Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Đọc “Người kinh đô cũ” nghĩ về sự cần thiết đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết
16:25 | 28/11/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ“Người kinh đô cũ” (NKĐC - NXB Hội Nhà văn, 2004) là tác phẩm thứ 14 của nhà văn Hà Khánh Linh, cũng là tác phẩm văn học dày dặn nhất trong số tác phẩm văn học của các nhà văn ở Thừa Thiên - Huế sáng tác trong khoảng 20 năm gần đây.

Với độ dày 576 trang, với chất liệu là những biến động lịch sử trên một vùng đất nổi tiếng như Huế và sự thăng trầm của hàng loạt nhân vật thuộc dòng dõi Hoàng phái đậm đặc chất “Huế” trong hơn nửa thế kỷ (từ 1936 đến 2000), hẳn là tác giả cũng kỳ vọng là tác phẩm sẽ tạo được ấn tượng nào đó trong dư luận - trước hết là ở đất Cố đô - đồng thời góp phần đáp ứng đòi hỏi “tác phẩm lớn có giá trị” mà công chúng lâu nay đã đặt ra trước đội ngũ văn nghệ sĩ.
Về mặt nội dung, đề tài, có thể nói rằng mấy chục năm nay ở Huế chưa có tác phẩm nào ôm trùm một không gian và hiện thực rộng lớn như NKĐC. Nếu tôi không nhầm, vì nhiều nguyên nhân (sẽ nói ở phần sau), NKĐC còn ít độc giả biết đến. Kể ra, hiện nay hầu hết sách văn học - trừ một số ít cuốn có “vấn đề” hoặc được “lăng-xê” đặc biệt - đều có số phận như thế. Vậy nên, trước khi góp đôi lời bàn, xin thử tóm tắt cốt chuyện NKĐC.

Tiểu thuyết chủ yếu lấy Huế làm bối cảnh; có một số chương, tác giả cho nhân vật ra Thanh Hoá và vào Hội An sinh sống. Nhân vật chính là Bửu Toàn, Chánh văn phòng Toà Khâm sứ, con trai của Ân Thuỵ Thái Vương. Vào lúc dân chúng Huế nô nức đón phái đoàn Godart (Chính phủ Bình dân Pháp), thì dinh luỹ phong kiến phủ Vinh Quốc Phong lại bắt đầu lung lay bởi một chuyện... tình: Bửu Toàn ra tòa ly di vợ là Nguyễn Khoa Diệu Anh, do không cưỡng nổi sức cám dỗ của bà Mộc Lan, một doanh nhân tài sắc vẹn toàn, tuy bà nhiều tuổi hơn chàng! Bị cả gia tộc phản đối, Bửu Toàn phải xin đổi vào Hội An sống với Mộc Lan cùng 2 cô con gái riêng xinh đẹp của bà là Hương Thảo và Đoan Thuận. Nhưng chẳng bao lâu, bà Mộc Lan bị bệnh qua đời. Đó cũng là thời kỳ Nhật vào Đông Dương, hất cẳng Pháp và phong trào Việt Minh - thông qua luật sư Kim Hồng Ân, bắt đầu có ảnh hưởng đến gia đình Hoàng phái này.

Ngay trước ngày Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Huế, Ân Thuỵ Thái Vương qua đời. Bửu Tín (em Bửu Toàn) đang là tri phủ Thiệu Hoá (Thanh Hoá) đem vợ và 2 công tử là Vĩnh Cơ, Vĩnh Bảo về Huế chịu tang rồi kẹt lại ở đây để 17 năm sau, đến thời họ Ngô, Vĩnh Cơ bị bắt lính, sau 1975 trở thành nhà báo; còn Vĩnh Bảo hoạt động trong phong trào sinh viên, sau “Tết Mậu Thân” lên rừng và trở thành hoạ sĩ ở Hội Văn nghệ sau ngày đất nước thống nhất; cuộc đời cô út Công Huyền Tôn Nữ Liên Chi mà Bửu Tín gửi lại cho bà vú cũng rất “tiểu thuyết”: cô phải trốn chạy Việt Minh về làm thôn nữ ở quê bà vú, rồi làm công nhân giao thông, may gặp hoạ sĩ Từ Huy từ Hà Nội đi thực tế; năm 1968, anh vào Huế chiến đấu ở Huế, sau 1975 trở về quê cưới Liên Chi và đưa cô về tìm gặp lại gia đình”. Chuyện riêng Bửu Toàn thì còn “tiểu thuyết” hơn: sau khi Mộc Lan chết, ông đưa 2 con riêng của bà về Huế nhưng không chịu sống chung với vợ cũ (Diệu Anh) và trớ trêu thay là Đoan Thuận lại thầm yêu ông; người bố dượng chạy trốn mối tình trong trẻo, nồng cháy mà trái lẽ thường này cho đến đúng ngày Huế chứng kiến Bảo Đại thoái vị thì Đoan Thuận đã chủ động hiến mình cho ông để rồi năm 1948, có vị khách lạ mang đến nhà ông một cô bé con kèm lá thư của Đoan Thuận viết từ chiến khu nhờ ông nuôi dùm. Sau 1975, “cô bé” trở thành giáo sư Đại học và là một cán bộ Tỉnh đoàn... Còn Bửu Toàn, tuy ông từng là Việt Minh, là người ủng hộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, nhưng ông không trở thành cán bộ, cũng không là đảng viên...

Không thể kể hết các nhân vật và vô vàn biến cố trong NKĐC. Đan xen với dòng đời các nhân vật, tác giả hầu như không bỏ qua một sự kiện lịch sử nào ở Huế trong hơn sáu thập kỷ đầy biến động cuối thế kỷ 20. Có sự kiện tác giả nêu kèm tên thật nhân vật (như Đặng Văn Việt treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Ngọ Môn trong Cách mạng Tháng Tám), còn vụ lính Sài Gòn phản chiến năm 1966 do tướng Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, tác giả lại đặt tên viên tướng là Nguyễn Chí Thiện...
Như vậy về nội dung, đề tài, cách bố trí hệ thống nhân vật và các sự kiện lịch sử, NKĐC thể hiện ý đồ xây dựng một tiểu thuyết sử thi (TTST) của tác giả . Đánh giá đúng đắn mức độ thành công và ảnh hưởng của một tác phẩm văn nghệ là một việc không đơn giản - có khi nhận định của một “hội đồng” có uy tín mà vẫn sai lạc - nên cần có thời gian, lắng nghe ý kiến nhiều chiều và đặt nó trong nhiều mối tương quan khác. Do đó, những ý kiến sau đây chỉ là cảm nhận đầu tiên của một cá nhân.

1.- Trong tình hình TTST Việt Nam hầu như chưa có cuốn nào thật sự thành công và công  chúng ngày càng có xu hướng ngại đọc những tập sách dày do thì giờ rỗi đã bị giảm thiểu vì cuộc đua chen trong một cuộc sống quá nhiều biến động hoặc đã sử dụng vào những cách giải trí hữu ích và vô bổ, NKĐC ra đời, với nội dung rộng lớn và phong phú, tư tưởng tốt, chứng tỏ tác giả là một người can đảm, không ngại xông vào một thể loại khó khăn, đòi hỏi rất nhiều tài năng và công phu, đồng thời thể hiện tính kiên định về mặt nghệ thuật. Nếu tôi không nhầm thì tác giả NKĐC hầu như không bận tâm đến vấn đề đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết mà “thiên hạ” đang bàn tán lâu nay. Nói cho công bằng, “đổi mới nghệ thuật” chưa hẳn đã đảm bảo thành công cho tác phẩm; vì có truyện sáng  tác theo “phương pháp cổ điển” vẫn được người đọc hâm mộ và ngược lại, có không ít sáng  tác cố gắng noi theo những trào lưu nghệ thuật mới nhưng lại thất bại. Ở đây cũng có thể nói ngay là NKĐC có đầy đủ chất liệu để xây dựng một phim truyền hình nhiều tập về Huế gắn với lịch sử cách mạng Việt trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.

2.- NKĐC chưa (hoặc không) gây được dư luận, ngoài lý do thị hiếu người đọc thay đổi đã nói ở trên, còn vì những điều dễ thấy: sách chỉ in 700 cuốn, hình như chỉ phát hành ở Hà Nội và một số thành phố lớn, lại không hề được quảng cáo thì rất dễ bị chìm trong thế giới sách hỗn độn đủ loại chất ngất trong các nhà sách. Tôi tự hỏi: Một tiểu thuyết viết về Huế, đậm đặc chất Huế, nhưng liệu người phát hành chuyển về được mấy cuốn cho mấy chục vạn dân Huế? Đó là xét về mặt thị trường, về trách nhiệm của người giới thiệu, cung cấp sản phẩm văn hoá cho công chúng. Trong cơ chế thị  trường, nhất là về lĩnh vực sách, thành ngữ “hữu xạ tự nhiên hương” không hẳn đúng. Mới đây, truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, sau khi đăng báo “Văn nghệ” lại được báo “Tuổi trẻ” (tờ báo in mỗi kỳ trên 30 vạn bản!) “lăng-xê”, liền trở thành “hiện tượng” chiếm kỷ lục phát hành sách văn học cuối năm 2005.

Tất nhiên Nguyễn Ngọc Tư được nhiều người tìm đọc còn vì giá trị tác phẩm. Trường hợp NKĐC, chưa bàn đến nghệ thuật tiểu thuyết, chỉ riêng về nội dung, có lẽ tác giả chưa làm bạn đọc thoả mãn, chưa đặt ra được những vấn đề người đọc quan tâm. NKĐC tránh được nhược điểm của một số TTST Việt Nam xuất bản trước đây là quá nặng về các sự kiện lịch sử, khiến sự kiện lấn át số phận nhân vật - nhân tố chính tạo nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết -; nhưng hầu như sự kiện nào cũng được nhắc tới mà miêu tả quá sơ sài, nhân vật không có “đất” để thể hiện diễn biến tâm lý như trong NKĐC thì tác phẩm lại trở nên sơ lược. Không ai buộc nhà tiểu thuyết phải chia đều số trang cho từng giai đoạn lịch sử, nhưng khi tác phẩm không chú tâm vào một vấn đề tư tưởng nào, lại chọn cách thể hiện theo trình tự thời gian cổ điển thì việc tác giả bỏ qua hoặc giản lược quá mức nhiều thời đoạn lịch sử quan trọng đã làm cho NKĐC mất sự cân đối, hài hoà. Ví như tác giả đã dành gần 300 trang (trong tổng số 576 trang) cho giai đoạn từ 1940-1945; còn 9 năm kháng chiến chống Pháp chỉ được nhắc qua trong mấy trang ở chương 13. Các giai đoạn sau, kể cả sự kiện chấn động đặc biệt với Huế như “Tết Mậu Thân”, cũng chỉ được thể hiện một cách ngắn gọn, sơ sài. Cũng có thể là tác giả né tránh hoặc thiếu “thực tế”, nên ngại đi sâu miêu tả; nhưng tôi có cảm giác là tác giả đã “ôm” một đề tài quá sức mình - tôi muốn nói đến sức khoẻ theo nghĩa đen vì mấy năm qua Hà Khánh Linh phải đánh vật trên trang viết trong khi bệnh tim luôn đe doạ.

Thực ra, quan trọng hơn sự cân đối về nội dung cũng như việc dành số trang nhiều hay ít cho từng phần của tiểu thuyết là cách đặt vấn đề trong tác phẩm có “trúng” không - nghĩa là tác phẩm có nêu được những vấn đề về lẽ sống, lý tưởng... có ý nghĩa thời đại mà con người luôn phải bận tâm trăn trở trong quá trình hoàn thiện nhân cách, trong tiến trình lịch sử đã diễn ra không? Đây chính là yếu tố làm nên “sức nặng” của tiểu thuyết chứ không phải ở số trang. Nếu tôi không nhầm thì đây cũng là điểm yếu của tiểu thuyết Việt hiện đại. Một số cuốn phần nào có được “sức nặng” tư tưởng thì thường có số trang mỏng (như các tiểu thuyết của Nguyễn Khải) và do tính luận đề trội hơn cá tính và số phận nhân vật, nên tuy người đọc thích thú nhưng độ rung cảm không được lâu bền. Trong NKĐC, có lẽ tác giả phải “quản lý” điều hành một số lượng nhân vật quá đông, lại bận tâm về việc kể chuyện đời của họ, nên gần như đã bỏ qua việc khai thác, thể hiện điều cốt yếu nói trên. Cũng có thể tác giả quan niệm: mình cứ kể chuyện đời, thuật lại các biến cố, nào ông A lấy bà B, đẻ mấy con, cô M lấy tướng Sài Gòn, anh H lên rừng... vân vân và vân vân, ý nghĩa, đạo lý từ đó sẽ toát lên. Kể ra, làm được như vậy cũng tốt, nhưng theo tôi, trong NKĐC, ngoài việc bỏ qua (hoặc chỉ nhắc đến sơ sài) nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử, tác giả chưa chọn được chuyện đời và các biến cố truyền tải được những vấn đề có sức nặng tư tưởng. Mặt khác, các nhân vật, kể cả nhân vật chính Bửu Toàn, chưa được tác giả đi sâu về mặt tâm lý; trước những biến cố long trời chuyển đất, diễn biến tâm trạng của nhân vật còn đơn giản hoặc bị bỏ qua. Tiểu thuyết kết thúc ở ngày cuối cùng của thế kỷ 20, vậy mà bao nhiêu vấn đề lớn lao đặt ra trước và sau giai đoạn Đổi Mới hầu như không được tác giả đề cập đến.

3.- Có thể đòi hỏi như trên là quá cao đối với một tiểu thuyết, tuy đã dày đến gần 600 trang. Theo quan niệm thông thường về TTST, với dung lượng lớn như NKĐC, nếu muốn thể hiện được đầy đủ thì có khi cần đến hàng ngàn trang như “Chiến tranh và hoà bình” (của L.Tôn-xtôi) hoặc như “Sông Đông êm đềm” (của M. Sô-lô-khốp). Vấn đề đặt ra là: Khi chưa đủ sức viết một bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ như thế hoặc không nên viết những bộ sách dày như thế vì “văn hoá đọc” ngày nay đã khác xưa thì có lẽ phải tính đến những phương cách khác; hoặc là chọn đề tài vừa phải, cô đọng hơn, hoặc là phải nghĩ đến vấn đề đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết. Đây là vấn đề không đơn giản vì bản thân tiểu thuyết chưa bao giờ có một định nghĩa cố định khép kín, nên có thể nói “đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết” là chuyện vô cùng.

Tuy vậy, với những kinh nghiệm và thành tựu của tiểu thuyết trong và ngoài nước, chúng ta cũng bước đầu nhận thấy, ngoài phương pháp cổ điển trần thuật theo trình tự thời gian đã có nhiều phương pháp khác đắc dụng hơn, có thể phản ánh một hiện thực lớn, đặt ra những vấn đề lớn về nhân sinh với số trang vừa phải. Chưa kể đến những thử nghiệm cách tân táo bạo, hay những phương pháp “đồng hiện” và “dòng ý thức”..., chỉ cần khéo sử dụng biện pháp hồi tưởng cũng đã có thể tránh được sự dàn trải mà lại sơ lược kể trên. Thực ra, đổi mới tiểu thuyết không chỉ nhằm giảm độ dày của cuốn sách mà chủ yếu để tiểu thuyết làm tốt nhất chức năng dành riêng cho nó. Để tránh lý luận dông dài, xin dẫn một điều dễ thấy: để kể chuyện đời và các biến cố lịch sử, hồi ký và nhất là phim truyền hình nhiều tập có rất nhiều thuận lợi; nhưng miêu tả chiều sâu tâm lý nhân vật, những mặt chìm, lẩn khuất hoặc huyền nhiệm như vô thức và tâm linh thì có lẽ chỉ tiểu thuyết mới có khả năng diễn tả có hiệu quả.

Bản thân mình, tuy đã viết dăm bảy cuốn tiểu thuyết, cũng đã thử vận dụng một vài cách thể hiện mới, nhưng chưa có gì đáng gọi là thành công và tôi vẫn bị xếp vào loại “cổ điển-bảo thủ”. Nói vậy để muốn thưa rằng: những ý kiến nêu trên hẳn còn nhiều chỗ chưa thấu đáo, thậm chí sai sót, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh: “đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết là việc cần thiết” thì chắc không sai. Rất mong được tác giả thông cảm và mong được các bậc thức giả chỉ bảo thêm.
                      N.K.P

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)