Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Quan trường xưa và nay
16:39 | 28/11/2008
TRẦN ĐỨC ANH SƠNCuối tuần rảnh rỗi, tôi rủ mấy người bạn về nhà làm một độ nhậu cuối tuần. Rượu vào lời ra, mọi người say sưa bàn đủ mọi chuyện trên đời, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng bỏng như: sự sa sút của giáo dục; nạn “học giả bằng thật”; nạn tham nhũng...

Mỗi người một ý, nhưng cuối cùng đều thống nhất rằng: trong chuyện giáo dục, học hành và quan trường, giữa XƯA và NAY, có 3 điều khác biệt cơ bản, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đó là:
- Thứ nhất, XƯA, nam nhi lập thân theo phương châm Tiến vi quan, thoái vi sư; còn NAY thì Tiến vi sư, thoái vi quan.
Trong xã hội cũ, người ta dùng sự học để lập thân và thay đổi địa vị xã hội. Bằng tài học, thông qua con đường khoa cử, người ta hy vọng bước một bước dài từ tầng lớp bị trị lên hàng ngũ thống trị. Mục đích cuối cùng của sự học là để ra làm quan. Khi triều đại phong kiến hưng thịnh, quyền lợi của giai cấp thống trị phù hợp với quyền lợi của đông đảo nhân dân, thì những người đã học hành thành đạt phải ra làm quan để giúp dân, giúp nước. Tuy nhiên, khi giai cấp thống trị đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, xã hội lâm vào khủng hoảng, rất nhiều ông quan đã xuất xử kịp thời, đúng với đạo hành tàng của Nho gia, lui về trí sĩ. Họ trở lại làm thầy để dạy dỗ thế hệ trẻ, cũng là để phản ứng với triều đại bất chính mà họ từng phụng sự. Những tấm gương: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... là những minh chứng sống động cho phương châm Tiến vi quan, thoái vi sư ấy.

Ngày nay thì khác, rất nhiều quan chức trong bộ máy công quyền vốn xuất thân từ nghề giáo. Trước tiên, họ đi học để làm thầy (chứ không phải để làm quan). Sau đó, do tài năng của họ, hoặc do cơ cấu, hoặc đôi khi, do hợp “cạ” với cấp trên, họ được đề bạt làm quan chức. Người thầy có tài, có tâm, nay ra làm quan, biết đem cái sở học, sở đức của mình mà giúp dân giúp nước, thì dân và nước được nhờ. Nhưng số này, theo đánh giá chung, thì ít lắm. Nhiều người thầy tuy có tài và có tâm, nhưng khi dấn thân vô chốn quan trường, phải họp hành, công tác (thậm chí phải nhậu nhẹt) liên miên, nên không có thời gian trau dồi tri thức. Kết quả là học hàm, học vị, chức vụ đều thăng tiến, chỉ có tri thức là suy thoái. Trong khi đám học trò của họ, do trẻ hơn nên có sức khỏe, chịu khó đi đây đi đó để thâu nạp kiến thức; có khả năng nắm bắt ngoại ngữ nhanh hơn; lại biết xài computer, nên đã download được những tri thức tiên tiến của nhân loại để phục vụ cho sự nghiệp của mình. Đến đây, bi kịch bắt đầu xảy ra: nhiều vị quan gốc sư ấy thấy trò giỏi hơn mình nên ganh tị, thậm chí ngăn chặn, kìm hãm; cái sự Thoái vi quan bắt đầu hiện rõ nguyên hình.

- Thứ hai, XƯA, phải đỗ đạt mới được bổ ra làm quan; còn NAY thì ra làm quan rồi mới tính kế đỗ đạt.
 
Ngày trước, người giữ các chức quan trong bộ máy cai trị phải trải qua chuỗi ngày “sôi kinh nấu sử” và được “sàng lọc” qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, rồi mới có điều kiện gia nhập chốn quan trường. Tuy nhiên, số người đỗ đạt cao như tiến sĩ, trạng nguyên... không nhiều lắm. Phần lớn quan chức ngày xưa chỉ đỗ hương cống, cử nhân... nhưng không vì thế mà “sở tri”, “sở trí” của họ bị hạn chế và sự nghiệp làm quan của họ bị ảnh hưởng. Nhà Nguyễn cầm quyền 143 năm của, tổ chức 39 kỳ thi hội chỉ chọn được 293 vị tiến sĩ. Thế nhưng trong số 293 vị tiến sĩ ấy, có nhiều người vì các lý do khác nhau, đã không ra làm quan, hoặc chỉ làm quan một thời gian ngắn thì treo ấn từ quan, nhưng danh thơm của họ vẫn mãi lưu truyền hậu thế.

Ngày nay, nhiều quan chức của ta, được làm quan là do “cơ cấu”, dù học vấn và đạo đức của họ còn kém xa “phó thường dân”. Thậm chí, có người không qua trường lớp chính quy nào, tài cán cũng chẳng ra gì, nhưng nhờ các “cơ duyên” như: thành phần; lý lịch; các chính sách cơ cấu: vùng miền, nam nữ, sắc tộc...; chạy chọt, hay do đắc lợi trong các cuộc đấu tranh phe phái... bỗng dưng được cất nhắc, đề bạt và trở thành quan to. Sau khi đã là quan lớn, đám người này mới tính kế đỗ đạt, mà lại đỗ đạt rất cao, rất nhanh và cũng rất mờ ám. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và đào tạo, đến tháng 6/2004, Việt Nam đã có 13.500 tiến sĩ, nhưng chỉ có khoảng 500 người (3,7%) có sản phẩm được quốc tế ghi nhận. (Nguồn: Phạm Lệ Bình, “Thất nghiệp ám ảnh tri thức trẻ”, Sinh viên Việt , Số 26, Tuần từ 30/6 đến 7/72004). Chỉ trong 60 năm của nền giáo dục XHCN, chúng ta đã đào tạo (và nhờ người khác đào tạo) được 13.500 tiến sĩ, gấp 46 lần số tiến sĩ nhà Nguyễn có được trong 143 năm tồn tại của triều đại này. Quả là một thành tích đáng khâm phục. Tuy nhiên, theo công bố của ông bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo hồi trước Tết Bính Tuất thì có đến 30% trong số 13.500 tiến sĩ kia là đồ “vô dụng”. Cũng chưa ai nghe có vị quan chức - tiến sĩ của ta nào từ chức cả. Ngược lại, họ luôn tìm cách nắm dấugiữ ghế cho đến khi sức tàn lực kiệt, mặc dù nhiều vị, đáng lý phải bị cách chức và tống ngục từ lâu do những sai phạm trong nghiệp làm quan của họ.

- Thứ ba, XƯA, quan chức hưu trí thường về quê mở trường hoặc lập chùa; còn
NAY, thì mở khách sạn và lập công ty.
Quan viên thuở trước khi về hưu dưỡng thường mở trường để “truyền bá sở học” cho con em nơi cố hương, hoặc lập chùa để “tích đức” cho dân tình nơi bản quán. Có nhiều vị sau khi hồi hưu thì vừa làm thầy giáo để truyền đạt kiến thức; vừa làm thầy chùa để trao truyền đức độ cho lũ trẻ nơi thôn dã. Có những người thầy còn thâu nhận học trò làm con, hoặc đối xử với học trò như với con cái của mình. Thầy cho trò chữ, cho cả cơm ăn, áo mặc, thậm chí cho cả hạnh phúc khi góp tay dựng vợ gả chồng cho học trò của mình.
Quan chức ngày nay, sau khi “hạ cánh an toàn” thì không ai mở trường, lập chùa nữa. Những của nả tích lũy và kiếm chác từ nhiều nguồn, bằng nhiều cách khác nhau, đã tạo cho họ nguồn vốn dồi dào để lập công ty hay mở nhà hàng, khách sạn, kinh doanh kiếm lãi. Thay vì tích lũy “sở học” và trao truyền “sở đức” cho lớp trẻ, những ông quan thời nay chỉ có một mục tiêu duy nhất là tích tụ tư bản cho con cái họ mà thôi.

Ô hô, sự khác biệt sao mà lớn quá. Mấy anh bạn rượu của tôi sau khi đúc kết những điều trên, thì tặc lưỡi bảo nhau: “Thời nào, thế đó”, rồi cùng nhau ngữa cổ dốc cạn chung rượu, kết thúc cuộc nhàn đàm.
Bỗng nhiên tôi thấy một người trong số họ lén rút khăn tay lau nước mắt. Có phải anh ta vì say mà khóc không nhỉ?
                        T.Đ.A.S.

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)
Các bài đã đăng