Tạp chí Sông Hương - Số 207 (tháng 5)
Từ thành tựu của các Festival Huế, nghĩ về một thành phố Festival đích thực
10:32 | 01/12/2008
BỬU NAMI. TỪ CÁC THÀNH TỰU:I.1. Huế đã tổ chức được ba Festival lớn vào các năm 2000, 2002, 2004, và chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Festival 2006 sẽ được diễn ra.

Các Festival mỗi lần được tổ chức sau đều đặc sắc hơn, có nhiều cái mới, tính chuyên nghiệp càng ngày càng cao thể hiện ở kết cấu chương trình phong phú và hết sức đa dạng, có sự phối hợp nhịp nhàng và nhuần nhuyễn giữa các 3 chương trình: Chương trình IN (chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, độc đáo, có bán vé), Chương trình OFF (Các hoạt động lễ hội văn hóa - nghệ thuật mang tính cộng đồng, danh cho công chúng rộng rãi, miễn phí), và chương trình hưởng ứng (gồm các hội thảo khoa học, chẳng hạn hội thảo 700 năm văn hóa Phú Xuân, và các triển lãm nghệ thuật đồ gốm, hoa, thư pháp, Festival thơ, trại sáng tác điêu khắc quốc tế, trại sáng tác âm nhạc quốc tế và liên hoan công diễn, ngày hội bia...)
- Ấn tượng chung là các Festival này mang tính quy mô, hoành tráng, lạ, mới, đặc sắc. Festival Huế đã trở thành một địa chỉ đến đầy quyến rũ, thu hút công chúng, du khách quốc nội và khách quốc tế. Hay có thể nói Festival Huế đã trở thành một “thương hiệu” uy tín, có tiếng vang và nổi danh.

I.2. Festival do Huế tổ chức có thể như một loại hình tổng hợp lớn, liên hoan văn hóa/nghệ thuật quốc tế vừa kết hợp với các lễ hội cộng đồng và du lịch. Đây là một hình thức đặc sắc vừa phát huy được văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo cố đô vừa kết hợp với văn hóa nghệ thuật ưu tú của các vùng, miền trong cả nước vừa thu hút các đoàn nghệ thuật lớn các nước, các quốc gia và khu vực trên thế giới. Chẳng hạn, Huế được UNESCO công nhận di tích văn hóa phi vật thể, đó là Nhã nhạc cung đình Huế vào năm 2003, năm 2004 đã có chương trình tái hiện không gian văn hóa nghệ thuật đó. Năm nay, 2006 sẽ tổ chức biểu diễn phối hợp giao lưu của 3 nền nhã nhạc cung đình Đông Á lớn đó là đoàn nhã nhạc cung đình Quang Du (cố đô Hàn Quốc), đoàn nhã nhạc Nhật bản gồm 15 nghệ sĩ vừa thể hiện nghi lễ vừa múa, bên cạnh đoàn nhã nhạc và múa cung đình Huế. Hoặc một chương trình âm nhạc của nghệ sĩ Peter Orins và đoàn nhạc công Pháp (vùng Nord Calais) sẽ phối kết tính đương đại của nhạc điện tử với âm nhạc truyền thống Huế và nhạc Phật giáo sẽ được dàn dựng ở sân khấu trung tâm Cung An Định Huế vào đêm 3/3/2004. Các liên hoan văn hóa nghệ thuật này đáp ứng khẩu hiệu “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Hoặc chẳng hạn, bên cạnh tính truyền thống của đoàn Điền kịch Trung Quốc, “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Lễ hội Nam Giao”, “Lễ hội Truyền Lô”, “Vũ khúc cung đình”, “Trò chơi cung đình”, ta lại thấy có tính hiện đại ở nhạc kịch jazz Mercal Unit (kịch vùng cát Việt - Pháp), nhạc Tango của đoàn Áchentina, nhạc điện tử của đoàn Pháp... Ngay cả “lễ hội Áo dài” vừa kết hợp vẻ đẹp truyền thống và sự hiện đại trong cách tân kiểu dáng và biểu diễn thời trang gây ấn tượng. Hoặc vũ điệu “Hạn hán và cơn mưa” của nữ đạo diễn Eo Sola vừa cho thấy một điều gì rất Việt Nam truyền thống lại vừa rất đương đại của thế giới.

I.3. Có thể nói thành tựu của các Festival Huế vừa rồi và đang sắp diễn ra, đó là Huế đã biết chọn cho mình một điểm khởi hành đúng, một cách đi thông minh, vừa linh hoạt, vừa tiếp thu được công nghệ Festival của Pháp chuyển giao một cách sáng tạo, vừa huy động được sức mạnh văn hóa nghệ thuật của cả nước, có một chiến lược vận động ngoại giao khéo léo, linh hoạt để thu hút các đoàn nghệ thuật lớn thế giới, các nghệ sĩ ưu tú nước ngoài, vận động được nguồn tài trợ lớn từ các tổ chức, các công ty quốc tế và quốc nội để đảm bảo được 70% kinh phí (6 đến 7 tỉ đồng). Đặc biệt Festival Huế đã thu hút các tài năng lớn của các nghệ sĩ Việt Kiều như Lê Bá Đảng, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiên Đạo, Ea Sola...

I.4. Mối quan hệ giữa thành phố di sản văn hóa và thành phố Festival: Huế là một thành phố di sản văn hóa quốc tế, nó có hai di sản: một di sản về quần thể kiến thúc cổ, “một bài thơ về kiệt tác kiến trúc đô thị” (được UNESCO công nhận 1993), một di sản về văn hóa phi vật thể “Nhã nhạc cung đình” (được UNESCO công nhận năm 2003) và tương lai gần có thêm di sản thiên nhiên “sông Hương”, một thứ “ngọc gia bảo” của Huế (hồ sơ công nhận đã làm công phu, tổ chức UNESCO đã dục, nhưng có vài trở ngại đột xuất phút cuối). Là thành phố di sản văn hóa của nhân loại, nhưng Huế rất nghèo, được xếp vào các tỉnh nghèo của toàn quốc. Các lần tổ chức Festival qui mô, hoành tráng này sẽ là động lực giúp sinh động hóa các di sản, đưa các di sản vào phục vụ cuộc sống một cách hiện đại, vừa bảo tồn, tôn tạo được các di sản. Chẳng hạn các không gian di sản Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội (Điện Cần Chánh, Điện Thái Hòa, Duyệt Thị Đường, Điện Kiến Trung, Hiển Lâm Các...), Cung An Định sẽ là nơi tổ chức Đêm Hoàng Cung lộng lẫy với hàng loạt các đoàn nghệ thuật quốc tế, hoặc Đàn Nam Giao, Hoàng Cung, và 2 bên bờ sông Hương là nơi tổ chức tái hiện lễ hội Nam Giao hoành tráng với hàng trăm diễn viên và 7 vạn khán giả. Lễ hội Nam Giao có một ý nghĩa sâu xa và có tính chất tâm linh: Cầu cho quốc thái, dân an, thịnh vượng đất nước, thái bình thế giới... Không gian có “di sản tương lai sông Hương” sẽ là nơi dàn dựng lễ hội sông nước, cầu Tràng Tiền với dàn đèn màu lung linh ở trên sông Hương huyền ảo, đã từng là không gian dàn dựng “lễ hội thời trang áo dài” một cách hoành tráng (2002)...
- Thành phố của di sản văn hóa thế giới và thành phố Festival sẽ chắp cánh cho nhau, nâng đỡ nhau bay thật xa ở tương lai. Và hai kiểu thành phố có mối quan hệ tương hỗ biện chứng trong một thành phố duy nhất với một cái tên đầy âm vang: Cố đô Huế.

II. ĐẾN MỘT THÀNH PHỐ FESTIVAL ĐÍCH THỰC:
II.1. Nhưng, một vấn đề được đặt ra ở góc độ nghiên cứu là Huế có phải đã là một thành phố Festival đích thực chưa?
- Ở một ý nhất định nào đó, Huế đã và đang tổ chức 4 Festival quốc tế hoành tráng và có tiếng vang thì ta gọi Huế là thành phố Festival, nhưng nếu nhìn ở một bình diện rộng lớn hơn và sâu sắc hơn, đúng nghĩa hơn thì Huế mới đi những bước chập chững đầu tiên của một thành phố Festival, đang nỗ lực phấn đấu để trở thành nó. Một thành phố Festival đích thực và đúng nghĩa là một thành phố sống được bằng cách tổ chức các Festival liên tục, từ quy mô lớn (như Festival các năm chẵn của Huế: 2000, 2002, 2004, 2006...) đến các quy mô vừa các năm lẻ, các mùa xuân, hạ, thu, đông, thậm chí các tháng, các tuần lễ... Có thể dùng một hình ảnh so sánh thành phố Festival như con lật đật “Ma-rútx-ca” của Nga. Trong một con lớn chứa đựng con vừa, con vừa chứa đựng các con nhỏ hơn và cứ thế có hàm chứa các con nhỏ hơn nữa. Hoặc như các lượn sóng kế tiếp nhau từ nhỏ đến vừa, đến lớn đỉnh điểm...

Một thành phố Festival như vậy sẽ có Festival quy mô lớn như Festival các năm chẵn, qui mô vừa ở các năm lẻ, qui mô nhỏ hơn ở các mùa trong năm, qui mô nhỏ hơn nữa ở các tháng, các tuần...
Đó là kiểu thành phố Festival Bucarétx ở Hung-gari, một số thành phố ở Pháp và ở Tây Ban Nha...
Các Festival được tổ chức với rãi ra liên tục như thế với quy mô vừa và nhỏ như thế sẽ thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế và quốc nội, và người dân Huế có thể có thu nhập từ các dịch vụ du lịch. Chính như vậy mới tạo được sự hài hòa giữa thành phố di sản văn hóa và cảnh quan, và thành phố Festival. Sản phẩm du lịch của Huế luôn luôn phải được hòa quyện giữa du lịch văn hóa, di tích, cảnh quan sinh thái và du lịch lễ hội, liên hoan nghệ thuật trong từng tháng, từng mùa, từng năm. Và mặt khác chính nhờ du lịch phát triển lại có điều kiện và nguồn tài chính để tôn tạo di tích, xây dựng các chương trình Festival lớn, vừa, nhỏ.

- Hiện nay, có nhiều người cho rằng Festival các năm chẵn quá phong phú, đa dạng đến người thưởng thức bội thực. Cần tiến hành xử lý cách các Festival trong mối quan hệ biện chứng giữa phân tán và tập trung, giữa quy mô lớn, vừa, nhỏ, giữa các khoảng thời gian 2 năm, 1 năm, các mùa, các tháng...
Vậy có người hỏi các chương trình Festival qui mô vừa, nhỏ sẽ có nội dung như thế nào và cách tổ chức, đội ngũ điều hành, tổ chức ra sao, tài chính và kinh phí như thế nào, mục tiêu và ích lợi như thế nào?

II.2. Các nội dung của các Festival năm lẻ, các mùa, các tháng:
Có thể hình dung các nội dung như sau, chẳng hạn:
II.2.1. Festival năm lẻ 2007, 2009... Festival ẩm thực Việt Nam và quốc tế, kết hợp các lễ hội tôn vinh các ngành nghề thủ công Huế - Việt Nam, thế giới, với liên hoan âm nhạc dân gian Việt Nam - thế giới (trong đó sẽ có lễ hội bia, lễ hội rượu truyền thống Việt Nam - quốc tế).
II.2.2. Festival mùa xuân (Nhã nhạc cung đình giao lưu 4 nước Đông Á: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) và lễ hội Nam Giao qui mô vừa, lễ hội thời trang áo dài qui mô vừa, liên hoan ẩm thực cung đình, các trò chơi cung đình và dân gian mùa xuân, lễ hội “Té nước” Lào, Campuchia, Thái...
II.2.3. Festival mùa hạ (Liên hoan văn nghệ thanh niên và HSSV quốc tế, các lễ hội Cácnavan Bradin, hoặc Đức, Pháp, Philippin, liên hoan ẩm thực Đông Nam Á...)
II.2.4. Festival mùa thu (Liên hoan nhạc nhẹ chủ đề tình yêu các nước Đông Á, triển lãm hội họa truyền thống và đương đại thế giới, liên hoan múa rối, xiếc...) ẩm thực chung.
II.2.5. Festival mùa đông (Liên hoan nhạc Rock, nhạc jazz, quốc tế, liên hoan các điệu vũ dân gian, ẩm thực các nước Nam Á và Ả Rập, ẩm thực Miền Trung và Miền Nam Việt Nam.
II.2.6. Có thể tổ chức các Festival tôn giáo như Liên hoan Phật giáo (lễ hội xe hoa, thuyền hoa, các hoạt cảnh tái hiện truyện tiền thân Đức Phật...), du lịch thăm chùa Huế, ẩm thực chay, Thư pháp, trà đạo, dự các buổi toạ thiền, diễn các kịch Phật giáo như Tuyết tháng Tám (Bát nguyệt Tuyết) của Cao Hành Kiện (vừa dàn dựng thành công ở Đài Loan 2002). Hoặc các lễ hội Noel, lễ hội Tiên thiên thánh giáo...
II.2.7. Và cũng có thể nghĩ ra các Festival nhỏ của các tháng với qui mô nhỏ hơn (nhưng cũng phối hợp 3 chương trình IN, OFF, chương trình hưởng ứng...) như Festival hoa khôi SVHS, Festival biểu diễn thời trang, Festival biểu diễn võ thuật Việt Nam và Á Đông, Festival kịch câm, Festival nhạc giao hưởng, Festival phim...
- Các Festival này cần tham khảo các nội dung ở các thành phố Festival quốc tế và ở thế giới để sáng tạo lại.

II.3. Về cơ cấu tổ chức thành phố Festival
II.3.1. Để làm được các Festival liên tục như vậy, cần phải có một Trung tâm, Công ty và Hiệp hội làm Festival chuyên nghiệp, có Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, các phòng ban lo sáng kiến, lo tài chính, lo nội dung, lo tuyên truyền.
II.3.2. Hiện nay Trung tâm Festival Huế vẫn do nhà nước đảm nhận, chẳng hạn Ban tổ chức Festival do Phó chủ tịch phụ trách văn xã + Giám đốc Sở VHTT + Trưởng phòng VHTT... và các cán bộ các Sở ngành điều sang. Còn như Nhật Bản và các nước Châu Âu từng thực hiện, lúc đầu Nhà nước làm, Thành phố làm, dần dần chuyển cho tư nhân, liên doanh, các công ty cổ phần đảm trách và Nhà nước chỉ còn có vai trò quản lý, cố vấn, tham mưu và giúp đỡ về các phương diện.

II.3.3. Có thể hình dung Hiệp hội Festival Huế là một tổ chức bao gồm các thành viên là Công ty du lịch, các Giám đốc khách sạn, phối hợp với các thành viên ngành văn hoá thông tin và Bảo tồn bảo tàng, các thành viên các tổ chức tài trợ quốc tế, các nghệ sĩ tài danh, các đoàn nghệ thuật nổi tiếng... Làm thế nào để cho chính các đơn vị du lịch tham gia tiền của, người vào, chính đây họ cần đầu tư lâu dài và họ có lợi nhất.
- Từ Hiệp hội này sẽ bầu ra Ban Quản trị Trung tâm Festival, lập Công ty, cử Ban giám đốc Công ty và hoạt động như một công ty hoặc cổ phần, hoặc liên doanh, hoặc tư nhân... dưới sự bảo trợ của Tỉnh, Thành phố.
II.3.4. Cơ cấu tổ chức này sẽ đảm nhiệm và vận hành các chương trình, Festival mời các đoàn nghệ thuật, tự vận động tài chính và kinh doanh + ở các Festival lớn, vừa, nhỏ...
+ Trung tâm Festival nhà nước cũ sẽ dần dần chuyển giao công nghệ và giúp đỡ cán bộ để Trung tâm Festival chuyên nghiệp do Hiệp hội Festival thành lập.
- Chính nó cần phải có một tổ chức Festival chuyên nghiệp mới có thể xây dựng một thành phố Festival đúng nghĩa.
- Trung tâm Festival này sẽ thúc đẩy sự hình thành “Huế by night”, các phố đêm ở Huế kết hợp vui chơi liên hoan văn nghệ và mua sắm...
Trung tâm này sẽ cử các cán bộ, nhân viên đi đào tạo ở các thành phố Festival thế giới...

II.3.5. Nếu xây dựng được một thành phố Festival đúng nghĩa như vậy, sẽ thúc đẩy dịch vụ du lịch Huế phát triển, các di sản văn hoá Huế sẽ được bảo tồn một cách sinh động và người dân Huế có thể sống bằng thu nhập từ Festival. “Nền công nghiệp không khói” của Huế sẽ đem lại GDP cao không kém các ngành công nghiệp khác, đẩy nhanh tốc độ phát triển của Huế, mức sống của người dân... Và thành phố Festival sẽ như một chàng hoàng tử đem tình yêu và sự sống đến cho nàng công chúa “di sản” ngủ giữa tĩnh lặng, nói như một nhà thơ.
B.N

(nguồn: TCSH số 207 - 05 - 2006)

 

Các bài mới
Con chó (01/12/2008)
Nói: làm (01/12/2008)
Thói đồi bại (01/12/2008)
Xưa rồi (01/12/2008)
Các bài đã đăng