mỹ và tán thành lập trường 7 điểm về Hòa bình của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đặc biệt về sự hòa hợp hòa giải dân tộc, và những phe phái miền Nam phải ngồi lại đàm phán với nhau để giải quyết cuộc chiến.

Cánh sinh viên ĐHSP chiếm vị trí quan trọng ở THSV. Với anh Lê Văn Thuyên, làm Chủ tịch Tổng hội, anh Nguyễn Hoàng Thọ làm Chủ tịch Ban đại diện sinh viên Sư phạm, ngoài ra còn có anh Trần Hoài (học trước anh Thuyên một năm) và, anh Lê Hữu Huế (làm thơ ký Lê Nhược Thủy) và anh Văn Công Liên (là Giám đốc Trung tâm Nghĩa thục Lương Văn Can). Bên cánh Văn khoa có anh Võ Quê (làm Trưởng khối Báo chí), anh Nguyễn Thanh Minh, cánh khoa học có anh Nguyễn Kỳ Sơn, cánh luật, có anh Bửu Chỉ (là Tổng thư ký Hội Sinh viên sáng tác), anh Nguyễn Duy Hiền, cánh Y có anh Võ Văn Cần, anh Phạm Văn Rơ, anh Nguyễn Trận... cánh Mỹ thuật có anh Phan Hữu Lượng, cánh sinh viên Công giáo có anh Đức, anh Tường.. Tổng đoàn học sinh có Hoàng Thị Thọ, Nhân, Dung, Trân...

Tôi nhập cuộc vào phong trào đấu tranh lúc nào không hay, tự nguyện góp ngọn lửa của trái tim mình vào ngọn lửa đấu tranh chung của phong trào cho Mặt trời Hòa bình rạng sáng, cho quyền Dân tộc tự quyết...
Các cuộc đấu tranh cứ dâng lên như các lớp sóng thủy triều, từ vụ sinh viên Đặng Duy bị xe Mỹ cán chết, cho đến vụ học sinh Bảo Dũng cũng vậy, phong trào đốt xe Mỹ dâng cao, các cuộc biểu tình rầm rộ mà chính quyền cũ không dám can thiệp.
Rồi đến đỉnh cao là cuộc đấu tranh chống bầu cử Thiệu độc diễn vào 3/10/1971. Lúc này các cuộc biểu tình, bãi khóa lớn chưa bao giờ từng thấy. Cảnh sát chế độ tung ra đàn áp mãnh liệt.
Sau đó, cuộc biểu tình, bãi khóa khắp tất cả các trường Trung học ở Huế, đặc biệt là hai trường Quốc Học, Nguyễn Du, khi anh Ngô Kha bị địch bắt ngày 6/3/1972, với các khẩu hiệu của học sinh như “Hãy trả thầy giáo Ngô Kha lại cho chúng tôi”, “Đả đảo bọn ăn cướp Thầy”. Trước sức ép và khí thế của các cuộc đấu tranh, chính quyền Thừa Thiên-Huế cũ buộc phải trả tự do cho anh Kha.

Sau này, anh Bửu Ý kể lại với tôi, “Ông không nhớ chứ, ngày đó mình đang dạy tiếng Pháp ở trường Hưng Đạo (nay là Sở Giáo dục Thừa Thiên-Huế), ông vào lớp mình, kêu gọi học viên bãi khóa để đòi trả tự do cho anh Kha”.
Anh Bửu Ý là cựu sinh viên Đại học Huế, Ban Pháp văn, khóa I (1957-1960) và cũng là bạn thân của TCS, anh Ý viết nhiều bài rất hay và sâu về nhạc sĩ họ Trịnh và cũng thân anh Sơn qua anh Kha (mà anh Bửu Chỉ cũng vậy, qua anh Kha đã gặp gỡ với TCS, cùng với anh Kha trên một chiếc hải thuyền của chế độ cũ, do một sĩ quan tiến bộ, yêu nước, có thiện cảm với phong trào đấu tranh đô thị miền Nam chỉ huy, để bàn chuyện thời sự và liên kết hành động. Sở dĩ phải đàm đạo trên một chiến thuyền giữa biển khơi là vì để tránh sự lùng suc và con mắt soi mói, rình mò của mật vụ chế độ cũ. Sau này, những tập ca khúc “Kinh Việt Nam”, “Ta phải thấy mặt trời” của nhạc sĩ đều có tranh phụ bản phản chiến của người họa sĩ nổi tiếng của phong trào sinh viên và của Huế này. Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ, trong các ca khúc này như đôi trẻ song sinh trong hai ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, nhưng bổ sung và minh họa cho nhau, trình bày cùng một thái độ dấn thân ...)

Tôi bị bắt giữa lúc đang đảm nhiệm công tác cứu trợ đồng bào lánh nạn bom đạn ở Quảng Trị ở trường Sư phạm Huế, vào một ngày đẹp trời cuối tháng Tư năm 1972.
Nói cho đúng ra, chúng đã bắt hụt tôi khi một viên cảnh sát mật đến hỏi tôi, anh có phải Bửu không? Khi đó, tôi đang dọn dẹp một lớp học cho đồng bào vào trú ngụ, hai tay tôi đang còn cầm hai cái ghế.
Tôi ngạc nhiên tưởng đâu ông ta đến tìm thân nhân trong đồng bào tị nạn và trả lời “Phải, tôi đây, bác hỏi có việc gì”? - Tôi có lệnh bắt anh, viên cảnh sát đáp.
Như một ánh chớp, tôi phang cả hai ghế vào viên cảnh sát rồi tung người chạy, cả một đám cảnh sát 6,7 người lao vào vây tôi. Chẳng hiểu sao, lúc đó tôi mạnh vô cùng, đấm đá một cách tuyệt vọng như hổ sa lưới, làm tụi đó phải giạt cả. Nhưng chiếc kính cận của tôi bị rơi, khi tôi chạy hùng hục về trụ sở THSV ở gần đó.
Nửa tiếng sau, thì cả chục chiếc cảnh sát đã vây kín THSV để bắt tất cả anh em phong trào.

Đang nằm nghỉ, tôi nghe Lê Dung (sau này là Giám đốc Nhà thiếu nhi) kêu thất thanh: Anh , cảnh sát vào bắt. Tôi tung mình vọt ra cửa sau, định nhảy qua hông Tổng hội nhưng không ngờ, vì không có kính, đã lao vào một lùm giây thép gai. Cả người tôi rách tươm, khi gỡ ra được khỏi giây thép gai thì ba cảnh sát đã chờ sẵn, giơ còng, tôi đã bị bắt, cùng với gần như tất cả anh em đấu tranh trong phong trào sinh viên ở Tổng Hội. Chiến dịch Bình Minh của địch đã bắt đầu.
Sau này, có viên chỉ huy cảnh sát khi hỏi cung tôi, anh ta nói: “Anh có võ à, sao mà tụi đi bắt anh về báo vậy”.
Tôi cười thầm. Võ gì, võ khoai à. Tôi mới chỉ học Judo lên chưa tới đai cam, thì một anh bạn vật một cái, vẹo cả vai, phải nghỉ học võ tới giờ....
Tôi thấy trong mắt kẻ hỏi cung tôi một ánh khiếp sợ, vì cái bóng chiến thắng của chính nghĩa mà vì nó chúng tôi đang chiến đấu đang đến gần.

(...) Anh Kha đã bị bắt, bị thủ tiêu lúc hiệp định Paris mới bắt đầu. Lúc đó, anh Trịnh Công Sơn đã viết một Thư ngỏ rất cảm động, bày tỏ thái độ quyết liệt với chính quyền Thiệu và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai Hòa Bình, Thống Nhất Đất nước...
(...) Bây giờ cả hai anh và cả anh Bửu Chỉ nữa đều đã là người thiên cổ...
Nhưng đâu phải chết là hết. Hình bóng của các anh, những hành vi, cử chỉ, tình yêu của hai anh đối với đất nước, con người và Huế, qua việc làm và tác phẩm, vẫn ghi khắc mãi trong tim chúng tôi và các thế hệ trẻ bây giờ rồi mai sau (...)
Và đôi khi, tôi vẫn còn có cảm giác thoáng thấy mơ hồ hình bóng các anh như một “đóa hoa vô thường”, đang mỉm cười lặng lẽ tỏa mùi hương ngậm ngùi trong chập chùng sương khói của cõi thế này và như đang lẩn quất đâu đây giữa một Huế đẹp não nùng ở những ngày tháng ba (...)
      B.N

(nguồn: TCSH số 206 - 04 - 2006)

 

 

Các bài mới
Nhớ chim (27/11/2008)
Các bài đã đăng
Hoa Bằng lăng (27/11/2008)